Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016
Nguyễn Tường Thiết: Những lá thư Võ Phiến
Từ trái:
Trùng Dương, Võ Phiến, Nguyễn Tường Thiết, Trần Huy Bích
Đầu tháng
9 vừa qua tôi nhận được email của anh Phạm Phú Minh, trong đó anh viết: “Ngày
28/9 sắp tới là ngày giỗ đầu của anh Võ Phiến, tôi có ý định làm một số tưởng
niệm trên Diễn Đàn Thế Kỷ vào ngày 25/9. Muốn xin anh một bài về Võ Phiến để đăng
trong số đó. Cám ơn anh Thiết”.
Biết tôi
là chỗ thân tình với anh Võ Phiến từ rất lâu, ngay từ thủa chúng tôi còn ở VN
trước năm 1975, nên tôi đoán là anh Minh muốn tôi viềt về những kỷ niệm mà tôi
có với anh Võ Phiến, và bài viết có nội
dung như thế hẳn sẽ thích hợp với số báo tưởng niệm anh.
Tuy nhiên vào năm 2003 tôi có viết một hồi ký
tựa đề “Mưa đêm cuối năm”, trong đó tôi viết về mối giao tình giữa anh Võ Phiến
và tôi, cùng rất nhiều kỷ niệm giữa hai người, bài này tôi có in trong cuốn sách
“Nhất Linh Cha Tôi” ấn hành năm 2006.
Nhân dịp giỗ đầu của anh Võ Phiến tôi không
muốn đăng lại bài này, mặc dù đăng lại là giải pháp dễ dàng nhất cho tôi, vì bài
viết đã có sẵn.
Tôi đang phân vân không biết bài viết mới sẽ có
nội dung ra sao thì tôi sực nhớ ra là tôi đang “nắm” trong tay những “kỷ niệm”
thân thương trao đổi giữa anh và tôi. Đó là hai mươi chín bức thư viết tay mà anh
Võ Phiến gửi cho tôi trong suốt chiều dài 32 năm, kể từ bức thư đầu tiên viết từ
Minneapolis ngày 4-2-1976 đến bức thư sau cùng viết từ Santa Ana ngày 1-6-2008.
Tôi để cả một đêm đọc lại từ đầu tất cả những
bức thư đó. Vừa đọc tôi vừa rưng rưng cảm động mà lại vừa lâng lâng thú vị. Anh
có lối viết thư thật đặc biệt: vừa rất riêng tư mà lại cũng rất chung chung. Đọc
thư anh tôi như sống lại cả một thời của đời mình, cái thời mà chúng tôi vừa mới
chân ướt chân ráo đến nước Mỹ (Quen biết nhau từ hồi ở VN, tôi tình cờ gặp lại
anh Võ Phiến vào những ngày đầu tị nạn tháng 6 năm 1975 trong trại tiếp cư
Indiantown Gap thuộc tiểu bang Pennsylvania).
Tâm sự của anh, cuộc sống của anh giãi bầy
qua những lá thư đầu tiên cũng là tâm sự, đời sống của những người tị nạn trước
cuộc đổi đời. Hơn thế nữa những tin tức thời sự do anh cung cấp cùng với những
sinh hoạt trong giới văn nghệ hồi đó phản ánh một phần nào cái mảng “lịch sử” sống
động của tất cả dân tị nạn chúng ta. Trong những lá thư sau, mặc dù viết về những
vấn đề riêng giữa anh và tôi nhưng anh luôn luôn bàn rộng hơn về các vấn đề có
tính văn học và do đó mang một lợi ích chung, khiến tôi quyết định phổ biến 29
lá thư của anh Võ Phiến, như một nén hương gửi anh nhân ngày anh ra đi được một
năm tròn.
*
Vài
hàng về lá thư đầu tiên: Trong hồi ký Mưa đêm cuốn năm viết về cuộc
gặp gỡ tình cờ giữa tôi và anh Võ Phiến ở trại tị nạn Indiantown Gap (6-1975) có
đoạn sau đây: “Lúc đó cả anh và tôi đều không thể có bất cứ một dự tính gì về tương
lai. Ngay cả một nơi để định cư cũng không thể nào biết chắc được. Nhưng chúng
tôi đều biết là thế nào cũng phải liên lạc với nhau. Anh cho tôi địa chỉ người
con của anh ở bên Úc. Tôi cho anh địa chỉ ông anh tôi ở bên Pháp. Rồi chúng tôi
chia tay”.
Tám tháng
sau tôi nhận được lá thư đầu tiên của anh Võ Phiến gửi cho tôi qua địa chỉ anh
Nguyễn Tường Việt của tôi ở bên Pháp.
Lá thư đầu tiên
Anh Thiết
ơi,
Đã hơn nửa
năm rồi, từ ngày tôi với anh gặp nhau ở Pennsylvania .
Hồi đó, tôi có tới khu 6 để tìm anh, nhưng tới nơi thì phòng vắng, mà hỏi thăm
mấy người lân cận thì họ bảo là anh đã đi rồi. Thấy danh sách dán trên cửa phòng
thì biết gia đình anh thoát khỏi Sài Gòn cũng khá nhiều.
Về phần tôi,
tháng 9 tôi đi Minneapolis .
Tôi theo lời Vũ Khắc Khoan và Nghiêm Xuân Hồng rủ rê (bây giờ NXHồng đã bỏ
Minnesota đi Washington State rồi). Ở đây lạnh lẽo quá qua một mùa đông tôi ngán,
đang muốn di cư về Nam .
Việc làm ăn
chưa ra làm sao cả. Tôi đi làm lao động vài tháng. Rồi có mấy anh em quen biết ở
Sài Gòn bây giờ sang đây họ ra báo, họ rủ, tôi lại viết lai rai, lợi tức chẳng được
bao nhiêu. Dù sao có viết lách thì có cơ hội liên lạc tin tức với bạn bè đây đó
cho vui.
Tôi còn
nhớ hồi tháng 7-75 anh đi California
thì chị đang chờ sanh một đứa bé. Không biết là cháu trai hay gái? Hiện giờ anh
chị ở đâu, sinh sống ra sao. Anh viết thư cho tôi biết với. Thư đầu tiên, chỉ có
mục đích dò tìm địa chỉ của anh, nên tôi không viết dài dòng.
Địa chỉ
hiện tại của tôi như sau:
Đoàn thế
Nhơn
2727- 12th Ave South
– Apt #1
Tôi vừa mới
dọn nhà tới đây hôm mồng 1 Tết!
Đầu năm,
xin chúc anh chị và các cháu được bình an vui vẻ. Anh có được tin tức gì của
Duy Lam, Thế Uyên?
Thân ái,
Võ Phiến
Những lá thư kế tiếp
Anh Thiết
ơi,
Trước hết
xin thông báo với anh chút tin này. Tôi gặp ở tờ “Quê Hương” số 2, nơi mục nhắn
tin, mấy giòng sau đây. Không rõ tin ấy có lọt vào mắt những người có liên hệ
chăng, tôi chép lại gửi anh:
Nguyễn
Tường Kiên, cháu nội của nhà văn Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) đã xuất trại
tại Camp Pendleton cùng ông bà Ấn, xin liên lạc gấp
với:
Đặng Ngọc Thanh
3010
Park Newport #
211
để nhận
một số thư từ và hình ảnh của bà Nguyễn Tường Long vừa gửi từ Sài Gòn qua. Ai
biết xin nhắn hộ, thành thực cảm ơn.
Quả như
anh nói, nước này thật đẹp. Nổi tiếng đẹp nhất là tiểu bang của anh và tiểu
bang của tôi. Tôi chưa sắm xe nổi, không đi chơi được xa, nhưng loanh quanh
trong thành phố cũng có tới mấy chục cái hồ, cây cỏ nước non đẹp quá sức. Đẹp và
an lành. Phải chi đây là đất nước mình, có đủ mặt bà con họ hàng bạn bè thân
quyến của mình, thì mùa xuân ở đây hết sức tuyệt vời. Nhưng rủi mình chưa ổn định
được tinh thần để thưởng thức cái đẹp ấy.
Về chuyện
in sách, gian nan lắm. Có lẽ tại tôi cũng bỏ cuộc luôn. Xem đã nản chí rồi. Cuốn
sách của tôi đã xếp chữ xong, mà rốt cuộc vẫn chưa biết có in được không. Nếu cố
in kỳ được, lại không biết rồi có bán được cuốn nào không. Chuyện viết lách e
phải tốp, anh à. Buồn ghê.
À, Sức Mấy
vừa báo tin cho tôi biết anh ấy chuẩn bị ra báo vào tháng 7. Báo Việt ngữ đã
nhiều, chen lấn như vầy không biết rồi có sống nổi chăng? Dù sao báo còn có cơ
sống qua ngày, chứ sách thì không hy vọng. Mà báo thì may ra cũng chỉ nuôi nổi
chủ báo, chứ không nuôi nổi ký giả.
Báo Hồn
Việt đã ba tháng nay không có thư từ gì cho tôi cả (nhuận bút cũng không). Tôi
chờ thử rốt cuộc ra sao rồi sẽ viết thư. Nếu có viết, tôi nói luôn câu chuyện của
anh (Nếu họ muốn lờ tôi luôn thì có lẽ tôi không nên viết thư làm gì). Tôi ngờ
là độ này họ cũng gặp nhiều khó khăn về chuyện bán chác lắm. Thấy vậy đâm lo
chung cho cả đám, cho những anh em còn mong mỏi sống nhờ cây bút. Điệu này rồi
ai nấy lo đi làm cu-li hết, chờ ngày V.C. đặt tòa đại sứ tại Wa D.C, bỏ tiền ra
thuê bồi bút làm báo tuyên truyền chế độ mới tại V.N.
Thân chúc
anh chị và các cháu vui vẻ. Vẫn mong có ngày đi Wash. State
gặp anh.
Thân ái,
Võ Phiến
Minneapolis,
26-5-77
Anh Thiết
ơi,
Lâu quá tôi
không có thư cho anh. Không có thư nhưng tôi vẫn nghe loáng thoáng tin tức của
anh: anh đã ra trường, đã có công việc làm ăn vừa ý, lương khá. Vậy là nhẹ người
rồi. Ở xứ này, job là một vấn đề lớn.
Về phần tôi,
mùa đông vừa qua chán quá. Trời u ám quá, nhớ nhà quá. Tôi nhất định tìm đường
chạy khỏi MN nội mùa hè này. Tôi đã đi lang thang từ Bắc tới Nam California chừng
nửa tháng. Tuần sau, vợ chồng lại đi “nghiên cứu” miền Đông (Virginia ) nữa. Không chừng có thể lại tham
quan miền Nam
(Texas ) rồi
chậm nhất là đầu tháng 7-77 này thì dọn nhà. Nhất định chừng đó sẽ thông báo địa
chỉ mới cho anh ngay, kẻo lạc nhau.
Chừng hơn
một tháng nay tôi có được Phạm Duy cho xem lá thư của Lê Châu (Bách Khoa),
trong có lời hỏi thăm tôi và Điều. Anh Châu bây giờ đi làm bột giấy (ở Thủ Đức)
với hoạ sĩ Văn Thanh. Đôi bạn già ngày ngày đạp xe đi chừng 15 cây số để kiếm cơm.
Giọng thư không mấy hồ hởi.
Mới đây tôi
có đọc cuốn “Saigon- D’un Vietnam à l’autre” của Juan-Louis Arnauld, trong đó có
đoạn nói về Nguyễn Tú, thật tội nghiệp.
Tôi không
quen với Nguyễn Tú (Chính Luận) nhưng đọc phóng sự về cuộc rút lui trên đường số
7 của anh ấy rất cảm động. Nhất là con trai tôi cũng có mặt trong chuyến rút
lui sinh tử đó.
Về sau -
theo lời J.L.Arnauld - Nguyễn Tú tới ở ngôi nhà của Bùi Diễm. Cuối tháng 5 Nguyễn
Tú cảm thấy sắp bị bắt, gọi Arnauld tới, trao bản thảo, tài liệu, nhờ cất giữ.
Hôm sau, quả nhiên, có người điện thoại tới cho Arnauld biết Tú đã bị bắt rồi.
Arnauld có tìm đến người này người kia (cả L.m Chân Tín) để can thiêp cho một đồng
nghiệp. Chân Tín tỉnh bơ. Nguyễn Tú bặt vô âm tín từ đó.
Anh viết
thư cho tôi với. Rất mong tin và thư của anh.
Anh đừng
ngạc nhiên về về loại bì thư tôi dùng. Tất cả giấy viết thư và bì thư tôi dùng đều
do ông chủ nhà in (!) Trần Đình Long cho cả. Được cung cấp loại nào tôi dùng loại
ấy.
Thân chúc
anh chị và cách cháu vui vẻ.
Thân ái,
Võ Phiến
Los
Angeles, 6-21-1983
Thân gửi
anh Nguyễn Tường Thiết,
Tôi đã
sai hứa: Trước tôi định viết xong bài, gửi anh trước khi gửi các báo. Nhưng viết
chậm quá, muộn quá; xong bài thì gần đến tháng 7 rồi, phải vội vàng gửi ngay đi
các báo để kịp làm số kỷ niệm (20 năm ngày mất của Nhất Linh).
Tôi đã
chia ra, gửi đi 5 tờ báo khác nhau, mỗi tờ một đoạn (tôi có sửa lại chút ít để
cho đoạn nào cũng tự nó thành một bài độc lập). Gửi như vậy để có nhiều tờ cùng
ra số đặc biệt một loạt, có vẻ “đồng khởi”, xôm trò.
Năm tờ báo
đó là:
– Văn (của
Mai Thảo)
– Đất Mới
(Thanh Nam )
– Đồng
Nai (Nguyễn Mộng Giác)
– Nguồn
Việt (tức Hồn Việt đổi mới của Đại Nam )
– Ngày
Nay (của Lê Hồng Long)
Nơi nào tôi
cũng ghi địa chỉ của anh và nêu rõ điều kiện: phải gửi anh vài ba số báo làm kỷ
niệm. Anh theo rõi coi họ có đàng hoàng không, nơi nào thiếu xin anh cho biết để
tôi nhắc. Báo nào tôi cũng cung cấp một vài bản sao các di bút của Cụ, để họ trình
bầy lên trang báo.
Xin hết sức
cảm ơn anh đã cho tôi giữ một thời gian những kỷ niệm quý báu này. Nay thì xin
hoàn lại anh.
Về ý kiến
của anh định gửi tài liệu ở thư viện Mỹ thì tôi thấy nhân dịp đi New York kỳ này anh thử
ghé đại học Cornell dò xem sao, hay là gợi ý để ông anh hiện sống tại đó đến
Cornell dò hỏi. Anh nói đúng: tôi cũng nghĩ là mình nên cẩn thận về thể thức gửi
để tài liệu được thuộc về thư viện chứ không để cá nhân nào lợi dụng.
Trong các
bài viết tôi trích dẫn tham lam, dài dòng, là vì ở xứ này sách vở VN khó tìm, sợ
e độc giả không tìm được để đối chiếu, thôi thì mình chịu khó dẫn ra cho người
ta xem luôn thể! Có chỗ nào sai sót anh cho tôi biết với, để sau này có dịp in
lại tôi sửa chữa.
Thân chúc
anh chị và các cháu an vui.
Thân,
Võ Phiến
Anh Nguyễn
Tường Thiết thân mến,
Được thư
anh, thật cảm động. Cái việc anh xem tôi, đãi tôi, như một thân thuộc là điều tôi
lấy làm quí báu, hãnh diện lắm. Tôi đeo theo nghiệp viết lách ngót sáu chục năm,
kết quả được gì? thật mơ hồ. Lợi ích được bao nhiêu? Thiệt hại gây ra chừng nào?
Đại khái chỉ thấy oán nhiều ân ít! Một lá thư, một tấm hình (các cụ TLVĐ) như của
anh gửi cho là hiếm lắm.
Vậy mà ông
cụ qua đời đã gần 40 năm chứ phải ít sao? Hồi đó tôi mới 38 tuổi, chưa hề biết
nghĩ tới cái chết một cách nghiêm chỉnh. Cứ có cảm tưởng chết là chuyện chỉ xẩy
đến cho người khác, cho “thiên hạ”, chứ không bao giờ có thể xẩy đến cho mình.
Chết là cái không liên quan đến mình!
Ngày 4 tháng
7 năm nay người Quảng Nam
lưu vong tứ xứ hẹn nhau họp mặt ở khu Bolsa (California ). Người ta nghĩ đến họ Nguyễn Tường,
có mời Duy Lam đấy.
Việc anh
chị và anh Việt vừa làm (đưa tro cụ ông và cụ bà về chôn cất ở Hội An) thật cần
thiết, thật phải cách. Năm trước Phạm Duy về VN tìm mộ cụ Phạm Duy Tốn vất vả lắm.
Xin cảm ơn
anh chị. Mong có dịp gặp nhau.
Thân mến,
Võ Phiến
Los
Angeles, 7-2001
Anh Nguyễn
Tường Thiết ơi,
Ý kiến của
anh tôi thấy rất phải. Bài tựa hay giới thiệu (cho tác phẩm Xóm Cầu Mới) đều không
hợp. Tác phẩm của một tác giả như Nhất Linh thì cần gì phải “giới thiệu”, phải
có tựa? Ai xứng đáng viết cái “tựa” ấy?
Viết cái
gì đó để bầy tỏ tình mến yêu, kính trọng, tiếc nhớ v... v..., may ra hợp. Cái gì?
thì để rồi xem có cái gì không? Nếu ra gì thì dùng, không ra gì thì bỏ đi, cũng
không muộn. Có dùng thì cũng dùng ở cuối sách, như một phát biểu không có gì
quan trọng.
Anh à, tôi
tò mò về việc ông cụ viết đi viết lại Xóm Cầu Mới quá. Về chuyện đó không chừng
mình xem kỹ may ra có thể nẩy ra một vài ý kiến? Nếu được hồi nào có thì giờ
xin anh sao lại cho một đôi chỗ ông cụ đã viết ở bản này rồi sửa ở bản nọ, coi ông
cụ chủ ý thế nào. Là suy đoán vậy thôi. Cũng học hỏi được đôi điều.
Đêm qua,
tôi có dự cuộc họp đông đảo của giáo chức và học sinh cũ các trường ở Quảng
Nam- Đà Nẵng. Gặp Nguyễn Rô (người chủ xướng cuộc họp), tôi có nói cho anh ấy
(79 tuổi) biết về việc dời hài cốt ông bà Nhất Linh về Quảng Nam . Ban tổ chức
có mời Duy Lam (để tỏ lòng biết ơn việc giúp đỡ thành lập viện đại học Quảng Đà
trước 1975), nhưng không thấy Duy Lam có mặt. Tôi sẽ gọi điện thoại hỏi thăm
anh Duy Lam xem có gì xẩy ra?
Cầm trên
tay những tài liệu mà anh sao gửi tôi nghĩ ngợi miên man. Một đời người lỗi lạc...
ôi chao...
Thân mến
chúc anh chị mọi sự an lành.
Thân,
Võ Phiến
Thân gửi
anh Nguyễn Tường Thiết,
Bài viết
cho cuốn Xóm Cầu Mới tôi đã xong. Lẽ ra có thể gửi anh đã lâu nhưng cách đây mấy
tuần anh Duy Lam có cho hay bác Nguyễn Tường Bách (cả hai bác trai bác gái) vừa
có sách ký về Nhất Linh. Duy Lam khen cuốn sách của bác gái lắm. Tôi đã hỏi nhà
sách văn nghệ, thì họ bảo là hai bác Nguyễn chưa cho phát hành ra thị rường; hỏi
lại Duy Lam thì được bảo là sách còn giữ kín chờ cuộc ra mắt (do Việt Quốc tổ
chức chăng?).
Tôi có ý
chờ xem 2 tác phẩm hồi ký ấy: không chừng có những điều tiết lộ quan trọng về
NL, có thể dùng để sửa chữa bài viết của mình.
Cuốn Tuyển
Tập này, tôi xem như một lời chào, trước chuyến đi xa. Chào độc giả, chào bạn bè
bốn phương. Tôi không ngại làm điều gở. Làm việc thong thả trong lúc còn rộng
thì giờ vẫn hơn. Vả lại thì giờ cũng không còn rộng lắm đâu.
Xin gửi
anh một tập làm kỷ niệm.
Tôi vẫn
thích lối trình bầy sách của ông An Tiêm (Thanh Tuệ). Nhà sư này bẩy nổi ba chìm
vẫn không chừa được một cái “si”: say mê sách đẹp. Tôi thích loại bìa sách đẹp
mà không vẽ vời loè loẹt (như sách Đời Nay trước 1945, như sách nhà Gallimard
v...v...). Ông Thanh Tuệ nghe nói XCM của Nhất Linh sắp tái bản, có vẻ hứng chí
lắm. Nếu anh có ý muốn ông ấy góp một tay, anh cho tôi biết. Tháng 10-2001 này,
ông ấy sẽ từ Paris
sang California .
Thân mến
chào anh chị.
Võ Phiến
Los
Angeles, 10 – 2001
Anh Ng.T.
Thiết ơi,
Xin gửi
anh bài viết, anh đọc thấy có chỗ nào cần sửa sang anh cho tôi biết để chỉnh đốn
tử tế. Tôi nghe anh gom góp tài liệu, dựng được cái chỗ bảo tàng cho ông cụ, tôi
thích quá nên có ý lưu ý “thiên hạ” về chỗ này. Nếu dư luận trong và ngoài nước
chú ý đến nhà bảo tàng NL, rồi có những nhà biên khảo tìm đến thì thật là khoái!
Bài tôi viết chủ ý như vậy, chứ bản thân tôi thì lão nhược rồi, muộn rồi, chẳng
còn khảo khiếc gì được nữa!
Chuyện in
sách ông cụ, tôi nghĩ là nên gấp, anh à. Tình hình sách Việt ở hải ngoại xuống
lắm. Nhà xuất bản có uy tín nhất lâu nay là nhà Văn Nghệ (tức Lá Bối xưa ở Sài
Gòn) bây giờ đang “tiến hành” thủ tục đóng cửa: sách cũ bán ½ cho hết, sách
mới ngừng in rồi (tiệm bán sách Văn Nghệ vẫn còn hoạt động, chỉ có nhà xuất bản
là ngưng). Sách mới hồi đầu (1985) in 2000 bản mỗi đầu sách. Trụt dần dần. Bây
giờ trung bình mỗi đầu sách in 500 bản. Sống gì nổi nữa. Các tiệm sách Việt ở hải
ngoại tàn rụi nhanh. Tại Hoa Thịnh Đốn trước có 3 tiệm, nay đã đóng cửa cả 3. Các
tiệm sách các nơi, ngay ở Tiểu Sài Gòn, tiệm nào còn mở thì số sách trong nước
tràn ra lấn hẳn sách hải ngoại về số lượng.
Về ngành
xuất bản, chỉ còn nhà Văn Mới in tác phẩm mới được đều đặn thôi. Vì Văn Mới kiêm
luôn nhà in, lấy lợi tức ngành in bồi bổ tổn phí xuất bản, lại không phải bỏ tiền
thuê in. Tuy vậy V.M. cũng vừa mới dọn tới một cơ sở nhỏ hẹp hơn. Địa chỉ không
còn như đã ghi trong cuốn Tuyển Tập của tôi nữa. Địa chỉ mới là:
1127 W. Gardena Blvd
Điện thoại:
(310) 366-6867
Anh có liên
lạc với Văn Mới, sẽ gặp một người Phật tử Huế, tính tình dễ mến lắm. “Dễ mến”
nhất ở chỗ điều kiện giao dịch rộng rãi: ông ấy có thể nhận xuất bản sách mới,
không bắt mình trả tiền (!) in, nếu sách bán được lại có thể trả tác quyền
v...v... Không biết tình hình này còn kéo dài được bao lâu. Anh nên “ra tay” sớm.
Việc xếp
chữ (đánh máy), anh chị định làm lấy hay thuê mướn? Ở Westminster có những chỗ chuyên việc này. (Cụ
Nguyễn Tường Bách chắc am tường).
Về việc
trình bầy sách, anh nói phải: các mẫu bìa do ông cụ phác hoạ nên đưa ra lúc này.
Ngoài chuyện mỹ thuật, nó còn một giá trị kỷ niệm, một giá trị tài liệu, càng lâu
càng quí. Chuyện chờ đợi ông An Tiêm bây giờ thấy không thực tế: ông ấy ở Pháp
mình ở Mỹ, một năm ông ấy qua Mỹ một vài lần, bất thường, gặp nhau khó khăn quá!
Không khéo, việc ấy làm trở ngại, chậm trễ cuốn sách.
Tôi mong
mỏi cuốn “Xóm Cầu Mới” được tái bản kịp thời lắm lắm. Sách ấy phải có mặt. Chờ
nhà cầm quyền Hà Nội đổi thái độ thì e còn khuya. Chờ cơ hội thuận lợi ở hải
ngoại thì e sẽ đương đầu với ngày tàn rụi của văn học hải ngoại mất. (Tôi in
Tuyển Tập cũng là do ý muốn thu vén kết thúc thôi)
À nhân đây
tôi xin khoe với anh một chuyện: Ngày 9 tháng 10-2001 ở đại học Sorbonne
(Paris) có người trình luận án tiến sĩ, với đề tài: “V.P., culture nationale,
lectures occidentales”. Người trình là Trương Thị Liễu. Luận án bảo vệ thành công
được mention très honorable, avec félicitation du jury. Bà nghè tân khoa báo
tin cho tôi hay, kịp ngày sinh nhật của gã V.P. Bảo “khoe” với anh, thật vô duyên.
Luận án là một thành công của bà Nghè, chứ đâu phải của tôi. Cũng như khi một
nhà khảo cứu viết ra cuốn sách về con kỳ nhông, thì đó là thành tích của ông ta
chứ đâu phải của con kỳ nhông. Sách ấy ra đời, con kỳ nhông không vì thế mà hơn
con kỳ đà! Dù sao, mình (gã VP!) cũng tự dưng hí hửng. Yếu quá. Con người yếu
quá.
Còn về cuốn
“Về Đâu”. Đó là một dự định thôi. Dự định bất thành anh à. Anh để ý sẽ thấy có
nhiều nhân vật (ông tú Từ Lâm, Hai Mỏ Gảy, Ba Càng Cua...) xuất hiện trong nhiều
tác phẩm (tuỳ bút, truyện ngắn, truyện dài...). Tôi có ý về sau, khi đã viết khá
đủ, sẽ tập họp các món ấy vào một tác phẩm tổng hợp, một bộ sách (bộ truyện trường
thiên) lấy tên “Về Đâu”. (Ảo ảnh, Nguyên Vẹn, Đàn Ông, Một Mình... đều sẽ đúc kết
lại vào “Về Đâu” cả!). Việc chưa tới đâu thì Miền Nam sập tiệm. Bao nhiêu dự tính tan
vỡ như giấc mơ... of mice and men! (kết thúc cuốn “Một Mình” đã lộ cái ý “đời
người về đâu”, anh để ý thì thấy). Tôi
biết ơn anh đã để tâm đến câu chuyện thất bại này, nhớ cho tới ngày nay.
Còn cái này
nữa. Là trong bài mới viết, tôi có nói đến câu chuyện anh thi tú tài vào vấn đáp
v...v... Đó là chuyện anh đã kể trong một lá thư viết cho tôi cả chục năm trước!
Anh còn nhớ không?
Trong cuốn
tự truyện của bà cụ Ng.T. Bách có chỗ nhắc lại lời bà Hoàng Đạo nói với bà Bách,
đại khái: “Thím gặp chú Bách là may mắn lắm; anh em nhà này không ăn ở 2 lòng”.
Đó là chuyện trong gia đình. Tôi nghiệm ra ở ngoài xã hội, bao nhiêu anh em
Nguyễn Tường giống nhau ở cái tâm cao thượng. Đầu cực thông minh mà không quỷ
quyệt (như H.C.M.). Đều khốn đốn vì cái tâm ấy!
Tôi quên
cái này: là tôi đã có nói chuyện qua với ông Văn Mới về việc anh muốn tái bản
X.C.M. Văn Mới có vẻ niềm nở. Nếu anh có lời khích lệ ca ngợi ông ấy về những cố
gắng trong giai đoạn “mạt ngươn” này, chắc ông ấy vui.
À, anh có
nhắc đến ông Khai Trí. Ông ấy mới vừa bị nhà cầm quyền trừng phạt về vụ đưa sách
“xấu” từ Mỹ về VN. Sự việc được thuật lại trên báo Nhân Dân của nhà nước. Tội
nghiệp, ông ấy ngót 80 tuổi, còn mang vạ về sách vở.
Tôi cà kê
dông dài quá, hết chịu thấu. Thôi để anh còn nghỉ ngơi. Xin chúc anh chị mọi sự
an vui.
Thân mến,
Võ Phiến
Anh Thiết
ơi,
Bức thư
12 trang của anh thật là phong phú. Nó tiết lộ bao nhiêu điều làm mình suy nghĩ.
Tôi biết rằng tôi sẽ còn vấn vương lâu. Tôi để cho những điều ấy “chín” lần lần.
Phải chờ nó chín. Nếu còn được sống lai rai ít năm nữa, chắc thế nào tôi cũng có
lúc trở lại với N.L. một lần nữa.
Anh nhận
xét về chỗ trích dẫn liên quan đến N.L.& Ngô Đình Diệm tinh lắm. Cho tới
nay tôi tránh đề cập đến thái độ chính trị của ông cụ (N.L.): sẽ gợi ra những
phát biểu của bên này bên nọ, có thể có những phát biểu sôi nổi cực đoan, làm tổn
thương xúc phạm đến người quá cố.
Nhân đây
tôi cũng tiết lộ riêng với anh một chuyện khác. Ngày cuối cùng, ông cụ mang gói
bản thảo XCM đến bà Ng. Thị Vinh. Trong dịp ấy có dặn dò, có ý kiến gì chăng? Tôi
tò mò, viết thư cho chị Vinh. Chị thận trọng xác định: Bản thảo ấy giao cho nhà
in Trường Sơn chứ không phải trao cho người bạn văn N.T.Vinh. Chị nhấn mạnh (gạch
đít) dưới 2 chữ giao và trao. Giao khác hẳn trao!
Tôi nghĩ đến
hoàn cảnh của chị hiện nay, tôn trọng ý tứ của chị.
Thử nhất
thời bỉ nhất thời.
Rồi về
sau này thời thế biến chuyển, các vấn đề chính trị thời 54-75 nguôi ngoai, lớp
văn nghệ sĩ thời ấy qua đời cả v... v..., người sau sẽ có cách nhận định khác,
viết lách khác về N.L. Lúc này ta cần dè dặt, ý tứ, để khỏi đụng chạm.
Anh phải đánh
máy gấp, vậy tôi xin có chút đóng góp để nhẹ bớt (chút xíu) công việc của anh,
là sao gửi anh bài viết “Đọc bản thảo Nhất Linh” (Tôi dùng bộ chữ VNI).
Mong anh
sớm hoàn thành việc này.
Thăm anh
chị an vui.
Thân mến,
Võ Phiến
Anh Thiết
ơi,
Tôi đuợc
thư của anh 2 lá thư liên tiếp. Lý thú quá chừng. Có dịp tiếp xúc với bản thảo
của những tác giả lớn, bao nhiêu điều bật nẩy ra. Phải chi mình còn trẻ, có điều
kiện để suy nghĩ, để viết, thì thích ghê.
Jean-Paul
Sartre đã viết về Gustave Flaubert, làm một bộ ba cuốn “L’idiot de la famille”
mà chỉ nói về một quãng đời 6 năm – 1821 đến 1827 – Tôi nhớ hình như khi về già,
Sartre bệnh hoạn gần chết, thường xuống miền Nam nước Ý nghỉ ngơi, lúc bấy giờ
nhà xuất bản còn gửi tới ông một thùng sách mới in xong, tức cuốn (?) cũng lại
viết về Flaubert, hình như (lại hình như!) dầy hơn nghìn rưởi trang. Tôi chưa đọc
(chưa được trông thấy, sờ mó tới) những cuốn sách này của Sartre. Vụ thùng sách
ở Ý, thấy Simoine de Beauvoire thuật lại trong cuốn “Cérémonie des adieux” viết
sau khi Sartre chết.
Ở VN ta,
chưa có ai suy nghĩ về ai mà kỹ càng sâu xa như vậy. Thấy người ta làm mà ham.
Ham suông vậy thôi. Mình thì “phận mỏng cánh chuồn”, không dám mơ tới chuyện lớn
lao. Nhưng Trời cho còn ngo ngoe được, sẽ cố gắng trở lại với ông cụ một lần nữa,
sau khi tích tụ thêm tài liệu nữa. Tích tụ rồi, nên có thì giờ cho ý tưởng nó
“chín” một chút nữa. Không nên vội vàng. Những cái đã viết rồi, cứ để thế thôi:
nay thêm một ít mai một tí nữa, nó mất cái nhất khí.
Nghe anh
nói, phấn khởi quá. Tôi mong cuốn tái bản kỳ này ra mắt kịp thời như dự định,
xem lòng người lúc này nó ra làm sao.
Thân chúc
anh chị và các cháu mọi sự an lành.
Võ Phiến
Anh Nguyễn
Tường Thiết ơi,
Tôi đã
nghĩ nên để dành các phát giác của anh về sau sẽ khai thác. Nhưng có những lúc
thấp thỏm không an! Biết có còn “ngày sau” không? Nếu nay mai Xếp Lớn Trên Trời
cất tiếng gọi, mình dzọt cấp kỳ, làm gì có dịp đưa ra những phát giác lý thú nọ
cho bà con biết? Rốt cuộc tôi viết ngay mấy dòng sau đây, xin anh cho nó vào
trang 3 bài “Đọc bản thảo của N.L.” đã gửi anh hôm nọ. Trang 3, dòng 17 kết thúc
bằng câu: “Cảnh tượng ấy thật cảm động”. Dòng 18 bắt đầu: “Nhất Linh nhiều lần
nói đến cái sung sướng ở kẻ khác.” Giữa dòng 17 và dòng 18, xin anh cho chen vào
đoạn sau đây:
Vả lại
trẻ trung hay trẻ thơ, náo nức hay sung sướng, thì có gì ngại phô bầy? Ông Thánh
Thán hể hả la lối om sòm khi gặp bất cứ niềm vui cỏn con nào, sao ta lại dè dặt
vì niềm vui sáng tác. Năm 1950, ngày 13 tháng 3, Nhất Linh viết xong chương XII
của bộ Xóm Cầu Mới. Bốn mươi hôm sau, ông ghi lên bản thảo mấy chữ: “Sáng
23-4 đọc lại: “I am satisfied with me”. Câu Anh văn ấy, nếu dịch ra giọng
Thánh Thán thì là: “Bất diệc lạc hồ”. Cùng câu ấy, nếu đem ra diễn nôm theo giọng
bình dân Nam
bộ sẽ thành ra:“Tôi khoái tôi quá chời!”chứ còn gì nữa? Tự nhiên thôi.
Nhân tiện
xin mách anh một chuyện. Báo Sài Gòn Nhỏ, số Xuân năm nay đem bài phê bình Nhất
Linh của tôi viết năm xưa ra in lại trọn gói, dài ơi là dài. Báo ấy in nhiều nhất
trong các báo Việt ngữ nước Mỹ: in một lượt 22 ấn bản khác nhau, phát hành đồng
loạt từ nhiều địa điểm Mỹ châu và Âu châu!
Lần đầu
tiên bài viết của mình được phổ biến lớn như vậy. (Tất nhiên, theo lệ thường,
người viết không được trả nhuận bút). Chỉ được phép hưởng cái vui, cái khoái vậy
thôi.
Thân mến,
Võ Phiến
Anh Thiết
ơi,
Bài của
chị Vinh làm mình hiểu được chữ “trên núi” trong bản thảo (cuốn Xóm Cầu Mới) của
ông cụ. Hóa ra “trên núi” là vậy. Bài của chị cũng xác nhận cảm tưởng của anh và
của tôi đấy anh à. Ở trang 3, chị bảo ông cụ có một vẻ “nghiêm khắc, trầm lắng,
rất buồn bã (...) chứa chất u sầu”. Đó là một phương diện của tâm hồn cụ: đau
buồn khổ sở vì chính trị. Chỗ này về sau anh đi xa hơn: phát giác ra tiếng khóc
của cụ. Ở cuối trang 4, chị Vinh nói về: “... như một phép lạ, mặt anh vui, ánh
mắt tươi sáng. Kỳ diệu thay, sức mạnh của văn chương và nghệ thuật!”. Ở đầu
trang 5 chị Vinh kể lại nhận xét của bà cụ: “Anh yêu văn chương lắm (...) không
nên đụng vào chính trị”. Ở giữa trang 6 chị Vinh có viết bà cụ đã dựng nên, tạo
ra niềm vui cho ông cụ bằng một chiếc ghế vải và chiếc bàn nhỏ. Mấy chữ “viết,
viết và viết” tả rõ niềm vui của cụ. Đây là một phương diện khác nơi cụ. Bà cụ
hiểu hết, và đã tìm được biện pháp có hiệu quả để đem lại những giờ tươi vui
cho ông cụ. Tiếc rằng hoàn cảnh đã không cho bà sống gần ông nhiều hơn. Lời đề
tặng đầu sách XCM là kết quả một suy nghĩ, biết ơn sâu xa, chứ không phải là một
sôi nổi bốc đồng như trong nhiều trường hợp chúng ta thường thấy ở các bạn bè
quen biết sau này. Sau này ta thấy nhiều lời đề tặng sách lên ông bà cha mẹ, xuống
tới em út con cái, lời lẽ rộn rã tưng bừng. Ông cụ viết bao nhiêu là sách rồi,
cuối đời chỉ một lần đề tặng vắn tắt mà thấm thía.
Anh chị
cho vợ chồng tôi lên nhà chơi, chúng tôi thích thú lắm. Anh cho chúng tôi biết
trước ngày tháng để chúng tôi xếp đặt công việc. Tôi nghĩ nên ở nhà anh chị 2
ngày là vừa. (Đi 1 ngày, về 1 ngày: tất cả là 4 ngày!)
Nếu anh
chị cho in XCM ở vùng Los Angeles ,
trong dịp lui tới ấn quán, xin mời anh ghé nhà chúng tôi chơi, nghỉ ngơi: Ngôi
nhà này chúng tôi đã mua đã ở suốt 22 năm qua.
Chúng tôi
rất mong anh chị biết qua cái hang động thân thiết của mình.
Thân mến,
Võ Phiến
Anh Thiết
ơi,
Tôi đã nhận
được 2 tấm bìa anh gửi: Giờ chỉ còn chờ ngày phát hành sách.
Trong thế
hệ từ ông cụ trở lại đây, chưa có ai được cái may mắn như cụ: không có văn nghệ
sĩ lừng lẫy nào, sau khi nằm xuống, mà tác phẩm được con cái săn sóc, bảo tồn,
phát huy kỹ như Nhất Linh. Ngay những công thần của chế độ miền Bắc, đã qua đời
rồi là chỉ trông cậy ở nhà nước chứ không mong gì ở vợ con.
Lớp trước
có Phạm Quỳnh. Người con gái đầu (Phạm Thị Ngoạn) đã có những cố gắng đáng kể
trong việc khôi phục danh dự cho cha. Năm 1999, trong ngày Phạm Quỳnh được tổ
chức ở Nam Cali, tôi có được gặp gia đình cụ Phạm. Người con gái út, năm 1945 còn
học ở Đồng Khánh. Ngày ngày quanh quẩn bên cha: nhổ tóc sâu, rọc sách cho cha đọc
(Ngày ấy sách mới - Việt cũng như Pháp - thường không cắt 3 mặt, để cho người đọc
rọc lấy sách. Lắm độc giả cho đấy là một cái thú). Tôi hỏi về sức đọc của cụ Phạm
(lúc đã từ quan, nằm nhà), bà con út bảo rằng trung bình 2 ngày ông cụ đọc xong
một cuốn. Nhanh ghê.
Thân chào
anh chị,
Võ Phiến
Los
Angeles, 7-12-2002
Anh Thiết
ơi,
Tôi nhân được
tấm thiệp và bài ký (Cây Bàng Lá Đỏ) của anh rồi. Bài ký có những chỗ lý thú lắm:
– (Đường)
Quán Thánh hay Quan Thánh? Vấn đề anh đưa ra, toà soạn “Thế Kỷ 21” nên kêu gọi
góp ý rộng rãi. Mình lấy làm tò mò!
– Thái độ
của ông cụ về chuyện điều tiết hơi thở, thấy gần với phép thiền của các sư Thanh
Từ, Nhất Hạnh v...v... Ông cụ khuyên rửa bát thì chăm vào việc rửa bát, đi thì
thong thả không vì đèn đỏ đèn vàng mà vội v..v.. Phong trào thiền mới đây, ông
cụ thì chủ trương từ trước, rất lâu (Tôi nói phong trào N.
Hạnh , Th.Từ mới nổi, chứ không phải đạo thiền là mới)
– Thái độ
của Huy Cận, sự ngập ngừng, đắn đo, khó khăn, và tình cảm của Huy Cận v..v...
Năm nay tôi
bắt đầu “nghỉ hưu”, không gửi thiệp mừng Giáng Sinh mừng năm mới gì cho ai cả.
Mình nghỉ
viết lách, cứ nín thin thít, lặn luôn là vừa. Có cố gắng dài thêm đời viết, cũng
chẳng được bao lâu nữa, chẳng lợi gì cho đời, mà vất vả cho mình quá!
Nhưng đã
có cơ hội này thì vẫn chúc mừng anh chị và các cháu mọi sự an lành may mắn.
Tết này,
xin mời anh chị cố gắng ghé chúng tôi chơi, kẻo rồi không còn cơ hội gặp nhau!
Thân mến,
Võ Phiến
TB: Chữ
“Philharmonique” tôi nhớ có chữ “h” sau chữ “l”. Tôi không có sách báo gì để
tra cứu cả. Anh nhờ Phạm Phú Minh gọi Phạm Duy (ở gần nhau) hỏi. Phạm Duy ra vô
lui tới những hội quán này mòn chân.
Anh Nguyễn
Tường Thiết ơi,
Mấy tuần
liên tiếp lo việc mua nhà, bán nhà, dời nhà: quýnh quáng. Mất hết liên lạc với
bạn bè.
Giờ vừa hơi
ổn định, xin thông báo ngay anh chị biết địa chỉ mới:
3106 Mary
Common
Điện thoại
(714) 554-9140
Bây giờ tôi
gần cụ Nguyễn Tường Bách, ngày hôm qua đã đến trình diện cụ. Vợ chồng tôi và cụ
ông cụ bà có cùng nhau đi ăn phở!
Mọi chuyên
khác rồi hạ hồi phân giải nghe anh.
Thân mến,
Võ Phiến
Anh Nguyễn
Tường Thiết ơi,
Đọc bài
anh (Mưa Đêm Cuối Năm), thật bùi ngùi. Năm nay tôi bát tuần, nghe nhắc lại những
kỷ niệm từ 45 năm về trước - non nửa thế kỷ - trí óc cứ bần thần ngẩn ngơ, nghĩ
tới nghĩ lui, cái nhớ cái quên...
Bao nhiêu
người quen biết với chúng ta đã ra đi vĩnh viễn. Cách đây hai hôm, trong một đám
cưới, một bà cụ từ bàn sui gia, tiến lại bàn tôi, mừng rỡ nhắc lại mối quen biết
ngày xưa: hoá ra bạn đồng nghiệp hơn nửa thế kỷ trước, cùng làm ở bộ thông tin!
Bà cụ đã già (cố nhiên), tôi càng già: hai bên mừng khen nhau còn “khá” lắm, “vững”
lắm! Càng tự an ủi, càng thấm thía cái mỉa mai.
Hôm nọ,
chúng ta nói chuyện với nhau, nhắc tới Xuân Hiến, hôm đó tôi lớ ngớ không nhớ
ra X.H. mất năm nào. Sau, nghĩ lại: Tôi thật ngớ ngẩn. Tiểu sử Xuân Hiến tôi có
ghi rõ trong cuốn “Tổng quan Văn học Miền Nam ”, đang có trước mặt. XH sinh năm
1925 (cùng năm với tôi), mất ngày 10-9-1982 . Đã 21 năm qua! Thoắt cái, xa tít!
Tôi mỗi
ngày mỗi quên nhanh thêm. Kỷ niệm càng nghèo đi. Chẳng bao lâu nữa, e sẽ mất trụi.
Vô sản thôi.
Trong bài
anh, có mấy chỗ này, cũng thuộc về chuyện kỷ niệm một thời: Rượu với thuốc, hai
cái nam phái bấy giờ tiếp xúc hàng ngày, bây giờ cũng phai mờ cả. Thuốc hiệu
Bastos, tôi mơ hồ tên nó có chữ “s” ở sau chót? Có không? Anh thử kiểm lại với
các tay tuổi tác xem. Tôi không hút thuốc bao giờ, có thể nhớ sai. Còn “la-ve”
thì chữ Pháp viết: bière (một r?). Rượu, tôi cũng “yếu” lắm, không uống mấy, họa
hoằn mới nhấm một hớp thôi. Kẻ ngoại cuộc, nhớ mơ hồ lắm.
Tôi rất cảm
ơn anh, trải qua bao “bể dâu” mà còn nhớ rõ từng chi tiết những ngày thân ái xa
xưa.
Vợ chống
tôi mong rằng một hôm nào đó anh chị xuống miền Nam (Cali ), ghé chúng tôi, gặp nhau chốc lát.
Thân mến,
Võ Phiến
Quận
Cam, 4-4-2004
Anh Nguyễn
Tường Thiết ơi,
Hai bài ký
về việc cải táng ông cụ bà cụ về Quảng Nam, và việc tìm mộ ông nội ở Cẩm Giàng
thật linh động, đầy đủ, cảm động.
Trước đây
tôi đi Úc, ở nhà anh Nguyễn Xuân Thu (giáo sư đại học Melbourne ), có nghe anh ấy nói ảnh quen biết
với một người con gái ở Đà Lạt. Tôi không biết là người nào: chị anh Thiết hay
em của Thiết? Bây giờ đọc “Chuyến tàu trong đêm”, tôi đoán đấy chính là chị Thư,
chị cả, số phận éo le.
Lại nhân
bài ký, có nhắc nhiều kỷ niệm Thạch Lam, tôi nghĩ đến hôm nọ bác sĩ Nguyễn Tường
Giang đến nhà, tôi không nhớ ra bác sĩ là con của vị nào trong dòng Nguyễn Tường!
Vì vậy không tiện hỏi han này nọ... Sau này biết ra thì tôi tiếc là không hỏi về
tin tức tướng Ngô Quang Trưởng. Hình như căn bệnh của Tướng Trưởng được phát giác
trễ muộn? Hình như đã đến giai đoạn trầm trọng? Tôi được biết một số anh em quân
nhân đang thu thập bài viết về ông để in một tác phẩm kịp trao tặng ông xem trước?
v...v...
Việc anh
(Thiết) tìm được mộ cụ nội quả là giỏi. Anh biết không? Phạm Duy đã về V.Nam, bỏ
công tìm tòi rất khó nhọc, mà rốt cuộc không tìm được hài cốt cụ Phạm Duy Tốn!
Nhạc sĩ Phạm Duy cũng là người chí hiếu mà không được toại nguyện, rất đáng buồn.
Tôi rất mừng
cho anh.
Thân mến,
Võ Phiến
TB:
– Hai tấm
hình chụp vào thập kỷ 30, tôi đã đem khoe đôi ba nhóm quen biết. Ai nấy rất thích
thú.
– Một con
trai tôi, trước 75, khi đi thực tập về Sản Khoa ở Từ Dũ, còn nhớ có được BS
Giang hướng dẫn.
Quận
Cam, đầu năm 2005
Anh Thiết
ơi,
Trước
kia, nghe anh nói qua về cuộc gặp gỡ Huy Cận, tôi tò mò nhưng ngần ngại, không
hỏi anh nhiều, nghĩ rằng có những điều không tiện tiết lộ chăng. Quả nhiên, đọc
“Hai lần gặp Huy Cận” của anh, thấy có hai ông HC khác nhau, phủ nhận nhau.
Huy Cận gặp
năm 1998 là HC thật, người bạn thân của Nhất Linh đã bộc lộ chân tình với người
con N.L. Còn HC 2001 là nhân vật hướng về nhà cầm quyền mà thanh minh về lập trường
chung thủy của mình.
Lần gặp
1998, gặp nhau chỉ 2 người, HC quàng tay ôm con của bạn, xúc động mạnh mẽ, thốt
ra nhhững lời đau đớn (việc gì anh ấy phải chết (...) bố cháu phải chết), HC lấy
ra tấm hình chụp chung đã cất giữ kỹ mấy mươi năm v...v... Lần gặp 2001 có 3 người,
HC vạch “cái sai cái quấy” của NL, đọc 15 trang ông ta viết về NL, những trang
viết sắp cho xuất bản (tức là đúng lập trường tăm tắp).
Thái độ
HC khác nhau ở 2 lần gặp, lý do có lẽ là vì số người có mặt. Gặp nhau 2 người có
thể dạn lời. Gặp nhau 3 người thì khác hẳn. “Mưu vô lục nhĩ”. Có 6 lỗ tai cùng nghe
thì không còn bảo đảm được bí mật nữa. Đã
6 tai, lại còn có máy quay phim, máy ghi âm! Chết một cửa. Chuyện vỡ lở ra, ông
chạy đàng trời không khỏi tai họa. Tiêu tùng sự nghiệp thôi.
Anh Thiết
ơi, cụ NL không chấp nhận chế độ Cộng sản ngay từ đầu. Phải thôi. Dưới chế độ ấy,
con người khó sống cho đàng hoàng.
Còn việc
viết đôi lời trên sách thì... Ôi thôi. Tôi
đối với cụ NL và đối với anh, tình như thế nào anh biết thừa, đâu cần bầy tỏ nữa.
Duy từ ngày “đoạn tuyệt” văn chương, tôi tự biết đã làm buồn lòng một số bạn bè
rồi. Họ đã buồn, có lẽ còn đang buồn tiếp. Đã thế, mình chỉ còn cách nín khe, tự
vùi thân luôn một mạch. Nếu nấp chỗ này lại ló ra chỗ kia: chết với anh em
ngay, anh ơi.
Chắc tôi
nêu ra, anh thông cảm ngay hoàn cảnh tôi. Gặp nhau, tôi có những chuyện lý thú
mà éo le để kể cho anh nghe chơi cho rõ nhân tình thế thái.
Thân mến,
Võ Phiến
Quận
Cam, 25- III- 2005
Thân gửi
anh Nguyễn Tuờng Thiết,
Tôi tán
thưởng hoàn toàn bản viết mới của anh (về cuộc nói chuyện – 2 lần – với Huy Cận).
Tôi sống
10 năm với Cộng Sản, có hiểu ít nhiều về họ. Thái độ của họ không như của mình.
Họ rắc rối lắm. Nhất là những kẻ quyền cao chức trọng. Họ thực sự nghĩ gì, khó
lường!
Tố Hữu
sinh thời sát phạt quá chừng. Ông ta chết xong, mới đây một ký giả công bố một
tài liệu: Tố Hữu cực lực khen ngợi bao nhiêu văn nhân thi sĩ mà ông ta từng kết
tội, đầy đọa. Thiên hạ sửng sốt, hoang mang tột độ. Cãi cọ bàn tán rùm beng.
Trần Huy
Liệu từng tung ra tấm gương anh hùng thiếu nhi 12 tuổi, tự thiêu giết giặc. Trước
khi chết T.H.Liệu nài nỉ một người bạn thân: thế nào, sau khi chiến thắng cũng
nhớ công bố cho ai nấy biết rằng câu chuyện nọ là bịa đặt, do T.H.Liệu bịa đặt
hoàn toàn. Ông bạn nọ vừa mới tung lời trối trăn ra! Các báo của ta ở quận Cam có loan tin cả!
Huy Cận từng
sống bên Nhất Linh một thời gian khá dài. HC không thể hiểu lầm về nhân cách của
N.L. Không thể nghĩ NL là sai, là phản v...v... Có thể ông ta không nghĩ thế, mà
ông ta cứ nói thế. Ông ta nói thế, anh và anh Việt đối đáp thẳng thừng, thẳng
thắn, không nhân nhượng: như thế là phải cách. Chắc chắn trong thâm tâm ông HC
cũng “chịu” lắm.
Còn thực
sự ra sao, thì để “lịch sử” soi sáng. Một người đã giữ trong ví mình suốt 60, 70
năm tấm hình chụp chung với NL, tôi nghĩ còn quí trọng NL. Chắc chắn về sau, sự
việc sẽ sáng tỏ.
Nếu mình đoán
đúng thì sẽ mừng cho ông ta. Nếu không, nếu mình đoán sai thì... chán cho HC quá!
Thân chào
anh chị,
Võ Phiến
Quận
Cam, tháng 5-2005
Thân gửi
anh Thiết,
Quả như
anh nhận thấy: tôi không hiện đại được như thiên hạ, không hiện đại chút nào! Đến
bây giờ vẫn giấy, vẫn bút, lẽo đẽo viết từng lá thư cho bạn bè như hồi thế kỷ
trước. Viết thư sao, viết văn cũng vậy thôi. Vẫn cây bút và tờ giấy hoài. Rằng
quen mất nết...
Ý kiến của
tôi về Huy Cận là chợt nghĩ đâu viết đó. Tôi suốt đời chưa có dịp gặp, và biết,
và quen H.Cận, nên không dám cho là đã có căn cứ thích đáng để suy đoán tâm lý
Huy Cận. Sự thực thế nào, rồi từ từ sẽ sáng tỏ ra. Dù sao chúng ta có cái may,
do Trời... bố trí cho. Như thế này.
Bài chúng
ta đăng lên báo không lâu thì H.C. qua đời. Trong dịp này tất nhiên thiên hạ đó
đây chỉ có lời thương tiếc tán dương. Nếu rủi ro bài trách cứ lọt vào giữa bầu
không khí ấy thì... chuyện phải quấy chưa rõ thực hư, thế nào mình cũng đâm ra áy
náy, ân hận! Nhờ Trời xui khiến, mình được nhẹ người.
Về chuyện
đưa việc ấy vào cuốn Hồi Ký sẽ in thì có lẽ không sao, vì cách xa cái chết của
H. Cận, các cảm xúc đã yên nguôi. Tuy nhiên, xin anh cứ tùy thời mà khu xử. Nếu
thấy cần, anh có thể chờ thêm nữa, xem thiên hạ xa gần có dần dần tiết lộ thêm điều
gì rõ ràng xác đáng hơn nữa về tính tình, tâm lý của H.C., giúp mình nhận định được
kỹ hơn chăng?
Tôi viết
thư này khi Phạm Duy vừa về nước hơn một tuần lễ. Hết chuyên nọ tới chuyện kia,
sự đời biến chuyển, tình người đổi thay đột ngột, liên miên, tới tấp. Mình thấy
xôn xao quá. Xốn xang, bức rức quá. Trước khi P.D. lên đường, tôi với ảnh có nói
chuyện qua điện thoại. Để rồi coi sự thể sẽ diễn biến ra sao!
Anh chị có
cơ hội thuận tiện, xin ghé chúng tôi chơi. Chúng ta còn được mấy lần gặp nữa?
Thân mến,
Võ Phiến
Quận
Cam, VI-2005
Anh Thiết
ơi,
Tôi nhận được
“Đêm vang”, đọc luôn một hơi, rồi viết liền thư này gửi anh. Phải viết liền vì
cao hứng quá, không chần chờ được.
Truyện của
anh lôi cuốn người đọc phăng phăng như một con salmon khổng lồ dính câu.
Truyện của
anh nó lôi cuốn vì nhiều yếu tố khác nhau, tình cờ gặp nhau ở một bài viết:
– Có cái
mới lạ để kích thích: chuyện cá hồi, cá steelhead, cảnh câu độc đáo hiếm thấy
(hư ảo, ma quái, có khi nguy hiểm...), “đồ nghề”, dụng cụ mới lạ, kỳ cục
v...v..
– Có những
cảnh trí, phong tục ở một xứ sở xa xăm, một văn hoá khác biệt: “những con bọ khổng
lồ quấn quít nhau trên đá trên cát, (...) quay đầu nhìn con cá King quẫy mạnh
trong không trung”...
– Bên cạnh
bao nhiêu điều khác lạ của cuộc sống mênh mông, lại có chỗ chung, nơi gặp gỡ của
mọi đời người: một người một chó, một cha một con, một già một trẻ, lủi thủi đi
về một căn nhà trailer, bên rừng “không biết ông còn sống thêm được một mùa đông
lạnh giá”...
Bước đầu
viết truyện của anh đầy hứa hẹn. Họ Nguyễn Tường!... Thật là...
Tôi liên
tưởng đến dòng họ của thi sĩ lẫy lừng Tản Đà, mà ngậm ngùi. Năm ngoái nhớ báo
chí hải ngoại có loan tin về cảnh sống của hậu duệ cụ ở Sài Gòn. Thương quá.
Xin mừng
anh. Mừng chị Thơ Thơ. Những thành công như thế làm bao nhiêu người vui lây.
Thân mến,
Võ Phiến
Quận
Cam, tháng 8 – 2005
Anh Thiết
ơi,
Tôi đọc
“ké” bài viết của anh về cụ bà, lấy làm thích thú lắm.
Về giá trị
nghệ thuât, “Bà Cẩm Lợi” rất thành công, anh ghi nhận tinh tường, nhận xét thông
minh, đưa ra một nhân vật thật sống động, độc đáo. Giả sử “nhân vật” không phải
là người thật, liên hệ mật thiết với một danh nhân, giả sử đây chỉ là một nhân
vật giả tưởng thì việc xây dựng được nhân vật ấy đã là một thành công đáng quí
rồi. Anh viết thật chắc tay: bài nào bài nấy đều thành công.
Huống chi
trong trường hợp này bài viết không chỉ nhằm mục đích nghệ thuật. Nó đáp ứng một
mong đợi tôi nghĩ là của một số người khá đông đảo. Tức số người hâm mộ Nhất
Linh, và tò mò về cuộc đời riêng tư của ông, về đời sống gia đình của ông. Thỉnh
thoảng xuất hiện đây đó những suy đoán, những thắc mắc... Mới gần đây, tôi có bắt
gặp một tờ tạp chí xuất bản ở New
york - tờ B.N ? - một nữ ký giả đã phỏng vấn anh
(Nguyễn Tường Thiết) về vấn đề này. Hỏi tỉ mỉ, dài dòng, kỹ càng... Bài “Bà Cẩm Lợi” đáp ứng tâm lý tò mò ấy. Bài
vừa hay vừa hữu ích. Bản thân tôi cũng tiếp nhận thêm được những điều mới mẻ:
– Được thấy
rằng trong dòng họ Nguyễn Tường những người đàn ông đều có chí khí, ngay từ nhỏ
đã quyết tâm theo đuổi một sự nghiệp, ai nấy thân lập thân, không ỷ lại vào cha
mẹ, không bận bịu vợ con.
– Về điểm
“không bận bịu vợ con”, đa số các danh nhân VN khác đều thế: Phan Bội Châu, Huỳnh
Thúc Kháng, Phan Chu Trinh v..v.. và
v..v... Nhưng dư luân không chú ý đến các vị chính khách, mà đặc biệt chú
ý đến văn nhân (như Nhất Linh). Chỗ bất công ấy có lẽ do cái tâm lý cho rằng chí
sĩ & anh hùng không mật thiết với món tình cảm, tình yêu, du dương v..v...;
còn văn nhân nghệ sĩ thì con tim là món bửu bối số một, tim nghệ sĩ mà kém rung
động là chuyện khả nghi... Thiên hạ thắc mắc là phải. Anh giải đáp rành rẽ, tôi
được an tâm... lây. “Nam
phái Nguyễn Tường” vừa có tính chất văn nghệ lại vừa có cái chí khí của các chí
sĩ luôn bận tâm về chính sự.
– Chi tiết
tấm ảnh của chị Thoa có giá trị thuyết phục cao. Lâu nay thiên hạ quên chú ý đến
vấn đề tuổi tác của cụ bà Nhất Linh.
– Lâu nay
thiên hạ lại còn sót một điều nữa là quá chú ý đến mối quan hệ tình cảm giữa ông
cụ và bà cụ (và cho rằng N.L. không mật thiết với bà); thiên hạ quên rằng NL cũng
không hề mật thiết với các con. Ở trang 3 trong thư anh có câu: “Những năm tháng
tôi sống ở Hà Nội (...) bố tôi biến đâu mất ở bên Tàu, mẹ tôi suốt ngày đánh vật
với các bồ cau, lũ chúng tôi lớn lên hoang như cây cỏ”. Đấy. Thì thế hệ anh em
Nhất Linh, Hoàng Đạo v..v... cũng thân lập thân, không hề gần gũi cha mẹ; đến
thế hệ con của các ông ấy rồi cũng thế. Và hai thế hệ đều thành công cả.
Cật ruột
không gần nhau, không lâm ly khắng khít, là một nề nếp. Có phải là một yếu tố đưa
tới sự thành công?
Tôi đọc ké
mà cao hứng nói cà kê dông dài quá, e không thích hợp.
Thân mến
chúc anh chị mọi sự vui vẻ. Khi nào có dịp xuống Cali , mời anh chị ghé chúng tôi chơi.
Võ Phiến.
TB: Nhà tôi
đã có cuộc điện đàm với anh, nên nhường trọn lá thư cho tôi.
Quận
Cam, tháng X – 2005
Anh Nguyễn
Tường Thiết ơi,
Sách bây
giờ in đẹp quá, trong nước cũng như ngoài nước. Vậy muốn sách kỷ niệm 100 năm của
Nhất Linh phải làm kỹ, cho xứng đáng. Kỹ về nội dung, về hình thức. Về nội dung
anh thêm những trang dang dở là phải: làm phong phú thêm phần tài liệu cho người
ta biết sau “Giòng Sông Thanh Thủy”, ông cụ chưa chịu ngừng, chưa rời bỏ đề tài
này. Về mặt tài liệu có lẽ anh nên chọn in phóng ảnh một số trang bản thảo (những
trang viết đi viết lại nhiều lần về một việc một ý...). Phóng ảnh một số tranh
vẽ, thư từ, hình ảnh v..v...
Một cuốn
sách đóng bìa cứng, gõ nghe côm cốp (!) về Nhất Linh! Thích thật.
Tháng 12
này, anh chị nhớ ghé chúng tôi chơi.
Thân mến,
Võ Phiến
Anh Thiết
thân,
Chuyến về
nước vừa rồi, anh ở lại hơi lâu. Vừa được thư anh, thấy cái lâu ấy “hay” lắm.
Anh tiếp xúc được những nhân vật rất quí ở Hà Nội. Tôi cách biệt quê hương lâu,
mỗi câu chuyện về người, về cảnh, về việc... ở bên “nhà”, tôi nghe đều thấy háo
hức.
Cái truyện
“Đỉnh Gió Hú” anh mới viết, tôi khoái quá. Nửa thực nửa hư, vừa đẹp vừa kinh dị...
Tôi có để ý thấy anh chưa kỹ bằng ông cụ. Những chỗ trích dẫn, những tên sách tên
báo, những đoạn đối thoại của các nhân vật tiểu thuyết... anh chưa dùng các dấu
ngoặc đơn hoặc kép, các loại chữ hoa chữ thường, chữ xiên chữ đứng... thích hợp.
Có thể
anh cho rằng trước cái viết hãy theo cho kịp ý, rồi sự chỉnh đốn sẽ làm sau, lo
gì!
Phải chịu
ông cụ thật chu đáo; ngay các bản sơ thảo của cụ đã chỉnh tề, tăm tắp.
Nhờ anh, đôi
chút về cái viết của tôi được gặp mắt Nguyễn Huệ Chi. Những vị như Nguyễn Huệ
Chi, Lại Nguyên Ân – kiến thức rộng rãi, nhận định tinh tường – lâu nay chúng
ta vẫn có thể được thưởng thức, học hỏi. Ngược lại, cái viết của ta hoạ hoằn mới
có dịp đến với họ.
Anh có
quan hệ thư từ, nhờ anh chuyển lời tới cảm tạ các nhận xét rộng rãi của ông.
Tôi vẫn
ngại rằng sự trao đổi thư từ giữa tôi và các đồng nghiệp trong nước có thể vô tình
gây khó cho nhau, Xin được thông cảm, tha thứ.
Hôm nào
anh chị “hạ Cali ”
xin ghé chúng tôi uống tách trà.
Thân mến,
Võ Phiến
Thân gửi
anh Nguyễn Tường Thiết,
Tôi nhận được
hai cuốn “Đỉnh Gió Hú”, đã thông báo ngay cho Nguyễn Mộng Giác, đã xông vào sách
đọc ào ào, rồi cấp tốc chuyển sách cho bà xã... Mọi chuyện tiến hành rụp rụp.
Cảm tưởng
đầu tiên là vai trò của anh trong đời trước tác của cụ Nhất Linh thật quan trọng.
Ông cụ có nhiều con, rốt cuộc đóng góp nhiều nhất vào sự nghiệp cầm bút của cụ
có lẽ là người con trai út? Anh có điều kiện và khả năng thích hợp? Riêng về trường
hợp cuốn “Đỉnh Gió Hú”: Nó là cuốn truyện duy nhất ông cụ chọn dịch, trong đời đã
4 lần bỏ thì giờ ra dịch nó mà cuối đời vẫn không làm xong. Công lao tiếp trợ của
ông Bảo Sơn rồi cũng thành công toi. Rốt cuộc đến lượt anh: xong cả.
Mừng anh được
hưởng một hả hê chính đáng.
Tôi đang
bị tuổi tác nó đè bẹp nặng nề, không suy nghĩ được gì đáng kể. Chỉ xin gửi anh
chút ý kiến lèo tèo:
– Nhất
Linh, tâm hồn cực phong phú, đa dạng. Trong một đời ngắn ngủi (chưa đến 60 tuổi),
cụ nhiều lần thay đổi bút pháp, thay đổi quan niệm thưởng ngoạn, bắt được cái đẹp
của những tác phẩm thuộc nhiều xu hướng sáng tác khác biệt nhau. Chính bản thân
cụ, cụ rất hồn hậu, nhân vật tiểu thuyết của cụ hầu hết là những kẻ tốt lòng,
nhân đức. Vậy mà cụ bắt được cái hay ở tác phẩm có những nhân vật, những hành
vi trái ngược với mình: ác liệt, độc, thâm hiểm, rùng rợn... Chính cụ, cụ thích
viết ra những lời, vẽ ra những cảnh thi vị, êm đềm, dịu dàng; thế mà cụ lại thưởng
thức, lại “chịu” những cái đốp chát, tàn nhẫn v..v...
– Bản dịch
“Đỉnh Gió Hú” do 2 người, mà tôi đọc không nhận ra sự khác biệt bút pháp, không
đoán ra đến đâu là cụ bỏ giở, từ đâu là anh tiếp tay.
Điểm đó có
cái hay cho người thưởng thức, cũng có cái bất tiện cho giới biên khảo văn học
sau này. Có lẽ rồi có dịp nào thuận tiện anh nên tiết lộ chi tiết ấy.
– Trong sách
luôn luôn ghi Nhất Linh là dịch giả, là người dịch. Riêng ở trang bìa lại viết:
“Nhất Linh chuyển ngữ”. Tôi e chữ “chuyển ngữ” bình sinh cụ không dùng, có thể
cụ không thích?
– Và tại
sao ở bìa anh không nêu rõ cả 2 dịch giả? Hoàn cảnh nó bắt phải thế, anh có làm
gì quấy đâu? Anh khiêm tốn quá.
Những cái
này tôi nghĩ phớt, nghĩ đâu nói đó, cho vui. Tôi nói chơi, anh xem chơi rồi bỏ
qua, xin đừng quan tâm.
Vợ chồng
tôi được sách rất mừng. Xin cảm ơn anh chị, chúc anh chị mọi sự an lành. Có dịp
đi Nam Cali, anh chị ghé chúng tôi chơi. Lâu quá chưa gặp lại.
Thân,
Võ Phiến
Thân gửi
anh Nguyễn Tường Thiết,
Lá thư và
bài viết anh gửi vừa rồi làm tôi mừng lắm. Mấy năm trước, hai lần anh tiếp xúc
với Huy Cận đều có không khí dè dặt: cách bố trí và lời lẽ đều kín đáo. Lần sau
này thì tở mở, long trọng, huy hoàng, với sự hiện diện của bao nhiêu nhân vật tên
tuổi. Thế là cụ tái xuất thế; công khai, vẻ vang. Dĩ nhiên là do thời thế chuyển
biến, nhưng không thể chối cãi: công của anh lớn đa!
Tôi liên
tưởng đến một nhân vật khác, không phải cật ruột nhưng mật thiết đối với Nhất
Linh: tức Khái Hưng. Khái Hưng không còn vợ, con... Thương thay.
Mong anh
chị an lành, vui vẻ.
Võ Phiến
Anh Nguyễn
Tường Thiết,
Anh trả lời
phỏng vấn kỹ và tinh tế. Đọc lý thú quá chừng.
Con của
Nhất Linh, ai nấy đều xuất sắc; nhưng có công làm cho thiên hạ hiểu biết, kính
mến, trọng vọng, gần gũi thêm với Nhất Linh nhiều nhất, chắc không có anh chị nào
bằng người em trai út.
Vợ chồng
tôi rất cảm ơn anh chị sách, xin chúc anh chị và các cháu mọi sự lành.
Chúng tôi
về già bị bệnh tật hành hung dữ quá anh ơi. Chẳng còn viết lách gì nữa.
Thân mến,
Võ Phiến
Anh Thiết
ơi,
Tôi bây
giờ bê bối lắm. Mất trí nhớ lung tung: cái gần quên trước cái xa quên sau. E sắp
đi đến nơi. Tôi không chờ tính tuổi nữa đâu. Chờ qua một năm để được thêm tuổi:
lâu quá, chậm quá, sốt ruột lắm. Cứ cuối mỗi tháng, mỗi 30 ngày, mình bỏ ngay vào
túi thêm một tháng (cho “chắc ăn”). Như vậy được nhiều dịp mừng vui khấp khởi.
Sách của
anh, nội dung đã thưởng thức trước khi in. Cái hình thức cuốn sách thì tôi thích
lắm. Anh vừa giỏi trình bầy sách lại gặp cái may: tự dưng lại có được tấm hình
ngôi nhà 19 Đặng Thái Thân Đà Lạt. Hình gây xúc động lắm.
Chuyện già
nua, lẩn thẩn, hễ mỗi lần tôi hớ hênh tiết lộ, là bị bà xã cự nự rầy rà rối rít.
Thư này viết trộm không cho bà ấy xem. Tấm hình bà ấy gửi anh chị, tôi tự tay bỏ
vào phong bì, không cho bà ấy đọc thư tôi.
Bao giờ
anh chị có dịp đi Santa Ana ,
anh chị ghé chúng tôi chơi. Kẻo muộn.
Thân mến,
Võ Phiến
*
Vài
hàng về lá thư sau cùng: Bức thư đề ngày 06-5-2008 nói trên cho thấy sức khoẻ của anh Võ
Phiến đã suy yếu lắm. Bức thư trên cũng như bức thư cuối cùng của anh, anh viết
rất ngắn, nét chữ nghệch ngoặc, viết trên một mảnh giấy nhỏ dùng để ghi note của
hãng quảng cáo thuốc tây có in ở góc hàng chữ XOPENEX (lavalbuterol HCL).
Sau khi
nhận được lá thư nói trên của anh tôi gửi anh đọc một bài tôi mới viết, một hồi ký nhan đề Căn nhà An Đông của mẹ tôi.
Trong bài đó tôi có tả một đoạn về kỷ niệm giữa tôi và anh Trần Phong Giao,
chủ nhiệm tập san Văn, ở Sài Gòn năm 1965: Hồi đó anh Giao in cuốn sách Chân
dung Nhất Linh trong đó có một bài viết của tôi. Một hôm anh đến nhà tôi ở
chợ An Đông để trao cho tôi tiền nhuận bút 500 đồng. Đến nhà tôi, thay vì đưa tôi
phong bì đựng tiền, anh bảo tôi đi theo anh lên lầu ba của chung cư chợ An Đông,
anh gõ cửa phòng một cô gái làng chơi người Tàu, đưa phong bì cho cô ta, dặn cô
ta phải tiếp rước tôi tử tế, rồi anh cáo lui sau khi nháy mắt với tôi một cái.
Nửa giờ sau, lúc rời phòng cô gái Tàu, tôi lẩm bẩm nói một mình: “Thằng cha
Giao này tài thiệt! Hắn ở xa tít thế mà biết hết mọi chuyện ở ngay trên đầu nhà
mình”.
Bức thư
cuối cùng của anh Võ Phiến gửi tôi là mấy lời giã biệt vì lần đầu tiên, với thái
độ coi thường, anh bàn về cái chết của chính mình. Anh viết: “Khi mình suy kiệt
đến cùng, mình thấy cái chết là xoàng quá cỡ, không mấy quan tâm”.
Nhưng tôi
không muốn kết thúc bài viết này bằng mấy lời giã từ ấy.
Tôi muốn
giữ lại mãi mãi trong tôi cái giọng văn “hóm hỉnh” hình như lúc nào cũng bàng bạc
trong tất cả những tác phẩm của anh. Cái hóm hỉnh đó đi theo anh cho tới tận cuối
đời, khi anh viết mấy câu sau đây nhận xét về bài viết “Căn nhà An Đông” của tôi:
Trần
Phong Giao trao nhuận bút như trao giải văn chương. Cổ lai chưa có giải nào độc
đáo đến thế. Giải Nobel gặp giải Trần Phong Giao: mất giá ngay!
Lá thư sau cùng
Anh Thiết,
“Căn Nhà
An Đông...”, đoạn đầu tôi nhớ loáng thoáng đã đọc ở đâu từ trước.
Càng về
sau càng lạ càng hay.
Trần
Phong Giao trao nhuận bút như trao giải văn chương. Cổ lai chưa có giải nào độc
đáo đến thế. Giải Nobel gặp giải Trần Phong Giao: mất giá ngay!
Tôi càng
ngày càng bết bát. Sụm tới nơi rồi anh ơi.
Khi mình
suy kiệt đến cùng, mình thấy cái chết là cái xoàng quá cỡ, không mấy quan tâm.
Thư bất tận
ngôn.
Vợ chồng
tôi chào anh chị.
Võ Phiến.
Nguyễn
Tường Thiết
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét