Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016
Nguyễn Tường Thụy: Những mảnh đời dân oan
Cụ Đỗ Thị Từ sinh năm 1928 (89 tuổi), dân oan Kiên Giang
và chị Trần Thị Nga dân oan An Giang
viết từ Hà Nội
Những oan ức được viết lên biểu
ngữ, trang phục tố cáo những việc làm sai trái của chính quyền địa phương.
by Nguyễn Tường Thụy
Tôi và các bạn hoạt động trong
các nhóm xã hội dân sự đều đã nhiều lần đến với dân oan, ít nhất cũng từ 5 năm
nay.
Chúng tôi đến với họ vào những
ngày thường, những ngày Lễ, Tết… Chúng tôi đem đến cho họ mấy lời động viên, một
chút quà với mong muốn an ủi về tinh thần, một chút vật chất góp phần giúp họ
vượt qua những lúc khó khăn nhất.
Thực hiện kế hoạch nửa cuối
tháng 8/2016 của Hội Nhà báo độc lập, ngày 23/8/2016, chúng tôi đi thăm bà con
dân oan. Nơi tôi chọn là một nhóm bà con tá túc ở gần trụ sở tiếp dân trung
ương số 1 Ngô Thì Nhậm, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội.
Cũng vừa dịp tôi nhận được một
khoản tiền của nhà hảo tâm nhờ mua gạo cho dân oan.
Nhà hảo tâm này là cháu Thảo ở
Sài Gòn nhưng cháu không cho biết danh tính, địa chỉ cụ thể. Đây là lần thứ 3
cháu gửi tiền cho tôi. Hai lần trước đó, cháu nhờ tôi gửi giúp tù nhân lương
tâm Trần Đức Thạch và ông Nguyễn Đình Chinh, bố tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Cháu dặn
tôi đừng nói là ai giúp kẻo chú (bác) ấy nghĩ ngợi. Cháu không khá giả nhưng
dành dụm dần dần.
Tôi đã gặp dân oan nhiều lần và
bà con đều biết tôi. Mỗi lần thấy tôi đến là họ biết tôi mang đến cho họ cái gì
đó. Riêng từ đầu năm đến nay, tôi đến với họ lần này là lần thứ 4.
Để tiền của nhà hảo tâm được sử
dụng hiệu quả nhất, chúng tôi trao hết cho bà con và cùng đại diện của bà con
đi mua gạo, tính đến từng kg lẻ. Mỗi lần như vậy, thường xin thêm mấy cân cho
tròn 5, tròn chục với lý do "vì đây là gạo từ thiện".
Số dân oan tá túc quanh Ngô Thì
Nhậm đa số là các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Sóc Trăng, An Giang, Bình Định,
Trà Vinh...., ở miền Bắc có Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An... Có lẽ đông nhất
là An Giang. Trong số đó nhiều người đã đi khiếu kiện 10 - 20 năm, có cả những
người già đã gần 90 tuổi. Việc bà con phải đi khiếu kiện nhiều năm là hậu quả của
lối giải quyết đơn thư đùn đẩy, vòng vo, trung ương chỉ đạo hướng giải quyết
nhưng địa phương không thi hành.
Hồi giáp tết vừa rồi, bà Hồ Thị
Niên ở Nghệ An hồ hởi nói với chúng tôi rằng bà được giải quyết rồi, bà chào và
cảm ơn chúng tôi. Nhưng sau tết, bà lại ra. Hỏi thì bà nói địa phương có giải
quyết gì cho bà đâu.
Cuối cùng thì bà con cứ nằm chờ,
bám trụ, kêu khóc mà không biết bao giờ cuộc hành trình đòi quyền lợi chính
đáng cho mình mới chấm dứt.
Một số người thuê nhà trọ, nhưng
cũng có nhiều người phải che bạt, ở ngay vỉa hè trước trụ sở tiếp dân. Tại nhà
trọ mà chúng tôi đến thăm, giá cho thuê trọ là 20 nghìn đồng một người 1 ngày,
như vậy tính ra mỗi tháng là 600 nghìn đồng 1 người.
Phòng thuê của gia đình cháu
Đoàn Trương Vĩnh Phước có 3 người, tiền thuê trọ là 1 triệu 800 nghìn đồng. Như
vậy, để trụ được mà theo kiện, mỗi người phải cần 600 nghìn, 18 kg gạo, tiền thức
ăn và chi phí sinh hoạt khác cho 1 tháng.
Mỗi người đều làm sẵn một biểu
ngữ lớn để dùng mỗi khi đi khiếu kiện, biểu tình. Nhìn vào biểu ngữ, có thể biết
được họ là ai, ở đâu, nỗi oan khất như thế nào, tố cáo ai? Họ không ngần ngại
lôi cả quan đầu tỉnh ra tố cáo trên các biểu ngữ của mình. Nhiều khi bị giật, bị
xé, bà con lại làm cái khác.
Trong số đơn thư khiếu kiện, có
tới 80% là khiếu kiện vượt cấp. Điều này nói lên năng lực giải quyết đơn thư của
các cơ quan có trách nhiệm rất kém. Động cơ cá nhân cũng là nguyên nhân tạo nên
sự lằng nhằng, dây dưa khi giải quyết.
Đơn thư khiếu kiện liên quan về
đất đai chiếm tới 98%. Đây là hậu quả của việc lạm dụng chế độ sở hữu toàn dân
về đất đai. Việc thu hồi và cướp đất của dân rất nhiều trường hợp chỉ để lấy đất
bán chia nhau, xây dựng các công trình hoàn toàn không cần thiết như làm sân
golf.
Nói cách khác, chế độ sở hữu
toàn dân về đất đai đã sinh ra tầng lớp dân oan ở Việt Nam. Liệu còn có nơi nào
dân oan nhiều như ở Việt Nam? Đã có lần tôi viết bài "Cường quốc dân
oan" liền bị chửi bới và đe dọa các kiểu.
Nói vậy nhưng không hề dễ thay đổi
hình thức sở hữu đất đai hiện nay do tính cố hữu của chế độ độc tài. Vì vậy -
và cùng với các nguyên nhân khác từ con người, ở đây là quan chức của chế độ,
không thể mong chấm dứt được vấn nạn dân oan mà phải thừa nhận sự hiện hữu lâu
dài của lớp người này.
Cũng không mong nhà cầm quyền
thương lấy họ, lo cho cuộc sống của họ. Ngược lại, sự giúp đỡ dân oan của những
người làm thiện nguyện còn làm cho họ khó chịu. Hẳn chúng ta còn nhớ những người
đến với dân oan làm từ thiện bị đón đường đánh dã man.
Ngày 18/3/2015, anh Lai Tiến
Sơn, Nguyễn Thanh Hà bị đón đường đánh sau buổi phát quà cho dân oan Dương Nội.
Trước đó ngày 5/2/2013, Trịnh Anh Tuấn, Đào Trang Loan bị hành hung rồi bắt vào
đồn công an sau khi phát quà cho dân oan ở Ngô Thì Nhậm...
Mặc dù vậy, các hoạt động thiện
nguyện vì dân oan vẫn diễn ra, được thực hiện với nhiều nhóm khác nhau. Những
hoạt động này tuy chưa đỡ đần được nhiều cho bà con nhưng cũng góp phần giúp bà
con trong những lúc cơ nhỡ, trên tinh thần "lá lành đùm lá rách",
"lá rách ít đùm lá rách nhiều".
Ngoài ra, hoạt động thiện nguyện
vì bà con dân oan còn làm dịu bớt nỗi đau khổ của họ, để bà con hiểu rằng việc
đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình luôn luôn được sự ủng hộ, đồng tình của đồng
bào trong và ngoài nước. Dù ở Hà Nội xa xôi, bà con không bao giờ đơn độc.
Con số dân oan 3 miền hiện tá
túc gần trụ sở tiếp dân hiện nay vào khoảng 170 người. Có 5 cháu nhỏ theo ba má
đi kiện, không được đến lớp. Đó là những người còn cố gắng bám trụ được. Cũng
có những người bận việc về quê ít ngày rồi lại ra. Nhiều người vì hoàn cảnh ngặt
nghèo quá mà phải bỏ cuộc.
Xin cộng đồng người Việt trong
và ngoài nước tiếp tục quan tâm đến những đồng bào của mình bị đẩy đến hoàn cảnh
cơ cực này.
Nguyễn Tường Thụy,
Hà Nội 26/8/2016
Hà Nội 26/8/2016