Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016
Hùng Tâm - Ai sẽ lãnh đạo Cuba?
Quân phiệt Cộng Sản Cuba trong buổi giao thời
Truyền thông
Hoa Kỳ - và nhà báo thông ngôn của xứ khác - gọi chuyến thăm viếng Cuba vừa qua
của Tổng Thống Barack Obama là biến cố có ý nghĩa lịch sử vì từ 88 năm nay mới
có một tổng thống Hoa Kỳ đặt chân lên đảo quốc này. Có lẽ, đấy là ý nghĩa lịch
sử cho sự nghiệp của ông Obama, chứ chưa hẳn là cho người dân Cuba. Sau khi ông
Obama ra về, cựu Lãnh Tụ Fidel Castro nay đã 90 tuổi liền có một bài đả kích vị
tổng thống thượng khách của người em là Chủ Tịch Raúl Castro. Cũng có ý nghĩa lịch
sử vì Fidel ngợi ca thành tích của chế độ Cộng Sản Cuba do ông sáng lập và chối
từ lời kêu gọi cải cách của ông Obama.
Toàn là chuyện
lịch sử cả, trong ý nghĩa là quá khứ. Tương lai rồi sẽ ra sao?
Hồ sơ Người
Việt sẽ tìm hiểu về tương lai ấy, giúp cho các nhà báo thông ngôn ở gần xa.
Một chế độ quân phiệt đỏ
Trong nhiều
thập niên, truyền thông Hoa Kỳ thường mô tả Cuba như một quốc gia theo chế độ Cộng
Sản. Có một phần sự thật trong đó, nhưng một phần thôi thì chưa thể là sự thật.
Sau khi lật đổ
chế độ độc tài Fugengio Batista năm 1959, Fidel Castro lên cầm quyền và áp dụng
chủ thuyết Mác-Lênin để cai trị. Nhưng như nhiều lãnh tụ Nam Mỹ, ông lại xây dựng
và củng cố một tổ chức lãnh đạo trong tay các tướng lãnh thân tín với gia đình
Castro.
Sáu chục năm
sau, là ngày nay, tổ chức ấy vẫn tồn tại - và sinh con đẻ cái. Từ khi thành lập,
Chính Quyền Cuba là sản phẩm của quân đội (tạm dùng chữ này), không phải của đảng
Cộng Sản Cuba. Từ khi làm cuộc cách mạng với lực lượng quân sự, Castro dùng
quân đội để kiểm soát cả chính quyền lẫn toàn dân. Ông không tin vào đảng mà
dùng nó như bình phong để mê hoặc người dân với lý tưởng độc lập của José Marti
và tư tưởng Mác-Lê, chứ tập trung quyền lực vào quân đội và các tướng dưới quyền.
Theo lý luận
dân chủ, người ta có tam quyền phân lập là Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp. Theo
lý luận Cộng Sản thì ta có đảng ở trên, nhà nước ở dưới, để cùng cai trị toàn
dân theo đường hướng của đảng. Theo tổ chức Castro, người ta có quân đội ở
trên, đảng và nhà nước Cộng Sản ở dưới. Điều ấy có nghĩa là quân đội là một định
chế, một institution (mà người Hà Nội dịch là thể chế). Nhưng là một định chế vừa
lãnh đạo vừa cầm quyền trong các lãnh vực chính trị, an ninh và cả kinh tế. Vì
lối tổ chức ấy, các tướng lãnh có tiếng nói trong mọi quyết định của đảng và nhà
nước.
Sáu chục năm
sau và qua hai bản Hiến Pháp, Chủ Tịch Raúl Castro kế thừa sự nghiệp ấy.
Quân đội trên đảng
Raúl Castro
có thể là bí thư thứ nhất của đảng Cộng Sản, cầm đầu Bộ Chính Trị của Ban Chấp
Hành Trung Ương, nay là chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước và chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng
(tương tự thủ tướng). Nhưng trước hết là đại tướng Tổng Tư Lệnh Quân Đội và bộ
trưởng Quốc Phòng trong suốt thời kỳ lãnh đạo của người anh là Fidel Castro.
Với tư cách
lãnh đạo đảng và cơ chế lấy quyết định về chánh sách là Bộ Chính Trị, Raúl thực
tế chỉ định các ủy viên Bộ Chính Trị và trưởng ban. Qua trang nhà của đảng, được
cập nhật lần cuối vào năm 2014, ta biết Bộ Chính Trị có 14 ủy viên. Ngày nay, một
ủy viên đã mất, nhưng trong 13 người còn lại thì có năm người là tướng lãnh
đương nhiệm, hai người là sĩ quan quân đội hay an ninh đã hồi hưu và một người
đang phục vụ quân đội, vị chi là tỉ lệ 8/13. Trong cơ chế gọi là Hội Đồng Bộ
Trưởng, quân đội cũng nắm vai trò quyết định trong Bộ Quốc Phòng, các Bộ Nội Vụ
(Công an), Thông Tin, Giao Thông Vận Tải, Kinh Tế và Du Lịch.
Về mặt an
ninh thì Bộ Nội Vụ giữ vị trí chủ yếu, với khả năng và trình độ cao về tình báo
đến độ gài được gián điệp cao cấp vào Bộ Ngoại Giao, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia
và một số đại học uy tín của Hoa Kỳ, rồi qua đó khuynh đảo được đối sách của Mỹ
về Cuba. Khi tái lập bang giao, Chính Quyền Obama đã mau mắn trao trả cho Cuba
các điệp viên bị sa lưới và ít ai nói đến họ.
Cầm đầu Bộ Nội
Vụ là một viên tướng, dưới quyền là các thứ trưởng hay cục trưởng về An Ninh và
Tình Báo, cũng đều từ quân đội ra. Trong Bộ Nội Vụ, Cục Tình Báo Trung Ương
Dirección de Intelligencia (DI) là mũi nhọn tình báo của Cuba, đã từng yểm trợ
chế độ Hugo Chavez của Venezuela để được viện trợ dầu hỏa, và phụ trách tình
báo quốc ngoại và hoạt động mật vụ. Cũng trong Bộ Nội Vụ, Cục An Ninh Quốc Gia
đảm nhiệm việc bảo vệ an ninh quốc nội, theo dõi người dân và công tác phản
gián. Sau cùng, lực lượng cảnh sát quốc gia cũng thuộc thẩm quyền của bộ này.
Những người Cộng
Sản lãng mạn ở bên ngoài ít chú ý đến khía cạnh quân phiệt ấy của nền chuyên chính
vô sản!
Quân đội Castro nắm kinh tế
Trong Bộ Nội
Vụ, một nhân vật chỉ mang lon đại tá bộ binh mà lại là kẻ chủ chốt vì là cố vấn
cho Hội Đồng An Ninh và Quốc Phòng, và cầm đầu ủy ban phối hợp hoạt động tình
báo giữa hai Bộ Nội Vụ và Quốc Phòng. Then chốt hơn nữa, đấy là con trai của
Raúl Castro, Đại Tá Alejandro Castro Espin, sinh năm 1966.
Và người giữ
tay hòm chìa khóa cho hệ thống kinh tài của chế độ quân phiệt này là Thiếu Tướng
Luis Alberto Rodríguez López-Callejas, chủ tịch tập đoàn kinh tế nhà nước lớn
nhất của Cuba. Tập đoàn GAESA (Corporate Management Group SA) quy tụ 57 doanh
nghiệp, đem lại từ 50 đến 80% nguồn lợi cho Cuba trong các ngành béo bở như du
lịch, kỹ nghệ đường và rượu và là cánh tay kinh tài của quân đội Cách Mạng
Cuba. Đấy cũng là trung tâm ban phát quyền lợi cho các sĩ quan thân tín với gia
tộc Castro vì Luis Alberto Rodríguez là con rể của Raúl.
Qua tập đoàn
GAESA, Tướng Luis Alberto Rodríguez trực tiếp quản lý dự án phát triển hải cảng
Mariel (Mariel Port Special Development Zone), một đặc khu kinh tế đang hy vọng
tiếp nhận đầu tư của nước ngoài để trở thành đầu máy cho toàn quốc. Giới đầu tư
quốc tế hay Hoa Kỳ mà muốn làm ăn thì phải gặp viên tướng nhiều quyền thế này.
Sau khi lên kế
nhiệm Fidel từ năm 2008, Raúl có tiến hành “đổi mới kinh tế.” Là người chung thủy
với lý tưởng cách mạng kiểu Fidel, và góp phần xây dựng chế độ quân phiệt đỏ,
ông cũng đủ thực tiễn để hiểu ra mối nguy của Cuba sau khi Liên Bang Xô Viết sụp
đổ. Trong giai đoạn thoái trào mà dân Cuba gọi là Periodo Especial từ 1993 đến
1997, kinh tế Cuba sụt mất hơn một phần ba, 36%. Vì vậy, từ năm 2010 ông cải tổ
cơ cấu để kinh tế bớt suy sụp và cho tiểu doanh thương được quyền sinh hoạt.
Nhưng khác với
giải pháp tai hại năm xưa của Mikhael Gorbachev, Raúl tăng cường kiểm soát
thông tin và đàn áp chính trị, lại càng sử dụng các tướng lãnh trung thành nhất.
Dự án trọng điểm Mariel do Luis Alberto Rodríguez đang thực hiện nằm trong hướng
đó.
Mục tiêu của
Raúl Castro không phải là áp dụng kinh tế thị trường, hoặc theo tư bản chủ
nghĩa. Mà là tìm phương tiện bảo vệ quyền lực và quyền lợi của chế độ quân phiệt
quy tụ quanh đại gia đình Castro. Nhưng sinh năm 1931, Raúl Castro cũng đã xế
chiều, và cho biết là sẽ về hưu khi hết nhiệm kỳ vào năm 2018 này, khi ông ở tuổi
87.
Ai sẽ kế nhiệm Raúl Castro?
Cho đến nay,
chế độ quân phiệt đỏ chưa có quy định chính thức về việc kế thừa quyền bính sau
khi Raul ra đi.
Trên nguyên tắc
- mà nguyên tắc là điều cách mạng có thể sửa - thì phó chủ tịch thứ nhất của Hội
Đồng Nhà Nước và của Hội Đồng Chính Phủ (tương tự như phó tổng thống Kiêm Phó
Thủ Tướng) là nhân vật số hai của chế độ nên sẽ kế nhiệm chủ tịch, như Raúl đã
kế nhiệm Fidel.
Năm 2013,
Raúl Castro đã bổ nhiệm Miguel Diaz-Canel vào chức vụ này và theo Hiến Pháp thì
Diaz-Canel sẽ lãnh đạo nếu Raúl hết khả năng vì chuyện bệnh, tử... Sinh năm
1960, nổi tiếng bảo thủ, Diaz-Canel có thể đảm bảo việc duy trì Cách Mạng Cuba.
Nhưng đấy là một người chưa từng ở trong quân đội, một nhân vật dân sự. Các tướng
lãnh nghĩ sao? Khi ấy, họ có thể nghĩ đến Đại Tá Alejandro Castro Espín, con
trai của Raúl Castro.
Có thành tích
“tác chiến” trong trận nội chiến tại xứ Angola bên Phi Châu, Castro Espín có ba
ưu điểm là biết về tình báo và có bằng đại học về an ninh và quân sự, lại thường
xuyên có mặt để trợ giúp thân phụ từ khi Raúl nắm quyền vào năm 2008. Trong nhiều
chuyến công tác ở nước ngoài, và cả khi đón tiếp Tổng Thống Obama hôm 21 vừa
qua, Castro Espín đều hiện diện bên Raúl, như nhân vật số hai, hay ít ra là
thân tín nhất.
Ngoài sự kiện
Fidel Castro có quá nhiều vợ lẫn đào và địch và lý lịch của các con được “sử
gia” cạo sạch, chế độ Cuba cũng ít cung cấp thông tin về các nhân vật trọng yếu.
Vì vậy người ta ít biết về Phó Chủ Tịch Diaz-Canel và Đại Tá Phò Mã Castro
Espín. Đấy là quy luật sinh tồn trong chế độ độc tài: Càng nổ lắm thì càng banh
xác pháo. Fidel không muốn ai nổi ở chung quanh, Raúl cũng vậy.
Vì thế, giới
đầu tư đang mong chờ ngày đổi mới thật của Cuba sẽ phải tìm dữ kiện dự đoán bằng
ngả khác. Đại Hội Khóa Bảy của đảng Cộng Sản Cuba dự trù tổ chức vào Tháng Tư
này có thể là cơ hội. Sau đó họ phải tìm xem giá biểu sẽ là bao nhiêu, để góp
phần xây dựng thiên đường Castro.
Kết luận ở đây là gì?
Việc Hoa Kỳ
hòa giải với Cuba chưa hề đe dọa quyền lực của chế độ Castro và các thành phần
quân phiệt đang chia nhau quyền lợi kinh tế.
Cho tới nay,
thiểu số lãnh đạo này cũng chưa có dấu hiệu tranh quyền hay chống đối việc hòa
giải và vẫn bảo vệ được an ninh nội bộ - trên lưng những người mơ ước dân chủ.
Nhưng kinh
nghiệm của các lân bang, từ Venezuela tới Brazil, Chile và Argentina, cho thấy
là kinh tế có thể bị khủng hoảng vì nạn tham nhũng và chuyên quyền. Đấy là chuyện
nên theo dõi trong buổi giao thời của gia tộc Castro.