Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016
Việt Hùng/Người Việt - Bà quả phụ anh hùng 'Mũ Ðỏ tên Ðương' tìm về Ðồi 31 Hạ Lào
Bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương và con trai Nguyễn Viết Xa khấn vái
vong linh của chồng và cha trên đỉnh đồi 31, Hạ Lào. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Sau khi được cộng đồng người Việt ở hải ngoại giúp đỡ, trưa 12 Tháng Tư,
2016, bà quả phụ cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương, tức Trần Thị Mai, và người con
trai út Nguyễn Viết Xa đã có chuyến đi từ Sài Gòn đến đồi 31, Hạ Lào, nơi “Người
Anh Hùng Mũ Ðỏ Tên Ðương” hy sinh.
Buổi trưa hôm ấy, anh Nguyễn Viết Xa cũng chạy xe ôm, nhưng khác hẳn mọi hôm,
hôm nay anh chở vị khách đặc biệt, là mẹ của mình, thẳng tiến phi trường Tân
Sơn Nhất, bắt đầu cuộc hành trình đầy khó khăn để sang vùng đất nơi thân phụ
mình nằm lại.
Máy bay vừa cất cánh, bà Mai quay sang chúng tôi nở nụ
cười: “Ðây là lần đầu cô đi máy bay, nên cảm giác hơi run. Nhưng cứ nghĩ sắp được
đến Hạ Lào là vui lắm.”
Ngồi bên cạnh bà Mai, anh Nguyễn Viết Xa cũng vậy.
Khuôn mặt hiền lành, nhìn cái gì trên máy bay cũng đều lạ lẫm. Có lẽ suốt hàng
chục năm qua, ước mơ một lần được ngồi máy bay của vợ con người anh hùng Mũ Ðỏ
tên Ðương mới thành hiện thực.
Tỉnh Quảng Trị có ranh giới với Hạ Lào, không có phi
trường, chúng tôi mua vé bay ra phi trường Phú Bài của Huế, rồi từ đó bắt xe đi
Quảng Trị, men theo đường tỉnh lộ 9 sang biên giới nước Lào qua cửa khẩu Lao Bảo.
Ðón chúng tôi ở phi trường Phú Bài là hai người quen
mà phóng viên Người Việt đã liên lạc từ trước. Họ đều là người Việt Nam đang
sinh sống và làm ăn ở Lào và nói được tiếng Lào sành sõi. Khi nghe tin báo Người
Việt đề cập đến việc đưa bà Mai sang vùng Hạ Lào, họ vui vẻ bỏ công việc và bắt
xe để giúp đỡ cuộc hành trình mà chúng tôi đang hướng đến.
Ðường đến Hạ Lào
Từ Phú Bài, Huế, đến cửa khẩu Lao Bảo khoảng 200km, chiếc xe chúng tôi bắt đầu
lăn bánh trên quốc lộ 1A, đi tới địa phận tỉnh Quảng Trị, qua con sông lịch sử
Thạch Hãn khoảng 20km là có con đường số 9, bên tay trái. Rẽ vào đó và thẳng tiến
khoảng 90km là đến cửa khẩu Lao Bảo.
Bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương và con trai Nguyễn Viết Xa
lần đầu tiên trong đời đi máy bay. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Trên đoạn đường số 9 này, đoàn chúng tôi ghé lại khu vực Khe Sanh, nơi chiến
trường khốc liệt trong chiến dịch hành quân Lam Sơn 719, thắp nén nhang tưởng
niệm các tử sĩ VNCH, cũng như các quân nhân Hoa Kỳ hy sinh ở khu vực đồi núi
này.
Con đường 9 ngoằn ngoèo, băng qua những vùng đồi núi
trập trùng đầy cây xanh. Ðến cửa khẩu Lao Bảo đã 5 giờ chiều, làm thủ tục xuất
và nhập cảnh xong là trời tối đen như mực. Hạ Lào đón chúng tôi bằng một cơn
mưa tầm tã.
Hạ Lào là một vùng quê miền núi nghèo khó, nguồn thu
nhập của người dân ở đây chủ yếu từ cây chuối. Tìm một khách sạn đầy đủ tiện
nghị ở đây còn khó hơn lên trời. Chúng tôi tìm mãi mới ra được một khách sạn,
hay nói đúng hơn là một nhà nghỉ ven đường, vì phòng chỉ có một chiếc quạt gọi
là& tiện nghi. Ngoài ra không có vật dụng gì khác.
Thời tiết ở đây khắc nghiệt, ban đêm trời lạnh và ẩm ướt
bởi sương mù. Nhưng ban ngày rất nóng bởi ánh nắng mặt trời và nguồn gió Lào
khô khan.
Ðêm đó, nói chuyện với chủ khách sạn, chúng tôi biết
được 2 ngày nữa là ngày Tết chính thức của người Lào. Người dân đang chuẩn bị
đón tết, nên chợ búa, hàng quán không buôn bán gì. Bởi vậy việc tìm khách sạn
đã khó, mà việc tìm thức ăn còn khó hơn.
Cuối cùng mọi người ăn món “xôi hấp thịt gà nướng,”
món đặc trưng của người dân nơi đây. Bà Mai lại là người ăn chay trường, bởi vậy
chỉ có thể ăn một ít xôi với phần lương khô chay, mà bà đã chuẩn bị sẵn mang
theo.
Gian khó là vậy, nhưng khi được hỏi “cô có mệt không?”
Bà trả lời: “Có gì đâu mà mệt, cứ nghĩ sáng mai được đến đồi 31 là hết mệt. Cảm
xúc của cô bây giờ cứ vui buồn lẫn lộn. Vui vì sắp được chứng kiến nơi anh
Ðương đã hy sinh. Nhưng buồn vì có lẽ khó mà tìm được xương cốt của ảnh.”
Hai mẹ con khi vừa bước qua cửa khẩu biên giới Việt-Lào.
(Hình: Việt Hùng/Người Việt)
(Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Rồi bà tiếp tục cầm tràng hạt, miệng lẩm nhẩm tụng kinh. Tôi nhìn bà, nét khắc
khổ hiền hòa của người phụ nữ miền Nam. Trong thời chiến, họ hy sinh ở nhà chăm
sóc con cái cho chồng ra chiến trận. Thời bình, họ đứng trước cảnh mất chồng,
các con thơ còn quá nhỏ. Thế nhưng họ không bỏ cuộc, tiếp tục cuộc mưu sinh,
nuôi dạy con khôn lớn.
Ðồi 31, nơi người lính không về!
Sáng 13 Tháng Tư, đúng vào 30 Tết của người Lào, cả khu thị trấn Tchepone-Hạ
Lào vắng hoe. Chúng tôi ghé một quán cà phê cóc ven đường, tình cờ gặp anh Kha,
một người Việt đang làm ăn sinh sống ở đây.
Khi được hỏi về đồi 31 Hạ Lào, anh Kha cho biết: “Người
dân ở đây gọi vùng đất này là Nam Lào, tôi chỉ biết là có một ngọn đồi, trước
1975 là nơi đóng quân của lính VNCH và lính Mỹ. Hiện nay họ đã làm một viện bảo
tàng. Nhưng không biết đây là đồi 30 hay 31.”
Rồi anh chỉ đường cho chúng tôi. Ðó là một ngọn đồi rộng
khoảng 10 hecta. Bên ngoài cổng có tấm biển ghi bằng tiếng Lào và tiếng Anh, tạm
dịch sang tiếng Việt là “Bảo tàng di sản chiến tích chiến tranh Việt Nam-Lào
trên đường 9.”
Khung cảnh hoang vắng, không một bóng người. Nơi đây vẫn
còn lưu giữ những chiếc trực thăng của Mỹ, Xe chở quân đội VNCH, súng ống đại
bác... Tại đây chúng tôi gặp được anh Xê Phảnh, người Lào, là người bảo vệ ở
khu vực này.
Khi được hỏi về đồi 31, anh cho biết: “Ở đây là khu vực
đồi 30, khu vực của quân đội Mỹ và VNCH đóng quân trước đây, thuộc huyện
Sepone, tỉnh Savannakhet. Còn đồi 31 cách đây khoảng 7km, cũng sát bên đường 9,
nó thuộc bản Skiphine.
“Hiện nay bên đồi 31 chỉ có một cái miếu thờ, người ta đã xây hàng rào bao xung
quanh, phải có chìa khóa mới vào bên trong được.” Anh Xê Phảnh vừa nói, vừa chỉ
tay sang khu vực vùng đồi 31.
Sau khi nghe chúng tôi trình bày về mục đích đi đến
đây, anh Xê Phảnh ngạc nhiên: “Tôi làm việc ở đây đã hơn 15 năm, nhưng đây là lần
đầu tiên tôi thấy một phái đoàn thuộc lính VNCH ngày xưa sang đây thắp hương.”
“Các cựu chiến binh miền Bắc Việt Nam hàng năm vẫn đến
đây viếng thăm, nhưng phía VNCH thì không thấy ai? Có lẽ quí vị là người đầu
tiên thuộc lính VNCH tìm đến đây để viếng?”
Anh Xê Phảnh cho biết thêm: “Ðồi 31 chủ yếu là lính miền
Bắc Việt Nam, chết rất nhiều. Vì Mỹ cho B52 rải thảm ở khu vực đó. Bởi vậy bên
đó người ta xây đền thờ lính miền Bắc với dòng chữ ‘Tổ quốc ghi công’. Còn lính
miền Nam cũng có chết ở đó, nhưng rất ít.”
Khi chúng tôi đề cập đến việc dẫn phái đoàn qua thăm đồi
31, anh Xê Phảnh tỏ ra lo ngại: “Thật tình mà nói, nếu sếp tôi có ở đây thì các
bạn khó mà tự do đến đó (chính quyền đang quản lý khu đồi 31 hiện nay là Ðảng
nhân dân cách mạng Lào, rất thân với Ðảng CSVN). Nhưng nay là dịp Tết của người
Lào, nên ông ta đã về Viêng Chăn ăn tết cùng gia đình.”
Nghe xong, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì nếu đi qua
Lào vào ngày khác, có lẽ khó mà vào được đồi 31.
Anh Xê Phảnh đưa chúng tôi sang đồi 31. Từ đồi 30, men theo đường 9, hướng về cửa khẩu Lao Bảo-Việt Nam khoảng 7km, sẽ bắt gặp một ngọn miếu thờ bên phía tay trái nằm trên một ngọn đồi hiu quạnh.
Anh Xê Phảnh đưa chúng tôi sang đồi 31. Từ đồi 30, men theo đường 9, hướng về cửa khẩu Lao Bảo-Việt Nam khoảng 7km, sẽ bắt gặp một ngọn miếu thờ bên phía tay trái nằm trên một ngọn đồi hiu quạnh.
Ðồi 31 nằm sát ngay đường 9, khu đất này cao hơn mặt
đường khoảng 10m. Tấm bảng bên ngoài bức tường rào, ngay cổng lối đi vào khu đền
thờ, ghi bằng cả chữ Lào và Việt Nam với lời lẽ đầy phân biệt đối với chính quyền
VNCH.
'Mong anh hãy theo mẹ con em về Việt Nam'
Ðúng 11 giờ trưa, chúng tôi đến khu vực đồi 31. Ngọn đồi hoang vu giá lạnh. Ðất
đai khô cằn, nền đất đỏ với nhiều hạt đá nhỏ trộn lẫn vào nhau. Chỉ có giống cỏ
voi là còn mọc được nơi đây, ngoài ra không thấy cây cối nào khác.
Cầm tấm hình cố Ðại Úy Ðương trên tay, bà Trần Thị Mai
bước xuống xe như ứa nước mắt, nhìn xa xăm và nói: “Cô cảm thấy lạnh quá cháu
à. Cô cảm nhận được anh Ðương đang ở rất gần đây.” Rồi cô ôm bó nhang, cùng bịch
trái cây đã chuẩn bị sẵn mang theo bên mình, đi đến khu vực có miếu thờ.
Chưa đi tới cổng vào, tự nhiên một trái táo trong món
đồ cúng mang theo rơi xuống đất. Bà Mai giật mình đứng lại, hai tay chắp lại,
quì xuống vái lạy và miệng lẩm nhẩm: “Anh Ðương ơi, có phải anh muốn báo nơi
anh mất chính là ở đây?” Rồi bà òa khóc nức nở.
Thấy thế, anh Nguyễn Viết Xa cũng chạy đến bên mẹ, và
hỏi: “Hay là mình cúng ở đây đi mẹ à.” “Ừ, đúng rồi, mình làm lễ thắp hương ở
đây đi con. Mẹ cảm nhận cha con đã hi sinh ở nơi này.” Bà Mai trả lời.
Rồi bà thắp nhang, bày vật dụng đã mang sẵn theo ra để
làm nghi thức cúng viếng. Trong tiếng gió rít trên đồi, tiếng bà thì thầm với
người chồng nằm lại mảnh đất này: “Anh Ðương ơi, hôm nay em dẫn con trai của
anh đến đây thắp nhang và rước vong hồn của anh về lại Việt Nam. Ðây là lần đầu
tiên em đến được nơi này.”
“Nếu anh có linh thiêng thì hãy theo mẹ con em về Việt
Nam, chứ ở đây lạnh lẽo lắm anh à. Em sẽ thỉnh một nắm đất nơi đây, đem về Việt
Nam để nơi Chùa, mong hương hồn anh hãy theo em về, để mẹ con em còn được thắp
hương cúng thờ cho anh.”
Bà Mai vừa nói, vừa bốc nắm đất bỏ vào cái khăn vải đỏ
gói lại để mang về Việt Nam.
Bàn thờ tạm trong ngôi miếu trên đồi 31, nơi bà Mai cúng vái vong linh
của chồng cùng các tử sĩ của cả 2 bên.
Còn anh Nguyễn Viết Xa nói với cha: “Ba ơi, 45 năm rồi từ ngày ba ra đi đến hôm
nay con và mẹ mới được đến nơi đây. Ngọn đồi 31 này con cũng nghe nhiều, nhưng
hôm nay mới được chứng kiến. Con và mẹ đã rất muốn đến đây sớm hơn, nhưng điều
kiện không cho phép. May mà có quí vị ân nhân ở hải ngoại giúp đỡ, nay mẹ và
con mới đến được nơi này.”
“Khi ba mất con còn quá nhỏ. Bởi vậy
con không nhớ gì về thời gian ba còn sống bên con. Chỉ nghe mẹ nói trong 4 anh
chị em, ba thương con nhất. Con mong ba hãy an nghỉ, bởi còn có rất nhiều người
quí mến ba. Họ đã giúp đỡ con và mẹ rất nhiều trong thời gian qua.”
Trong khi ấy, bà Mai sụt sịt khóc:
“Mong anh hãy tha lỗi cho em, vì em chưa làm tròn bổn phận của người vợ. Tâm
nguyện của anh, em cũng không hoàn thành. Vì đời sống quá khó khăn, bốn đứa con
không đứa nào được ăn học đàng hoàng. Hai đứa cũng đã mất rồi anh à...”
Rồi bà cầm xấp giấy tiền hàng mã,
rải đều trên đất. Mảnh đồi hoang vu, cùng với cơn gió Lào thổi mạnh, khiến cho
từng tờ giấy bay xa. Khuôn mặt bà nhìn xa xăm theo làn gió theo những tờ vàng
mã bay xa. Một mắt bà đã mù hẳn, con mắt còn lại cũng yếu mờ, nhưng bà vẫn cố
nhìn ra xa, xa mãi nơi ngọn đồi 31 huyền thoại, nơi rất nhiều người lính vẫn
nằm lại nơi đây không trở về.
Sau nghi thức cúng vái, bà Mai đi
thắp nhang khắp nơi, xung quanh ngọn đồi 31. Bà đi mà không biết mệt giữa cái
nắng chói chang và từng cơn gió Lào nóng khô khốc, hất vào mặt, từng cơn, từng
cơn...
“Cô phải thắp càng nhiều càng tốt,
không những cho anh Ðương mà còn các đồng đội của anh nữa con à. Họ cũng lạnh
lẽo lắm, bao năm qua không ai nhang khói hết!”
Sau đó, bà cầm di ảnh và “nắm đất”
của cố Ðại Úy Ðương, tiến thẳng vào ngôi miếu thờ. Tại đây bà bày mâm cơm để
cúng các vong linh đã bỏ mình nơi đây, trong đó có cả lính bộ đội Bắc Việt.
Bà Mai thắp hương, vái lạy, miệng
cầu: “Xin chào các người lính đã hy sinh nơi đây, hôm nay tôi đến đây để thắp
nén nhang kính viếng đến các anh. Tôi là vợ của người lính VNCH, nhưng tôi cũng
cầu chúc cho các vong linh của người lính Bắc Việt. Chiến tranh đã đi qua, mong
các anh hãy tha thứ cho nhau.”
Hai mẹ con bà Mai thắp nhang khắp khu đồi 31. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
“Tuy khác chiến tuyến, nhưng các anh đều đã hy sinh ở cùng một nơi này. Âu cũng là số phận. Bởi vậy ở thế giới bên kia, mong các anh hãy là những người bạn tốt của nhau, chứ đừng cầm súng mà chĩa vào nhau nữa. Tất cả chúng ta đều là người Việt Nam cơ mà.” Bà Mai gửi lời đến các vong linh.
Mong vợ chồng được ở mãi bên nhau
Mong vợ chồng được ở mãi bên nhau
Sau nghi thức cúng viếng ở đồi 31, mọi người bắt đầu ra về. Bà Mai vui hẳn: “Cô
vui vì cô tin là anh Ðương sẽ theo cô về Việt Nam.”
Khi được hỏi, lúc còn sống kỷ niệm
nào về Ðại Úy Ðương khiến bà nhớ nhất, bà cho hay: “Tính anh Ðương hay ‘nổ’
(nói dóc) lắm con à. Cô nhớ trước khi đi chiến dịch Lam Sơn, anh Ðương có nói
là đợt này đi xong chiến dịch là anh sẽ lên lon thiếu tá.”
“Hồi đó cô nghe chỉ cho vui, cứ nghĩ
ổng lại ‘nổ’ nữa rồi. Ai ngờ ổng lên thiếu tá thật. Nhưng có điều sau khi mất
mới được vinh thăng. Có lẽ đây là lời ‘nổ’ chính xác nhất của anh Ðương.”
Những mẩu chuyện vừa vui vừa buồn
theo suốt chiều dài cuộc hành trình từ Hạ Lào về lại Huế. Chúng tôi lưu trú lại
thành phố Huế một đêm.
Ðêm duy nhất ở Cố Ðô, chúng tôi lại
có một kỷ niệm đẹp khi mọi người cùng đi ăn tối. Chúng tôi bất ngờ được anh Lê
Quýnh, một người gốc Huế, nhận ra bà Mai và chủ động tới bắt chuyện.
“Tôi biết được câu chuyện của cô khi
vô tình đọc được bài viết trên báo Người Việt Online. Không ngờ được gặp cô nơi
đây. Bản thân tôi rất yêu thích bản nhạc ‘Anh Không Chết Ðâu Anh’ và quí mến,
nể trọng Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương.” Rồi anh lấy Guitar, tự đàn hát ca khúc “Anh
Không Chết Ðâu Anh” để tặng mọi người.
Sáng hôm sau, chúng tôi trở về lại
Sài Gòn và đi thẳng đến một ngôi Chùa mà bà Mai đã đặt trước am thờ và nhờ thầy
tụng kinh niệm Phật.
“Sau này cô mất, cô mong muốn được
thiêu và mang tro cốt đặt bên cạnh Ðại Úy Ðương nơi đây. Ðể con cháu có thể dễ
dàng đến thắp nhang cúng viếng. Và cũng để vợ chồng cô mãi mãi được bên nhau,”
bà Mai tâm sự.