Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016
Nam Nguyên/RFA - Xử lý khủng hoảng vụ cá chết quá chậm
Một người dân
với những con cá biển đã chết trên một bãi biển
ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế
ngày 21 tháng 4 năm 2016.
Vụ cá chết
hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung cho thấy phương cách xử lý khủng hoảng của chính
quyền là thụ động, chậm chạp. Trong khi các cuộc điều tra đều chỉ hướng về Khu
Công nghiệp Vũng Áng Hà Tĩnh và cá chết là do chất độc cực mạnh. Dường như cơ
chế và phương tiện, cũng như yếu tố con người, đã làm cho mọi việc khó sáng tỏ
kịp thời.
Tác hại của sự
kiện cá chết hàng loạt ở bờ biển miền Trung từ Hà Tĩnh tới Quảng Bình, Quảng Trị
và Thừa Thiên Huế gây ra một hậu quả dây chuyền cho đời sống của hàng triệu người
dân, trong khi các cuộc điều tra của nhiều bộ ngành, cứ lòng vòng chưa có kết
quả gì cụ thể. Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp
các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam từ Hà Nội nhận định:
“Tất cả những
sự phát triển lâu nay cứ thường nói là phát triển bền vững. Tức là phát triển
kinh tế đảm bảo những vấn đề xã hội, đảm bảo vấn đề môi trường. Thế nhưng phát
triển kinh tế chưa thấy đâu mà môi trường đã thấy hủy hoại một cách ghê gớm. Đặc
biệt chiều nay tôi nghe thấy một cái clip của VTC 14, ông Giám đốc Đối ngoại của
Công ty Formosa ở Hà Tĩnh trả lời phỏng vấn đã nói được cái này thì mất cái
kia, nói một cách rất là trắng trợn, điều này không thể chấp nhận được…”
Hầu hết báo
chí Việt Nam đều đưa tin về phát biểu được mô tả là gây sốc của ông Chu Xuân
Phàm, Giám đốc Đối ngoại của Formosa trong cuộc họp báo sáng 25/4/2016 tại Hà Nội.
Các báo trong đó có Tuổi Trẻ Online đã trích lời người đại diện Formosa nói
nguyên văn, muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai
thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được…Ông Chu Xuân Phàm nhìn nhận nếu
xả thải thì đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở vùng biển chung quanh
...không thể xây dựng một nhà máy mà không ảnh hưởng đến con cá con tôm…Nhiều
khi được cái nọ mất cái kia. Hôm nay nhà nước muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây
hay là chọn cái nhà máy thép ở đây, đương nhiên Nhà nước phải có sự cân nhắc.
Được biết
Formosa xác nhận đã nhập 300 tấn gồm 45 loại hóa chất để xử lý đường ống xả thải
trong thời gian vừa qua. Formosa nói rằng không có qui định nào về việc xử lý
đường ống thải bằng hóa chất phải thông báo trước cho chính quyền địa phương.
Các chuyên gia khoa học nói trên báo chí rằng, nếu hóa chất Formosa nhập về thải
ra biển, cá chết là tất yếu.
Hiện tượng cá
chết hàng loạt được phát hiện ở bờ biển Vũng Áng Hà Tĩnh từ đầu tháng 4, sau đó
lan xuống các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Cá sống gần mặt nước,
cá tầng sâu dưới biển, cá nuôi lồng chết đồng loạt và các cơ quan của Bộ Nông
nghiệp-Phát triển Nông thôn cho biết, cá chết không vì bị bệnh mà vì hóa chất độc
hại chưa xác định. Các thông tin trên báo chí nghi vấn việc nước biển bị ô nhiễm
vì chất độc xả thải từ Khu Công nghiệp Vũng Áng, nơi có nhà máy Thép Formosa
thuộc dự án 10 tỷ USD. Được biết nhà máy Formosa có hệ thống đường ống xả thải
đường kính hơn 1 mét, chiều dài 1,5km và được đặt sâu dưới mặt nước 17 mét.
Thông tin về đường ống này đã chỉ được các cơ quan chức năng xác nhận, sau khi
một người thợ lặn phát hiện và báo chí sau đó cho biết người này đã bí mật rời
khỏi nơi cư trú không rõ lý do.
Nhà máy thép
Formosa của Đài Loan tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh
chụp hôm 4/12/2015. AFP photo
chụp hôm 4/12/2015. AFP photo
Phó Giáo sư Hồ
Uy Liêm tiếp lời:
“Việt Nam
muốn phát triển, muốn sự hỗ trợ của các nước để phát triển nhanh hơn nhưng
không thể bằng cách hủy hoại môi trường. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến sức
khỏe người dân, ảnh hướng giống nòi người Việt Nam. Đây là những vấn đề vô cùng
trầm trọng tôi thấy cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên vừa rồi các địa phương lại
vào cuộc rất là chậm, đặc biệt Hà Tĩnh là chậm quá, người ta đang bận những việc
khác chứ còn ít lo đến chuyện này. Ở Trung ương thì nhanh hơn nhưng bây giờ thực
chất cũng chưa có kết quả gì và việc phát hiện ra những đường ống xả thải ở
Vũng Áng thì cũng là do người dân, họ tìm cách lần mò để tìm ra được, chứ không
phải la do quá trình quan trắc mà biết chỗ ấy như thế nào…cho đến bây giờ vẫn
chưa xác định được ô nhiễm có nguồn gốc từ đâu, tuy rằng ông Giám đốc đối ngoại
của Formosa thì đã nói một cách coi như khẳng định rồi là ô nhiễm từ đấy mà ra.
Đây là chuyện rất đáng ngại và chính phủ cần có hành động quyết liệt chứ không
thể như vậy mãi được.”
Khó tìm bằng
chứng
Cùng ngày
25/4/2016, Báo mạng Petro Times đặt vấn đề phải mở chuyên án điều tra nghi vấn
phá hoại môi trường ở Formosa, tờ báo còn trích dẫn thông tin từ mạng xã hội về
một số cáo giác của một kỹ sư ẩn danh làm việc ở khu công nghiệp Vũng Áng. Viên
kỹ sư cho biết mánh khóe của các nhà máy là chỉ xử lý nước thải một lượng nhỏ để
qua mặt nhà chức trách. Còn phần lớn là xả trộm tức không qua xử lý qua một đường
ống lớn chạy ngầm dưới biển. Viên kỹ sư này cho rằng các cơ quan chức năng
không nắm được qui trình xử lý nên dễ bị qua mặt.
Việc các Bộ
ngành và địa phương xử lý khủng hoảng môi trường một cách bị động và quá chậm
chạp thì sẽ khó tìm thấy bằng chứng Formosa xả thải không đúng qui định.
Xử lý nước thải
công nghiệp là một công việc cực kỳ tốn kém, nhất là với các nhà máy qui mô lớn
Formosa. Xử lý nước thải nghiêm chỉnh sẽ làm tăng chi phí sản xuất và giá thành
cũng như làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là câu chuyện muôn thuở đặc
biệt ở Việt Nam khi thể chế nói chung thiếu công khai minh bạch.
TS Nguyễn Ngọc
Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường từ Hà Nội trình bày kinh
nghiệm của ông về vấn đề gọi là hậu đánh giá tác động môi trường, để xem các
doanh nghiệp có thực hiện việc xả thải đúng pháp luật hay không
“Các nhà
máy đôi khi cố tình lẩn tránh việc kiểm tra. Một mặt họ yêu cầu muốn vào kiểm
tra phải thông báo trước để họ sẵn sàng. Nhưng mặt khác khi mình thông báo trước,
nếu họ cố tình thì họ lại tìm cách để lẩn tránh chuyện đó. Thế thì cũng đang có
nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết thật tốt khâu hậu kiểm tra. Thí dụ như
bắt các cơ sở sản xuất ấy tự trang bị các thiết bị về monitoring trong khi người
ta không vào kiểm tra được, hoặc là thực hiện kiểm tra đột xuất của các lực lượng.
Và quan trọng hơn nữa là vận động quần chúng để người ta phát hiện ra những việc
không tuân thủ theo pháp luật, hay báo cáo đánh giá tác động môi trường đã đưa
ra.
Chậm hơn báo
chí về phát hiện hệ thống đường ống xả thải ngầm dưới biển dài 1,5km, các giới
chức Bộ Tài nguyên Môi trường lúc đầu còn phát biểu trái ngược nhau về vấn đề
Formosa được cấp phép xả thải qua đường ống ngầm.
Theo
Vietnamnet, Formosa có thiết bị quan trắc tự động để ghi nhận các dữ liệu liên
quan đến xả thải, nhưng là do họ tự quản lý. Về nguyên tắc Sở Tài nguyên Môi
trường Hà Tĩnh là cơ quan giám sát trạm quan trắc tự động của Formosa, tuy
nhiên các thông số này lại không được nối mạng cho Sở Tài nguyên Môi trường Hà
Tĩnh vì địa phương không được trang bị máy móc chuyên môn để làm công việc này.
Phát triển
kinh tế đẩy mạnh sản xuất thường đi ngược lại vấn đề bảo vệ môi trường. Đặc biệt
là đối với các nước nghèo, cố gắng trải thảm đỏ cho các dự án đầu tư nước
ngoài. Việt Nam hẳn là không nằm ngoài hệ lụy này nhưng trách nhiệm của bất kỳ
chính phủ nào đều phải ưu tiên bảo vệ sức khỏe người dân và tương lai giống
nòi.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét