Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Bùi Bích Hà - Đọc Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt biển


(Phát biểu trong buổi ra mắt sách Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt Biển, vào ngày 17 tháng 7, 2016 tại Little Saigon)

Trước hết, chúng tôi xin được ngỏ lời cảm tạ anh chị Dương Phục-Vũ Thanh Thủy đã cho chúng tôi được vinh dự đọc và chia sẻ cảm nghĩ về tập hồi ký hết sức giá trị của anh chị, gắn liền sự nghiệp, tình yêu, quãng đời khổ nạn anh chị đã trải qua cùng với thời khoảng lịch sử đen tối của đất nước sau biến cố 30 tháng 4, 1975.
Viết về biến cố đau thương này, trước anh chị, đã có rất nhiều tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại, nhiều nhất vẫn là hồi ký, đóng góp phần trải nghiệm của từng tác giả, làm nên bức vẽ toàn cảnh, cho tới nay, mô tả bằng máu, nước mắt, những mất mát vĩnh viễn của một Việt Nam tan tác, điêu linh, nhem nhếch suốt 40 năm qua dưới quyền sinh sát của một tập đoàn lãnh đạo mãi mãi vẫn còn là những tập sự viên mò mẫm với chủ nghĩa cọng sản què quặt, lạc hậu của họ. Và, càng đau đớn hơn, ngay dưới mắt một cộng đồng quốc tế có lúc đã hết kiên nhẫn nên đành ngoảnh mặt quay lưng với tất cả sự nghiệt ngã vượt ngoài tưởng tượng của một nhân loại bình thường.

Độc giả khắp nơi đã được đọc không ít những chuyện kể, mỗi người để lòng đau xót thấy lại một phần của đời mình trên những trang giấy ấy. Tuy nhiên, một tác phẩm với giòng chữ đầu tiên viết xuống cách nay 37 năm và chỉ mới kết thúc vừa đây để tới tay người đọc, có lẽ là Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt Biển, dày 700 trang, bìa cứng, do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương in ấn và phát hành, với hai đồng tác giả là đôi bạn Dương Phục-Vũ Thanh Thủy, ra mắt hôm nay trong hội trường này.
Phải xin thú thật ngay với quý vị, đây là tập hồi ký đầu tiên mà chúng tôi đọc từ đầu đến cuối trong vòng một tuần lễ giữa bộn bề công việc và trách nhiệm hàng ngày cần phải chu toàn. Một tuần lễ đương cự với sức nặng những bi kịch của đôi bạn trăm năm Dương Phục-Vũ Thanh Thủy trong 4 năm đọa đầy của cả hai, chúng tôi phải uống Airborne mỗi ngày mới không ngã bệnh để có thể theo chân họ. Tuy nhiên, diễn tiến các sự việc xảy ra sau 30/4/1975 được hai tác giả ghi nhận trong mắt mỗi người ở vị trí của mình, là sự lập lại hiển nhiên những gì có lẽ ai cũng đã biết qua, nghe qua, hoặc với tư cách chứng nhân của những người kẹt lại ở miền nam hoặc do nhiều tài liệu phổ biến bằng các phương tiện truyền thông đại chúng sau này, chúng tôi xin phép không đề cập đến vì tính cách khả tín của những chương sử liệu này. Chúng tôi xin phép được lựa chọn một vài điều tâm đắc riêng khi đọc Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt Biển để bày tỏ những cảm nghĩ đời thường của một phụ nữ lúc cuối đời, bỗng có cơ hội hưởng ké một chút hạnh phúc hiếm hoi tìm thấy trong tập hồi ký này, xác tín cho tôi niềm tin tuyệt đối vào giá trị to lớn của Tình Yêu như một ân sủng giúp con người đi trọn con đường Thánh Giá bằng gót chân trần giẫm lên hoa hồng đầy gai để hoàn tất tốt đẹp cuộc hành trình gian khổ trên măt đất này.
Thêm nữa, qua gần ba thập niên làm công việc lắng nghe tâm sự của rất nhiều đồng hương, kể cả trực tiếp lau nước mắt cho nhau, chúng tôi hiểu rằng, cho tới nay dù bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, vết thương từ những chuyến vượt biển tìm Tự Do bị hải tặc bạo hành trên biển, trên hoang đảo, vẫn không khép miệng, vẫn nung mủ, vẫn nhiễm độc suốt những năm tháng còn lại sau tai họa đến cho các nạn nhân và cả người thân chồng con họ cùng có mặt trên các con thuyền định mệnh oan nghiệt. Không chỉ thế, ngay cả những phụ nữ may mắn đến được bến bờ Tự Do an toàn cách này hay cách khác, nếu có chút lòng lân mẫn, cũng không thể thấy mình hoàn toàn ở ngoài mà không có những phút giây chạnh lòng. Bản thân tôi tha thiết mong tìm được trong tập hồi ký này câu trả lời đích thật nhất, dứt khoát nhất, thuyết phục nhất cho tất cả những nạn nhân của hải tặc, giúp họ ra khỏi cơn ác mộng chưa thôi ám ảnh và giầy vò họ, trả lại cho họ sự công chính và bao hy vọng tốt tươi họ mang theo khi bước chân lên con thuyền vượt biển dù hứa hẹn 9.9 phần chết, chỉ 0.1 phần sống nhưng không phải sống với di chứng của nạn hải tặc như họ đang âm thầm gánh chịu không biết tới bao giờ?
Trước khi vào chi tiết hai tâm điểm vừa nêu trên, một lần nữa, xin được vô cùng cảm ơn anh chị Dương Phục-Vũ Thanh Thủy về các chia sẻ của anh chị qua những cống hiến tận tụy, hồn nhiên và quả cảm của lực lượng phóng viên chiến trường Việt Nam thời đệ II cọng hòa, rất đáng tự hào sánh vai với các đồng nghiệp quốc tế vào sinh ra tử bên cạnh nhau tại các vùng lửa đạn, nói chung, và của anh chị, nói riêng. Trước khi đọc Tình Yêu, Ngục Tù &Vượt Biển, hiểu biết của người dân thuở ấy trong đó có chúng tôi, về sinh hoạt của giới ký giả báo chí rất hạn hẹp, đáng tiếc và bất công, với hình ảnh về họ là những người cầm bút xoàng xĩnh, làm việc trong các tòa soạn, thỉnh thoảng an nhàn vác đồ nghề ra tiền tuyến “khi cuộc chiến đã xong, chỉ còn việc nghe thuyết trình, ghi chép về làm phóng sự cho đài phát thanh hay viết bài cho báo Chiến Sĩ Cọng Hòa” như lời chứng của Trung tá Quản Đốc đài phát thanh quân đội, nhà văn Văn Quang (tr. 44).  Dù quá khứ đã chìm sâu dưới tro bụi thời gian, gần 200 trang giấy trong Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt biển của các chương II, III và IV đã làm sống lại khí thế và những bước chân hào hùng của nhóm ký giả tiền tuyến mà điển hình là anh chị, đem lý tưởng/sinh mạng thách đố với chiến trường rủi may như một lựa chọn nghiệp dĩ. Một Trần văn Nghĩa, cấp bậc trung sĩ nhất, chuyên viên thu hình của đài truyền hình quân đội, có vợ 8 con, một Nguyễn Thanh Liêm cũng của đài Quân đội, kẻ trước người sau chỉ cách nhau một hôm, một Huỳnh Thanh Mỹ, phóng viên nhiếp ảnh của AP, cả ba ngã xuống cùng một cách ngoài trận tuyến không khác gì Gerard Hébert, Terry Khoo hay Sam Kai Faye nhưng tôi chắc là họ không có được sự ngưỡng mộ cân xứng của người hậu phương như các đồng nghiệp ngoại quốc kia, vì sự đánh giá thiếu sót do thiếu sót thông tin. Tôi tự hỏi liệu có gì khác biệt giữa ký giả Dương Phục với Francois Sully của tuần báo Newsweek nếu chẳng may DP (hay Vũ Thanh Thủy) cũng ngồi trên chiếc trực thăng lâm nạn với Tướng Đỗ Cao Trí khi đi thanh sát mặt trận ở Căm Pu Chia trong buổi sáng định mệnh ngày 23/2/1971? Nếu có thì khác biệt ấy ở màu da, ở thâm niên nghề nghiệp hay ở chỗ Việt Nam không có một tuần báo tầm cỡ ngang ngửa với Newsweek, không có cả một sinh hoạt truyền thông năng động đi sâu vào quần chúng và luôn đề cao các chiến sĩ của họ? Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt Biển đã soi chiếu quá khứ, trả lại công đạo cho các ký giả tiền tuyến Việt Nam, những người đã chọn sự thật và hy sinh khi làm nhiệm vụ, trả lại lòng tự hào muộn màng cho các công dân hậu phương như tôi, muốn được quyền ngẩng cao đầu vì dáng đứng lẫm liệt của nhiều thế hệ chiến sĩ can trường làm đẹp Tổ Quốc với chưa một lần ngại ngùng, với không một chút dè xẻn, hiến dâng trọn vẹn đời mình cho điều họ chọn lựa.
Ở trang 318, Dương Phục “bàng hoàng tự hỏi tại sao nhiều đồng nghiệp phóng viên bỏ mình tại trận chiến đến thế mà tôi vẫn bình an vô sự? Đã nhiều lần cái chết đến quá gần…” đến ngay với một người lính đang chuyện trò với anh thì ngã xuống như đùa và làm anh sững sờ, kinh ngạc. Giây phút bất ngờ ấy, anh chưa có câu trả lời nhưng tôi chắc chỉ ít lâu sau, anh đã có câu trả lời khi anh thấy mình sống sót như huyền thoại qua rất nhiều tai ương tưởng chừng bàn tay Tử thần đã chạm vào anh.
Trong Lời Tri Ân, tr.7, hai tác giả trần tình: “Là nhà báo, chúng tôi không viết văn.” Vậy thì độc giả phải tin rằng ngôn ngữ Dương Phục dùng để mô tả những rung động của tình yêu là ngôn ngữ của trái tim mà nhiều nhà văn có văn tài đã không cực tả được như anh: “Tôi hay ngồi tại một quán cà phê cheo leo góc phố cao, nhìn một bên là rừng núi trùng điệp sương mù, một bên là con đường đất đỏ lầm bụi, nghe trong lòng thổn thức một cảm giác rất lạ và cố xua đi hình ảnh đôi mắt thấp thoáng trên đồi Khe Sanh.”(tr.215)  Đối với tôi, không hành văn nhưng hai chữ “thổn thức” của anh rất đơn sơ song cũng rất tuyệt vời, của một người chợt biết mình đang yêu và thấm ngấm tình yêu ấy như từ một mũi tên cực độc và cũng vô vàn êm ái. Tôi có cảm nghĩ này trước khi đọc tiếp tới tr. 225 để nghe anh thú nhận: “Riêng tôi, tôi tìm thấy định mệnh của đời mình qua một đôi mắt lạ lẫm và tia chiếu lấp lánh của một chiếc kẹp tóc.” Từ nàng nhìn thấy chàng lần đầu trên sân bay tại mặt trận Tây Ninh 1970 đến chàng thấp thoáng thấy lại nàng ở Khe Sanh trong chiến dịch Hạ Lào, lòng tự hẹn khi về Saigon sẽ tìm cách đến gần, làm quen nhưng rồi cái hẹn ấy chỉ tới cho họ khi cả hai đối mặt lần đầu ở phi trường Lai Khê, An Lộc, tháng 4/1972.  Ngần ấy thời gian, cuộc tình với giai nhân có đôi mắt đẹp mê hồn vẫn như có như không dù rằng ngay từ ánh mắt lần đầu trao nhau, chưa một lời hẹn ước, lạ thay, chàng đã biết định mệnh của cả hai cột buộc vào nhau như một mầu nhiệm khó giải thích. Từ một cô gái cá tính kiên cường, chọn ra vào những chốn hiểm nghèo, mải mê làm việc để không có thời gian cho một liên hệ hay ràng buộc nào và luôn đề phòng nam giới, thế nhưng chỉ một năm sau, điều gì ở DP đã khiến VTT thú nhận là“có người đã lôi tôi trở lại với con người thật của mình?” Phải chăng tình yêu chân thật hơn cả sự chân thật bình thường, vì không nói mà cho nhau cảm nhận giữa cuộc sống mịt mờ sinh tử, hun nóng từ trái tim vàng ròng của DP đã tháo cũi, xổ lồng trái tim rào rậu kỹ vì sợ bị đánh cắp, bị tổn thương của một VTT đa nghi nên luôn mặc áo giáp để tự vệ? Quà tặng của chàng phóng viên tiền tuyến cho người yêu không chỉ là đóa hoa vàng cắm vụng trong cốc nước ở phòng nàng khi chủ nhân vắng nhà vì nghiệp vụ, nguệch ngoạc mấy chữ : “Nhớ Bạn Quá!” (tr. 326) mà là cả bầu trời bao la nắng gió, cả cuộc sống nhiều màu sắc và hương vị trước nay nàng gắng gượng từ chối vì sợ hãi. Tôi thú vị khi khám phá ra cùng một kỷ niệm có thật, anh chị ghi khắc khác nhau và kể lại theo cách riêng, cũng khác nhau. Với chị, hoa vàng một đóa thôi, như em trong đời anh. Đi kèm một câu thôi, “Nhớ bạn quá!” vì bày tỏ này làm chị rung động và hạnh phúc mãi. Với anh, hoa vàng một bó cho em phỉ lòng ngắm nhìn vì anh biết em rất yêu hoa cúc dại mọc phơi phới trên những cánh đồng hoang vu và anh đã liều mạng bỏ xe tăng xuống hái cho em, nên anh viết mấy chữ để lại: “Hái từ mặt trận Phong Điền.” DP xác nhận: “Tôi không để lại lời nhắn nào cho Thủy ngoài mảnh giấy ghi như trên.” (tr.360)  Sự thật có một thôi nhưng với chị là hạnh phúc được yêu, được nhớ nhung. Với anh, là sự hiểm nguy khi tìm ngắt những nhánh hoa làm quà cho một tình yêu không chỉ luôn kề cận mà đầy chật anh trong vòng quay tử sinh. 
DP thường gọi VTT là “bạn.” Anh giữ cách xưng hô này từ những ngày đầu cho tới nay. Tôi tin rằng tình yêu của anh chị bền bỉ, vững chãi với thời gian, gắn kết họ trong mọi hoàn cảnh, giúp anh chị đứng dậy, sống còn và thành công qua nhiều trắc trở/thử thách gian truân vì căn bản của tình yêu ấy chính là Tình Bạn, cao quý hơn cả Tình Yêu bởi nó rộng lượng, đem cho nhiều hơn mong nhận lại. Những ai từng trải, đều biết rằng người ta có thể sống không có tình yêu nhưng không thể thiếu tình bạn. Chân lý này cũng được chứng minh đầy ắp trong Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt Biển.
Tác phẩm còn cho thấy may mắn của mối tình đầu thành tựu là sự may mắn theo anh chị suốt cuộc đời quá nhiều phong ba, bão tố của anh chị sau này, đúng như khi anh vươn tay gỡ chiếc kẹp tóc của chị bỏ vào túi áo trận bên trái của mình, tự nhủ trong vô thức chiếc kẹp tóc của tình yêu ấy sẽ bảo vệ sinh mạng của anh trong cuộc sống xông pha chiến địa rủi nhiều hơn may (tr. 226).  Có lẽ không một độc giả nào đọc Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt Biển mà không kinh ngạc, nín thở nhiều phen trước sự vượt thoát thật khó hình dung của hai tác giả trong 4 năm, chồng trốn trại rồi tiếp tục phải lẩn tránh gọng kềm siết chặt như chải lược của công an nổi chìm, vợ một nách hai con thơ, ngoài Thuận An, Châu Giao chào đời trong một tình thế bất ưng, lẽ ra không nên có. Sức mạnh tình yêu cho họ nguồn năng lượng tích cực để họ hồn nhiên vượt qua mọi khó khăn nơi chính họ trước khi vượt qua những ám ảnh có thể không còn nhau lát nữa, đêm nay, ngày mai. Thêm vào đó, khi không còn khả năng chọn lựa, người Kitô hữu phó thác vào Thiên Chúa quan phòng hướng dẫn họ. Thật là kinh khủng những chuyến vượt biển trong ngặt nghèo của anh chị chỉ với một niềm tin sắt đá cả gia đình sẽ sống còn vì tình yêu không thể chia cắt của họ. Cả hai cháu bé sinh ra từ tình yêu và được nuôi dưỡng trong tình yêu, chỉ nhờ vào hơi ấm ủ ấp của vòng tay mẹ, phiến lưng là tường thành luôn che chắn của bố mà sống còn qua bao nhiêu giông bão trùng khơi, những ngày đêm trốn chạy màn trời chiếu đất, muỗi mòng, rét mướt và đói khát, như bởi một phép lạ khó tin.
Những năm 1978-79, cũng như mọi gia đình trung lưu khác không có của để giành, không có viện trợ từ thân nhân may mắn kịp di tản ra ngoại quốc, chúng tôi phải ra Chợ Trời buôn bán vặt ngoài giờ đứng lớp để kiếm sống. Một buổi trưa nắng gắt nhìn lóa mặt người, chợ vắng, có hai xơ trẻ ghé lại chỗ tôi ngồi, thận trọng quan sát tôi rồi rụt rè hỏi mua thuốc ngừa thai. Đáp lại ánh mắt ngỡ ngàng của tôi, một xơ giải thích: “Mua giùm cho các đồng tu muốn vượt biển.” Tôi nhận ra các xơ nhờ cái dáng vẻ riêng của họ và chiếc thánh giá nhỏ gài lên ngực áo chỗ trái tim vì hai xơ không mặc áo dòng mà mặc áo dài đen. Lấy thuốc cho các xơ xong, họ đi rồi, tôi ngồi ngẩn ngơ, vừa chua xót vừa khâm phục sự quyền biến dũng cảm của các xơ khi phải lựa chọn tự do để được thờ phượng đấng mà họ tin cậy. Tôi tin chắc các xơ đã dọn mình, đã xưng tội, đã dâng lên Chúa để được thứ tha bất cứ điều gì sẽ xảy ra không ngoài thánh ý Ngài. Nhưng còn phụ nữ đời thường thì thế nào? Có ai nói với họ rằng họ vô tội, cũng chẳng có gì ô nhục, đáng xấu hổ khi tai nạn xảy ra với họ bằng bạo lực, súng đạn và mã tấu mà họ thì tay không. Khi Chúa /Phật quyền năng trên thánh giá, trên tòa sen cũng đành gạt lệ thì những người đàn ông là cha, là chồng, là anh em của họ làm gì được nếu không là cắn răng chia sẻ nỗi đau ở khía cạnh không cách nào bảo vệ được người thân yêu, phải nuốt hết căm phẫn mà nín nhịn để còn cơ hội băng bó thương tích cho nhau khi thảm nạn qua đi, để còn nhau, cho nhau bàn tay nâng dắt, bờ vai tựa, để cùng vịn nhau đứng dậy mà đi cho hết cuộc hành trình còn quá nhiều trách nhiệm phải chu toàn.
Cuộc di tản của người Việt Nam chạy trốn Cọng sản cuối thế kỷ 20 là vô tiền khoáng hậu. Trong tình cảnh ấy, tôi mong rằng quan điểm về trinh tiết hay phẩm giá của người phụ nữ cần uyển chuyển, mọi người cần có một cách nhìn khác, nhân bản hơn, quý trọng sự khổ đau của con người hơn để không làm nặng thêm gánh nặng oan khiên của những nạn nhân hải tặc, không để họ chết hai lần trong định kiến của những xã hội một thời thái bình thịnh trị. Tôi cũng mong rằng quan điểm về tính cách trượng phu của những người đàn ông là nhân chứng bất đắc dĩ của hành vi hải tặc cưỡng hiếp phụ nữ nên bớt triệt để vì chúng ta không sống ở thời Trung cổ và bọn quỷ dữ ở biển Đông không hề là đối thủ xứng đáng để quý ông phải thư hùng sống mái với chúng nhằm bảo toàn cái danh dự khiên cưỡng khi rơi vào tình thế bị chúng xúc phạm. Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, đây không phải là lần đầu người phụ nữ bị bạo hành. Thập niên 40 thế kỷ trước, nông thôn miền Trung Việt Nam toen hoẻn, trống hoác, đã có biết bao cô gái trốn lính Lê Dương trong các ụ rơm bị đốt, các bờ bụi bị lưỡi lê và mũi súng lùng sục, dưới những ao bèo không che kín họ. Nhiều cô không qua được thảm nạn nhưng những kẻ sống sót được thôn làng yêu thương, bảo bọc, không bị miệt thị vì họ là nạn nhân gánh chịu oan khiên của cả đất nước bị ngoại xâm dày xéo.
Xin hãy tán thán quyết định trở lại biển khơi và công tác cứu giúp người vượt biển của anh chị Dương Phục-Vũ Thanh Thủy sau khi họ tới được bến bờ tự do. Chẳng phải sự sống là phẩm vật đáng quý nhất, cao cả nhất, nhiều ý nghĩa đích thực nhất và bảo vệ được sự sống là thành công to lớn nhất của con người hay sao?  Xin hãy ngưỡng mộ người phụ nữ kiên cường hiện sống ở miền Nam nước Pháp, đã giẫm lên, đã hiên ngang đối mặt với tai ương và nuôi lớn khôn đứa con trai bà đặt tên là Theodore để tưởng nhớ ân nhân đã cứu bà từ một hang đá nước ngập nửa người trên đảo Kra. Cậu bé là bản cáo trạng lạ thường trong một thời điểm lạ thường khi nó không kết tội ai mà chỉ xin được là bằng chứng soi rọi lương tâm nhiều phía từng tham dự can qua, từng phủi tay rũ áo, mà kêu gọi hòa bình vì chính trong hòa bình mà mùa màng tươi tốt, hoa trái sum suê, những công trình xây dựng to lớn thành tựu và mọi giá trị tốt đẹp của con người được xiển dương.
Sau hết, từ đáy lòng tôi, một lần nữa xin cảm ơn anh chị DP-VTT về đóng góp giá trị qua hồi ký Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt Biển, là những chắt chiu gìn giữ cho mai sau một quá khứ không thể nào quên, không thể nào bị bôi xóa của đất nước và dân tộc trên giòng lịch sử; là bản tuyên ngôn của Tình Yêu và Tự Do viết bằng ý chí quyết sống, mồ hôi, máu và nước mắt, nhắc nhở những người như tôi hãyăn ở  tử tế với mọi người và chính mình. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét