Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016
Ngự Thuyết: Đà Lạt (Kỳ 4)
Gia đình nó trải qua nhiều gian lao cuối cùng cũng tới được chốn quê hương mà nó dần dần cảm nhận một phần nào những nét đẹp lạ lùng, và thần bí của cố đô, của đền đài miếu mạo rêu phong, u uẩn, của sông núi trông như những bức tranh thủy mặc. Một thành phố khốn đốn nhưng trang trọng và sang cả nằm co cụm như một ốc đảo bao vây bởi những làng quê xôi đậu ngập chìm trong khói lửa không bao giờ dứt. Nhưng hồi ấy nó chỉ biết đó là nơi nó được sinh ra, nơi trên giấy khai sinh ghi là chánh quán của nó, tầm mắt nó chỉ thấy được bàn thờ ông bà tổ tiên âm u hương khói, mồ mả lạnh lẽo đầy cỏ cú, cỏ may, sim dại nằm ven những chân đồi, chân núi. Và thấy rõ hơn hết là hình bóng của bà nội tóc bạc phơ, móng tay dài ngoằn cong queo, người héo quắt như thân chuối khô, sống "một mình chóc ngóc" trong ngôi nhà từ đường cũ nát, những tháng năm loạn lạc, đói kém, con cháu mỗi người đi một ngả. Bà nội giỏi chữ Hán, thỉnh thoảng đọc mấy câu thơ lạ. Và lạ hơn nữa bà nói bà đã quen sống với rắn, những con rắn lồng đục thủng những mắt ống tre để đuổi chuột, thỉnh thoảng buông mình từ sà nhà xuống lưng chừng gian nhà quạnh hiu, vắng teo, đu đưa cái đầu bóng loáng cùng cặp mắt thôi miên, nhìn bà.
Gia đình nó
từ Đà Lạt tản cư về, bà nội vui hẳn lên. Nhưng ngày vui ngắn. Chẳng bao lâu gia đình nó, lần này thêm bà
nội, lại kéo nhau chạy ra hướng bắc tản cư đến những làng quê thuộc tỉnh Quảng
Trị khi mặt trận ở Huế vỡ. Nó nhớ mang máng vài nơi mà gia đình nó đã chạy tới
như Ngô Xá, Mai Xá. Tiếp theo, thảm họa xẩy đến với gia đình nó. Cuối cùng nó
lại hồi cư trở về quê hương chánh quán tang tóc, nghèo khó, chứ không phải về
thành phố của những ngày thơ ấu. Bà nội sống còn sau lần chạy giặc ấy hồi cư về
ngôi nhà từ đường cũ nay càng tiều tụy hơn, rắn lồng lui tới càng nhiều hơn.
Những khi không thấy ai, bà tưởng thế chứ thực ra nhiều lúc nó tình cờ đứng
quanh quẩn đâu đấy, bà lẩm bẩm, "rắn
lồng lộn lạo thủy tinh lờ mờ". Bà
nói gì vậy, lớn lên nó cũng chẳng hiểu.
Khi học xong ở Huế, nó lại ra đi.
Bà ở lại một mình rồi qua đời.
IV
Mười năm sau tôi trở lại Đà Lạt. Tôi đi
từ Huế. Có người cho rằng sau một thời gian dài trở về nơi đã sống từ thuở thơ
ấu ta thường thất vọng. Tầm nhìn xa hơn, hiểu biết rộng hơn, kinh nghiệm sống
nhiều hơn sẽ làm mất mát đi rất nhiều điều mà ta trông chờ nơi quê cũ. Những
nhận xét ấy liệu có áp dụng được vào trường hợp của tôi hay không?
Chiếc máy bay Bristol hai động cơ đáp
xuống phi trường Liên Khương, hồi tôi còn bé tên của nó là Liên Khàng, vào buổi
trưa có nắng, gió, và lạnh. Tôi bồi hồi xúc động. Tôi cảm nhận ra ngay rằng Đà
Lạt muôn vàn thương nhớ bây giờ vẫn giữ được một cách rất kín đáo những nét
hoang sơ ngày xưa, đồng thời đang tỏa ra biết bao nhiêu hương sắc, âm thanh,
hình dáng mới. Thật ra tôi của những năm tháng ngu ngơ ngày xưa làm sao nhận ra
được khuôn mặt lung linh, huyền ảo của thành phố cao nguyên này. Đà Lạt ngày
xưa của tôi chỉ là thành phố của những mùa vui chơi hồn nhiên, thơ dại với hoa
cỏ, núi rừng, của con dế lửa gáy vang lừng một buổi sáng mưa lâm râm, của con
chó Ba Tô những ngày đầu tản cư hoang mang.
Chiếc xe hơi
của hãng Hàng Không Việt Nam đưa tôi từ phi trường về trung tâm thành phố vượt
qua những cánh rừng thông ngút ngàn, những thung lũng cũng thông xanh trùng
trùng điệp điệp, vượt qua con đèo dài ngoằn ngoèo cũng thông và thông tràn
ngập.
Tôi đi xuyên qua màu xanh phơn phớt của
những cành thông non chìa tay ra làm thành vòm trên cao vẫy gọi, màu xanh thắm
của những hàng thông mọc hai bên đường hân hoan đón mừng, màu xanh thẫm dần của
những lớp thông chen chúc đằng sau xa
nô nức chen nhau chờ đợi, hết lớp này đến lớp khác, những màu xanh đậm
nhạt khác nhau chồng lên nhau, quyện vào nhau, dàn trải ra thật xa và thật sâu
đến tận cuối tầm mắt. Tôi cảm thấy tôi biến thành gió mang theo hương thơm của
hoa rừng cỏ nội, của những lớp vỏ thông khô, nhựa thông nâu, phấn thông vàng.
Tôi cảm thấy tôi biến thành nốt nhạc hòa điệu trong những đợt âm thanh vi vu. Tiếng gì đó nhỉ? Vâng, tôi nhớ
ra rồi - tiếng thông reo.
Hàng vạn, hàng triệu cây thông vừa mới
chạy dồn về đây chen nhau đứng sẵn trước cửa ngõ Đà Lạt nghênh tiếp người trở
về.
Xe đưa tôi đi dưới những ngọn nắng êm
êm, những ngọn gió mát rười rượi, những vạc sương lác đác phủ mờ mờ trên nhiều
chặng đường. Tôi đi sâu vào bầu không gian càng lên cao càng tinh khiết hơn,
càng tỏa ra cái lạnh se se, xao xuyến đến bùi ngùi. Nước mắt rưng rưng. Nếu
không có hành khách đi cùng xe, tôi khóc. Đi hết con đường đèo, thông thưa dần.
Qua khỏi một ngọn dốc nữa, kìa, thành phố của tuổi thơ đây rồi, quen thuộc như
đã thấy trong nhiều giấc mơ, những mái ngói đỏ tươi, những mái ngói nâu sẫm,
những khung tường nhiều màu, những hàng cây xanh mướt, những cụm thông trên
những đồi cỏ tròn như bát úp tụm năm tụm ba thủ thỉ chuyện trò, những hàng rào
làm bằng nẹp gỗ mỏng sơn trắng thật thấp, thật dài và thật sơ sài chạy tung
tăng lượn vòng vèo, những con dốc thoai thoải đổ êm êm xuống các khu vườn trồng
khoai tây, cà chua, xà lách, bắp sú, đậu hòa lan. Và kia kìa, soi bóng cây trên
đồi, soi mây trời buổi xế chiều, soi cái tháp chuông cuả ngôi nhà thờ trên cao
có hình con gà, là mặt hồ nước trong
xanh, sóng lăn tăn.
Tôi trở lại
Đà Lạt vào mùa hè 1955. Mười năm về
trước, tôi nhỏ xíu, mà thành phố cũng nhỏ như tôi. Nay đã khác rồi, cả hai đều khác, Đà Lạt và
tôi.
Đà lạt đang
lớn lên, đang trở thành một thiếu nữ khuê các vừa qua cơn đau nhẹ. Đó là thành
phố ít bị khói lửa tàn phá nhất trong chiến tranh tuy dăm ba vết thương vẫn còn
lưu lại. Đẹp quá, thanh tân quá, trong trẻo quá. Nước da còn hơi tái xanh,
khuôn mặt hơi gầy chưa kịp phấn son, đôi mắt hơi lơ đãng còn vương chút mệt
mỏi, còn đọng chút đau đớn, mái tóc mượt như tơ còn lẫn dăm sợi rối buông uể
oải xuống vầng trán phảng phất chút sầu muộn.
Tôi ngoan
cố, tôi nhất định không đánh điện tín báo trước cho mẹ và chị đón tôi ở phi
trường. Tôi muốn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác cho tôi và cho người
tôi thương yêu. Xe tắc-xi đưa tôi đến một căn nhà tiều tụy nằm bên con suối
nhỏ, suối này chảy ra thác Cam Ly, mẹ tóc bạc phơ, nước mắt ràn rụa, người của
mẹ bé lại, con thì lớn lên nhiều quá, nhìn nhau bỡ ngỡ một giây, ôm chầm nghẹn
ngào, nhưng chị ở đâu, chị đan len ngoài phố, để mẹ đi "xoắc" một cái
mua mấy thứ con ăn, và kêu chị bỏ buổi làm việc về với con.
Tôi đi trên
các vỉa hè Đà Lạt lòng bồi hồi nhận ra nhiều nét vừa quen vừa lạ, khiến cho tôi
cảm thấy vừa gần gũi, vừa bỡ ngỡ. Rồi thời thơ ấu sống dậy - một buổi sáng mùa
hè êm ả mưa nhẹ như sương vang lừng tiếng gáy của con dế lửa; một buổi sáng mùa
thu lạnh lẽo lóc cóc chiếc xe ngựa chạy trên con đường dài đánh lạc con chó Ba
Tô của tôi, đánh mất luôn tuổi nhỏ.
Đường và địa
danh đã mang tên Việt Nam, chẳng hạn đường Hàm Nghi thay vì Rue d'Annam, đường
Duy Tân thay vì Maréchal Foch, đường Hai Bà Trưng thay vì Pasteur, đường Phan Đình
Phùng trước chỉ quen gọi tên là đường Cầu Quẹo, hoặc những địa danh như cư xá
Chi Lăng thay thế tên Cité Saint Benoit, hồ Than Thở thay Lac des Soupirs, rừng
Ái Ân thay cho Bois d'Amour, trường Hùng Vương trước kia là trường Yersin
v.v... Đà Lạt khoác chiếc áo mới, Đà Lạt bừng bừng sức sống. Cũng như Nha
Trang, Đà Lạt là thành phố trẻ, trẻ hơn, và cũng như Nha Trang thành phố biển
mang rất nhiều dáng dấp của Huế, thành phố núi Đà Lạt thiên nhiên có khác,
nhưng tâm tình là Huế. Huế, Đà lạt, Nha Trang là ba chị em thân thiết. Lẽ dĩ
nhiên cũng có những người từ Sài Gòn, Đà Nẵng v.v...đến cư ngụ, sinh hoạt; hoặc
những người Tàu mở quán ăn, tiệm thuốc bắc; hoặc một số phong cách mới rất tây
phương và rất có ảnh hưởng; và đặc biệt là sau khi đất nước chia đôi năm 1954
một số người từ Bắc di cư vào mang theo nếp sống thanh nhã; ngoài những trường
hợp vừa nói, đại đa số người Đà Lạt đều có liên hệ xa gần với Huế từ huyết
thống, tính tình, tập tục, giọng nói, cho đến món ăn, cách phục sức, cách trang
hoàng nhà cửa.
Tôi tìm đến ngôi nhà cũ trên đường Rue
d' Annam. Ngôi nhà không còn, vỉa hè
còn. Tôi nhận ra vị trí cũ của ngôi
nhà, nay là cái nền xi măng nứt nẻ loang lỗ cỏ dại trên đó một cái chòi nhỏ lợp
tôn được cất lên lôi thôi dùng làm chỗ chứa vỏ ruột bánh xe hơi phế thải, những
ống sắt cong queo, những miếng thiếc thừa, những lon dầu nhớt vung vãi, những
thùng đựng đủ loại bù lon, đinh, dây chì, dây kẽm, và vài ba chiếc ghế gỗ nhỏ
thấp chủn nằm bên cạnh cái lò bếp dựng bằng ba viên gạch mẻ trên đó đặt một cái
nồi đất không có vung, ám khói. Bếp lửa
đã tắt, nồi đã cạn nước, trong đó mấy củ khoai luộc cháy đen. Chòi vắng, không
thấy ai ở đấy.
Mười năm về
trước nơi khoảnh đất hoang vắng
này là một gia đình còn nguyên vẹn, mỗi chiều về vang lên tiếng nói
tiếng cười, tiếng giã hành tỏi, mùi xào nấu, và ánh lửa bập bùng từ lò bếp in nhiều hình bóng lên vách tường.
Đứng trên
nền nhà cũ, tôi nhìn quanh. Một số nhà láng giềng ngày xưa mọc lên cao hơn,
tươm tất hơn. Chẳng qua là vì gia đình tôi đi tản cư xa quá rồi đi luôn trong
khi nhiều gia đình khác cũng tản cư nhưng đến Phan Rang, hay Tháp Chàm, hay Nha
Trang quay trở lại. Chỗ tôi đứng không phải là cao điểm của thành phố nhưng tôi
cũng nhìn thấy được nhiều. Phía triền đất cao, những đồi thông xanh ngắt chen
lẫn dăm ba thân cây cháy đen và mấy cái gò cỏ dại mọc đầy, kế đến là nhà thờ
Tin Lành một góc vòm bị trụt lỡ in hình thuôn thuôn lên trên nền trời cao không
một gợn mây, tiếp theo là chùa Linh Sơn mờ mờ ảo ảo sau những hàng cây trông
như tranh vẽ cảnh bồng lai; phía thung lũng, dưới phố xa, phơi mình dưới nắng
mai trong và lạnh, là đường Cầu Quẹo văng vẳng vọng lại tiếng người nói, tiếng
xe chạy; bên kia thung lũng, đường Hai Bà Trưng uốn éo khi ẩn khi hiện như một
con sông đang trôi; và phía bên trên nữa là khu Nhà Thương, đường Thi Sách, và
vùng Saint Domaine de Marie tưởng như nằm gọn trong vườn Địa Đàng. Tôi đảo mắt
tìm Nhà Thờ Con Gà, cầu Ông Đạo, và cái hồ thường bị sương mù phủ lên một lớp
dày. Không thấy. Nhà cửa, cây cối, đồi non che khuất.
Tôi đi lên
Cây Số Sáu. Ngôi nhà ngày xưa mà bố vừa cất xong còn in rõ trong trí nhớ, nền
nhà nằm bên mé thấp của con đường nhỏ trải đá, mé bên kia của con đường là
triền đất chạy lên vùng cao mọc đầy thông. Ngay cả cái mái nhà cũng không cao
ngang với mặt đường, vách làm bằng thân cây thông dài và thẳng xẻ làm đôi còn
nguyên vỏ sù sì đóng chồng mí lên nhau. Trước mặt nhà là một cái sân nhỏ có lối
đi rải đá cuội nối với con đường cái trên kia; sau lưng nhà, mảnh vườn khá rộng
đổ xuống cái thung lũng thật sâu; phần trên của vườn, ngoài một số rau xanh, là
khoai lang vỏ màu trắng, củ nhỏ, dài như củ cà-rốt, nấu chín bẻ làm đôi hiện
lên lớp bột khoai trông sáng óng ánh ăn ngọt lịm; phần dưới của vườn trồng cà
phê, hồi đó cây chưa lớn mọc chen chúc thành một đám xanh um. Hình như cà phê chưa trổ ra được lứa trái đầu
tiên thì gia đình tôi đã tản cư. "Mảnh vườn dốc" chưa khai phá xong,
dăm bảy cây thông bị cưa sát gốc nằm ngổn ngang. Biên giới của vườn là những
cọc cắm chưa thành hình cái hàng rào.
Tôi nhận ra hai con đường nhỏ tụm nhau
lại ở cuối Cây Số Bốn rồi chạy thêm một quãng nữa để chuyển qua Cây Số Sáu. Thế
Cây Số Năm nằm ở nơi nào, quả tôi không biết. Tôi đi quanh tìm kiếm một hồi
lâu. Con đường cái còn đó, con đường chạy trên kia cao hơn mái nhà, cây thông
già dưới gốc có con dế lửa ngày xưa gáy vang lừng còn đó. Tiếng gáy bỗng dưng ròn
rã vang dội trong tôi ngay lúc này. Cái thung lũng cũng còn đó, không sâu thẳm
như tôi nghĩ. Tầm mắt của tôi bây giờ lớn hơn ngày xưa, nên tôi nhìn xa ra thấy
bên kia thung lũng cánh rừng thưa cây che khuất từng đoạn của một con đường nhỏ
đất đỏ chạy uốn éo. Hồi bé tôi cho rằng cuối thung lũng là hết, nghĩa là chỉ có
rừng rồi núi. Núi là giới hạn cuối
cùng. Không có "bên kia núi”. Nhưng tôi không thể nào tìm ra nền nhà cũ,
nói gì đến ngôi nhà tranh vách làm bằng thân cây thông còn nguyên vỏ.
Tôi vừa mới
lớn lên thì cụ hàng xóm nghèo khó trước kia ở cạnh nhà tôi đã già lắm. Tóc bạc,
má nhăn, miệng móm, răng còn vài chiếc lung lay trệu trạo nhai trầu. Tiếng nói
của cụ do đó khò khè, ngắt quãng, khó nghe. Cụ là một trong số người ít ỏi
không đi tản cư, ở lại một mình ... mà ... mà chịu trận chớ cháu ... tới mô thì
tới ... tra rồi ... có chết cũng ... cũng vừa.
Tôi nhận ra cụ, nhưng cụ nhìn tôi ngẫm nghĩ. Tôi phải "khai báo" dông dài. Khi nhận ra tôi, cụ giữ tôi lại suốt buổi
chiều kể lể đủ mọi thứ chuyện. Đến đoạn nói tới con chó của tôi, cụ thở dài.
Đôi mắt hom hem, lờ đờ bỗng nhiên bừng lên một vài tia sáng mơ hồ.
Những ngôi nhà mà chủ đã đi tản cư bỏ trống
thì mấy ngày sau cửa ngõ bị đập phá, đồ đạc bị lấy sạch, trừ nhà của gia đình
tôi. Nhờ con chó. Nhưng rồi cũng tiêu tan hết, cụ nói. Một ngày sau khi gia đình tôi đi, cụ thấy con
chó về. Nó chạy theo chắc không kịp, hay
bị người ta chận đuổi nên chạy lui, đó cháu. Tôi không thể tưởng tượng được
rằng nó đã chạy xa đến thế mà có thể tìm lại đường về, nhưng cụ bảo chó tìm về
nhà giỏi lắm, đi mô nó cũng làm dấu. Tôi sực nhớ thế là đúng rồi, nó "đái
rắc" suốt dọc con đường đi. Đêm hôm đó nghe rẹt rẹt ngoài cửa nhà tôi, cụ
cứ tưởng bọn hôi của tới phá phách, cướp bóc. Cụ sợ quá, nằm yên, nín khe. Sáng hôm sau cụ mới biết thì ra con chó đã
cào cửa cả đêm. Không vào nhà được, con chó nằm mẹp suốt ngày trên vỉa hè ngay
trước cửa, gầm gừ khi thấy ai đi ngang qua gần. Suốt mấy ngày nó không ăn không
uống, không đi đâu cả, cứ nằm hoài trước nhà, lông lá bù xù, cái bụng xép ve,
cặp mắt buồn thiu. Thấy tội nghiệp, xóm giềng muốn đem nó về nuôi nhưng mỗi lần
ai tới, nó nổi dữ lên, phùng mang trợn mắt, mà cá mới có cái mang chớ bác, ừ
thì rứa đó, để tui nói tiếp, làm ai cũng ớn xương sống.
Bà cụ dù
thiếu thốn, vẫn mỗi buổi tối trước khi đi ngủ sớt ra bớt một chút cơm nguội,
cơm cháy cho vào miếng lá chuối đem để trước nhà cụ rồi đóng cửa lại đứng nép
bên trong nghe ngóng. Chỉ một chốc sau,
con chó đánh hơi được, đến ăn sạch bách. Nhưng nếu cứ thế cũng kẹt cho cụ,
người không đủ ăn, của đâu cho chó mãi. Con Ba Tô khôn lắm. Từ hôm được cho ăn,
tui để đồ ăn trước cửa nhà
tui chớ có mời mọc chi mô, nhưng nó biết tui cho nó, thoáng thấy tui nó vẫy
đuôi một cách uể oải, nhưng hễ tui đến gần, nó lại gầm gừ. Cụ nghĩ trước sau gì
nó cũng sẽ ngoan ngoãn, lúc ấy cụ sẽ dụ nó về nhà nuôi thêm ít hôm rồi mang đi
bán. Cơm và vô lỗ miệng không đủ, có mô nuôi chó. Nó đẹp quá, thế nào cũng có
người mua, cụ biết chắc như thế.
Nhưng mọi chuyện không xẩy ra suôn sẻ như
cụ muốn. Sau đó khoảng một tuần lễ, đêm mô cũng rứa, lúc ai nấy đã ngủ ngon,
con chó nó mới tru. Thoạt đầu là vài ba tiếng sủa trong cổ họng,
ngập ngừng, như dò đường, như rà mìn.
Rồi tru to lên dần dần. Rồi cau có, gắt gỏng, giận dữ. Chỉ chưa đầy nửa giờ
sau, những tiếng sủa rời rạc ban đầu nối lại thành những chuỗi tru dài liên
tục, càng lúc càng dài như bất tận, khi trầm khi bổng, khi to khi nhỏ, khi rì
rầm cằn nhằn nhức nhối, khi hét tướng lên như điên tới nơi. Tiếng tru nghe ai
oán quá cứ thế tuôn ra từ cái mỏ dài nhọn hoắt chĩa thẳng lên trời. Nếu cứ thế, con Ba Tô biến thành chó dại mất.
Mọi người trong khu phố vừa bực bội, vừa thương hại con chó mất chủ.
Những ngày
ấy Đà Lạt là thành phố gần như bỏ ngỏ, lực lượng giữ gìn an ninh trật tự chưa
kịp tái lập, bọn hôi của tha hồ hoành hành, chó dại, chó hoang, chó vô chủ, chó
đói tha hồ chạy rông ngoài đường phố. Con chó của cháu, hắn tên chi hè, dạ, con
Ba Tô, khác những con chó kia, ban ngày thì cố thủ nơi vỉa hè trước ngôi nhà
cũ, ban đêm thì tru tiếp. Biết cụ có chăm sóc con chó, nhiều người hàng xóm bảo
cụ nên tìm cách bắt trói nó lại, họ sẽ giúp một tay, lấy dây cột chặt cái mỏ
của nó, thế là hết tru, để người ta ngủ cho yên giấc chớ. Bà cụ thấy cũng có
lý, nhưng cứ hẹn rày hẹn mai. Cụ biết rằng cấm nó tru một cách tức tưởi như rứa
nó chết mất. Để nó tru thêm ít bữa cho hả hơi, rồi sẽ tính.
Gần nửa
tháng sau, một buổi chiều khi mặt trời sắp tắt, đường phố không đèn đóm bắt đầu
nhá nhem tối, bà cụ định bước vào nhà thắp ngọn đèn dầu thì trông thấy ba tên
đàn ông trông chẳng hiền lành chút nào không biết từ đâu nghênh ngang đến, một
tên cầm cái xà beng, hai tên kia trong tay mỗi tên một thanh củi, và hai ba cái
bao bố rách. Bà cụ lo bấn xác, nhưng cố
lấy giọng bình tĩnh nhỏ nhẹ hỏi:
"Mấy
chú tới đây có việc chi rứa hả mấy chú?"
Chúng gắt:
"Việc
chi kệ người ta, hỏi vô duyên."
Ai vô duyên
hả cháu? Khi không tới đất của người ta, sắp sửa cướp, sắp sửa làm chuyện bậy bạ, lại dám
nhiếc người ta vô duyên! Đúng là thứ đồ
cứt một về sau khu mà miệng thì cứ bô bô thúi mô rứa, mô thúi rứa. Cái tội đổ
hô nớ trời không dung, đất không tha, tre trên rừng không đủ để viết, nước dưới
biển không đủ để rửa. Người ta hay nói
rứa phải không, bác không nhớ hết.
Nói xong
chúng nó hầm hè tiến đến gần con chó, tên nào tên nấy mặt đanh lại hung ác. Bà
cụ muốn kêu cứu hàng xóm, nhưng sợ hãi đến líu lưỡi không nói ra được một tiếng
nào. Vả lại trong thâm tâm bà cụ cũng biết rằng có kêu lên cũng vô ích, thời
buổi này ai lo việc nấy còn không xong, hơi sức mô xía vô việc làm của bọn dao
búa. Con Ba Tô vẫn lì lợm không chịu bỏ chạy, đi chầm chậm lùi sát vào cánh cửa
lớn, gầm gừ dọa nạt. Nhưng ba tên ấy là
thứ người da dày lắm, da mặt càng dày hơn, không sợ chó cắn, không sợ người ta
rủa, vẫn cứ lừ lừ tiến. Con chó phải lùi
xa dần cánh cửa, cụp tai, trợn mắt, nhe răng, sùi bọt mép. Trông nó như con thú
dữ trong rừng. Chúng bèn chia lực lượng ra, như chiến đấu ngoài mặt trận, hai
tên cầm hai thanh củi thủ thế canh giữ con Ba Tô, tên còn lại cầm xà beng quay
lui về phía cánh cửa.
Bà cụ thở
dài như trút bớt gánh nặng trong lòng, thầm nghĩ rằng có lẽ bọn này không đến
đây giết chó để ăn thịt, chúng chỉ muốn lấy đồ đạc trong nhà mà thôi. Cái xà beng nhanh chóng nạy bật cánh cửa
ra kêu rẹt một tiếng lớn. Nhanh như
chớp, bất chấp hai tên đang cản đường, con chó phóng mình đến ngoạm ngay vào
cườm tay tên phá cửa. Cả ba tên xúm lại
đánh đập con Ba Tô nghe thình thịch, hừ hự.
Con Ba Tô một mình không có đồng minh, không có vũ khí, mà lạ quá, nó
chịu đòn giỏi lắm, không sủa, không gào, không rên, chỉ vùng vẫy nhảy nhót táp
tên này, cắn tên nọ, và lãnh những trận mưa đòn. Sau một hồi, chiếc xà beng nện
trúng ngay vào đầu con chó phát ra một tiếng như tiếng nứt nẻ. Ba Tô giật bắn
lên như quả bóng, rồi rơi bịch xuống đất nằm nghiêng bốn chân duỗi dài, thân
hình ốm tong teo bầm dập co giật, mồm chảy máu thành dòng, nước mắt ứa ra đục
ngầu. Trước khi nằm bất động, nó vươn mỏ tru lên mấy tiếng đứt quãng, ngăn
ngắn, khe khẽ, yếu ớt. Rồi im bặt.
Bà già òa
khóc chồm tới ôm xác Ba Tô vào lòng. Một cái đẩy mạnh, bà lăn quay. Chúng vội
vàng dộng xác Ba Tô vào một bao bố, có lẽ để mang về xẻ thịt ra chia nhau ăn,
bà nghĩ thế. Rồi chúng tiếp tục nạy cửa.
Con chó nghĩ
gì khi nó thí cả mạng sống chống cự bọn người hôi của ấy? Nó quý ngôi nhà đến thế sao, quý nơi nó từng
sống và đã trở thành một phần của cuộc đời nó, cho nên nó không muốn người khác
đến xâm lăng? Hay nó nghĩ đến chúng tôi trước, muốn giữ ngôi nhà để nay mai
chúng tôi sẽ trở về đó sum họp với nó? Hay nó đã tuyệt vọng, mất chủ cho nên
ngôi nhà biến thành nơi bám víu cuối cùng, phải cố giữ? Hay cái bản năng trung thành của nó là thế,
rất đơn giản, ấy là cái bổn phận bảo vệ đến cùng tài sản của chủ cũ? Là gì
chăng nữa tôi không biết, không thể đọc đúng ý nghĩ của nó, chỉ có điều chắc
chắn rằng nếu nó không bị đánh lạc, nó sẽ "lên đường tản cư" theo
chúng tôi đến chân trời góc biển, từ núi đổ xuống đồng bằng, qua cầu Đà Rằng,
ra Huế, rồi lại tản cư tiếp, rồi hồi cư, vân vân và vân vân. Chúng tôi đâu
nó đó.
Có lẽ tôi
phải mở một dấu ngoặc kể lể một chút về hoàn cảnh gia đình tôi. Sau khi chạy giặc về Huế, rồi từ Huế lại tản
cư thêm hai lần nữa ra hướng Quảng Trị, gia đình tôi tan nát. Bố qua đời, mẹ và
chị phải đi lần hồi nhiều chặng mới trở lại được Đà Lạt rất muộn màng, bán nhà,
bán đất, thuê một căn phòng nhỏ để ở, đan len và buôn bán lặt vặt tại chợ Đà
Lạt, chờ tôi học "thành tài". Tôi ở lại Huế với người cô, mười năm
sau mới trở lại Đà Lạt. Tại sao phải chờ đến mười năm? Không tiền mua vé máy bay đi một chuyến thăm
mẹ, mà không chịu “mở miệng” xin tiền của mẹ, hoặc của cô, tại sao? Đó là do
lòng tự ái, tự trọng, hay do tính nhút nhát không dám làm phiền người
khác? Hay vì học chưa xong ở Huế thì
không được tự cho phép đi đi đâu xa, dù đi thăm mẹ? Sau một mùa hè ở Đà Lạt, tôi vào Sài Gòn vừa
đi học vừa đi kiếm sống.
Đà Lạt,
những năm tôi quay lại, bừng bừng vươn lên như Thánh Gióng trong thần thoại. Trường học mọc lên nhiều nơi. Vào giờ đến
trường và tan trường ta có thể gặp trên bất cứ con đường nào nam nữ học sinh,
sinh viên ăn mặc thật đẹp, đặc biệt là các nữ sinh má ửng hồng không do son
phấn một tay ôm cặp sách, tay kia giữ vành nón, đi thành hàng dài qua những khu
phố dốc tấp nập. Rồi nào là Viện Đại Học, trường Cao Học Chính Trị Kinh Doanh,
Lò Nguyên Tử, trường Võ bị Quốc Gia, trường Chỉ Huy và Tham Mưu, Nha Địa Dư,
Viện Pasteur v.v...
Những buổi sáng cuối tuần, ngoài số rất nhiều du khách từ các nơi khác đến, người Việt cũng như
người nước ngoài, là những sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Quốc Gia trong bộ lễ
phục trang nhã đi song song nghiêm chỉnh bên cạnh người yêu. Không nắm tay
nhau, không ôm eo ếch của nhau, tuân hành quân phong quân kỷ. Họ vào những quán
cà phê thơm ngào ngạt trên đường Hàm Nghi, vào những tiệm phở ấm cúng, phở
Tùng, phở Ngọc Lan, phở Ga, phở Đắc Tín..., những tiệm cơm tây sang trọng như
tiệm Mékong hoặc Chic Shanghai tại khu Hòa Bình, những quán bún bò Huế, cháo
lòng, bánh nậm, bánh canh khói từ nồi nước lèo tuôn ra nghi ngút ngay mặt sau
của ngôi chợ chính, hay ở cuối dốc đường Duy Tân; họ xuống Dốc Nhà Làng ngồi
trên những bậc tam cấp bằng đá sạch bóng, ăn bánh xèo bánh khoái; họ đến mua
hoặc ngắm hoa, quả, đủ loại, muôn màu muôn vẻ, thơm ngào ngạt, ngay trước mặt
chợ; họ đi vòng các cửa hiệu quanh chợ mua đồ lưu niệm như tên, nỏ, và các thứ
vũ khí cuả người Thượng, những móng cọp, nanh heo rừng bịt bạc, phèn la bằng
đồng, tù và bằng sừng trâu, những chuỗi hột cườm nhỏ li ti nhiều màu, những tấm
ảnh chụp những ngọn thác, những đàn voi, những người đàn bà Thượng mặc váy rằn,
ở trần v.v... Còn dư thì giờ, họ vào những quán kem mọc cheo leo bên sườn dốc
cạnh những con đường xuống hồ Xuân Hương, hoặc đi thẳng đến nhà thủy tạ ngay
bên bờ hồ uống cà phê, hút thuốc lá, nhìn ngắm thiên nhiên phơi phới khoe mình. Toàn là cảnh đẹp.
Đó là chỉ
nói đến một vài nét sinh hoạt xúm xít tại trung tâm thành phố trong một buổi
sáng cuối tuần. Xa hơn là vô vàn thắng
cảnh nổi tiếng, các tụ điểm giải trí, vườn hoa, chùa chiền, nhà thờ, rồi ghềnh,
thác, đồi, non, thung lũng, núi rừng. Nơi nào cũng êm đềm,
cũng thơ mộng.
(Còn một kỳ)