Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016
Song Thao - Nhật (4)
Khi
tôi đang ở Tokyo thì một ông Nhật, nghe tôi nói sắp đi Hiroshima, đã cho biết
là Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry hiện đang ở Hiroshima, vậy là tôi chậm chân hơn
ông ngoại Mỹ. Nhưng tôi nhanh chân hơn ông tonton
Obama. Mãi tới cuối tháng 5 này, sau khi thăm Việt Nam, ông Obama mới tới
Hiroshima. Đây là vị Tổng Thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Hiroshima. Sở
dĩ tôi kẹp hai ông lớn Mỹ này vào chuyện tôi đi Hiroshima vì nơi đây đã hứng
trái bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới vào lúc 8 giờ 15 phút sáng ngày 6
tháng 8 năm 1945 theo lệnh của Tổng Thống
Mỹ lúc bấy giờ là ông Harry S. Truman. Khoảng từ 90 ngàn tới 146 ngàn người đã
bị đốt cháy trong tổng số 350 ngàn dân của thành phố.Chuyện liên quan như vậy
nên chuyện các ông lớn Mỹ tới Hiroshima là chuyện được dân Nhật chú ý. Ông Tập
Cận Bình cũng chú ý vì chuyện thăm viếng và đặt vòng hoa tưởng niệm này khiến
hai nước cựu thù xích gần nhau hơn, bất lợi cho Trung Cộng. Hai ông tới gây ồn
ào quá cỡ, còn tôi tới thì êm ru bà rù. Không biết ai sướng hơn ai!
Hai
ông chỉ biết những chỗ người ta dẫn đi, còn tôi phây phây đi vào khắp ngõ ngách
nơi đã từng xảy ra thảm họa có một không hai trong lịch sử thế giới này, muốn tới
đâu thì tới, muốn coi chi thì coi, chẳng ai ngó ngàng tới! Điều tôi chú ý nhất
là chữ “hòa bình” được dùng cho nhiều tên trong quần thể lưu niệm này. Peace Bell (Chuông Hòa Bình), Peace Flame (Đuốc Hòa Bình), Children’s Peace Monument (Đài Tưởng Niệm
Nhi Đồng Hòa Bình), Hiroshima National
Peace Memorial Hall (Nhà Quốc Gia Tưởng Niệm Hòa Bình Hiroshima), Hiroshima Peace Memorial Museum (Viện Bảo
Tàng Tưởng Niệm Hòa Bình Hiroshima). Sau những lỗi lầm lịch sử, dân Nhật ngày
nay tôn vinh hòa bình ngay tại nơi bị chiến tranh tàn phá tang thương nhất.
Hiroshima hứng trái bom nguyên tử đầu tiên nhưng không gánh vác đau thương một
mình. Ba ngày sau, thành phố Nagasaki hứng trái bom thứ hai, gây tử vong cho từ
39 ngàn đến 80 ngàn nhân mạng. Cho tới nay vẫn chưa có trái bom thứ ba được thả
nên hai trái bom này, với thiệt hại nhân mạng khủng khiếp, vẫn là chuyện thế giới
phải nghĩ tới khi tổng kết và phê phán về hậu quả của chúng với sự kết liễu Đệ
Nhị Thế Chiến.
Chắc
mọi người còn nhớ trận Đệ Nhị Thế Chiến này diễn ra giữa hai phe: phe Trục gồm
ba nước là Đức Quốc Xã, Ý và Nhật Bổn; phe Đồng Minh gồm phần lớn các nước Âu
Châu và Hoa Kỳ. Ngày 8 tháng 5 năm 1945, Đức Quốc Xã đã chịu đầu hàng nhưng Nhật
vẫn tiếp tục chiến đấu. Ngày 26 tháng 7 năm 1945, phe Đồng Minh công bố bản
tuyên ngôn Postdam kêu gọi Nhật đầu hàng vô điều kiện nhưng Nhật phớt lờ coi
như pha. Mỹ, với sự đồng ý của Anh, dùng đòn chót: bom nguyên tử. Hiroshima
lãnh trái bom đầu. Đúng 16 tiếng đồng hồ sau khi bom nổ, Tổng Thống Harry S.
Truman ra tối hậu thư cho Nhật: nếu không tuân lệnh thì sẽ “chịu một trận mưa
tàn phá từ không trung chưa bao giờ xảy ra trên hành tinh này”. Nhật vẫn bướng
bỉnh chống đối nên ngày 9 tháng 8 sau đó, trái bom thứ hai mới được thả xuống
Nagasaki. Sáu ngày sau, ngày 15 tháng 8, Nhật mới chịu đầu hàng và Thế Chiến Thứ
Hai chấm dứt.
Khu
tưởng niệm bom nguyên tử ở Hiroshima là một quần thể rộng lớn nằm ngay chính giữa
thành phố. Đứng trong khu tĩnh lặng này không ai có thể tưởng tượng được nơi
đây, trước khi hứng bom, là khu downtown buôn
bán sầm uất của thành phố. Sau khi Nhật đầu hàng, Hiroshima đã biến nơi đây
thành khu tưởng niệm mang tên Peace
Memorial Park (lại “hòa bình”!). Cứ tưởng tượng nơi trung tâm rơi của trái
bom nguyên tử gây tàn phá khủng khiếp nay biến thành một nơi bình an, đẹp đẽ với
300 gốc anh đào được trồng dọc theo hai bên bờ sông Motoyasu ngăn khu này với
thành phố bên ngoài, khách thăm viếng mới biết là hòa bình đã được dân Nhật ngày
nay tôn vinh như thế nào.
Trời
quang mây tạnh, nắng nhạt nhòa yếu ớt, khi chúng tôi tới quần thể kỷ niệm này.
Điều đập ngay vào mắt là tòa nhà cao chỉ còn trơ bộ khung sắt nằm chơ vơ như bộ
xương người gầy gò ốm yếu. Đó là tòa nhà tưởng niệm A-Bomb Dome. Tòa nhà này được xây cất từ năm 1915, được sử dụng như
một công ốc của quận hạt Hiroshima. Nơi tòa nhà tọa lạc có một định mệnh. Trái
bom rơi xuống và nổ thành hình nấm trên bầu trời. Tòa nhà chỉ cách điểm nổ của
bom 160 thước. Tất cả mọi sinh vật và đồ vật trong tòa nhà đã tức khắc biến
thành tro bụi. Khung sắt của tòa nhà tuy có bị ảnh hưởng nặng nề nhưng không sụp
xuống. Cho tới ngày nay vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Tổ chức Liên Hiệp Quốc
UNESCO đã liệt tòa nhà này là di sản thế giới vào năm 1996.
Chúng
tôi, như mọi du khách khác, đã quay phim, chụp hình lia chia trước di tích này.
Đây là nhân chứng sống của sự tàn phá nguyên tử. Đúng 71 năm sau tôi mới tới mà
vẫn cảm thấy rùng mình khi đứng trước cái khung nhà chơ vơ này. Vậy mới hiểu được
lòng yêu hòa bình ngày nay của dân Nhật.
Sát
bên tòa nhà là dòng sông bình thản lượn lờ bên những cây anh đào đang vào độ rộ
hoa. Nhưng đi quá lên một chút, chúng tôi lại đụng vào chiến tranh. Giữa dòng
sông là bia kỷ niệm Memorial Cenotaph, tưởng
niệm tất cả các nạn nhân của bom nguyên tử. Nơi đây là tâm điểm của quần thể
lưu niệm. Một khối đá đen trông như một nấm mồ nằm dưới một vòm mái có hình chiếc
yên ngựa. Kiến trúc này hình thành như một mái trú ẩn cho các oan hồn uổng tử. Bên
trong nấm mồ này là tên của các nạn nhân bom nguyên tử, phía trước có khắc một
lời nguyện cầu bình an cho những người đã nằm xuống và tuyên hứa, nhân danh
toàn thể nhân loại, sẽ không bao giờ để cho thảm cảnh này tiếp diễn nữa. Ngay
dưới chân đài kỷ niệm là một giải nước nông cạn, phía dưới có những tấm đá đen,
mỗi tấm khắc những hàng chữ bằng một thứ ngôn ngữ. Tôi chỉ có chút ít thời giờ
đứng ở nơi đây nên không coi kỹ được đó là những ngôn ngữ nào nhưng tôi đoán đó
là những ngôn ngữ được dùng chính thức tại Liên Hiệp Quốc. Tôi đọc bản tiếng
Anh và chú ý tới câu chính: Let all the
souls here rest in peace for we shall not repeat the evil. Hãy để cho các
linh hồn nơi đây được an nghỉ vì chúng ta sẽ không tái diễn tội ác này nữa. Tôi
đứng lặng tưởng nhớ tới những nạn nhân của cuộc chiến. Bên tôi, vài người Nhật
đứng cầu nguyện với vẻ mặt thành kính.
Chiếc xe ba bánh bị bom.
Cũng
nằm trong khuôn viên khu tưởng niệm là một nấm mồ tập thể chôn tro cốt của 70
ngàn nạn nhân không nhận diện được. Mộ trông như một ngọn đồi được trồng cỏ bao
phủ xanh rì, nằm giữa một rừng cây xanh rất yên tĩnh. Tên tuổi họ còn được ghi
lại trong hai cuốn sổ do cảnh sát cứu cấp ghi lại sau khi tai nạn xảy ra. Hai
cuốn sổ ngày nay trông rách nát được trưng bày trong một tủ kính tại Bảo Tàng
Viện cũng nằm ngay trong khuôn viên khu tưởng niệm.
Bước
chân vào Bảo Tàng Viện, tôi như nín thở. Tất cả quá khứ đau thương được phơi
bày trong một khung cảnh âm u trầm buồn. Mọi người đều không dám bước mạnh. Những
tiếng nói thầm thì của khách viếng thăm như từ thế giới nào vọng về. Hình ảnh
rùng rợn xưa được phóng lớn, nằm trên những bức tường ẩn dấu những ngọn đèn lu
mờ. Có chỗ được dựng lại toàn cảnh khi bom nổ trên những bức tường gạch vỡ còn
được giữ lại từ 71 năm trước. Một phần bảo tàng viện được xây cất ngay trên những
tòa nhà đổ vỡ mà họ đã khéo léo giữ lại nguyên trạng.
Những
chứng tích đánh động vào con tim mọi người nhất có lẽ là những đồ chơi trẻ em bị
bom bóp nát, những bộ áo quần trẻ em bị xé thành từng mảnh, chiếc xe đạp ba
bánh méo xẹo. Bom không phân biệt tuổi tác. Vài ba viên ngói bị bom làm rộp lên
được đặt dưới ánh đèn mờ cho du khách chạm vào. Một nhân viên đứng cạnh hộc
trưng bày những viên ngói mời tôi đụng tay vào. Tôi nhẹ nhàng đặt tay lên những
đốm sần sùi nổi lên cồm cộm, mắt nhìn bà nhân viên, lắc đầu.
Tôi
ngơ ngẩn đi giữa những cảnh bị tàn phá và bắt gặp một chiếc bàn kính tròn, được
chiếu sáng từ phía dưới. Trên bàn là những con chim hạc xếp bằng giấy đủ màu
theo kiểu gấp giấy đặc trưng origami của
Nhật. Chúng mang lại chút tươi vui cho nơi chốn nặng những kỷ niệm buồn bã của
quá khứ. Nhìn vào bản giải thích mới rõ chuyện những con hạc này. Đó là những
con hạc do em bé Sadako Sasaki xếp. Trên tường là hình ảnh và những con chữ nói
về cuộc đời của em. Khi bom nguyên tử nổ trên bầu trời Hiroshima thì em Sasaki
mới được 2 tuổi. Em may mắn không bị thương tích chi. Những năm tháng sau đó em
lớn và phát triển như bất cứ một em bé
khỏe mạnh nào khác. Nhưng mười năm sau, em bị ung thư máu. Được đưa vào bệnh viện
điều trị, em rất yêu đời, ngồi xếp những con hạc bằng giấy với mong ước khi em
gấp được một ngàn con hạc thì em sẽ khỏi bệnh về đi học bình thường với các bạn.
Ước mơ của em bị dập tắt tám tháng sau đó. Em nhắm mắt với hình ảnh những con hạc
còn vương vấn trong em. Cho tới ngày nay khắp thế giới đã gửi về Khu Tưởng Niệm
hàng triệu con hạc. Nhiều du khách đã gấp những con hạc giấy và tận tay mang tới
tặng.
Cái
chết của em Sasaki đã làm dấy lên phong trào vận động để xây một khu tưởng niệm
cho những trẻ em bị tử vong vì bom nguyên tử. Và đài Tưởng Niệm Nhi Đồng Hòa
Bình được xây cất. Ngước nhìn lên bức tượng em Sasaki, nằm chót vót trên đỉnh
đài tưởng niệm, hai tay giang rộng như muốn thu lại cả bầu trời, ngẩng đầu nhìn
lên một con hạc được gấp bằng giấy treo ở phía trên, lòng tôi chùng xuống. Những
thân phận nhỏ bé này có đáng chịu một định mệnh khắt khe như vậy không?
Hàng
năm, tới ngày 6 tháng 8, chính phủ và dân chúng Nhật vẫn cử hành lễ tưởng niệm
tại khu tưởng niệm này. Đúng 8 giờ 15 phút sáng, giờ trái bom nổ trên bầu trời
Hiroshima năm xưa, tất cả đều yên lặng cúi đầu trong một phút mặc niệm để nhớ tới
những nạn nhân thương vong. Rất nhiều du khách đã tới đặt hoa tại Bia Tưởng Niệm
và tượng đài Tưởng Niệm Nhi Đồng Hòa Bình trong suốt ngày này. Buổi tối, hàng
hàng lớp lớp đèn lồng được đốt sáng và thả trên sông Motoyasunằm dọc theo khu
tưởng niệm. Lửa của đèn lồng lấy từ lửa nguyên thủy khi bom nổ được một công
dân sống trong giây phút hãi hùng ngày đó nuôi lại cho tới giờ. Trên đèn là những
câu viết thương nhớ những nạn nhân và cầu chúc hòa bình cho đất nước.
Tôi
nhận thấy một điều là phần lớn các kiến trúc tưởng niệm trong khu này đều được
xây cất với hình ảnh những vòm trú ẩn. Chúng nói lên thân phận bé nhỏ, yếu đuối
của con người trước thảm cảnh có một không hai của nhân loại. Bức tượng người mẹ
cúi rạp người che chở cho đứa con, với tay ra sau nắm tay một đứa con khác, được
tạc phía ngoài của khu Tưởng Niệm, ngay trên bãi cỏ tiếp giáp với đường Hòa
Bình, là một chứng tích khác nói lên sự chịu đựng của con người yếu đuối dưới sức
mạnh của bom đạn. Bức tượng mang tên “Mẹ và Con dưới trận Mưa Bão” với hình ảnh
người mẹ cúi rạp người xuống che chở cho con nói lên sức mạnh của tình mẫu tử.
Cũng trong ngày kỷ niệm 6 tháng 8, các bà mẹ thường tụ tập dưới chân tượng này,
đặt hoa và những con hạc được gấp bằng giấy, cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
Không
biết mai đây, khi tới thăm khu Tưởng Niệm Bom Nguyên Tử Hiroshima này, tonton Obama, người có quyền nhấn nút
cho nổ bom sẽ nghĩ chi?
Hai cuốn sổ của cảnh sát cứu cấp ghi tên
các nạn nhân nguyên tử.
Chiến
tranh là cách giải quyết tồi tệ nhất những mâu thuẫn của con người. Dân Nhật đã
có thời mang chiến tranh ra để thực hiện giấc mộng Đại Đông Á. Binh lính Nhật
đã đối xử nghiệt ngã, gây ra chết chóc, hãm hiếp người dân tại các quốc gia họ
xâm lấn như Trung Quốc, Đại Hàn và ngay cả Việt Nam. Đội quân xâm lăng đó ngày
nay vẫn được Nhật thờ phụng cùng với các liệt sĩ của mọi thời kỳ lịch sử của đất
nước trong ngôi đền Yasukuni ở Kyoto. Mỗi lần một viên chức cao cấp của Nhật tới
dâng hương ở đền này là một lần Trung Quốc và Đại Hàn phản đối. Thậm chí mới đây
nhất, ngày 21 tháng 4 năm 2016, Thủ Tướng Shinzo Abe của Nhật chỉ gửi lễ vật tới
dâng cúng cũng bị hai nước này phản đối kịch liệt. Nhưng đối với dân Nhật đền
Yasukuni là nơi thờ phụng tất cả những người lính tử trận vì đã chiến đấu cho
thiên hoàng. Cho tới nay đã có 2.466.532 tên được dân Nhật ghi công. Họ cho việc
thờ cúng những liệt sĩ là đề cao bản sắc dân tộc và là nền tảng cho tinh thần
yêu nước của Nhật. Tôi không có dịp tới viếng đền này trong thời gian ở Kyoto
nhưng, trong các dịp tới viếng thăm các ngôi chùa hoặc đền thờ Thần Đạo ở Nhật,
tôi thấy họ luôn luôn có một chiếc am nhỏ ngay nơi cổng vào để thờ những liệt
sĩ đã hy sinh cho tổ quốc.
Gìn
giữ tinh thần và bản sắc dân tộc là điều tôi thấy khi nhìn những em bé mặc đồng
phục xếp hàng tới đền thờ. Họ dậy dỗ con em ngay từ lúc còn ở tuổi mẫu giáo. Có
lẽ chính những giáo huấn này đã khiến dân Nhật ngày nay sống trong niềm tự hào
dân tộc rất mạnh. Người ta nói việc dân Nhật không chú tâm học tiếng ngoại quốc,
nhất là tiếng Anh, là vì tự hào dân tộc. Không biết có đúng không. Nhưng tôi thấy
một trong những biểu hiện rõ ràng của tư cách con dân Nhật là chuyện không nhận
tiền tip. Tôi hồ nghi chuyện này khi
tới Nhật. Và tôi làm một bài toán thử. Buổi sáng, khi rời khách sạn, tôi để một
miếng giấy viết “ Thank You” và một số
tiền cho người dọn phòng. Chiều về, số tiền vẫn còn nguyên, trên miếng giấy có
viết thêm vài câu tiếng Nhật. Dĩ nhiên tôi mù câm chẳng biết họ viết chi. Thủ tờ
giấy trong túi, khi gặp một du sinh Việt Nam, tôi nhờ dịch giùm. Đại khái họ viết
là rất cám ơn việc tôi đã nghĩ tới họ nhưng họ không thể nhận số tiền này được.
Tại các nhà hàng ăn uống, họ cũng không nhận tiền tip. Nếu khách để tiền lại trên bàn, họ chạy theo trả lại.
Một am thờ liệt sĩ tại một ngôi chùa ở
Tsuyama.
Nhưng
ông Nhật tại một quán bán bánh mực ở Osaka lại không cho
tôi dịp may từ chối như cô dọn phòng và các nhân viên nhà hàng. Coi bộ ông này
rất chịu chơi với chiếc mũ cao bồi. Bữa
đó đi ngang qua một quán bán bánh bột có nhân là một miếng mực, thứ bánh mà các
đệ tử của phim Đại Hàn chắc phải biết. Nhìn thấy một bà đang xiên từng chiếc
bánh trong khuôn để trở bánh cho vàng, tôi phục cái tay nhanh nhẹn đầy…nghệ thuật
của bà quá. Tôi xin phép quay phim. Ông chồng bà từ trong nhà ra nhìn. Chờ tôi
quay xong, ông hỏi người từ đâu tá. Tôi trả lời. Xong tôi mua một gói. Khi tôi
trả tiền thì ông nhất định không cho bà vợ lấy. Nói thế nào ông cũng không chịu.
Tôi không nhận gói bánh thì ông ấn vào tay tôi với vẻ mặt khẩn khoản. Tôi đành
phải nhận gói bánh biếu của ông. Một ông bạn đi cùng tôi chờ cho ông này đi vào
trong nhà, mua tiếp. Ông lại chạy ra. Nhưng ông trễ một bước. Bà vợ đã nhận tiền.
Ông không chịu thua. Bà vợ trả tiền lại nhưng ông bạn tôi nhất định không lấy.
Vậy là ông giở chiêu khác. Ông bảo bà vợ cho thêm bánh vào gói!
Có đi
vào ngóc ngách của đời sống dân chúng mới thấy niềm tự hào và tấm lòng của người
dân xứ này. Họ kỷ luật và hiếu khách. Bất cứ chỗ nào có từ hai người trở lên là
họ tự động xếp hàng. Chen ngang vào hàng là điều tối kỵ. Nhưng họ tôn trọng và
vui vẻ chấp nhận những trường hợp bất khả kháng của du khách đi từng đoàn đông
người cần phải lên chung một chuyến tàu hay xe. Cái cúi đầu chào của họ trong mọi
trường hợp có lẽ là một thứ “dân tộc tính” khác. Không biết mỗi ngày họ gập người
bao nhiêu lần. Tôi nói giỡn với một ông bạn: đây không thuộc lãnh vực văn hóa
mà thuộc lãnh vực thể dục thể thao!
Tôi
đã viết trong phần đầu của loạt du ký này chuyện tôi nghe thấy huyền thoại là tại
Nhật đồ để quên hay đánh rơi ngoài đường không bao giờ mất. Nhiều người ngoại
quốc đã kể lại kinh nghiệm cá nhân của họ. Nhưng tôi vẫn phân vân: bộ ngày nay vẫn
có nơi y chang như dưới thời Nghiêu Thuấn hay sao? Cuối cùng tôi đã có kinh
nghiệm về “huyền thoại” này. Vào những ngày cuối ở Nhật, trong lúc viếng thăm
khu tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử tại Hiroshima, tôi để thất lạc một trong
những máy chụp hình của tôi. Tôi không biết chiếc máy bị quên ở chỗ nào trong
khu tưởng niệm rộng lớn này. Về tới khách sạn mới biết cớ sự. Nhưng vì không có
thời giờ, lại di chuyển liên miên, nên tôi chặc lưỡi cho qua. Khi về tới
Montreal, tiếc những tấm hình chụp trong máy, tôi thử cầu may bằng cách tìm vào
internet. Kiếm được e-mail của Peace
Memorial Park ở Hiroshima, tôi gửi ngay một thư trình bày sự kiện. Chỉ một
thời gian ngắn sau tôi nhận được trả lời. Họ cho biết là họ có giữ một máy hình
như tôi cho chi tiết vào ngày đó nhưng vì họ chỉ được giữ một tuần, sau đó phải
nộp cho cảnh sát nên chiếc máy hình của tôi hiện nằm tại bót cảnh sát. Họ đề
nghị nếu tôi có bạn tại Nhật thì ủy quyền cho bạn tới lãnh, nếu không họ có thể
lãnh giúp tôi và gửi về Canada. Tôi nhờ họ lãnh giùm. Họ gửi cho tôi mẫu giấy ủy
quyền để tôi ký. Mẫu toàn bằng tiếng Nhật. Biết trình độ tiếng Nhật của tôi nên
họ gửi kèm theo một bản khác, khoanh đỏ chỗ tôi phải ký. Tôi ký và gửi lại. Họ
cho biết để tránh sự nhầm lẫn, yêu cầu tôi mô tả máy hình, cho kích thước máy,
kiểu máy, số máy. May là tôi còn giữ được chiếc bao và cái xạc điện của máy.
Tôi cho kích thước của chiếc bao, kiểu máy và số máy trên cái xạc điện. Để chắc
ăn, tôi chụp hình và gửi kèm theo luôn. Cho chắc ăn hơn nữa, tôi gửi một tấm
hình của một ông bạn chụp tôi đang sử dụng chiếc máy hình bị thất lạc. Chỉ một
ngày sau, họ xác nhận đúng là máy hình của tôi và họ cho biết sẽ gửi qua Canada
cho tôi. Phí tổn do tôi chịu. Họ gửi qua bưu điện Nhật. Cách tính phí tổn rất
tiện lợi. Họ cho biết giá bằng tiền Nhật nhưng kèm theo là số phiếu International Reply Coupon tương đương.
Phiếu này có thể mua tại Bưu Điện Canada. Cẩn thận hơn, họ còn vào website của Bưu Điện Canada, chỉ rõ phiếu
và giá tiền mỗi phiếu. Tôi chỉ việc ra Bưu Điện mua và gửi cho họ đủ số phiếu cần
thiết. Họ đã nhận được phiếu, máy hình đang trên đường về Canada. Nếu chuyện
này xảy ra ở một nước khác, kết cục có được như vậy không? Có thể được nhưng ở
Nhật thì hầu như chắc chắn khổ chủ sẽ lại cầm trong tay món đồ thân yêu của
mình.
Tôi đã
đi du lịch nhiều nước nhưng phải nói là chưa có nơi nào tôi cảm thấy yên tâm,
thanh thản và an bình như những ngày thăm viếng Nhật. Nhiều du khách đã cảm phục
đất nước và con người Nhật Bổn, tôi có khen thêm cũng bằng thừa. Nhưng tôi vẫn
phải buộc mình kể ra những gì tôi đã tai nghe mắt thấy trong hai tuần lưu lại
Nhật, như chứng tỏ lòng cảm phục một dân tộc Á châu đã tự đứng dậy, vươn lên
thành một cường quốc bằng cách vượt qua chính những lỗi lầm của họ trong quá khứ.
05/2016Website: www.songthao.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét