Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Ngô Nhân Dụng - Biển Đông đỏ máu và nước mắt


Trên mạng Anh Ba Sàm, Tuấn Khanh nhìn thấy: “…những con cá chết nằm dọc bờ biển Việt Nam như những xác người …” Vụ cá chết trôi lên bờ biển suốt mấy tỉnh phía Bắc miền Trung là một đại họa cho môi trường sống, ảnh hưởng tới hàng triệu người dân. Một bản “Tuyên Bố về Tội Ác đầu độc Biển Miền Trung Việt Nam” hôm qua đã được 600 người, trong và ngoài nước ký tên, lên án chính quyền cộng sản “vô trách nhiệm, vô cảm và bất chấp lợi ích quốc gia, bất chấp cuộc sống của người dân…”
Trước ảnh nước biển bị ô nhiễm mang mầu đỏ lan dần dần từ Hà Tĩnh vào đến bờ biển ở Huế, Đà Nẵng, nhiều người đã nhìn thấy một “Biển Đông chảy máu!” Nhưng nói tới Biển Đông bây giờ, không người Việt Nam nào không nghĩ tới cuộc xâm lăng do cộng sản Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Cộng đang đe dọa thôn tính tất cả vùng biển Đông Nam Á, trong đó có hàng trăm hòn đảo và bãi đá ngầm thuộc Quần Đảo Trường Sa mà người Việt Nam vẫn còn giữ được. Những cuộc xâm lăng biển đảo liên hệ với vụ tàn phá môi trường sống mới xẩy ra hay không? Từ đầu, dư luận đã nhắm vào một công ty Đài Loan, mang tên Formosa, làm nhà máy gang thép trong vùng Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Muốn quy kết trách nhiệm cho công ty Formosa phải chờ các cuộc thử nghiệm và điều tra kỹ thuật, nhưng đằng sau công ty Formosa đã có bóng dáng chính quyền cộng sản Trung Quốc!

Thơ Trần Mộng Tú - Bốn Mươi Năm Lẻ Tiếng Thu Không

Tôi vừa thở dài một tiếng
đã bốn mươi năm lẻ ngoài
mới đây nghe gió chướng
bây giờ lệ đã khô

Ngồi nhìn xuống hai bàn tay
da nhăn như ngày tháng
ngày tháng như hồi chuông kéo ra rồi đứt quãng

bốn mươi năm lẻ vang vọng tiếng thu không

Hoàng Quân - Cô Giáo, Thầy Giáo

(Ảnh mang tính minh họa)

Ngày xưa, thông thường, chồng của cô giáo được gọi là thầy, cũng như vợ của thầy giáo được gọi là cô. Cho dù người chồng hoặc vợ không làm việc trong ngành giáo dục.

Nhưng trường hợp cô giáo tôi, cô Đỗ Thị Nghiên, trường Nữ Tiểu Học Quảng Ngãi thì khác. Chồng của cô, thầy Nguyễn Cao Can, là giáo sư dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi.

Cô Đỗ Thị Nghiên dạy lớp Bốn, trường Nữ Tiểu Học. Trong mắt nhìn của tôi, của con bé mười tuổi thuở ấy, cô Nghiên là một cô giáo rất đặc biệt. Cô nói giọng bắc, giọng nói du dương, trầm bổng. Tóc cô ngắn, ôm tròn khuôn mặt. Da cô trắng mượt mà. Có lần ngoài giờ học, trên đường phố của thị xã Quảng Ngãi, tôi thấy hai vợ chồng thầy Can, cô Nghiên đèo nhau trên xe gắn máy. Cô mặc mini jupe, mang kính mát, ngồi một bên, tréo chân, khép nép dựa vai thầy. Ấn tượng để lại trong trí của con bé tiểu học là hình ảnh của đôi vợ chồng sang trọng, thanh lịch, tân thời, cùng mang thiên chức cao cả: dạy dỗ lũ trẻ con nên người.

Nguyễn Quang Lập - Sài Gòn đã giải phóng tôi

Nhà văn Nguyễn Quang Lập (ảnh: Uyên Nguyên)
Mãi tới ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi mới biết thế nào là ngày sinh nhật. Quê tôi người ta chỉ quan tâm tới ngày chết, ngày sinh nhật là cái gì rất phù phiếm. Ngày sinh của tôi ngủ yên trong học bạ, chỉ được nhắc đến mỗi kì chuyển cấp. Từ thuở bé con đến năm 19 tuổi chẳng có ai nhắc tôi ngày sinh nhật, tôi cũng chẳng quan tâm. Đúng ngày “non sông thu về một mối” tôi đang học Bách Khoa Hà Nội, cô giáo dạy toán xác suất đã cho hay đó cũng là ngày sinh nhật của tôi. Thật không ngờ. Tôi vui mừng đến độ muốn bay vào Sài Gòn ngay lập tức, để cùng Sài Gòn tận hưởng “Ngày trọng đại”.
Kẹt nỗi tôi đang học, ba tôi không cho đi. Sau ngày 30 tháng 4 cả nhà tôi đều vào Sài Gòn, trừ tôi. Ông bác của tôi dinh tê vào Sài Gòn năm 1953, làm ba tôi luôn ghi vào lý lịch của ông và các con ông hai chữ “đã chết”, giờ đây là triệu phú số một Sài Gòn. Ba tôi quá mừng vì ông bác tôi còn sống, mừng hơn nữa là “triệu phú số một Sài Gòn”. Ông bác tôi cũng mừng ba tôi hãy còn sống, mừng hơn nữa là “gia đình bảy đảng viên cộng sản”. Cuộc đoàn tụ vàng ròng và nước mắt. Ông bác tôi nhận nước mắt đoàn viên bảy đảng viên cộng sản, ba tôi nhận hơn hai chục cây vàng đem ra Bắc trả hết nợ nần còn xây được ngôi nhà ngói ba gian hai chái. Sự đổi đời kì diệu.

Thụy Khuê - Phê Bình Văn Học Thế kỷ XX: Chương 4: Phê bình cũ - Phê bình mới hay Marcel Proust chống Sainte-Beuve

Trước khi tìm hiểu thực chất của phê bình văn học thế kỷ XX, chúng ta cần phân biệt thế nào là phê bình cũphê bình mới. Ở đây chúng tôi không đề cập lại những lối phê bình quá cổ, như phê bình luân lý, kiểu các cụ Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng... nhân danh đạo đức buộc tội Kiều và Nguyễn Du để đánh Phạm Quỳnh. Hay phê bình tâm lý giáo khoa thư, gán cho tác giả dùng tác phẩm của mình để "tâm sự" điều này điều kia, cho Nguyễn Du dùng Kiều để nói lên tâm sự hoài Lê, hoặc Nguyễn Gia Thiều dùng Cung Oán, để nói lên tâm sự trói buộc của bầy tôi, rất thông dụng trong các đề tài luận văn trung học. Lập luận này hoàn toàn sai, vì ta không biết gì về tác giả, làm sao ta có thể gán cho tác giả điều này điều kia không có trong tác phẩm. Nguyễn Văn Trung nói hơi phũ nhưng đúng rằng: ngay cả khi Nguyễn Du có viết trong hồi ký rằng ông dùng truyện Kiều để nói lên tâm sự của mình, thì cũng không tin được, có thể ông bịa.

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Phạm Chí Dũng - Ai làm ‘bức tường’ cho Formosa Hà Tĩnh?

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân 
phát biểu trong cuộc họp báo về việc cá chết hàng loạt 
ở bờ biển miền trung Việt Nam gần đây, 
tại Hà Nội, Việt Nam ngày 27 tháng 4 năm 2016.
Một lần nữa sau cuộc biểu tình lên đến hàng chục ngàn người phản đối giàn khoan Hải Dương 981 vào giữa năm 2014, mạng xã hội đang dậy sóng những lời kêu gọi biểu tình phản đối Formosa vào ngày chủ nhật 1/5 tới đây.
Tại sao “trung ương” chỉ đạo xử lý quá nhanh và quá nghiêm vụ án khởi tố oan chủ quán cà phê Xin Chào ở TP.HCM, trong khi một sự kiện nghiêm trọng liên quan đến môi trường - xã hội gây hậu quả ghê gớm và bị dân chúng phản kháng mạnh mẽ hơn nhiều là vụ “cá chết Formosa” ở Hà Tĩnh vào cùng thời gian thì lại được xử lý quá chậm và còn cho thấy có những dấu hiệu “bảo kê cao cấp”?
Tại sao liên quan đến vụ “cá chết Formosa”, Tổng Bí thư Trọng lại thực hiện một chuyến “kiểm tra tiến độ dự án Formosa” đầy bất thường, nếu không nói việc một tổng bí thư bận rộn trăm công nghìn việc lại đi kiểm tra tiến độ của một công trình là… rất vớ vẩn?
Câu hỏi cuối cùng là: Formosa đang thuộc về quốc tịch nào? Liệu có một lực lượng chính trị đủ mạnh và đủ hiểm ở Việt Nam “chống lưng” cho Formosa, hoặc nói cách khác là làm “bức tường” cho doanh nghiệp quá tai tiếng về ô nhiễm môi trường và còn có những dấu hiệu khuất tất về chính trị này?   

Tuấn Khanh - 30/4, nói về một cuộc chiến thống nhất khác


Sau khi cá và biển chết, những con người Việt Nam đầu tiên chịu nạn bởi ánh hào quang phát triển XHCN đang bắt đầu quằn quại trên đất liền. Miền Trung giàu có biển khơi sẽ còn nhiều năm nữa nằm trong sự sợ hãi của khách du lịch toàn cầu, bởi sự chọn lựa dứt khoát giữa thép và cá tôm từ chính quyền.
41 năm sau ngày chấm dứt cuộc chiến tranh có tên gọi thống nhất Bắc Nam, vào 30/4 năm nay, nhân dân Việt Nam lại có dịp nhìn thấy một cuộc chiến “thống nhất” khác đang phủ bóng lên quê hương mình: Cuộc chiến âm thầm từ lâu mang bóng dáng của người bạn Trung Quốc.
Chưa bao giờ trên trên toàn Việt Nam, nỗi sợ hãi có tên gọi Trung Quốc đang hình thành rõ như vậy, bao gồm thực phẩm, hàng hoá, văn hoá mới, môi trường, chính trị… Khắp nơi, một cuộc chiến không tiếng súng đang diễn ra nhưng thất bại luôn thuộc về con người Việt Nam.
Mỗi lúc càng không thể chối cãi: nạn ung thư về thực phẩm tăng nhanh trong toàn dân, nền kinh tế lệ thuộc leo thang một cách ngu ngốc vào Bắc Kinh, biển và đất liền bị công khai cưỡng đoạt dần dần, người Trung Quốc di cư ồ ạt và thiếu minh bạch vào Việt Nam, biến nhiều điểm quan yếu của tổ quốc thành tô giới riêng của người Trung Quốc.

Nguyễn Đình Cống - CÂU TRẢ LỜI VÔ NGHĨA


Sáng 28 tháng tư, VTV1 đưa tin Bộ TN &MT trả lời chính thức về nguyên nhân gây cá chết ở biển Miền Trung. Đó là kết quả của cuộc họp gồm đại diện 7 bộ, 4 tỉnh và một số nhà khoa học, chuyên gia, trong đó có chuyên gia đến từ Nhật. Nghe xong bản tin tôi vô cùng thất vọng vì câu trả lời của ông thứ trưởng không những vô nghĩa mà còn ẩn dấu sự bịp bợm.
Không biết trong hội nghị, những ai đã thảo luận và phát biểu như thế nào, tôi chỉ nghe lời thuyết trình về trả lời của ông Thứ trưởng và sau đó tìm đọc được “Thông báo của cuộc họp” tại cuộc họp báo vào tối ngày 27/4. Theo thông tin nhận được thì ông thứ trưởng đã công bố những ý chính sau đây.
Đầu tiên ông đưa thông tin: Cá biển chết hàng loạt là hiện tượng phức tạp, đã xảy ra ở nhiều nước. Sau đó đưa ra 3 nhận định, có thể tóm tắt như sau:
1- Có 2 nhóm nguyên nhân: hóa chất độc hại và thủy triều đỏ.
2- Chưa có bằng chứng về mối liên quan của Formosa.
3- Môi trường biển chưa phát hiện các thông số môi trường vượt chuẩn qui định.

Andrew J. Nathan - Tập Cận Bình là ai?


Who Is Xi?
(New York Review of Books 12-5-16)
Người dịch: Phan Văn SongTác phẩm điểm trong bài này:
Xi Zhongxun zhuan (习仲勋传: Tập Trọng Huân Truyện) [Tiểu sử Tập Trọng Huân] Ban biên tập Tiểu sử Tập Trọng Huân, Bắc Kinh: Zhongyang Wenxian Chubanshe (Trung ương văn hiến xuất bản xã), 2 tập, 1 283 trang (2013). 
Xi Jinping: Red China, the Next Generation (Tập Cận Bình: Trung Quốc đỏ, thế hệ kế) Agnès Andresy, American University, 157 tr., $ 60,00 
Zoubutong de “hongse diguo zhilu” [走不通的红色帝国之路”Tẩu bất thông đích “hồng sắc đế quốc chi lộ” (Đi không thông chính là “Con đường Đế quốc đỏ”], một bài viết của Lý Vĩ Đông (Li Weidong 伟东), có ở www.letscorp.net/archives/56290 
China’s Future (Tương lai của Trung Quốc), David Shambaugh, Polity, 203 trang, $ 59,95.; $ 19,95 (giấy)
Hơn một nửa nhiệm kỳ 5 năm đã qua với tư cách là chủ tịch Trung Quốc và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc — dự kiến sẽ là nhiệm kỳ đầu trong ít nhất hai nhiệm kỳ— việc Tập Cận Bình đàn áp lan rộng đối với xã hội dân sự và đề cao tệ sùng bái cá nhân đã làm thất vọng nhiều nhà quan sát , cả Trung Quốc lẫn nước ngoài, vốn thấy ông ta do di sản gia đình và kinh nghiệm sống nhất định phải là một nhà cải cách tự do. Nhiều người nghĩ Tập Cận Bình tất phải hiểu được sự nguy hiểm của sự độc tài của Đảng qua kinh nghiệm gia đình ông dưới thời cai trị của Mao. Cha của ông, Tập Trọng Huân (1913-2002), đã gần như bị xử tử trong một cuộc xung đột bên trong Đảng năm 1935, đã bị thanh trừng trong một cuộc đấu khác vào năm 1962, bị “lôi ra” và chịu nhục hình trong cuộc Cách mạng Văn hóa, và đã được nới lỏng cho nghỉ hưu sau một cuộc đối đầu khác trong Đảng năm 1987. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, một chị cùng cha khác mẹ của Tập Cận Bình đã bị dày vò đến mức phải tự tử. Ngay chính Tập Cận Bình, con của một “kẻ chạy theo tư bản” bị “đưa về nông thôn” để lao động cùng với nông dân. Những khó khăn gay gắt đến mức như được thuật lại rằng ông đã cố để trốn thoát, nhưng bị bắt và đưa trở lại. 

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Bùi Văn Phú - Vợ luật sưĐài đi vận động tại San Jose

Dân biểu Zoe Lofgren chào đón cô Vũ Minh Khánh tại San Jose (ảnh Bùi Văn Phú)
Hôm thứ Hai 25/4 đại diện của hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam đã gặp nhau tại Thủ đô Washington để bàn thảo về nhân quyền.

Trưa cùng ngày, tại phòng họp của trung tâm VIVO ở San Jose, vợ luật sư Nguyễn Văn Đài, người đang bị Hà Nội giam giữ, là cô Vũ Minh Khánh đã có buổi gặp gỡ báo chí và đại diện người Việt trong vùng.

Bà Dân biểu Zoe Lofgren có mặt trong buổi họp báo để chào đón cô Vũ Minh Khánh và tường trình những nỗ lực vận động của bà, cũng như của chính giới Mỹ cho sự tự do của luật sư Đài.

Theo lời Dân biểu Lofgren, bà rất quan tâm đến nhân quyền tại Việt Nam. Đến Hà Nội vào năm ngoái, trong một chuyến đi với phái đoàn quốc hội Mỹ do Dân biểu Nancy Pelosi dẫn đầu, khi gặp lãnh đạo Việt Nam bà đã trao cho họ danh sách những tù nhân cần được trả tự do.

Nguyễn Hưng Quốc - Chuyện ‘nhỏ xíu như móng tay’

Ông Tấn kể về vụ án (ảnh chụp từ Vietnamnet.net)
Trong hơn một tuần vừa qua, một trong những sự kiện gây xôn xao trong dư luận Việt Nam nhất là “vụ án hình sự” liên quan đến quán cà phê Xin Chào tại Sài Gòn.
Câu chuyện tương đối đơn giản: Ông Nguyễn Văn Tấn khai trương quán cà phê tại Bình Chánh vào ngày 8 tháng 8, 2015 chuyên bán nước giải khát và thức ăn sáng. Trước đó, ông đã nộp đơn đăng ký kinh doanh và được hứa sẽ được cấp giấy phép vào ngày 18 tháng 8. Tuy nhiên, vào ngày 17 tháng 8, tức hai ngày trước khi có giấy phép, cán bộ Công an huyện Bình Chánh đến kiểm tra và phạt ông 17 triệu đồng với các tội: kinh doanh không có giấy phép, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Ông Tấn đóng tiền phạt và ngừng việc bán thức ăn, chỉ còn bán cà phê và nước giải khát. Sau đó, ngày 19 tháng 8, ông nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ba ngày sau, ông và các nhân viên trong quán được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.

Tuấn Khanh - Ai sẽ thề không phản bội quê hương?

Một cậu bé nhìn một con cá chết trên bãi biển huyện Quảng Trạch, 
tỉnh Quảng Bình hôm 20/4/2016.

Sự kiện cả bộ máy hành chính Nhà nước và các nhà lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam lúng túng, phản ứng bất thường trong vụ nước Cộng hòa tự trị Vũng Áng lên tiếng gay gắt, vừa xác nhận việc họ hủy diệt hàng trăm cây số môi trường biển, vừa khẳng định quyền bằng giá trị thương mại của Vũng Áng, cho thấy quan điểm phản bội quê hương với tay vịn vào ngoại bang đang hình thành mạnh mẽ ở Việt Nam ngay lúc này, rõ ràng trong một lớp người.
Sự lúng túng trước một thảm trạng của môi trường thiên nhiên bị tàn phá và đời sống hàng triệu người dân Việt Nam từ đây đến nhiều năm nữa, bởi những người có trách nhiệm của Nhà nước đã bộc lộ một thái độ quái gở, loanh quanh chưa từng có. Cụ thể là các quan chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và chính quyền Hà Tĩnh. Họ cứ nói tránh đi hiện trạng, nói không có kiểm soát, mà mục đích rõ là phục vụ cho giới chủ đang đầy tiền và quyền, dù sự diệt vong đang diễn ra trên đất nước mình.

Việt Hùng/Người Việt - Bà quả phụ anh hùng 'Mũ Ðỏ tên Ðương' tìm về Ðồi 31 Hạ Lào

Bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương và con trai Nguyễn Viết Xa khấn vái 
vong linh của chồng và cha trên đỉnh đồi 31, Hạ Lào. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Sau khi được cộng đồng người Việt ở hải ngoại giúp đỡ, trưa 12 Tháng Tư, 2016, bà quả phụ cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương, tức Trần Thị Mai, và người con trai út Nguyễn Viết Xa đã có chuyến đi từ Sài Gòn đến đồi 31, Hạ Lào, nơi “Người Anh Hùng Mũ Ðỏ Tên Ðương” hy sinh.
Buổi trưa hôm ấy, anh Nguyễn Viết Xa cũng chạy xe ôm, nhưng khác hẳn mọi hôm, hôm nay anh chở vị khách đặc biệt, là mẹ của mình, thẳng tiến phi trường Tân Sơn Nhất, bắt đầu cuộc hành trình đầy khó khăn để sang vùng đất nơi thân phụ mình nằm lại.

Máy bay vừa cất cánh, bà Mai quay sang chúng tôi nở nụ cười: “Ðây là lần đầu cô đi máy bay, nên cảm giác hơi run. Nhưng cứ nghĩ sắp được đến Hạ Lào là vui lắm.”

Nguyễn Bảo Tuấn - Tại sao không giữ lời hứa với mẹ tôi

Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo (phải) và Ðại Tá Trương Vĩnh Phước (trái)
trong chiến dịch Damber, Cambodia, Tháng Tám, 1971.
LTS - Sau loạt bài về gia cảnh bà quả phụ “Người Anh Hùng Mũ Ðỏ Tên Ðương,” đăng trên Người Việt, rất đông độc giả liên lạc tòa soạn, hỏi về gia cảnh cố Ðại Tá Nguyễn Ðình Bảo, người mà chúng ta đã quá quen thuộc qua nhạc phẩm “Người Ở Lại Charlie,” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết gia đình bà quả phụ Nguyễn Ðình Bảo hiện sinh sống tại Sài Gòn. Bà Nguyễn Ðình Bảo nay 76 tuổi, vẫn minh mẫn và khỏe mạnh. Hai ông bà có ba người con. Trưởng nam, Nguyễn Bảo Tường, là một bác sĩ Nhi Khoa. Thứ nữ, Nguyễn Bảo Tú, làm việc tại Tòa Lãnh Sự Anh Quốc tại Sài Gòn. Con trai út, Nguyễn Bảo Tuấn, kiến trúc sư và đang giảng dạy tại một đại học ở Sài Gòn. Dưới đây là bài viết hồi năm 2012 của anh Nguyễn Bảo Tuấn, về thân phụ mình. Tòa soạn tìm thấy bài viết này trên trang Facebook riêng của Nguyễn Bảo Tuấn, xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Ngô Nhân Dụng - Anh Không Chết Ðâu Anh

Bà Trần Thị Mai bên di ảnh chồng. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
Bà Trần Thị Mai, quả phụ cố Thiếu tá Nguyễn Văn Đương, và người con trai, anh Nguyễn Viết Xa đã đi thăm nơi cố trung tá tử trận ở Hạ Lào. Bà bốc nắm đất bỏ trên ngọn đồi ở nước Lào, bỏ vào cái khăn vải đỏ, gói lại để mang về nước. Bà coi nắm đất như di cốt của người chồng tử sĩ, đưa tới ban thờ trong chùa, rồi mai mốt bình đựng tro hỏa táng của bà, khi bà qua đời sẽ đặt bên cạnh, vợ chồng bên nhau mãi mãi.
Câu chuyện phóng viên Việt Hùng kể làm nhiều người rơi lệ. Sau 45 năm, bà Mai và con trai mới thực hiện được điều mong ước, đi thăm ngọn Đồi 31, nơi Đại úy Nguyễn Văn Đương đã nằm xuống. Tất cả là nhờ quý vị độc giả Nhật báo Người Việt hết lòng ủng hộ, góp chi phí cho chuyến đi “thăm mộ” người chiến sĩ đã thành bất tử qua bài hát “Anh Không Chết Ðâu Anh” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Tấm lòng của người Việt khắp nơi hướng về một gia đình tử sĩ, thể hiện vào trước ngày 30 tháng Tư, ngày đau thương trong lòng người Việt Nam, cho thấy sau 41 năm chúng ta vẫn hãnh diện về các chiến sĩ đã đem xương máu bảo vệ phần đất nước được sống tự do, trước khi bị bạo quyền cướp đoạt.

TUYÊN BỐ VỀ TỘI ÁC ĐẦU ĐỘC BIỂN MIỀN TRUNG VIỆT NAM

Vụ nước biển miền Trung bị nhiễm độc nặng nề, mà chứng cứ là hàng chục tấn cá biển lớn nhỏ chết giạt vào bờ từ đầu tháng 4/2016 vẫn tiếp tục đến hôm nay, lan từ Hà Tĩnh, vào Quảng Bình, Quảng Trị, đến Thừa Thiên - Huế,… đã gây ra sự phẫn nộ chưa từng có trong toàn thể nhân dân Việt Nam.

Đại hoạ thảm khốc trên không chỉ hủy hoại ngư trường của hàng vạn người dân ven biển miền Trung, hủy hoại môi sinh ven bờ, gây ra tình trạng lan tràn thực phẩm độc hại cho các vùng khác, mà còn gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với các ngành kinh tế khác của Việt Nam như dịch vụ nghề cá, sản xuất muối, nuôi trồng thủy hải sản ven sông biển, du lịch, các dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng ven biển…

TS Lê Đăng Doanh: - Về phát ngôn "chọn nhà máy thép hay tôm cá":

TS Lê Đăng Doanh: "Không thể chấp nhận được" !

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: "Đây là tuyên bố
đầy thách thức và xúc phạm"
Trả lời Dân trí về phát ngôn trên của Giám đốc đối ngoại Formosa Hà Tĩnh, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Đây là tuyên bố đầy thách thức và xúc phạm".
Ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Formosa Hà Tĩnh 
với phát ngôn gây "bão": "Hoặc là chọn nhà máy thép hiện đại, 
hoặc là chọn con cua, con cá".

"Tôi phản đối tuyên bố đầy thách thức và có tính chất đầy xúc phạm đến đất nước Việt Nam của vị giám đốc doanh nghiệp trên. Dù chúng ta chưa có kết luận chính xác vụ việc, nhưng việc một doanh nghiệp tuyên bố như vậy không thể chấp nhận được. Chúng ta cho phép Formosa đầu tư nhưng cũng yêu cầu họ phải đảm bảo các điều kiện sống cho tự nhiên, cho thế hệ mai sau", ông nói.

Nguyễn Đình Nguyên - Quanh sự kiện chấn động cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung


Vừa qua, sự kiện cá chết hàng loạt dọc theo ven biển miền Trung khởi đầu từ Hà Tĩnh trở vô tới Thừa Thiên-Huế đã làm dấy lên làn sóng lo âu rộng khắp về một nguy cơ không chỉ của một vùng biển chết, mà sẽ có thể là cả một vùng đất chết nếu điều này không được giải quyết một cách thấu triệt.
Thủ phạm ở đâu?
Mặc dù chưa có các kết luận chính thức từ các cơ quan thẩm quyền, nhưng để tìm nguyên nhân cần phải có giả thuyết và suy luận ban đầu. Sự kiện hải sinh chết bất ngờ với một số lượng lớn thì nguyên nhân có thể nghĩ đến dịch bệnh hoặc tình trạng ngộ độc cấp tính. Trong khi đó việc dịch bệnh đã được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám khẳng định là không có [1]. Còn ngộ độc cấp tính làm cho cá chết trong vùng biển rộng lớn như thế có thể nghĩ tới nguyên nhân ô nhiễm hóa chất nhiều hơn là do thiếu dưỡng khí.

Phạm Chí Dũng - ‘Chống tham nhũng’: Đảng bắt đầu ‘mổ’ ngân hàng?

Hình minh họa. 
 “Muốn biết sân sau của vị nào thì cứ ‘mổ’ ngân hàng là ra hết” - chính một quan chức hạng trung làm ngành ngân hàng đã nói chắc nịch như thế.
Từ năm 2011, Ngân hàng nhà nước của Thống đốc Nguyễn Văn Bình - một nhân vật được dư luận đánh giá có mối quan hệ rất gần gũi với thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng - bắt đầu chiến dịch “tái cơ cấu ngân hàng”. Sau đó, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ bị những ngân hàng “cá mập” thâu tóm đến mức nghe nói “chỉ còn mỗi cái quần xà lỏn”.
Từ năm 2012, một số trang mạng xã hội, đặc biệt là Quan Làm Báo, bắt đầu đề cập rất chi tiết đến một số ngân hàng “sân sau” của quan chức lãnh đạo và về thực chất chiến dịch thâu tóm mang lại lợi ích cho những nhóm quyền lực nào. Những cái tên ngân hàng như Sài Gòn Thương Tín, Phương Nam, Bản Việt… bắt đầu được dư luận chú ý đặc biệt.

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Nam Nguyên/RFA - Xử lý khủng hoảng vụ cá chết quá chậm

Một người dân với những con cá biển đã chết trên một bãi biển 
ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế ngày 21 tháng 4 năm 2016.

Vụ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung cho thấy phương cách xử lý khủng hoảng của chính quyền là thụ động, chậm chạp. Trong khi các cuộc điều tra đều chỉ hướng về Khu Công nghiệp Vũng Áng Hà Tĩnh và cá chết là do chất độc cực mạnh. Dường như cơ chế và phương tiện, cũng như yếu tố con người, đã làm cho mọi việc khó sáng tỏ kịp thời.
Tác hại của sự kiện cá chết hàng loạt ở bờ biển miền Trung từ Hà Tĩnh tới Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế gây ra một hậu quả dây chuyền cho đời sống của hàng triệu người dân, trong khi các cuộc điều tra của nhiều bộ ngành, cứ lòng vòng chưa có kết quả gì cụ thể. Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam từ Hà Nội nhận định:
“Tất cả những sự phát triển lâu nay cứ thường nói là phát triển bền vững. Tức là phát triển kinh tế đảm bảo những vấn đề xã hội, đảm bảo vấn đề môi trường. Thế nhưng phát triển kinh tế chưa thấy đâu mà môi trường đã thấy hủy hoại một cách ghê gớm. Đặc biệt chiều nay tôi nghe thấy một cái clip của VTC 14, ông Giám đốc Đối ngoại của Công ty Formosa ở Hà Tĩnh trả lời phỏng vấn đã nói được cái này thì mất cái kia, nói một cách rất là trắng trợn, điều này không thể chấp nhận được…”

Lang Anh - Formosa Vũng Áng đã ngả bài!!!

Chưa có kết quả điều tra, nhưng Formosa Vũng Áng đã chơi bài ngửa:
Giám đốc đối ngoại của Formosa tuyên bố khi trả lời phỏng vấn của VTC14: "Không thể vừa có nhà máy, lại vừa có tôm cá". Hiểu theo nghĩa cái dự án 28 tỷ USD này sẽ gây tàn hại môi trường một cách không thể tránh được: https://www.facebook.com/kenhvtc14/videos/894570330671960/?autoplay_reason=gatekeeper&video_container_type=0&app_id=2392950137
Tuy nhiên có nhiều điều ông Giám đốc người Tàu này lờ đi, là vấn đề không phải chỉ ở chỗ ít tôm cá đi, mà là những nguy cơ lâu dài đối với sức khỏe người dân dọc bờ biển miền Trung và thậm chí là cả miền Bắc. Vì vào mùa đông, hải lưu sẽ đưa nước thải từ Vũng Áng vào Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng và vào mãi phía Nam, còn mùa hè thì hải lưu sẽ đưa nước Vũng Áng ngược về Nghệ An, Thanh Hoá rồi ra mãi tận Hải Phòng hay Quảng Ninh. Khi chưa hoạt động, Formosa thải 12 nghìn m3 nước thải mỗi ngày. Vậy khi đã hoạt động rồi cái khu liên hợp khổng lồ ấy sẽ thải ra bao nhiêu m3 nước thải??? 50 nghìn, 100 nghìn hay 200 nghìn mỗi ngày??? Và cái thứ nước thải theo khẳng định của giám đốc đối ngoại Formosa thì dù được xử lý cũng chắc chắn làm chết tôm cá.

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Phải chọn một...

viết từ Hà Nội

Một người dân đi dọc bờ biển với cá chết dạt lên bờ biển huyện Quảng Trạch, Quảng Bình hôm 20/4/2016.
Người dân Việt bỗng nhiên lắng lại sau vụ cá tôm chết trắng bờ miền Trung khi Giám đốc đối ngoại Formosa Chu Xuân Phàm thẳng thừng trả lời: "Chỉ được chọn một hoặc nhà máy, hoặc tôm cá".
Những người có tinh thần quan tâm đến vận mệnh đất nước, chủ quyền lãnh thổ và danh dự con người Việt Nam lắng lại mất vài giây để cảm nhận hết sự trắng trợn - nhưng là sự thật - trong câu nói này. Chỉ lắng lại một lúc rồi bùng lên phẫn nộ.
Câu trả lời đầy tính thách thức đất nước này, dân tộc này nói lên nhiều điều.

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến - Chuyện Ông Tuân Nguyễn

Có những người / Nếu thêm được mười năm/ Sẽ trở thành thi sĩ / Nhưng cuộc sống không mỉm cười đến thế/  Đã chết sớm mười năm / Để lại những tuần trăng chưa đến dộ rằm
 blank

09/1933 –  04/1983 
Việc xảy đến với Tuân… thật đột ngột và bất ngờ. Nó cứ như tai họa từ đâu bỗng giáng xuống gia đình Vương Thúy Kiều vào năm Gia Tĩnh triều Minh… Trong một khoảng thời gian ngắn, tai họa đến với ba người bạn tôi: Tuân Nguyễn, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Huy Cương.”

Hà Nhật tâm sự như trên, trong bài viết có tựa là: “Tuân Nguyễn, Kẻ Mộng Mơ.” Tôi không quen nhưng biết cả ba nhân vật này, cùng với những tai hoạ “đính kèm” trong cuộc đời (lao đao) của họ. Câu chuyện hôm nay xin (chỉ) đề cập đến ông Tuân Nguyễn, như một nén hương lòng – gửi người đã khuất!

Ernesto Simanungkalit / Thụy My dịch - Indonesia - Trung Quốc căng thẳng quanh vụ một chiếc tàu cá

Lời người dịch: Bài viết của nhà ngoại giao Indonesia, Ernesto Simanungkalit đăng trên tờ Kompas xuất bản ở Jakarta ngày 31/03/2016, được tuần báo Pháp Courrier International tuần này trích dịch, chứng tỏ sự ngạo mạn của Bắc Kinh đã khiến cho Indonesia, một quốc gia không tranh chấp Biển Đông, cũng đã không kìm được phẫn nộ.
Chính quyền Indonesia họp báo về vụ chiếc tàu đánh cá trái phép 
được Hải quân Trung Quốc đánh tháo.

(Kompas-Courrier International 21-27/04/2016) Việc Indonesia chận bắt một chiếc tàu đánh cá Trung Quốc đã làm tăng thêm căng thẳng giữa hai nước, trong khi hòa hảo với nhau thì có lợi hơn. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự tham lam của Trung Quốc không có điểm dừng.
Hôm thứ Bảy 19/3, Indonesia đã bắt giữ chiếc tàu Trung Quốc Kway Fey 10078, vì đánh cá bất hợp pháp tại vùng biển của Indonesia, ngoài khơi quần đảo Natuna ở Tây Bắc Kalimantan (Bornéo). Việc bắt các tàu đánh cá lậu diễn ra thường xuyên từ khi Indonesia áp dụng chặt chẽ chính sách chống đánh cá trái phép, không khai báo và không chấp hành quy định.

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Lê Phan - Về một chuyến đi

Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carte
Trong suốt một tuần lễ vào đầu tháng 4 ở Á Châu, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đã viếng thăm hai hàng không mẫu hạm, tiết lộ những thỏa thuận quân sự mới với Ấn Độ và Philippines, và nói chung đưa ra những chỉ dấu cho tất cả mọi người thấy là chính phủ Obama đã quyết định nghiêng về một giải pháp sử dụng vũ lực để đối chọi lại với tham vọng lãnh thổ của Trung Cộng trong vùng.
Với một sự pha trộn vừa trình diễn vừa những biện pháp cụ thể trong suốt sáu ngày viếng thăm Ấn Độ và Philippines, Tiến Sĩ Carter đã cho thấy không còn nghi ngờ gì nữa là Hoa Kỳ có ý định tăng cường các liên minh và di chuyển thêm quân cụ và binh sĩ vào vùng để đối phó với sự bành trướng quân sự của Trung Cộng.
Hôm Thứ Sáu 15 tháng 4, ông đáp trực thăng đến một biểu tượng của quyền lực Hoa Kỳ ở Biển Đông, một hàng không mẫu hạm hạt nhân loại Nimitz, chiếc USS John C. Stennis, trong khi mẫu hạm này đang đi qua Biển Đông trong khu vực mà Trung Cộng bảo là của họ. Chưa hết, trên mẫu hạm này, ông Carter loan báo một loạt những sáng kiến khác, kể cả việc Hàng Không Mẫu Hạm USS Stennis sẽ đi tuần thường xuyên trong vùng theo sau việc tham dự vào cuộc tập trận thường niên Mỹ Phi mang cái tên là Balikatan, có nghĩa là “sát cánh.”

Hoàng Thành/Dân Trí - Phải chăng, chúng ta đã mất “chủ quyền” ngay trên chính lãnh thổ Việt Nam?

Khu công nghiệp Vũng Áng 
Tại sao chúng ta có thể “thẳng tay” đối với Công ty Vedan, còn KCN Vũng Áng lại là ngoại lệ?
Vừa qua, ở vùng biển có khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) cá chết hàng loạt, ngư dân Việt Nam điêu đứng. Có phải nguyên nhân là do khu công nghiệp này xả nước thải độc hại ra biển gây nên cá bị chết không? Câu hỏi đó cần được làm rõ, nhưng nghịch lý là đại diện cơ quan chức năng lại phát biểu rằng: “Đoàn công tác không vào kiểm tra tại KCN Vũng Áng vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn công tác không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra tại khu vực này”.
Chuyện gì đang xảy ra trên mảnh đất miền Trung? Cá biển chết hàng loạt và trôi dạt vào bờ do ngộ độc, cả ngư dân và người lái buôn tại các tỉnh miền Trung chỉ biết “ôm nhau khóc ròng” vì không ai dám mua cá, bán không được mà ăn cũng không xong do độc tố quá cao. Con đường sống của người dân dường như đi vào ngõ cụt. Lạ một điều rằng, trước thông tin cá chết hàng loạt vì nước biển ô nhiễm nặng, đoàn công tác lại không thể vào KCN Vũng Áng kiểm tra và lập biên bản vì … “KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn không có thẩm quyền” – như chia sẻ của ông Phạm Khánh Ly, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN-PTNT. Ông Ly thông tin thêm: “Chúng tôi vào làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh với tư cách là cơ quan quản lý theo ngạch dọc. KCN Vũng Áng bao gồm nhà máy nhiệt điện Vũng Áng và KCN Formosa có yếu tố nước ngoài nên cần thành lập đoàn công tác liên ngành, có chỉ đạo của Thủ tướng thì mới tiến hành kiểm tra được”.

Quốc Phương/BBC - Độc quyền quyền lực và vấn đề đạo đức (Quốc Phương BBC Việt ngữ phỏng vấn Ts Nguyễn Thị Từ Huy)


TS. Nguyễn Thị Từ Huy cho rằng có vấn đề về mặt đạo đức nếu một thể chế một đảng, và chế độ chuyên chính nắm quyền lực độc tôn quá lâu dài.
Việc nắm giữ quyền lực chính trị một cách độc tôn và quá lâu dài trong xã hội ngày nay có thể là một vấn đề về đạo đức đối với những chủ thể độc quyền quyền lực trong các thể chế một đảng và chế độ chuyên chính, theo một nhà nghiên cứu triết học chính trị từ Paris, Pháp.
Một chính thể 'độc tài độc đảng' ngày nay, để bảo tồn quyền lực chính trị, có thể rơi vào trường hợp 'vi phạm đạo đức', khi dùng Hiến pháp để quy định quyền lãnh đạo tuyệt đối và bất biến của đảng mình, vẫn theo ý kiến này.
Trong cuộc phỏng vấn qua văn bản dành cho BBC hôm 23/4/2016, Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy, nhà nghiên cứu chính trị - xã hội Việt Nam, từ Đại học Paris Diderot, Pháp cũng đưa ra cảnh báo về hậu quả xã hội đối với một nền thống trị 'độc tài toàn trị' nếu sử dụng thủ đoạn 'nói dối' để nắm, giữ quyền lực.

Lê Anh Hùng - Trung Quốc chấm dứt việc quân đội 'nhảy múa kiếm cơm' - Việt Nam thì sao?

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh: 
“Xu thế ghét Trung Quốc gây nguy hiểm cho dân tộc.” 
(Ảnh chụp màn hình.)

Quân đội Trung Quốc: hết thời ‘nhảy múa kiếm cơm’
Tháng 11 năm ngoái, lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra chính sách buộc quân đội nước này phải ngừng tất cả các hoạt động cung cấp dịch vụ phục vụ dân sinh có thu tiền, để tập trung vào nhiệm vụ chính là bảo vệ an ninh, quốc phòng. Dịch vụ dân sinh thu tiền là những hoạt động như khám chữa bệnh, xây dựng, biểu diễn văn nghệ… phục vụ dân chúng.
Ban đầu, ông Tập đưa ra lộ trình thực hiện quyết sách trên là trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, cuối tháng Ba vừa qua, ông ta lại ra lệnh cho quân đội ngưng ngay lập tức các hoạt động dịch vụ có thu tiền, thay vì theo lộ trình 3 năm như trước. Động thái này thể hiện quyết tâm rất lớn của lãnh đạo Trung Quốc trong việc lành mạnh hoá và chuyên nghiệp hoá quân đội.
Trên thực tế, ngay từ năm 1998, dưới thời Giang Trạch Dân, chính phủ Trung Quốc đã cấm quân đội tham gia hoạt động kinh tế. Đây là nhân tố rất quan trọng giúp cho quân đội Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn, bởi hoạt động kinh tế trong quân đội là những ung nhọt tham nhũng, gây ra những tác hại khôn lường, khiến sức chiến đấu của quân đội bị suy giảm.

Phạm Chí Dũng - ‘Cải cách hay là chết’: Cuộc chiến hệ tư tưởng ngay trong Bộ Chính trị

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Chẵn ba thập kỷ sau thời “Đổi mới” 1986, đòi hỏi “cải cách hay là chết” ở Việt Nam bùng nổ hơn bao giờ hết.  
Áp lực nội bộ ‘cải cách lần 2’
Thành tựu cá nhân không thể cứu vãn chế độ. Ngay sau Đại hội XII, bất chấp thắng lợi huy hoàng của Tổng Bí thư Trọng “đã loại được một nhà độc tài”, nhân vật hồn nhiên tuyên bố “Tôi bất ngờ!” trước thành tích tái cử đang đứng khựng trước ngã ba đường: cho dù ông là nhân tố vượt trội để “giữ gìn đoàn kết trong đảng” vào thời gian này, tình đoàn kết đó sẽ chẳng có một chút giá trị nào nếu tự thân đảng không cải cách.

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Phạm Xuân Đài - Vang bóng của một thời sắp qua

Thời gian vài năm qua giới viết lách lớn tuổi (và tương đối lớn tuổi) người Việt tại hải ngoại từ giã bạn bè hơi nhiều. Tôi gọi là “từ giã bạn bè” thay vì từ giã cõi đời vì đối với họ, hình như “cõi đời” gồm bạn bè văn nghệ của họ là chính.
Một cuộc họp mặt văn nghệ khoảng cuối thập niên 1980 tại Little Saigon. 
Hàng ngồi phía trước, từ trái: Nguyên Sa, Mai Thảo, Võ Phiến. 
Hàng đứng phía sau, từ trái: Thụy Khuê, Nguyễn Mộng Giác, Đỗ Ngọc Yến, Hoàng Khởi Phong.



Đó là cả một lứa bên trời lận đận. Rời đất nước nhưng nhất định không rời ngôn ngữ, cứ phải viết lách, làm báo, xuất bản mới chịu. Lận đận là vì thế, nhất là giới cầm bút, vì viết lách đâu có nuôi sống được mình và gia đình, ai cũng phải viết bằng tay trái, để dành tay phải để làm việc kiếm sống. Người viết văn làm thơ trong nước, cũng như bao nhiêu thành phần khác của xã hội miền Nam, ra nước ngoài là phải kiếm một công việc làm để sống. Trong các hãng xưởng của Mỹ, trong các cơ sở kinh doanh của người Việt, thậm chí một số việc chân tay hơi nặng nề như cắt cỏ, bỏ báo, xây dựng nhà cửa... tùy sức khỏe và cơ duyên, chẳng từ một công việc gì. Dĩ nhiên những người có bằng cấp chuyên môn về khoa học ở miền Nam có thể học lại để hành nghề, cái này thì tốt quá rồi. Nhưng dù là làm nghề nào trong đời sống mới, phần lớn người cầm bút trước kia đều viết lách trở lại, viết như một thú vui, hoặc một bức bách. Và có hiện tượng này nữa, là nhiều người trước 1975 chưa viết lách gì, khi ra hải ngoại lại bắt đầu viết, có lẽ do thôi thúc của cuộc đổi đời lớn quá mà mình là chứng nhân.

Trần Mộng Tú - Áo Khăn Ngày Cũ


Quần áo không phải chỉ làm ấm, làm đẹp cho thân thể con người mà còn 
biểu hiệu cho sự giầu nghèo rất rõ ràng, nó còn cho thấy cái trình độ về thẩm mỹ của những người khoác nó lên vai nữa. Người xưa thường nói “Y phục xứng kỳ đức” để răn dậy con người biết ăn mặc sao cho phù hợp với tuổi tác, địa vị của người đó.

Quần áo cũng làm cho bao trái tim của nhạc sĩ, thi sĩ rung lên bật thành câu thơ tiếng nhạc. Từ chiếc áo dài trắng của nữ sinh cho đến những chiếc áo lính.

SONG THAO - GIỮA ĐÀNG


Xe Huyndai tương đối còn mới, sạch sẽ, máy lạnh rò rè, năm chục chỗ ngồi chia làm hai hàng, giữa là lối đi, mỗi bên hai chỗ ngồi, cửa kính hai bên đều có những tấm màn vải sạch sẽ có thể kéo ra kéo vào được. Anh hướng dẫn du lịch và các cô ở quầy tiếp tân khách sạn đều gọi đó là xe đò cao cấp. Cao cấp hình như là một tiếng thời thượng để chỉ những gì mà hạng người bình thường không thể với tới được. Tôi đã thấy ở một bên Xa Lộ gần ngã tư Hàng Xanh một tấm bảng to lớn cao vời vợi quảng cáo thứ kem chống nhăn cao cấp. Đầu tôi cứ miệt mài băn khoăn không hiểu tấm bảng có ý định chỉ rõ ra là có một thứ da mặt nhăn cao cấp không. Còn thứ cao cấp của chiếc xe đò nghe nói là do một công ty Đại Hàn khai thác này, ngồi thoải mái trên xe tôi mới dần dần ngộ ra cái cao cấp của nó. Xe chạy loăng quăng qua các tụ điểm đón khách của thành phố Đà Lạt, phần lớn là các khách sạn, rồi rời thành phố là thôi, chạy một mạch không dừng lại đón khách giữa đường. Vừa ra khỏi Đà Lạt, anh hướng dẫn mở máy phóng thanh chào mừng khách, thông báo giờ nghỉ, giờ ăn, giờ đến bằng hai thứ tiếng Việt và Anh rất gọn ghẽ và chuẩn xác. Sau đó, anh lơ xe đò cao cấp này đi phát cho mỗi người một khăn ướt lau mặt và một chai nước suối cá nhân xem ra cũng thuộc loại cao cấp.

Phạm Quỳnh - Trả lời bài CẢNH CÁO CÁC NHÀ HỌC PHIỆT của PHAN KHÔI tiên sanh

(Nguồn: Pham Ton’s Blog)
Lời dẫn của Phạm Tôn: Nhiều năm rồi, người đọc đời sau đã biết đến các bài văn nảy lửa của cụ nghè Ngô Đức Kế kịch liệt chống lại chủ trương đề cao Truyện Kiều của Phạm Quỳnh như: Nền quốc văn (báo Hữu Thanh, tháng 4/1924) và bài Luận về chánh học cùng tà thuyết (báo Hữu Thanh, tháng 9/1924) bài này đã được đưa vào sách giáo khoa lớp cuối cấp trung học phổ thông cuối những năm 50 thế kỷ trước, “tố cáo” việc đề cao Truyện Kiều đã khiến cho “các gã thanh niên say đắm trong trời tình bể ái mà mềm nhũn cái lòng sắt đá, bỏ mất cái chí nguyện cao xa” (Từ điển Văn học Việt Nam, 2004). Đặc biệt, càng đông đảo người biết bài văn đanh thép của Phan Khôi Cảnh cáo các nhà học phiệt trên báo Phụ nữ tân văn số 62 (24/7/1930) và Trung Lập các số từ 6206 (26/7/1930) đến 6209 (30/7/1930), chỉ thẳng tên Phạm Quỳnh mà phê phán. Kế đó là bài của Huỳnh Thúc Kháng Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không? – Chiêu tuyết những lời bài báng cho một chí sĩ mới qua đời trên báo Tiếng Dân Huế, số 317 (17/9/1930) và Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 72 (2/10/1930). Nhưng, có điều là bài trả lời trên đây của chính Phạm Quỳnh, là đối tượng bị đả kích, phê phán, cũng đăng ngay trên báo Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 67 (28/8/1930) thì ngày nay lại ít người được đọc. Lạ thay, mà cũng tiếc thay.
Phan Khôi tiên sanh với tôi là chỗ quen biết cũ.
Từ khi tiên sanh dời Hà Nội vô Nam kỳ, không có dịp gặp nhau. Nhưng về phần tiên sinh, coi chừng vẫn nhớ đến tôi luôn. Khi viết báo Thần chung, khi viết báo Phụ nữ, tiên sanh thường nhắc đến tên tôi. Thậm chí có khi không sẵn đầu bài, tiên sanh lấy tôi làm đầu bài. Như mới đây, nhân tiên sanh soạn chưa xong “bài trả lời” ông Trần Trọng Kim về Nho giáo, tiên sanh lại sực nhớ đến tôi mà liền tặng cho cái huy hiệu làm lãnh tụ một đảng, tiên sanh đặt tên là đảng “học phiệt”, rồi nhân đó viết một bài đại luận để cảnh cáo cho những người trong đảng ấy.

TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG - TRƯỜNG VIỄN ĐÔNG BÁC CỔ CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHẠM QUỲNH NHƯ THẾ NÀO?

LTS Diễn Đàn Thế Kỷ.- Vào ngày 8 tháng 5, 1999 một cuộc triển lãm và hội thảo về học giả Phạm Quỳnh đã được báo Thế Kỷ 21 phối hợp với báo Xây Dựng (San Jose) tổ chức tại hội trường  báo Người Việt, Quận Cam, Nam California. Các nhà văn, nhà nghiên cứu tham gia thuyết trình gồm: Võ Phiến,  Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Phúc Bửu Tập và Tạ Chí Đại Trường. Và một số vị ở xa tham gia bằng cách gửi bài về cho ban tổ chức hội thảo: Như Phong Lê Văn Tiến từ Washington DC, Nguyên Hương Nguyễn Cúc từ Dallas, Trần Thanh Hiệp từ Paris. Mời độc giả đọc lại bài thuyết trình của nhà nghiên cứu sử Tạ Chí Đại Trường đã trình bày trong dịp này, nhấn mạnh đến yếu tố “công việc lúc đầu đời sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của một con người như thế nào”. Bài lấy từ báo Thế Kỷ 21 số 122 tháng Sáu 1999. - DĐTK 
Phạm Quỳnh nổi tiếng về hai mặt: chính trị và văn hoá. Cuộc đời làm chính trị với hai chức Thượng thư đã đem lại kết quả thê thảm cho ông trong biến cố Tháng Tám 1945. Đó là cái giá phải trả cho những con người hành động, nhất là khi họ nổi bật trên đám đông không phải chỉ về mặt chính trị. Nhưng sự nghiệp văn hoá của ông có kết quả lâu bền và rộng rãi hơn. Đông Hồ Lâm Tân Phác đã thấy tạp chí Nam Phong được cả “người không đồng chí cũng một lòng tôn trọng.” Người Cộng sản nắm quyền đất nước, theo thói quen tự cho chỉ mình là đúng, đã tìm cách triệt hạ ông, nhưng trong một lúc buông lỏng cũng lại để lọt những lời Nguyễn Công Hoan biện minh cho Phạm Quỳnh. Tất nhiên không cần kể chương trình giáo dục của VNCH có dành phần cho Nam Phong và Phạm Quỳnh, phát sinh sách vở đầy dẫy phục vụ học đường. Tuy nhiên trong khi tìm hiểu sự nghiệp Phạm Quỳnh, người ta thường chỉ đặt trọng tâm vào việc phân tích những điều đạt thành, trong tình hình tiến triển của đất nước mà ít chú ý đến các nguyên nhân tác thành qua thời gian. Các luận văn về Phạm Quỳnh thường trình bày sự nghiệp của ông theo lối dàn trải trên bình diện rộng mà không cho thấy những tiến triển trong tư tưởng của ông, nói cách khác, các nghiên cứu đã mang tính chất tĩnh hơn là động - mà cho dù không thấy có cũng nên nói ra. Cho nên nếu lưu tâm đến một lịch sử về sự nghiệp Phạm Quỳnh thì thiết tưởng không thể bỏ qua lúc khởi đầu của ông. 

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Trần Văn Huỳnh - THƯ KÊU CỨU

Kính gửi: Diễn Đàn Thế Kỷ


Tôi tên là Trần Văn Huỳnh; sinh năm 1937; mang CMND số 021725411 cấp ngày 6/10/2004 tại thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ thường trú: 362/532C Thân Nhân Trung, Phường 13, Quận Tân Bình, TP.HCM; chỗ ở hiện tại: 479/16 Phan Văn Trị, Phường 5, Quận Gò Vấp, TP.HCM; số điện thoại: 0903350117. Tôi là cha của doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, người đang bị thi hành bản án 16 năm tù tại Trại giam Xuyên Mộc.

Tôi gửi thư này để kêu cứu đến Diễn Đàn Thế Kỷ về tình trạng bị trù dập, đe doạ đối với con tôi và các tù nhân khác ở Trại giam Xuyên Mộc. Cụ thể như sau:

1. Thức cho biết rằng các cán bộ ở Trại giam này rất xem thường pháp luật, tự cho phép mình làm những gì luật không cho phép và cấm người dân làm những gì luật không cấm. Điều này dẫn đến việc xâm phạm thường xuyên quyền lợi và nhân phẩm của tù nhân. Thức và các bạn tù đã cố gắng sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của mình, gửi đơn tố cáo đến Giám thị trại giam hơn một năm nay nhưng tất cả các đơn này đều không được giải quyết. Không những vậy, một số người còn bị trù dập bằng cách giam giữ khắc nghiệt. Năm ngoái, họ chuyển Trần Vũ Anh Bình cùng với Nguyễn Hoàng Quốc Hùng về Phân trại khác (Phân trại 1) giam giữ rất là khắc nghiệt: không có quạt, không TV, không được ra ngoài.

Ngô Nhân Dụng - Trump, Cruz, Sanders, Clinton đều chống TPP?


Bốn ứng cử viên tổng thống dẫn đầu hai đảng lớn đều có khuynh hướng chống thỏa ước mậu dịch Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP), trong đó có Việt Nam mà không có Trung Quốc. Các ông Donald Trump và Ted Cruz chống tự do mậu dịch nói chung, với những lời lẽ hùng hồn nhất, hoàn toàn trái ngược với chủ trương cố hữu của đảng Cộng Hòa, nhưng họ chú ý nhất tới Trung Quốc và Mexico. Bên đảng Dân Chủ, ông Bernie Sanders là người theo “chủ nghĩa xã hội” tất nhiên chống mậu dịch tự do; nhưng bà Hillary Clinton cũng không đồng ý với thỏa hiệp TPP mà chính quyền Barack Obama đã ký kết. Nếu một trong bốn vị này lên làm tổng thống Mỹ năm 2017, liệu thỏa hiệp TPP có bị bỏ xó hay không? Có lẽ chúng ta không cần lo lắng quá. Vì vào năm 2008, khi vận động tranh cử, Nghị sĩ Obama cũng chống tự do mậu dịch; nhưng sau đó chính phủ ông đã vận động cho thỏa hiệp TPP thành hình, và đang tiến hành một thỏa hiệp Xuyên Đại Tây Dương sâu và rộng hơn nữa.

Thơ Trần Mộng Tú - Hỏng Xe Giữa Đường


Cái xe bỗng dưng ngừng chạy, tôi may mắn vào được một bãi đậu xe, mặc nó với điều nó lựa chọn.

Chắc nó hôm nay bỗng thấy mệt mỏi không muốn cõng ai trên lưng. Nó nhăn nhó như một tình lang khó tính. Tôi mỉm cười và tỏ thái độ dửng dưng. Muốn eo sách thì tha hồ eo sách. Cứ ngồi đó một mình, tôi thản nhiên quay lưng đi bộ.

Con đường về nhà hôm nay ngiêng nghiêng nắng đổ. Nắng đổ nhẹ nhàng như ngã xuống hai vai. Từ ngã tư này tôi xuôi theo con dốc về hướng Bắc, mất ba mươi phút thôi là tới cửa nhà. Trên đường đi mùa này có rất nhiều hoa. Tôi vừa đi vừa hái. Cây trong vườn nhà ai vươn những cánh tay hoa, vẫy qua hàng rào như mời gọi. Tử Đinh Hương thím thẫm, tím nhạt, hay trắng tinh khôi, hoa Hồng Mộc đẹp màu môi con gái.

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến - Lại Chuyện Tháng Tư

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Tác giả câu thơ thượng dẫn là một chính khách rất tài tử, và vô cùng mờ nhạt. Không mấy ai nhớ rằng ông đã từng giữ những chức vụ như Thủ Tướng, Phó Tổng Thống, và Tổng Thống trong thời Đệ II Cộng Hòa – ở miền Nam Việt Nam.

Dân chúng ở miền đất này thường chỉ nhớ đến Trần Văn Hương như một người lập dị. Ổng hay đi làm bằng xe đạp, trong thời gian là Đô Trưởng Sài Gòn, và thỉnh thoảng lại sáng tác ra những câu thơ (hơi) kỳ cục:

Ngồi buồn gãi háng, dái lăn tăn…

Ông Trần Văn Hương

Ở miền Bắc phần lớn quí vị chính khách đều hành nghề cách mạng một cách bền bỉ, liên lỉ và chuyên nghiệp hơn nhiều. Họ cũng sính chuyện thơ văn hơn, và cách họ làm thơ (hoặc viết văn) cũng gây lôi thôi phiền phức nhiều hơn – cho cả đống người!

Ngô Thị Kim Cúc - Tháng Tư – Về thăm nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ


Rút từ
facebook của Ngô Thị Kim Cúc


Tháng Tư, một đoàn tám người, “cơ cấu tùy hứng”, đã về Lộc Ninh – Bình Phước thăm nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, bởi biết chị bị tai nạn gãy chân trước đó mà chưa lên thăm được.
Trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất của miền nam thời kỳ trước 1975, có ba người gốc Huế: Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng. Người thứ tư gốc Bắc di cư: Trùng Dương. Chỉ có Nguyễn Thị Thụy Vũ là dân Nam bộ rặt. Văn chương của chị cũng đặc sệt chất Nam bộ, từ ngôn phong, từ ngữ chị dùng cho tới lời ăn tiếng nói, tính cách, hành vi của các nhân vật. Nguyễn Thị Thụy Vũ tên thật là Nguyễn Thị Băng Lĩnh, sinh năm 1937 tại Vĩnh Long.

Thụy Khuê - Phê Bình Văn Học Thế Kỷ XX: Chương 3- Thi học Aristote

  1. Chương 1- Ý thức phê bình
  2. Chương 2 - Sơ lược tiến trình phê bình trong thế kỷ XX 
  3. Chương 3- Thi học Aristote
  4. Chương 4: Phê bình cũ - Phê bình mới  hay Marcel Proust chống Sainte-Beuve
  5. Chương 5: Phê bình phân tâm học (bài 1)

Từ thế kỷ IV trước Tây lịch, Aristote (384-322) đã phân tích và mổ xẻ bản chất của nghệ thuật, xác định nguồn cội và những nguyên tắc chính của sáng tạo trong cuốn Poétique (Thi học).
Chữ poiesis của Hy Lạp có nghiã rộng hơn poésie trong tiếng Pháp, thi ca hay thơ trong tiếng Việt, nó bao trùm lên tất cả các ngành nghệ thuật nói chung. Thi học của Aristote, do đó, đồng nghiã với nghệ thuật học.
Aristote đưa ra hai định đề:
- Poiesis, hay tất cả các ngành nghệ thuật, đều phát sinh từ Mimésis (Bắt chước).
- Có được một Hình thức (Forme) là có Tất cả (Tout).
Nghiã là: Hình thức là toàn diện bởi vì hình thứcnội dung không thể tách rời. Nói khác đi, khi ta tạo ra được một bài thơ, một bức họa, một bản nhạc... là ta đã sáng tạo toàn thể nội dung lẫn hình thức của tác phẩm này.

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

An Tôn/VOA - Nhà văn Nguyễn Thanh Việt lo ngại bản dịch 'The Sympathizer' bị kiểm duyệt

Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Việt. EPA/PULITZER BOARD
Mặc dù rất bận rộn với chuyến đi quảng bá sách tại Cambridge, bang Massachusetts, cũng như vẫn chưa hết sửng sốt về việc được trao giải Pulitzer cho cuốn tiểu thuyết “The Sympathizer” của mình, song Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Việt cũng đã cố gắng dành thời gian trả lời phỏng vấn của Đài VOA về vinh dự của ông khi nhận giải thưởng danh giá này. Xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn do An Tôn thực hiện.
VOA: Xin chào giáo sư và chúc mừng ông về giải Pulitzer. Triết lý của cuốn tiểu thuyết là gì, thưa ông?
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt: Triết lý của cuốn tiểu thuyết là trạng thái ở giữa các bên nghĩa là thế nào. Tôi lớn lên với tư cách là một người tị nạn do Chiến tranh Việt Nam, và tôi nhận thức rõ về thực tế là những người Mỹ mà tôi sống cùng nhìn vào cuộc chiến theo một cách riêng, còn những người tị nạn Nam Việt Nam mà tôi sống cùng lại nhìn vào cuộc chiến theo một cách riêng khác.

Gia Minh/RFA - Tranh chấp Biển Đông thu hút sự chú ý của cả thế giới

Trung Quốc đưa thêm chiến đấu cơ tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, hình ảnh vệ tinh của ImageSat International chụp được hôm mùng 7 tháng 4 và được các viên chức quốc phòng Hoa Kỳ chứng thực ngày hôm 12/4/2016. - Screen capture
Biển Đông tiếp tục thu hút chú ý không chỉ của những quốc gia có tranh chấp chủ quyền trong khu vực mà có thể nói của cả thế giới. Một số động thái gần nhất trong khu vực và hàm ý của chúng được nhận định ra sao?
Trung - Mỹ “lời qua - tiếng lại”
Trung Quốc chính thức xác nhận vào ngày chủ nhật 17 tháng tư vừa qua về việc đưa máy bay quân sự ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Ngay lập tức sau đó, Hoa Kỳ lên tiếng.
Bắc Kinh cho rằng máy bay phản lực được đưa đến để làm nhiệm vụ nhân đạo cấp cứu đưa ba công nhân bị ốm về đảo Hải Nam. Tuy nhiên phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, đại úy Jeff Davis, trong văn bản trả lời hãng thông tấn CNN thắc mắc sao Trung Quốc lại sử dụng máy bay quân sự cho một dịch vụ dân sự như thế.

Hồng Thủy - Học giả Trung Quốc bày mưu chia cắt Việt Nam từ phía biển

2 chiến hạm Nhật Bản cập cảng Cam Ranh, Việt Nam hôm 12/4, ảnh: thanhniennews.com.

(GDVN) - Một khi lực lượng hải quân ngoại bang triển khai từ trên biển thì về mặt địa hình, Việt Nam như "dưa hấu gặp dao sắc", có thể bị tấn công.
Ngày 18/4, Mã Hiểu, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế - Sự vụ quốc tế thuộc Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải viết bài bình luận trên website Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (news.cri.cn) vu cáo, Nhật Bản lần đầu tiên cho chiến hạm cập cảng Cam Ranh, Việt Nam là nhằm "kiềm chế" Trung Quốc.

Thanh Trúc/RFA - Tự do báo chí ở Việt Nam vẫn xếp hạng 175/180

RSF: Tự do báo chí trên thế giới sa sút trong năm 2015 - RSF PHOTO
Việt Nam vẫn bị xếp hạng 175/180 trong phúc trình thường niên về tự do báo chí thế giới của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF, công bố hôm thứ Tư 20 tháng 4.
Tự do báo chí của Việt Nam sa sút
“Dù vẫn giữ vị trí 175/180 như năm 2015 song phải nói là tình trạng tự do báo chí ở Việt Nam có phần tệ hơn năm ngoái nữa.”
Trên đây là nhận định của ông Benjamin Ismail chuyên trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, trụ sở tại Paris, Pháp. Ông Benjamin nói thêm:
“Lãnh vực tự do thông tin và tự do báo chí của Việt Nam sa sút đáng kể, những hành động bắt giữ, sách nhiễu bloggers và các nhà báo công dân tiếp tục xảy ra, điển hình như vụ việc Nguyễn Hữu Vinh tức blogger Anh Ba Sàm và trường hợp luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài sau này.