Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016
NGUYỄN NGỌC LINH: NHƯ PHONG LÊ VĂN TIẾN KHÔNG CÒN NỮA!
Nguyễn Ngọc Linh [photo
by Uyên Nguyên]
Hai tên công
an Việt Minh cởi trói cho tôi, mở khóa một cánh cửa và đạp tôi ngã chúi vào
trong bóng tối. Tôi còn đang dò đường đi nước bước thì nghe một giọng nhỏ nhẹ bảo
tôi cẩn thận kẻo vấp phải cánh phản. Khi tôi leo lên tấm phản quá hẹp, người
kia phải nằm nghiêng mới có đủ chỗ cho thân hình kềnh càng 1 thước 74 nặng 70
kí lô của tôi. Người nằm cùng xà lim với tôi là Như Phong Lê Văn Tiến.
Sáng hôm sau,
với sự khờ khạo của một thiếu niên 16 tuổi, luận đoán rằng đã bị Việt Minh bắt
thì chắc ông Tiến này phải là thành phần chống đối nên tôi thố lộ ngay với ông
rằng khi bắt tôi đám công an mới vào nghề đã quên không khám cho nên tôi còn giữ
một khẩu súng trong người. Tôi còn ngây thơ đưa ý kiến là với khẩu súng này
mình có thể cướp khẩu tiểu liên của một tên gác rồi từ đó phá nhà giam giải
thoát các tù chính trị đang bị giữ tại đây.
Ông Tiến, một
thanh niên gầy gò hơn tôi khoảng bẩy tám tuổi, suy nghĩ một lát rồi khuyên tôi
nên giấu ngay thật kỹ khẩu súng đi rồi dùng nó để mặc cả đổi lấy tự do cho một
mình tôi thôi. Ông còn chỉ cho tôi cách ăn nói với công an và dặn rằng nếu được
thả thì đừng về nhà kẻo sẽ bị bắt lại. Ðêm đêm vào khoảng 2 giờ sáng các tù
chính trị đều rùng mình khi nghe chiếc xe Citroen của công an nổ máy gazogène
vì sau đó công an gọi một số tù đưa lên xe chở đi, thường là đem đi thủ tiêu.
Tiếng máy xe được đám tù mệnh danh là “hổ gầm.” Hai anh em sống với nhau khoảng
một tuần thì một đêm sau khi “hổ gầm” người ta vào đưa ông Tiến đi. Thằng nhỏ
biết là anh bạn mới chắc sẽ chết nên đã khóc hết nước mắt.
Ðúng như ông
Tiến nói, sau khi giấu kỹ khẩu súng tôi xin gặp tên đầu sỏ công an để cho hắn
biết là tôi có súng và nói nếu hắn hứa thả tôi thì tôi sẽ nạp súng cho hắn. Sau
khi lục soát khắp nơi không tìm ra khẩu súng, anh này mới bằng lòng hứa sẽ trả
tự do cho tôi nếu tôi nộp súng cho hắn. Theo lời ông Tiến dặn, khi được thả tôi
không về nhà mà đến tá túc tại nhà một người bạn học. Sáng hôm sau tôi đưa tin
về nhà báo là đã được thả thì mẹ tôi cho hay là ngay buổi tối ngày tôi được
tha, bọn công an Việt Minh đã đến nhà tìm bắt tôi.
Từ ngày đó,
tháng 10 năm 1946, mặc dù thỉnh thoảng vẫn nhớ anh bạn tù nhưng tuyệt nhiên
không có tin tức gì của anh trong suốt 10 năm trường. Sau khi đi du học ở Mỹ và
được Thủ tướng Ngô Ðình Diệm gọi về bằng điện văn làm cho tôi hết sức hãnh diện
vì ông Diệm viết “Country needs you, please come back” tôi đưa vợ con về và ít
lâu sau đã gặp lại ông Tiến.
Từ sau ngày
tái ngộ, tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau và mặc dù mỗi người hoạt động trong một
lãnh vực khác nhưng một số ít anh em chúng tôi vẫn chia sẻ những lo âu chung về
đất nước. Sau khi thanh toán được những lực lượng võ trang trong miền Nam, ông
Diệm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để loại ông Bảo Ðại ra khỏi chính trường
miền Nam, và tôn ông Diệm lên làm tổng thống. Trong những năm sau đó ông Tiến xả
thân làm báo và viết văn, làm Tổng thư ký tòa soạn nhật báo Tự Do và viết trường
thiên Khói Sóng đăng hàng ngày trên
báo Tự Do phản ánh cuộc sống của thế hệ ông, đồng thời tiếp tục liên lạc mật
thiết với các cán bộ Việt Nam Quốc Dân Ðảng ở miền Trung, các lãnh tụ Cao Ðài
và Hòa Hảo ở miền Nam và các thành phần chuyên viên trẻ ở Sài Gòn. Ông rất thân
với Bác sĩ Phan Huy Quát nhưng đến khi ông Quát được mời làm Thủ Tướng, ông Tiến
cũng chỉ đứng ngoài cố vấn chứ nhất định không tham gia chính quyền. Chính ông
Tiến đã đề nghị ông Quát mời tôi làm tổng giám đốc Việt Nam Thông Tấn Xã, chức
vụ mà tôi đã giữ qua ba đời thủ tướng Phan Huy Quát, Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn
Văn Lộc.
Vào tháng Sáu
1965 sau khi Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát - vì không hợp
tác được với nhau - quyết định từ chức và trả lại chính quyền cho quân đội, Thiếu
tướng Nguyễn Cao Kỳ được quân đội chỉ định làm Thủ Tướng. Ông Kỳ nhận nhiệm vụ
nhưng chưa có ý niệm rõ ràng về việc lập chính phủ, cũng như về chính sách, ông
không có ai làm cố vấn trong hoặc ngoài quân đội, cho nên rốt cuộc ông đã tới
nhà ông Ðinh Trình Chính, Bộ trưởng Thông tin trong chính phủ Phan Huy Quát để
anh em chúng tôi giúp đỡ lập chính phủ.
Mặc dù ông Tiến
đặc biệt thích tướng Nguyễn Chánh Thi nhưng sau khi ông Thi không dám nhận trọng
trách thì ông Tiến đã không ngần ngại giúp ông Kỳ. Khi ông Kỳ muốn trong chính
phủ có một số người Nam thì chính ông Tiến đã đưa danh tính của những người tuy
không hề quen biết nhưng được tiếng là có khả năng. Sau đó gọi điện thoại và
cho xe đi đón ai đến gặp ông Kỳ là người đó được làm bộ trưởng.
Vì ông Kỳ muốn
trình diện chính phủ vào ngày 19 tháng Sáu là Ngày Quân Ðội cho nên ông Tiến
tình nguyện viết cho ông Kỳ bài diễn văn ra mắt gồm 6 phần và 19 điểm. Có công
như vậy mà đến lúc được ông Kỳ dạm mời làm phụ tá thì ông Tiến từ chối, nói ông
chỉ là một cán bộ xã, không có hoài bão làm quan.
Rốt cuộc chính
phủ Nguyễn Cao Kỳ chỉ có mình ông Ðinh Trình Chính thuộc nhóm anh em chúng tôi
được giữ nguyên chức vụ cũ là Bộ trưởng Thông tin và Chiêu hồi. Sau này tôi có
dịp hỏi ông Tiến là tại sao hồi đó không đưa các anh em khác trong nhóm vào làm
việc với ông Kỳ thì ông trả lời “cứ để cho các người kia ra trước, không làm được
việc bị cháy thì đến lúc đó anh em mình ra cũng không muộn. Hiện nay cứ để mình
thằng Chính ra đứng mũi chịu sào.” Tuy nhiên ông Tiến đã tính nhầm, và cái lầm
vĩ đại của ông là đến khi mấy người kia cháy hết rồi thì miền Nam cũng cháy
luôn. Ðể cho ông Chính đại diện bênh vực quyền lợi của anh em cũng sai nốt vì
sau này khi tình thế đổi thay ông Chính đã không lo được cho anh em mà chỉ lo
thân ông cũng chưa xong.
Năm 1966, khi
ông Kỳ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội, ông Tiến mới thực sự ra tay nhất quyết
dùng tất cả vốn liếng chính trị thu thập được trong bao nhiêu năm qua để thành
lập ba liên danh ứng viên mệnh danh là Một Cây dừa, Hai Cây Dừa và Ba Cây Dừa.
Mỗi liên danh gồm đại diện của nhóm chuyên viên trẻ, Việt Quốc miền Trung, Cao
Ðài và Hòa Hảo. Trên nguyên tắc thì việc tổ chức liên mạng này rất hay, ở Sài
Gòn thì chiếm phiếu bằng danh tiếng của các chuyên viên trẻ, ở lục tỉnh thì Cao
Ðài, Hòa Hảo và ở miền Trung thì cán bộ Quốc Dân Ðảng dồn phiếu cho ba liên
danh trên. Nhưng trên thực tế thì có thể vì những lực lượng nói trên quá yếu và
quá chủ quan cho nên tính toán của ông Tiến không thành vì cả ba liên danh đều
thất cử. Theo nhận xét của tôi thì ông Tiến coi vụ này là thất bại nặng nhất
trong cuộc đời chính trị của ông.
Trong suốt thời
gian làm chính trị tôi thấy ông chưa bao giờ nhận đảm nhiệm một chức vụ nào mà
chỉ đứng đằng sau cố vấn. Rất có thể là ông không tơ màng danh vọng nhưng cũng
có thể là ông sợ trách nhiệm vì không tin nơi khả năng của chính mình và sợ
mang tiếng nếu chẳng may thất bại. Ngay như khi tổ chức ba liên danh Cây Dừa để
ứng cử vào Quốc hội, mặc dù làm việc ngày đêm và cho anh em thấy rõ rằng đây là
dự án để đời của riêng mình mà ông Tiến cũng không chịu đứng vào một liên danh
nào hết.
Ngoài tài làm
báo và viết văn ông Tiến còn một chuyên môn khác nữa là theo dõi rất kỹ những
biến chuyển chính trị ở Bắc Việt cộng sản, ông biết tiểu sử của từng cá nhân
các lãnh tụ cộng sản và nhiều khi giải thích khá chính xác những biến cố ở miền
Bắc nước Việt. Nhiều học giả người Anh như Giáo sư Patrick Honey và nhiều nhà
báo Mỹ như ông Sol Sanders đã nhờ đến những hiểu biết của ông trong lãnh vực
này để viết những bài phân tích tình hình ở ngoài Bắc.
Ông Tiến đã bỏ
nhiều thời giờ vào những năm đầu thập niên để viết nốt cuốn Khói Sóng và đến
tháng Tư 1975 khi ông quyết định không bỏ nước ra đi vì còn phải ở lại chăm nom
gia đình ông Hoàng Ðạo như đã hứa với người anh kết nghĩa này, ông Tiến đã tính
gửi một người bạn đem cuốn truyện dài để đời của ông ra xuất bản ở ngoại quốc,
nhưng không hiểu nghĩ thế nào mà đến phút chót ông lại quyết định đem đốt bản
thảo này đi.
Sau khi cộng
sản chiếm miền Nam, ông Tiến đã phải đi tù cải tạo trong mười mấy năm trời và
nhờ sự can thiệp hết sức gắt gao của các thân hữu và đồng nghiệp ngoại quốc
cũng như Việt Nam ở hải ngoại, ông Tiến mới được cộng sản để cho ra đi sang Mỹ.
Như Phong Lê
Văn Tiến là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà văn có tài, nhưng trên hết ông
là một nhà ái quốc luôn luôn đặt quyền lợi của đất nước lên trên những danh lợi
cho cá nhân. Tiếc rằng tài năng của ông chưa bao giờ có dịp được tận dụng để phục
vụ mẹ Việt Nam.
Tiếc lắm
thay!
NGUYỄN NGỌC LINH
(Houston, Giáng Sinh 2001)
[Trích sách Tưởng Niệm Như Phong sắp xuất bản]
[Trích sách Tưởng Niệm Như Phong sắp xuất bản]
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét