Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016
Tuấn Khanh - 30/4, nói về một cuộc chiến thống nhất khác
Sau khi cá và biển chết, những con người Việt Nam đầu tiên chịu nạn bởi ánh hào quang phát triển XHCN đang bắt đầu quằn quại trên đất liền. Miền Trung giàu có biển khơi sẽ còn nhiều năm nữa nằm trong sự sợ hãi của khách du lịch toàn cầu, bởi sự chọn lựa dứt khoát giữa thép và cá tôm từ chính quyền.
41 năm sau
ngày chấm dứt cuộc chiến tranh có tên gọi thống nhất Bắc Nam, vào 30/4 năm nay,
nhân dân Việt Nam lại có dịp nhìn thấy một cuộc chiến “thống nhất” khác đang phủ
bóng lên quê hương mình: Cuộc chiến âm thầm từ lâu mang bóng dáng của người bạn
Trung Quốc.
Chưa bao giờ
trên trên toàn Việt Nam, nỗi sợ hãi có tên gọi Trung Quốc đang hình thành rõ
như vậy, bao gồm thực phẩm, hàng hoá, văn hoá mới, môi trường, chính trị… Khắp
nơi, một cuộc chiến không tiếng súng đang diễn ra nhưng thất bại luôn thuộc về
con người Việt Nam.
Mỗi lúc càng
không thể chối cãi: nạn ung thư về thực phẩm tăng nhanh trong toàn dân, nền
kinh tế lệ thuộc leo thang một cách ngu ngốc vào Bắc Kinh, biển và đất liền bị
công khai cưỡng đoạt dần dần, người Trung Quốc di cư ồ ạt và thiếu minh bạch
vào Việt Nam, biến nhiều điểm quan yếu của tổ quốc thành tô giới riêng của người
Trung Quốc.
Thậm chí năm
2016, đã có những nơi chỉ buôn bán, sinh hoạt cho người Trung Quốc và dùng tiền
nhân dân tệ, không tiếp người Việt. Giai đoạn mới cuộc chiến “thống nhất” đã đến.
Mới đây, từ
thảm hoạ môi sinh kinh hoàng xảy ra ở Vũng Áng, nhiều người Việt vẫn nghĩ rằng
Formosa Hà Tĩnh chỉ là công ty Đài Loan. Thế nhưng tiết lộ trên trang web mang
tên Trần Đại Quang, tên của chủ tịch nước hiện tại ở Việt Nam, cho biết hệ thống đó hoàn toàn là Trung
Quốc.
Tin cho biết,
theo công văn số 1407114 của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đề đạt với
chính quyền Hà Tĩnh về số lượng nhà thầu làm việc cho hệ thống này, thì trong số
28 công ty thầu, đã có đến 25 công ty Trung Quốc (không phải Đài Loan), chỉ có
3 công ty Việt Nam. Số lượng công nhân Trung Quốc cũng lên đến 10.000 người.
Bài viết trên
trang web Trần Đại Quang làm một phân tích ngắn về số tiền đầu tư và cổ phần mà
các công ty mang mác Đài Loan đại diện ở Vũng Áng, đã chỉ ra một khoảng trống
bí mật, cho thấy các công ty vỏ bọc này sau một thời gian ra mặt đã im lặng rút
dần, nhường chỗ cho “ông chủ” mới, ẩn danh, chiếm gần 50% vốn. Nguyên văn của
bài viết, khẳng định rằng “Formosa Hà Tĩnh không còn là doanh nghiệp nước
ngoài 100% vốn Đài Loan như đã đăng ký“.
Với cái cách
hết sức trịch thượng và được ưu ái kỳ lạ, hơn hẳn mọi quốc gia khác trên đất nước
này, chúng ta hãy im lặng tự xét giờ đây Formosa Hà Tĩnh là ai.
Với cái cách
bẻ cong được mọi thứ, đủ sức đẩy được thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường
Võ Tuấn Nhân bước ra đọc một thông cáo lừa dối và bệnh hoạn vào ngày 27/4, để
bao che tội ác cho Formosa, chúng ta hãy im lặng tự xét giờ đây Formosa Hà Tĩnh
là ai.
Câu chuyện
Formosa giống như là một phần, trong chương trình chiến tranh im lặng “giải
phóng” Việt Nam, bắt đầu bằng cuộc tận diệt môi sinh và con người suốt hàng
trăm cây số bờ biển.
Sự kiện này
chỉ là một giọt nước làm tràn ly, nhắc mọi người dân nhớ rằng từ sau 30/4 của
hơn 40 năm trước, về một cuộc “giải phóng” khác từ người bạn Trung Quốc. Và họ
đang thống nhất dần dần đất nước Việt bằng chiếm đóng, nạo vét tài nguyên, kiểm
soát các điểm trọng yếu quốc phòng, tàn phá thiên nhiên và sức sống của một dân
tộc. Dĩ nhiên, còn phải với sự tiếp tay của những kẻ buôn quê hương, bán dân tộc.
Suốt hơn 40
năm nay, người dân Việt đã “kháng chiến” âm thầm trong ý thức, kể cả với tuyệt
vọng. Họ chịu đựng sự đàn áp từ những kẻ có quyền vốn muốn bắt tay, quỳ luỵ với
Trung Quốc. Cuộc kháng chiến đủ hình thái, bắt đầu từ việc đặt câu hỏi thắc mắc
Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan giờ ở đâu, cho đến xuống đường phản đối chống Trung
Quốc giết hại ngư dân Việt, chống đồng hoá và thậm chí tự mình “kháng chiến” mỗi
ngày khi bước ra ngõ, đến chợ… đều hỏi nguồn gốc món hàng có phải từ Trung Quốc
hay không.
Cuộc kháng
chiến để sống sót tự phát đó, nhiều lúc trở thành nghịch cảnh vì bị các quan chức,
chính quyền bác bỏ, thậm chí khuyến cáo người dân hãy đầu hàng. Nhân dân bị kêu
gọi hãy chấp nhận cuộc “giải phóng” mới bằng ngôn ngữ khốn nạn như thực phẩm độc
nhưng ăn được, hàng lậu thối nát Trung Quốc được làm ngơ ầm ầm nhập qua biên giới,
các dự án nhận đút lót luôn mời và ưu tiên cho các nhà thầu Trung Quốc xây dựng
những sản phẩm tồi tệ chết người trên toàn quốc gia…
Trung Quốc, bằng
cách nào đó, đã biến dân tộc Việt Nam thành một quốc gia công dân hạng hai. Bất
kỳ ai khi nói về sự sai trái và tàn bạo của họ, chỉ được nói vu vơ là “người lạ”,
như một sự kỵ huý. Một sự trấn áp về tinh thần hiện rõ trong truyền thông nhà
nước, mỗi khi muốn đề cập nhắc đến đại quốc. Sự trấn áp hiện rõ từ bảng thông
cáo vừa qua của Bộ Tài nguyên & Môi trường về việc Formosa “vô can” với thảm
hoạ chất thải hoá học độc hại.
Những ngày cuối
tháng 4/2016, những con cá chết nằm dọc bờ biển Việt Nam như những xác người,
nhắc cho hàng triệu người nhớ về một cuộc chiến từ năm 1975 đã dừng tiếng súng,
nhưng rồi mở ra một cuộc chiến khác khốc liệt hơn. Cuộc chiến không có tiếng
súng, chỉ có tiếng vỗ tay, hoa, hữu nghị và những mất mát lớn lao không được nhắc
tên. Một cuộc chiến mà toàn dân tộc Việt, đất nước Việt đang là kẻ chiến bại.
Những con cá
biển miền Trung đáng thương không có quốc hội để kêu than. Chúng chết lặng lẽ
ngay trên bến bờ của hy vọng. Chúng chết ngay tại chỗ đã ngàn đời dung thân. Có
khác gì những người dân nghèo ven biển, đen đủi và im lặng cầm trên tay con cá
chết nhìn chúng ta như những bóng ma chết oan. Hàng triệu triệu giòi bọ đang
lúc nhúc rứt rỉa các thân cá chết lúc này. Những kẻ làm ngơ thảm cảnh hay chỉ
muốn cố bám víu quyền lợi Bắc Kinh, cũng đang rứt rỉa sinh lực cuối cùng của
quê hương này.
Một cuộc thống
nhất khác, ngay từ sau 30/4 của nhiều thập niên trước. Trên tấm bản đồ đầy những
điểm đánh dấu sự có mặt của người Trung Quốc, nhân danh thịnh vượng, bạn hãy
làm một đường nối tất cả, để nhận ra đó là hình thù một tấm lưới lớn. Chúng ta
rồi như cá, không còn đường đến với biển khơi tự do, và chỉ còn được sống – ăn
loại thức ăn nào mà họ đã chọn. Như những con cá trong lưới, nhưng chúng ta được
chết trong “thống nhất” mà không được giãy giụa hay cất tiếng.
(Nguồn:
anhbasam)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét