Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016
Tú Anh - Tổng thống Miến Điện Thein Sein: chuyên gia diễn biến hoà bình
Tổng thống Miến Điện Thein Sein (phải)
tới dự phiên họp cuối cùng Quốc Hội cũ tại Naypyidaw
ngày 28/01/2016.REUTERS/Soe Zeya Tun
|
Thein Sein, viên tướng cột
trụ trong tập đoàn quân phiệt một thời giam cầm nhà đối lập Aung San Suu Kyi sẽ
bàn giao chính quyền cho cựu tù nhân của mình vào ngày 30/03/2016. Có ai ngờ một
nhân vật lầm lỳ, bị xem là « tay sai » của bạo chúa Than Shwe, đã đưa quốc gia
Đông Nam Á bị cô lập vào con đường dân chủ mà không đổ một giọt máu .
Cách nay năm năm, khi được
chỉ định làm tổng thống Miến Điện với một chính phủ dân sự hình thức thay thế tập
đoàn tướng lãnh rút lui vào hậu trường, tướng Thein Sein bị công luận trong và
ngoài nước xem là bù nhìn của nhà độc tài Than Shwe già yếu. Với gương mặt lầm
lỳ, ông cam kết sẽ thực hiện tiến trình « dân chủ hóa có kỷ luật ». Hơn 50 triệu dân Miến Điện bán tín bán nghi.
Vào ngày 30/03/2016 tới, Miến
Điện sẽ có vị tổng thống dân sự đầu tiên. Sau năm năm thực hiện lời hứa, với
nhiều lúc thăng trầm, tổng thống mãn nhiệm Thein Sein sẽ bàn giao quyền lực cho
ông Htin Kyaw, nhân vật tín cẩn của bà Aung San Suu Kyi. Cuộc chuyển giao quyền
lực sẽ ghi dấu một trang sử mới tại Miến Điện sau gần 70 năm do tướng lãnh hoặc
cựu tướng cai trị.
Tầm ngầm mà đấm chết voi
Xuất thân từ một gia đình
nông dân ở châu thổ sông Irrawaddy, tên tuổi của ông Thein Sein từ đây gắn liền
với chính sách mở cửa đem lại dân chủ và tự do, khát vọng của dân chúng.
Thật ra thì vai trò của tổng
thống Thein Sein cũng rất hạn chế. Ông được đặt đúng chỗ và làm đúng việc : Không để phe quân đội bị mất nhiều quyền lợi, nhưng
cũng phải thỏa mãn khát vọng tự do dân chủ của người dân muốn hội nhập vào trào
lưu thế giới.
Luật sư Yi Yi, 59 tuổi, ở
Rangun mô tả tình hình Miến Điện trong năm năm Thein Sein như sau : Chúng tôi
chỉ mới dễ thở hơn so với thời chế độ quân phiệt. Người dân muốn thay đổi hoàn
toàn trong khi họ chỉ mới cởi áo nhà binh.
Tuy vậy, nhờ tướng Thein
Sein tôn trọng lịch trình dân chủ hóa « kỷ luật », mà bầu cử dân chủ đã diễn ra
và người dân mới có cơ hội bầu cho đối lập. Nhà phân tích độc lập Richard
Horsey nhận định với AFP : Công luận rất ngạc nhiên vì nhân vật được xem là kẻ
thừa hành của nhà độc tài Than Shwe đã không hành xử như bù nhìn khi lên nhậm
chức tổng thống năm 2011.
Diễn biến hoà bình có báo
trước
Ngay những tháng đầu tiên,
ông đã gặp lãnh đạo Aung San Suu Kyi, được thả ra khỏi nhà giam vào năm 2010.
Sau đó, ông ra lệnh thả hàng ngàn tù chính trị, chấm dứt kiểm duyệt thông tin
báo chí, sách vở, điện ảnh, nối lại đối thoại với các sắc tộc nổi dậy đòi quyền
tự trị rộng rãi hơn.
Nhưng hành động ngoạn mục nhất
của ông là đình chỉ dự án một đập thủy điện khoảng 3 tỷ đôla, do Trung Quốc đầu
tư, một đòn đau đối với Bắc Kinh.
Cho đến hôm nay, giới phân
tích không rõ những động cơ nào đã thúc đẩy tướng Thein Sein dân chủ hóa đất nước
thay vì bám trụ : Vì thấy lòng bất mãn của dân chúng quá cao, vì sợ mất chủ quyền
về tay Trung Quốc, vì thấy quốc nhục chậm tiến so với trào lưu thế giới ? Rất
có thể là cả ba lý do hợp lại.
Công lao và vết nhơ để lại
Theo ghi nhận của AFP từ
Rangoon, chính quyền Thein Sein vẫn để lại một số vết nhơ : hàng chục sinh viên
tranh đấu đòi cải cách giáo dục vẫn còn bị giam, để trổi dậy làn sóng kỳ thị Hồi
Giáo của một hệ phái Phật Giáo cuồng tín. Trong những ngày cuối cùng của chính
phủ mãn nhiệm, không ít thân nhân của tướng lãnh, sĩ quan bị tố cáo tranh thủ
giành giựt nhiều hợp đồng kinh doanh béo bở.
Hệ quả 70 năm quân đội cầm
quyền sẽ còn ảnh hưởng lâu dài tại Miến Điện, vì phe quân sự vẫn duy trì quyền
lực chính trị và kinh tế. Nhiệm vụ của tân chính quyền dân sự do vậy sẽ rất cam
go và phải nhanh chóng mang lại kết quả cụ thể để không phụ lòng dân tín nhiệm.
Cũng theo AFP, đối với đông
đảo người Miến Điện, di sản lớn nhất của tướng Thein Sein là vai trò của ông
trong công cuộc bàn giao chính trị, ôn hoà, không đổ máu.
Nỗ lực hoà giải này, nỗi ám ảnh
của các chế độ độc tài, được gọi là « diễn biến hoà bình ».