Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

BÙI DIỄM: TƯỞNG NHỚ ANH NHƯ PHONG QUA MỘT VÀI KỶ NIỆM

Sinh năm 1923 tại Hà Nam Bắc Việt, là con của nhà nho Ưu Thiên Bùi Kỷ. Hoạt động cách mạng từ thời học trường Bưởi, vào Đảng Đại Việt 1944. Bộ trưởng Phủ Thủ Tướng chính Phủ Phan Huy Quát (1965); Uỷ viên Bộ Ngoại Giao trong Nội các của Uỷ Ban Hành pháp Trung ương (1965-1967); Đại sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Hoa Kỳ từ 1967 tới 1972, sau đó chuyển sang là Đại sứ lưu động cho tới 1975. Chủ nhiệm tờ báo Anh ngữ Vietnam Post từ 1954 tới 1963. Tác phẩm: Gọng Kìm Lịch Sử (tiếng Việt), The Jaws of History (tiếng Anh). Ông hiện sống tại Washington, D.C.
Bùi Diễm [ảnh: Uyên Nguyên]
Trong số những người quen biết anh Như Phong Lê Văn Tiến, có lẽ tôi là người ít được dịp gần gũi anh vì mãi cho đến khi anh qua Hoa Kỳ vào năm 1994 tôi mới thực sự có cơ hội thường xuyên gặp anh và chuyện trò với anh trong tinh thần thân mật anh em. Thực ra, nếu nghe nói về anh thì ngay vào những năm 1947-48, trong lúc tôi chung sống với hai anh Lê Quang Luật và Nghiêm Xuân Hồng trong khu nhà chung ở Phát Diệm và hoạt động để tạo dựng cơ hội liên lạc với các anh em trong hàng ngũ quốc gia lúc đó vẫn đang còn phải tránh né mạng lưới của công an Cộng Sản, một đôi khi nhắc đến người này người khác dường như anh Hồng có nói đến một người anh em tên Tiến. Anh Hồng là người thuộc nhóm Duy Dân nên từ đó tôi vẫn đinh ninh anh Tiến là Duy Dân (mãi về sau tôi mới được làm quen với bút danh Như Phong của anh và được biết anh không thuộc hẳn vào một đảng phái nào.)
Ở vào thời ấy, chiến tranh lan tràn, tìm tin về người họ hàng hay bạn bè không phải là dễ nên đến khi rời khu Phát Diệm để trở về Hà Nội hồi đầu năm 1949, ưu tiên của tôi là tìm cách liên lạc lại với những đồng chí Đại Việt còn hoạt động, đồng thời cùng với anh Nghiêm Xuân Hồng (lúc đó cũng đã trở về “thành”) tìm đến những bạn trong hàng ngũ Duy Dân, do đó mà ngẫu nhiên được biết là có một anh Tiến đang cộng tác với một tờ báo ở Hà Nội. Biết thì cũng là biết rồi để đấy vì lôi cuốn bởi những biến chuyển của thời cuộc trong nhiều năm liền, chúng tôi mỗi người đi một ngả. Về phần anh thì tôi nghe nói vẫn là những hoạt động trong lãnh vực văn học và giới truyền thông trong khi đó thì tôi theo bác sĩ Phan Huy Quát vào Nam làm việc tại Bộ Quốc Phòng dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại.  
Thời gian trôi nhanh, tình thế chuyển đổi, vả lại, mỗi người một duyên, một phận, một hoàn cảnh nên bẵng đi một dạo tôi không có tin về anh. Mãi đến giai đoạn sau khi hiệp định Genève cắt đôi đất nước, miền Nam Việt Nam bắt đầu sống dưới Chính thể Đệ Nhất Cộng Hòa và Thủ Tướng Ngô Đình Diệm trở thành Tổng Thống năm 1956, tôi mới đươc biết lúc đó anh là một người trong nhóm chủ trương tờ Tự Do, một tờ nhật báo có uy tín thời đó. Tôi phục quá và tìm hiểu về anh nhiều hơn trước. Hồi đó tôi không còn là công chức nữa và dậy toán ở trường trung học tư thục Phan Sào Nam. Tại đây các giáo sư hầu hết đều là người thuộc khuynh hướng Duy Dân và do đó được coi như một chỗ trú chân cho những người chống chính quyền đương thời. Anh Vũ Khắc Khoan cũng dậy Việt văn tại đó, ngoài ra anh lại là người hoạt động trong lãnh vực văn hóa cùng với anh Nghiêm Xuân Hồng, nên hàng tuần tôi thường gặp anh. Tôi hỏi anh Khoan về anh Như Phong thì anh Khoan trả lời “khó gì, hôm nào có dịp thì mình rủ anh ta đi ăn cho vui, tha hồ nói chuyện”. Ngày đó là ngày lần đầu tiên tôi giáp mặt với anh Như Phong. Anh cùng một lứa tuổi với tôi (hình như anh hơn tôi một tuổi) nhưng sao trông anh đứng đắn, chững chạc nhưng vui vẻ như vậy. Sau buổi gặp mặt đó lại là một khoảng thời gian khá dài tôi không gặp anh trong khi đó thì những biến chuyển dồn dập trong nội bộ miền Nam thu hút hết sự quan tâm và lo lắng của mọi người, như xung đột ở miền Trung, biểu tình Phật Giáo ở Sài Gòn hay tin đồn đảo chính. Lúc này, báo Tự Do, với một số bài không mấy thuận với đường lối của chính phủ dường như gặp khó khăn và người ta được tin là một số người bị bắt giữ, trong số đó có cả anh Như Phong. 
Anh Như Phong được trả tự do ngay sau cuộc đảo chính tháng 11 năm 1963. Chính sau cuộc đảo chính này mà tôi được dịp gặp anh tương đối nhiều hơn trước. Gặp anh nhiều hơn vì tôi và anh cùng có chung một số bạn trong giới các nhà báo ngoại quốc, trong số đó phải kể đến Sol Sanders, một người bạn trung thành đã cùng tôi và rất nhiều bạn khác vận động những năm đầu thập niên 90 để nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cho anh Như Phong xuất ngoại, sau khi anh đã phải nằm tù ra khám thêm hai lần nữa dưới chế độ độc tài. 
Anh Như Phong là một nhà báo năng động, anh có liên lạc vối hầu hết các đảng phái và tổ chức chính trị miền Nam và do đó mà nhận định của anh về mặt chính trị, về người và việc, khá sắc bén. Tôi thấy bác sĩ Quát có mời anh đến để tham khảo ý kiến khi thành lập chính phủ hồi tháng Hai, 1965 và sau đó khi chính phủ Quát phải nhường chỗ cho chính phủ quân nhân thì tôi cũng lại thấy anh cùng với một số nhân vật trẻ thuộc một khuynh hướng Đại Việt (như Đinh Trình Chính, Phạm Văn Liễu…) tích cực vận động trong hậu trường để ủng hộ Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Ở đây tưởng cũng phải ghi nhận một đặc điểm về con người Như Phong: trong mọi trường hợp anh tỏ ra là một người dường như không có tham vọng chính trị (với ý nghĩa là muốn địa vị này hay địa vị khác), sẵn sàng đóng góp ý kiến khi được hỏi nhưng lúc nào cũng muốn giữ tư thế độc lập của mình. 
Vào những ngày ấy, tôi bù đầu làm việc với hai Chính phủ Phan Huy Quát và Nguyễn Cao Kỳ và sau đó được cử đi làm việc ở nước ngoài nên trong khoảng 10 năm liền cho đến tháng Tư Đen 1975 tôi không còn liên lạc với anh. Anh bị kẹt lại không phải vì anh không có cơ hội ra đi nhưng chính vì anh muốn ở lại để trông nom một số người thân (cũng như nhà báo Nguyễn Tú của báo Chính Luận cùng ở với tôi trên nhà tôi trong tuần lễ trước ngày Cộng Sản cưỡng chiếm Sài Gòn, rồi từ khước cơ hội ra đi vì như anh nói “tôi muốn xem chung cuộc ra sao.”)  
Anh Như Phong ở lại Việt Nam sau 1975, cam chịu sống dưới chế độ hà khắc của Cộng Sản trong gần 20 năm, tù lên, tù xuống, cho mãi đến năm 1994 mới rời quê nhà. Bạn bè của anh, đặc biệt trong giới truyền thông ngoại quốc, trong nhiều năm liền, tận tâm cố gắng vận động qua những cơ quan như Amnesty International, Human Rights Watch và bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để nhà cầm quyền Cộng Sản để anh ra đi, nhưng phần vì bản chất lỳ lợm của Cộng Sản, phần vì chính anh nhiều khi tỏ ra như “bất cần”. Sol Sanders đã có lần nói với tôi, “cái khó của chúng mình ở ngoài khi vận động cho Tiến là có vẻ như Tiến chưa muốn đi.” Dầu sao thì mãi đến đầu năm 1994 anh mới được thực sự từ giã “Thiên Đường Cộng Sản.” Anh đến Hoa Kỳ là một tin vui đối với tất cả mọi người trong số những thân hữu và bạn bè của anh. Ai cũng muốn đón mừng anh, mong anh chia sẻ với mọi người kinh nghiệm sống của anh trong suốt thời gian phải chịu đựng những mánh khoé độc ác của Cộng Sản. Anh sống ở miền Tây từ 1994 và mãi đến 1997 anh mới sang miền Đông, tạm định cư ở vùng thủ đô Hoa Kỳ. Lúc đó Đài Á Châu Tự Do mới được thành lập, anh Nguyễn Ngọc Bích được cử làm Giám Đốc ban Việt ngữ của Đài, nên việc mời đón anh cộng tác với Đài là một lẽ tự nhiên. 
Sau cả hai chục năm xa cách được gặp lại anh thật là một dịp cơ duyên hãn hữu. Cùng một lứa tuổi, lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng trải qua những giai đoạn nhiễu nhương của lịch sử đất nước, rồi nay sống lưu vong vào lúc xế chiều của tuổi đời, được gặp lại nhau, thì làm sao mà không vui mừng. Trong bốn năm liền, cho đến lúc anh ra đi vĩnh viễn, không tuần nào là tuần chúng tôi không gặp nhau, hoặc ở nhà anh Bích, nhà anh giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, hoặc tại nhà tôi, chúng tôi cùng với anh Đinh Quanh Anh Thái và một số các bạn trong vùng có những buổi họp thật vui. Ở trên Đài Á Châu Do thì dưới tên Hai Trang, anh viết về thế giới Cộng Sản còn tôi thì với tên Trần Hoài Nam viết về những biến chuyển trên thế giới.  Chính do cơ duyên gặp lại được anh, tôi hiểu thêm được con người Như Phong. Không những anh có sự hiểu biết thấu triệt về Cộng Sản, mà ngay cả đến lúc đã nhiều tuổi anh vẫn còn nghĩ đến những dự án để thực hiện chương trình này hay chương trình khác hòng giúp những người tranh đấu cho tự do, dân chủ và công bằng xã hội cho quê hương, đất nước. Ngoài ra anh lại còn có một cá tính hết sức đặc biệt: không lúc nào quan trọng hóa vai trò của cá nhân mình, nhiều lúc anh lại còn dí dỏm, bông đùa nói những chuyện không đâu.  
Cá nhân tôi nay đã nhiều tuổi, được một vài anh em gợi ý là phải viết về anh Như Phong, tôi viết vài hàng thô thiển trên đây là để tưởng nhớ một người bạn thật đặc biệt sau khi đã khuất núi còn để lại cho mọi người một cảm tưởng nhẹ nhàng nhưng bền vững. 
BÙI DIỄM
Hoa Thịnh Đốn, Ngày 15 thàng 8, 2016[Trích sách Tưởng Niệm Như Phong sắp xuất bản]