Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016
Tuấn Khanh - Quê hương này không để bán
Tại cuộc họp
báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung
chiều 30/6/2016 ở Hà Nội, chính phủ Việt Nam cũng cho chiếu một đoạn video với
lời phát biểu nhận lỗi của ông Trần Nguyên Thành, chủ tịch hội đồng quản trị
công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Cuộc họp báo
công bố nguyên nhân thảm họa biển Việt Nam giới thiệu rõ một màn trình diễn thô
vụng. Formosa Hà Tĩnh đột nhiên trở thành trẻ nhỏ, được chính phủ Việt Nam dắt
tay ra trước mọi người, quẹt nước mũi, khóc và nói thuộc lòng lời xin lỗi. Ngay
sau đó mức bồi thường 500 triệu USD được công bố như tiếng búa tòa.
Chuyện đã rồi?
Chưa ai kịp
có ý kiến, chưa ai kịp nói những khúc mắc trong lòng mình thì vài tiếng đồng hồ
sau, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vội vàng ra lệnh lên kế hoạch để sử dụng 500
triệu USD bồi thường. Mọi thứ bị đặt vào bối cảnh như chuyện đã rồi. Số phận
con người Việt Nam, biển quê hương Việt Nam cứ như việc đã rồi.
Chưa hề có cuộc
điều tra nào thật sự cho biết mức tổn hại của 250km bờ biển Việt Nam bị hủy hoại,
nguy hiểm tồn đọng thế nào. Hơn một triệu người phải từ bỏ cuộc sống ổn định của
mình, chuyển đổi sang nghề nghiệp khác mong sống sót, rồi sẽ phải bù đắp ra
sao, và bao lâu? Lịch sử ngàn năm của một quốc gia sống với biển, thịnh vượng với
biển, nay phải đành gầm mặt lìa bỏ mọi thứ. Thậm chí ghê sợ hơn, là phải bỏ trống,
đành buông cả một vùng quê hương mà Trung Quốc đang ngày đêm háo hức lấn chiếm.
500 triệu USD đó, có nghĩa lý gì?
Vậy câu hỏi ở
đây là, những nhà lãnh đạo Việt Nam hài lòng với số tiền ấy, hay nhân dân Việt
Nam đồng ý với số tiền 500 triệu USD ấy? Những lời xin lỗi và con số khoán vội ấy,
chắc vẫn chưa kịp tính vào 84 ngày người dân cả nước sôi sục đòi minh bạch, bị
công an, thanh niên xung phong, trật tự đô thị… đánh đập, giam cầm, kết tội
theo lệnh trên vì cho là bị “xúi giục”. Ba tháng mà Bộ trưởng Tài nguyên Môi
trường Trần Hồng Hà nói rằng ông “nặng trĩu”, liệu có giải quyết được những lời
nói dối thô bỉ của các cấp chính quyền đã lừa gạt nhân dân về việc biển sạch và
cá an toàn?
Hàng loạt
ngôn luận lừa dối nhân dân như của Phó chủ tịch UBND Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn hay
của thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân vẫn còn đó. Ai sẽ
từ chức vì lòng tự trọng hay bị cách chức vì danh dự của đảng mà họ đang phục vụ?
Nếu họ vẫn tiếp tục tại vị và phát ngôn, thì mọi điều lừa dối trơ tráo ấy, là
chủ trương lớn của ai?
Thật bất ngờ,
không phải là Formosa Hà Tĩnh xin người Việt Nam tha thứ, mà chính phủ Việt Nam
lại là phía cất tiếng kêu gọi nhân dân hãy độ lượng và tha thứ. Đại nghiệp
Formasa Hà Tĩnh lại cứ như trẻ nhỏ, đáng thương đến mức chính phủ Việt Nam phải
đứng sau lưng, dùng phương thức cấu bám vào lòng thương người của dân tộc Việt
Nam, cố dàn xếp một thảm họa. Biết tả làm sao nhỉ? Giờ đây, những người Việt bị
đẩy đến khốn cùng ấy, lại phải vuốt thẳng áo rách, bị thúc đứng lên, cố mỉm cười
nhân ái đến kiệt sức trên quê hương mình.
Có lẽ trong
tư duy của những người lãnh đạo hiện nay, tiền là giải pháp quan trọng nhất, có
thể đổi được mọi thứ. Việc đổi tương lai của người Việt bằng tiền, qua kịch bản
giải quyết khủng hoảng cho Formosa, lại gợi nhớ rất nhiều về chuyện người dân bị
chết nơi đồn công an, bị đánh đập vô cớ, bị nhổ vào mặt, luôn được giải quyết
đơn giản bằng nụ cười thành khẩn đểu giả của kẻ gây tội, và một số tiền.
Mạng người
hay số phận một quốc gia đâu thể đổi bằng tiền như suy nghĩ của những kẻ quen
thói phủi tay. Tiền chỉ là đáp án của những kẻ trọc phú, lừa lọc, toa rập muốn
xóa nhanh sự kiện. Việt Nam là một dân tộc có lòng tự trọng và có quốc pháp.
Phương thức chọn đáp án nhanh, quy đổi đơn giản bằng tiền chính là một cách gây
tổn thương cho lòng tự trọng của người Việt và sỉ nhục quốc pháp. Hãy nhớ, quê
hương và tương lai dân tộc không bao giờ có thể để bị mặc cả bằng tiền!
Vì sao một chính phủ phải “đấu tranh”
đến 84 ngày?
Tại cuộc họp
báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung
chiều 30/6/2016 ở Hà Nội, chính phủ Việt Nam cũng cho chiếu một đoạn video với
lời phát biểu nhận lỗi của ông Trần Nguyên Thành, chủ tịch hội đồng quản trị
công ty gan thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Ông Bộ trưởng
Trần Hồng Hà nói phải mất đến 84 ngày “đấu tranh” mới có kết quả về nguyên nhân
của thảm họa. Cám ơn ông đã gợi ý: Ai trong đất nước này là loại thế lực khiến
một chính phủ phải “đấu tranh” đến suốt 84 ngày? Hóa ra, có một thủ phạm nào
đó, rất ghê gớm mà chính phủ phải mất đến gần 3 tháng để vượt qua. Hôm nay
Formosa Hà Tĩnh đã thú nhận và cúi đầu, thì sao thủ phạm im lặng ấy, lại vẫn nấp
trong bóng tối sau cuộc “đấu tranh”?
84 ngày thật
mệt mỏi của Chính phủ, nhưng rồi cũng chỉ nhằm góp chung kết quả của những người
dân Việt Nam bình thường đi tìm một sự thật, về một tia sáng của công lý. 84
ngày ấy, của hàng chục triệu người Việt mất ăn mất ngủ, lo toan cho số phận của
mình, của biển, của cá, của quê hương. Rất nhiều người trong đó có cả câu trả lời
nhanh hơn một hệ thống có hàng chục ngàn nhà khoa học, có hàng ngàn công an,
dùi cui và hàng rào kẽm gai nhưng tê liệt trước thực tế.
Những câu hỏi
đặt ra trong bài viết này về cuộc họp báo, có lẽ cũng không cần lời đáp, vì ai
ai cũng đã hiểu. Mọi thứ đã thành một thông điệp im lặng chuyển vào dòng máu
nóng thức tỉnh của mỗi đứa con da vàng trên đất nước này.
84 ngày để có
kết quả của Chính phủ - chỉ xin nhắc thêm rằng đừng quên số phận những người thợ
lặn bị nhiễm độc ở Vũng Áng đã chết và đang bệnh tật. Đừng quên 155 trẻ em Đông
Yên vì bị chính quyền dành đất cho Formosa mà phải thất học suốt 2 năm, bên cạnh
sự đe nẹt của công an. Đừng quên hàng trăm những đoàn viên thanh niên Cộng sản
ngây thơ tin theo mệnh lệnh lừa dối của cấp trên để cùng nhau tắm biển vui đùa
làm thí điểm. Đừng quên hàng trăm công chức, dân chúng cả tin hưởng ứng ăn cá để
giúp chính quyền xóa một sự thật rằng họ và những người khác sẽ không có một
tương lai.
Cũng đừng
quên những con người âm thầm trong 84 ngày đó, cật lực đưa tin, ghi hình, chuyển
cảnh báo đến cho người dân được biết về thảm họa. Họ dấn thân không vì tiền,
cũng không vì bị xúi giục, bất chấp cả những nguy nan từ phía chính quyền để
đưa bằng được sự thật đến cuộc sống. Như chiến binh Pheidippides chạy đến thành
Arena để báo tin về cuộc chiến Marathon phải vượt qua rất nhiều gian truân. Còn
những con người Việt Nam nhỏ nhoi ấy thì phải vượt qua mọi thứ rình rập, thậm
chí là mọi loại ngôn luận từ những kẻ thù của công lý và sự thật, như Bộ trưởng
Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, để đốt lên những ngọn đuốc giữa
đêm đen.
Có một thông
điệp đáng kính trọng và cao cả được đưa đến từ những con người vô danh ấy. Hãy
lắng nghe từ dòng máu và nhịp tim Việt Nam đó, thông điệp được gửi đi như sấm động:
Quê hương này không để bán.