Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016
Trần Hồng Châu - SORBONNE
Tôi yêu màu xám Paris của nửa chừng thế kỷ trong những năm 50, màu xám quen thuộc, màu xám huyền dịu mà H. Miller vẫn bùi ngùi cảm động nhắc tới như một nguồn thơ trìu mến, dìu dịu ngọt tuổi thanh xuân... Tôi yêu Sorbonne trước thời chỉnh trang đô thành của A. Malraux, Sorbonne chìm đắm trong màu xám ảo diễm đó, vừa mờ mờ ẩn hiện như sương đêm Bắc Hải, vừa trong sáng như những lâu đài, đình tạ trầm ngâm soi bóng bên bờ biển Địa Trung...
Có ai đi ngược về xuôi trên đường St Jacques dài bất tận trong những buổi
sớm tuyết rơi ngập trời, với bóng dáng ngôi trường cổ kính, vươn mình trên nền
trời đông như một hải thuyền tri thức giữa cơn phong ba vật chất của thời đại?
Mỗi viên gạch, mỗi phiến đá đều ngưng đọng một tâm tư lịch sử... Sân
trường vẫn ngày ngày dội vang bước đi hăng say của tuổi trẻ, dấu chân mạnh dạn
của nam sinh, nhịp ballerine uyển chuyển của nữ sinh, “xiêm chùng áo dài” (thời đó còn là thời new look của Dior!)...
Tôi yêu những chiều hè khởi đầu trong cuồng say sóng nhạc luân vũ...,
lúc nắng vàng màu lúa chín thấp thoáng chảy trên mái trường “bạc đầu” và trên
những mái tóc xanh... Chúng tôi ngồi sưởi nắng, dọc theo những bậc cẩm thạch trắng
muốt và trong hương hoa lilas, thoang thoảng màu tím nhạt, trước khi bước vào giảng đường nghe D.
Mornet nói về trạng thái tình cảm bình-dị-xao-xuyến của Julie d'Etanges, hay
chăm chú theo dõi Wahl trên những nẻo đường siêu hình, chập chờn ẩn hiện trong
tiết tấu thầm kín cũng như nỗi đau thương triền miên của thơ Holderlin và Rilke...
Tôi yêu dáng điệu hồn nhiên và tư tưởng sung mãn của Bachelard trong những
bài giảng sớm thứ Năm, Bachelard với chòm râu bạc phất phơ như một rừng mai hoa
bừng nở, với giấc mơ Thơ..., cùng nhau giong buồm lái trở về nguồn Trí tuệ và Cảm
xúc nguyên thủy... Tôi yêu những hoài bão lớn lao của tuổi trẻ trên lầu Tĩnh tụ
vắng vẻ, cách xa huyên náo hỗn tạp của thị thành và thị dân đang quay cuồng
vùng vẫy trong sương mù và trong những vũng lửa đèn màu nửa khuya ở dưới chân đồi
Ste Geneviève mà chúng tôi vẫn thân mật, âu yếm gọi là Ste Ginette như một cô
em gái bé bỏng, nghịch ngợm.
Ở đây, trên đỉnh “đồi” linh thiêng, tôi đã mơ tuyệt đối và hiểu tại sao
người ta lại có thể đắm đuối say mê Thơ và Tư tưởng như nhan sắc một người
tình. Ở đây tôi đã nâng niu những phút giây bé nhỏ trong đó tôi bồi hồi cảm động
gặp lại chính tâm hồn mình, diện đối diện, giữa thanh vắng và hướng nội trầm
tư. Ở đây tôi đã tập thói quen không bằng lòng với cái tầm thường, cái ấu trĩ,
để cố noi
theo hướng đi lên của tinh thần và nghệ thuật...
Tôi đã ngồi rất lâu dưới chân tượng Montaigne, hiện thân của thâm trầm
và khoan dung, trong những giờ nhập thiền, diện bích, tuy đây không có bức tường
nào cả. Để đón hoàng hôn chầm chậm xuống, trong những tấm áo mây chiều lượt là,
màu ngũ sắc. Để lắng nghe tâm tư sốt vỡ da và lớn mạnh, cùng nhịp với cỏ cây
quanh khu vườn trước cửa Đại học. Để thấy, trên những nẻo đường của Văn và Triết,
lối độc hành cổ điển vẫn có những nét độc đáo và thực là cần thiết, nếu không
phải là lối khám phá duy nhất...
Ở đây tôi dần dần lĩnh hội, qua trực giác và lý trí, những ý niệm và ý
hướng thường tương phản nhưng vẫn là bổ túc, những ý niệm mang tên cá nhân và
đoàn thể, dân chủ và quý tộc... Dân chủ trong hoạt động xã hội, kinh tế và
chính trị, tôi tâm niệm như vậy, nhưng ở vương quốc của trí thức và văn nghệ,
thể chất quý tộc sao mà quyến rũ thế! Phải chăng, khi bước chân vào thế giới
sáng tạo chúng ta phải can đảm tự cởi bỏ những gì là kém cỏi, nông cạn, thô kệch,
nghèo nàn... nơi mỗi con người chúng ta để chỉ chấp nhận tinh hoa và mật ngọt.
Nghĩa là phải hết sức khó khăn với chính mình trong kỷ luật thép, kỷ luật của đạo
sĩ luyện tiên đan, thì mới mong đi được về phía trước, nơi xa xa thấp thoáng
bóng hình Chân, Thiện, Mỹ, bản sắc “quý tộc” của tâm hồn và sáng tạo... Nhiệm trọng nhi đạo viễn...,
nhưng tôi vẫn đinh ninh rằng: Ý thức, tức là đã bước qua nửa chặng đường rồi!
Tôi yêu những kiến trúc tinh thần nhịp nhàng, tôi say mê chiều sâu của
những tâm hồn, tôi học tập chấp nhận tư tưởng và chính kiến dị biệt, tôi lặng lẽ
đi vào sự vật để tôi luyện lấy cái nhìn thông suốt, cái nhìn bao quát, không
giam mình trong những biên cương và giới tuyến. Đó là nước suối ngọt phát tiết
từ ngọn đồi mến yêu này, nơi ở một quá khứ xa xưa, trong những buổi chiều Trung
cổ, Robert Sorbon và môn sinh thường phất tay áo rộng, giơ cao bút lông bạch
nga để tranh luận sôi nổi, đam mê, quanh ánh lửa bập bùng của những ngọn bạch lạp...
Kinh nghiệm trí thức và, quý báu hơn nữa, kinh nghiệm tình cảm... Đó là
tặng phẩm của ngọn đồi mang tên thánh nữ bản mệnh Paris! Hay đúng hơn chỉ có một
kinh nghiệm duy nhất: Trí thức và tình cảm vẫn nương dựa lẫn nhau như những tế
bào tương giao trong quân bình sinh lý của một cơ thể đẹp.
Tuổi
non dại lòng tôi say mến bạn Khi thanh xuân tôi mỏi chạy theo tình.
Bờ sông Seine thơ mộng, những bồn hoa màu Vệ nữ, những suối nước thầm
thì, những balustrades rất Watteau của vườn Luxembourg, và, trên hết, những giảng đường sang
trọng, thân ái của Sorbonne là kiến trúc sư, dựng xây lâu đài tình cảm và trí
thức... Tuổi hai mươi có những cái gì không thể quên được!... Tôi chợt nhớ là
Péguy, Bergson và Joliot đã trưởng thành trong mọi chiều hướng của con người -
kể cả tình cảm - ở dưới bức bích họa lớn lao của Puvis de Chavannes trong đại
giảng đường, nơi lai vãng của rất nhiều bóng người xưa, vĩ đại, nhưng vẫn thân
thuộc, mến yêu...
Sớm nay ánh bình minh chan hòa trên lối đi và trên tóc vàng Marie
Anne... Chúng tôi bước nhẹ lên những phiến gạch đá gập ghềnh của đường Des
Carmes xưa cũ để lên Đồi. Đồi trí thức và tình cảm. Đồi tĩnh tụ, đồi cảm
thông... Có phải đây là mặt trời mọc trên đỉnh Acropole? Kỷ niệm Chateaubriand
say sưa tình tự với trời Nhã Điển. Không biết vì ma lực nào, mắt tôi như đã
thoát tục siêu phàm để cố thu hút lấy ánh hồng bình minh ngưng đọng trên mái giảng đường
Descartes và trên cánh chim câu chao lộn quanh ngọn tháp tròn của Đại Học.
Màu hồng đẹp và trong sáng, “phơn phớt ánh đào hoa,” màu hồng của thế
giới ý niệm, thế giới lý tưởng trong đó hiển hiện, rực rỡ, nét vàng son của lâu
đài Văn nghệ với những bóng dáng kiều diễm đã từng dựng xây tình cảm cho người
trẻ tuổi. Chỉ có Tuổi trẻ, Tình yêu, Thơ và Mộng. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy...