Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016
Ngô Nguyên Dũng - Len Trâu Mùa Nước Lớn
Chiếc tam bản hai người chèo, một người dẫn lối, lướt phăng phăng trên mặt nước lặng gió. Đêm thượng tuần, trăng sừng trâu nhếch nhác. Sau vài hôm mưa tạnh, mây tan, đêm ráo hoảnh, nhấp nháy tinh tú. Chúc cất tiếng hỏi người ngồi trong khoang:
- Rành đường thiệt
không, ông Chín? Sao tui nghi quá. Lũ lụt minh mông, lênh láng như vầy, đường
nào mà mò?
Người kia chặc
lưỡi:
- Thiệt mà, tin tao
đi! Hai đứa cứ việc chèo tới ngã ba Cầu Đúc cho tao!
Người chèo mũi cười
khục khặc:
- Tui biết chỗ đó,
gần nhà ông Bảy Cứng, có đứa con gái đẹp ác, cô Sự.
Chúc tán đồng:
- Ừa, cổ đẹp thiệt
tình. Cặp vú khỏi chê, nghe Mười!
Người tên Mười chọc
ghẹo:
- Trai tân như mầy,
để ý tới vú vê, đít điếc, coi chừng khí hư dồn lên mắt, hổng tốt nghe Chúc!
Chúc gân cổ:
- Tân gì tui cha!
- Mất trinh hồi nào
vậy?
- Hồi tui theo chú
Đức đi dắt trâu.
Thằng Mười tỉnh
khô:
- Sao tao nghi mầy
cáp độ nhằm trâu cái quá Chúc à!
- Trâu cái trứng
dái tui! Tui nói thiệt mà hai cha cứ giỡn, tui đíu kể cho nghe.
Thằng Mười nói
vuốt:
- Tao tưởng mầy
thuộc hạng công tử bột.
- Bột bị gì tui.
Thiệt ra, má tui cản, nhưng ông nội bắt đi dắt trâu để tập tành gian khổ với
người ta.
Ông Chín nóng ruột:
- Rồi cớ sao mầy
mất trinh?
Chúc chúi dầm nghe
cái "chách" xuống mặt nước đen ngòm, cất giọng thủng thẳng:
- Tui được chú Đức
thưởng công, tại tui biết chịu khó...
Hằng năm, tới mùa
nước lụt, các nhà bá hộ có lệ thuê người dắt trâu tới miệt cao ráo cho ăn vài
tháng. Chú Đức, em trai ba, chuyên đầu nậu nghề nầy. Chú quen mặt hết thảy
thanh niên trai tráng nơi đây. Cần, chú chèo xuồng tới hỏi qua một tiếng là gom
đủ số. Năm rồi, ngoại lệ, ông nội Chúc là người đích thân dẫn thằng cháu tới
nhà chú, biểu chú cho đi dắt trâu. Gia cảnh chú Đức một vợ năm con, huê lợi
ruộng đất đủ xài, nhưng bản tính chú phong lưu, rộng rãi, đâm ra thiếu hụt. Thím Đức lo không xuể, buồn rầu, trở nên ba trợn. Từ đó, một tay chú
lo kiếm lợi tức nuôi vợ con. Cứ tới tháng chạp, Chúc lại thấy chú sắm bộ bảnh
bao tới thăm ông bà nội, nhân tiện vay tiền, mượn gạo về ăn Tết.
Huyết quản bên họ
nội Chúc có máu lang bạt. Ba miệt mài đó đây, ngược xuôi Nam Bắc. Chú Đức hành
nghề dắt trâu, mỗi năm vắng nhà ròng rã suốt mùa mưa. Tháp tùng theo chú lần
vừa rồi, Chúc còn biết thêm chú có thói trăng hoa, phóng đãng. Mấy đứa theo
trâu, mỗi khi vắng mặt chú, lấy đó làm đề tài giải khuây. Đứa nói, tại bà vợ
khật khùng, không cho chú cắm lỗ, nên chú sinh tật. Thằng khác cho rằng, tại
chú tuổi mùi, dê đực tới mùa động tình, bao nhiêu cũng không đủ.
Cái nghề dắt trâu, dầm
mưa dãi nắng, sông ruộng sình lầy, mấy tuần liền ngủ bờ ngủ bụi là chuyện
thường. Theo kinh nghiệm, phải len ngược đường nước dâng, mới đỡ mất công lội
sông. Xứ nầy, sông ngòi chằng chịt, chỗ nào đất ráo nhiều cỏ, rạch ròi gọn bâng
như bản địa đồ trong đầu chú Đức. Ngã sông nào có đồn bót Tây đóng, chú né. Cả
những chỗ dừng chân nghỉ tạm, chú rành sáu câu. Mỗi nơi, chú vui vẻ sắm một bà
vợ nhỏ.
Có đêm, vui miệng,
chú kể chuyện huê nguyệt. Đám con trai, đứa nào đứa nấy bắp thịt cùi cụi, sinh
lực cồn cào, nghe xong đều mộng tinh. Một lần, chỉ có hai chú cháu, chú Đức
khều tay Chúc, cười mím chi:
- Cái tạng mầy, tao
cá mười ăn một, gái theo phủi không hết, nghe Chúc.
Chúc sượng trân,
làm thinh.
- Tao hỏi thiệt,
nếu mầy khứng, ghé chỗ kia, tao nói một tiếng là có đứa bưng dưng mầy cấp kỳ.
Chúc đỏ mặt lúng
túng:
- Tui còn... còn...
nhỏ mà chú!
- Trời, mười bảy
tuổi, cu dái mở mắt, mọc lông mọc cánh rồi mà nhỏ nỗi gì? Để ứ, khật khùng nghe
mậy.
Chú Đức làm Chúc
săm soi mặt mũi, để ý tới vóc dáng nhiều hơn trước. Lúc nào Chúc cũng giắt lưng
kè kè con dao lá liễu gọt khoai sắn, còn dùng soi mặt nước cạo râu. Tóc Chúc,
lâu ngày không hớt, dài kín tai, phủ gáy. Nước da cháy nắng, nâu bóng. Chúc có
cặp mắt một mí đa tình, đôi lông mày rậm, sống mũi thẳng giống bên
ngoại, cái miệng cười có duyên và hàm răng chà bằng tro muối, trắng tinh. Chúc
thích lội sông nên tay chân săn sẻ, ngực vai cân đối. Nghe kể, lúc nhỏ Chúc xấu
háy, bệnh thời khí liên miên, nên bà nội kêu má đặt thầy tạc cho cái bùa hổ cốt
hình trụ, biểu tượng nam tính, Chúc đeo tới bây giờ.
Thiếu phụ mà chú
Đức gán cho Chúc có khuôn mặt ưa nhìn, nước da trứng gà bóc, tai tái. Chú Đức
giới thiệu tên cô là Năm Bạch Liên, rồi ôm eo ếch đứa con gái khác, ngả ngớn
lui vô buồng bên. Cô Năm tự nhiên nắm tay Chúc, dẫn vô phòng riêng, kéo màn.
Chúc đứng lóng ngóng, tay chân thừa thãi, ngó cô cắm cúi châm tim đèn dầu trên
bàn con, rồi vén mùng chui vô, đập muỗi vài cái chan chát. Thấy Chúc còn lần
chần, cô Năm lên tiếng:
- Ủa, sao còn đứng
đó? Tới đây, chú em!
Chúc lê tới gần,
ngồi xuống mép giường, không cục cựa. Cô Năm biểu Chúc chui vô mùng, không thôi
muỗi chích. Chúc làm theo, ngồi sượng đơ. Bàn tay cô Năm đặt lên vai Chúc, vần
nhẹ. Rồi mạnh hơn. Có lúc cô lòn tay cào tóc Chúc, điểm ngón lên gáy, di chuyển
dần lên đỉnh đầu và lần xuống hai vành tai, xoáy đều. Cứ vậy mà cô vân vê đầu
tóc và bả vai Chúc. Đứa con trai khó cưỡng cảm giác mới lạ, lim dim khép mắt.
Lát sau, thiếu phụ
quàng tay qua hai nách Chúc, chậm rãi cởi nút áo. Chúc vật người nằm sấp, giấu
giếm. Cô Năm tấn mùng, rồi tự động trút bỏ quần áo, đắp người lên lưng Chúc.
Cảm giác hai đầu vú săn chắc trườn khắp lưng trần đê mê làm sao! Ngũ quan Chúc
bỗng chốc sa lầy vùng mê trận, cờ xí phất phới. Khi cô Năm lật ngửa Chúc, tháo
dây lưng, đỡ đần cho vô thì Chúc đã lính quýnh phóng tinh xối xả. Chúc nẩy
người, cổ họng ấm ứ hoan lạc, úp mặt xuống trũng ngực mềm mại, mát rượi của
người đàn bà. Lát sau đứa con trai mới buông ra, ngửa nằm tênh hênh. Đỉnh mùng
trắng nhờ sa xuống vòm mắt Chúc, lẩy bẩy mất hút. Chúc khép mắt làm thinh.
Cô Năm Bạch Liên để
vậy, chờ cơn phóng dật Chúc lắng xuống mới lấy khăn chặm mồ hôi tươm hột trên
ngực đứa con trai. Chúc hé mắt. Ánh đèn dầu hắt bóng người thiếu phụ lúi cúi
lên vách mùng. Cô Năm nghếch chân, đắp khăn lên bụng Chúc, nằm sà một bên, thủ
thỉ như an ủi:
- Khơi mào lần đầu,
ai cũng vậy, chú em à!...
...Cái giọng thỏ
thẻ hôm nào dội lại trí Chúc đêm nay, ngòn ngọt dư vị khoái cảm đầu lưỡi. Chúc
bật cười lớn:
- Mấy cha biết
hông, sau đó tui bị rệp cắn, gãi háng tới bật máu. Chú Đức đè tui ra, cạo sạch
lông. Rát gần chết!
Rồi Chúc huyên
thiên:
- Bận dắt trâu năm
đó, về nhà, không ai nhận ra tui. Nghe giọng, mới biết. Cũng phải, vì tui giống
như con gà trống thay mao, mọc cựa. Tóc tai dài cả tấc, cháy nắng vàng khè như
tóc tây tà, tui túm đuôi cột lại. Da dẻ đen thui, ốm nhách. Áo quần, quai bị
luộm thuộm, khét nắng hôi rình. Má với bà nội thấy tội, ôm tui khóc ròng. Còn
ông nội hả hê, khen tui trổ mã, tốt tướng hẳn hoi.
Có một chi tiết,
Chúc giấu.
Sau khi hành sự, cô
Năm Bạch Liên luồn tay xuống chiếu, moi ra tờ giấy vàng sẩm gấp tư, đặt lên
ngực Chúc, không nói. Chúc sửng mặt ngạc nhiên. Hai mắt cô Năm long lanh, chăm
bẳm ngó Chúc, môi chúm chím thúc giục. Chúc mở ra. Chữ dấu in lem nhem. Phía
trên có hình lưỡi liềm, bó lúa và chòm sao ba chiếc. Bên dưới là hàng chữ
"Tổ quốc, Độc lập, Tự do". Bỗng dưng Chúc hồi hộp, ngực đập mạnh,
không dám đọc tiếp, nhổm phắt dậy, úp tờ giấy xuống chiếu. Cô Năm thấp giọng:
- Thanh niên trai
tráng như chú em vui chơi, chớ quên chuyện quốc sự. Nhựt lùn rút về nước, Tây tà
trở lại, nhưng đang đối phó với muôn vàn khó khăn hậu chiến ở Âu châu. Thời cơ
đã tới lúc chín muồi, chú em à! Mỗi người một tay, chẳng mấy chốc mà thành bão.
Chúc xoe mắt nhìn
thẳng mặt người thiếu phụ. Thoắt cái, sắc diện ấy tiêu tán nét gợi cảm nữ tính
mà trở nên dõng liệt, đanh thép. Chúc bối rối xỏ quần, vén mùng, ngồi vuốt lại
mái tóc rối bù. Thiếu phụ tì ngực sát lưng Chúc, vòng tay xoáy ngón quanh lõm
rún lơ thơ lông mịn. Cảm xúc Chúc tan chảy, nhoè nhoẹt lên trang giấy rời rạc
mớ từ ngữ xa lạ...
... Ông Chín đột
ngột kêu lên:
- Sắp tới rồi nghe
bây! Chèo thủng thẳng lại!
Chúc định thần nhìn
kỹ. Phía trước, chừng trăm thước, thấp thoáng sau đám lá sậm xì là thân cầu
xi-măng đen sẩm bắc ngang, ngập nước một phần ba. Nhà phú hộ Hoạch, thuở trước,
Chúc được ông nội dẫn tới mấy lần. Ngôi nhà gạch khang trang, tường vôi nâu
lợt, lợp ngói đỏ. Phía trước hai gian nối nhau bằng lối đi lót gỗ dầy có mái
che. Sau là một dãy nhiều căn ngăn ra làm nhà bếp, cầu tiêu và chỗ ở cho gia
nhân. Lúc ông nội còn giữ chức hương quản, ông có thông lệ tới chúc mừng ông bà
phú hộ Hoạch ngày mồng hai Tết. Chúc thích lắm, vì lần nào cũng được tiền lì-xì
thiếu điều rách túi và được ăn bánh mứt thoả thuê. Phú hộ Hoạch có nuôi hai con
chó bẹc-giê lớn chần vần, cao gần bằng Chúc, nhưng rất mực hiền lành và dễ
biểu. Ông phú hộ chỉ cần hô một cái bằng tiếng Tây là chúng tuân theo răm rắp.
Nghe nói, ông có tới ba bà vợ, sống chung hoà thuận. Nhưng đường con cái ông
hiếm muộn, ngoài bốn mươi mới đậu với bà thứ ba hai gái sinh đôi, đặt tên nửa
tây nửa ta, Jeannette Hồng và Jacqueline Mai. Chúc nghe bà vú gọi hai tiểu thơ
là moa-sen Giang và moa-sen Linh. Mỗi bận Chúc tới là hai đứa xúm lại nắm tay,
rủ Chúc tung tăng khắp nhà. Có điều, nói chuyện với hai cô hơi khó, vì hai cô
xổ tiếng Tây nhiều hơn tiếng Việt.
Cũng vì biết Chúc
rành rẽ ngõ ngách nhà phú hộ Hoạch, mà ông Chín và thằng Mười mới rủ Chúc theo.
Chúc thắc mắc, tới đó chi vậy? Ông Chín tỉnh rụi:
- Tới gom của với
lại kiếm thêm lương thực.
Chúc phất tay từ
chối thẳng. Ông Chín khích bác:
- Tướng mầy coi
yêng hùng vậy mà gan thỏ đế. Cả dòng họ phú hộ Hoạch tản cư ráo mẹ nó lên Sài
gòn hết rồi.
- Còn gia nhân đâu?
- Tụi nó trốn về
quê hết trọi. Lụt lội như vầy, cho vàng cũng hổng đứa nào dám ở lại.
- Tui không quen
làm chuyện nầy, ông Chín à. Thất nhơn ác đức lắm!
Ông Chín gằn giọng:
- Hơi sức đâu nói
điều nhơn đức với thứ cường hào ác bá? Phú hộ Hoạch làm chó săn cho Tây, bóc
lột dân nghèo. Mầy nghĩ coi, cái đám tá điền ra sức làm mọi cho chả, có ai ngóc
đầu lên nổi? Hằng năm nai lưng cấy gặt hai mùa, cực hơn trâu ngựa mà chỉ được
trả công bằng chục giạ lúa, sao đủ? Phải vay thêm. Cứ vậy mà nợ nần hết đời cha
tới đời con, dai dẳng. Mẹ họ, càng nói tao càng tức cành hông.
Chúc nín thinh, hơi
chột dạ. Dòng dõi Chúc, tuy không giàu nứt vách đổ tường, nhưng cũng thuộc hàng
dư dả. Ông nội Chúc có chân trong ban hương chức hội tề cho tới lúc chứng phong
thấp trở nặng, mới nghỉ. Riêng Chúc vẫn có mỹ cảm với gia tộc phú hộ Hoạch.
Chuyện xung đột chủ tớ, ở đâu lúc nào cũng có, sao tránh khỏi. Nhiều kẻ bất mãn
vì ý đồ cá nhân, thêm mắm dặm muối, trút mọi tội lỗi lên đầu địa chủ. Nói nào
ngay, tuy phú hộ Hoạch không phải là người nhơn từ đức độ nổi tiếng vùng nầy,
nhưng đổ cho ông tiếng ác, rõ là bất công.
Dẫu vậy, mấy điều
ông Chín buộc tội ông cũng làm Chúc chao đảo. Lúc đó Chúc không khỏi nhớ tới
lời nhắn nhe sắt thép của cô Năm Bạch Liên tối hoan lạc dạo nào. Tờ giấy kêu
gọi thanh niên vùng lên đánh đuổi thực dân Tây và bè lũ tay sai, giành lại độc
lập, tự do cho đất nước, Chúc còn giữ, giấu kỹ trong vách ván cạnh chỗ nằm.
Lương tâm Chúc dằng
co giữa hai điều phải trái. Không biết tính sao, Chúc đành trả lời nhát chừng:
- Ông Chín cho tui
nghĩ lại rồi quyết định.
Ông Chín bồi thêm
lý do then chốt:
- Chuyện nầy không
phải trộm cắp mà là lấy lại những thứ bị người ta cướp đoạt, về chia cho dân
nghèo. Tao nói ít, mầy hiểu nhiều.
Chúc cúi đầu, dạ
rối bời. Hổm rày Chúc có nghe má than thở, gạo muối gần cạn. Số lúa anh em
Chúc, Chung cặm cụi đem lên chùa gởi, cũng bị xung công. Chúc biết, lượng lúa
nhà phú hộ Hoạch, không phải lẫm mà là kho. Đã có lần Chúc và chị em Giang,
Linh vô đó giỡn hớt rồi ôm nhau ngủ quên cho tới lúc gia nhân đổ xô đi kiếm,
mới thức.
Hôm sau, Chúc ra
điều kiện với ông Chín:
- Tui đồng ý đi theo
hai cha. Mà tui giao trước, tới lấy gạo chớ không phải để cướp của, nghen ông!
Ông Chín gật đầu,
vỗ vai Chúc, ra chiều đắc ý.
Vậy mà, lúc chất
gạo khẳm ghe rồi, ông Chín trở mặt:
- Chúc à, mầy thông
cảm. Nhà tao nghèo, lại đông con.
Nói rồi, ông soi đèn
kêu thằng Mười chĩa mũi ghe lên nhà trên. Chúc gác dầm vô khoang, chết điếng.
Nước ngập luông tuồng. Cửa nẻo toang hoác. Đồ đạc dọn dẹp đâu hết, gian nội
thất gần như trống trơn, ghe vô ra thảnh thơi. Chúc để mặc ông Chín với thằng
Mười xăng xái, lục lọi vét của. Nhiều thứ không còn ở chỗ cũ trong trí nhớ ấu
thơ Chúc. Chẳng hiểu chúng được ông phú hộ đem theo hay đã có kẻ lẻn vô trộm
đạo, trước đó?
(Trích đoạn tiểu thuyết "Núi Đoạn Sông Lìa")
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét