Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016
Việt Hà/RFA: Chuyện Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Philippines
Người dân
Philippines và công dân Việt Nam tại Philippines
vui mừng trước phán quyết của
tòa trọng tài quốc tế về biển Đông sáng 12/7/2016.
Tổng thống Philippines
Rodrigo Duterte sẽ đến thăm Việt Nam từ ngày 28 đến ngày 29 tháng 9.
Philippines là đối tác chiến lược của Việt Nam và đã nhiều lần cùng Việt Nam
lên tiếng chỉ trích Trung Quốc ở diễn đàn ASEAN liên quan đến vấn đề tranh chấp
biển Đông.
Tuy nhiên Tổng
thống Duterte gần đây cũng cho thấy ông có xu hướng mềm mỏng hơn với Trung Quốc
bất chấp những hành động lấn lướt của nước này trong khu vực. Liệu những
căng thẳng ở biển Đông và lập trường gần đây của Philippines đối với Trung Quốc
sẽ được đề cập ra sao trong chuyến thăm tới. Việt Hà có bài tìm hiểu và tường
trình.
Căng thẳng
biển Đông và quan hệ với Trung Quốc
Căng thẳng tại
biển Đông và phán quyết của tòa thường trực trọng tài quốc tế (PCA) trong vụ kiện
về tranh chấp trên biển Đông giữa Phillipines và Trung Quốc được trông đợi sẽ
là những vấn đề được thảo luận giữa lãnh đạo hai nước Philippines và Việt Nam
nhân chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Rodrigo Duterte tới Việt Nam từ ngày 28
đến 29 tháng 9 tới.
Nói với đài Á
châu Tự Do vào hôm trước chuyến thăm của Tổng thống Duterte, chuyên gia về quan
hệ quốc tế thuộc trường đại học De la Salle, Philippines, giáo sư Renato Cruz
de Castro nhận định:
Tôi hy vọng
là Việt Nam sẽ truyền cho Tổng thống Duterte sự khôn ngoan vì trước đó ông ta
đã nói những điều liên quan đến quan hệ với Trung Quốc, liên minh với Mỹ, rồi
nói rằng phán quyết của tòa PCA chỉ như là một tập giấy, rằng hành động xây lấp
đòi chủ quyền của Trung Quốc là có ý tốt. Cho nên tôi hy vọng là Việt Nam sẽ
nói với Trung Quốc vấn đề thực sự ở biển Đông, quan hệ với Trung quốc và quan hệ
với các nước ủng hộ mình trong việc thách thức Trung Quốc đối với các hành động
của nước này ở biển Đông.
Hôm 12 tháng
7 vừa qua, tòa PCA ở The Hague đã ra tuyên bố về vụ kiện giữa Philippines
và Trung Quốc. Phán quyết của tòa bác bỏ tính pháp lý và lịch sử của đường
đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra ở biển Đông. Phán quyết cũng không công nhận
các thực thể ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước
láng giềng bao gồm Philippines và Việt Nam là các đảo. Do đó Trường Sa không có
vùng đặc quyền kinh tế. Theo các chuyên gia quốc tế, phán quyết này có lợi cho
Philippines và gây bất lợi lớn với Trung Quốc.
Trung Quốc
sau đó đã lên tiếng bác bỏ phán quyết của tòa và khẳng định sẽ tiếp tục có những
hành động gia tăng và bảo vệ chủ quyền của nước này ở biển Đông.
Tổng thống mới
đắc cử của Philippines Rodrigo Duterte sau khi lên nắm chức cũng đã có những
tuyên bố cho thấy lập trường mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc. Ông cũng nói sẵn
sàng gạt phán quyết của PCA sang một bên để thảo luận với Trung Quốc.
Tiến sĩ Đinh
Hoàng Thắng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, cựu Tổng biên tập báo Quốc tế,
Bộ Ngoại giao Việt nam nhận định
Tình hình
mới mà người ta quan tâm nhất là chính sách của tân Tổng thống Phi đối với vấn
đề biển Đông và quan hệ với Trung Quốc và mối quan hệ với ASEAN. Phải nói là
tình hình này từ khi ông ấy lên cầm quyền thì có nhiều biến động. Biến động lớn
nhất là Philippines thắng vụ kiện nhưng ông Tổng thống lại nói là không muốn
đưa vấn đề này vào tuyên bố của ASEAN trong khi nhiều nước khác thì lại muốn
đưa điều này vào. Ở đây ta thấy là Philippines có một chính sách nhìn bề ngoài
không nhất quán, khi thì đa phương, khi thì song phương. Bây giờ ông kiện xong
thì giờ ông lại nói không muốn đưa vấn đề này ra để dồn Trung Quốc vào chân tường.
Vì vậy, theo
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, chuyến thăm sẽ là dịp để hai nước bày tỏ lập trường về
vấn đề biển Đông vì lợi ích của mỗi nước.
Đây là dịp
để hai bên trao đổi nhất là trên cơ sở về đối tác chiến lược giữa Philippines
và Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh có phán quyết của tòa PCA. Cái này là rất
quan trọng, trong lịch sử chưa có cái này.
Cụ thể hóa
nội hàm đối tác chiến lược
Tổng thống
Philippines Rodrigo Duterte. AFP photo
Theo giáo sư
Renato Cruz de Castro, chuyến thăm tới Việt Nam cũng cho thấy Tổng thống
Philippines vẫn đánh giá cao vai trò của ASEAN và quan hệ với Việt Nam.
Chuyến đi
này có nghĩa là Tổng thống Duterte đánh giá cao vai trò của ASEAN, mối quan hệ
đối tác chiến lược với Việt Nam. Cả hai nước đã cùng thách thức Trung Quốc
trong diễn đàn ASEAN. Cả hai nước đã lên tiếng đối với những đòi hỏi về chủ quyền
của Trung Quốc ở biển Đông. Cho nên chuyến đi này cho thấy là ông ấy vẫn đánh
giá cao mối quan hệ đối tác với Việt Nam và sẵn sàng lắng nghe Việt Nam trong
việc làm thế nào để đối phó với những thách thức ở biển Đông.
Việt Nam và
Philippines đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2015. Hiện
Philippines là đối tác chiến lược thứ 5 của Việt Nam trong ASEAN và là một
trong 15 nước trên thế giới đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt
Nam. Theo Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, chuyến đi lần này sẽ giúp hai bên cụ thể
hóa nội hàm đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tôi nghĩ
đây là dịp hai bên cụ thể hóa thêm nội hàm đối tác chiến lược giữa hai nước.
Trước đây hai nước đã có chương trình hành động 2011 2016 cách đây 1 năm họ
nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược, nó sẽ được thể hiện trong các quan hệ
đối tác chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng thế nào, đó là quan trọng. Đặc biệt
vấn đề biển và đại dương là lĩnh vực hợp tác chủ chốt của hai nước.
Tuyên bố
chung nói gì về PCA?
Theo tiến sĩ
Đinh Hoàng Thắng, bên cạnh những thảo luận về đối tác chiến lược và biển Đông,
ông hy vọng hai bên cũng sẽ đề cập đến phán quyết của tòa PCA, qua đó cho thấy
lập trường của hai phía.
PCA cần phải
đặt cao, vì PCA không chỉ là vấn đề biển Đông mà còn là vai trò của luật pháp
quốc tế trong cuộc đấu tranh ở giai đoạn mới, chứ không chỉ là vấn đề biển
Đông.
Ngay sau khi
tòa trọng tài Quốc tế ra phán quyết hôm 12 tháng 7, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ
nói rằng Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của tòa nhưng không nói thêm cụ thể lập
trường của Việt Nam đối với phán quyết. Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng đặt câu hỏi về
khả năng tuyên bố chung hai nước có đề cập đến PCA hay không.
Nếu tuyên
bố chung mà có đề cập đến PCA thì sẽ là một thắng lợi vĩ đại… Liệu Việt Nam có
đủ bản lĩnh để cùng với Philippines nói rằng hai nước ủng hộ phán quyết của PCA
và các nước liên quan phải tôn trọng phán quyết của tòa quốc tế?
Tiến sĩ Đinh
Hoàng Thắng tỏ ra nghi ngờ về khả năng tuyên bố chung giữa hai nước sẽ đề cập đến
phán quyết của PCA. Theo ông, nhiều khả năng, những từ ngữ của tuyên bố chung về
vấn đề căng thẳng biển Đông sẽ rất chung tính vì cả hai nước lúc này đều không
muốn làm Trung Quốc tức giận.