Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016
Phạm Chí Dũng: Xử lý nợ xấu: Người thương dân và kẻ vong dân
Người thương dân
“Lấy ngân sách xử lý nợ xấu là lấy của
người nghèo chia cho người giàu!” - Tiến sĩ Bùi Trinh thốt lên, vào lúc một
số cơ quan chính phủ đang tổ chức một chiến dịch “mồi” trên công luận để rút rỉa
bằng được ngân sách nhằm xóa đi những khoản nợ xấu khổng lồ do các ngân hàng
thương mại gây ra vào thời “đại loạn”.
Tháng 8/2016, sau hàng loạt thú nhận gián
tiếp của giới lãnh đạo Công ty quản lý các tài sản tín dụng (VAMC) về triển vọng
vô vọng đối với kết quả xử lý nợ xấu mà đơn vị này đã nhận lãnh trách nhiệm từ
năm 2013 và không ít lần khoe khoang, một lần nữa giới tham mưu tài chính cho
chính phủ là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính lại âm thầm bày mưu tính kế
“dùng ngân sách để xử lý nợ xấu” - mà về thực chất là “ăn cướp” tiền đóng thuế
của nhân dân và của cả những người nghèo, rất nghèo.
Âm mưu trên lộ ra trong Dự thảo kế hoạch
tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mọi việc
sẽ tuần tự “đúng quy trình”: Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính được giao soạn
thảo đề án nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước để xử lý một
phần nợ xấu, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua.
Nhưng “rút kinh nghiệm” thời Nguyễn Tấn
Dũng và Nguyễn Văn Bình, đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu
không được bố trí trong các nội dung chính của dự thảo, mà lại được “giấu”
trong phần phụ lục về danh mục chương trình liên quan.
“Không có lý do gì để dùng ngân sách nhà
nước xử lý nợ xấu!” - Tiến
sĩ Phan Minh Ngọc phản bác quyết liệt.
Theo quan điểm của Tiến sĩ Phan Minh Ngọc,
nợ xấu do lỗi của các ngân hàng, người nộp thuế chẳng có tội tình gì mà phải chịu
nhìn đồng tiền thuế của mình được tiêu vào những hố đen do người khác tạo ra.
Nhiều ý kiến khác cũng đang quá bức bối
trước âm mưu rút rỉa ngân sách và do đó là rút rỉa tiền đóng thuế của dân để xử
lý nợ xấu.
Một quan chức hiếm hoi trong Quốc hội thường
bày tỏ trách nhiệm là Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội
một lần nữa khẳng định: khó có thể lấy thêm tiền ngân sách để xử lý nợ xấu
trong thời điểm này vì ngân sách còn phải dùng vào nhiều vấn đề khác, và sòng
phẳng mà nói thì nợ xấu không phải do lỗi của Nhà nước nên không thể cứ khó là
kêu ngân sách.
Những kẻ vong dân
Nhưng ở chiều đối nghịch với lợi ích còm
cõi của nhân dân, lại có những chuyên gia cam tâm đứng về các nhóm cá mập tài
chính và hô hào “phải dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu”. Một trong những ý
kiến đó là ông Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng
BIDV. Tại hội thảo Hoàn thiện thể chế cho sự phát triển bền vững hệ thống ngân
hàng Việt Nam diễn ra vào tháng 9/2016, ông Cấn Văn Lực đã cho rằng cần phải có
thêm ngân sách để xử lý nợ xấu. Loại ý kiến thiên về nhóm lợi ích này còn “dự
toán” cụ thể khoảng 5.000 - 10.000 tỷ đồng từ ngân sách để “mua nợ xấu”.
Vài quan chức Quốc hội cũng phụ họa rằng
“kinh nghiệm các nước đều dùng ngân sách để xử lý nợ xấu”.
“Các nước” nào?
Đến lúc này, tư tưởng vong dân đã không
còn được che giấu.
Vào cuối năm 2015, trong khi hai nhân vật
đại diện cho nhóm lợi ích khổng lồ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc
Nguyễn Văn Bình cố ép nợ xấu về dưới 3% thì chính báo cáo của Ủy ban Giám sát và
Tài chính Quốc gia - một cơ quan phân tích tài chính thuộc chính phủ mà trước
đây mang tâm thế khá khép nép - lại cho thấy tỉ lệ nợ xấu thực lên đến 17%.
Trước đó vào tháng Mười năm 2014, ba năm
sau khi triển khai đề án xử lý nợ xấu, chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn
Văn Bình đã đưa kiến nghị “xem xét dành một phần chi ngân sách nhà nước để xử
lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước” ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhưng cũng bởi quá chủ quan nên chính phủ
Nguyễn Tấn Dũng đã vấp phải một làn sóng phản đối quyết liệt từ đủ mọi thành phần
dân chúng và cả trong giới quan chức. Cho tới lúc đó, đa số người dân đều đã nhận
ra nợ xấu có bản chất là những chiến dịch kinh doanh cực kỳ phiêu lưu và tham đến
mờ mắt của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào các lĩnh vực chứng khoán, bất
động sản, bảo hiểm trong thời kỳ “đầu cơ vàng” những năm 2006-2007, để sau đó
khi các thị trường đầu cơ lao dốc và gần như sụp đổ thì phần lớn các chủ thể đầu
tư đều rước họa vào thân.
Không chỉ giới ngân hàng thương mại chìm
trong thảm họa nợ xấu, nhiều tập đoàn kinh tế được coi là “quả đấm thép” (từ ngữ
của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) cũng vướng vòng “lao lý”. Chỉ tính riêng những
tập đoàn lớn của nhà nước có tham gia đầu cơ bất động sản và chứng khoán đã
mang về số lỗ kinh hoàng, như Tập Đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 10.000
tỷ đồng, Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) lỗ 30.000 tỷ đồng. Nhưng cái kết quả
còn tàn nhẫn hơn nhiều là những tập đoàn này, để bù đắp dễ nhất và nhanh nhất số
lỗ của mình, đã “móc ngoặc” với giới chủ quản là Bộ Công thương để vận dụng
“tham nhũng chính sách”, liên tiếp gây ra các chiến dịch tăng giá điện và xăng
dầu trên đầu hàng chục triệu người nghèo.
Phút nói thật hiếm hoi
Trong một cuộc tranh luận trên diễn đàn xử
lý nợ xấu, Tiến sĩ Lê Hồng Giang, Công ty Quản lý quỹ TGM tại Australia, nói toạc
ra: “VAMC thực chất chỉ là một dạng "thủ thuật kế toán" để đưa nợ
xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng”.
Trong thực tế, nợ xấu bất động sản lại chiếm
đến ít nhất 70% tổng nợ xấu lên đến 500.000 tỷ đồng trong khối ngân hàng. Nhưng
bản thành tích của VAMC chỉ xử lý trên giấy được khoảng 10% số nợ xấu mua lại từ
các ngân hàng thương mại cho thấy triển vọng để khoảng một phần ba khối tổ chức
tín dụng “một đi không trở lại” là rất cao trong vài năm tới.
Cho đến nay, toàn bộ 500 hồ sơ chào bán nợ
xấu mà VAMC gửi cho các tổ chức tài chính nước ngoài từ năm 2014 vẫn không có hồi
âm chính thức. Nếu cả VAMC mà còn không thuyết mị nổi những doanh nghiệp cá mập
trong nước “ôm” lại nợ xấu, sẽ chẳng một tập đoàn nước ngoài nào dại dột rước lấy
“của nợ Việt Nam.”
Nếu vài năm trước lãnh đạo của VAMC luôn
báo cáo rằng VAMC mua nợ xấu bằng “tiền tươi thóc thật”, thì đến năm 2016 mọi
chuyện đã hoàn toàn bế tắc khi cũng những quan chức thích cường điệu và ma mị
này phải gián tiếp thú nhận rằng từ khi được sinh ra đến nay, VAMC chưa bao giờ
mua nợ xấu bằng tiền mặt, và sau đó là “năm 2016 VAMC sẽ chỉ mua nợ xấu rất
ít”.
Đến giữa tháng 9/2016, trong một cuộc họp
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, đã dè dặt
lách khỏi tâm thế im ắng quá lâu trước đây để lần đầu tiên thể hiện cách nhìn
đong đưa của bà về nợ xấu: “Báo cáo nợ xấu của các tổ chức dưới 3% là chưa
chính xác, vì nó vẫn treo ở VAMC”.
Phút nói thật hiếm hoi, quá hiếm hoi trong
trường đời những quan chức “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Nhưng đã quá muộn để nói thật. Nếu những
quan chức như bà Nguyễn Thị Kim Ngân phải tỏ ra bức bối, tiếng chuông báo tử đã
vang rền.
Cái chết của nợ xấu và kéo theo một phần lớn
nền kinh tế quốc dân đã lồ lộ ngay trước mắt.