![]() |
Tổng Giám đốc California Waste Solutions, ông David Dương (ảnh Bùi Văn Phú) |
Công ty rác California
Waste Solutions (CWS) do một người Việt làm
chủ đã hoạt
động ở California trong hơn hai thập niên, hiện có hợp đồng thu gom rác cho hai thành phố Oakland
và San Jose ở miền bắc California.
Năm 2005, ông David Dương là tổng
giám đốc của CWS quyết định đem công nghệ rác từ Hoa Kỳ về Việt Nam và đã mở ra công ty con là
Vietnam
Waste Solutions (VWS) với dự án khu liên hợp xử lý chất thải tại Đa Phước thuộc Tp. Hồ Chí
Minh.
Trong thời gian đầu các cơ quan truyền thông trong nước
hết lời ca ngợi VWS là một đóng góp của Việt kiều từ Mỹ trong việc đầu tư giúp
đất nước phát triển. Nhưng hơn một năm qua báo chí
trong nước lại nhắc đếnVWS với nhiều thông tin rất tiêu cực.
Mới đây ông David Dương
đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn để biết rõ hơn về những đầu
tư và khó
khăn của VWS tại Việt Nam.
Bùi Văn Phú: Cách đây hai tuần, trong một buổi họp giữa tân Bí thư Thành ủy
Tp. Hồ Chí Minh là ông Đinh La Thăng với các nhà đầu tư nước ngoài, bà Huỳnh Thị
Lan Phương, phó tổng giám đốc của VWS, đã phát biểu một câu mà báo Tiền Phong Online có ghi lại:
“Em nói xong không biết có còn về Mỹ được không”. Thưa ông David, chuyện gì đã
xảy ra với công ty VWS?
David Dương:
Thưa câu
chuyện như thế này. Thời điểm đó bà Lan Phương có bức xúc
về những khó khăn về thuế má, hợp đồng của công ty. Trong buổi họp, bà ấy đã
đăng ký để phát biểu nhưng chương trình gần hết rồi mà không thấy kêu bà phát
biểu nên bà giơ tay lên. Trong lúc bức xúc đó vì nói hết mọi chuyện sợ là quá
dài, vì công ty của chúng tôi đang bị nói xấu, đánh phá và có một mạng xã hội
trên Facebook còn nhân danh phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ cũng đánh phá
chúng tôi, đưa lên nhiều bài nói xấu có ảnh hưởng đến công ty, vì quá bức xúc
nên bà Lan Phương đã có những phát biểu như thế.
Bùi Văn Phú: Những đánh
phá nhắm vào VWS là những gì, ông có thể cho biết.
David Dương:
Thật ra khó
khăn của công ty hiện nay là vì có nhiều cạnh tranh. Một số thành phần nào đó
vì ganh ghét với công việc đầu tư của mình, hay một cá nhân nào đó không thích
dự án của mình nên họ cứ đưa đi đưa lại những thông tin đã cũ, từ những năm
2005, 2006 họ đã nói rồi. Như 9 triệu đô thành phố trả trước, về công nghệ của
công ty chúng tôi, hay giá thành của chúng tôi cao hơn giá của thành phố. Những
thông tin đó được đưa lên mạng để nói xấu chúng tôi.
Bùi Văn Phú: Báo chí
trong nước đưa tin công ty xử lý rác Phước Hiệp phải đóng cửa, có phải đó là
nguyên do đưa đến những thông tin nói xấu VWS?
David Dương:
Tôi nghĩ
đó cũng có thể là một nguyên do. Theo những báo cáo tôi đọc được thì Phước Hiệp
là dự án của công ty môi trường đô thị. Họ đã không đầu tư và thực hiện công việc
đến nơi đến chốn, vận hành không đúng như để nước dơ tràn xuống sông, ngấm vào
hệ thống nước ngầm, vì vấn đề bảo vệ môi trường nên nhà nước quyết định đóng cửa
và giao cho mình trên 2 nghìn tấn rác. Nên có thể họ nghĩ là do tác động của mình. Thực sự chúng tôi không tác động vào việc đó vì mình có hợp
đồng với thành phố để xử lý 3 nghìn tấn rác tối thiểu một ngày. Mình chỉ muốn
đem công nghệ từ Mỹ về và làm công việc cho được tốt. Còn bên Phước Hiệp từ đó
đến nay đã mười năm rồi mà không đầu tư đến nơi đến chốn, không nhẽ họ nhận chi
phí thấp hay sao? Mình không có tham vọng làm hết mọi chuyện vì ở thành phố hiện
nay cũng còn vài ba dự án xử lý rác nữa. Tuy
nhiên nay đã có văn bản cho biết đến năm 2020
sẽ đóng cửa các bãi rác của thành phố.
![]() |
Ông David Dương trước văn phòng của công ty (ảnh Bùi Văn Phú) |
Bùi Văn Phú: Như thế hợp
đồng 50 năm của VWS với thành phố sẽ ra sao sau đó?
David Dương:
Hợp đồng
của chúng tôi theo dự trù trong vòng 50 năm sẽ xử lý mỗi ngày 3000 tấn rác tối thiểu. Quyết định đóng các bãi rác là của thành phố. Hiện nay
chúng tôi cũng đang đầu tư vào dự án khu công nghệ môi trường xanh ở Long An lên đến 500 triệu đô. Đất dự án đó cũng do nhà nước đền bù vì vậy nếu về bên đó hợp đồng
của chúng tôi thay vì giao thêm đất ở thành phố thì giao đất ở Long An cho
chúng tôi.
Bùi Văn Phú: Còn 9 triệu
đô mà thành phố đòi VWS trả lại là vì sao?
David Dương:
Chín triệu đô đó là đi vào việc xây dựng
hạ tầng cơ sở. Thành phố giao cho chúng tôi 128 hécta vùng đồng lầy và chúng
tôi đã dùng số tiền đó để làm đường, cải tạo đất, lấp đất cho bằng, xây đê bao tạm
xung quanh. Nói chung là cải tạo khu vực để có thể sử dụng được. Làm xong cũng
lên đến vài chục triệu đô. Sau đó mới đầu tư vào các nhà máy xử lý rác. Chúng tôi nhận trước 9 triệu, sau đó giảm giá thành cho
nhà nước. Chúng tôi đã giảm 15, 16 triệu đô cho nhà nước rồi. Vì thế nếu hỏi
thì hiện nay số tiền 9 triệu đó đang nằm dưới những lô đất được dùng để xây dựng
hạ tầng cơ sở.
Bùi Văn Phú: VWS cũng gặp khó khăn về thuế và đã khiếu
nại, vấn đề này đã được giải quyết ra sao?
David Dương:
Thời
gian đầu thành phố ký hợp đồng hứa là sẽ thực hiện được chương trình thu gom rác phân loại tại nguồn như phế liệu, như rác hữu cơ làm phân compost. Nhưng đến nay thành phố chưa cung cấp được
cho VWS những loại rác đó nên hai nhà máy chúng tôi đã đầu tư 20 triệu đô nay vẫn
chưa đưa vào sử dụng được. Công ty của chúng tôi được miễn tất cả các loại thuế
VAT về máy móc tái chế và sản xuất
phân compost. Thuế những năm trước nhà nước đã trả xong
rồi, bây giờ sở thuế đang kiểm tra lại, đòi lại những thuế đánh vào các máy móc
đó. Nhà nước đòi truy thu nhưng mấy năm đó thành phố không cung cấp các loại rác đó
thì như thế chúng tôi đã thiệt hại rồi. Theo hợp đồng thì những máy móc đó
không phải trả thuế, nay họ nói vì không sử dụng nên phải trả thuế và còn phải
đóng phạt nữa. Tôi thấy như thế là không làm đúng theo hợp
đồng nên vẫn đang khiếu nại.
Bùi Văn Phú: Ông đã đầu tư vào
Việt Nam từ mười năm trước, đến nay dự án
đã sinh lời chưa và có thể chuyển
tiền lời về Hoa Kỳ được không?
David Dương:
Về việc
mang tiền về đầu tư, lúc đầu chúng tôi cũng hoang mang. Ngân hàng Hoa Kỳ tài trợ
cho dự án của chúng tôi cũng lo. Đem tiền vào đầu tư mà thủ tục giấy tờ cũng mất
cả năm, như thế khi có lãi đem ra sẽ tốn bao nhiêu năm. Chúng tôi đã có khó
khăn do nhân viên ở ban ngành thành phố gây ra, nhưng
người này sau đó đã bị cho thôi việc. Chúng
tôi đã chứng minh được đồng tiền được đưa ra, đưa vào là bình thường, không có
gì ngăn cản và nhờ đó ngân hàng mới tiếp tục tài trợ đầu
tư mà không có gì khó khăn.
Bùi Văn Phú: Chính sách nhà
nước có những ưu đãi gì cho người Việt hải ngoại về đầu tư?
David Dương:
Tùy theo
ngành nghề. Như trong ngành của chúng tôi thì 5 năm đầu không đóng thuế lợi tức,
5 năm sau chỉ đóng 5% và sau đó trả thuế 10%. Đầu tư vào những ngành nghề được
nhà nước khuyến khích thì có những ưu đãi như thuê đất rẻ. Nhà nước đang khuyến
khích đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là khoa học công nghệ cao. Những ai muốn
đầu tư nên tham khảo với đại sứ quán Việt
Nam hay các văn phòng tổng lãnh sự để biết rõ hơn ngành nghề nào đang được nhà
nước ưu đãi.
Bùi Văn Phú: Thay đổi
lãnh đạo thành phố cũng như lãnh đạo trung ương gần đây có ảnh hưởng gì đến việc
đầu tư của người Việt hải ngoại?
David Dương:
Dự án của
chúng tôi là đem công nghệ xử lý rác từ Mỹ về và chúng tôi làm đàng hoàng để
giúp cải thiện môi trường sinh sống cho người dân. Việc đầu tư của người nước
ngoài, lãnh đạo mới có chính sách khuyến khích hay gây khó khăn hơn thì phải chờ
xem.
Bùi Văn Phú:Theo kinh nghiệm của ông, có những khó khăn nào trong việc đầu
tư vào Việt Nam?
David Dương:
Khó khăn
hiện nay không chỉ riêng đối với công ty VWS mà nói chung là với những công ty nước ngoài, đặc biệt là từ
Hoa Kỳ. Đó là chính sách thuế không rõ ràng khiến các nhà đầu tư phải nhức đầu
đi giải trình. Thứ hai là việc xử lý luật. Chúng tôi đã đưa ra văn bản nhưng có
những người trong các cơ quan vẫn giải thích khác đi. Những người yếu bóng vía
thấy thế là sợ.
Bùi Văn Phú: Ông hay nhắc
đến việc không có cạnh tranh lành mạnh, cụ thể là những gì trong việc làm ăn tại Việt
Nam?
David Dương:
Chúng
tôi đem công nghệ về Việt Nam đầu tư, vận hành tốt, nếu có công nghệ nào làm tốt
hơn thì chúng tôi đồng ý. Cạnh tranh không lành mạnh là ở chỗ không làm tốt hơn
chúng tôi trong khi đó lại được đưa lên mạng xã hội, lên báo chí để nói xấu
chúng tôi, như những thông tin về giá cả. Sở môi trường họ biết ai làm tốt, ai
làm xấu nhưng họ lại không nói ra. Chúng
tôi phải đối đầu với những thông tin đó. Những nhà đầu tư không còn chú trọng đến
đầu tư mà phải lo đối phó với thông tin xấu thì điều đó sẽ kéo cả xã hội đi xuống.
Những đánh phá không đúng, khiến ảnh hưởng đến công ty mẹ, gây ra khó khăn có ảnh
hưởng đến trong việc đầu tư của chúng tôi ở cả nước ngoài. Mong muốn của chúng
tôi và những nhà đầu tư nước ngoài là những cơ quan truyền thông báo chí mà chủ
quản là một cơ quan nhà nước, trong khi kêu gọi đầu tư nên đưa những thông tin trung thực, đứng đắn hơn. Nhà nước một
khi đã giải quyết một vấn đề nào đó thì công bố cho mọi người biết, thay vì chỉ
xử lý nội bộ để bên ngoài không được biết gì.
Bùi Văn Phú: Ông có thể
cho biết dự án khu công nghệ xanh ở Long An đã tiến hành tới đâu rồi?
David Dương:
Chúng
tôi đã có giấy phép, có được một ngân hàng tài trợ và đã động thổ hồi năm
ngoái. Mấy hôm trước đã được giao đất. Chúng tôi đã bắt đầu xây một cây cầu 6
làn xe sẽ khánh thành vào tháng 6 tới đây. Bên trong chúng tôi đang xây dựng hạ
tầng. Xong hạ tầng sẽ xã hội hóa dự án, tức là cổ phẩn hóa. Tôi muốn làm tốt
cho môi trường để nhiều người cùng tham gia và nếu thành công thì mình có thể
nhân rộng ra mô hình đó ở nhiều nơi khác.
Bùi Văn Phú: Hiện nay có
hiệp hội doanh nhân người Việt hải ngoại ở trong nước để nói lên những quan
tâm, bức xúc của Việt kiều về nước đầu tư không?
David Dương:
Tôi là
chủ tịch của VABA (Vietnamese American Business Association) ở vùng Vịnh San
Francisco và cũng muốn có một hiệp hội doanh nhân Việt kiều Mỹ ở Việt Nam để
bênh vực cho quyền lợi của mình, vì hiện giờ, nếu có gì thì mình qua Phòng
Thương mại Hoa Kỳ, tức American Chamber of Commerce. Nhưng Việt kiều có những
ưu đãi riêng nên cũng cần có một hội riêng. Không có Việt kiều nào nói đi về Việt Nam để kiếm tiền. Trước
hết họ đầu tư vào Việt Nam là vì bà con, bạn bè của họ. Họ muốn giúp đỡ cho những
người này có việc làm, cũng như nhiều người khác để giúp đất nước phát triển.Có
hiệp hội riêng thì có vấn đề gì để hội lo, để cho anh em yên tâm làm ăn.
Bùi Văn Phú: Các ứng
viên tổng thống Mỹ từ phía Đảng Cộng hòa, và ngay cả bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ, giờ đây
cũng không muốn ủng hộ Hiệp định Thương mại TPP. Tương lai của TPP sẽ có ảnh hưởng
gì đến quan hệ Mỹ-Việt?
David Dương:
Tôi nghĩ
các ứng cử viên nói thế để kiếm phiếu của cử tri lúc này thôi. Khi lên làm tổng thống rồi họ sẽ thấy những quyền lợi của
Hoa Kỳ trong hiệp định TPP và sẽ ủng hộ.
© 2016 Buivanphu