Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016
Nguyễn An Dân - Ý kiến: Biển Đông và tư thế Việt Nam hiện nay
Gửi tới BBC từ TPHCM
Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc vào 22/1/2013
trước Tòa Trọng tài
Liên Hiệp Quốc về “Thẩm quyền trên
các vùng biển của Philippines đối với Biển
Tây Philippines”
Mấy ngày nay, dư luận lại một lần nữa bị
khuấy động về việc Philippines kiện Trung Quốc ở tòa quốc tế, và vì vụ kiện này
sắp có phán quyết, mà theo dư luận đánh giá là “sẽ có lợi cho phía nguyên đơn
là Philippines”.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc càng tăng cường
sức ép lên chính quyền Philippines và đe dọa quân sự. Ngược lại, trong vai trò
đồng minh quân sự và có hiệp ước thủ hộ Philippines, Mỹ điều thêm hàng không mẫu
hạm vào Biển Đông cũng như khẳng định sẽ bảo vệ nếu Philippines “bị tấn công”.
Cần thấy là theo nhiều nhà nghiên cứu,
chưa bao giờ Mỹ điều động nhiều quả đấm chiến thuật - hàng không mẫu hạm - như
lần này, đến các khu vực có tranh chấp và có khả năng va chạm vũ trang.
Cùng bị ảnh hưởng bởi chính sách bành trướng
của Trung Quốc như Philippines là Việt Nam, và vì là công dân Việt Nam, nên tôi
chú trọng bình xét chuyện Việt Nam.
Việt Nam và ASEAN
Phán quyết của tòa quốc tế trong vụ Trung
Quốc-Philippines sẽ là một bước ngoặt quan trọng với tình hình tranh chấp Biển
Đông về sau nên một sự đánh giá toàn diện, tổng hợp lúc này để tất cả cùng nhìn
rõ là hết sức cần thiết.
Trong bối cảnh là một nước nhỏ yếu và nội
lực chưa đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền vốn có ở Hoàng Sa-Trường Sa, Việt Nam chọn
lựa quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông cũng như tìm kiếm một sự đoàn kết từ ASEAN
để đề kháng Trung Quốc là một việc có thể hiểu được.
TQ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông dựa trên bản đồ 'lưỡi bò'
Tuy nhiên, e rằng lựa chọn này còn thiếu
tính khả thi trong bối cảnh khối ASEAN rời rạc, thiếu đồng nhất vì lợi ích
riêng của từng quốc gia ở Biển Đông là khác nhau, chưa kể chính sách đối ngoại
của từng quốc gia cũng khác nhau.
Sự kiện hội nghị bộ trưởng ngoại giao
ASEAN vừa qua rút lại tuyên bố chung về Biển Đông vào giờ chót là một bằng chứng
cho thấy nỗ lực này của Việt Nam đã không mang lại nhiều kết quả.
Vì Trung Quốc cần chiếm Biển Đông để giữ
cân bằng cho việc mất kiểm soát eo biển Malacca, nên gần như chỉ có các nước ở
khu vực Malacca trong khối ASEAN là có lợi ích trong việc chống bành trướng từ
Trung Quốc. Đó là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore.
Các quốc gia khác như Thái Lan, Campuchia,
Lào, Brunei, Myanmar hầu như không thiết tha trong việc này, vì họ hầu như chẳng
bị ảnh hưởng gì nếu Trung Quốc thành công trong kế sách đường chín đoạn, nên việc
họ thờ ơ và đôi khi ngả về Trung Quốc nếu được cho thêm lợi ích là điều dễ hiểu.
Họ chỉ phản ứng lại khi Trung Quốc đe dọa
trực tiếp đến chủ quyền của họ, điển hình như Campuchia.
Còn lại, dĩ nhiên họ theo Trung Quốc vì lợi
ích của Trung Quốc với các nước đó lớn hơn bất kỳ lợi ích nào của một nước
trong ASEAN, như Việt Nam, có thể mang lại cho họ. Chúng ta đã học được nhiều
bài học từ phản ứng của Thái Lan, Malaysia, Campuchia lâu nay.
Do đó, tôi tổng kết là Việt Nam chỉ có khoảng
3-4 quốc gia trong ASEAN có thể coi là đồng minh trong tranh chấp Biển Đông,
còn lại thì không hi vọng gì nhiều.
Việc dựa vào ASEAN để “kháng Trung” coi
như chỉ thành công được một phần ba, e rằng hơi ít.
Cuộc họp các ngoại trưởng khối ASEAN đã rút lại tuyên bố chung về Biển
Đông vào phút chót, hồi trung tuần tháng Sáu 2016
Việt Nam và Nga
Nga là nước có quan hệ lâu đời về lịch sử
với Việt Nam từ thời kỳ Xô Viết.
Hiện nay Nga cũng là một quốc gia mà Việt
Nam đang kỳ vọng có thể ủng hộ Hà Nội trong vấn đề an ninh khu vực. Chuyến đi
đối ngoại đầu tiên mà tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lựa chọn là Nga cho thấy
điều đó.
Tuy nhiên, tôi e rằng việc kỳ vọng vào Nga
ủng hộ Việt Nam trong lúc này cũng khó khả thi. Quan hệ Nga-Trung đang được củng
cố, và bằng chứng mới nhất là ngoại trưởng Nga đã có những phát ngôn “ủng hộ
Trung Quốc” trong tranh chấp Biển Đông.
Chưa kể tình hình nước Nga lúc này cũng đã
suy yếu, vì nội lực suy yếu, ảnh hưởng và tiếng nói của Nga lúc này trên quốc tế
không còn như trước.
Đảng Cộng sản Nga không còn là đảng cầm
quyền, nên quan hệ của hai đảng cộng sản Việt-Nga cũng không ảnh hưởng gì đến
chính sách ngoại giao của Nga lúc này.
Thành ra dùng Nga như một đối trọng để hy
vọng có thể làm giảm uy hiếp từ Trung Quốc trên Biển Đông theo tôi e rằng hiệu
quả kém.
Giới lãnh đạo của Nga trong những năm gần đây
đã có các chuyến thăm Việt Nam
đã có các chuyến thăm Việt Nam
Việt Nam và Mỹ
Chuyến đi của Tổng thống Obama đến Việt
Nam vừa rồi chỉ là một điều cần thiết cho việc phát triển quan hệ Mỹ -Việt, còn
xa lắm nó mới có hiệu quả trong việc Mỹ “giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở Biển
Đông”.
Về tư, Mỹ không có lợi ích cũng như cơ hội
có chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông, nên Mỹ không có động cơ riêng cá nhân trong
việc ủng hộ một phe nào đó trong tranh chấp ở vùng biển này.
Về công, quan hệ Việt –Mỹ chưa có đủ hành
lang pháp lý để hậu thuẫn quân sự bảo vệ như quan hệ Mỹ-Philippines. Mỹ là nước
thượng tôn pháp trị, nếu Mỹ muốn đưa quân bảo vệ Việt Nam, giữa hai nước cần ít
nhất một hiệp ước quân sự làm cơ sở pháp lý để chính phủ Mỹ hành động.
Về liên minh địa-chính trị để cùng chia lợi
ích, vì Obama không nhận được 21 phát đại bác như Tập Cận Bình ở Việt Nam, nên
Mỹ cũng chưa thể coi Việt Nam là quan hệ anh em như Mỹ-Israel để mà ra tay
giúp.
Do đó, nếu Việt-Trung xảy ra va chạm lúc
này trên Biển Đông, Mỹ chỉ có thể ngồi nhìn, và hô hào “stop, stop” là chính.
Khi đó, vì nhỏ yếu hơn, khả năng Việt Nam
mất hết các khu vực còn lại ở Trường Sa là chuyện dễ thấy.
Việt Nam và Trung Quốc
Vì Trung Quốc đã chiếm hẳn Hoàng Sa từ
1974, và nhiều đảo ở Trường Sa từ năm 1988 bất chấp tình hữu nghị giữa hai đảng
cộng sản Trung –Việt, nên chúng ta cần dẹp bỏ hi vọng vì “16 vàng 4 tốt” mà
Trung Quốc sẽ dừng lại trong việc lấn chiếm thêm.
Tuy nhiên, việc giữ tấm mặt nạ hữu nghị
Trung-Việt để giảm sức ép nội bộ trong hai nước là cần thiết, nên Trung Quốc dù
hô hào to lớn thế nào, họ vẫn sẽ hết sức tránh việc chủ động nổ súng trước khi
Việt Nam nổ súng.
Và vì Việt Nam khó chủ động va chạm trước,
nên tình hình vẫn sẽ như lâu nay là Trung Quốc âm thầm bành trướng chiếm lãnh hải
và không phận, vốn thuộc về Việt Nam, ở Biển Đông.
Trung Quốc sẽ dùng tàu chiến, tàu cá, máy
bay… để bao vây, cô lập tiếp tế ở các đảo mà Việt Nam còn chiếm giữ, dẫn đến Việt
Nam phải từ bỏ.
Chưa kể Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục
tung “hạm đội dân quân” tàu đánh cá có vũ trang, trá hình dân sự, để tung hoành
và độc chiếm ở Biển Đông, ngăn chặn các tầu đánh cá của ngư dân Việt Nam.
Sau đó, Trung Quốc chỉ việc lý luận rằng
do Việt Nam tự từ bỏ chứ Trung Quốc không đánh chiếm vũ trang, và thế là Việt
Nam mất nốt những gì còn lại.
Qua thực tế từ 1974 đến nay, tôi e rằng
Trung Quốc có đủ máy bay và tàu chiến để thực thi kế hoạch này.
Giải pháp ngắn và trung hạn
Việc khởi kiện Trung Quốc thì có nhiều ý
kiến khác nhau, nhưng cá nhân tôi vẫn nhớ lời phát ngôn của Hồng Lỗi, phát ngôn
nhân của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trước đây, lúc đó tại Việt Nam nổ ra nhiều cuộc
biểu tình phản đối Trung Quốc (giai đoạn 2007-2008).
“Chúng tôi nhận thấy chính quyền Việt Nam
có những tuyên bố khác nhau vào các thời điểm khác nhau,” ông Hồng Lỗi đã nói
thế khi nhận định về chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa-Trường Sa.
Tôi e ngại rằng những điều ẩn sau phát
ngôn này có thể gây bất lợi cho Việt Nam khi kiện Trung Quốc. Nên giải pháp khởi
kiện cần cân nhắc cẩn thận.
Thiết lập liên minh phòng thủ với
Philippines là điều có thể và cần làm ngay.
Với vị trí chiến lược của cảng Subic của
Philippines, cảng Cam Ranh của Việt Nam, đảo Phú Quốc ở Vịnh Thái Lan, các nước
có thể hình thành tam giác phòng tuyến hải-không quân án ngữ Trung Quốc bành
trướng ra thêm, giữ vững ưu thế ASEAN ở Malacca, để có thêm điều kiện lôi kéo
các nước trung lập còn lại trong khối này.
Hiện nay ba nước Indonesia-Malaysia-Singapore
đang liên kết lại là một thuận lợi theo chiều hướng này.
Nên tạo cơ chế đấu tranh nhân dân, khuyến
khích, hỗ trợ ngư dân Việt Nam khởi kiện tàu Trung Quốc khi có va chạm dẫn đến
thiệt hại người và của trái luật quốc tế, và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao Việt-Trung.
Bài học của Nhật Bản trong quan hệ Nhật-Mỹ
sau 1945 nên và cần được áp dụng cho quan hệ Việt-Trung hiện nay, khi dân chúng
Nhật ngày ngày biểu tình “chống Mỹ” trong khi chính phủ Nhật vẫn đi gặp Mỹ xin
viện trợ và thiết lập cơ chế đồng minh.
Chính quyền Việt Nam nên cho phép dân
chúng biểu tình khi Trung Quốc có hành động bành trướng phi pháp, còn việc quan
hệ hữu nghị Việt Trung vẫn duy trì là việc khác của đảng.
Về đối ngoại, ngoài Nga, chính phủ Việt
Nam cần củng cố quan hệ quân sự-đối ngoại với các quốc gia tuy chưa bằng Mỹ
nhưng có sức mạnh và không ủng hộ Trung Quốc như Ấn Độ, Nhật, Úc..., nhất là những
quốc gia có lợi ích bị tổn hại khi Trung Quốc có thể mạnh lên.
Cũng còn nhiều giải pháp khác, nhưng trong
phạm vi bài viết này, tôi không đi vào chi tiết.
Rất đáng tiếc, với sự kiện những máy bay bị
nạn vừa qua, theo tôi, với việc từ chối đề nghị từ Mỹ hỗ trợ trong việc tìm kiếm
các máy bay bị nạn, cũng như chậm công bố thông tin từ chính quyền đã làm quần
chúng hoài nghi "có yếu tố Trung Quốc" trong đó.
Nếu từ bây giờ chúng ta không có những
hành động thiết thực mà chỉ ngồi phản đối và hô hào suông, mai này con cháu
chúng ta dựa vào cái gì, có sức mạnh gì để có thể đòi lại Hoàng Sa-Trường Sa?