Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Như Phong Lê Văn Tiến - Trao đổi với Phan Lạc Phúc


Như Phong


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC
ĐƠN XIN PHÉP TĨNH TÂM VÀ NHỊN ĂN 

Trại giam T.84
Số 4 Phan Đăng Lưu
TP Hồ Chí Minh 
Ngày 18 tháng 2 năm 1992 
Kính gửi Ban lãnh đạo  trại giam, 
Tôi ký tên dưới đây, Lê Văn Tiến, sinh 1923, tại Nam Định, địa chỉ thường trú 67 Đinh Công Tráng, F. Tân Định, Q.1, TP HCM, bị bắt ngày 20 tháng 12 năm 1990 về tội Gián điệp và tội Hoạt động Lật đổ Chính quyền Nhân dân, hiện giam tại Phòng số 3, Khu C.2.
Làm đơn này xin Ban Lãnh đạo trại giam cho tôi được TĨNH TÂM một thời gian để cầu nguyện cho Tổ quốc và Dân tộc. Thời gian  Tĩnh tâm là chín (9) tuần, bắt đầu từ ngày hôm nay 18.02.1992 tức là Rằm tháng Giêng Âm lịch Nhâm Thân, và sẽ chấm dứt sáu mươi ba (63) ngày sau đó. Trong thời gian  Tĩnh Tâm này tôi sẽ không dùng  một chút thức ăn gì, đặc hoặc lỏng, mà chỉ uống nước từ vòi nước của trại. Việc Nhịn ăn này nhằm giữ cho thể xác được trong sạch, tâm trí được sáng suốt đặng dốc lòng cầu nguyện. Tôi cũng xin nhắc lại rằng đây không phải lần thứ nhất tôi xin được phép Tĩnh tâm và Nhịn ăn trong thời gian bị giam. Lần trước cũng tại trại giam này, hồi tháng 7.1976 khi tôi bị giam tại phòng Biệt giam số 21 khu B, tôi đã làm đơn và đã được phép cho Tĩnh tâm và Nhịn ăn trong thời gian (07) bảy tuần tức là bốn mươi chín (49) ngày. Tôi tin  rằng trong hồ sơ lưu trữ tại trại và tại Sở Công an Thành phố còn đầy đủ tài liệu về việc này.

Trần Mộng Tú - Ðứa Con


Gió lùa qua cửa sổ, lật nhẹ tấm chăn đang đắp trên người A Sây. Thằng bé đang nằm co trên tấm ván ngủ trưa. Mùa Đông ở Bắc Kinh thật là lạnh. Người mẹ kéo chăn đắp lại cho con. Cái cửa sổ cũ kỹ lúc nào hai cánh cũng như muốn rơi ra, suốt buổi sáng chị đóng đi, đóng lại cả bao nhiêu lần rồi, chị có lấy sợi giây buộc lại, mà nó vẫn cứ tung ra. Chắc lại con bé đó đến phá, chứ còn ai vào đây nữa.
Con bé độ sáu, bảy tuổi, nhà nó chắc cũng không xa lắm, nên nó hay đến nhà chị chơi. Nó muốn đến lúc nào thì đến. Sáng sớm tinh mơ khi chị vừa mở cửa ra quét sân, hay trời chập choạng tối, khi chị ra xem lại cửa ngõ. Lúc nào nó cũng đói, mà nhà chị cũng đâu dư ăn, chị phải chia một phần ăn của A Sây cho nó. Chị hỏi nó nhà ở đâu, thì nó chỉ tay ra ngoài đường, chị chẳng biết hướng nào. Nó nói tên nó là A Múi. Hỏi tên cha mẹ thì nó không biết. Thường con nít ở tuổi này không biết tên cha mẹ, nên chị không hỏi nữa. Nó và A Sây rất hạp với nhau. Thằng bé lên năm không bao giờ thấy ganh tỵ hay ghen ghét khi mẹ chia phần ăn của mình cho con bé. 

Đông Hương - Bóng Tình Năm Xưa


Mai anh về lại giòng sông cũ
đừng đứng chờ em, bóng dáng xưa
có thể em  liêu trai thiên cổ
bên bờ sông tím một đêm mưa
*
Bên bến bên kia màn sương trắng
em vẩn vơ như ngọn khói buồn
lơ lửng thinh không ngàn giọt mặn
chỉ là ảo ảnh của sông tương
*
Nếu có còn yêu thương em chút
hôn gió gửi về trong ánh trăng
sẽ nghe tiếng thở dài hun hút
âm vọng tên Mình đúng ngàn năm
*
Mai anh về, nhớ lên rừng cũ
nhìn lá phong mùa Thu mắt nâu
ánh mắt xưa anh từng hay vẽ
trên khung tuyệt tác khoé em sầu


đht

Ngô Nguyên Dũng - Len Trâu Mùa Nước Lớn


Minh hoạt: Nhật Giang

Chiếc tam bản hai người chèo, một người dẫn lối, lướt phăng phăng trên mặt nước lặng gió. Đêm thượng tuần, trăng sừng trâu nhếch nhác. Sau vài hôm mưa tạnh, mây tan, đêm ráo hoảnh, nhấp nháy tinh tú. Chúc cất tiếng hỏi người ngồi trong khoang:
- Rành đường thiệt không, ông Chín? Sao tui nghi quá. Lũ lụt minh mông, lênh láng như vầy, đường nào mà mò?
Người kia chặc lưỡi:
- Thiệt mà, tin tao đi! Hai đứa cứ việc chèo tới ngã ba Cầu Đúc cho tao!
Người chèo mũi cười khục khặc:
- Tui biết chỗ đó, gần nhà ông Bảy Cứng, có đứa con gái đẹp ác, cô Sự.

Ngự Thuyết - Dài Thế Kỷ (Tiếp theo và hết)

                                               
Trong những đơn vị tác chiến mà tôi được chuyển đến, tôi gặp nhiều chuyện mới lạ. Dần dần giữa tôi và bạn bè trong đơn vị nẩy nở một thứ tình cảm càng ngày càng thắm thiết mà người ta gọi là tình đồng đội. Chúng tôi thương yêu nhau, yêu màu áo và huy hiệu  của đơn vị, yêu đời lính. Và từ đó, yêu tổ quốc hơn.  Vâng, phải chia nhau từng mẩu thuốc lá lẻ khi vừa qua khỏi cơn thập tử nhất sinh, từng giọt nước còn sót lại trong bi- đông khi cổ họng khô cháy, từng vụn lương khô khi bụng đói cồn cào; phải vực nhau dậy, khiêng nhau đi dưới những lằn đạn khi đồng đội gục ngã; phải đắp điếm cho nhau khi có người nằm xuống; phải kề vai bên nhau ghì tay súng bảo vệ từng tấc đất; phải đổ mồ hôi và nước mắt và máu lên những luống cày, những bông lúa, những ngọn cỏ, những sườn đồi, những đầm lầy và rừng núi, những ven sông, những bãi biển, những góc phố, những doanh trại, những công sự phòng ngự ... mới biết thế nào là tình chiến hữu, là niềm tự hào của đơn vị, là lòng yêu nước. 
Trong một trận đánh ác liệt ở An Lộc mùa hè năm 1972, tôi bị thương nặng, may được trực thăng vận kịp thời đưa về điều trị tại bệnh viện Cộng Hòa ở Gò Vấp, ngoại ô của thủ đô.  Tôi nằm ở đó một thời gian ngắn thì em đến.
Em đã chuyển qua học Y Khoa, hiện là sinh viên ngoại trú, xin được đến bệnh viện Cộng Hòa thực tập khi biết tin tức của tôi.  Ngày nào em cũng ghé đến thăm và săn sóc tôi ít nhất một lần.  Tôi nằm dài trân trân nhìn lên đôi mắt to đen nhánh, có khi thoáng buồn và nụ cười tươi có hàm răng xinh xinh như những hạt bắp nếp được sắp nằm kế bên nhau đều đặn. Em thường cắn môi để giấu nụ cười khi tôi thộn mặt nhìn em. Nhưng làm sao em giấu được cặp mắt chứa chan biết bao tình ý của em. Những ngày nằm bệnh viện là thời gian hạnh phúc nhất của đời tôi.  Tôi bình phục dần. 

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Ngô Nhân Dụng - Tự do mậu dịch ai cũng lợi


Trong đại hội đảng Dân Chủ vừa qua, các diễn giả đều lên tiếng chống ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa. Nhưng hầu như không một ai, kể cả bà Hillary Clinton, đả kích những lời ông Trump nói chống tự do mậu dịch.
Những người đã công khai tỏ ý bất đồng với ông Trump thường thuộc đảng Cộng Hòa. Bởi vì trong mấy chục năm gần đây đảng Cộng Hòa vẫn bác bỏ chính sách bảo vệ hàng nội hóa, chống nhập cảng. Số người chủ trương “bảo vệ mậu dịch” trong đảng Cộng Hòa ít hơn trong đảng Dân Chủ. Nhưng ông Trump đã đánh bại các đối thủ trong đảng nhờ được thiểu số này ủng hộ.
Trong mùa tuyển cử sơ bộ, ứng cử viên Donald Trump đã hô hào phải bàn lại thỏa ước tự do mậu dịch NAFTA, đã thùng với Mexico và Canada 20 năm nay; hứa sẽ tăng thuế nhập cảng hàng Trung Quốc lên 45% và sẽ xé bỏ luôn thỏa hiệp TPP, Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương. Ông cũng đe dọa các hiệp ước tự do mậu dịch sắp ký với các nước khác, đặc biệt là KORUS, với Nam Hàn.

Thụy Khuê: Phê bình văn học thế kỷ XX - Chương 9 :Bakhtin và xã hội học văn chương


III - Thẩm mỹ học và lý thuyết tiểu thuyết 
Như chúng ta đã biết, trường phái hình thức Nga mở đầu khuynh hướng nghiên cứu văn học được gọi là khoa học văn chương, chủ yếu dựa trên phương pháp ngữ học, chuyên chú vào văn bản, gạt bỏ những yếu tố khác (như tâm lý, triết lý, tiểu sử...) ra ngoài, đem lại những bước tiến mới cho nền nghiên cứu phê bình trong thế kỷ XX.
Bakhtin, ban đầu khi còn ở trong nhóm Hình thức, đã ủng hộ công lao khai phá của trường phái này, nhưng chẳng bao lâu, nhận thấy những bất cập trong phương pháp phê bình hình thức nên ngay từ 1924, ông đã viết những bài đầu tiên, sau được in trong phần I, cuốn Thẩm mỹ học và lý thuyết tiểu thuyết (Esthétique et théorie du roman)[1], để phản bác phần lớn lập luận của trường phái Hình thức.
Cuốn Thẩm mỹ học và lý thuyết tiểu thuyết tập hợp những bài lý thuyết viết từ 1924 đến 1941, năm 1975, Bakhtin qua đời, mới được xuất bản tại Moskva. Tác phẩm định vị Bakhtin là một trong những lý thuyết gia lớn về tiểu thuyết của nhân loại.

Ðàm Trung Pháp - THƠ LÝ BẠCH TRONG LÒNG NGƯỜI ÂU MỸ

LỜI PHI LỘ: Vì lý do thực tế, những đoạn trích dẫn thi ca Lý Bạch trong bài viết này sẽ được ghi theo lối phát âm Hán Việt quen thuộc của chúng ta, thay vì bằng phương thức “pinyin” để ghi âm quan thoại. Đây cũng là một điều hay, vì lối phát âm Hán Việt vốn gần gũi với lối phát âm chữ Hán đời Đường. Để thêm hứng thú cho độc giả, xen kẽ vào giữa các bài hoặc đoạn thi ca trích dẫn của Lý Bạch và phần chuyển sang tiếng Anh là những bài hoặc đoạn chuyển sang tiếng Việt của các dịch giả lừng danh. Người Âu-Mỹ thường chỉ đọc thơ Trung Quốc qua các bản dịch sang ngôn ngữ của họ.
   

Trong số các thi hào Trung Quốc, có lẽ Lý Bạch (701-762) đời nhà Đường là người được các dịch giả Anh-Mỹ chiếu cố đến nhiều nhất. Lý do chính của sự thiên tư này rất có thể là vì thơ họ Lý không mang nặng bản chất uyên bác với nhiều điển tích lòng thòng phức tạp. Thực vậy, “giản dị” và “dễ cảm thông” là hai đặc trưng nổi bật nhất trong thơ Lý Bạch, theo nhận định của giáo sư James Hargett, hiện dạy văn chương Á châu tại State University of New York. Trong bài “The Poetry of Li Bo” trong cuốn Great Literature of the Eastern World (Ian McGreal hiệu đính, Harper Collins xuất bản năm 1996), Hargett trích bài tuyệt cú “Tĩnh Dạ Tứ”, do Arthur Cooper bên Anh Quốc chuyển ngữ năm 1973, để chứng minh nhận định ấy:

Sàng tiền minh nguyệt quang         
Nghi thị địa thượng sương             
Cử đầu vọng minh nguyệt              
Đê đầu tư cố hương                        

床 前 明 月 光
疑 是 地 上 霜
举 头 望 明 月
低 头 思 故 乡

Ngô Thế Vinh - NGƯỜI CHĂM ISLAM TRÊN XỨ CHÙA THÁP

Hình 1_ Người Chăm Islam trong Mùa Chay Ramadan 
đang cầu nguyện trên ghe trên dòng sông Tonlé Sap 
[photo by Ngô Thế Vinh] 


While hot waters run shallow,
cold waters run deep_ Haji Yasuf
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long & Anh Dohamide 
NHỮNG BÔNG SỨ TRÊN ĐẤT CHÙA THÁP
Đầu thế kỷ 19, ngay sau khi Lê Văn Duyệt Tổng Trấn Gia Định Thành từ trần 1832, tiếp theo sự kiện một số người Chăm theo Lê văn Khôi - con nuôi Lê Văn Duyệt, nổi loạn chống lại triều đình Huế, vua Minh Mạng có ngay quyết định tức tốc chiếm đóng Panduranga-Champa áp dụng chính sách cực kỳ tàn bạo thẳng tay tiêu diệt tất cả những người Chăm không phục tùng triều đình Huế. Ngay sau đó Minh Mạng cho lệnh xóa bỏ Panduranga-Champa trên bản đồ và chia đất đai lại thành hai huyện An Phước và Hòa Đa thuộc tỉnh Bình Thuận. 
Từng bị tan tác trong những cuộc phân tranh đẫm máu giữa Chúa Nguyễn và Nhà Tây Sơn, một lần nữa dân tộc Chăm bỗng trở thành nạn nhân vô cùng bất hạnh “giữa hai đường gươm giáo” trong những cuộc tranh chấp giữa những người Việt. Năm 1832 có thể coi là thời điểm mốc đánh dấu vương quốc Champa hoàn toàn bị tiêu vong  do cuộc Nam Tiến của người Việt.

Ngự Thuyết - Dài Thế Kỷ


Hồi còn cắp sách đến trường, những năm cuối tiểu học và đầu trung học, tôi mê đọc vô cùng.  Mê đọc chứ không phải mê đọc sách - chữ "đọc sách" nghe quá trịnh trọng và lớn lao so với mớ tuổi bé con của tôi.  Thời đó đã có chiến tranh, sách vở thiếu thốn, vồ được cuốn nào là ngốn ngấu cuốn ấy, không phân biệt, không chọn lựa.  Những cuốn sách cũ của ông chú có nhiều cuốn mất khúc đầu thì đọc khúc đuôi, mất khúc đuôi thì đọc khúc đầu, mất cả đầu đuôi thì đọc khúc giữa. Trang mất trang còn cũng không sao, đọc tuốt.  Y như sau này những năm tháng đầu tiên trong tù cải tạo ngày nào cũng bị nhồi nhét lý thuyết với chủ nghĩa lỗi thời, rỗng tuếch, thế là nhặt được một miếng giấy gói muối, gói mắm, hay những mảnh giấy ố vàng rách rưới nhỏ bằng vài ngón tay - xin lỗi - tức là giấy "vệ sinh" sau khi dùng đi cầu đã khô, hễ có vài hàng chữ cũ là phủi phủi rồi banh ra đọc một cách say sưa.  Hàng chữ cũ?  Vâng, tức là từ những tờ báo, những trang sách "Ngụy" bị xé rời làm giấy gói đồ, làm bao bì v.v..., trạm chót là làm giấy “vệ sinh”. Về sau, Cách Mạng biết được điều đó cho nên những thứ giấy ấy cũng không kiếm đâu cho ra.  Thế là những người tù chúng tôi không còn cái hạnh phúc đọc những chữ  “thối" ấy nữa.

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

HC/Người Việt - Hillary Clinton: ‘Cùng nhau chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại hơn bao giờ hết’

Bà Hillary Clinton chào các đại biểu trước khi đọc bài diễn văn nhận chức ứng cử viên của đảng Dân Chủ tranh cử tổng thống Hoa Kỳ 2016. (Hình: Getty Images) 
Bà Hillary Clinton là diễn giả cuối cùng tại Ðại Hội Dân Chủ 2016 vào tối Thứ Năm ở Philadelphia, với bài diễn văn nhận chức ứng cử viên tổng thống và bà cũng là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ tranh cử chức vụ này.
Hai ngày trước, gần như toàn thể các chính trị gia danh tiếng của đảng Dân Chủ phát biểu tại đại hội đều khẳng định mạnh mẽ tin tưởng và ủng hộ bà. Trong số diễn giả có cựu Tổng Thống Bill Clinton, Phó Tổng Thống Joe Biden, cựu Thị Trưởng New York Michael Bloomberg, Thượng Nghị Sĩ Tim Kaine và quan trọng nhất là Tổng Thống Obama.

Phạm Chí Dũng - Nhiều quan chức VN đang lên kế hoạch đi ‘tị nạn’ ở nước ngoài?

Ảnh minh hoạ. 
Đây là một câu hỏi rất xứng đáng được đặt lên bàn cờ chế độ vào lúc điểm giao thời chuyển tiếp chính trị đang dần lộ diện.
Từ Hồ sơ Panama đến đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường
Mặc dù từ lâu đã có nhiều dư luận về hiện tượng các quan chức Việt âm thầm tẩu tán tài sản ra nước ngoài, nhưng chỉ đến năm 2016 lần đầu tiên mới bật ra thông tin theo một cách “chẳng giống ai”: sự rò rỉ bất ngờ và sau đó là tiết lộ của vụ Hồ sơ Panama đã lôi ra ánh sáng việc Việt Nam có tới 189 cá nhân và tổ chức với 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài, chủ yếu là tại các “thiên đường trốn thuế”. Tổng cộng có đến 92 tỉ USD được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài trong những năm qua.

Thục Quyên - Muốn tự vệ hữu hiệu, cần định rõ mối nguy (I)

Chuỗi thảm hoạ cá chết từ Bắc chí Nam
Từ xa nhìn về đất nước khó cầm nước mắt.
Nhưng nếu muốn đóng góp tìm một con đường thoát cho Việt Nam thì càng theo dõi những tin tức, bình luận trên internet, nghe truyền thanh, truyền hình, thì càng thấy rối bời.
Người dân ở nhà đa số vẫn im lặng, hình như vì không ý thức mối nguy, hay đã chấp nhận cúi đầu chờ chết? Con số vài ngàn, vài chục đến vài trăm ngàn người đổ ra đường phố biểu tình bất bạo động tại các nơi trên thế giới chống độc tài, tham nhũng, ô nhiễm môi trường v.v. nơi họ sinh sống, còn hoàn toàn là điều chưa hề xảy ra tại Việt Nam.
Còn số nhỏ những người lưu tâm đến sự sống chết của họ và những thế hệ sau thì tức bực, uất hận, chửi rủa, biểu tình, tìm hiểu, bàn cãi.... Tất cả mọi cách quan tâm đều đúng, nhưng hướng đi và cách làm cần ăn khớp hơn và cần định rõ chủ đích.

Thanh Hà/RFI - Thái Lan : Lo ngại quân đội nắm quyền lâu dài

Thủ tướng Thái, tướng Prayuth Chan O Cha, 
trực tiếp kêu gọi người dân ủng hộ Hiến pháp mới.REUTERS/Jorge Silva

Ngày 07/08/0016 tập đoàn quân sự Thái tổ chức trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp mới. Đối lập Thái Lan coi đây là một bản Hiến pháp « phản dân chủ ». Thông tín viên báo Le Monde tại Bangkok nhắc lại bối cảnh quyền lực trong tay quân đội từ hai năm nay.
Phải làm gì để thoát khỏi khủng bố ? Đó là câu hỏi tất cả các báo Pháp đều tìm cách trả lời sau vụ cha xứ nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray bị sát hại trong lúc đang làm thánh lễ. Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, một phụ nữ ra tranh cử tổng thống, đảng Dân Chủ chính thức chỉ định bà Hillary Clinton đại điện cho đảng này trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Nhưng trước hết xin được được điểm qua bài báo trên Le Monde với chủ đề : Tại sao đối lập Thái Lan lo ngại về bản Hiến pháp mới sắp được đem ra tham khảo ý kiến người dân.

Hoài Hương/VOA - Âm nhạc và Chính trị - Phần 1: Đại Hội Đảng Cộng Hòa

Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump 
trong một buổi mít tinh tại Ohio, ngày 27 tháng 7 năm 2016.

Âm nhạc là một yếu tố không thể thiếu trong các cuộc tụ họp, ngay cả các cuộc tập hợp chính trị. Mới đây trong Đại Hội Toàn quốc Đảng Dân Chủ của Hoa Kỳ, ca sĩ Paul Simon, nổi danh trong tư cách là một thành viên của đôi song ca Simon & Garfunkel vang bóng một thời, đã lên sân khấu trình bày nhạc phẩm “Bridge Over Troubled Waters”, một trong những top hit và cũng là tác phẩm cuối cùng trước khi cặp song ca Simon & Garfunkel chia tay.
Về phía Đảng Cộng Hòa, âm nhạc cũng được sử dụng rộng rãi trong chiến dịch vận động chính trị, kể cả nhạc khúc Nessun Dorma- một tác phẩm của nhạc sĩ Giacomo Puccini do danh ca Luciano Pavarotti trình bày.

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Thiên Điểu - Formosa và âm mưu chính trị: Chính thể Việt Nam đã chui đầu vào thòng lọng

“Formosa là sự cố”. Tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ hai lần liên tiếp
Vấn đề thảm họa môi trường do Formosa đã bắt đầu nóng lên nơi nghị trường chính trị Việt Nam. Nhiều câu hỏi chất vấn được đặt ra, nhiều câu trả lời cũng đã được các cá nhân và cơ quan liên quan được công bố. Tuy nhiên, chưa có câu hỏi nào hay lý giải nào cho câu hỏi: Vụ xả thải gây nhiễm độc vùng biển Việt Nam của Formosa là vô ý hay cố ý?
Ngay sau khi sự cố xảy ra chỉ khoảng một tuần và khi có lời kêu gọi các nhà khoa học, các nhóm hoạt động đậc lập tự tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên mạng. Cũng chỉ thêm mấy ngày sau đó đã có thông tin kết luận trong nước biển miền lấy tại khu vực cá chết lẫn mẫu sinh thiết từ xác cá và rong rêu, bùn cát, san hô... đều có tỷ lệ Phenol và Xianua rất cao. Thêm khoảng bốn, năm ngày nữa thì có thông tin tiếp tục cho biết ngoài Phenol và Xianua còn có tới ba, bốn loại hóa chất cực độc được phát hiện, nó hoàn toàn trùng hợp với thông tin báo chí phát hiện ra hóa đơn nhập khẩu gần 300 tấn hóa chất với hơn 40 loại và có tới gần một nửa các loại trong đó là chất cực độc. Những loại độc tố này đều có nguồn gốc là chất độc vô cơ nên dẫn đến kết luận hoàn toàn do tác nhân từ hoạt động con người mà ra. Tất nhiên, con số 296 tấn hóa chất Formosa nhập về chỉ là trên một vận đơn, còn bao nhiêu tấn trong những vận đơn khác hoặc nhập lậu thì không ai biết. Kèm theo những kết quả phân tích, người ta không khó và có nhiều cơ sở để khẳng định Formosa chính là thủ phạm chứ không cần chờ tới gần ba tháng sau như Chính phủ Việt Nam công bố.

Vũ Đông Hà - Cuộc xâm lược và tàn phá Việt Nam không cần vượt biên giới của Trung cộng

Từ những cuộc bắt giết ngư dân, từ những lần tập trận thử nghiệm chiến tranh tâm lý mang tên Cáp quang AGG, Bình Minh 02, HD-981... sang đến FHS, Bắc Kinh đã có câu trả lời…
Cuộc xâm lược khởi đi vào năm 1990 và âm thầm tiến hành kể từ sau Mật nghị Thành Đô. Những căn cứ chiến lược đã được từng bước cài đặt, xây dựng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Những nòng súng đại bác được thế chỗ bởi những ống thải, những hầm chứa bùn; những mìn, bom, đạn được thay thế bởi những hóa chất độc hại. Nó là một cuộc xâm lược mà kết quả không là những chiến trường khói lửa, những làng mạc bị đốt phá, những xác người sình thối trên núi rừng Việt Bắc. Kết quả của cuộc chiến là một đất nước Việt Nam, từ núi rừng đến nông thôn, thành thị vẫn nguyên vẹn nhưng nguồn sống bị tiêu diệt. Một vùng biển chết. Những sông hồ chết. Một núi rừng cao nguyên chết. Một đồng bằng Cửu Long chết. Và hơn 90 triệu người Việt Nam bệnh hoạn, dật dờ.
Tháng 4 năm 2016 là một cuộc tập trận thử nghiệm. Chỉ trong vòng vài ngày, thông qua một nhà máy luyện thép chưa thật sự đi vào hoạt động, cuộc thử nghiệm đã tạo ra một khủng hoảng môi trường lớn nhất trong lịch sử của quốc gia nằm trong kế hoạch xâm lược của Bắc Kinh. Hàng triệu cá tôm bị tàn sát, biển Đông dọc theo xương sống miền Trung rơi vào tình trạng bị phá hủy ở mức độ nhiều năm không thể phục hồi. Trong đất liền, thông qua những hạ tầng cơ sở đã được âm thầm xây dựng, kết quả của cuộc tập trận là trải dài từ miền Trung xuống miền Nam lên miền Bắc - cá chết phơi bụng trắng hếu tràn ngập nhiều sông hồ.

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến - Lễ Hội & Quốc Hội


Tôi đã phải sống với "con điếm" ấy cả đời người. Lê Phú Khải
Tôi thì may mắn không dính dáng gì đến đám ma cô và  đĩ điếm nhưng lại phải sống tha phương cầu thực cũng gần cả đời người. Lê la và lê lết rất nhiều nơi nhưng  không thấy đâu lại có lắm thứ lễ lạt như ở quê mình:
  • Lễ Đón Nhận Danh Hiệu Anh Hùng
  • Lễ Đón Nhận Danh Hiệu Đoạt Chuẩn Quốc Gia
  • Lễ Trao Tặng Vinh Dự Nhà Nước
  • Lễ Trao Tặng Dụng Cụ Cho Học Sinh Nghèo
  • Lễ Trao Tặng Huy Hiệu Đảng
  • Lễ Đón Nhận Bằng Khen
  • Lễ Tôn Vinh Doanh Nghiệp Xuất Sắc & Doanh Nhân Tiêu Biểu
  • Lễ Tôn Vinh Thương Hiệu Phát Triển Bền Vững
  • Lễ Tiếp Nhận Cán Bộ Chuyên Trách Về Công Tác
  • Lễ Tiếp Nhận Thiết Bị Phòng Thí Nghiệm
  • Lễ Vinh Danh Các Doanh Nghiệp Du Lịch Hàng Đầu
  • Lễ Vinh Danh Báo Cáo Thường Niên Tốt

Phạm Đình Trọng - Thách thức 90 triệu dân Việt Nam

Trong vụ việc rước đại họa Formosa về giết chết biển cả, tàn phá đất nước, đầu độc giống nòi Việt Nam có trách nhiệm của người đứng đầu Đảng Cộng sản và người đứng đầu Chính phủ Cộng sản Việt Nam thời 2008. Nhưng người chịu trách nhiệm trực tiếp chính là Chủ tịch tỉnh rồi Bí thư Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, Võ Kim Cự.
Vồ vập săn đón và mở con đường thênh thang rước Formosa về Hà Tĩnh. Trực tiếp kí kết và giành cho Formosa những ưu đãi vượt quyền, biến thế đất hiểm Vũng Áng Hà Tĩnh thành đất sang nhượng, sang tên, nhượng quyền làm chủ 70 năm, tạo thuận lợi lớn nhất cho Formosa tác yêu tác quái gây họa lớn nhất cho giống nòi Việt Nam. Đó là chủ tịch tỉnh rồi bí thư đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, Võ Kim Cự.
Biển chết. Thợ lặn lăn ra chết khi vừa ngoi lên khỏi mặt biển. Trên dải biển miền Trung, ngành kinh tế du lịch chết, ngành kinh tế biển chết. Hàng triệu người dân miền Trung sống nhờ biển nay không còn nguồn sống. Sống ngắc ngoải trong bất an, dân biển miền Trung phải bỏ biển, rời quê phiêu tán, vất vưởng bốn phương. Vắng bóng dân chài Việt Nam, những người chủ biển đích thực, biển Đông thành biển hoang, bỏ mặc cho Tàu Cộng làm chủ. Di họa biển chết vì Formosa còn kéo dài cả trăm năm và Võ Kim Cự chính là tội phạm trực tiếp mang cái chết về cho biển Việt Nam, cho con người Việt Nam, cho đất nước Việt Nam.

Nam Nguyên/RFA - Hé lộ khả năng chế tài Formosa?

Formosa và khoản tiền 500 triệu USD tiền bồi thường sau thảm họa cá chết. 
Chính phủ Việt Nam trong báo cáo gởi Quốc hội chỉ nói tới thiệt hại trong vụ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung, mà không đề cập tới trách nhiệm của bất kỳ cơ quan hay cá nhân nào ở Trung ương cũng như địa phương. Sự kiện này hé lộ một khả năng mới về việc chế tài Formosa Vũng Áng theo một hình thức nào đó, ngoài tiền đền bù 500 triệu USD.
Formosa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Thông tin Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề xem xét cẩn trọng sự tồn tại của Formosa Hà Tĩnh, cũng như ý kiến thành lập Ủy ban Lâm thời của Quốc hội điều tra công ty này, dẫn tới dự đoán Formosa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng, nhà phân tích thời sự độc lập từ Saigon cho biết, có nhiều thông tin là nhà nước tính tới chuyện phải có hành động nào đó để chế tài một số nhân vật của Formosa, thậm chí nghĩ tới phương án đóng cửa Formosa. Tuy vậy, TS Phạm Chí Dũng nhận định:
 “Tôi không tin tưởng lắm, cũng như không nghĩ rằng việc tổ chức điều tra Formosa của nhà nước Việt Nam lại có thể dẫn tới kết quả hoàn toàn. Tại vì một trong những nhân vật tai tiếng nhất hiện nay là ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Hà Tĩnh, ông Cự hiện nay đang chịu một số dư luận cho là ‘cõng rắn cắn gà nhà’. Ông Võ Kim Cự lại là người có mối quan hệ sâu rộng với một số lãnh đạo cấp cao trên nhà nước. Thành thử nếu không giải quyết chuyện Võ Kim Cự thì không thể nói chuyện điều tra Formosa, điều tra Formosa sẽ dẫn tới trách nhiệm của những người liên quan như ông Võ Kim Cự.”

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Ngô Nhân Dụng - Nguyễn Thị Kim Ngân chửi dân Việt


Trên trần gian hiếm có phụ nữ nào gật đầu giỏi như bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Trong ba tháng hai lần gật đầu nhận chức chủ tịch của hai quốc hội gật, bà đã tạo kỷ lục thế giới về … gật.
Quốc hội các nước thường có trách nhiệm thi hành hiến pháp. Trong lần gật đầu thứ nhất, bà Kim Ngân được đảng Cộng sản đặt lên ghế chủ tịch trong khi, theo đúng hiến pháp, ông chủ tịch cũ chưa mãn nhiệm kỳ. Đối với các đảng viên cộng sản, hiến pháp là chuyện nhỏ không cần quan tâm. Bà Kim Ngân chỉ làm như theo ông Nguyễn Tấn Dũng, người từng nói vì đảng cộng sản giao việc cho làm thủ tướng thì ông nhận chứ chính ông không hề có ý kiến.
Làm chủ tịch một quốc hội gật không khó lắm. Chỉ cần nghe trên bảo sao thì làm theo. Cho nên bà Kim Ngân mới làm công việc bảo vệ đảng, lên tiếng đả kích những người dân Việt Nam đi biểu tình hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc tế bác bỏ Đường Chín Đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Philippines kiện Cộng sản Trung Quốc và đại thắng. Tòa Trọng Tài tuyên bố Đường Chín Đoạn vô giá trị. Phán quyết này là một cơ hội cho các nước đang bị Trung Cộng xâm lăng, lấn áp, cướp chiếm bãi đá, đảo và biển. Cả thế giới đều nghĩ đây là một cơ hội cho Việt Nam. Nếu Đường Chữ U vô giá trị thì nước ta có quyền đòi lại chủ quyền biển, đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa đã bị Trung Cộng chiếm. Dân chúng Philippines đổ ra đường reo hò mừng thắng lợi. Dân Việt Nam ở Philippines cũng kéo nhau đến tòa đại sứ Trung Cộng ở Manila đòi trả lại đất nước của tổ tiên. Tất nhiên người Việt trong nước Việt phải mừng rỡ reo hò lớn hơn. Bao nhiêu người đã xuống đường phản đối Đường Chín Đoạn, chia mừng với dân Philippines.

Kami - Quy trình hại dân

Gần đây, khi lý giải về những vụ việc nghiêm trọng gây thiệt hại về tài sản của nhà nước, hay của công dân thậm chí là cả tính mạng của không ít người thì các cán bộ có trách nhiệm đều lên tiếng khẳng định rằng họ đã thực hiện đúng quy trình.
Hẳn chúng ta ai cũng còn nhớ vụ việc vào năm 2013, khi lực lượng chức năng của Đài Loan đã phát hiện, thu giữ 600 bánh heroin có trọng lượng tới 229 kg, trị giá khoảng 300 triệu USD, được cất giấu trong 12 loa thùng trên chuyến bay cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đi tới sân bay Đào Viên (Đài Loan). Vụ việc một lượng ma túy hơn 200 kg dễ dàng vượt qua tất cả các hệ thống kiểm tra tối tân bằng người, bằng máy móc tinh vi và cả chó nghiệp vụ của cơ quan An ninh và Hải quan Việt nam là một vụ việc cực kỳ nghiêm trọng. Vậy mà ông Trần Mã Thông, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM đã khẳng định “xanh rờn” rằng Cục Hải quan TPHCM đã làm đúng quy trình, không có sai phạm.

Bùi Tín - Tình hình Biển Đông ‘căng’ nhưng chưa ‘nổ’ – Ta nên làm gì?

Cảnh sát cố gắng ngăn cản người biểu tình chống Trung Quốc 
trong một cuộc biểu tình trước đại sứ quán Philippines ở Hà Nội, ngày 17/7/2016.

Tình hình biển Đông vẫn tiếp tục căng thẳng sau khi có phán quyết của Tòa án Thường trực Liên Hiệp Quốc (PAC) ngày 12/7. Nhưng liệu có sẽ nổ ra chiến tranh hay không?
Có thể thấy trước hết là Trung Quốc tức giận điên cuồng, vì họ bị đòn đau chưa từng thấy. Họ rất chăm lo đến uy danh lại quen sĩ diện, cao ngạo là ta đây nước lớn đang vươn lên ngôi vị bá chủ thế giới. Cho nên họ chính thức phủ nhận quyền của PAC, coi là vô giá trị, không chấp hành, còn hung hăng đe dọa sẽ có phản ứng mạnh khi bị khiêu khích. Họ còn dậm dọa dựng lên vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) để độc chiếm bầu trời trên toàn khu vực, tổ chức diễn tập bắn đạn thật, gọi thêm quân nhập ngũ, tăng đội dân quân ven biển. Mặt khác Bắc Kinh trông đợi ở tổng thống mới của Philippines Rodrigo Duterte tỏ ý muốn hòa giải với Trung Quốc để cùng nhau khai thác dầu, tranh thủ thái độ thực dụng của Lào và Campuchia bằng cách tăng viện trợ. Nhưng cả hai thủ đoạn này đều không hiệu quả do Chính phủ Philippines vẫn giữ nguyên giá trị của phán quyết PAC, không chút nhân nhượng trước thái độ quyết liệt chống bành trướng của nhân dân Philippines. Hơn nữa, Lào và Campuchia không có mấy ảnh hưởng trong khu vực khu vực và trên thế giới.

HC (Người Việt) - Hillary Clinton chính thức là nữ ứng cử viên tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ

Bà Hillary Clinton chính thức được tấn phong 
là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ. 
(Hình: Getty Images)

PHILADELPHIA – Tại đại hội đảng Dân Chủ, cuộc bầu cử kết thúc vào lúc 7 giờ tối hôm Thứ Ba, 26 Tháng Bảy, bà Hillary Clinton đã trở thành phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ chính thức làm ứng cử viên tổng thống của một trong hai chính đảng.
Bà Barbara Mikulski, Thượng Nghị Sĩ Maryland tuyên bố: “Tôi hân hạnh giới thiệu vị tổng thống tương lai của nước Mỹ.”
Phản ứng của 50,000 người ở hội trường là minh chứng chưa có sự đoàn kết mau chóng trong đảng Dân Chủ. Ðại đa số nhiệt liệt và phấn khởi hoan nghênh việc bà Hillary Clinton đã vượt qua thủ tục tối hậu, nhưng nhiều đại biểu và một số ủng hộ viên kiên trì với ông Bernie Sanders rời khỏi phòng họp ra về. Bên ngoài, con số người biểu tình ủng hộ Sanders giảm xuống rất nhiều so với trước. Những người này ngậm ngùi chấp nhận thực tế của sinh hoạt dân chủ nhưng tự hào về những gì phe Sanders đã tạo nên.

Song Chi - Dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại...

Một nhóm 162 người Việt tị nạn từ một chiếc thuyền nhỏ bị chìm gần bờ biển Malaysia. Các chuyến bay của người tị nạn Việt bắt đầu sau khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975.
Chỉ trong một ngày, chat với người quen, bạn bè qua facebook, viber… cả 3 câu chuyện đều cùng một chủ đề: ra đi khỏi Việt Nam (VN).
Ra đi vì môi trường sống
Một người quen qua facebook báo tin sắp đến Na Uy, quốc gia nơi tôi đang sinh sống, định cư theo diện hôn nhân. Một người quen trong nghề, thuộc thế hệ đàn em trong giới truyền hình, hỏi ý kiến tôi về việc có nên bỏ tất cả công việc, sự nghiệp ra đi bây giờ theo diện đầu tư kinh doanh ở nước ngoài hay vài năm nữa liệu có còn kịp. Và một chị bạn thân đang tính liều đến mức trước hết là đi Mỹ theo diện du lịch, rồi sang đó tìm đường tính tiếp.
Cả ba đều không phải là những người nghèo hay đang có cuộc sống khó khăn, thất bại ở VN, trái lại, họ có tiền, có công việc, cuộc sống vật chất phải nói là khá thoải mái.

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Nguyễn Hưng Quốc - Văn hóa thù hận

Người dân thắp nến cầu nguyện cho các sĩ quan cảnh sát bị bắn chết
tại Baton Rouge, ngày 18/7/2016.

Cuộc biểu tình ôn hoà của khoảng 1000 người dân Mỹ nhằm phản đối việc cảnh sát bắn chết hai người da đen (một ở Minnesota và một ở Louisiana) tại thành phố Dallas thuộc tiểu bang Texas tuần qua đã kết thúc một cách đẫm máu với cái chết của năm cảnh sát viên, những người đang giữ trật tự cho cuộc biểu tình. Thủ phạm là Micah Johnson, một thanh niên da đen 25 tuổi, từng đi lính tại Afghanistan. Johnson tuyên bố muốn giết những người da trắng, đặc biệt các cảnh sát viên da trắng để trả thù cho những người da đen bị cảnh sát bắn chết.

Đó không phải là lần đầu tiên cảnh sát Mỹ bị bắn với lý do thù ghét chủng tộc. Chỉ mới đây thôi, tháng 12 năm 2014, có hai cảnh sát viên tại New York bị bắn chết bởi một thanh niên da đen cũng với lý do thù hận chủng tộc tương tự. Tuy nhiên, trong lịch sử, chưa bao giờ có số cảnh sát viên bị bắn chết một lúc nhiều như lần này.

Nguyễn Anh Tuấn - Chỉ xử lý Võ Kim Cự có ngăn được những Formosa trong tương lai?


viết từ miền Trung


Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (phải), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái), ông Võ Kim Cự (thứ hai từ trái) gặp nhau trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 20/5/2014.
Vậy là sau hơn 3 tháng kể từ khi thảm họa cá chết xảy ra, Võ Kim Cự, cựu Chủ tịch và Bí thư Hà Tĩnh, người trực tiếp cấp giấy phép cho Formosa - thủ phạm gây ra thảm họa, đã lần đầu tiên trả lời báo giới.
Quả là không uổng phí cho nhiều tháng im tiếng, ông đã có câu trả lời không thể khôn khéo hơn cho những chất vấn về trách nhiệm cá nhân, bằng cách quy cho 'quy trình', 'cơ chế' và sự đồng thuận của cả một tập thể lãnh đạo các cơ quan cao nhất của Trung ương:
"Không phải đơn giản mà Hà Tĩnh cấp phép cho Formosa. Đầu tiên là báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương. Sau đó nhà đầu tư lập dự án với nhiều bước. Trước khi thẩm định đã có ý kiến của 12 bộ chuyên ngành, kể cả các cơ quan trong khối nội chính, quốc phòng, an ninh... đồng ý với các nội dung. Sau đó là thẩm định rồi báo cáo Chính phủ. Cuối cùng, Chính phủ đồng ý để cho Hà Tĩnh được cấp phép."[1]

Phạm Chí Dũng - Phản kháng ‘cá chết Formosa’ bước vào giai đoạn 2!


Rất có thể “đã có đảng và nhà nước lo” đã sai lầm chua chát trong những mưu tính về công bố nguyên nhân cá chết miền Trung cùng $500 triệu mà người dân phải trương băng rôn “không đủ mua quan tài.”
“$500 triệu không đủ mua quan tài!”
Trong lúc giới quan chức cùng một số tờ báo nhà nước hể hả ngợi ca lẫn nhau về “thái độ dũng cảm” của chính phủ, hàng loạt cuộc biểu tình tiếp nối của ngư dân và giáo dân miền Trung vào tháng 7, 2016 đã chính thức xác nhận điều mà đảng âm thầm lo sợ: Cuộc phản kháng “cá chết Formosa” đã chính thức bước vào một giai đoạn mới.
Chỉ ít ngày sau khi nguyên nhân cá chết được chính phủ công bố, vào sáng ngày 7 tháng 7, 2016, hơn 3 ngàn người dân thuộc Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã bất ngờ xuống đường biểu tình chống Formosa, đồng thời đòi hỏi bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường Trần Hồng Hà phải từ chức. Họ vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu bảo vệ môi trường và chống lại hành vi bao che cho Formosa đầu độc biển.

Kiều Phong - Bộ Y tế ngầm chỉ đạo toàn ngành không xét nghiệm máu cho ngư dân ở vùng ô nhiễm Formosa?

Lời thề Hippocrates “phiên bản Việt Nam”

Khi Formosa chấp nhận bồi thường cho thảm họa môi trường do tập đoàn thép này gây ra 500 triệu đô la về tài khoản của Chính phủ Hà Nội, ngư dân đã không còn thiết tha gì số tiền đó nhỏ hay to nữa. Ước mơ của họ là được đi xét nghiệm chì. Đến đây vô vàn câu hỏi hoài nghi được dư luận đặt ra với Bộ Y tế và y đức người thầy thuốc Việt Nam.

Tất cả bệnh nhân đến từ Hà Tĩnh, trung tâm của thảm họa môi trường đều bị mọi bệnh viện từ chối khám kiểm tra sức khỏe. Đến đây những người có lương tri không khỏi nghi ngờ rằng lời thề Hippocrates có được gìn giữ hay không. Hầu hết sinh viên y khoa trên thế giới đều coi lời thề trước lúc tốt nghiệp mà Hippocrates đã khởi xướng là nguyên tắc bất di bất dịch.

Khánh An/VOA - Liệu tân QH VN có khả năng đi tới cùng vụ Formosa?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại một cuộc họp báo ở Hà Nội,
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định “sẽ giám sát chặt chẽ vụ Formosa” trong kỳ họp đầu tiên của tân Quốc hội khóa 14 của Việt Nam, trong khi người đứng đầu chịu trách nhiệm cấp phép đầu tư cho dự án Formosa lại vừa được phê chuẩn vào Ban Kinh tế Quốc hội.
Việc chính thức phê chuẩn người đang bị dư luận và báo chí tập trung chú ý trong những ngày qua sau khi chính quyền Việt Nam thừa nhận Formosa là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường lớn nhất từ trước tới nay đã gây nhiều băn khoăn trong công chúng, kể cả giới chuyên gia và các nhà hoạt động.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Trung ương, nói với VOA rằng dự án Formosa mà ông Võ Kim Cự đã cấp phép có “quá nhiều vấn đề” nhưng ông này lại “có chủ ý” tránh né báo chí và phủ nhận trách nhiệm.

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Nguyễn Thượng Long - “Hãy nói lời ai điếu …”

Nguyễn Thượng Long:
Nguyên giáo viên Địa Lý Hòa Bình – Hà Tây
Nguyên Thanh Tra giáo dục Hà Tây
Nếu ai đó hỏi: “Sáu tháng đầu năm của 2016 đã trôi qua… đâu là những sự kiện chính trị xã hội đáng chú ý nhất?”. Dù vẫn đang là một bệnh nhân, vừa phải trải qua 2 lần nhập viện… chẳng khó khăn gì, tôi xin chọn 3 sự kiện sau đây:
Sự kiện cá biển miền Trung bất ngờ đồng loạt chết. Sau 3 tháng im lặng một cách khó hiểu, đến cuộc họp báo chiều 30 - 6 - 2016 tại văn phòng chính phủ, qua lời bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn, BLĐ Việt Nam bất ngờ đổ hết tội lên đầu công ty Formosa, một công ty của Đài Loan. Người ta muốn coi đó là nguyên nhân duy nhất gây nên thảm họa này, còn phía Việt Nam từ cấp trung ương xuống cấp địa phương, những người thu lợi, nhận lại quả khi có công mời họ vào, tạo điều kiện thuận lợi cho họ đứng chân ở Vũng Áng Hà Tĩnh tới 70 năm… xem như là vô can.

Nhóm phóng viên tường trình từ VN/RFA - Khi ngư dân chuyển nghề

Thuyền của ngư dân Đồng Hới
Biển chết, nhiều ngư dân đánh bắt gần bờ chuyển nghề. Đi một đêm trên đất Đồng Hới, Quảng Bình, có thể bắt gặp rất nhiều người đi hát rong để bán kẹo kéo, những người mẹ bồng con đi ăn xin, những em bé bán kẹo cao su, vé số, những ông chạy xe ôm, những người nhanh chân hơn một chút thì trốn sang Trung Quốc làm thuê… Mỗi người mỗi việc, và công việc nào cũng nghe nằng nặng nỗi buồn và có chút gì đó trống trải, quạnh quẽ, buồn khó tả.

Lê Phan - Một Hoa Kỳ chia rẽ

Đại hội đảng Cộng Hòa chính thức đề cử ông Trump làm ứng cử viên 

tranh chức tổng thống Hoa Kỳ 2016. (Hình: Getty Images)

Từ khẩu hiệu “Morning in America” của cố Tổng Thống Ronald Reagan đến “Yes, We Can” của Tổng Thống Barack Obama, các cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ đã từ lâu thường là một cuộc tranh cử trong lạc quan và ứng cử viên với thông điệp lạc quan nhất thường thắng.
Năm 2016 là năm mọi sự đảo ngược. Sự bi quan đã bao trùm liên hệ sắc tộc, mà sau vụ bắn cảnh sát da trắng bởi một tay xạ thủ ở Dallas, và các cuộc phản đối Black Lives Matter chống lại bạo động của cảnh sát theo sau các cuộc bắt bớ ở nhiều thành phố, có vẻ đang ngày càng tệ hại. Nó cũng đang bao phủ nền kinh tế. Các chính trị gia từ tả lẫn hữu đều lý luận là chế độ tư bản Hoa Kỳ đã không làm gì được cho những người bình thường vì nó đã bị một giai cấp thống tri lợi dụng. Và tâm trạng tức giận và bực bội đang bao trùm chính trị.

Nguyễn Thị Từ Huy - Cái khóa của Bộ Ngoại giao (phỏng vấn Đặng Xương Hùng (phần 2 &3)



Đặng Xương Hùng 

Nguyễn Thị Từ Huy: 
Các chính sách đối ngoại đã được xây dựng như thế nào ở Bộ Ngoại giao, thưa ông?
Đặng Xương Hùng: Cũng như các cơ quan nhà nước khác, Bộ Ngoại giao cũng chỉ đơn thuần là cơ quan làm minh họa cho một chính sách đối ngoại đã có sẵn mà các kỳ đại hội đảng vạch ra. Các hoạt động đối ngoại hầu như chỉ có tính chất tô vẽ minh họa hoặc phân bua, ngụy biện bào chữa, đối phó. Những người phát ngôn Bộ Ngoại giao như Nguyễn Phương Nga, Lê Dũng, Lê Hải Bình, họ đều là những người khá giỏi. Nếu để họ được nói theo cách của họ, chắc rằng họ sẽ không bị mang tiếng là những "quan ngại". Như vậy, công việc phân tích độc lập để đề ra những thay đổi chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình không phải là nhiệm vụ chính của Bộ Ngoại giao. 

Vũ Quang Việt - Thị trường thép và Formosa


Khủng hoảng kinh tế thế giới từ mùa thu năm 2008 tạo ra khủng hoảng thừa thép và làm giảm giá chưa từng thấy. Ảnh :daidoanket.vn

Việc tiêu thụ sản lượng thép của Formosa trong bước 1 của giai đoạn đầu tư đầu tiên (7,5 triệu tấn/năm) trên thị trường hiện nay không phải là vấn đề họ phải đối phó. Vấn đề là họ sẽ cạnh tranh về giá như thế nào.

Cuối năm 2007, Formosa gửi thư quan tâm đầu tư. Một tháng sau thì được cấp phép khảo sát. 12 ngày sau đó, Formosa xây dựng xong báo cáo đầu tư và được phép trình Thủ tướng. Đầu tháng 3-2008, Formosa đã có giấy phép đầu tư. Đó là lúc kinh tế thế giới chưa đi vào suy thoái, nhưng sau này dù có suy thoái, tiến độ xây dựng của Formosa cũng không bị ảnh hưởng.

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

Ngô Thế Vinh - Pak Beng Con Domino Thứ Ba Trong Chuỗi Đập Dòng Chính Mekong Của Lào

Hình 1_ Khúc sông Mekong, nơi sẽ xây cất đập thuỷ điện Pak Beng
[nguồn: photo by International Rivers]


Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
và Uỷ Ban Quốc gia Mekong Việt Nam


Viraphonp Viravong, Thứ Trưởng Bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ Lào, khuôn mặt “trí tuệ” đứng sau mọi dự án phát triển thủy điện của quốc gia Lào. Ngày 15-10-2012 khi tới Viện Kỹ Thuật Á châu / AIT, Bangkok để duyệt xét mô hình dự án thủy điện Xayaburi, Viravong khẳng định: “Phát triển tiềm năng thủy điện của Lào là chuyện đương nhiên. Chỉ có vấn đề làm sao để thực hiện bền vững.”(5)

LẠI TIN CHẤN ĐỘNG
Theo Lao News Agency 14/07//2016, đập thuỷ điện Pak Beng dự trù được khởi công vào năm 2017.

Theo Viraphon Viravong, Thứ trưởng Bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ Lào thì Pak Beng là một trong năm dự án thuỷ điện dòng chính trong vùng Bắc Lào, thuộc huyện Pak Beng, tỉnh Oudomsay.

Theo Daovong Phonekeo, Tổng Giám đốc Bộ Năng lượng và Kế hoạch Lào, Pak Beng là con đập dòng chảy / run-of-river, cách trung tâm huyện Pak Beng 14 km hướng thượng nguồn, với công xuất khoảng 912 MW, sản xuất điện trung bình/ năm là 4,775 GWh.

Trong cuộc họp báo từ đài truyền hình Paxason thủ đô Vạn Tượng, với giới truyền thông,với báo Vientiane Times, Thông tấn xã Lào và các cơ quan liên hệ, Daovong đã phát biểu: "Mục đích của dự án này là dùng nguồn thuỷ điện để sản xuất điện cho nhu cầu trong nước và xuất cảng."

Ts Phạm Trọng Chánh - Đọc lê khắc thanh hoài Chuyện một người đàn bà... Năm con. Kể chuyện tình nhà thơ triết gia phạm công thiện (1941-2011)


Nhà thơ triết gia Phạm Công Thiện  qua đời năm 2011 tại Houston, nhưng chuyện kể, các bài viết về anh đã nhiều lầm lạc : Người thì viết : anh bỏ áo tu hành lấy cô vợ người Pháp, theo Thiên Chúa Giáo ; kẻ khác  viết :  anh không hề có một mảnh bằng kể cả bằng tú tài mà dạy Triết Học  Viện Đại học Sorbonne, mười lăm tuổi anh đọc và viết hàng chục ngôn ngữ, mười lăm tuổi anh dạy  trung học, hai mươi tuổi anh là khoa trưởng khoa Khoa Học Nhân Văn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn, anh là triết gia không cần học một ai ? Dạy Triết học tại một Đại Học Pháp mà không cần một văn bằng nào ?
Đâu là sự thật, đâu là huyền thoại ?
Được chị Lê Khắc Thanh Hoài tặng cho quyển tiểu thuyết đầu tiên của chị : Chuyện một  người đàn bà năm con,  tôi đọc say mê, với lối văn giản dị trong sáng tôi đọc một mạch, tôi không ngờ chị viết hay và hấp dẫn như thế về cuộc đời khổ đau gian truân của chị với một thi nhân, triết gia mà thời niên thiếu tôi đã từng say mê tác giả : Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Phạm Công Thiện.

Đàm Trung Pháp: Một Thoáng Hương-Vị Thi-Ca Trữ-Tình Ý-Ngữ

Lời Tòa Soạn DĐTK.- Diễn Đàn Thế Kỷ rất hân hạnh giới thiệu với độc giả Giáo sư Đàm Trung Pháp, một cây bút sẽ cộng tác với Diễn Đàn của chúng ta về những đề tài văn học. Với lối viết đơn giản dễ hiểu, tác giả sẽ giới thiệu các tài năng văn học từ nhiều nước trên thế giới.

Sau đây là một số thông tin về Nhà giáo Đàm Trung Pháp, người đã dạy học liên tục trong gần nửa thế kỷ, từ Việt Nam sang Mỹ, với chuyên môn về Ngôn Ngữ Học.

Quá trình học vấn:

Bachelor of Arts (English literature and foreign languages) [Miami University, 1962]

Master of Science (Linguistics, thesis: “The concept of ‘word’ in Vietnamese”) and ABD (Linguistics, proposed dissertation: “An analysis of syntactical errors made in English by Vietnamese speakers” [Georgetown University, 1965]

Tiến sĩ (Ngữ học giáo dục, luận án: “An analysis of syntactical errors made in English by Vietnamese speakers: Implications for ESL instruction” [Viện Đại Học Saigon, 1974]

Thiện Hỷ - Làng Trà Ôn Nảy Sanh Út Trà Ôn

Út Trà Ôn 
Tôi lớn lên tại Xóm Chiếu, Khánh Hội, Sài Gòn nhưng quê nội của tôi tại làng Tường Lộc thuộc quận Tam Bình tỉnh Vĩnh Long.
Vào giữa thập niên năm mươi lúc tôi vừa mười lăm tuổi tôi mới được phép của cha mẹ tôi cho tôi về làng Tường Lộc. Người em họ chú bác của tôi đưa tôi đi. Từ Sài Gòn về thị xã Vĩnh Long bằng xe đò lớn. Từ thị Xã Vĩnh Long chúng tôi được di chuyển bằng xe đò loại nhỏ. Xe đò ngừng lại, chúng tôi đi bộ nhắm hướng làng Tường Lộc. Cảnh trí nơi làng mạc nhà quê nơi đây thật lạ đối với tôi. Rải rác mới có căn nhà lá đơn sơ mà chung quanh đều được bao bọc bằng những ruộng lúa xanh mướt. Vừa đi bộ, người em họ tôi vừa nói với tôi:
“Đây là làng Trà Ôn. Qua khỏi làng này thì đến làng Tường Lộc.”

Trần Ngọc Tuấn - Cách Đất Liền Bốn Mươi Hải Lý


Tặng Nguyễn Lê Hồng Hưng 

Tôi bị đuổi khỏi trường Đại Học Hàng Hải vào năm cuối cùng. Nói theo ngôn ngữ nghề nghiệp là tôi... “chết đuối trên bờ.”
Về nguyên nhân, tôi thấy không cần thiết phải kể ra đây, bởi lẽ, tôi sinh ra và lớn lên trên một đất nước vốn có nền văn học sướt mướt. Thêm chút nước mắt mà bạn đọc đã khóc nàng Kiều và các nhân vật X, Y, Z chỉ làm ngập lụt ngòi bút những nhà phê bình mẫn tiệp đang gò mình cố gắng tìm chỗ khô ráo cho các tác phẩm mang tính chiến đấu.

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Ngô Nhân Dụng - Trung Cộng sa lầy hơn Nhật Bản


Tình trạng kinh tế giảm tốc độ ở Trung Quốc hiện nay thường được đem so sánh với kinh tế Nhật Bản vào thập niên 1990. Chính giới lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc đã nói đến tấm gương sa lầy của kinh tế Nhật để bảo nhau cần phải tránh. Nhưng nỗi khó khăn ở nước Tàu hiện nay rất khác với hoàn cảnh nước Nhật trước đây một phần tư thế kỷ và sẽ đưa tới những khó khăn trầm trọng hơn.
Trung Quốc phát triển mạnh trong ba chục năm qua, nhưng cũng không khác gì “phép lạ kinh tế” đã diễn ra tại Nhật Bản và Nam Hàn trước đó. Cả ba nước đều bốc lên nhờ chính sách mở mang công nghiệp hướng vào hàng xuất cảng ngay từ đầu, tiết kiệm và đầu tư thật nhiều để duy trì tốc độ phát triển cao. Và cuối cùng cả ba đều phải giảm bớt tốc độ đầu tư cũng như xuất khẩu để cân bằng kinh tế.

Thụy Khuê - Phê bình văn học thế kỷ XX: Chương 9: Bakhtin và xã hội học văn chương

II- François Rabelais và nền văn hoá dân gian thời Trung Cổ và Phục Hưng
Cuốn François Rabelais và nền văn hoá dân gian thời Trung Cổ và Phục Hưng[1], là một luận án về Rabelais, hoàn thành năm 1940, năm 1946 được bảo vệ, và đến năm 1965, mới được in thành sách, tức là 25 năm sau khi viết xong.
Đây là tác phẩm quan trọng nhất của Bakhtin viết theo quan niệm xã hội học văn chương. Một hồ sơ đồ sộ, biện minh cho xã hội tính và sử tính trong nghệ thuật diễn ngôn nói chung và nghệ thuật chữ nghiã nói riêng. Bakhtin đã duyệt qua lịch sử văn chương Âu Châu, thời Trung Cổ và Phục Hưng và dừng lại ở tác phẩm của Rabelais, được ông coi là tác phầm chuẩn mực, biểu dương nền móng của xã hội thời Trung cổ, qua các lễ hội dân gian. Theo ông, chỉ nền văn hoá trào phúng bình dân là có thể cho ta chìa khoá mở cửa vào xã hội này, mà đáng chú ý nhất là hình thức lễ hội trào phúng, hình thức này là một thứ hệ thống ký hiệu mô tả một thế giới thứ nhì, thế giới con người, thoát khỏi sự kiềm toả của thế giới thứ nhất, thế giới quyền lực, là sự cộng hưởng của giáo hội và nhà nước phong kiến.