Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016
Trần Huy Bích - Nhớ anh Tâm Thiện
Tôi nghe danh anh Nguyễn Ngọc Bích từ rất lâu, và đọc tác phẩm của anh từ 1975 (tập thơ dịch A Thousand Years of Vietnamese Poetry), nhưng mãi đến năm 2000 mới có hoàn cảnh tiếp tay trong một vài việc anh làm.
Mùa Hè năm
2000, anh từ miền Đông sang California để cho ra mắt cuốn Hồ Xuân Hương : Tác phẩm do
anh sưu tập và hiệu đính. Hai người được anh nhờ tới giới thiệu sách là cố Giáo
sư Nguyễn Đình Hoà và tôi. Trong sách, anh đề cập tới bản Lưu Hương Ký chép tay, đã do cụ Cử nhân Hán học Nguyễn Văn Tú, người
làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định, đem từ tủ sách gia đình ra tặng thư viện Viện
Hán Nôm. Khi tới phiên trình bày, tôi nói ít lời về cụ, và cho biết cụ chính là
vị thầy dạy Hán văn của tôi niên khóa 1953-54 khi theo học lớp Đệ Tứ trường
Trung học Nguyễn Khuyến Nam Định. Anh Bích rất lưu tâm tới chi tiết này. Sau
khi tôi trình bày xong, anh đến hỏi tôi thêm về cụ. Tôi nói với anh những điều
tôi biết, rồi thêm rằng qua những điều tôi nhận thức được về cụ (làm những việc
tốt, việc phải không vì danh lợi) thì việc đem một cuốn sách quý, thuộc loại
“gia bảo” trong tủ sách gia đình ra tặng Viện Hán Nôm, hoàn toàn hợp với tư cách
cao quý của cụ. Anh Bích rất vui khi biết thêm những chi tiết ấy.
Năm 2005 anh
cho tôi biết anh có ý định dịch Cung Oán
Ngâm Khúc sang tiếng Anh. Tôi nhiệt liệt tán thành và nói, “Cung Oán Ngâm Khúc dùng quá nhiều điển
tích và nhiều từ Hán Việt khó, là một trở ngại lớn đối với thế hệ trẻ. Một bản
dịch Anh ngữ xuất sắc, bên cạnh việc để giới thiệu với quốc tế, có công dụng giúp
thanh niên, sinh viên Việt sống ở ngoại quốc (và đã thạo Anh ngữ) rất nhiều.”
Biết anh giỏi Pháp văn, tôi nói thêm, “Tôi có một bản dịch Cung Oán sang tiếng Pháp (Les
plaintes d’une odalisque, do Tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng dịch - Sàigòn : Bộ Quốc
gia Giáo dục, 1960). Trong trường hợp anh chưa có cuốn ấy, tôi sẽ làm bản sao gửi
sang anh. Hi vọng cuốn này cũng góp thêm phần nào vào việc nắm vững ý nghĩa những
chỗ khúc mắc.” Tôi đã làm việc ấy theo lời anh yêu cầu, và thỉnh thoảng trao đổi
ý kiến với anh qua email khi anh gặp những điển tích khá rắc rối. Năm sau 2006,
khi qua ra mắt cuốn sách ở Nam California, anh yêu cầu tôi tới “nói ít lời giới
thiệu.” Những hàng chữ anh viết trên tập sách ký tặng tôi sau đó cho thấy anh rất
vui và rất hài lòng.
Đầu năm 2012,
khi tới Nam California cho ra mắt tập thơ Lưu
Hương Ký của Hồ Xuân Hương (thơ chữ Hán và Nôm, do anh phiên âm và chú
thích), anh ghé thăm tôi, muốn tôi lại giới thiệu cuốn sách như mấy lần trước. Trong
cuốn này, cũng như trong Hồ Xuân Hương : Tác
phẩm xuất bản năm 2000, anh nêu ra một thắc mắc hữu lý: Tuy được chép trong
Lưu Hương Ký, bốn câu đầu của bài
“Thu tứ ca” (từ “Thu phong khởi hề bạch
vân phi” tới “Hoài giai nhân hề bất năng vương”) đúng là mấy câu mở đầu
bài “Thu phong từ” của Hán Vũ đế Lưu Triệt, vị vua thứ 7 nhà Tây Hán, trị vì từ
năm 141 đến năm 87 trước công nguyên, nghĩa là trước Hồ Xuân Hương 19 thế kỷ. Vậy
đã có chuyện lầm lẫn chăng? Chúng ta có nên coi bài “Thu tứ ca” là tác phẩm của
Hồ Xuân Hương nữa hay không?
Khi giới thiệu
sách, sau phần trình bày những khó khăn cho ta thấy công phu cùng lòng nhiệt
thành với văn học của anh Nguyễn Ngọc Bích, tôi nêu một nhận xét: Người xưa vẫn
thường đưa những câu thơ, câu văn đã trở nên quen thuộc của cổ nhân vào tác phẩm
của mình, để làm rõ thêm một ý muốn nhấn mạnh, để chứng tỏ rằng tiền nhân “cũng
từng nghĩ, từng gặp cảnh ngộ giống như thế.” Đó là trường hợp của Nguyễn Công
Trứ khi đưa hai câu thơ của Văn Thiên Tường (Nhân sinh tự cổ thùy vô tử …) vào bài hát nói “Chí làm trai,” trường
hợp của Cao Bá Quát khi đưa những câu của Tô Đông Pha (Duy giang thượng chi thanh phong …) và của Lý Bạch (Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng
lai …) vào bài hát nói ”Ngán đời.” Đó cũng là trường hợp của Vũ Hoàng Chương
khi sáng tác bài “Ý đàn” trong tập thơ Hoa
Đăng (Sàigòn : Văn Hữu Á Châu, 1959). Trước khi đưa ra những câu thơ của
chính mình (Mơ xanh đắng vị thu già
…), nhà thơ họ Vũ đã mở đầu bằng hai câu thơ của Cao Bá Quát: “Minh nhật dục từ Nam phố đạo, Hà nhân cánh
xướng Bắc cung thanh.” Trong bài thơ gửi từ nhà giam Chí Hòa về gia đình
năm 1976, trước khi viết những câu của chính mình (Chẳng dùng chi được văn tài, Thân này lụy áo cơm ai bất ngờ …), Vũ Hoàng Chương cũng đã chép lại
hai câu thơ trong bài “Khất thực” (bài thứ 14 trong Thanh Hiên Thi Tập) của Nguyễn Du: “Văn tự hà tằng vi ngã dụng, Cơ hàn bất giác thụ nhân liên” (có thể
lược dịch là: Văn chương chữ nghĩa đã từng ích gì cho ta? Không dè vì đói rét
phải nhận lòng thương hại của người).
Tiền nhân ở Á
Đông xưa không có quan niệm giữ tác quyền. Có tác phẩm được lưu truyền (có “văn chương hành thế”) là niềm vui của
các tác giả. Những câu được trích dẫn thường là những câu có ý tưởng hay, giới
học thức đều đã biết, nên người trích dẫn được coi là đã “tập cổ” (thu góp ý
người xưa) chứ không bị coi là “đạo văn.” Đó là trường hợp của Hồ Xuân Hương
khi đưa mấy câu trong bài “Thu phong từ” của Hán Vũ đế lên trước những câu của
chính mình trong bài “Thu tứ ca.” Tôi nhớ đã kết luận ý nghĩ ấy bằng câu: Chúng
ta vẫn có quyền coi “Thu tứ ca” là một tác phẩm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Giáo
sư Nguyễn Ngọc Bích đã rất đúng khi phiên âm và chú giải bài ấy. Chỉ cần nêu rõ:
Bốn câu đầu được rút từ bài “Thu phong từ” của Hán Vũ đế, một điều Giáo sư Nguyễn
Ngọc Bích đã làm. Lập luận ấy khiến anh Nguyễn Ngọc Bích vui, và cử tọa cũng tỏ
ra tán thưởng.
Trong những việc
kể trên, anh Nguyễn Ngọc Bích luôn luôn là nhân vật chính, nhiệm vụ nặng và đáng
nói hơn nhiều: sưu tầm, phiên âm, phiên dịch, chú giải, đưa sách đi in… Tôi chỉ
giữ vai người tán trợ, thỉnh thoảng góp chút ý kiến, tài liệu nhỏ (trường hợp bản
dịch Cung Oán Ngâm Khúc), rồi tới nói
ít lời về cuốn sách để những ai chưa đọc sẽ thấy rõ ý nghĩa, giá trị của sách
cùng những vất vả, công phu của anh hơn. Tôi rất vui đã có dịp tiếp tay anh một
cách khiêm nhượng như thế.
Có khi anh và
tôi cùng được yêu cầu làm một việc, mới trông có vẻ giống nhau: tới phát biểu ít
lời nhân dịp giỗ đầu của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Nhưng tôi chỉ từ nhà lái xe
tới địa điểm hành lễ (không quá 3 miles) trong khi anh phải bay từ miền Đông
sang California. Tôi cũng chỉ phải đứng trước công chúng có một lần trong ngày,
trong khi anh phải nói ba lần liên tiếp tại ba địa điểm khác nhau nhân chuyến đi
ấy. Sức làm việc của anh quả là phi thường!
Khi sang dự Hội
nghị về Biển Đông tại Manila tháng 3 năm 2015 cũng thế. Tôi chỉ việc tới nơi,
có mặt trong ngày Tiếp tân (hôm trước) và ngày Hội nghị (hôm sau). Trong Hội
nghị, tôi chỉ việc lắng nghe các diễn giả, ghi chép, nêu câu hỏi, đóng góp ý kiến
một cách rất khiêm nhượng, rồi trao đổi thêm với một số diễn giả và bạn trẻ từ
Việt Nam tới trong giờ giải lao, trong khi anh đứng trong Ban Tổ chức, có thêm
nhiều nhiệm vụ khác. Sau Hội nghị tôi cũng
về Mỹ ngay, trong khi anh còn ở thêm ba hôm nữa, sinh hoạt với anh em “Họp mặt
Dân chủ,” một số anh chị em từ trong nước qua. Sức làm việc và tinh thần “dấn
thân” của anh quả đáng khâm phục!
Trong một số
dịch phẩm của anh Nguyễn Ngọc Bích (chuyển thơ, ca dao Việt sang Anh ngữ), có
đôi chỗ cách hiểu của tôi có chút khác cách hiểu của anh. Với tư cách bạn thân,
tôi đưa ra hỏi khi có dịp gặp thì được anh cho biết những bản dịch ấy có từ quá
lâu (A Thousand Years of Vietnamese Poetry được xuất bản năm 1975, hơn 40
năm trước). Cách hiểu của anh về sau đã khác trước một cách đáng kể. Anh cho biết
khi có dịp tái bản, sẽ cho in lại theo cách hiểu mới. Rất tiếc anh ra đi một
cách quá đột ngột, chưa kịp làm công việc tái bản ấy!
Bên cạnh con
người “học giả” và “chiến sĩ” vẫn còn một Nguyễn Ngọc Bích “nghệ sĩ.” Khi đứng hát
trước công chúng, anh hát một cách say sưa. Khả năng truyền cảm qua những bản
hát của anh rất mạnh.
Anh chăm chút
các tập sách của anh trong tinh thần một người yêu nghệ thuật. Trong A Thousand Years of Vietnamese Poetry là một sưu tập tranh dân gian mỹ thuật và
phong phú: người nông dân ngồi nghỉ cạnh con trâu, mục đồng thổi sáo, thiếu nữ
gảy đàn, Bà Triệu cưỡi voi, lợn mẹ cùng bày lợn con, chim, cá … Đến phần thơ
văn cận đại (“Modern times” với Thế Lữ, Huy Cận …), anh tìm được bức tranh một
người lính đi xe đạp, đeo súng, mắt nhìn theo chim bay giữa đám hoa. Tranh mang
hàng chữ Hán “Văn minh tiến bộ.” Quả là một bức tranh đặc biệt và hiếm thấy.
Trong cuốn Cung Oán Ngâm Khúc do anh dịch và chú giải,
anh giới thiệu bộ tranh minh họa tác phẩm ấy một cách vô cùng xuất sắc của cố họa
sĩ Mai Lân. Toàn bộ gồm 40 bức tranh màu, vẽ nàng cung phi trong trang phục thời
xưa qua các giai đoạn của tác phẩm: từ vẻ kiều diễm thuở thiếu thời, những “ong
bướm xôn xao,” rồi được đưa vào cung với những huy hoàng ban đầu cho tới khi bị
xao lãng, nông nỗi cô đơn, âm thầm chiếc bóng… Cũng có những bức tranh minh họa
tư tưởng trong tác phẩm: từ cuộc đời phù du, ý định nương mình cửa Phật, cho tới
hạnh phúc đơn giản của cặp vợ chồng quê. Bên cạnh giá trị văn học, cuốn sách đạt
tới địa vị một giai phẩm về phương diện ấn loát.
Hai cuốn Hồ Xuân Hương : Tác phẩm và Lưu Hương Ký cũng tập hợp nhiều tranh
minh họa xuất sắc, cả tranh đen trắng lẫn tranh màu, từ tranh dân gian đến tác
phẩm của những họa sĩ danh tiếng như Bùi Xuân Phái, Võ Đình, Nguyễn Thị Hợp… Về
phương diện mỹ thuật, anh Nguyễn Ngọc Bích đã chăm chút tác phẩm của mình một
cách tài hoa và tận tâm.
Sự ra đi đột
ngột của anh đã khiến rất nhiều người thương tiếc. Trong những năm lưu lạc tại
hải ngoại cũng nhiều người Việt Nam quên mình cho lý tưởng, tận tụy làm việc, mong
đem lại tự do, dân chủ, thịnh vượng cho quê hương. Nhưng đúng như nhận xét của
nhà văn Trần Trung Đạo, ít ai đã “cống hiến một cách tích cực, liên tục, và
phong phú trong nhiều lãnh vực” như anh Nguyễn Ngọc Bích. Giã biệt thế gian một
cách nhẹ nhàng khi đang ở trên mây cao, anh hẳn phải có một cái “tâm” rất “thiện”
để xứng với phúc lành ấy. Mỗi khi nghĩ tới
anh, người viết những dòng này lại nhớ đến nụ cười rất tươi và hồn nhiên. Nụ cười
ấy luôn luôn xuất hiện trên khuôn mặt người đã nhận pháp danh là “Tâm Thiện.”
Trần
Huy Bích
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
http://www.clipvtv.net/page/2
Trả lờiXóaTổ Hợp XB Miền Đông cũng là một công trình rất ích lợi cho VH VN hải ngoại của gs Bích.
Trả lờiXóa