Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016
Phạm Chí Dũng - ‘Chống tham nhũng’: Đảng bắt đầu ‘mổ’ ngân hàng?
Hình minh họa.
“Muốn biết sân sau của vị nào thì cứ ‘mổ’
ngân hàng là ra hết” - chính một quan chức hạng trung làm ngành ngân hàng
đã nói chắc nịch như thế.
Từ năm 2011, Ngân hàng nhà nước
của Thống đốc Nguyễn Văn Bình - một nhân vật được dư luận đánh giá có mối quan
hệ rất gần gũi với thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng - bắt đầu chiến dịch
“tái cơ cấu ngân hàng”. Sau đó, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ bị những ngân hàng “cá mập” thâu tóm đến mức nghe nói
“chỉ còn mỗi cái quần xà lỏn”.
Từ năm 2012, một số trang mạng
xã hội, đặc biệt là Quan Làm Báo, bắt đầu đề cập rất chi tiết đến một số
ngân hàng “sân sau” của quan chức lãnh đạo và về thực chất chiến dịch thâu tóm
mang lại lợi ích cho những nhóm quyền lực nào. Những cái tên ngân hàng như Sài
Gòn Thương Tín, Phương Nam, Bản Việt… bắt đầu được dư luận chú ý đặc biệt.
Đến năm 2014, bắt đầu nổ ra
chiến dịch “bắt ngân hàng”. Vào thời gian này, cuộc chiến quyền lực nội bộ cũng
tăng tốc và bắt đầu nhuốm màu đỏ tươi. Những cái tên trở thành “vật hy sinh” đầu
tiên là Ngân hàng Xây Dựng và Ngân hàng Đại Dương. Giới ngân hàng xáo động dữ dội.
Khôn quá thì chết, ngu quá cũng chết, không làm gì cũng chết…
Luật Nhân quả của xung đột
chính trị là chẳng một đại gia nào giữ được an toàn an sinh trên bờ cõi Việt
Nam.
Từ ‘bắt ngân hàng’ đến ‘xử
ngân hàng’
Một tuần sau khi kết thúc kỳ họp
thứ 11 Quốc hội để “chấm dứt triều đại Nguyễn Tấn Dũng”, người đứng đầu đảng cầm
quyền ở Việt Nam bắt đầu có một hoạt động nội chính đáng lưu tâm. Ngày
18/4/2016 trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng,
Tổng Bí thư Trọng đã tỏ ra sốt ruột và yêu cầu đưa ra xử một số vụ trọng án: “…Kết
luận đến đâu xử lý đến đấy, không cầu toàn chờ làm cùng một lúc, vụ nào có điều
kiện thì làm trước”.
Trong số những vụ trọng án mà
ông Trọng hối thúc đưa ra xử sớm, có hai vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại
Cổ phần Xây dựng Việt Nam và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương.
Vụ bắt lãnh đạo Ngân hàng Xây
dựng xảy ra vào tháng 7/2014, trùng với thời gian Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm
Quang Nghị bất ngờ xuất hiện ở Mỹ để “vận động chính giới Hoa Kỳ”. Vào thời điểm
đó, ông Nghị được một số dư luận xem là “người kế thừa số 1” của Tổng Bí thư Trọng.
Tuy nhiên đến khoảng cuối năm 2014, chính giới bắt đầu nhận định về Phạm Quang
Nghị với nỗi thất vọng: tỏ ra kém cỏi trong năng lực lãnh đạo và bị không ít dư
luận dị nghị về “chuyện này chuyện kia”, ông Nghị có nhiều dấu hiệu bị loại khỏi
“quy hoạch”. Những dấu hiệu này cuối cùng đã trở nên rõ rệt hơn khi tại Hội nghị
Trung ương 14 để chuẩn bị cho đại hội 12 của đảng cầm quyền, đã vắng bặt cái
tên Phạm Quang Nghị trong danh sách Bộ Chính trị mới.
Còn vụ bắt lãnh đạo Ngân hàng
Đại Dương xảy ra vào tháng 10/2014, ngay trước kỳ họp Quốc hội cuối năm đó. Người
bị bắt - Tổng giám đốc Hà Văn Thắm - được đồn đoán có quan hệ thân thiết với một
lãnh đạo cấp cao của Quốc hội Việt Nam. Vào thời gian đó, thậm chí còn có một
băng ghi âm được tung lên mạng, được cho là ghi lại phát ngôn của ông Thắm về vị
lãnh đạo Quốc hội này.
Cuối năm 2014 cũng là khoảng
thời gian “thoái trào” của những người bên đảng, nhà nước và Quốc hội. Tại kỳ họp
Quốc hội cuối 2014, bất chấp tình hình kinh tế và xã hội thê thảm, hầu như
không một dân biểu nào lên tiếng phản bác lại “thành tích” của chính phủ Nguyễn
Tấn Dũng. Không những thế, đến đầu năm 2015 lại nổ ra vụ “chữa bệnh” của trưởng
Ban Nội chính Trung ương thời đó là Nguyễn Bá Thanh. Sau Hội nghị Trung ương 10
vào tháng Giêng năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được cho là vọt lên đầu bảng
trong lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, còn ông Nguyễn Bá Thanh qua đời, để lại
chốn trần thế những uẩn ức còn lâu mới được giải tỏa.
Chiến dịch ‘hồi tố ngân hàng’?
Trở lại sự nghiệp “chống tham
nhũng”. Vào năm 2015, đảng đã chỉ đạo đưa 8 vụ trọng án ra xét xử. Tuy nhiên
cho đến cuối năm ấy, chỉ mới một tỷ lệ nhỏ trong đó được “hoàn thành nhiệm vụ”.
Có lẽ khi đó không ai còn tâm trí “làm án”, mà tất cả đều tập trung
sức lực cho bàn cờ “bất cứ ai ngoài Dũng” tại Đại hội XII.
Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào ngày 18/4/2016, một chi tiết đáng chú
ý là có một vụ bắt lãnh đạo ngân hàng khác - Ngân hàng GP (Ngân hàng Dầu khí) -
nhưng không thấy Tổng Bí thư Trọng đề cập. Vụ này xảy ra vào cuối tháng 7/2015,
chỉ 10 ngày sau khi Tổng Bí thư Trọng trở về từ chuyến công du “thành công
ngoài mong đợi” ở Hoa Kỳ. Lãnh đạo của Ngân hàng GP cùng đi trong đoàn ông Trọng
là ông Nguyễn Xuân Sơn đã bị Bộ Công an khởi tố và bắt giam.
Trên một “mặt trận” khác, vào
tháng 4/2016, cơ quan thanh tra của chính phủ mới Nguyễn Xuân Phúc đã công bố
quyết định thanh tra Vietcombank - ngân hàng thuộc loại lớn nhất trong hệ thống
ngân hàng nhà nước. Mặc dù Thanh tra chính phủ cho biết đây là công việc thanh
tra bình thường, nhưng một số dư luận lại cho rằng có dấu hiệu khối nội chính
đang muốn “đánh” ngân hàng. Nhiều dư luận cho rằng Vietcombank là “sân sau” của
chính Ngân hàng nhà nước, được “đỡ đầu” bởi cựu Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Rất
nhiều vụ việc trầm trọng của giới ngân hàng trong nhiều năm qua hầu như đã bị
bưng bít cho đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Giờ đây, tai họa có thể xảy đến
với giới ngân hàng không còn là tiềm ẩn. Nợ xấu ngập mặt và tình trạng lừa đảo
và chiếm dụng vốn quá phổ biến - như vụ Huỳnh Thị Huyền Như - đang khiến không
một ngân hàng nào an toàn, cho dù đó là ngân hàng có vốn nhà nước chiếm tỷ lệ
chi phối lớn như Vietcombank.
Cũng không loại trừ những cái
tên khác như Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV)…
Mới đây, người dân phát hiện một
phó giám đốc chi nhánh BIDV ở Long An chết trong tư thế treo cổ. Trước đó BIDV
chưa bị tai tiếng lớn, mà những vụ “tự chết” hay ra tòa rất thường liên quan đến
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - cũng thuộc loại hàng
đầu ở Việt Nam.
Một số biểu hiện tập trung xét
xử, thanh tra và điều tra đối với giới ngân hàng từ trước Đại hội XII và đặc biệt
gần đây cho thấy có thể bên đảng đang muốn tiến hành một chiến dịch, chưa biết
với quy mô và độ sâu đến đâu, nhắm vào giới ngân hàng và “sân sau” của một số
quan chức nào đó.
Nếu đúng thế, động cơ thực sự
của “chiến dịch ngân hàng” là gì?
Bản Việt?
Rất nhiều dư luận cho rằng
trong nhiều năm qua, ngân hàng là nhóm lợi ích liên quan đến quyền lực thao
túng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Người được xem là “cánh tay mặt” của Thủ tướng
Dũng chính là Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình. Nhưng sau Đại hội
XII, kết quả hết sức trái ngược: trong khi Nguyễn Tấn Dũng bị loại khỏi hầu hết
các vị trí quyền lực, Nguyễn Văn Bình lại “nhảy lên” Bộ Chính trị.
Tuy nhiên có vẻ bên đảng đã sắp
sẵn đối sách với trường hợp tân ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình. Sau kỳ họp
thứ 11 Quốc hội tháng 4/2016, ông Bình không còn được làm thống đốc ngân hàng,
cũng chẳng được giữ chức phó thủ tướng chính phủ như một số tin đồn trước đó,
mà được “đá lên” Ban Kinh tế Trung ương. Tại cơ quan thuần túy mang tính đảng
này, nhiệm vụ chủ yếu là “định hướng” mà không thể can thiệp cụ thể vào hoạt động
kinh tế và kinh doanh.
Từ sau Đại hội XII, một số đồn
đoán cũng xuất hiện về tương lai không “ngọt” của Ngân hàng Bản Việt - địa chỉ
được trấn giữ bởi con gái của cựu Thủ tướng Dũng là bà Nguyễn Thanh Phượng. Từ
năm 2011, Bản Việt đã trở nên rất nổi tiếng với thành tích thâu tóm ngân hàng.
Một câu hỏi phát sinh trên bàn
cờ chính trị thời “hậu Nguyễn Tấn Dũng”: Phải chăng Tổng Bí thư Trọng đang muốn
hối thúc xử nhanh hai ngân hàng Xây Dựng và Đại Dương “để làm gương”, sau đó mới
“sờ” đến những ngân hàng khác theo phương châm “cứ “mổ” ngân hàng là ra hết”
như bật mí của một quan chức tín dụng?
“Nhìn lên” Trung Quốc, từ năm
2012 khi bắt chiếm lĩnh cả hai vị trí tổng bí thư và chủ tịch nước, Tập Cận
Bình đã tìm cách tấn công vào một trong những tiêu điểm tham nhũng và quyền lực
là hệ thống ngân hàng. Đường hướng kèm thủ đoạn ấy đã mang lại kết quả không ngờ:
quá nhiều quan chức có cỡ bị lôi ra tòa trong một chiến dịch thanh trừng nội bộ
có tên “Đả hổ diệt ruồi”, còn quyền lực của Tập Cận Bình thậm chí có thể so
sánh với Mao Trạch Đông nửa thế kỷ trước.