Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016
Nguyễn Thị Từ Huy - Chuyện kể của một cựu nhân viên Bộ ngoại giao VN (phần 1)
Ông Đặng
Xương Hùng, cựu Lãnh sự CHXHCNVN tại Genève, Thụy Sĩ
Được biết
ông Đặng Xương Hùng đã từ bỏ tương lai nghề nghiệp trong ngành ngoại
giao để dấn thân đấu tranh cho quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam,
chúng tôi thực hiện cuộc trò chuyện với ông để hiểu thêm về cách
thức vận hành và tổ chức của bộ máy quyền lực ở Việt Nam.
Nguyễn
Thị Từ Huy : Trước tiên, ông có thể cho biết, ông đã đến với
ngành ngoại giao như thế nào, là một lựa chọn cá nhân, hay là tuân
theo mong muốn của gia đình… ?
Đặng
Xương Hùng : Tôi đến với ngành ngoại giao là do yếu tố gia đình. Bố và
anh trai cả của tôi đều làm ở Bộ Ngoại giao. Bố tôi là bạn của ông Nguyễn Cơ Thạch,
cố Bộ trưởng Ngoại giao. Hai ông là đồng hương với nhau, quê tại Nam Định, đã
cùng nhau làm việc ở Ủy ban kháng chiến liên khu ba (trước 1954). Khi Bộ ngoại
giao được thành lập, ông Thạch đã rủ (hoặc đưa) Bố tôi về đây làm cùng nhau. Vốn
tiếng Pháp của Bố tôi cũng khá.
Tôi vốn học
giỏi ở những môn tự nhiên (toán, lý, hóa) hơn, nên khi thi vào đại học (năm
1978), tôi đã chọn thi vào Đại học Bách khoa. Lúc đó, đại học Ngoại giao không
có trong danh sách để thi, mà họ đi thu nạp sinh viên từ con em trong ngành, có
kết quả tốt ở các trường đại học khác. Năm đó, tôi được 21 điểm, chỉ thiếu nửa
điểm là đi học ở nước ngoài (đây là sự đáng tiếc, tôi sẽ nhớ đến suốt đời, vì rằng
trong bài thi toán tôi đã có sự nhầm không thể tưởng tượng được, đó là
2 :1=1/2, nếu không nhầm ở đây bài thi toán tôi sẽ có điểm rất cao). Sau
đó, đã có một người của trường đại học ngoại giao (anh Nguyễn Hồng Phong) đã đến
gia đình tôi, thuyết phục đưa tôi vào đại học ngoại giao. Tất nhiên, gia đình tôi
ai cũng đồng ý, bản thân tôi không thích thú lắm, vì rằng nó đi ngược với ý
thích muốn làm nghiên cứu khoa học của tôi. Tuy nhiên, cuối cùng cậu thanh niên
mới có 17 tuổi cũng đã đồng ý theo ý kiến mọi người và cậu ta cũng phải thừa nhận
rằng vào ngoại giao là một diễm phúc và danh giá thời bấy giờ.
Tuy nhiên,
khi vào sơ tuyển tại đại học ngoại giao, tôi gặp khó khăn, do ngoại hình của
tôi vô cùng tệ hại, mắt híp bẩm sinh, thấp bé, lúc đó tôi chỉ nặng có 38 kg,
ngoại hình này không thể đủ để vào làm ngoại giao đại diện cho Việt Nam tiếp
xúc với người nước ngoài. Nhưng số phận vẫn muốn đẩy tôi vào với ngành ngoại
giao. Câu chuyện lại một lần nữa liên quan đến ông Nguyễn Cơ Thạch. Năm đó, ông
Thạch đang làm Thứ trưởng, phụ trách trường đại học ngoại giao. Khi được nghe
báo cáo về trường hợp của tôi, con ông Đặng Thế Xương, ông Thạch đã nói
« Nó bé thì nó sẽ lớn và sẽ nên người, cứ cho nó vào ». Thế là tôi đã
trở thành sinh viên trường đại học ngoại giao. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp đại
học ngoại giao, tôi đã chính thức vào Bộ Ngoại giao, làm ở Vụ Châu Á 2 (phụ
trách Lào và Cămpuchia).
Nguyễn
Thị Từ Huy : Trong tư cách một người làm ngoại giao, hẳn ông đã
có nhiều đóng góp ? Tại sao ông không tiếp tục đóng góp qua con đường
ngoại giao mà lựa chọn từ bỏ hệ thống, nghĩa là lựa chọn một cuộc
sống bấp bênh và cả nguy hiểm nữa ?
Đặng
Xương Hùng : Thật lòng, theo cách nghĩ của tôi, tôi đóng góp không nhiều
cho ngành ngoại giao và cho đất nước. Tôi chỉ là một công chức hoàn thành nhiệm
vụ. Tôi là một người làm ngoại giao rất xoàng, tầm thường. Ăn nói không thật
trôi chảy, tiếng Pháp, tiếng Anh không thật giỏi. Ngoài ra, ngoại hình cũng làm
tôi trở ngại rất nhiều, nhất là những năm đầu tiên. Tôi thực sự tự ti về hình ảnh
của mình, đã có lúc, khi thấy một số người bạn rời bỏ ngành ngoại giao, tôi đã
có ý định tương tự, nhưng quả thực tôi không có cơ hội và năng lực cần thiết
nào khác để mà có thể từ bỏ được.
Hơn nữa, cùng
với năm tháng, tôi đã tự trả lời cho chính mình câu hỏi tại sao mình không
thành công trong ngành ngoại giao cho lắm. Mình sẽ không thể giỏi lên ở một môi
trường mà mình ít có lòng yêu mến. Điều này thì có phần hơi bào chữa, nhưng vẫn
có giá trị sự thật. Tiếp nữa, là việc có « thành công » ở một cơ quan
nhà nước như Bộ ngoại giao thì ta phải có sự hiểu biết nhất định về « luật
chơi » của nó. Những thứ luật chơi phải là người thật tinh quái mới nhận
biết hết được. Hoặc nếu anh không đủ tinh quái thì chí ít anh phải đủ
« hèn » để kìm nén những ý kiến cá nhân, răm rắp tuân thủ ý kiến lãnh
đạo. Cả hai thứ trên tôi đều không có.
Tôi đã nhận
thức ra từ khá lâu rằng Bộ ngoại giao mới chỉ dừng lại ở chỗ là môi trường để
tôi kiếm ra đồng tiền nuôi sống tôi và gia đình, chứ nó ít là môi trường cho
tôi sự thoải mái. Càng ngày tôi lại càng cảm thấy Bộ ngoại giao mất dần ký ức đẹp
của nó trong tôi. Có một cái gì đó không thật ổn trong ngành ngoại giao. Những
người tâm huyết vắng dần, đồng nghĩa với việc cán bộ « tinh khôn »
tăng dần. Những cuộc đấu đá, chạy chọt để lên chức, lên quyền, đi luân chuyển
nước ngoài ngày càng trở thành những câu chuyện thường ngày ở Bộ. Những câu nói
thật tình chỉ nghe được ở những buổi chơi golf và những buổi rượu bia bạn bè
vui vẻ. Ai cũng tỏ quan tâm tình hình khó khăn của đất nước, nhưng để chịu suy
nghĩ sâu thêm hoặc thực thi ý nghĩ của mình thì ít người quan tâm thể hiện, hoặc
không dám hoặc chặc lưỡi chấp nhận sự bình yên.
Đó là cái
vòng luẩn quẩn của Bộ ngoại giao nói riêng và của cả hệ thống nói chung. Người
thực sự yêu ngành nghề của mình hiếm lắm. Cả xã hội đang sống với cảnh nhanh
tay kiếm lợi từ chỗ đứng riêng của mình. Công an, quân đội, bác sĩ, giáo viên,
đều như vậy. Trong một lần phỏng vấn về chuyện visa của các sứ quán bên ngoài,
tôi đã từng ví nó như thể công an giao thông đứng đường ăn chặn lộ phí vậy. Cái
tệ hại của chế độ này là đảng cộng sản muốn mua sự trung thành và ngoan ngoãn của
công chức nhà nước bằng việc ban phát bổng lộc nào đó cho từng ngành nghề, nếu
không ban phát được họ bịt mắt cho qua những tiêu cực ngành nghề mà đó tạo ra.
Thí dụ như họ bỏ qua cho công an những nhũng nhiễu mà công an gây ra cho nhân
dân, thậm chí đổ lỗi là do người dân. Bỏ qua cho giáo viên việc dạy thêm. Bỏ
qua cho bác sĩ trong việc nhận phong bì. Với ngoại giao chúng tôi được họ mua bằng
những chuyến đi công tác nước ngoài và lệ phí visa. Trong bộ chúng tôi hay đùa
nhau rằng, rốt cuộc chỉ là « vấn đề Cămpuchia » (mâu thuẫn nội bộ
các sứ quán là vấn đề chia chác lệ phí visa).
Nguyễn
Thị Từ Huy: Câu chuyện visa cụ thể là thế nào, thưa ông?
Đặng
Xương Hùng: Chuyện visa, khi tôi tiết lộ những chi tiết cụ thể, tôi biết
những người bạn tôi ở Bộ ngoại giao chắc sẽ trách tôi nhiều lắm. Vì rằng chỉ mới
ba, bốn năm nay thôi, tôi vẫn còn sống vì nó và kiếm ra đồng tiền vì nó. Nhưng
cái lòng tôi muốn nói ra vì rằng tôi có một người bạn còn trẻ ở Bộ mới lần đầu
ra nước ngoài và khi tiếp xúc với câu chuyện visa, đã thốt lên rằng :
« Thu tiền lệ phí visa như thế làm mất uy tín của Bộ Ngoại giao quá anh nhỉ ».
Tôi đã trả lời : « Đi công tác ở sứ quán, không có tiền chia từ visa,
mình không còn thừa ra đồng nào để mà tiết kiệm đâu em ạ. Rồi em sẽ quen dần
thôi ». Và vì rằng cả hai chúng tôi đều cùng một ý nghĩ là thà nếu nhà nước
cho chúng tôi hưởng một chế độ tiền lương chính đáng tương đương nào đó, còn
hơn là dành cho chúng tôi một « chế độ mập mờ » để chúng tôi phải « gian dối »
trong lệ phí visa. Nhưng từ lâu tôi đã có câu trả lời cho mình là, do nhà nước
không thể có đủ để cung cấp cho chúng tôi một khoản tiền chính đáng nào đó, nên
họ cho chúng tôi một «mảnh sân » để chúng tôi « tự do trong kín đáo » kiếm thêm
để bù vào. Họ sẽ bịt mắt cho qua.
Câu chuyện
visa có thể tóm tắt như sau :
Bộ Tài chính
quy định một visa có giá là 35 đô la Mỹ. Số tiền này sẽ đưa vào ngân sách nhà
nước. Có chia để lại cho Bộ Ngoại giao một phần. Bảng lệ phí visa theo giá nói
trên lẽ ra phải treo công khai tại nơi làm lãnh sự của các sứ quán. Nhưng nếu
chỉ thu như vậy, các sứ quán chỉ làm « không công » cho nhà nước, tức không có
chênh lệch nào cả. Bộ Tài chính hàng năm có tổ chức đoàn sang kiểm tra các sứ
quán nhất là những sứ quán có số thu lệ phí cao. Tuy nhiên, đấy là cái dịp để
các bên đóng kịch. Sứ quán sẽ đóng kịch bằng việc treo bảng lệ phí visa lên để
cho cán bộ Tài chính trông thấy rồi cất ngay đi. Nộp cho Bộ Tài chính đủ biên
lai thu tiền visa đúng với giá 35 đô la đó.
(Chúng tôi có
hai loại biên lai, một nộp cho bộ tài chính, một biên lai cho khách theo giá thực
thu, cái này sẽ hủy đi ngay sau đó). Một lần kiểm tra như vậy cũng là dịp Bộ
Ngoại giao « bồi dưỡng » cho cán bộ tài chính nói riêng và Bộ Tài chính nói
chung về việc cho qua sự việc này. Theo tôi thì các Bộ Ngành của Việt Nam đều
làm như vậy. Bỏ qua việc làm ăn mập mờ để thu về một « khoản thù lao » nào đó.
Giá thực thu
một visa cho khách ở các cơ quan đại diện ngoại giao mỗi nơi một khác. Ngay cả
trong một nước cũng có khi khác nhau. Thí dụ ở Genève, chúng tôi thu 70 CHF, sứ
quán ở Bern thu 80 CHF. Tại Paris, hình như họ thu 70 euros. Để lý giải cho việc
chênh lệch đó, có cơ quan đại diện bị bí khi bị chất vấn thì giải thích rằng phần
chênh lệch là chi phí hành chính và chi phí xin chấp nhận xuất nhập cảnh từ một
công ty du lịch trong nước. Phần lớn các công ty du lịch làm dịch vụ xin phép
nhập xuất cảnh đều là có chân của Bộ Công an, vì như vậy việc xin phép sẽ được
nhanh hơn.
Tóm lại, nhà
nước định ra một giá cho visa, các sứ quán lẽ ra chỉ được thu như thế hoặc hơn
lên đôi chút về những chi phí hành chính. Nhưng nếu làm như thế cán bộ ngoại
giao đi công tác nước ngoài sẽ không còn có thêm được gì. Đã nhiều năm Bộ Ngoại
giao đã rất muốn điều chỉnh tìm ra một phương cách thu sao cho hợp lý, cho
chính đáng hơn. Nhưng đều bất lực. Cuối cùng, đều chấp nhận nhắm mắt cho qua chấp
nhận như vậy. Cũng là ân huệ mà nhà nước muốn đổi lấy sự trung thành của các
cán bộ ngoại giao và cũng là cách mà các quan chức ngoại giao đủ sống khi ở nước
ngoài. Họ chỉ có lương cơ bản chừng khoảng 500 USD/tháng. Cuối hàng tháng,
chúng tôi dùng phần chênh lệch, chia cho các nhân viên sứ quán. Đây cũng là câu
chuyện gây mâu thuẫn nội bộ do chia chác. Ai được chia, chia tỷ lệ bao nhiêu ?
Có những nơi phần chia visa mới là phần quan trọng nhất trong các khoản thu nhập.
Trước khi xin đi luân chuyển, mọi người đều tìm hiểu thu nhập visa ở nơi đó là
bao nhiêu. Có những nơi rất cao ở khoản này, thí dụ ở San Fancisco, Washington,
London, Paris… Vậy nên, người ta mới lý giải được tại sao ông Thứ trưởng Ngoại
giao, ủy viên trung ương đảng lại đi làm Tổng Lãnh sự tại San Fancisco, một chức
vụ trong ngoại giao chỉ hơn cấp Lãnh sự của tôi một cấp.
Tôi cũng chỉ
mong rằng một ngày nào đó, đất nước thay đổi, để những người đi làm ngoại giao
không còn phải cam chịu những chê trách trong visa, hộ chiếu, thay vào đó là những
khoản thu nhập chính đáng, xứng đáng với công việc và năng lực của họ.
Paris –
Genève, tháng 6/2016