Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016
Tuấn Khanh - Đời làm chó, người làm báo
Một ngày 21/6
nữa đã bước qua, thêm một vạch kỷ niệm về báo chí Việt Nam thật ảm đạm. Có lẽ
là lần đầu tiên trong lòng Báo chí Cách mạng, người ta nói trắng ra, việc làm
nghề báo được coi như đời của chó. Và rồi thì báo giới rúng động, nói với nhau
về chuyện húy kỵ chữ nghĩa, khiến người thì bị rút thẻ, người mất chỗ. Và quan
trọng hơn là cả một năm dài, ngoài các đỉnh điểm trên, nghề báo không có gì tỏa
sáng hơn được trên đất nước này, bao gồm cố rườm rà các câu chuyện lịch sử ẩn
khuất, cá nhiễm độc, biển chết, cho đến việc tử nạn trên biển lạ thường của các
sĩ quan quân đội.
Kỷ niệm nền
báo chí cách mạng, người ta còn rút ra được một bài học lớn của báo chí Việt
Nam: làm báo hôm nay, không phải để mở rộng biên giới của thông tin và ngôn luận.
Làm báo phải học cách chuyên sâu tay nghề, rằng có viết ngàn con chữ, cũng phải
luyện đủ công phu để khiển bao nhiêu ngôn từ ấy phải tự trói mình vô nghĩa, vô
thanh.
Nghề báo bị
ví với chó. Thậm chí được khuyên là đừng buồn nếu bị coi là chó, vì bởi dù sao
cũng có sự cao quý của nó, do biết vâng lời và trung thành.
Chuyện làm
báo biết vâng lời, gợi nhớ về vụ án Slansky (1952) tại Prague, thủ đô Tiệp Khắc
cũ, bây giờ là Cộng hòa Czech. Đó là vụ án các nhà lãnh đạo CS Tiệp xử nhau, mà
có đến 11 người bị xử treo cổ, 3 người tù chung thân. Trong số đó, Rudolf
Slansky (1901-1952) là nguyên Tổng bí thư Đảng cộng sản đồng Phó chủ tịch Quốc
hội. Một trong những lý do ngầm của việc thanh trừng, do ông Slanksy là một người
gốc Do thái.
Cũng từ phiên
tòa này, “phát minh” có một không hai của tòa án Cộng sản Tiệp đã trở thành
sách giáo khoa về truyền thông thú tội trong thế giới tòa án và báo chí của Cộng
sản. Tội nhân được cho thu sẵn lời thú tội vào băng nhựa, sau đó, khi ra tòa,
thì băng được mở rì rì thay cho phần tội nhân tự nói (tội nhân mặt đối với quan
tòa, quay lưng lại người đến dự phiên tòa với một khoảng cách xa). Nếu tội nhân
có ý muốn phản cung, băng sẽ bị ngắt, tội nhân sẽ bị cho ngồi xuống với 2 công
an kề bên cặp nách, kiểu như vì mệt quá hay do bị tạm ngất đi.
Nhiều thập
niên liền, phương thức “nhận tội” hiện đại ấy lan rộng các phiên xử của chế độ
cộng sản, được bổ sung bằng bản viết tay, video cắt xén qua thẩm vấn. Các buổi
xử “công khai” ấy chỉ truyền thanh hay truyền hình qua phòng bên cạnh, chứ
không cho vào xem trực tiếp, dù chỉ nhau cách một cánh cửa. Sau khi Liên Xô và
cộng sản Đông âu sụp đổ, hiện còn một vài quốc gia áp dụng hình thức thô bỉ
này.
Nói về chuyện
này, để nhắc cho các bạn tôi nhớ rằng nhiều thập niên trước, không ít “con chó”
của các triều đại cộng sản vẫn chép lại trên báo các nội dung ghi âm đẫm máu và
nước mắt đó, chép lại các bản tin do công an gửi đến, và gọi đó là nghề làm báo
thời sự – tường thuật. Họ vẫn được vinh danh, được thưởng không khác gì đã khó
nhọc đi săn tin. Quả là không có gì so sánh sống động hơn nghề làm báo trong
các triều đại cộng sản như vậy, là thời huy hoàng những loài chó săn tin và báo
tin, trung thành và cao quý.
Thế còn những
người làm báo tự do? Tôi nghĩ có bổng lộc đến mấy, chắc họ cũng không nhận
mình là chó. Vì chó thì phải có chủ và được cho ăn. Còn người làm báo tự làm chủ
tư duy của mình, họ kiếm sống lương thiện để phục vụ cho sự thật, cho con người
nói chung.
Trong Luận ngữ
viết vào năm 2015 của ông Lưu Hiểu Ba: “Hôm qua chó nhà tang, hôm nay chó gác cửa”,
người nhận giải Nobel Hòa bình năm 2010 này có nói về những loại chó học đòi một
lý tưởng nhưng lại không có nổi một quê hương tinh thần trong đời mình, vì vậy
chỉ còn cách chọn chủ để sủa hay cắn xé một ai đó theo lệnh. Nếu xui rủi mất chủ
thì cũng chỉ là một loài chó lang thang hèn hạ, chứ không thể nào có được sự tự
do kiêu hãnh của một con chó sói trên đồng hoang hay núi cao.
Nói chuyện
chó, chợt thấy ngạc nhiên vì trùng hợp đến lễ ăn thịt chó hàng năm ở Ngọc Lâm
(Quảng Tây, Trung Quốc), cũng vào cuối tháng Sáu hàng năm. Nơi đó, chó trung
thành hay cao quý cũng đều bị đem làm thịt. Vì bản chất nuôi và tuyển chọn chó ở
một số nơi, rốt cuộc chỉ là để mua vui và kiếm lợi cho kẻ làm chủ. Chó có được
tuyển chọn và huấn luyện tốt như nào, cũng là phần để hy sinh cho mục đích cuối
cùng của lễ hội. Phần ăn hôm qua, luôn bị trả giá cho hôm nay.
Chắc chắn chó
thì không thể có nỗi đau như của con người, nên trong vụ án Slansky 1952, người
ta chỉ thấy giá trị phục vụ chứ không thấy giá trị đạo đức truyền thông của
ngành báo chí. Nói đến đây, tôi lại muốn kể với bạn rằng những ngày biểu tình của
người dân đòi minh bạch lý do cá chết, có những nhà báo âm thầm xuống đường ghi
nhận mọi thứ dù không được tòa soạn phái đi. Những con người đó bị thúc đẩy bởi
tính đạo đức nghề nghiệp nên xông vào chỗ mà họ cũng không có quyền được đến. Họ
cũng bị bắt, bị đánh, bị nhốt vào sân Hoa Lư đến tận đêm, chỉ vì muốn chia sẻ mọi
hiện trạng khốn cùng của người dân. Có những nhà báo bị đuổi việc, mất chỗ làm
khi cùng đứng với nhân dân. Dù có bị ví hay răn đe là phải sống như “chó”, họ
cũng không thể là vậy.
21 tháng 6
năm nay, chẳng có ai vinh danh các nhà báo không ăn lương nhà nước. Nhưng nếu
nhiều năm nay, không có họ, những con người làm báo tự nguyện ấy, không biết
người dân sẽ sống sao với đất nước đang dẫy đầy chuyện mù mờ. Chính họ là người
đã điều chỉnh mọi thứ về cái đúng. Từ chuyện giải dịch đúng “tàu lạ” thành “tàu
Trung Quốc” cho đến “sai quy trình” thành “vấn nạn.” Bóc trần từ ngữ “công
trình thế kỷ” thành “bê-tông cốt tre” hay “ra văn bản” rõ thành “lạm quyền.” Những
nhà báo đó góp phần tố cáo những kẻ đạp trên luật pháp, minh bạch những án oan
và giải cứu cả tử tù.
Biển nhiễm độc,
cá chết, các loại quan tham giấu mặt bằng ngôn từ mị dân… kể cả các loại quan lớn
luôn thích tuyên ngôn mà không giữ được lời đều bị đưa ra trước ánh sáng và
nhân dân. Video về biển miền Trung của Nguyễn Lân Thắng có lẽ là tường trình
duy nhất minh bạch hiện trạng môi trường và con người khốn cùng lúc này, trong
buổi truyền thông chung bị khép chặt mọi thứ, cùng tiếng sỉ vả “với động cơ
nào?.” Nhờ truyền thông tự do của con người – dành cho con người – như trang Ba
Sàm hay trang Nguyễn Xuân Diện…, mà nhân dân mới biết được kẻ mang lon tướng
như Phạm Xuân Thệ, cướp công đồng đội Bùi Văn Tùng, đã đạo đức giả như thế nào
khi lên giọng về tình chiến hữu. Và âu cũng là dịp để người người được biết về
đức phục vụ và trung thành như thế nào của ông Bộ trưởng Thông tin và Truyền
thông Trương Minh Tuấn, khi mau mắn rút thẻ của nhiều nhà báo như Đỗ Hùng, Mai
Phan Lợi… giúp chứng minh rõ hơn những gì người ta ví von về đời làm báo ở Việt
Nam.
Ngày kỷ niệm
nhà báo cách mạng nghe mỗi lúc càng nhạt. Chính làng báo chí nhà nước cũng cảm
thấy ngại ngùng khi tự ca hát về mình trong ngày này. Không còn cách mạng trong
truyền thông. Mà chỉ còn nẹp lưng vào tường, lần mò theo định hướng, lần mò tự
kiểm duyệt để không ốm đau từ các con chữ mang dấu sắc cho đến lúc tan xác.
Thật buồn cho
một nền báo chí mà từ thời khai sinh, đã luôn xiển dương ý thức tự do. Buồn cho
một nền truyền thông chỉ còn sứ mạng xô đẩy các phong trào cảm xúc đời sống, để
tiện che chắn cho những điều mà nhân dân cần được biết, cần được nói tới. Buồn
cho những nhà báo dẫu có ăn lương nhà nước nhưng trái tim trong sáng, vẫn phải
lặng nghe miệng kẻ ví von mình là chó.
Hãy mơ đến một
ngày mới. Tôi và bạn nhất định phải ước mơ đến, nhé. Ngày của người làm báo bình
thường và chân chính chỉ muốn tận hiến cho sự thật và cho quê hương. Ngày đó chẳng
có ai sẽ phải bị gọi tên là “chó”. Và dù có bị khoác áp lên mình bộ lông sặc sỡ
đến đâu, họ cũng sẽ rũ sạch và đứng lên, bắt đầu lại với một sứ mạng duy nhất:
chuyển tải sự thật và lẽ phải. Ngày đó, mới thật sự là của những con người làm
báo.
(Nguồn: Tuấn Khanh’s Blog)