Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016
Trúc Chi: Võ Phiến, chút kỷ niệm
Trúc Chi và Võ Phiến 2013
Anh Võ
Phiến bấm chuông. Chủ nhà mở cửa nhận ra anh chị. Vồn vã mời vào. Tôi theo sau
. Anh dừng lại ở phòng khách, đảo mắt nhìn quanh rồi xin phép chủ nhà mở cửa ra
vườn sau. Tôi nhìn ra vườn. Cây hồng mà tôi biết năm nào cũng sây, vẫn còn đấy.
Anh đứng dưới mái hiên, bịn rịn trước cảnh cũ, cái nhìn của anh có lẽ đã thu hết
những gì anh thấy và ghi nhận hết mọi đổi thay, anh tần ngần trước cảnh cũ một
hồi rồi ra về, sau khi đã lễ phép cám ơn chủ nhà. Tôi đề xe. Anh ngoái cổ nhìn
mãi ngôi nhà. Tôi liếc nhìn anh: thoáng một vẻ quyến luyến.
Tôi không nhớ năm tháng đích xác. Chỉ
biết hôm ấy nhân cùng đi chơi với anh chị Võ Phiến ở Glendale, khi xe chạy qua
khu có ngôi nhà anh cư ngụ ở Highland Park trước khi dọn xuống Santa Ana, tôi
quay sang hỏi anh có muốn tạt qua cái địa chỉ quen thuộc ấy hay không.
Dĩ
nhiên Highland Park không phải là Gò Bồi ở Bình Định. Cũng không phải nơi mà
anh đã một lần trở về thăm sau nhiều năm
khói lửa, cái chốn đã đem lại cho anh chất liệu để viết ra thiên đoản văn Về Một Xóm Quê gây buồn khó dứt.
Nhưng
mà một người giàu tình cảm như anh -
vâng Võ Phiến rất giàu tình cảm – tạt vào chốn cũ, sao cho khỏi chút rung động, chút nhớ nhung gửi
về những vui buồn trong chốn trọ trên một giải đất cũng là trọ sau khi đã tránh
được nạn cọng sản trong nước.
Cái
vương vấn hầu như khắc khoải, cái nghĩ và nhớ ray rứt vọng những nơi mà anh đã
sống cứ theo sát cảm tính trong người anh mà trôi rào rạt
trong nhiều tác phẩm như Giã Từ, Mưa Đêm Cuối Năm cùng nhiều truyện khác nữa.
Và chính cái thiết tha của anh đối với người với cảnh trong văn đã khiến cho
người đọc “trung bình” phải buông ra một tiếng “hay” thành thật, không tính
toán, không do dự khi xem xong một thiên truyện ngắn hay một bài tùy bút. Truyện
anh viết hấp dẫn ra sao, “hay” thế nào là cái thú của những người hâm mộ văn tài anh những lúc
kháo nhau về một nét đặc sắc nào đó trong một bài viết. Còn “hay” như thế nào
mà muốn bàn một cách có hệ thống, có phương pháp, chắc phải tìm đến phần nặn óc
của các nhà phê bình văn học trên các tạp chí, nguyệt san , tuần báo trong và
ngoài nước suốt mấy chục năm qua… nhiều lắm!
Trên,
tôi nói đến con người tình cảm trong anh Võ Phiến.
Ngót bốn mươi năm quen biết nhau, kỷ niệm nhiều. Tôi
chỉ xin đơn cử buổi ghé thăm nhà cũ, và sự xúc động của anh mà tôi nghĩ có thể kể
lại để xem như như điển hình, tiêu biểu cho tình cảm nói trên . Thường, những hôm
đi chơi chung tôi vẫn làm tài xế, anh ngồi
cạnh. Chúng tôi nói chuyện huyên thuyên lung tung. Ấy vậy mà ra về sau cái hôm ghé vào nhà cũ, ngồi trong xe,
tôi thấy anh im lặng , trầm ngâm e cũng
đến mươi mười lăm phút.
Phải
rồi. Trong căn nhà xinh xắn ấy, ngăn nắp sạch sẽ nhờ bàn tay của chị Võ Phiến,
bao nhiêu là bạn văn thơ năm châu đã ghé thăm anh… nhiều người đã dành bước của
anh mà đi trước… Thái Tuấn, Lê Trọng Nguyễn, Phạm Đình Chương, Nguyễn Mộng
Giác, Nguyễn Xuân Hoàng. Bản thân tôi, vẫn còn nấn ná ở chốn này, đã may mắn có
mặt trong nhiều bữa cơm thân mật dành cho bạn bè của anh và tuy chỉ là một người
bạn thường lui tới nếp nhà khiêm tốn ấy, mà tôi cũng không khỏi bùi ngùi sực nhớ
hình ảnh của những bạn văn và thơ đã gặp và trò chuyện tại đó. Huống hồ anh Võ Phiến.
Nhìn cảnh cũ, hẳn anh không khỏi xao xuyến nhưng mà bản tính ít để cho tình cảm
bộc lộ, anh chỉ lặng lẽ sống với xúc cảm của anh vào phút ấy. Có chai sạn lắm mới
thờ ơ lãnh đạm trước chốn xưa!
Đã
nói đến tình cảm thì dăm hàng về lý trí trong bộ óc thông minh ấy ắt phải có.
Mà cũng không cần phải đi đâu xa: lý tính hiện rõ trong tác phẩm của anh qua những
đoạn nhận định sắc bén, suy luận phải phép, diễn đạt minh bạch về thời cuộc,
phong tục, nhân tình, ngôn ngữ, văn chương và nhiều lĩnh vực khác nữa.
Đã
đành, bộ óc nào cũng có sự kết hợp của lý và tình. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở
đây là: làm chủ hai phần ấy, mà phần nào cũng nhạy trong anh võ Phiến, là cái
tâm của một người tốt. Chính cái tâm tốt ấy đã giúp tạo ra một nét đặc sắc nơi
người Bình Định này: cái dí dỏm tinh quái, châm chọc đấy mà không độc ác, thâm
mà vô hại.
Còn
nhớ, hồi anh Võ Phiến mới sáng lập nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật khoảng năm
1978-79 , thỉnh thoảng anh có đưa tôi xem một vài bài mà anh nhận được. Tôi để
ý anh chỉ đưa tôi xem thôi, không hỏi ý kiến. Cũng phải, vì lúc bấy giờ tôi
không có chân trong ban biên tập. Dĩ nhiên, tôi cũng chỉ đọc. Xong, trao lại
cho anh. Một hôm, tại nhà anh Lê Tất Điều, lúc ấy làm chủ bút, ở tận quận San
Diego, California, nơi mà thỉnh thoảng chúng tôi có ngồi chung để “bỏ dấu” vì dạo ấy chưa có computer như bây giờ, anh Võ
Phiến trao tôi một bài của một tác giả nào đó gửi đến. Bài khá dài đối với một
nguyệt san, một xấp dày có đến hai chục tờ. Tôi đọc kỹ bài viết về chính trị quốc tế, đầy những danh
từ, động từ và tính từ Hán-Việt nghe thật “kêu”, nhưng không biết tác giả muốn
nói điều chi. Đại loại nó cũng na ná như “xã hội chủ nghĩa có định hướng” ở Việt
Nam gần đây. Nghe mới mẻ và quan trọng, vì trước đây chỉ có “xã hội chủ nghĩa”,
nay thêm “định hướng”, không thấy nói rõ hướng nào. Mong rằng không phải hướng
Đông, bởi vì ít lâu nay ra biển cứ gặp toàn hải tặc đỏ con cháu của Mã Viện và
Tô Định, cũng hơi kẹt! Bài viết mà anh Võ Phiến trao cho tôi xem gồm nhiều chữ
thuộc loại mập mờ lù mù này. Tôi chịu thua
và trao lại cho anh. Anh tủm tỉm: “chữ to mà nghĩa nhỏ.”
Cũng
trong cái mạch cười đời chơi cho vui vậy thôi, không ác ý, một hôm, anh trao
cho tôi xem một bài viết khá rắc rối, khó hiểu vì quá nhiều những danh từ trừu
tượng trong triết học, hình như một thiên khảo luận về luận lý học của Kant.
Sau khi tôi tuyên bố đầu hàng, Võ Phiến nói: “Ông này có khả năng dùng những chữ
thật khó để nói về những điều rất giản dị.”
Ấy, cậu
học trò quần trắng, áo dài đen, đội mũ cối trắng ngày ngày mang guốc gỗ đến trường trung học Thuận
Hóa, Huế vào những năm đầu thập niên 40 thế kỷ trước, đã vỡ lòng với Quốc Văn
Giáo Khoa Thư, rồi lớn lên nghiền ngẫm
Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, sáng tác của Tự Lực Văn Đoàn, hấp
thụ tinh thần học hỏi của học giả Đào Duy Anh, kề cận với Quách Tấn, mê Marcel Proust, ghiền Alphonse Daudet, say Propos
của Alain, đọc kỹ Lâm Ngữ Đường và về
sau này, còn thêm biết bao tác giả Việt và ngoại quốc khác, đặc biệt là Tolstoi…. cậu học trò này, với cái hành trang
ấy, đi song hành với cái tâm mà tôi vừa nói đến trên đây, đã có đủ yếu tố để trở
thành một nhà văn hàng đầu đầy tính nhân bản của miền nam Việt Nam.
Mà
nhân bản và cọng sản (cọng sản như chúng
ta thấy được đem ra thực hiện ở Việt Nam từ năm 1945 cho đến nay) thì lại khác
và khắc nhau như nước với lửa, khỏi nói. Cho nên, trước hiệp định Genève năm 1954,
anh đã lãnh một cái án tù của cọng sản. Tội danh? Có lẽ không cần phải tìm cho ra biên bản của
bản án ấy: những người như anh Võ Phiến và nhóm của anh lúc bấy giờ ở Bình Định
chắc chắn là đã có tội TRƯỚC khi ra tòa.
Kinh
nghiệm sống mười năm với cọng sản đã giúp anh có một thái độ, một lập trường dứt
khoát khi bỏ nước ra đi. Xin trích lời anh
trong một bức thư anh gửi cho anh
Nguyễn Tường Thiết, con út ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam: “Anh Thiết ơi, cụ Nhất Linh không chấp nhận chế độ cọng sản ngay từ đầu.
Phải thôi. Dưới chế độ ấy, con người khó sống cho đàng hoàng…”*
Tôi trích
lời anh Võ Phiến là vì trong mấy chục
năm quen biết nhau, có lần anh tỏ vẻ buồn nản khi nghe nói có một nhóm lăm le bắt
tay với giới cầm quyền bên nhà để làm việc này việc kia, tuy họ đã từng có kinh
nghiệm sống với “hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Tôi nói anh khỏi lo vì sau môt thời
gian thế nào họ cũng sáng mắt ra. Anh cười mà nói hy vọng vậy, miễn là đừng có quá trễ. Thôi thì đành vậy, kinh nghiệm
là một chuyện, rút tỉa cho được bài học từ kinh nghiệm là chuyện khác.
Nhưng
không phải cứ mỗi lần chúng tôi gặp nhau hoặc riêng anh và tôi hoặc có thêm nhiều
bạn thơ văn khác tại nhà anh là phải nói chuyện thời thế, chuyện văn chương thơ phú. Không phải vậy. Là
vì nói mãi chuyện tình hình quốc tế cũng nhức đầu. Chính trị thì đổi thay
cho lắm thì rồi hắn cũng cứ rứa**. Còn trong bữa cơm, phải xáo trộn văn chương với chả cá, nói như
Nguyễn Vỹ, thì lại khó đào sâu vào bất cứ
một tác phẩm nào, nhận định tất nhiên là phiến diện mà lắm lúc lại hời hợt nữa.
Tội cho chữ nghĩa của người viết, cho người viết.
Chỉ
có chuyện ăn là luôn luôn hợp thời, không bao giờ mất thời gian tính, mới mẻ, luôn
luôn a-la-mốt. Gặp nhau ở nhà anh Võ Phiến lại là bằng hữu gốc gác từ nhiều nơi
trong nước, nên thức ăn, cách ăn, lối ăn của nhiều món địa phương, ai chế ra hồi
nào không biết, tất cả đều được “soạn lại” kỹ lưỡng, mỗi bạn soạn một món: phải
thêm thứ rau thơm này, loại tôm kia, tai nấm nọ, chút muối mè ấy v.v… mới đúng
diệu. Thành thử các món vắng mặt ấy được chăm chút chu đáo mà món nào “nghe”
cũng tuyệt vời. Địa phương nào trên đất Việt cũng có món ngon nhứt nước cả. Con
Rồng cháu Tiên mình quả có ghê thiệt!
Đã
nói chuyện ăn của người Việt thì tất nhiên không thể thiếu nước mắm. Và chính
qua những lần nói về các thức ăn Việt Nam mà tôi dần dà biết được rằng anh Võ
Phiến nghiện và hết sức trung thành với món quốc hồn quốc túy này. Dĩ nhiên, thức
ăn, nhất là các món nhậu, mỗi món có nước chấm riêng của nó, dùng nước mắm,
tương hoặc xì-dầu thêm gia vị. Với anh Võ Phiến thì nước mắm trong cái chén nhỏ
kia trong bữa cơm hàng ngày phải là nước
mắm nguyên chất, phải có cái ngọt, cái dịu “nội tại”, cái hương vị mang theo từ
những nơi danh tiếng như Phú Quốc, Phan Thiết, Nam Ô, không pha trộn, không
thêm thắt chi hết. Anh thường nhắc đến những người gánh nước mắm đựng trong ghè
– một loại chum, vại nhỏ - đến bán tận
các làng mạc xa xôi, trong đó có quê anh.
Phải
nghe cái giọng thiết tha khi anh kể lại
những buổi người thân trong gia đình anh dùng cái vá (ngoài Bắc gọi là
“môi”) nhỏ, đẽo ra từ một đốt tre dài, để
múc nước mắm từ trong cái ghè ra mà nếm mà phẩm bình, mà tấm tắc, mà xuýt xoa, mà trầm
trồ… phải thấy cái nhìn nửa buồn nửa vui của anh khi vừa nói chuyện vừa hướng về hình ảnh
những buổi mua bán mà chắc chắn là nay không còn nữa, mới thấm được cái tình của
anh đối với nước mắm.
Mà
người hiểu cái thủy chung rất Việt Nam này hơn ai hết chính là người bạn đời của
anh, chị Võ Phiến. Tôi có dịp ăn cơm tại nhà anh nhiều lần, sáng có, trưa có, tối
có và… vô luận chị Võ Phiến cho chúng tôi ăn món chi vào buổi nào, bao giờ trước
mặt anh Võ Phiến cũng có sẵn cái dĩa cạn nho nhỏ để đựng nước mắm nguyên chất.
Mấy năm trước khi anh qua đời năm ngoái, sức khỏe có kém đi, do đó ăn uống cũng
có phần kiêng khem nhiều, nhưng mà tôi để ý chén nước mắm của anh luôn có đó
trên bàn ăn, tuy có khi anh không động đến nó.
Vậy
mà cũng một năm tròn rồi anh Võ Phiến ơi!
Trên bàn tôi bây giờ là quyển Tuyển Tập Võ Phiến mà tôi soạn sẵn khi viết
bài này để tiện trích dẫn, nếu cần. Ở trang đầu, khi tặng tôi, anh có đề:
Trăm năm bia đá cũng mòn
Mong manh bia giấy liệu “còn” bao lâu
!
Dấu ngoặc kép ở chữ “còn” và cái chấm than (!) ở cuối
câu tám là của anh Võ Phiến.
Đây là một câu hỏi thuộc loại… băn khoăn. Câu
hỏi vu vơ hỏi chính mình, hỏi cuộc đời.
Cũng giống như ngày xưa, Nguyễn Du đã từng băn khoăn không biết rồi đây, ba
trăm năm sau, có ai đoái thương cho thân phận của ông hay không? Nguyễn Du xót
xa cho số phận của người con gái trong Tiểu Thanh Ký rồi liên tưởng mà ngậm
ngùi cho thân thế của mình để thốt ra câu hỏi lừng danh và sâu sắc ấy.
Cái băn khoăn của anh Võ Phiến lại khác. Nó rất gần chúng ta. Tôi nghĩ đến một lúc nào đó trong cuộc đời, ai cũng có khi tự hỏi: không biết con cái mình rồi đây sẽ ra sao? Hỏi là hỏi vu vơ vậy thôi. Không có câu trả lời. Và cũng vậy, Võ Phiến cũng hỏi vu vơ như vậy về tác phẩm của chính mình. Nhưng anh đã có nhã ý viết hai câu đó trong ấn bản tặng cho tôi, thì tôi cứ chủ quan mà nghĩ rằng anh hỏi tôi. Và ngay hôm trong bữa cơm Tết mà anh trao quyển sách cho tôi, tôi đã mạn phép trả lời. Xin nhắc lại câu hỏi:
Trăm năm bia
đá cũng mòn
Mong manh bia
giấy liệu “còn” bao lâu!
Đó là cái khiêm nhượng của anh khi anh tự hỏi không
biết sau này còn có ai đọc sách của mình nữa hay không. Tôi đọc đùa hai câu:
Trăm năm bia
đá cũng mòn
Nghìn năm bia
giấy vẫn còn người in
Đùa, nhưng mà đó cũng là niềm tin của tôi khi nhìn
vào toàn bộ tác phẩm Võ Phiến.
Anh Võ Phiến ơi!
“…Tôi tuy thương lấy nhớ làm
thương…”
Trúc
Chi
9/16
*Nhất Linh Cha
Tôi,tr.312, Nguyễn Tường Thiết, nxb Văn Mới (2006)
** Plus ça change, plus c’est la même chose