Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016
Lê Hữu: Trump, anh phải sống!
Từ điển “thuật
ngữ giao tiếp” gần đây vừa có thêm từ ngữ mới, “bàn tay bạch tuộc”.
Bạch tuộc, một
loài sinh vật biển thân mềm thuộc họ hàng nhà mực, sau lần nổi tiếng nhờ bộ
phim truyền hình nhiều tập của Ý, “Bạch tuộc” (La Piovra), lại vừa nổi tiếng
thêm lần nữa khi được ví von rất tượng hình với đôi tay điệu nghệ, xông xáo, sục
sạo rất linh hoạt của ứng cử viên Tổng Thống Mỹ Donald Trump. Hai cánh tay dài
ngoằng như vòi bạch tuộc với những “hấp khẩu” rất lợi hại, vớ được chỗ nào là
bám trụ kiên cường, có cào cấu, giãy giụa cách nào cũng không nhả. Bạch tuộc vừa
có biệt danh là “quái vật biển cả” vừa được đánh giá là thông minh nhất trong tất
cả loài động vật không xương sống dưới lòng đại dương.
Thế nhưng,
cũng chính đôi tay quơ quào, chụp bắt loạn xạ của loài bạch tuộc thông minh ấy
đã làm hại ông Trùm bất động sản (chữ “Trump” gần gần với chữ “Trùm” trong tiếng
Việt) khiến ông gặp nạn liên tiếp trong những tuần qua. Tiếp theo sau vụ rò rỉ
video một phân đoạn của chương trình “Access Hollywood” tại một phim trường vào
tháng 9/2005, từ đâu bỗng xuất hiện đến cả chục vị nữ lưu lần lượt lên tiếng tố
giác ông đã có những lời lẽ và hành vi sàm sỡ với những mức độ khác nhau.
“He was like
an octopus. His hands were all over me.” Một phụ nữ mô tả rành rọt và sống động
các thao tác của ông Trump với lối ví von thật “ấn tượng”, và chú bạch tuộc
cũng tái xuất giang hồ từ đó, chỉ khác là đi thẳng vào sinh hoạt đời thường chứ
không còn trong phim ảnh nữa.
Nhiều câu
chuyện tiếp theo được các phụ nữ tự nhận là nạn nhân của ông kể lại với những
tình tiết thật ly kỳ, gay cấn.
Tiếc rằng ông
Trump lại không chịu thừa nhận những câu chuyện hấp dẫn mà ông đóng vai chính ấy
là có thật. Ông nổi giận nói rằng mọi cáo buộc gọi là “tấn công tình dục” nhắm vào ông đều là bệnh hoạn,
bịa đặt và được dàn dựng nhằm bôi nhọ ứng viên Tổng Thống của đảng Cộng Hòa.
Thực hư thế
nào chưa rõ nhưng các cáo buộc này cũng là những ngọn roi đau điếng quất vào người
khiến ông Trump và ê-kíp vận động tranh cử của ông phải lao đao khốn đốn. Ông
như con hổ gầm gừ, lồng lộn vì thương tích trong lúc các phương tiện truyền
thông, các đối thủ chính trị và các “nạn nhân” của ông tiếp tục phóng những mũi
lao về phía ông.
Kể cũng tội
nghiệp cho ông Trump, đêm nằm không yên giấc, cứ lo ngay ngáy không biết sáng
mai thức dậy có thêm cuốn băng nào rò rỉ, có thêm nữ lưu nào “thật thà khai báo”
nữa không.
“Bệnh tòng khẩu
nhập; họa tòng khẩu xuất” (bệnh từ miệng mà vào; họa từ miệng mà ra), người ta
có thể mượn ông Trump làm ví dụ tốt nhất cho câu ấy.
Bị đánh hội đồng,
ông Trump một mình tả xung hữu đột giữa trùng vây, đỡ bên này, gạt bên kia.
Ông tố cáo giới
truyền thông đầu độc cử tri bằng những thông tin dối trá, cũng tựa như người Việt
mình tố cáo nhà máy Formosa xả chất thải đầu độc môi trường biển vậy.
Ông tuyên chiến
cả với “phe ta” là đảng Cộng Hòa, sau khi Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và hàng chục
nhân vật tên tuổi lần lượt lạnh lùng quay lưng lại với ông và còn khuyên ông
rút ra khỏi cuộc đua là vừa. Ông gọi họ là những kẻ phản bội và dứt khoát chia
tay, không còn ràng buộc, nợ nần gì nhau và từ nay ông được độc lập tự do để có
thể chiến đấu cho nước Mỹ theo cách mà ông muốn.
Ông tìm cách
hóa giải những điều tiếng xấu bằng cách chỉ tay về phía bà Hillary Clinton, ứng
viên Tổng Thống của đảng Dân Chủ, nói rằng chính bà là đạo diễn của những màn
dàn dựng ấy để hãm hại ông. Ông biện bạch rằng ông chỉ “nói chứ không làm” trong
lúc phu quân của bà, kẻ âm thầm “làm chứ không nói” mới là xấu xa và đáng nguyền
rủa. (Ông Trump không nhìn ra điểm khác biệt giữa ông và ông chồng bà Clinton: người
ta phát giác những cái bê bối của ông Clinton sau khi chứ không phải trước khi
ông này lên làm Tổng Thống; nói cách khác, nếu những bê bối ấy được phát giác
khi ông Clinton đang còn là ứng cử viên Tổng Thống thì chắc cử tri đã… chọn người
khác).
Tuy vẫn tỏ ra
mạnh mẽ, cứng cỏi nhưng đấu pháp của ông Trump bắt đầu rối loạn. Ông gác bỏ hết
chuyện quốc gia đại sự, quên hết những kế sách trị quốc an dân, kinh bang tế thế,
quên luôn vụ vũ khí hạt nhân, vụ “bức tường biên giới”, quên luôn khẩu hiệu hàng
đầu “Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại!”, dồn hết mọi nỗ lực vào việc phản
pháo những đòn công kích của đối phương.
Trong khi đó,
số người ủng hộ ông Trump xem chuyện “người ngay mắc nạn” của ông là chuyện lẻ
tẻ, và nói rằng ông còn tử tế hơn nhiều kẻ đạo đức giả. “Yêu ai yêu cả đường đi
lối về”, dù ai nói ngả nói nghiêng thế nào họ vẫn ủng hộ ông và muốn ông tiếp tục
chiến đấu tới cùng.
Đặc biệt,
trong số những người muốn ông “tiếp tục chiến đấu tới cùng” ấy có cả đối thủ
chính trị của ông, bà Hillary Clinton.
Điều này cũng
dễ hiểu thôi. Trước hết, bà Clinton quả là có cái số may mắn khi người được đảng
Cộng Hòa đề cử để đọ sức với bà là “quái kiệt” Donald Trump chứ không phải nhân
vật nào khác. Hơn ai hết, bà hiểu rằng bên cạnh số đông cử tri ủng hộ bà có lắm
người không mấy thiện cảm với bà và số này sẵn sàng dồn phiếu cho bất cứ ứng
viên nào của đảng Cộng Hòa tương đối tươm tất, tư cách không có gì lem nhem và
có ít nhiều kinh nghiệm chính trường, hơn là bầu cho bà. Giả sử đối thủ của bà
không phải ông Trump mà là ai khác trong số ứng cử viên của đảng Cộng Hòa thì
cũng mệt cho bà chứ không phải chơi.
Chính vì vậy,
bà cần phải giữ gìn cẩn thận, không để mất “lá bùa may mắn” được trời cho này.
Chính vì vậy,
không ngạc nhiên khi bà Clinton hoàn toàn im lặng khi ông Trump gặp đại nạn vì
vụ rò rỉ video “Access Hollywood” chỉ hai ngày trước cuộc tranh luận thứ nhì,
và cả trong lần thượng đài vòng hai này bà đã không tận dụng vụ này như cơ hội
bằng vàng để ra đòn knock-out, kết thúc nhanh, gọn trận đấu như nhiều người dự
đoán. Trước những đòn tấn công loạn xạ ngầu của ông Trump bà chỉ cười cười và
châm biếm nhẹ nhàng, “Tôi hiểu rằng đêm nay tâm trí ông bị xao động nhiều lắm.”
Mãi đến khi người điều hợp chương trình đưa vụ này ra bà Clinton mới chịu lên
tiếng, “Ông Trump nói rằng đoạn phim đó không phản ảnh con người thật của ông
thế nhưng ai cũng thấy được rằng nó bộc lộ rõ nét nhất con người ông.”
Hai đối thủ bắt tay nhau trong buổi dạ tiệc 20/10 ở New York
Trước sau bà Clinton
vẫn chưa chịu vận dụng hết “mười hai thành công lực” trong những trận quyết đấu
với ông Trump, và biết dừng lại đúng lúc khi ông lảo đảo, loạng choạng. Bà
không vội vàng gì, cứ chờn vờn, thậm chí bà còn ra đòn tâm lý để tiếp sức, động
viên tinh thần ông Trump, chẳng hạn khen ngợi các con của ông có nhiều tài
năng, nhiều cống hiến và điều tuyệt vời là luôn ủng hộ ông bố mình (cũng là để
giữ gìn tình bạn thân thiết giữa Chelsea và Ivanka, hai ái nữ của hai gia đình
Clinton và Trump).
Đấu pháp
“đánh cù cưa, không vội dứt điểm” này hẳn phải được bà Clinton và ban tham mưu
tranh cử của bà nghiên cứu cẩn thận và áp dụng triệt để, nhất là nghe tin “bán
chính thức” phía Cộng Hòa đang khẩn trương họp kín bàn định kế hoạch làm cách
nào cho ông Trump chịu rút ra khỏi cuộc đua để có thể đưa đấu sĩ khác vào thay
hầu cứu vãn tình thế. Bất luận là ai, bất cứ sự đổi thay nào trong lúc này chỉ
làm cho tình hình biến chuyển phức tạp và có thể dẫn tới những bất lợi, bất trắc
trong lúc bà Clinton đang ở thế thượng phong. Tốt nhất là cứ giữ nguyên hiện trạng,
ai ở đâu cứ ở yên đấy, không di chuyển, không thay ngựa giữa dòng.
Theo luật
chơi của đảng Cộng Hòa, khi mà ứng cử viên Tổng Thống đã nhận được sự đề cử
chính thức của đảng thì không thể thay thế được, trừ phi ứng viên này đột ngột
qua đời hay tự nguyện rút lui khỏi cuộc tranh cử. Thường thì chẳng ai chịu rút
lui nếu vẫn còn nhen nhúm hy vọng, không chắc đã thua hoặc có thể lật ngược thế
cờ cách nào đó. Ông Trump, dẫu bị trúng đòn nặng, vẫn tin tưởng một cách mạnh mẽ
rằng khối cử tri gọi là “đa số thầm lặng” sẽ dồn phiếu cho ông và ông sẽ đánh bại
được đối thủ. Ông viết
trên Twitter những lời lẽ đầy khí phách, kiên cường: “Trong đời mình, tôi chưa
bao giờ rút lui. Tôi không đời nào từ bỏ cuộc đua, không đời nào khiến những
người ủng hộ tôi phải thất vọng! Tôi sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại.”
Chiến thuật của
bà Clinton và ban tham mưu của bà là cứ để đối thủ múa may cho vui và cứ nuôi hy
vọng. Nếu ông Trump nghe lời ai đó dụ dỗ, thuyết phục hoặc hứa hẹn điều gì đó
mà nổi hứng bỏ cuộc ngang xương thì “rách việc”, tình hình sẽ rối tung lên, có
khi hỏng bét mọi chuyện.
Chính vì vậy,
mặc dù trận đấu vòng chung kết khá căng thẳng, bà Clinton vẫn giữ vẻ từ tốn, điềm
đạm trước những đòn khiêu khích của đối thủ, ngay cả khi được/bị ông Trump gán
cho danh hiệu “nasty woman”, vẻ mặt bà vẫn không hề biến sắc.
Cũng chính vì
vậy, bà Clinton không tiếc gì mà từ bỏ vẻ mặt lạnh như một tảng băng, và cũng không
ngần ngại nắm lấy “bàn tay bạch tuộc” của ông Trump trong cú bắt tay từ giã vào
cuối buổi dạ tiệc gây quỹ từ thiện Al Smith Dinner ở New York vào tối 20/10, một
ngày sau buổi tranh luận cuối cùng, đồng thời tán thưởng câu nói đùa có duyên của
ông Trump trong buổi tiệc: “Thật là khó hiểu, bài phát biểu của bà Michell
Obama được mọi người khen tặng hết lời; đến lúc vợ tôi, Melania, cũng phát biểu
y chang như vậy thì mọi người lại chê không tiếc lời.”
Cũng chính vì
vậy, theo sự tiết lộ của Đức Hồng Y Timothy Dolan –ngồi giữa bà Clinton và ông Trump trong buổi dạ tiệc– khi mọi người vừa dứt lời cầu
nguyện trước bữa ăn, ông Trump khẽ nghiêng người về phía bà Clinton và nói rằng,
“Bà có biết không, bà quả là một phụ nữ thật cứng cỏi và đầy tài năng”, và bà
Clinton lấy làm cảm kích, đáp lại rằng, “Này Donald, bất luận mọi chuyện như thế
nào, ta cần phải làm việc với nhau sau đó nhé.” Câu nói như một lời hứa hẹn lửng
lơ để ông Trump phấn khởi, được lên tinh thần mà tiếp tục sống vui sống khỏe.
Được biết bà
Clinton vốn chịu khó viết sách và đọc sách, nếu bà có đọc truyện ngắn Anh Phải Sống của nhà văn Khái Hưng
trong Tự Lực Văn Đoàn và xúc động vì câu chuyện thương tâm, cũng từa tựa một “scene”
trong phim Titanic, người vợ run run nói với người chồng trong phút giây tử biệt,
“Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé! Không. Anh phải sống!” thì chắc bà cũng muốn nói với
ông Donald Trump những lời thống thiết như thế:
“Chelsea!
Bill! Tim!… Không. Anh phải sống!”
Bill
(Clinton) là phu quân của bà Clinton, Tim (Kaine) là “phó tướng” của bà. Có thể
kể thêm nữa những Obama, Michell, Joe Biden, Al Gore… và không ít tên tuổi
trong đảng Dân Chủ là những người tha thiết muốn ông Trump phải sống, phải tiếp
tục đi tới, bằng mọi giá.
Donald Trump,
anh phải sống! Ít ra là cho đến ngày toàn dân đi bầu.
Lê Hữu