Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016
PHẠM PHÚ MINH - NHỮNG VÙNG ĐẤT QUẢNG NAM MÀ TÔI ĐÃ ĐI QUA
Trong cuốn
Chương Dân Thi Thoại do ông soạn, nhà văn Phan Khôi có trích hai câu này của
ông Tú Hoàng Trung:
Lúc lắc đò qua Tý, Sé, Kẽm,
Gập ghềnh chân bước Râm, Ri, Liêu.
Tác giả cho
biết ông Tú Hoàng Trung là người Phú Yên, khoảng cuối thập niên 1910 “cũng là
người bôn tẩu quốc sự, hay ở tỉnh Quảng Nam , đi cùng khắp cả tỉnh”. Và ông
viết tiếp về hai câu trên:
“Tôi là người
Quảng Nam
mà nghe cũng chẳng hiểu gì. Hỏi ra mới hay rằng Tý, Sé, Kẽm là tên mấy xứ đất ở
ngõ nguồn Thu Bồn đi lên, về miệt làng Trung Phước; Râm, Ri, Liêu là tên ba cái
đèo.”
Cuốn Chương
Dân Thi Thoại xuất bản lần đầu năm 1936, vậy có thể suy ra ông Phan Khôi viết
những điều này vào khoảng nửa trước của thập niên 1930. Một trí thức tương đối
còn trẻ tuổi của tỉnh Quảng Nam thời ấy, khi nghe những địa danh như thế trong
một “bài thơ hành trình” (tiếng của ông Phan Khôi) mà “chẳng hiểu gì”, chứng tỏ
giới học thức trong tỉnh lúc đó có khuynh hướng tìm đến những trung tâm văn hóa
lớn của đất nước như Huế, Hà Nội, Sài Gòn nhiều hơn là lặn lội thăm thú những
vùng đất xa xôi của tỉnh mình. Công việc
ấy chỉ những nhà “bôn tẩu quốc sự”, tức đi hoạt động cách mạng, mới làm, để vận
động và kết nạp đồng chí ở khắp nơi.
Nhưng đến thế
hệ của tôi, sinh ra vào cuối thập niên 1930 đầu 1940 thì lại có cơ hội biết
Quảng Nam nhiều hơn từ khi còn rất trẻ, nhờ cuộc tản cư đầu năm 1947 khi trận
chiến tranh với Pháp bùng nổ. Giá dụ không có chiến cuộc ấy, đời sống của tôi
phát triển bình thường: sau khi học xong tiểu học ở trường làng (Đông Bàn - Gò
Nổi, Điện Bàn), sẽ tiếp tục xuống Hội An hoặc Đà Nẵng theo đuổi bậc trung học,
rồi đi Huế hoặc Sài Gòn học lên cao hơn thì chắc tôi cũng giống như ông Phan
Khôi, khi nghe đến những địa danh xa xôi của tỉnh nhà cũng sẽ “chẳng hiểu gì”.
Nhưng theo thời cuộc tôi đã đi tản cư cùng gia đình, mới lên chín đã dùng đôi
chân trần của mình đi đến bao nhiêu vùng đất xa lạ từ đồng bằng đến thượng du
của tỉnh Quảng Nam, ít nhất khi mới ngoài mười tuổi thì những địa phương như
Tam Kỳ, Khánh Thọ, Tiên Hội, Tiên Phước, Suối Đá, Cây Sanh, Quán Rườn, Chiên
Đàn, Trung Phước, Đại Bình, Phú Gia, Tý, Sé, Dùi Chiêng, Phường Rạnh v.v... tôi
đã có dịp đặt chân đến rồi. Nhưng hồi ức về những lần di chuyển không ngừng
nghỉ trong thời kỳ đi tản cư ấy chỉ cho thấy những vùng đất của thời điểm cuối
thập niên 1940, đầu 1950, những hình ảnh của một Quảng Nam cũ, cũng cũ như thời thơ ấu của
tôi. Một số nơi tôi đã trở lại sau 1954 thì đã không còn như xưa, và nếu so với
bây giờ thì lại càng khác biệt, chẳng khác nào so sánh truyện cổ tích với
chuyện tân thời. Vả chăng khi nhớ về những hồi ức xa thì cũng là lặn vào một
vùng cổ tích của đời mình vậy.
*
Cuộc hành
trình bắt đầu vào một ngày không xa sau Tết Đinh Hợi 1947. Ăn Tết xong, chúng
tôi lại đến trường làng để đi học như thường lệ, nhưng không ngờ đó là lần đến
trường cuối cùng: trước đám học sinh tập họp ở sân trường, ông hiệu trưởng cho
biết kể từ hôm nay trường sẽ đóng cửa vì chiến cuộc đang lan đến. Thời điểm ấy
quân Pháp đã chiếm Đà Nẵng, Vĩnh Điện, Hội An, và một hôm, một quả đại bác đột
nhiên rơi xuống nổ ầm trong làng tôi, may là ở chỗ vắng bên bờ sông, không ai
việc gì, nhưng tiếng nổ đã đánh động mọi người rằng thời an bình đã hết, chiến
tranh đang đến gần. Những đoàn người tản cư bắt đầu đi ngang qua làng tôi để
đến những vùng xa hơn. Một số gia đình quen biết với gia đình tôi từ Hội An đi
tản cư bằng ghe ghé lại ở nhà chúng tôi vài hôm rồi lại tiếp tục ngược dòng Thu
Bồn đi lên vùng mạn ngược. Vì những đoàn người ấy, làng tôi vốn yên ả và vắng
lặng, bỗng nhộn nhịp hẳn lên, như thúc dục chúng tôi sớm lên đường theo họ.
Và gia đình
chúng tôi lên đường vào một buổi chiều, khi nắng đã xế. Sao lại ra đi vào buổi
chiều? Hình như trong thời kháng chiến Pháp nhiều nơi cũng bắt đầu cuộc hành
trình vào buổi chiều. Trong bài hát Nhớ Người Ra Đi sáng tác năm 1947, Phạm Duy
cũng đã viết:
Em tiễn anh ra mãi tận đầu thôn
Một hôm lúc trâu bò về chuồng
Rồi em nhớ em mong...
Lúc trâu bò
về chuồng là thời điểm của ngày tàn. Ra đi lúc ấy thích hợp với hoàn cảnh kháng
chiến chăng? Chỉ biết buổi chia tay của chúng tôi với ngôi nhà cũ vừa mang vẻ
kích thích mới lạ lại vừa buồn buồn. Nhóm ra đi gồm thầy tôi, chị Ba tôi, anh
Hòa, anh Hiệp, anh Hiển và tôi. Nhóm ở lại có ông nội tôi lúc đó đã 84 tuổi, cô
Tư tôi và Lợi, em út của tôi bấy giờ mới lên sáu. Lợi ở lại vì lúc đó đang bị
đau, sẽ nhờ người mang vào địa điểm tản cư sau.
Chúng tôi ra
đi, mỗi người mang một túi quần áo trên vai, băng cánh đồng Đông Bàn đi về phía
nam, bóng đoàn người đổ dài trên thảm lúa xanh. Qua làng Nam Dương, qua nhánh
sông Thu Bồn phía nam cạn nước, chúng tôi đi mãi cho đến khi gặp đường rầy xe
lửa, bây giờ nhớ lại tôi đoán là vùng Trà Kiệu, rồi bắt đầu theo đường sắt đi
về hướng nam. Các anh lớn của tôi biểu diễn nhiều kiểu đi, người thì đi thăng
bằng trên thanh đường rầy cố được càng xa càng tốt, người thì nhảy từng bước
trên mỗi thanh tà-vẹt. Tôi và anh Hiển, mới chín và mười tuổi, cảm thấy thích
thú với các trò chơi của các anh, nhưng chưa bắt chước được.
Tối hôm đó có
trăng, khi đã hơi khuya thì chúng tôi dừng lại nghỉ tại một rừng dương liễu bên
đường. Các anh của tôi đều là hướng đạo sinh nên tỏ ra rất tháo vát trong việc
dọn chỗ ngủ cho gia đình, cào cát thành bằng phẳng rồi trải mền cho mọi người
ngủ. Đây là lần đầu tiên tôi ngủ ngoài trời, nằm dưới đất nhìn thẳng lên bầu
trời sao thưa đầy ánh trăng, chưa kịp có một cảm tưởng gì đã chìm sâu vào giấc
ngủ.
Từ cái đêm
ngủ ngoài trời ấy, tôi bắt đầu một cuộc chuyển dịch trong một không gian khá
rộng lớn đối với một đứa trẻ lên mười, thời gian là từ đầu năm 1947 đến mùa hè
năm 1952, là lúc tôi hồi cư về Đông Bàn rồi xuống gia nhập vào cuộc sống thành
thị tại Hội An.
*
Trên tất cả
các nẻo đường trong tỉnh Quảng Nam
mà tôi đã đi qua thời ấy, tôi hoàn toàn dùng đôi chân trần của mình, đó là điều
mà bây giờ nhìn lại tôi cũng phải ngạc nhiên. Trừ một vài lần đi đò dọc từ Tam
Kỳ đến An Tân (Bến Ván) để từ đây đi tiếp vào Quảng Ngãi, còn lại tất cả các
đường đất trong tỉnh Quảng Nam tôi đều đi bộ, với đôi chân không giày dép, từ
lúc rời làng ra đi cho đến chuyến về lại làng xưa. Tôi sẽ ghi lại một số các
địa phương đáng chú ý mà tôi đã đến và cư ngụ, theo những ký ức có khi không
được rõ nét còn lưu lại trong tôi.
Từ đầu năm
1947, tất cả cơ quan “hành chánh kháng chiến” của tỉnh Quảng Nam đều đóng tại
Tiên Phước, một huyện nằm trong góc Tây Nam của tỉnh. Từ Tam Kỳ theo tỉnh lộ đi
về phía tây 25 cây số là đến huyện lỵ Tiên Phước. Thầy tôi hồi đó là trưởng ty
Giáo dục Quảng Nam, gia đình tôi khi đến Tiên Phước cũng bám theo trụ sở của
ty. Gọi là trụ sở, thực ra tất cả các cơ quan tỉnh đều đóng rải rác tại nhà dân
trong làng Tiên Hội cách huyện lỵ Tiên Phước vài ba cây số. Đây là vùng núi,
làng mạc, nhà cửa khác với vùng đồng bằng. Người ta không làm nhà trên những
khoảnh ruộng ít ỏi nằm giữa các trái núi, mà san bằng chân núi ra để cất nhà,
vì thế phía sau nhà đều nhìn lên một sườn núi. Phía trước nhà người ta xếp
những viên đá tròn với đất để làm một bức tường thành cao độ hơn một mét để làm
hàng rào.
Có một điều
làm tôi vô cùng thích thú là nơi đây vườn nhà nào cũng trồng quế, loại vỏ cây
cay cay ngọt ngọt thơm thơm mà trước kia thỉnh thoảng tôi mới có được một mảnh
nhỏ xíu để nhấm nháp, thì bây giờ tôi được sống giữa một rừng cây quế. Đó là
loại cây thân mộc cao trung bình khoảng ba bốn thước khi bắt đầu có thể khai
thác vỏ, nhưng những cây lâu năm thì cao vút và thân khá lớn. Muốn có một miếng
vỏ quế tươi, tụi trẻ con chúng tôi dùng dao xắn một hình vuông bằng nửa bàn tay
trên cây quế, rồi lột mảnh vỏ đó ra. Quế tươi hăng nồng, không ngon bằng quế
khô, thành ra chúng tôi cũng không ham trò lấy vỏ quế này lắm. Có cái lạ là sau
khi lột một miếng vỏ quế, người ta lấy đất ướt đắp vào chỗ đó, ít lâu sau vỏ
mọc liền lại chỗ bị lột. Ở phố chợ huyện lỵ Tiên Phước bấy giờ có một tiệm
thuốc bắc của người Tàu, anh tôi có lần đi hốt thuốc tại đó về kể rằng trong
toa có vị “quế chi” (cành quế), ông Tàu chủ tiệm đi ra vườn bẻ một nhánh quế khô
vào lấy dao xắt lát bỏ vào thang thuốc, thế là xong.
Đến mùa lột
vỏ quế, người thu mua đến từng nhà bàn định giá cả, khi đã thỏa thuận thì toán
thợ lột vỏ bắt đầu làm việc. Họ dùng những con dao rất sắc, bắt đầu từ gốc cây,
cắt khoanh một vòng quanh thân cây, rồi khoanh một vòng khác cách vòng trước
khoảng bốn tấc tây, xong vạch một đường thẳng nối hai đường vừa cắt. Với một
dụng cụ khác giống như chiếc đũa bếp một đầu dẹt, người thợ lách vào chỗ vỏ vừa
bị cắt xoay một vòng, thế là cả một mảng vỏ nhanh chóng rời khỏi thân cây, mang
hình một cái ống. Đó là một “ống quế”, khi đã được phơi khô vẫn giữ hình dạng như
vậy.
Cũng tại Tiên
Phước lần đầu tiên tôi được thấy cách nuôi ong. Người ta đóng một cái thùng
vuông bằng gỗ mỗi bề chừng nửa thước, ở một mặt có cửa nhưng luôn luôn đóng
kín, ong ra vào thùng qua những lỗ nhỏ được đục quanh thùng. “Thùng ong” được
treo dưới mái hiên đầu nhà, người ta phải tìm cách bắt con ong chúa bỏ vào đó,
bầy ong sẽ theo và làm tổ trong thùng. Mỗi ngày ong bay đi hút mật trong rừng
núi về xây dựng từng miếng sáp treo lơ lửng trong thùng, mỗi miếng gọi là một
“tầng ong” gồm vô số lỗ nhỏ để ấu trùng ong nằm, ong thợ mang mật về bỏ trong
các lỗ ấy. Chờ đến thời gian các “tầng” đầy mật thì người nuôi ong sẽ lấy mật.
Anh ta trang bị rất kỹ: đội nón, đeo kính, trùm đầu và mặt bằng một miếng vải
mùng, đốt một điếu thuốc để khi mở cửa thùng ra thì phà khói thuốc vào thùng để
đuổi ong bay đi, rồi nạy các “tầng ong” bỏ vào một cái tô lớn. Sau khi lấy các
ấu trùng bỏ riêng ra thì người ta vắt các tầng ong để lấy mật. Ấu trùng được
thả vào một nồi cháo đang sôi, sẽ có món cháo ong rất ngon ngọt, còn xác tầng
ong sau khi vắt mật là sáp ong.
Thế giới của
tôi tại Tiên Phước là ngôi nhà tranh vách đất nhưng khá khang trang của ông bà
Ẩn mà gia đình tôi trú ngụ, con đường ngoằn nghèo quanh co men theo những mảnh
ruộng nhỏ dẫn tôi đi đến “ngôi trường một lớp” của ông thầy giáo Qua gầy gò ốm
yếu nhưng có rất nhiều sách Truyền Bá (sách dành cho trẻ em, do hội Truyền Bá
Quốc Ngữ xuất bản tại Hà Nội trước 1945) để cho tôi mượn. Trong thời gian học ở
đây tôi đã được đọc quyển Ngọn Cờ Lau kể chuyện Đinh Bộ Lĩnh thời còn nhỏ, chia
phe đánh nhau giữa bọn trẻ chăn trâu thuộc Thung Lau, Thung Lũng và Thung Lụi
mà niềm say mê câu chuyện hấp dẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi cho đến tận
tuổi già. Một lần thầy Qua đã dẫn cả lớp đi du ngoạn sông Tranh, tôi nhớ chỉ là
một dòng nước nhỏ chảy trên một vùng sỏi đá, mà sau này lớn lên nhìn vào bản đồ
tôi mới biết đó là chỗ phát nguyên của con sông Thu Bồn nổi tiếng của Quảng Nam .
Một lần, tôi
được thầy (cha) tôi dẫn đi thăm một nhà giàu trong vùng, một cơ ngơi nhà ngói
rất lớn, có cổng xây bên ngoài, trong nhà có nuôi cả một bầy chó săn. Tôi nhớ tiếp
chúng tôi là một người trẻ tuổi mặc áo dài đen tên là Tuân. Chính người này sau
1954 đã ra Huế thành lập nhà xuất bản Anh Minh chuyên xuất bản những di cảo của
cụ Phan Bội Châu.
Các anh tôi
đã có dịp đi đến Thạnh Bình là quê của cụ Huỳnh Thúc Kháng, cách Tiên Phước
không xa. Hồi đó tuy còn nhỏ, tôi vẫn thấy tiếc mình không được đi đến nơi ấy,
mà tôi nghe nói trồng chè rất nhiều, thảo nào cụ Huỳnh có tên hiệu là Mính Viên
(vườn chè).
Nhờ chuyến đi
tản cư đến Tiên Phước, tôi biết được thế nào là đời sống ở một vùng thượng du,
biết một số cây thổ sản của vùng này như cây quế, cây tiêu, cây chè, biết con
sông Tranh, được gặp ông Tuân, được biết quê cụ Huỳnh Thúc Kháng không xa nơi
mình ở..., đó cũng là những “mở mang” quan trọng cho một cậu bé lên mười là
tôi.
*
...
Khoảng đầu
năm 1950 thầy tôi đổi vào Bồng Sơn (Bình Định) để làm việc cho ngành giáo dục
liên khu 5, tôi được gởi ra Trung Phước cho cậu Mười (em mẹ tôi) coi sóc để đi
học lớp bốn (tức lớp nhất). Tại Trung Phước, cậu Mười tôi cũng là dân tản cư
(từ Đại Lộc lên), cư ngụ tại nhà ông Cửu Thứ (thân phụ của bác sĩ Bùi Kiện Tín,
các anh Bùi Như Sơn, Bùi Như Hải) để dạy học tại trường ở đây, cậu gởi tôi ở
trọ tại nhà ông bà Thủ Đáng là thân sinh của nhà thơ Tạ Ký. Khoảng mươi năm
trước khi thầy tôi làm hiệu trưởng trường tiểu học Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi thì
ông bà Thủ Đáng đã gửi anh Tạ Ký vào trọ học tại nhà thầy mợ tôi. Thời gian
qua, thời cuộc đổi thay, giờ đây trên đường tản cư, đến phiên tôi lại trọ học
tại nhà ông bà thân sinh anh Tạ Ký, thật là duyên nợ qua lại.
Để đến Trung
Phước, tôi đã trải qua một chuyến đi bộ dài nhất đời tôi, kể cho tới nay. Bốn
giờ sáng chúng tôi ba người gồm anh Hiệp tôi, anh Tạ Hồng Nguyện là em anh Tạ
Ký và tôi khởi hành từ Tam Kỳ, theo quốc lộ 1 ra đến Chiên Đàn thì quẹo trái đi
về hướng tây, gặp đường xe lửa đi về hướng Bắc một đoạn dài, rồi rẽ vào một
đường đất đi xéo theo hướng Tây Bắc. Đó là con đường vô tận đối với tôi, một
cậu bé chân trần, 12 tuổi. Chúng tôi đi mãi, đi mãi, dưới nắng chang chang, mãi
đến gần tối thì đến chân một quả núi. Tôi tưởng đoàn lữ hành sẽ dừng lại qua
đêm ở đây, vì tôi đã cảm thấy đuối quá rồi, nhưng không, sau một lúc nghỉ ngơi
ăn uống, hai anh Hiệp và Nguyện quyết định đi tiếp. Chúng tôi đi qua quả núi
trước mặt, chúng tôi vượt đèo Le trong đêm tối. Tôi cố bám các anh, đi như trong
một cơn mộng du. Thế mà trong đêm ấy, không những chúng tôi qua khỏi đèo Le mà
còn đi một mạch mươi cây số nữa để đến hẳn Trung Phước. Trong ngày hôm đó chúng
tôi đã đi 60 cây số. Hôm sau chân tôi sưng vù, đi cà nhắc.
Sau này mỗi
lần nghĩ đến đèo Le thì tôi lại nhớ một câu thơ của ông bác tôi, bác Đề Thuần:
Lên đỉnh đèo Le, lưỡi cũng le
Và mấy câu
thơ của anh Tạ Ký:
Trăng sáng đèo Le
Mây che Giảm Thọ
Dù cho mưa gió
Không bỏ được đèo...
Làng Trung
Phước nằm trên hữu ngạn con sông Thu Bồn, thời kháng chiến Pháp là một thị trấn
phồn thịnh. Thuộc miền trung du của tỉnh Quảng Nam nhưng Trung Phước có một
vùng đồng ruộng bằng phẳng khá rộng được núi bao quanh, về phía đông có núi
Phường Rạnh, phía nam bởi dãy núi đèo Le với một đỉnh cao hơi cong trên chỏm
gọi là núi Quắp, phía tây với các đồi núi Mộ Long và ngọn Cà Tang. Bên kia
sông, làng Đại Bình, lại là một bình nguyên chạy dài mãi vào dãy núi xa xa về
hướng bắc. Cũng bên kia sông, xế về phía tây là mỏ than Nông Sơn.
Trong thời
kháng chiến, có lẽ Trung Phước vào cuối thập niên 1940, đầu 1950 là nơi phồn
thịnh nhất tỉnh Quảng Nam về kinh tế lẫn nhân văn. Và có lẽ về quân sự nữa. Từ
địa điểm khá cao này của con sông Thu Bồn, Trung Phước nhìn ngay xuống vùng
Pháp chiếm đóng mà địa điểm xa nhất là đồn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Phía kháng
chiến, tất cả tiếp tế cho chiến trường dưới ấy đều từ Trung Phước. Các đội dân
công từ phía nam mang gạo và đạn dược đều dừng lại giao hàng tại Trung Phước để
từ đây sẽ được phân phối đến miền dưới. Tôi biết điều ấy vì tôi ở nhà ông Thủ
Đáng, tòa nhà ngói rất rộng của ông từng làm kho gạo do các chuyến dân công mang
tới, và đôi lần, người ta cũng mang những chuyến hàng toàn là mìn với lựu đạn
được chế tạo tại một công binh xưởng nào đó phía nam.
Dân chúng ở
đây có một nền kinh tế sung túc, trong vùng có nhiều nhà giàu, nhưng vào thời
điểm này Trung Phước biến hẳn thành một thị trấn rộn rịp của thời chiến. Dân
tản cư từ vùng dưới đến đây đã mở nhiều quán hàng dọc theo con đường chính,
quán cà phê, tiệm ăn, xưởng dệt, nhiều nhà buôn các thổ sản địa phương, và kín
đáo hơn, buôn những loại “hàng ngoại hóa” đưa từ “vùng bị chiếm” lên. Cũng vì
số cư dân tản cứ ấy cộng với người địa phương mà ở đây có nhu cầu mở trường tới
lớp 4, là ngôi trường mà tôi theo học năm ấy. Rõ ràng học sinh gồm hai thành
phần rõ rệt: dân địa phương và dân tản cư, tôi nhớ dân tản cư có vẻ đông hơn.
Cũng theo con sông Thu Bồn đi ngược lên phía thượng nguồn mươi cây số nữa thì
đến Phú Gia, tại đây lại có tổ chức một trường trung học, điều này cho thấy rõ
ý đồ xây dựng một loại “hậu phương” vững mạnh của phe kháng chiến tại vùng này.
Tôi chỉ ở
Trung Phước đúng một năm học, vào mùa hè năm 1951 tôi từ giã Trung Phước để lại
cuốc bộ thẳng vào Quảng Ngãi để theo học năm đầu của bậc trung học. Chỉ một năm
nhưng kỷ niệm rất nhiều. Tại đây tôi đã có những người bạn mà tình thân còn mãi
cho tới bây giờ, như hai anh Bùi Như Sơn, Bùi Như Hải. Dĩ nhiên đã thân thiết
với anh Tạ Ký để sau này sau 1954 vào Sài Gòn lại nối tiếp các sinh hoạt hào
hứng, thân thiết hơn nữa. Hồi đó chỉ thỉnh thoảng tôi thấy anh Bùi Giáng, nhưng
ông thân sinh của anh là ông Cửu Tý thì tôi lại có dịp gặp luôn, vì ông là bạn
của ông Thủ Đáng, thỉnh thoảng ghé chơi, cười nói chòng ghẹo lung tung rất hồn
nhiên. Cũng trong năm ấy tôi biết các anh Trần Huỳnh Hội, Trần Huỳnh Châu con
cụ Đốc Cảnh là người địa phương tại đây, thường đến chơi với anh Tạ Ký, biết
anh Tường Linh sau này là nhà thơ Tường Linh ở Sài Gòn... Tôi cũng gặp một số
bà con bên ngoại của tôi từ Quảng Huế (Đại Lộc) tản cư lên đây, có một lần tôi
mạo hiểm theo một người anh cô cậu về tận Đại Lộc sát với vùng bị chiếm để nhìn
thấy đồn Núi Đất ở xa xa... Tôi cũng được đi ngược sông Thu Bồn để đến Phú Gia,
Tý, Sé, Dùi Chiêng, những địa danh mà ông Phan Khôi thời thập niên 1930 nghe
tới mà chẳng biết đó là cái gì.
Đối với một
thiếu niên, thế đã là nhiều. Với những ký ức rất phong phú vẫn còn sinh động
trong tôi, đáng lẽ tôi phải kể thêm nhiều chi tiết thú vị (cũng như không thú
vị chút nào, nhưng giờ đây cũng trở thành thú vị) của một năm sống tại Trung
Phước, nhưng thôi, xin hẹn một dịp khác.
Những ngã
đường đây đó trong tỉnh Quảng Nam mà tôi đã đi qua trong thời tản cư nếu tính
thành chiều dài thì chắc cũng được mấy trăm cây số, nhưng riêng trong tâm hồn
tôi thì đó là một vốn liếng giàu có trải dài vô tận với thời gian, tôi còn sống
tới đâu thì những hình ảnh ấy còn theo tôi đến đó. Chính đất đai, sông ngòi,
núi non, cuộc sống của đồng bào mỗi nơi mà tôi đã có dịp gặp thời còn non dại
đã thành những yếu tố gầy dựng nhân cách và bản lĩnh của tôi về sau, mà nhiều
khi tôi không ý thức được. Giờ đây, vào tuổi già, tôi cảm thấy phải tri ân tất
cả những gì mà quê hương đã đóng góp để làm nên tôi. Với vốn liếng ấy, tôi có
thể đi và sống khắp nơi trên thế giới này mà lúc nào tôi cũng vẫn là một người
Việt Nam, hoặc chi tiết hơn, lúc nào cũng vẫn là một người dân Quảng Nam.
PPM
(Trích đoạn
và giản lược bớt chi tiết từ cuốn Hồi Ức của tác giả)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét