Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016
Nguyễn Tường Giang - Như Phong, Giấc Mộng Không Thành
Tới Thăm Vietnam Veterans Memorial, Washington D.C,
từ trái: Nguyễn Tường Giang, Như Phong, Ngô Thế Vinh
[nguồn: photo by Phạm Bội Hoàn]
[nguồn: photo by Phạm Bội Hoàn]
Khi tôi đến thì ông đã đi rồi, khoảng 15 phút trước đó. Trong phòng bệnh chỉ có ba người, một thanh niên Mỹ còn trẻ đi qua đi lại với chiếc điện thoại cầm tay nhưng không nói, một người ở vùng này tôi có quen biết, trước làm chủ một cửa hàng bán sách và hoạt động trong nhiều lãnh vực văn hóa xã hội, và anh Ẫn, người em cùng cha khác mẹ của ông mới bay qua từ California. Chúng tôi trao đổi những chuyện bâng quơ, bàn tán về chuyện cô gái nuôi của ông hình như đang ở Nhật Bản với người bạn trai đã không về kịp, nhưng không ai nhắc nhở gì về ông. Ông nằm lặng lẽ trên giường với tấm chăn trắng mỏng kéo lên tới cổ, mắt đã khép, không biết ai là người vuốt mắt cho ông, đôi má gầy hóp lại và miệng còn mở ra như muốn tìm chút dưỡng khí cuối cùng. Những người chết già vì bệnh tật đều có dáng vẻ giống nhau như nhưng thiền sư fakir chỉ sống bằng sương cỏ, mà có lẽ ông đã là đệ tử trong thời gian dài ở trong tù. Con người, cuối cùng lại trở về nguyên vẹn hình hài là một bộ xương khô mà khi còn sống được tô điểm thịt da và giao phó một nhiệm vụ nào đó trên chốn trần gian muôn hình vạn trạng này. Mới hơn một tuần lễ trước đây, khi nghe tin ông bị bệnh hiểm nghèo từ nhà thương về, tôi vội vã đến thăm ông. Cô con gái nuôi mở cửa cho tôi vào, ông đang ngồi chờ tôi trước một chiếc bàn viết nhỏ làm bàn tiếp khách, một đường dây kéo dài từ hai hốc mũi đến một bình dưỡng khí lưu động trên sàn nhà, khuôn mặt gầy gò và hai má đã mất sắc, đôi mắt ông đã mất hẳn vẻ linh động và tinh anh đặc thù khi trước, tôi biết ông đang ở những ngày cuối cùng. Ông mời tôi uống trà từ một bình trà Nhật có những mấu nhọn ở ngoài và mời tôi ăn bánh đậu xanh một người quen nào mới mang đến tặng. Trên mặt bàn, phía bên tay phải của ông, là một chậu lan với những cánh hoa vàng nhạt tựa như những cánh bướm nhỏ, tôi nghĩ là lan Hồ Điệp và chợt nhớ tới Nhất Linh. Ông hỏi thăm gia đình tôi và tôi hỏi thăm sức khỏe ông, vẫn như những lần trước tôi đến thăm ông khi ông còn khỏe. Tôi vẫn nhắc tới dự tính của ông khi muốn viết lại giai đoạn lịch sử những năm 1940-1950, những năm đầy biến cố sôi động ở Việt Nam mà ông có tham dự, những chuyện bên lề mà ông có dịp may chứng kiến, những annecdotes mà tôi hay gọi đùa là Dị Sử. Những năm gần đây ông lặn lội nhiều chuyến qua Aix en Provence khi Văn Khố Pháp Quốc Hải Ngoại giải mật những tài liệu ở Việt Nam với dự tính thu thập tài liệu để viết “Chính Sử” về thời kỳ kháng chiến chống Pháp và cuộc chiến Quốc-Cộng 1945-1946, như trong thư ông viết cho Lê Mạnh Hùng (tác giả bộ Nhìn Lại SỬ VIỆT) ngày 09 tháng 06 năm 1995:”Hãy để dành vốn để cùng nhau viết một pho sử giai đoạn 1935-1945 cho hậu thế”. Ông vẫn vui vẻ bông đùa, tôi còn phải sống lâu để hoàn thành một số chương trình. Ông không trả lời tôi về những gì ông đã viết được sau khi thu thập tài liệu ở Pháp, và những bài viết nếu có và tài liệu hiện được lưu giữ ở đâu. Khi ông cố gắng đứng tiễn tôi ra cửa, tôi nhìn qua vai ông, căn phòng đơn giản với những bức tường trắng, một bức họa vẽ chì của họa sĩ Nguyễn Gia Trí treo ở mặt tường và những bông hoa lan lung linh như bay trong gió, tôi biết đó lá lần cuối cùng tôi gặp ông.
Tôi không
biết nhiều về Như Phong Lê Văn Tiến trước năm 1975. Tôi chỉ gặp ông một vài lần,
trên dưới mười đầu ngón tay, trong những liên hệ gia đình. Qua họ hàng, ông được
biết như một người em
nuôi kết nghĩa với bác Long/ Hoàng Đạo và vì giữa gia đình tôi và gia đình Hoàng
Đạo chỉ có những liên hệ lỏng lẻo nên không thường xuyên tiếp xúc. Đôi lần gặp ông
ở nhà bác Long gái, tôi chỉ trò chuyện về hoa lan hoặc thú uống trà. Ông nghiên
cứu khá nhiều về hoa lan, giảng giải theo tinh thần khoa học và mang khoe tôi
những chậu lan quý ông mua hoặc được tặng mang về từ Mã Lai Á hoặc Tân Gia Ba.
Tôi biết ông quen biết nhiều nhân vật có tiếng tăm trong chính trường và giới văn
nghệ, nhưng với tôi ông chỉ thuần túy là một “cậu Tiến” nho nhã, đi lại nhẹ nhàng
trong nhà của Hoàng Đạo, như một quản gia. Có lẽ, đối với tôi thời đó, ông chỉ
là một bóng mờ giữa những hào quang của Nhất Linh, Hoàng Đạo và các thành viên
khác của Tự Lực Văn Đoàn, hoặc giả thời đó tôi không quan tâm nhiều đến chính
trị và văn chương. Những ngày tháng về sau này, khi ông tham gia vào một số hoạt
động chính trị thời đại như tham gia Hội Đồng Nhân Sĩ sau cuộc đảo chính (ông
nhờ người anh ruột tôi tốt nghiệp luật tìm tài liệu về căn bản pháp lý), liên lạc
đó đây khi kết hợp nhiều khuynh hướng đảng phái thành lập ba liên danh ứng cử vào
Thượng Viện, tôi có biết nhưng không quan tâm. Đến khi tôi bắt đầu tham dự một số hoạt động vì
liên hệ gia đình (như nhóm Thái Độ của Thế Uyên), được tiếp xúc với khá nhiều
nhân sĩ và quan chức chính phủ, các nhà lãnh đạo tôn giáo và đảng phái thời đó,
tôi bắt đầu thấy mình không phù hợp với quyền chức và chính trị. Có thể khi còn
trẻ đã bị ảnh hưởng nhiều khi đọc Đạo Đức Kinh/Lão Tử và Nam Hoa Kinh/Trang Tử,
và bản tính hiếu hòa, sợ bạo động và nhất là lười biếng, tôi bắt đầu tránh xa mọi
hoạt động chính trị và văn chương. Vào những năm tháng cuối của Việt Nam Cộng Hòa,
tôi có dịp gặp ông khi ông dự tính lập công ty Tôm Đông Lạnh (hình như với Nguyễn
Ngọc Linh) và sau đó thành lập Tổ Hợp Máy Cầy (với Nguyễn Thành Nam/ Văn Hữu) đi
cầy mướn ở miền Tây, tôi không tin là một người yếu đuối và sinh hoạt nặng về
chính trị và văn hóa như ông lại đi làm những chuyện có tính lao động và thương
mại như thế, trong lòng tôi có chút nghi ngờ là ông chuẩn bị mặt nổi cho một hoạt
đông chính trị nào trong tương lai, như cách suy tính cổ điển của tôi về các đảng
phái.
Tôi gặp lại
Như Phong ở Virginia vào một ngày đầu tháng sáu năm 1995. Qua liên hệ họ hàng tôi
biết ông đã sang Mỹ từ tháng tư năm trước, nhưng cũng không biết rõ ông ở đâu để
thăm hỏi. Ông đến gặp tôi lần này để tận tay giao cho tôi bộ sưu tập những phác
thảo và tranh vẽ chì của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã được ông mang theo từ Việt
Nam. Trước đó mấy tháng, nhân một buổi nói chuyện với họa sĩ Đinh Cường, Đinh
Cường có nhắc tới bộ sưu tập này mà Như Phong nhờ tìm người mua. Đinh Cường cho
tôi biết đã có một người sưu tập tranh người Việt Nam đồng ý, nhưng Đinh Cường
khuyên tôi nên nói chuyện với Như Phong và mua bộ sưu tập này, vì theo Đinh Cường,
rất có giá trị và không muốn bị lọt vào tay những nhà sưu tập thương mại. Ngoài
ra Đinh Cường còn biết tôi là con cháu gia đình Nguyễn Tường và nhóm Tự Lực Văn
Đoàn, nên giữ những tấm phác thảo và tranh vẽ chì đẹp và quý giá này như một tài
liệu trong gia đình. Như Phong ở lại nhà tôi một vài ngày để lo những chuyện riêng,
có dự đám giỗ Thạch Lam ở nhà người anh tôi. Trong những ngày ở đây, tôi và Như
Phong có dịp nói chuyện nhiều hơn, phần lớn là tôi tìm hiểu về cha tôi, Thạch
Lam, trước ngày ông mất năm 1942. Như Phong không biết nhiều về cha tôi nhưng ông
nhấn mạnh với tôi là Nguyễn Tường Cẩm và Thạch Lam mới là những người mở đường
và trông nom hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay, nhất là Thạch Lam là linh hồn của
hai tờ báo và lo việc in ấn, chọn lọc sách in cho nhà xuất bản Đời Nay. Thạch
Lam cũng là người thành lập và trông nom loại Sách Hồng. Vì Tự LựcVăn Đoàn và
cha tôi đã được nghiên cứu, viết và nhắc tới khá nhiều nên tôi cũng không để ý
gì cho lắm. Cho đến bây giờ, sau khi tôi và một số bạn hữu nhờ khá nhiều may mắn
và công sức đã thực hiện được vào tháng bẩy năm 2013 một buổi hội thảo khá đầy đủ
về Tự Lực Văn Đoàn và hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay, đã sưu tầm và số hóa được
toàn bộ hai tờ báo trên và hầu như đầy đủ các tác phẩm xuất bản lần đầu của nhóm
TLVĐ đưa lên mạng, khi đọc lại lá thư của Như Phong viết cho tôi ngày 30 tháng
06 năm 1995, tôi mới thấy được cái nhìn rất xa của Như Phong:”Trở về đây tôi nhớ lại một việc mà tôi đã bắt
đầu làm hồi 1962 ở Sàigòn, rồi sau đó tôi bị cuốn theo thời cuộc, bị bắt, phải
bỏ giở rồi bỏ luôn cho tới nay. Đó là việc cùng với một số người bạn, phần đông
là trẻ, viết một cuốn sách về hai tờ Phong Hóa-Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn,
1932-1945. Hồi đó tôi cho rằng trong lịch sử báo chí VN, Phong Hóa và Ngày Nay
là hai tờ báo hay nhất, trước đó chưa có tờ nào so sánh được và nhiều thập niên
sau đó cũng không tờ nào theo kịp. Cho đến hôm nay, tháng sáu 1995, tôi vẫn giữ
nguyên nhận định đó. Về Tự Lực Văn Đoàn đã có nhiều tác giả viết, đến nay ở
trong nước người ta cũng đang mon men viết lại, nhưng tôi thấy là chưa đầy đủ,chưa
nói đến những sai lầm hoặc xuyên tạc cố ý. Nhất là các tác giả chỉ chú ý đến sự
nghiệp văn chương của từng vị trong TLVĐ mà chưa quan tâm tìm hiểu sự nghiệp của
các cụ trên diễn đàn ngôn luận. Và hơn thế nữa, người ta chưa tìm hiểu, hoặc chưa
viết đủ rõ: khi làm báo và lập TLVĐ các cụ mang hoài bão gì, muốn đóng góp những
gì, như thế nào…cho xã hội, cho tổ quốc vào thời kỳ đó và tiếp nối? Người ta chỉ
mới viết qua loa rằng Nhất Linh là người tổ chức và lãnh đạo, rằng Tứ Ly-Hoàng Đạo
là người viết xã luận (có tác giả còn coi là lý thuyết gia) và trong Văn Đoàn các
cụ Khái Hưng, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ …là những nhà văn nhà thơ lớn của thời kỳ
đó vv…Nhưng người ta không hề biết rằng hai cụ Nguyễn Tường Cẩm và Nguyễn Tường
Lân mới là những người mở đường cho TLVĐ với tờ tuần báo Ngày Nay 1932. Sau đó
cụ Thạch Lam mới là trụ cột của Phong Hóa rồi Ngày Nay và nhà in, nhà xuất bản
Đời Nay. Cậu của Đằng, Giang mới là ngưới sắp đặt bài vở cho mỗi số báo từ A đến
Z, là người điều khiển nhà XB Đời Nay, quyết định cho in từ cuốn sách đầu cho đến
những cuốn sau cùng như “Hoa Vông Vang”của Đỗ Tốn, “Hoa Niên”thơ của Tế Hanh …ấn
hành sau khi cụ mất. Ngay cả đến nhà in Ngày Nay cũng do một tay cụ lập, mặc dầu
bác Long gái đứng tên. Chiếc máy lớn mua lại của nhà in Thụy Ký (bà Thụy Ký là
chị ruột bác Thụy gái), chiếc máy nhỏ đặt ở hiên ngoài dùng in mầu và in bìa sách,
máy đóng sách cho đến các kiểu chữ lớn (rất mỹ thuật) để sắp chữ đầu đề sách và
báo mà các nhà in thường không có, cũng đều do cụ nghiên cứu catalogne rồi đặt
mua từ Pháp. Những ngày cuối cùng, khi cụ đau nặng, chính bác Long gái phải lên
nhà in và xuất bản để coi sổ sách kế toán của cụ trao lại … Tất cả những điều này
bây giờ không còn ai biết đến nếu chúng ta không tra cứu đầy đủ và ghi lại.”
Khi đọc lại những dòng chữ này tôi thật sự rất xấu hổ về cái tính lười biếng, bất
cẩn và bất tài của mình và muốn nói một lời xin lỗi với Như Phong. Nhưng đã quá
muộn.
Những tháng
năm sau đó, tôi có dịp gặp Như Phong nhiều hơn. Mỗi lần ông ghé qua Virginia ông
thường đưa cho tôi những bài viết báo, bài nghiên cứu và tài liệu liên quan đến
tình hình chính trị ở Việt Nam. Những bản copy với dòng chữ viết tay của chính ông
: Hạn chế, Bản lưu, Bản thảo chưa đăng, xin đọc để biết, Không phổ biến …không
làm tôi tìm hiểu thêm vì tôi võ đoán là những bản này cũng được gửi cho nhiều
người, tôi cũng không rõ mục tiêu cũa ông là gì vì giữa tôi và ông chỉ có sự
quen biết qua liên hệ gia đình. Đôi khi tôi đi ăn cơm cùng ông và Nguyễn Mạnh Hùng
(một người tôi quen biết khá thân), ngồi nghe hai người thảo luận về những thay
đổi nhân sự, những biến cố mới xẩy ra ở Việt Nam, tôi hay hỏi đùa : không biết
những tin tức đó có làm thay đổi chế độ, vì tôi không thấy ông nói tới một lực
lượng nào ở hải ngoại hay trong nước để làm công việc đó. Ông không bao giờ ngỏ
ý nhờ tôi làm một việc gì và cũng không lôi kéo tôi vào hoạt động của những người
ông quen biết. Chỉ có một lần, nhân dịp tôi về Việt Nam, ông định nhờ chuyển một
số thư từ và tài liệu cho Hà Sĩ Phu, nhưng sau đó ông không nhắc tới. Có lẽ ông
cũng hiểu tôi không muốn liên hệ gì đến những hoạt động của ông, hoặc ông e ngại
tôi từ chối. Như Phong có những tin tức liên quan đến Việt Nam rất sớm với một sự bén nhậy ít thấy, tựa như
những tin tức đó đã ở trong suy nghĩ của ông trước khi sự việc xẩy đến. Khi Vũ
Thư Hiên mới trốn sang Paris, ông thì thầm cho tôi biết đến vụ án xét lại chống
Đảng ở trong nước, liên hệ mật thiết của
ông bố VTH với Hồ Chí Minh và khi VTH qua Mỹ ông gửi VTH đến tá túc ở nhà tôi,
nhưng sau lại đổi ý kiến. Khi ông qua Luân Đôn trở về ở lại nhà tôi vài ngày, ông
gửi tôi một copy bản thảo chép tay Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện mà ông nói
đã lấy được từ tòa đại sứ Anh. Tập thơ này trước đây đã được in nhiều lần ở vùng
này, tôi đã có hai ấn bản với tựa đề khác nhau, nhưng thú thật tôi chỉ đọc sơ
qua, tôi không hợp với loại thơ này và nhất là những dư luận ầm ĩ xẩy ra quanh
tập thơ. Như Phong quen biết và làm việc với rất nhiều người, rất nhiều bạn bè
quen biết của tôi bằng cách này hay cách khác đều có liên hệ đến những hoạt động
của ông, nhưng theo tôi biết không có ai trong gia đình Nguyễn Tường ở thế hệ
chúng tôi liên hệ mật thiết hoặc làm chung công việc với ông. Ông hay nhắc đến
thời điểm năm 1957, khi ông được Trần Kim Tuyến nhờ, đã chở Nguyễn Tường Bá bằng
xe mô-tô lên Đà Lạt gặp Nhất Linh. Ông chuyển lời đề nghị của chính phủ Ngô Đình
Diệm về dự án thành lập Hàn Lâm Viện và mời Nhất Linh làm viện trưởng. Dĩ nhiên
Nhất Linh không đồng ý và theo lời ông kể : “ông cụ xài xễ tôi một trận và mắng
tôi là đồ phản bội”. Khoảng 1973-1974, ông có ra Đà Nẵng gặp Tướng Ngô Quang
Trưởng (anh rể tôi) hai lần, nhưng những lần tôi nói chuyện với ông Trưởng, ông
chỉ hỏi tôi về những liên hệ của Như Phong với gia đình chúng tôi. Khi Nguyễn
Tường Tâm làm việc ở đài VOA, những bài viết và phỏng vấn những nhân vật chống
đối trong nước đều do Như Phong móc nối và cung cấp tài liệu. Có lẽ mục tiêu của
ông căn bản chỉ là xúc tác và gợi ý, cái mà nhiều người gọi ông lả mưu sĩ, là
phù thủy chính trị (theo Nguyễn Mạnh Hùng), một tay khuynh đảo (chữ của Sol
Sanders, theo Ngô Thế Vinh) hay một kẻ âm mưu (instigator). Như Phong có những
cách tiếp cận nửa kín nửa hở. Đột nhiên có những buổi ông hẹn đến nhà tôi, nói
tôi chở thuyền đi một vòng trên hồ (nhà tôi ở bên hồ), rồi ông thì thầm về những
liên hệ và hoạt động của Hoàng Minh Chính, vặn cassette cho tôi nghe bài phỏng
vấn HMC, khi thì ông nhờ người trao cho tôi băng phỏng vấn linh mục Chân Tín (mà
tôi đã gặp khá nhiều lần trưóc 1975 ở nhà thờ cuối đường Kỳ Đồng). Một hôm ông
đến đưa cho tôi cuốn Ăn Mày Dĩ Vãng của Chu Lai, bản copy, nói tôi đọc ngay rồi
gửi cho Trần Như Tráng ở Boston. Tôi ngạc nhiên vì tôi đã đọc khá nhiều sách ở
trong nước mua khi về thăm Hà Nội cuối năm 1994, tôi không biết ông có ý gì
khi nói tôi nên đọc cuốn sách của nhà văn
quân đội này. Một lần khác khi tôi đến thăm ông ở một căn phòng sơ sài, thấy trên
bàn có cuốn Memoirs of a geisha, ông hết lời khen ngợi và nói tôi phải tìm đọc
ngay. Quả thật, cuốn truyện này rất hấp dẫn đến nỗi tôi phải thức suốt đêm để đọc
cho hết. Tôi nhiều khi không cư xử với
Như Phong như một người đàn anh hay một người bạn vong niên, có một sự e
dè nào đó, không giải thích được, đã ngăn cản tôi đến gần ông hơn.
Sự thật
Như Phong là một người như thế nào, và những công việc ông theo đuổi nhằm một mục
đích gì, tôi vẫn không xác quyết được. Trong một lần ngồi cùng ông uống trà sau
hiên nhà tôi, tôi có hỏi nhưng ông không trả lời, nói lảng sang chuyện khác. Tôi
có lần tò mò hỏi về gia thế của ông và hoàn cảnh hoặc lý do nào đưa đẩy ông gặp
Hoàng Đạo và trở thành em nuôi hay anh em kết nghĩa với bác Long/HĐ. Ông cho tôi
biết thuở nhỏ ông chỉ thích thể thao và muốn làm kỹ sư. Ông thân sinh làm nghề
khai khẩn ruộng đất rồi chuyển sang khai khẩn khoáng sản. Mẹ ông mất sớm và ông
sống ở làng Bưởi với mẹ ghẻ, nhưng không hợp và hay bị mẹ ghẻ đánh đập. Người
mang ông đến gửi ở nhà Hoàng Đạo khoảng năm 1943 là ông Trịnh Văn Yên (em ruột
Trịnh Văn Tỉnh, hoạt động chống Pháp ở Quảng Yên trước Nguyễn Thái Học, không đảng
phái). Trịnh Văn Yên thuộc nhóm Tân Việt chống Pháp (khuynh hướng cộng sản?), hồi
đó là giám đốc nhà máy Hóa Chất Đông Triều/ Quảng Yên (gồm cả Nguyễn Đăng Thục,
kỹ sư hóa học) và sau này giám đốc Công Binh Xưởng liên khu 3 của quân đội Cộng
Sản. Ông sinh ngày 01 tháng 02 năm 1923 và tên thật là Nguyễn Tân Tiến. Khi
Nguyễn Quốc Dũng, con của ông Nguyễn Trọng Trạc (quản lý của báo Phong Hóa và
Ngày Nay, ủy viên trị sự của Ngày Nay/ bộ mới và chủ nhiệm Việt Nam Thời Báo/1945,
Giám Đốc Thông Tin Bắc Việt 1950-51) mà Như Phong có làm việc cùng nói là bút
hiệu Như Phong là do Nguyễn Trọng Trạc đặt cho, Như Phong cải chính ngay và cho
biết Như Phong là do cụ thân sinh ông đặt từ lâu, lấy ý từ câu Tiến Như Phong,
Chỉ Như Sơn (tiến lên nhanh như gió, dừng lại vững như núi). Ông nói đùa với tôi:
nhiều người gọi tôi là Bò Như Lùi. Phải nói Như Phong là một nhà nghiên cứu sâu
sắc về chế độ Cộng Sản Việt Nam, ông biết rõ rất chi tiết những nhân vật lãnh đạo
Cộng Sản VN, từ Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ …đến những nhân
vật Bộ Chính Trị đang nắm quyền hành, có thể gọi ông là một nhà “Cộng Sản Học”,
và ông đã hy sinh cả mạng sống khi quyết định ở lại Việt Nam sau tháng Tư 1975,
chỉ để nghiên cứu tận mắt về Cộng Sản như thư ông viết cho Sol Sanders và
Patrick J. Honey : “Tôi cần phải ở lại nước
tôi để chia xẻ những nỗi đau khổ cũng như những niềm hy vọng của đồng bào tôi.
Thêm nữa tôi đã bỏ công nghiên cứu phong trào CS VN từ mấy chục năm, nay họ tới
để cho tôi có thể sờ tận tay, tại sao tôi lại bỏ đi. Các bạn hãy yên tâm, tôi đã
tập luyện để chịu đựng và tôi tin rằng tôi đủ sức để chịu đựng bất kỳ sự đối xử
nào họ dành cho tôi…”. Nhưng nghiên cứu chỉ để nghiên cứu, tôi chưa bao giờ
nghe ông nói về một phương pháp thực tế nào để đánh đổ chế độ Cộng Sản. Có lẽ
trong một đường dài, những tố cáo và nghiên cứu của ông về chế độ CS sẽ làm thức
tỉnh người dân trong nước (và cả ở hải ngoại), sẽ thúc đẩy những người trẻ tuổi
yêu nước đứng lên tranh đấu cho một đường hướng dân chủ theo mô hình các nước
trong khối Tự Do.
Khi viết
bài này, tôi có thì giờ xem lại những tài liệu viết tay ông gửi cho tôi (và có
thể nhiều người khác nữa), tôi mới nhận ra
Như Phong thực sự là một nhà báo, và trong tâm tưởng ông, một nhà văn. Ông
là một nhà báo có khuynh hướng chính trị, cấp tiến . Có lẽ sự gặp gỡ và thân cận
giữa ông và Hoàng Đạo năm 1943 đã đưa ông vào con dường làm báo và tư tưởng chính
trị. Khi Hoàng Đạo nằm ở nhà thương Hàng Chuối (Hàng Kèn?) của Bác Sĩ Phan Huy
Quát, bị bệnh thương hàn sau khi cùng Nguyễn Gia Trí và hai đồng chí đi xem xét
căn cứ ở Thanh Hóa rồi đi Cẩm Thủy Hồi Xuân, trong thời gian này (cuối tháng 7,
đầu tháng 8-1945), Hoàng Đạo nhận được điện khẩn từ Huế (nội các Trần Trọng
Kim) bổ nhiệm làm Khâm Sai Bắc Bộ thay Phan Kế Toại, lãnh đạo Đảng Đại Việt và
Quốc Dân Đảng họp khẩn liên tục bên giường bệnh, theo lời kể của Như Phong lúc đó
ông chỉ là một “cậu nhỏ chạy việc và điếu đóm”, nhưng ông cũng gặp và quen biết
hầu hết những nhân vật quan trọng này. Theo bản “Sơ Yếu Lý Lịch” do chính tay ông
viết (tôi chỉ trích những hoạt động báo chí): “*1943-Sept: làm việc bán thời gian cho nhà xuất bản Đời Nay, 80 Quan Thánh Hà Nội, của TLVĐ. Học
nghề viết từ đó. *1945-Avril:Phóng viên của Tuần Báo Ngày Nay (Bộ mới) do Bác Sĩ
Nguyễn Tường Bách làm Chủ Nhiệm, cụ Khái Hưng Chủ Bút. Quen Nguyễn Hoạt từ đó.*1945-Juin:
Phóng viên và Re-writer của nhật báo Việt Nam Thời Báo do ô. Nguyễn Trọng Trạc làm chủ nhiệm và cụ Khái Hưng chủ bút.*1947-1948:
Tản cư về Phát Diệm (Ninh Bình), giúp tổ chức tờ báo Tiếng Kêu của địa phận Thiên
Chúa Giáo Phát Diệm (Giám Mục Lê Hữu Từ), LM Trần Độc Thư làm chủ nhiệm.*1950-51:
Trưởng Ban Biên Tập của Sở Thông Tin Bắc Việt Hà Nội. Ông Nguyễn Trọng Trạc làm
Giám Đốc Thông Tin BV.*1954-Juillet: Biên tập viên Việt Nam Thông Tấn Xã (VN
Press) tại Sàigòn.*1954-Nov: Nhật báo Tự Do ra số đầu tại Sàigòn với ô. Tam
Lang, chủ nhiệm. Ban chủ trương có: Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Đinh Hùng, Mặc Thu,
Như Phong. NP làm Tổng Thư ký tòa soạn…*1963-Aout: Báo Tự Do bị đóng cửa, truy
tố, những người cầm đầu bị bắt…*1963-Aout-02 Nov:giam tại An Ninh Quân Đội Biệt
Khu Thủ Đô, rồi phòng nhì BKTĐ, rồi Tổng nha CSCA. Sáng 2 Nov được trả tự do.”.
Khoảng thời gian sau này Như Phong tham dự nhiều vào các sinh hoạt chính trị do
thời thế đưa đẩy (xem bài của Nguyễn Mạnh Hùng). Tới năm 1966 đến 1973, Như
Phong, như một free lance/nhà báo độc lập, cộng tác với Patrick J. Honey viết bài
về VN cho báo chí ở Anh và các nước khác, features cho tổ hợp Forum World
Features…Như Phong quyết định ở lại Việt Nam sau 30/4/1975 cũng chỉ vì cái nghiệp
làm báo. Ông tin tưởng mãnh liệt vào truyền thông (Media) và tôi, không phải chỉ
một lần, đã nghe ông bầy tỏ tư tưởng đó với rất nhiều người khác. Ông cho rằng
chỉ có truyền thông mới làm xụp đổ được chế độ Cộng Sản trong nước, đó là câu nói
đầu tiên khi ông gặp tôi ở Mỹ, ở cái thời mà internet mới phôi thai. Ông có mộng
trở về VN làm báo chí cho dù có nguy hiểm đến bản thân. Nhưng tôi cho đó chỉ là
một ảo tưởng. Cái giấc mộng một hệ thống truyền thông theo kiểu ông Trùm
(mogul) Truyền Thông Rupert Murdoch, không phải chỉ khi sang Mỹ Như Phong mới
phôi thai, mà ông đã nuôi dưỡng từ những năm 1960 như ông viết trong thư gửi
Patrick J. Honey ngày 28 tháng giêng năm 1995: “Mộng ước của tôi từ 1960 là làm thế nào để cùng với các bạn xây dựng
một empire về mass media ở VN. Nhưng hồi đó tình hình không cho phép và các bạn
tôi không có người nào đủ tầm nhìn xa. Họ ham địa vị và quyền lực nhất thời mà
không thấy được sức mạnh của ngành truyền thông đại chúng và giá trị sâu xa lâu
dài của nó trong một nước chưa trưởng thành như VN trong thập niên 60. Sau khi
miền Nam bị CS kiểm soát, người tị nạn được thế giới tự do đón nhận càng ngày
càng đông. Khi tôi ở tù ra lần thứ nhất, được biết những tiến bộ kỳ diệu của khoa
học ứng dụng vào việc truyền thông tôi lại càng thấy nghành hoạt động này quan
trọng đến độ có thể làm biến đổi hẳn tình hình thế giới. Quả nhiên đế quốc cộng
sản tan rã rồi chính Liên Xô sụp đổ. Cuối 1989, trong một thư tôi viết cho các
bạn ở Mỹ, ở đoạn cuối tôi viết:… Chắc bạn rất muốn biết khi ngã ngũ tôi sẽ làm
gì?. Xin đáp :- Tôi sẽ làm nghề của tôi, nghề làm báo, với tất cả sức lực của
riêng tôi cộng với sự giúp đỡ mọi mặt của bạn hữu trong nước, ngoài nước còn
tin và còn yêu tôi. Ước vọng của tôi, mặc dù rất có thể là ảo vọng, tóm tắt như
sau: --Ra ngay một tờ báo hàng ngày, một tờ báo của tôi, sớm giờ nào hay giờ đó
ngay khi tình hình cho phép. Kêu gọi bạn hữu bốn phương trời lập một Công ty
Truyền thông Đại chúng gồm báo chí, xuất bản, truyền thanh và truyền hình. Đó sẽ
là một Công ty Đa quốc vì hàng trăm ngàn bạn ta đã có đủ mọi quốc tịch và đang
điều hành đủ loại cơ sở kinh doanh. Nhân lên từ một ấn bản ở một thành phố lên
ba ấn bản cho ba miền. Rồi thêm một tờ nữa ra buổi chiều, tuần báo, nguyệt san
chuyên đề, báo tiếng Anh, rồi nhà xuất bản chuyên in các loại sách phổ thông kiến
thức, đáp ứng nhu cầu của giới trẻ ham học. Rồi một hệ thống TV-Radio kết hợp
cân đối thông tin, giáo dục, giải trí và quảng cáo.” Còn đây là giấc mộng
trở về Việt Nam của Như Phong: “Khoảng June, tôi sẽ được Chính phủ Mỹ cho
hưởng quy chế permanent resident, với tư cách đó tôi dễ dàng xin phép qua thăm
nước Anh, Pháp và Âu châu để rồi đến cuối 1995 đầu 96 tìm cách trở lại VN. Việc
nhà cầm quyền CS có cho tôi trở về nước hay không cho là tùy thuộc thái độ của
tôi ở bên này qua những bài báo mà tôi ký tên là một phần, tùy thuộc chính sách
của họ là phần khác (vào thời điểm đó)… Nếu CS lúc đó không cho tôi về cũng tốt,
mà cho tôi về càng tốt hơn. Tôi có mặt ở trong nước viết bài gửi ra thì có giá
trị hơn là tôi ngồi ở xa. Nếu tôi được về VN, tôi không ngu dại gì mà chọc tức
họ để họ lại bắt tôi một lần thứ ba. Cùng lắm nếu họ cho xe vận tải mười bánh cán
nát sọ tôi thì tôi lại được làm một martyr của tự do, cũng còn hơn là sống như
một refugee. Vả lại tôi chỉ còn ba năm, nhiều lắm là 5 năm nữa để làm việc thôi.
Sang 1995 này, tôi cũng 72 tuổi rồi.” Lời tiên tri hay linh cảm đó trớ trêu
thay chỉ sai trật có 01 năm. Nhưng trong khoảng 6 năm trời ngắn ngủi ấy, Như
Phong đã làm được biết bao công việc, nhưng tiếc thay, chỉ là những công việc của
một nhà báo lão thành. Tôi không hiểu cái
giấc mơ Nhà Văn của Như Phong, cái phần mà vì thời thế ông đã phải hy sinh cho
đến khi nhắm mắt, ông có chút tiếc thương nào không. Cái giấc mộng tìm lại và
hoàn chỉnh tiểu thuyết Khói Sóng, một thời tuổi trẻ lãng mạn đã xa, những tiểu
thuyết mà ông đã thai nghén trong tù “nhưng
việc chính là để sửa soạn viết
novels. Hơn 14 năm ở tù tôi đã sắp đặt trong đầu được hơn 10 bộ novels, nhưng tôi
loại đi chỉ định viết chừng 6 cuốn thôi. Những novels này bày tỏ những ghi nhận
của tôi về đủ thứ mong ước của đủ thứ người của thời đại mà tôi đang sống,
trong một thế giới đang thu hẹp lại rất mau về không gian và thời gian, mà tình
hình biến chuyển (lịch sử-quá khứ-tương lai) với tốc độ của ánh sáng. Thư gửi
P.J.Honey”, cuốn “Kinh Nghiệm Ở Tù” mà ông định viết cho một nhà xuất bản ở
New York khi ông viết thư cho tôi, những giấc mộng đó đã trở thành mây khói. Tôi
chỉ còn giữ lại được bản phác thảo dàn dựng truyện phim Murder On Barbier
Street mà trong lời mở đầu ông viết : “The
murder on Barbier Street thus set the stage for an arena of terror in which
both intelligent and stupid minds, noble as well as cruels ones are out to
confront one another, all thrown into a cruel game of deception that goes on,
night and day, up to this very moment. That arena is Vietnam where 70 years
ago, twenty million Vietnamese lived in poverty and under exploitation,
constantly repressed but also dreaming all the time of the day when they would
have their full rights as citizens living in an independent nation.
Unfortunately, they only had as precedent the exemple of their forefathers who
never refused death and violence as the way to independence. Thus in their
minds revolution is irrevocably tied to
violence. It is no wonder that their choice, when their turn came, was also for
violence- and more violence, even though their leaders may pursue different
aims….By recreating this period (of the late 20’s and early 30’), the proposed
film has the ambition of showing the anti-humanism
of all tenets, whether learned from outside or homegrown, which only see
VIOLENCE AND TERRORISM as the possible solution to the dilemmas of present-day
Vietnam- or any other country for that matter.” Như Phong đã đôi ba lần say
sưa nói với tôi về truyện phim này và hy vọng một ngày nào sẽ được Hollywood dựng
thành phim, một phim về lịch sử đau thương của VN cũng như những phim về
Holocaust của người Do Thái.
Tôi bây
giờ ở tuổi 74, mỗi sáng thức dậy đã là một hạnh phúc, ngồi uống cà phê và đọc hết
những trang báo chính của tờ Washington Post, những tin tức trên thế giới mới xẩy
ra mà tôi tưởng đã đi vào dĩ vãng vì buồn bã cảm thấy mình đã đứng ở ngoài những
biến động, tựa như vừa xem một phim tài liệu. Tôi còn có cái thói quen đọc mục
Cáo Phó để biết những nhân vật có ít nhiều tiếng tăm trong nhiều lãnh vực khác
nhau, xem những thành quả họ thực hiện trong khi còn sống, để thán phục và ngậm
ngùi về số phận con người. Tôi không thể nào tưởng tượng nổi một người như Như
Phong ở tuổi 72, sau 14 năm tù tội trong ngục tù Cộng Sản, với một thân xác gầy
yếu chỉ còn da bọc xương khi ra khỏi tù, vẫn còn hoạch định những chương trình
to lớn, nếu khả thi cũng cần một thời gian rất dài. Tôi rất cảm phục cái tinh
thần bất khuất và hy sinh cả cuộc đời cho lý tưởng của Như Phong và các bậc cha
chú đã hy sinh bao thế hệ trước, mà theo tôi Như Phong như là một gạch nối cuối
cùng với thế hệ chúng tôi, cái gạch nối cuối cùng ấy đã dứt. Thế hệ của chúng tôi
cũng sắp tàn, chúng tôi đã sống như những người refugee thế hệ đầu tiên, những
thân cây cố bám rễ khi bị bứng đến một vùng đất lạ, nhưng những người như Như
Phong là ánh sáng để cho những hoa trái đầu mùa hướng về, như Như Phong đã từng
mong ước, một quê hương tổ quốc tươi đẹp hơn.
Khi tôi rời
nhà thương trở về nhà, có lẽ đã quá nửa đêm. Trời cuối tháng 12 đã bắt đầu trở
lạnh, buổi tối đầu tháng âm lịch không có trăng sao, chỉ có những ngọn đèn đường
nhạt nhòa không đủ sáng. Tôi nghĩ đến Như Phong nằm một mình trong căn phòng nhỏ,
như cuộc đời ông cô đơn không bạn đồng hành chia xẻ ngọt bùi, tôi cũng không biết
ông có người bạn tâm giao nào trên đường hoạt động. Ông không gia nhập đảng phái,
cái gia đình mà ông nương tựa như chính gia đình ông, bây giờ cũng tan tác, lúc
ông chết người con gái nuôi cũng ở một phương trời xa thẳm. Tôi thầm nhủ muốn làm
một bài thơ tặng ông, nhưng tôi chỉ làm được hai câu cuối:” cuối cùng mọi người cũng bỏ ra về/ mỗi người mang theo một trái tim còn
nhịp đập”.
-Nếu cho
cậu một ước mơ thì cậu ước mơ gì?
-Tôi chỉ
muốn được nằm xoải tay trên thảo nguyên nhìn lên trời xanh và nghe tiếng sáo diều
đưa tôi vào giấc ngủ.
Và bây giờ,
Như Phong Lê Văn Tiến đã ngủ giấc ngàn thu.
NGUYỄN TƯỜNG
GIANG14 tháng 7 năm 2016.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Những kiểu
Trả lờiXóaxe điện gấp gọn
siêu nhỏ đang dần chiếm vị thế trong lòng người dùng Sài Gòn bởi khả năng xếp tiện dụng nhẹ đang bán giá rẻ tại DecalSG.