Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Lê Mạnh Hùng: Trưng cầu dân ý không phải là dân chủ như người ta tưởng

Năm 2016 là một năm Trưng Cầu Dân ý. Người dân bác bỏ một thỏa hiệp hòa bình tại Colombia, rút nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, ủng hộ một hiến pháp mới của Thái Lan giới hạn các quyền công dân và tại Hungary ủng hộ một kế hoạch của chính phủ chống di dân tuy rằng không đủ người đi bỏ phiếu để có giá trị.
Tất cả những cuộc trưng cầu dân ý này đã cho thấy vì sao một số nhà chính trị học cho trưng cầu dân ý là một giải pháp nguy hiểm và hại cho dân chủ. Khi được hỏi ông có coi trưng cầu dân ý là một lựa chọn tốt hay không thì Michael Marsh một nhà chính trị học tại Trinity College, Dublin trả lời:”Đơn giản mà nói, hầu như không bao giờ.”

Và ông nói thêm, “Tôi đã theo dõi nhiều vụ này tại Ireland và chúng đi từ vô nghĩa đến nguy hiểm.”
Mặc dầu những cuộc bỏ phiếu này được mô tả như là dân chủ dưới hình thức thuần túy nhất, nhưng các công trình nghiên cứu cho thấy nhiều khi chúng phá hoại dân chủ hơn là giúp cho dân chủ. Chúng có khuynh hướng không theo thường lý, với kết quả không tùy thuộc vào giá trị của lựa chọn mà theo cảm tính, chiều hướng chính trị và như trong trường hợp Colombia còn theo cả thời tiết, nắng hay mưa.
Cử tri phải làm quyết định mà không có bao nhiêu thông tin thành ra họ phải tùy thuộc vào những “thông điệp chính trị” của các phe phái khiến cho quyền lực tối hậu nằm trong tay những kẻ thao túng các thông tin này hơn là cử tri. Thành ra đó là một công cụ nhiều rủi ro.
Thế nhưng vì sao mà các nhà chính trị vẫn cứ thích dùng nó? Theo Alexandra Crone, một giáo sư tại trường London School of Economics thì đó là vì họ tin rằng họ sẽ thắng. Vấn đề là nhiều khi họ không thắng và thay vì giải quyết vấn đề chúng tại tạo ra những vấn đề mới nan giải hơn.
Trong bất kỳ một cuộc trưng cầu dân ý nào, cử tri đều đứng trước một vấn đề nan giải. Họ phải làm sao phân tích và rút gọn những lựa chọn chính trị phức tạp và khó khăn thành một quyết định “có” hoặc “không” và tiên đoán những hàm nghĩa của các quyết định này nhiều khi khó khăn và phức tạp đến mức có khi chính các chuyên gia cũng phải bỏ ra cả năm để vật lộn với chúng.
Thành ra theo hai nhà chính trị học Arthur Lupin và Matthew McCubbins thì các cử tri thông thường giải quyết nan đề này bằng cách dùng một “short cuts”: Họ theo sự hướng dẫn của những nhân vật lãnh đạo mà họ tin tưởng hay là lựa chọn theo một cách suy nghĩ quen thuộc nào đó. Vì vậy, như Lawrence LeDuc, giáo sư chính trị học của trường đại học Toronto, khi một chính phủ đưa ra một cuộc trưng cầu dân ý, người ta thường bỏ phiếu ủng hộ hay chống tùy thuộc vào việc người ta ủng hộ hay chống chính phủ. Giáo Sư LeDuc viết: “Một cuộc bỏ phiếu dự trù là về một vấn đề chính sách quan trọng cuối cùng trở thành một cuộc bỏ phiếu về thành tích của một đảng hay một vị lãnh đạo nào đó nhiều khi không có liên quan gì đến mục tiêu của cuộc trưng cầu dân ý.”