Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016
Thiện Hỷ - Làng Trà Ôn Nảy Sanh Út Trà Ôn
Út Trà Ôn
Tôi lớn lên
tại Xóm Chiếu, Khánh Hội, Sài Gòn nhưng quê nội của tôi tại làng Tường Lộc
thuộc quận Tam Bình tỉnh Vĩnh Long.
Vào giữa thập
niên năm mươi lúc tôi vừa mười lăm tuổi tôi mới được phép của cha mẹ tôi cho
tôi về làng Tường Lộc. Người em họ chú bác của tôi đưa tôi đi. Từ Sài Gòn về
thị xã Vĩnh Long bằng xe đò lớn. Từ thị Xã Vĩnh Long chúng tôi được di chuyển
bằng xe đò loại nhỏ. Xe đò ngừng lại, chúng tôi đi bộ nhắm hướng làng Tường
Lộc. Cảnh trí nơi làng mạc nhà quê nơi đây thật lạ đối với tôi. Rải rác mới có
căn nhà lá đơn sơ mà chung quanh đều được bao bọc bằng những ruộng lúa xanh
mướt. Vừa đi bộ, người em họ tôi vừa nói với tôi:
“Đây là làng
Trà Ôn. Qua khỏi làng này thì đến làng Tường Lộc.”
Nhưng không
phải tiếp tục đi bộ thì đến làng Tường Lộc. Trước mắt chúng tôi bỗng có một
nhánh sông nhỏ chắn ngang. Nơi đây có bến đò và chúng tôi phải xuống đò để sang
sông. Lúc bấy giờ đã gần trưa nhưng gió sông thổi lành lạnh. Tôi được người em
họ chỉ cách xuống đò. Phải khom người xuống, gần như bò chầm chậm xuống chiếc
xuồng tam bản rồi từ từ ngồi xuống be xuồng. Nếu cứ đứng xổng lưng bước xuống
đò, đò chòng chành mất thăng bằng dễ té xuống sông. Bên kia sông là làng Tường
Lộc, nhà của chú tôi (em ruột của Ba tôi) sát khúc quanh của mé sông. Lúc xuống
đò cũng phải thủ tư thế bò mới an toàn. Cũng như làng Trà Ôn, nhà cửa nơi làng
Tường Lộc rất thưa thớt, lâu lâu mới có một mái nhà tranh được bao quanh bằng
đám ruộng xanh mướt. Sau khi chào hỏi chú thím tôi và tất cả những người trong
nhà, tôi được một bữa cơm nhà quê thanh đạm nhưng ngon miệng. Nơi nhà quê mọi
người ngủ rất sớm. Khoảng sáu, bảy giờ chiều tất cả đều đã chui vào mùng rồi.
Qua ngày hôm
sau, gà vừa cất tiếng gáy, cả nhà đều thức dậy, tôi theo thím tôi đi chợ. Lúc
bấy giờ trời hãy còn tối, ánh sáng chỉ lờ mờ nhưng thím tôi rất rành đường đi,
đó là con đường mòn ngoằn ngoèo trong làng. Chập sau cũng có vài người đi chợ
như thím cháu chúng tôi. Chợ nhóm rất sớm. Chợ chỉ gồm trên mười người buôn, mỗi
người để thực phẩm vào trong thúng, thúng được đặt dưới đất, không có sạp cũng
không có mái che. Chỉ là rau cải, trái cây và thịt heo. Những bạn hàng đều ngồi
chồm hổm dưới đất cho nên chợ này được gọi là “chợ chồm hổm.” (Tại Sài Gòn cũng
có “chợ chồm hổm” này, trong Sài Gòn Năm
Xưa, Vương Hồng Sển có nhắc đến). Họ không bán thịt gà, thịt vịt, cá, tép,
tôm, cua vì những thứ này nhà nào cũng có, hoặc nuôi sau nhà hoặc đặt nò, đặt
nôm mỗi ngày. Thím tôi chỉ mua rau cải và thịt heo. Chợ chồm hổm nhóm rất sớm
để rồi cũng tan rất sớm, lúc mặt trời vừa ló dạng. Cũng buổi sáng hôm ấy tôi
được người em họ đưa đi viếng mộ của ông nội tôi, của bà nội tôi... được xây
ngay làng Tường Lộc.
Ngày thứ, sau
khi xong bữa cơm chiều tôi hỏi chú tôi:
“Có phải làng
Trà Ôn là quê quán của danh ca Út Trà Ôn không, thưa chú?”
Nhấp xong một
hớp trà, chú tôi nói:
“Phải, cháu
nói đúng. Út Trà Ôn xuất thân từ làng Trà Ôn mà hôm qua cháu đã đi qua. Chú kể
chuyện Út Trà Ôn cho cháu nghe. Cách nay khoảng hơn mười năm (tức vào giữa thập
niên bốn mươi) tại làng Trà Ôn, làng Tường Lộc, làng Long Hồ... thuộc quận Tam
Bình của mình đây thường luân phiên nhau cứ mỗi tháng tổ chức vài đêm ca vọng
cổ. Ban nhạc đã sẵn, di động từ làng này qua làng khác. Vào đêm mát mẻ trời
không mưa, một nhà nào đó trong làng tổ chức ca vọng cổ. Khoảng bốn giờ chiều
trong nhà đốt nhiều ngọn đèn, chung quanh nhà chủ nhà đốt vỏ dừa khô, khói bay
mù mịt khiến muỗi và bù mắc không bu tới được. Khoảng năm giờ chiều tiếng đàn
trổi dậy. Dân làng gồm đủ hạng người từ lớn đến bé đều bu quanh căn nhà ấy,
trong nhà cũng chật ních khán thính giả. Ban nhạc gồm những tay đờn kìm, đờn
cò, đờn gáo, đờn độc huyền, nhạc cụ nhịp song long... Khoảng sáu giờ chiều thì
buổi ca vọng cổ bắt đầu. Thường thường có ba hay bốn người thay phiên nhau ca. Mỗi
người ca một hay hai bài cho đến mười hoặc mười một giờ thì vãng.
Tôi hỏi chú
tôi:
“Có giọng nữ
không, thưa chú?”
Chú tôi đáp:
“Không. Lúc
bấy giờ không thấy có cô nào cất tiếng hát. Có lẽ có nhưng vào dịp khác và nơi
khác.”
Chú tôi nói
tiếp:
“Tại làng Trà
Ôn có bốn, năm chàng trai ca vọng cổ. Nhưng nổi bật nhất là anh Út, người con
trai út của một gia đình. Chú Út có biệt tài là trước khi xuống “xề” chú lên
cao vút rồi liền sau đó có những tiếng nho nhỏ ư, ứ, ư... như nằm tròn trong cổ
họng của chú.”
Tôi nói:
“Những tiếng
ư, ư, ứ, ư... này giống như của hát bội.”
“Có thể chỉ
chịu ảnh hưởng thôi chứ không giống hệt. Những chữ ứ, ư, ứ, ư... của hát bội
được phát ra thành tiếng rõ ràng còn trong vọng cổ những tiếng ấy quyện nho nhỏ
trong cổ họng. Thí dụ: thất ư, ư, ứ, ư, ứ, ư... tình. Chữ 'tình' là chữ xuống
'xề' nghe rất mùi. Chữ 'thất' được lên cao vút.”
“Những người
khác cũng hát được như chú Út?”
“Không. Những
người khác cũng hát y như vậy nhưng không thể nào bằng chú Út. Chú tuy nhỏ
người, ốm, nhưng tiếng hát thật trong và cao. Giọng ca, tiếng ca của chú Út ăn
đứt tất cả những người khác vì vừa khéo vừa truyền cảm cho nên thấu đến tai một
ông bầu cải lương. Ông bầu ấy về tận làng bên để điều đình, thương lượng, để
mời, để rước cho được chú Út đi theo đoàn hát.”
“Chú còn nhớ
tên đoàn hát ấy?”
“À, để chú
nhớ lại coi, hình như là Tiến Hóa. Từ đó chú ấy lấy biệt danh là Út Trà Ôn.”
“Thỉnh thoảng
chú Út trở về Trà Ôn?”
“Lâu lắm Út
Trà Ôn mới về đây một lần nhưng chú không được gặp.”
Như để kết
luận, chú tôi nói:
“Đó, cháu
thấy không, nhiều người ca vọng cổ nhưng không phải tất cả đều thành công,
trong nghệ thuật ca hát còn có thiên tư, vừa diễn vừa ca, vừa ca vừa diễn, diễn
và ca, cả hai đều khó như nhau, ngoài tài nghệ riêng, vài người còn được 'tổ
đãi'.”
Vài ngày sau
trước khi trở lên Sài Gòn tôi được đưa đi viếng mộ ông bà một lần nữa. Bận về,
tôi và người em họ tôi lại có dịp lững thững đi bộ ngang qua làng Trà Ôn, không
khí thật mát mẻ, trong lành, thoang thoảng ngây ngây mùi lúa mới, lúa vừa mới
trổ đòng đòng. Tuy ngang qua làng Trà Ôn nhưng người em họ tôi không biết ngôi
nhà của Út Trà Ôn được tọa lạc nơi đâu.
Trở lại Sài
Gòn, tôi hỏi Ba tôi:
“Thưa Ba, chữ
ư, ư... ứ, ư... trong vọng cổ trước khi xuống xề do đâu mà có vậy Ba?”
Ba tôi trả
lời:
“Từ những lối
hát của hát bội mà ra. Nghệ sĩ Tám Thưa đưa nó vào vọng cổ biến nó thành chữ ơ,
ơ, ớ, ợ, ờ... Về sau không rõ nghệ sĩ nào lại biến nó trở lại thành ư, ư, ứ, ự,
ừ... trước khi xuống 'xề.' Khi xuống 'xề' càng trầm càng 'mùi.' Những chữ ư, ư,
ứ, ự, ừ... trong cổ họng của người hát như những hạt tròn tròn cho nên tiếng
nhà nghề gọi là 'ca có hột.' Nói nghe dễ nhưng tạo được những chữ ấy vừa khéo
vừa điêu luyện vừa truyền cảm thiệt là khó. Cô Năm Sa Đéc hát những điệu hát
bội với những ư, ư, ứ, ự, ừ... rất khéo, rất tuyệt. Khi xưa Thầy Năm Tú ca vọng
cổ tại Mỹ Tho, trước khi xuống 'xề' không có những chữ ư, ư... ấy. Về sau vài
nghệ sĩ 'ca có hột' gồm có cô Bảy Phùng Há, cô Năm Phỉ, cô Bích Thuận, Út Trà
Ôn, Văn Hường... và những nghệ sĩ trong ban Khuyến Lệ Cổ Ca.”
“Ba đã xem
tuồng cải lương nào do Út Trà Ôn đóng?”
“Ba có xem
vài tuồng do Út Trà Ôn đóng, phần nhiều là tuồng xã hội. Tiếng hát của Út Trà
Ôn thật là mùi khi xuống 'xề,' hết sức điêu luyện khi lên cao thì lồng lộng,
lanh lảnh.”
Là kẻ hậu
sinh, hay tin trễ Út Trà Ôn đã xuôi miền nước nhược vào năm nay, cách nay chừng
vài tháng, tôi vô phép chép vài câu vọng cổ sau đây do Nguyễn Thành Châu tức
Năm Châu, vừa là soạn giả, vừa là nghệ sĩ, sáng tác để kính viếng người:
Ánh thái dương đang xán lạn trong veo tưng
bừng hoa cỏ... bỗng đâu gặp cơn gió giục, đám mây vần... Mảnh hương nguyền đốt
hương thơm, tơ loan chùng phím trúc, thơ ngàn xưa đã lạc mộng ngày xưa...
Carrollton,
TX ngày 5 tháng 11, 2001
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét