Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016
Liễu Trương: VÕ PHIẾN VÀ TÂM TRẠNG KẺ LƯU ĐÀY
Liễu Trương
Sống ở
Pháp từ năm 1963.
Tiến sĩ
Văn học đối chiếu, Đại học Paris III, Sorbonne Nouvelle.
Đã xuất bản
Les canons
tonnent la nuit
Bản dịch truyện
Đêm nghe tiếng đại bác của Nhã Ca
Nxb Philippe
Picquier, Pháp, 1997
Một cuộc đi chơi ở đồng quê
Bản dịch
16 truyện ngắn của Guy de Maupassant
Nxb Đà Nẵng,
2007
Tiếp cận văn học Pháp
Nxb Văn Học,
Hà Nội, 2007
Phân tâm học
và Phê bình Văn học
Nxb Phụ Nữ,
Hà Nội, 2011
Sau biến cố tháng 4, 1975, đông đảo người
Việt Nam đột ngột rời xa quê hương để tìm đến một bến bờ tự do. Cả một cuộc đời
bỗng nhiên bị đảo lộn, nếp sống cũ bỗng nhiên tan biến. Kể từ nay trên đất
khách, người Việt di tản phải tập sống với những người khác chủng tộc, khác văn
hóa. Vấn đề thích nghi, hội nhập được đặt ra, và người di dân ý thức rằng lìa
cuống rún là cả một sự đau đớn. Thích nghi về vật chất như ăn uống, đổi nghề
nghiệp, đổi lối sống, v.v… những điều này đều có thể làm được, nhưng thích nghi
về tinh thần thì sao? Tâm hồn vẫn còn mang nặng hình ảnh quê hương, vẫn còn quyến
luyến với những truyền thống, tập quán xưa, vẫn còn tha thiết với cái không
gian đã bị tước đoạt một cách tức tưởi.
Về phía văn giới, cuộc sống lưu đày còn có một chiều kích sâu xa: nó ảnh hưởng đến
việc sáng tạo của người cầm bút. Nhà văn vốn đã quen sáng tạo trong xã hội Việt
Nam, trong môi trường văn hóa Việt Nam, với một ngôn ngữ đã từng được dân tộc
nuôi dưỡng, nay bị bứng gốc làm sao tiếp tục sáng tạo? Cây bút đã trở nên vô dụng
chăng?
Võ Phiến là một trong những nhà văn đã thấu hiểu tình trạng đó. Đương nhiên ông
Trích từ bìa sách Tuyển Tập Võ Phiến
không tránh được những giây phút chao đảo,
mất hướng, không tránh được khủng hoảng tinh thần. Nhưng rồi ông nhanh chóng cầm
bút trở lại, lòng nặng trĩu ưu tư. Những năm đầu ông viết: «Thư gửi bạn»
(1976), «Ly hương» (viết chung với Lê Tất Điều, 1977), «Nguyên vẹn» (1978), «Lại
thư gửi bạn» (1979). Đó là thời kỳ Võ Phiến cảm thương người đồng cảnh và khám
phá cái nơi chốn xa lạ mà ông gửi thân, ông thấm thía nỗi buồn cô đơn xa xứ. Rồi
vượt khỏi những cảm xúc riêng tư, ông ý thức một nguy cơ lớn lao: sự tan biến của
nền văn học miền Nam. Ông cảm thấy cần gấp rút cứu vãn, gìn giữ cái nền văn học
đã đột ngột rơi vào quên lãng, cái nền văn học bất hạnh như ông nói. Chẳng bao
lâu ông đơn thương độc mã lao vào cái công việc bảo tồn văn học miền Nam, trong
một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, quá thiếu thốn về tư liệu. Và như ông nói: «…
thời đại nó đã uốn mình theo hướng nào mình làm theo hướng ấy thôi.» (Võ Phiến
Tuyển tập, tr. 1005) Kết quả là năm 1987, cuốn «Văn Học miền Nam Tổng quan» của
ông ra đời. Ông cũng tiếp tục sáng tác và cho xuất bản cuốn «Truyện thật ngắn»
(1991).
Với thời gian mọi việc đều lắng dịu. Năm
1992, nhà Văn Nghệ ở California xuất bản một tập tùy bút của Võ Phiến mang tựa
đề «Quê». Chúng ta tạm dừng ở tập tùy bút này, để đọc bài tùy bút dài nhất:
«Khách xá qui tâm». Tạm dừng là vì sau tập «Quê» còn có nhiều tác phẩm khác tiếp
theo. «Khách xá qui tâm», trên đất khách lòng nhớ nhà muốn về, phải chăng là nỗi
niềm của Võ Phiến? Tùy bút là thể loại đã cho phép ông tự do triển khai tài
năng của mình, Võ Phiến rất thoải mái trong thể loại này, với cách nói duyên
dáng, dí dỏm và thâm thúy của ông, và cách liên tưởng từ chuyện này sang chuyện
khác rất tự nhiên.
«Khách xá qui tâm» nói về cuộc sống ở
Los Angeles của một cặp vợ chồng người Việt, ông bà Nguyễn. Khởi đầu bài tùy
bút là chuyện của một cô đội xếp, tức một nữ cảnh sát viên, trẻ trung xinh đẹp.
Chuyện cô này không liên quan gì đến ý nghĩa bài tùy bút, nhưng nghệ thuật viết
tùy bút của Võ Phiến là thế: ông bắt đầu từ cái xa xôi, cái vô nghĩa, rồi ông
đi vòng vèo khá lâu để dần dần tiết lộ cái chính. Có điều là lối viết của ông
có sức thu hút khiến người đọc, thay vì nhàm chán, lại tò mò muốn đi tới, muốn
biết thêm. Chuyện cô đội xếp dài dòng, cô có hình khỏa thân đăng trên báo, cho
nên cô bị sa thải. Nhưng chuyện của cô lại được giới điện ảnh khai thác, làm
thành phim. Ông Nguyễn thường xem tivi buổi tối ; sau một ngày làm việc, ông cảm
thấy mệt mỏi, ông không thuộc hạng khán giả chăm chú theo dõi chuyện phim ảnh.
Một hôm, giữa hai giấc ngủ chập chờn ông thấy trên màn ảnh hình cô đội xếp ngồi
thu mình trong góc một chiếc limousine, cô ta ngước mắt nhìn lên trời, vẻ mặt
hân hoan, rạng rỡ. Số là cô ở xa đến, cô đang khám phá thành phố Los Angeles, gọi
tắt là Eo Ê (L.A.). Nhìn gương mặt rạng rỡ của cô, ông Nguyễn bỗng nở một nụ cười.
Thế là nụ cười bắt đầu câu chuyện riêng của ông Nguyễn. Nụ cười là cách nhập đề.
Qua nụ cười, ông Nguyễn muốn tỏ cho cô đội xếp biết cái Eo Ê mà cô đang ngắm
nghía một cách thích thú chính là sở hữu của ông đấy ! Chính ông là chủ và cô
là khách. Thì ra ông Nguyễn đã chiếm hữu Eo Ê? Và từ lúc nào? Có một thời ông
đau khổ vì đã bỏ xứ ra đi. Nhưng thời đó đã qua, nay ông nghiễm nhiên chiếm hữu
Eo Ê. Trước ông, người Mễ cũng đã từng đổ máu trong cuộc tranh chấp với người
Da Đỏ để chiếm hữu vùng này. Đến lượt ông Nguyễn thì không có chuyện đổ máu. Từ
cái xứ An nam xa xôi ông khăn gói đến chiếm hữu Eo Ê một cách êm ru. Nhưng ông
chiếm hữu Eo Ê hay chính Eo Ê chiếm hữu ông mà ông không kháng cự? Điều này khiến
ông suy nghĩ miên man. Lúc đầu sự chọn lựa nơi cư ngụ của vợ chồng ông Nguyễn
chưa dứt khoát, vì ở Eo Ê có cái nạn động đất, và những trận lụt kinh hồn.
Nhưng rốt cuộc hai vợ chồng ở hẳn nơi đây.
I. Thiên nhiên và tình người
Ông Nguyễn chiếm hữu Eo Ê một cách rất thi vị: ông chiếm hữu bằng cây gồi, một
loại cọ. Buổi chiều đi làm về, đi giữa hai hàng gồi ông có cảm tưởng chúng đang
chờ đón ông. Đối với ông, cây gồi gồm hai phần, phần dưới thuộc về nhà cửa, xe
cộ, hoa bướm, chim chóc, đó là phần của đời sống tạp nhạp ; phần trên là phần của
gió, của trời xanh, mây trắng, của sự thanh thản. Khi ngước mắt lên «Bạn như vừa
từ bỏ một thế giới, bước sang một thế giới khác. Rời bỏ cái thế giới chất chứa
những vui buồn phiền tạp, bước sang thế giới không hư của các tiên ông đạo sĩ.»
(tr. 57) Theo ông, gồi phải gồi già mới đẹp, và những ngọn gồi là những đạo sĩ
già, những bô lão. Đám gồi ở Eo Ê đã mọc từ ba phần tư thế kỷ để chờ vợ chồng
ông Nguyễn đến. «Cho nên ông đồng hóa gồi với Eo Ê. Rồi ông từ từ chiếm hữu Eo
Ê. » (tr. 60)
Ngoài cây gồi, ở Eo Ê còn có tình người. Dân cư ở Eo Ê là dân đa chủng. Các món
ăn bày bán thuộc tứ xứ. Ông Nguyễn có cảm tình nhất với cô gái bán các món ăn Phi
Luật Tân, vì ngoài việc buôn bán, cô còn tha thiết muốn làm người khách yêu món
ăn của xứ cô. Tình người đẹp nhất là giữa bà Nguyễn và hai bà láng giềng Mỹ trắng
đã lớn tuổi: bà Betty và bà Nannette. Bà Betty tuy không còn trẻ nhưng đôi mắt
thường mở to, tròn xoe, đầy vẻ ngây thơ, hằng ngày bà chờ bà Nguyễn đi làm về để
thỏ thẻ kể chuyện linh tinh qua hàng rào. Bà Nannette, ngoài giờ làm việc thì
trò chuyện với con mèo và hùng hục cuốc đất trồng cây, bà qua cả vườn bà Nguyễn
để giúp việc trồng trĩa. Hãy nghe Võ Phiến nói về bà Nannette: «Người đàn bà dềnh
dàng to lớn ấy di chuyển đến đâu là nghe tiếng lộc cộc lạc cạc đến đó: bà kéo
theo nào xe cút kít chở phân chở đất, nào chậu nhựa chậu gỗ, nào cuốc xẻng,
kéo, cưa…» (tr. 69) Còn bà Betty có lần mời bà Nguyễn vào nhà chơi, bà Nguyễn
khám phá ngôi nhà trống trơn, bày biện sơ sài, và sự khám phá lớn nhất là tấm ảnh
của George, đứa con trai của vợ chồng bà Betty, đã bỏ mình trong cuộc chiến ở
Việt Nam, một xứ sở mà bà Betty chưa hề nghe nói tới và không biết ở đâu. Rồi
bà Betty khoe sẽ cùng chồng sang năm đáp máy bay lần đầu tiên đi Hoa Thịnh Đốn,
vào mùa hoa anh đào, để thấy tận mắt tên tuổi đứa con trên đài tưởng niệm các
chiến sĩ hy sinh trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng rồi bà Betty chưa kịp đi một
chuyến đi lịch sử thì đột ngột từ trần. Bà Nguyễn thương tiếc bạn khóc nức nở.
II. Nơi nào là quê hương?
Rồi ông bà Nguyễn có dịp đi chơi ở Grand Canyon. «Grand» trong tiếng Anh không
có nghĩa là lớn như trong tiếng Pháp, mà là mênh mông, hùng vĩ, tuyệt đẹp. Nơi đây
du khách choáng ngợp trước những mỏm đá chìa ra trên vực sâu thăm thẳm do con
sông Colorado xói mòn trong bảy triệu năm. Ông bà Nguyễn tha hồ ngắm cảnh mặt
trời lặn ở mỏm Hopi, họ cảm thấy cái mênh mông, cái vắng lặng thấm vào tâm hồn.
Và lạ thay, «ông Nguyễn tự bắt gặp mình đang lắng nghe mình. Mấy hôm nay ông đã
sống những giờ phút khác thường.» Ông cảm thấy rất gần với cái Vĩnh cửu, cái Vô
biên, và bắt đầu trăn trở về kiếp người. Cảnh vật ở đây tuyệt đẹp nhưng không
phải là nơi sống của con người. Hai vợ chồng rời Grand Canyon sớm hơn dự định.
Bà Nguyễn sung sướng trở về với khu vườn của mình. Bà reo lên: «Anh ! Ra coi
kìa. Vườn nhà mình đẹp muốn khóc.» Bà đã đánh thức một cái gì nơi ông. Bà gọi
ông là «anh» như thời trẻ, và bà thấy vườn đẹp muốn khóc. Cảnh hùng vĩ của
Grand Canyon không gây xúc động, mà khu vườn bé nhỏ trong nắng chiều lại khiến
hai vợ chồng xúc động. Nhưng có cái gì rất đẹp, rất xa xôi, mơ hồ đang khuấy động
tâm hồn ông Nguyễn. Ông tỏ cùng vợ nỗi sung sướng trở về nhà, tìm lại những đồ
vật quen thuộc trong nhà. Nhưng Eo Ê có phải là quê hương của họ không? Ông
Nguyễn tuy vui khi trở về Eo Ê với hàng gồi bô lão, nhưng ông lắng nghe có cái
gì không ổn trong tâm hồn, ông không tránh được những ám ảnh của thời xưa. Vì
quê hương thật của ông là «lũ ruồi say nắng trên nền nhà xa xưa», là «ngọn đuốc
lập lòe trên bờ suối đêm khuya», là «một vạt mây trắng sáng lóa trên một ngọn
tre trong buổi trưa chói chang», lòng ông quặn đau vì nhớ. Ông Nguyễn dường như
nghe được tiếng gọi, tiếng hú của tổ tiên bên kia Thái Bình Dương, «những tiếng
hú hút hồn người lữ thứ».
Nhà thơ Tàu Giả Đảo khi lưu lạc ở Tinh Châu thì mơ về quê Hàm Dương, nhưng khi
đặt chân đến Tang Càn thì ông lại nhớ Tinh Châu như nhớ quê hương của mình.
Cũng như Giả Đảo, ông Nguyễn lưu lạc ở Eo Ê, ông mơ về quê hương Việt Nam,
nhưng khi đặt chân đến Grand Canyon thì lại nhớ Eo Ê, vui mừng trở về Eo Ê. Có
điều trong tận cùng tâm hồn của ông Nguyễn, quê hương thật sự là quê hương xa
nghìn trùng.
Võ Phiến đã gửi gắm tâm tư của mình vào nhân vật ông Nguyễn chăng? Điều dễ hiểu.
Thiên nhiên và tình người làm cho cuộc sống nơi xứ người có phần dễ chịu, thoải
mái. Nhưng làm sao xóa được hình ảnh quê hương đã in sâu vào tâm khảm của kẻ
lưu đày? Võ Phiến thường nói đến cái lạnh, một thứ lạnh thấm vào tâm hồn, đó là
cái lạnh của cô đơn trên đất khách, cái lạnh vì quá xa quê hương, không mong có
ngày về.
Văn hào Pháp Victor Hugo, vì chống đối với Louis Napoléon Bonaparte – nhân vật
này về sau được phong làm hoàng đế Napoléon III – đã phải sống lưu đày ở đảo
Guernesey gần hai mươi năm. Nhưng so với Võ Phiến có thấm vào đâu. Quần đảo
Jersey – Guernesey ở biển Manche, tức ngoài khơi bờ biển Pháp, có xa quê hương
của Victor Hugo là bao. Còn Võ Phiến thì xa quê hương vời vợi. Lưu đày của
Victor Hugo dù kéo dài hai mươi năm, nhưng cũng có ngày chấm dứt. Lưu đày của
Võ Phiến là một lưu đày vĩnh viễn.
«Bạn rằng nhớ buổi tiễn đưa
Kinh Kha, bạn hỏi, bây giờ ra sao?
– Kinh Kha bước thấp bước cao
Kéo lê kiếm bạc đi vào Hư Vô.»
(Võ Phiến, «Đáp bạn Chu Ly»)
Kinh Kha, bạn hỏi, bây giờ ra sao?
– Kinh Kha bước thấp bước cao
Kéo lê kiếm bạc đi vào Hư Vô.»
(Võ Phiến, «Đáp bạn Chu Ly»)
Có lần nghe thiên hạ bàn về vấn đề trở về
quê hương để chết, Võ Phiến nói đối với ông «chết ở đâu cũng tiện». Thật ra trở
về quê hương để chết, để được an táng, có mộ phần nơi quê cha đất tổ, điều đó
chỉ để làm vui lòng người sống. Người sống cần có nơi để tưởng niệm người chết,
để tỏ lòng cung kính, biết ơn, và cái nơi có ý nghĩa nhất chính là quê nhà. Thế
nhưng đối với người chết, như Võ Phiến đã nói, thì chết ở đâu cũng tiện. Điều
quan trọng là những gì người chết để lại cho hậu thế. Võ Phiến đã ra đi, ông để
lại những tác phẩm thuộc nhiều thể loại và những công trình biên khảo như một
đóng góp lớn vào nền văn học Việt Nam.
Liễu Trương
Liễu Trương