Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016
An Tôn/VOA - Nhà văn Nguyễn Thanh Việt lo ngại bản dịch 'The Sympathizer' bị kiểm duyệt
Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Việt.
EPA/PULITZER BOARD
Mặc dù rất bận rộn với chuyến
đi quảng bá sách tại Cambridge, bang Massachusetts, cũng như vẫn chưa hết sửng
sốt về việc được trao giải Pulitzer cho cuốn tiểu thuyết “The Sympathizer” của
mình, song Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Việt cũng đã cố gắng dành thời gian trả lời
phỏng vấn của Đài VOA về vinh dự của ông khi nhận giải thưởng danh giá này. Xin
mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn do An Tôn thực hiện.
VOA: Xin chào giáo sư và chúc mừng ông về
giải Pulitzer. Triết lý của cuốn tiểu thuyết là gì, thưa ông?
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Triết lý của cuốn tiểu thuyết
là trạng thái ở giữa các bên nghĩa là thế nào. Tôi lớn lên với tư cách là một
người tị nạn do Chiến tranh Việt Nam, và tôi nhận thức rõ về thực tế là những
người Mỹ mà tôi sống cùng nhìn vào cuộc chiến theo một cách riêng, còn những
người tị nạn Nam Việt Nam mà tôi sống cùng lại nhìn vào cuộc chiến theo một
cách riêng khác.
Khi tôi nhiều tuổi hơn và đọc
thêm về cuộc chiến từ góc nhìn của những người Việt Nam đã chiến thắng, tôi thấy
họ cũng nhìn cuộc chiến theo một cách riêng. Và những cách nhìn này đều hoàn
toàn khác nhau, và mọi người đều gắn chặt với thế giới quan riêng và những nỗi
đau của họ.
Tôi cho rằng điều đó là một vấn
đề rắc rối, vì đó là cách người ta nghĩ về chiến tranh, nhớ về chiến tranh, và
đó chính là cách chúng ta cài đặt bản thân mình cho những cuộc chiến trong
tương lai bằng việc chỉ nhớ về những nỗi đau, những vấn đề của riêng chúng ta.
Vì vậy, tôi đã muốn sáng tác
ra một cuốn tiểu thuyết về một người đàn ông mà mặc dù ông ta mạnh mẽ tin tưởng
vào một điều song cũng bị giằng xé, bị mắc kẹt giữa các bên vì ông có thể thông
cảm với những người có các quan điểm khác nhau. Đó là đức tính nhưng cũng là bi
kịch của ông, vì ông có đức tính đó trong một thế giới mà mọi người vẫn muốn
nhìn mọi sự việc chỉ theo một cách thôi. Do đó, người ta có thể làm những điều
kinh khủng, và đó chính là điều xảy ra với ông.
Nhưng tôi hy vọng cuốn tiểu
thuyết sẽ kích thích người ta phải nghĩ vì sao lại chỉ nhìn thế giới theo một
cách, và liệu có thể nhìn thế giới theo nhiều cách thì sao.
VOA: Ông đã lấy cảm hứng từ ai để viết cuốn
tiểu thuyết, nếu như có một nhân vật như vậy?
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Chắc chắn tôi biết có một gián
điệp ở Nam Việt Nam đã rất thành công và leo lên vị trí rất cao trong bộ máy
Nam Việt Nam. Nhưng khi viết tiểu thuyết, tôi muốn viết về một tay gián điệp hư
cấu gây lôi cuốn mọi người, một phần vì chuyện lịch sử, một phần vì tôi muốn cuốn
tiểu thuyết có tính giải trí, giống như các tiểu thuyết bán chạy.
Và tôi muốn gặp các độc giả ở
giữa chừng với việc kể câu chuyện có cốt truyện thuyết phục song cũng đòi hỏi độc
giả phải gặp tôi ở giữa chừng trong việc đối đầu với những vấn đề rất khó khăn
mà cuộc đời của một tay gián điệp là biểu tượng cho những điều tôi cho là gắn
trực tiếp với thảm kịch của cuộc chiến này đối với mọi người.
VOA: Ông đã thu thập các thông tin, chất
liệu như thế nào để viết?
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Khi tôi lớn lên, tôi đọc rất
nhiều sách về lịch sử của cuộc chiến. Tôi đọc nhiều tiểu thuyết về cuộc chiến,
xem nhiều phim Mỹ về cuộc chiến, và nghiên cứu về nó. Rồi khi tôi trở thành một
giáo sư, tôi có cách nhìn học thuật về điều này, và tôi đã đi tới Việt Nam,
Campuchia và Lào, dành một năm ở 3 nước.
Từ chuyến thăm đó, và những tiếp
xúc với những người tị nạn Nam Việt Nam, và với những người ở Việt Nam đã mang
lại cho tôi đủ cảm nhận về lịch sử, về đất nước, về cảm xúc của con người để
tôi có thể viết cuốn tiểu thuyết.
Có hai sự kiện tôi nhấn mạnh
trong tiểu thuyết là lúc Sài Gòn thất thủ, hay giải phóng Sài Gòn theo cách gọi
của bên kia, và việc làm bộ phim Apocalypse Now. Có hai trường đoạn về cái kết
của cuộc chiến và về việc sản xuất một bộ phim có vẻ giống Apocalypse Now.
Tôi đã đọc tất cả những gì có
thể đọc về Apocalypse Now cũng như về ngày Sài Gòn thất thủ. Đó là những trang
đầu của tiểu thuyết. Tôi rất chú tâm bảo đảm viết đúng về lịch sử, về những gì
diễn ra hàng tuần, hàng ngày, và ở những trang cuối là hàng phút, đối với thành
phố vào cuối tháng 4 năm 1975.
VOA: Ông từng nói ông viết cuốn tiểu thuyết
chỉ dành cho bản thân. Nhưng giờ đây nó trở nên rất nổi tiếng, ông có muốn in
nó ở Việt Nam không?
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Tôi đã có hợp đồng với một nhà
xuất bản ở Việt Nam và họ đang trong quá trình dịch cuốn tiểu thuyết, và tôi
cho là việc giành giải Pulitzer sẽ tăng tính cấp bách cho công việc dịch [cười].
Người ta hứa với tôi là bản dịch sẽ tốt. Nhà xuất bản cũng có danh tiếng.
Nhưng lo ngại lớn của tôi là
việc kiểm duyệt. Cuốn tiểu thuyết có những điều gây bực mình đối với mọi người
– người Mỹ, người Nam Việt Nam, những người cộng sản, đảng cộng sản, những người
Việt Nam đã chiến thắng. Nếu những đoạn tiềm tàng gây khó chịu cho chính phủ, đảng
cộng sản mà bị kiểm duyệt sẽ làm cho cuốn tiểu thuyết trở nên vô dụng.
Vì vậy, có điều khoản trong hợp
đồng nói rằng nếu bản dịch bị kiểm duyệt, tôi sẽ nhận lại bản dịch. Nếu quả thực
xảy ra việc kiểm duyệt, tôi sẽ làm hết sức mình để công bố bản dịch chính xác
và cung cấp cho mọi người Việt Nam hoàn toàn miễn phí.
VOA: Trên Facebook, trên mạng xã hội, người
ta nói là báo chí ở Việt Nam được đề nghị không đề cập đến ông khi đưa tin về
giải Pulitzer. Ông nghĩ gì về điều này?
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Quả thực tôi không nghĩ gì về
chuyện đó. Giờ đây, khi nghe về điều đó, trong mấy ngày qua, là tên tôi không
được nêu ra trong các tin [ở Việt Nam] về giải Pulitzer, tôi không thấy ngạc
nhiên, tôi hơi thất vọng, và cũng rất buồn cười, bởi vì đó chính là kiểu tình
huống mà tôi đã đưa vào cuốn tiểu thuyết.
VOA: Nếu chính quyền ngăn cản việc xuất bản
cuốn tiểu thuyết, ông sẽ cảm thấy thế nào, ông có thể bình luận gì?
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Tôi sẽ không ngạc nhiên. Thực
ra tôi ngạc nhiên khi có nhà xuất bản muốn in cuốn tiểu thuyết. Không phải vì
chuyện tại sao họ muốn in. Tất nhiên có nhiều người ở Việt Nam rất muốn đọc. Mà
tôi ngạc nhiên là có nhà xuất bản lại nghĩ họ có thể đưa ra thị trường cuốn tiểu
thuyết không bị kiểm duyệt. Tôi không rõ tình hình hiện như thế nào, đằng sau hậu
trường, ở Việt Nam.
Tôi dự liệu rằng bản dịch sẽ bị
kiểm duyệt, và tôi sẽ phải tự mình xuất bản nó, nhưng tôi sẵn sàng làm như vậy.
VOA: Xin cảm ơn ông và chúc ông có thành
công to lớn hơn!