Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh - Bảo vệ sự sống: Một tiếng kêu báo động về đạo đức xã hội
Một nhóm mấy
chục bạn trẻ lặng lẽ đi, cầm trên tay
những tấm pano nhỏ với những dòng chữ bảo
vệ sự sống
Photo by
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Giữa phố
phường Hà Nội chiều ngày 8/3 thật đông đúc và ồn ào. Dòng người trên các ngã
tư, từng ngõ phố chật chội với khói bụi mịt mù, khi trời đổ cơn mưa phùn nhè nhẹ.
Mọi người trên đường hình như hối hả hơn để về nhà, để chúc tụng, để tìm bạn...
trong cái ngày gọi là "Quốc tế phụ nữ".
Trong sự ồn
ào, náo nhiệt đó, trên hè phố, một nhóm mấy chục bạn trẻ lặng lẽ đi, cầm trên
tay những tấm pano nhỏ với những dòng chữ như: "Thai nhi cũng là người,
các em có quyền được sống", "Hãy làm ơn, xin đừng giết các thai nhi
vô tội", "Đừng để yếu lòng một lúc rồi hối hận cả đời"...
Những
cái nhất đáng xấu hổ
Việt Nam,
đất nước đang tụt hậu về kinh tế, quốc phòng, an ninh và nhất là đời sống văn
hóa xã hội. Đời sống nhân dân, thậm chí còn thua cả Lào và Campuchia khi người
dân Việt Nam đang đua nhau đi "xuất khẩu lao động" sang Lào với con số
tăng vùn vụt hàng năm.
Tuy nhiên,
Việt Nam vẫn có những cái "Nhất" mà theo báo chí Việt Nam, đó là
"Những cái nhất đáng xấu hổ", trong đó, có nạn phá thai. Việt Nam
đang đứng hàng đầu thế giới và "Nhất" Đông Nam Á về nạn phá thai.
Theo con số
thống kê chính thức của Ủy ban quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình, ở nước
ta, cứ 1 trẻ em ra đời thì có 1 bào thai bị phá bỏ. Mỗi năm có 1,2 – 1,6 triệu
trẻ em được sinh ra tương ứng với đó con số bào thai bị phá bỏ. Đáng chú ý hơn
cả là số trẻ vị thành niên nạo phá thai ở Việt Nam cao hơn nhiều lần so với các
quốc gia dẫn đầu về nạo phá thai.
Tại Hội
nghị thực hiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe
tình dục vị thành niên, thanh niên do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu
niên và Nhi đồng của Quốc hội, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức ngày 27/8/2014
thì “Theo thống kê của Hội KHHGĐ Việt Nam, phá thai ở trẻ vị thành niên hằng
năm là 300.000 ca, chiếm tỷ lệ 20%”.
Tuy nhiên,
theo các đại biểu, tỷ lệ nạo phá thai ở vị thành niên (VTN) tại Việt Nam có xu
hướng gia tăng và có thể còn cao hơn con số 300.000 ca/năm, bởi không được thống
kê đầy đủ.
Một con số
giật mình, khi Bệnh viện Từ Dũ đưa tin trên website của mình rằng: "Việt
Nam là một trong những nước có tỉ lệ phá thai cao nhất ở Châu Á và thế giới,
riêng tại BV Từ Dũ hàng năm giải quyết gần 30 triệu trường hợp đến bỏ
thai". - BS. Dương Phương Mai. Trưởng khoa KHGĐ - BV Từ Dũ, Sài Gòn.
Những hậu
quả khôn lường
Báo chí Việt
Nam đã có một số bài viết về tác hại của việc phá thai. Nhiều bài viết đã chỉ
ra tác hại, những ảnh hưởng về thể chất và tinh thần của việc phá thai đối với
phụ nữ và đối với xã hội. Đặc biệt tình trạng "trẻ hóa lực lượng" nạo
phá thai trong độ tuổi vị thành niên đã hết sức đáng báo động.
Tuy nhiên,
so với những bài viết "lăng xê" các cảnh ăn chơi trác táng, những cảnh
hở hang, các bài viết về chuyện phòng the... thì những bài viết này chỉ như muối
bỏ biển. Vì thế, những tiếng báo động của xã hội trên báo chí, thậm chí không
có tác dụng mấy cho việc ngăn ngừa tệ nạn này.
Một số tác
giả đã chỉ rõ những tác hại khôn lường với những hậu quả khủng khiếp đối với
con người khi phá thai. Những bài viết đó đã nêu được một số khía cạnh, một số
mặt hậu quả sau khi phá thai. Nhưng, về tổng thể, chưa nêu được những hậu quả của
yếu tố tinh thần và mặt nguyên tắc đạo đức xã hội.
Trên hết,
đó là tước đi mạng sống của một sinh linh, mà theo nguyên tắc của cuộc sống,
thì không ai được phép làm điều đó.
Việc nạo
phá thai không chỉ là những ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống gia đình, thể chất
của người mẹ, mà điều quan trọng hơn, đó là sự coi thường mạng sống của người
khác được dung túng và thậm chí là khuyến khích ở một mặt nào đó, ở một số nơi
nào đó thậm chí một cách ngang nhiên. Điều này tạo ra tâm lý chấp nhận bạo lực,
giết người, cưỡng đoạt mạng sống người khác ngay từ những đứa trẻ vị thành
niên. Và chính điều đó, tạo nên sự suy đồi không thể cưỡng được của đạo đức,
văn hóa xã hội Việt Nam.
Nguyên
nhân của mọi nguyên nhân
Ở Việt Nam
thời Cộng sản, một thời gian dài, việc quan hệ giới tính là chủ đề cấm kỵ được
thực hiện bằng các điều không có trong luật mà chủ yếu bằng hệ thống chính quyền,
đảng và tổ chức. Việc quan hệ tình dục đối với cộng đồng dân chúng ngoài hôn
nhân được coi là một "trọng tội". Với "trọng tội" này, thì
các cấp chính quyền, đảng ủy, cơ quan, công đoàn... vào cuộc và bằng nhiều biện
pháp khắt khe nhiều khi quyền cơ bản của con người, của phụ nữ không được đếm xỉa
đến. Những khi đó, con người lấy việc hành hạ nhau trong vấn đề này như một trò
tiêu khiển và vui thú mà thôi.
Thời kỳ
đó, gọi là "thời Lê Duẩn".
Trong thời
kỳ đó ở Việt Nam, việc quan hệ tình dục ngoài gia đình, ngoài hôn nhân hầu như
chỉ có lãnh đạo cao cấp mới được tự do, còn dân chúng thì đó là một điều không
thể tha thứ.
Thế rồi,
khi đất nước chìm trong đói nghèo và lạc hậu, nhà nước buộc phải "mở cửa",
các trào lưu được tha hồ bùng phát, trong đó có tham nhũng, băng hoại và cả tự
do tình dục.
Khi đó, hệ
thống tư tưởng Mác - Lenin lấy vật chất làm đầu với định nghĩa "Vật chất
quyết định ý thức" đã ngấm sâu trong xã hội và bỏ qua hầu hết các ý nghĩa
về tinh thần đã phát huy tác hại của nó trong từng lĩnh vực một. Về giáo dục, nạn
mua bán bằng cấp, quan hệ thầy trò thay đổi, chỉ là hiện tượng bán, mua. Ở các
trường học, người ta không giáo dục các kiến thức giới tính, không giáo dục những
vấn đề về đạo đức làm người, làm cha mẹ, về việc giết đi các sinh linh mà tội
ác. Thay vào đó, họ giáo dục cái gọi là "đạo đức, tư tưởng Hồ Chí
Minh" - thứ đạo đức, tư tưởng vô thần.
Quan hệ
gia đình cũng nhiều thay đổi theo các trào lưu xã hội. Giá trị gia đình truyền
thống không còn cơ sở tồn tại, bởi sự tác động của trào lưu vật chất hóa.
Khi đó, tự
do tình dục, một "cơn bão" đã từng làm mưa làm gió ở xã hội phương
Tây, sau nhiều năm đã lắng xuống trả lại các giá trị gia đình, thì nay lại được
dịp tràn vào Việt Nam.
Và nạo
thai, chỉ là một biện pháp kỹ thuật để phục vụ mục đích cách mạng để đạt được
những chỉ tiêu xã hội được giao về vấn đề tăng dân số/ Về cá nhân, giải quyết
được những khó khăn do nạn ăn chơi đàng điếm mang lại.
Tuyệt
nhiên, chưa ai giải thích cho xã hội về tác hại đối với vấn đề đạo đức xã hội,
về tinh thần, những vấn đề về tâm linh... của việc nạo thai.
Đồng thời,
dù không có văn bản khuyến khích, nhưng việc buông lơi, cấp phép ngang nhiên
cho những cơ sở, thậm chí là những đoạn phố ngang nhiên quảng cáo phá thai...
đã kích thích và thậm chí trong một chừng mực nào đó khuyến khích giới trẻ sử dụng
các dịch vụ này như việc chữa đau bụng hoặc uống thuốc cảm sốt.
Các bạn
trẻ lên đường
Trước những
hiện tượng xã hội suy đồi và tội ác được thực hiện nhởn nhơ, nhóm Bảo vệ sự sống
ra đời. Ở đó, có những cụ già đã nhiều tuổi vẫn hăng hái động viên nhóm trẻ là
các sinh viên, cựu sinh viên tham gia công việc bác ái này.
Bằng khả
năng nhỏ bé của mình, nhóm Bảo vệ sự sống trước hết là chăm sóc các thai nhi,
những sinh linh vô tội bị vứt bỏ. Họ đã lầm lũi thu nhặt các hài nhi về nơi an nghỉ,
chăm sóc những đứa trẻ bị chính bố mẹ nó giết hại với sự tiếp tay của bác sĩ và
hệ thống y tế đang xuống cấp trầm trọng về y đức. Hàng ngàn đứa trẻ qua mấy năm
đã được tập trung về nghĩa địa thai nhi, những đứa trẻ bị vứt bỏ đó cũng được
trân trọng như những con người bình thường.
Họ đến các
trường Đại học, các trung tâm tập trung nhiều bạn trẻ để truyền thông bằng lời
kêu gọi, bằng hình ảnh, bằng các tờ rơi... kêu gọi tình người, tình mẫu tử
trong những con người nhiều khả năng là khách hàng của các cơ sở nạo phá thai.
Họ đến các
cơ sở chuyên nạo phá thai, với thông điệp: Nạo thai là giết người, giết người
là tội ác... nhằm cảnh báo những người tham gia vào việc giết chết các sinh
linh vô tội.
Công việc
của những thành viên này hoàn toàn thiện nguyện bằng chính tâm hồn và sự thúc
giục của lương tâm mình: Cần một lời cảnh báo cho xã hội về đại nạn phá thai hiện
nay.
Hàng
tháng, khi có điều kiện, nhóm này lại lên đường với những băng rôn, những tờ
rơi và bằng nhiều cách khác nhau, lên tiếng cho toàn xã hội về một vấn nạn khủng
khiếp, ảnh hưởng đến xã hội không chỉ về mặt thể chất con người, vật chất xã hội
mà cả về mặt tinh thần, đạo đức của một đất nước, một dân tộc.
Tiếp xúc với
các bạn trẻ làm công việc thiện nguyện này, các bạn cho biết: Không thiếu những
khó khăn, những hiểu nhầm, thậm chí hiểu đúng nhưng với cách nhìn ác cảm và sự
thiếu đạo đức, để ngăn chặn họ làm những công việc có ích và cần thiết này cho
xã hội. Những khó khăn đó, đến từ nhiều nơi, từ hệ thống chính trị, từ hệ thống
bệnh viện, cơ sở y tế, từ các bác sĩ... và thậm chí đến từ cả các nạn nhân.
Nhưng, các
bạn vẫn lên đường, âm thầm và kiên trì với một hy vọng nhỏ nhoi: Cất lên một tiếng
nói báo động cho xã hội và âm thầm chăm sóc các sinh linh bị chối từ và vứt bỏ.
Hà Nội,
Ngày 10/3/2016