Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016
Lê Anh Hùng: Giấc mộng Trung Hoa và tương lai Việt Nam
Ảnh minh hoạ.
Năm 1793, đặc sứ Lord
Macartney của vua George III nước Anh đến Bắc Kinh để yết kiến hoàng đế Trung Hoa và đề đạt nguyện vọng thiết
lập đại sứ quán ở đây. Viên đặc sứ mang theo một bộ sưu tập quà tặng từ Anh, một
quốc gia mới bắt tay vào cuộc cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, Hoàng đế Càn
Long đã đáp lại thiện chí của vua George III qua bức thư hồi âm như sau: “Thái
độ khiêm nhường và phục tùng chân thành của ngài là điều rất dễ nhận thấy”,
nhưng chúng tôi lại không có “một nhu cầu nào dù là nhỏ nhất đối với các sản phẩm
chế tạo từ nước ngài.”
Trung Hoa của Càn Long lúc bấy
giờ đang ở thời kỳ phát triển cực thịnh, với một nền kinh tế chiếm tới 1/3 GDP
toàn cầu, cùng một vùng lãnh thổ quốc gia trải rộng tới 11.000.000 km2 (so với
9.600.000 km2 hiện nay). Năm 1799, sáu năm sau ngày đặc sứ
Anh đến Bắc Kinh, Càn Long băng hà sau ba năm nhường ngôi cho con trai và làm
thái thượng hoàng. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự đi xuống của Trung Quốc
trong bối cảnh các cường quốc phương Tây, với động lực mạnh mẽ của cuộc cách mạng
công nghiệp, không ngừng phát triển với tốc độ chóng mặt.
Người Anh trở lại Trung Quốc
vào cuối thập niên 1830. Lần này, họ không mang theo quà tặng cho hoàng đế
Trung Hoa nữa. Thay vào đó là tàu chiến và súng ống, khởi đầu cho một thời kỳ
mà người Trung Quốc vẫn gọi “thế kỷ ô nhục”, kéo dài cho đến đầu thế kỷ 20,
trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất thế giới này hết bị phương Tây sâu xé lại
đến lượt bị Nhật Bản xâm lăng, giày xéo.
Tuy nhiên, kiếp nạn khủng
khiếp nhất mà người Trung Quốc từng phải nếm trải lại không phải do ngoại bang
mà do chính họ gây ra, khi đất nước này chìm đắm trong bóng đêm của chủ nghĩa cộng
sản và chủ nghĩa Mao. Số người bị sát hại và bị chết đói dưới ách trị vì của vị
“Hoàng đế đỏ” Mao Trạch Đông lên tới con số 70 triệu.
Con sư tử thức giấc
Thế rồi, từ đống đổ nát mà
Mao Trạch Đông để lại, Trung Quốc đã kịp vươn mình trỗi dậy, trở thành cường quốc
kinh tế - quân sự số 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Theo ước tính, với tốc độ tăng
trưởng hiện nay, chỉ trong vòng 10 năm nữa kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ.
Hơn hai thế kỷ trước,
Napoleon Bonaparte từng nói: “Trung Hoa là một con sư tử đang ngủ. Hãy để cho
nó ngủ, bởi khi thức giấc, nó sẽ làm thế giới rung chuyển.” Và ngay từ năm
1939, khi Trung Quốc mới bước vào năm thứ 2 của cuộc kháng chiến chống Nhật Bản
kéo dài 8 năm, Mao Trạch Đông đã viết trong tác phẩm Cách mạng Trung Quốc và Đảng Cộng sản
Trung Quốc như sau: “Sau ngày đánh bại Trung Quốc, các nước đế quốc đã chiếm
các nước phụ thuộc của Trung Quốc: Nhật Bản chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu
Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận; Anh chiếm Miến Điện, Bhutan, Hương Cảng;
Pháp chiếm An Nam…” Năm 1963, Mao Trạch Đông lại nói với lãnh đạo Việt Nam tại
Vũ Hán: “Tôi sẽ làm Chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam Á.”
Sau một thời gian kiên trì
áp dụng chiến lược “thao quang dưỡng hối” do lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đề xuất –
“bình tĩnh quan sát; lập trường vững chắc; bình tĩnh đối phó; che giấu khả năng
và chờ đợi thời thế; duy trì ẩn mình; không bao giờ nắm vị trí dẫn đầu” – Trung
Quốc không còn thèm che giấu cuồng vọng bành trướng vốn đã chảy trong huyết quản
của họ từ thuở “khai thiên lập địa”, trong bối cảnh cường quốc số 1 thế giới là
Mỹ bị sa lầy trong hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.
Năm 2009, Đô đốc Timothy
Keating, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Châu Á, cho biết là một viên tướng Trung Quốc đã đề nghị với ông rằng hai
nước nên chia đôi Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ lo gìn giữ hòa bình từ Hawaii
về phía Tây, để cho Hoa Kỳ lo từ Hawaii sang phía Đông.
Năm 2013, China News
Service (CNS), cơ quan truyền thông lớn thứ hai của Trung Quốc, đã ấn hành tài liệu nhan đề Sáu cuộc chiến Trung Quốc sẽ tiến
hành trong 50 năm tới. Đó là các cuộc chiến (i) thu hồi Đài Loan; (ii) chiếm
các đảo trên Biển Đông; (iii) thu hồi Nam Tây Tạng; (iv) thu hồi quần đảo Điếu
Ngư và Ryukyu; (v) xâm lược Mông Cổ; và (vi) thu hồi lãnh thổ bị Nga chiếm
đóng.
Đến năm 2015, Hoàn Cầu Thời
Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng CSTQ, đã lên tiếng đòi Trung Quốc phải chuẩn bị chiến tranh “hất cẳng” Mỹ để trở thành bá chủ
thế giới.
Mới đây nhất, ngày 4/9 vừa
qua, Trung Quốc đã gây khó dễ khi đón tiếp Tổng thống Barack Obama đến Hàng
Châu dự hội nghị thượng đỉnh G20, điều mà các nhà quan sát coi là hành động có
tính toán nhằm hạ thấp hình ảnh và vị thế cường quốc số 1 thế giới của Mỹ.
Tham vọng của Tập Cận Bình
Chỉ vài tuần sau khi tiếp quản
ngôi vị Tổng Bí thư Đảng CSTQ từ người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình đã
đưa ra học thuyết mới về sự trỗi dậy của Trung Quốc mà ông ta gọi là “giấc mộng
Trung Hoa”, kèm theo lời mô tả: “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là
giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc”.
Để hiện thực hoá “giấc mộng
Trung Hoa” đó, ngay sau khi trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, Tập
Cận Bình đã bắt tay vào quá trình thâu tóm quyền lực. Và chỉ mới qua nửa nhiệm
kỳ đầu tiên, ông ta đã được coi là lãnh tụ Trung Quốc có quyền lực lớn nhất kể
từ thời “Hoàng đế đỏ” Mao Trạch Đông.
Song song với quá trình thâu
tóm quyền lực, họ Tập đã tiến hành cuộc cải cách quân đội triệt để và sâu rộng
nhất từ trước đến nay, và Chủ tịch Trung Quốc được truyền thông nhà nước tung
hê như một vị “Tổng tư lệnh” với quyền uy tuyệt đối – một chức vụ từ trước tới
nay chưa hề có. Nhật báo Libération (Pháp) nhận xét: chống tham nhũng, tăng cường năng lực hải quân và không
quân, ông Tập đặt quân đội trong tư thế sẵn sàng để khống chế khu vực và củng cố
quyền lực bản thân.
Với tham vọng quyền lực cháy
bỏng, Tập Cận Bình đương nhiên sẽ tìm mọi cách để kéo dài thời gian trị vì sau
khi đã chễm chệ trên ngôi báu. Đó chính là lý do khiến dư luận Trung Quốc gần
đây chưa hết xôn xao về việc Tập Cận Bình cân nhắc bãi bỏ chế độ thường uỷ (7
uỷ viên Bộ Chính trị nắm giữ quyền lực tối cao), mở đường cho việc chuyển sang
thể chế tổng thống, lại đến bàn tán khả năng ông ta sẽ phá vỡ luật bất thành văn để kéo dài
nhiệm kỳ hơn 10 năm.
Xem ra “giấc mộng Trung Hoa”
không đơn thuần là viễn cảnh mà họ Tập muốn Trung Quốc hướng tới – ông ta còn
quyết tâm hiện thực hoá nó ngay trong nhiệm kỳ của mình.
Thế cục Mỹ - Trung ở Châu Á
- Thái Bình Dương
Trung Quốc đang nuôi tham vọng
trở thành cường quốc số 1 ở Châu Á - Thái Bình Dương trước khi soán ngôi bá chủ
thế giới của Hoa Kỳ. Đó là lý do khiến chính quyền của Tổng thống Obama, ngay từ
nhiệm kỳ thứ nhất của mình, đã triển khai chiến lược “xoay trục” sang khu vực
“sân nhà” của Bắc Kinh.
Hiện nay, Hoa Kỳ vẫn chiếm
ưu thế vượt trội về quân sự trong khu vực, nhưng tình hình lại đang thay đổi
theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Theo Jeff Smith, giám đốc Chương trình An ninh Châu Á (Asian Security
Programs) tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ (American Foreign Policy
Council), Bắc Kinh đã tính toán là ngay bây giờ họ không thể ngăn chặn Mỹ hoạt
động trong khu vực, nhưng khi năng lực hải quân của họ tăng lên thì điều đó có
thể thay đổi. “Có nhiều thứ gợi lên rằng một ngày nào đó họ sẽ đủ khả năng hạn
chế sự lưu thông trên biển của quân đội Mỹ và tin rằng họ có thể làm thế. Vì vậy
khả năng về một cuộc đối đầu nào đó là rất thực tế”, Smith nhận định.
Kết cục của cuộc so găng thế
kỷ Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng rất lớn, nếu không muốn nói là quyết định, đến tương
lai Việt Nam. Chiến lược hiện thời của Trung Quốc là chú trọng tăng cường sức mạnh
hải quân và không quân, đặc biệt là tìm cách ngăn chặn các lực lượng hải quân
và không quân Hoa Kỳ tiếp cận khu vực thông qua việc sử dụng một mạng lưới các
loại vũ khí chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), từ đó từng bước đẩy Hoa Kỳ
ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, như chính cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng
nhận định, nếu Hoa Kỳ đánh mất vị thế vượt trội ở Châu Á - Thái
Bình Dương, họ cũng sẽ mất nó trên phạm vi toàn cầu. Còn Việt Nam lúc đó sẽ trở
thành miếng mồi ngon mà các ông chủ Trung Nam Hải sẽ quyết thôn tính hầu thoả
khát khao từ ngàn xưa của họ.
Nhiều người đã liên tưởng Tập
Cận Bình với hình ảnh Càn Long của thế kỷ 21. Điều đó đang khiến Biển Đông nói
riêng và Thái Bình Dương nói chung vốn nổi sóng từ lâu lại càng thêm sôi sục.
Việt Nam và Mỹ cần nhau và tìm đến nhau trong bối cảnh ấy. Tuy nhiên, vấn đề của
Việt Nam lại không phải là cuồng vọng của Bắc Kinh hay tiềm lực và ý chí của
Washington, mà nằm ở chỗ lợi ích của Đảng CSVN ngay từ khi ra đời đã không đồng
hành với lợi ích của dân tộc đã sinh thành ra nó.