Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016
Trần Mộng Tú - Mùa Thiên Di
Mặt trời đang xuống, xuống nhanh lắm, đang từ đầu
ngọn cây, chớp mắt đã rơi sát xuống bờ đê, rồi nhòe ngay vào
cánh đồng nước cạn. Một cái quầng màu đỏ cam loang ra khắp không
gian của buổi chiều. Dẫy núi xanh màu cỏ nhạt chuyển sang màu lục, và chân
núi dần dần tím xẫm lại giấu mình vào đám cỏ bên dưới mặt nước xâm
xấp.
Bắt đầu là tiếng kêu đến trước, tiếng kêu to
và đục vạch ngang trên bầu trời, ngước mắt về phía bắc, từng đàn một, những
con hạc đang bay tới, có đàn gần hai mươi con, có đàn nhỏ hơn,
sáu, bảy con, hay chỉ một đôi, nương cánh nhau bay tới. Đôi khi,
nếu may mắn ta có thể gặp cả một bầu trời đầy cánh hạc. Chúng đáp
xuống bờ đê, đứng sát vào nhau.
Từng tốp nhỏ âm thầm đi trong bóng đêm, họ đi sát vào nhau
thật im lặng.
Đôi khi họ tách ra rồi lại chụm vào nhau. Họ cùng tới một địa
điểm, một địa điểm được vẽ ra rất mơ hồ trong đầu mỗi người. Không biết khi tới
bãi đó họ còn nhau không? Mỗi người trong nhóm họ đã để lại gia đình, người
thân sau lưng. Họ nghĩ mình sẽ đi tới một vùng đất hứa và sẽ bằng cách nào đó gặp
lại người thân sau này. Có người nghĩ họ có thể đang mặc cả với số mệnh. Cái chết
đang đưa tay ra kéo họ vào vũng đêm trước mặt, hay tương lai sáng sủa đang mở cửa
đón họ vào.
Mặt trời đã hoàn toàn
tắt ngấm.
Họ đi bộ qua những con đường làng, qua cánh rừng, qua những
thị trấn, những trạm canh. Họ đi như thế đã bao nhiêu ngày rồi, vừa đi vừa lẩn
trốn. Có thể bị bắt bỏ tù bất cứ lúc nào, có thể bị giết bằng dao hay bằng súng
vào lúc hừng đông hay lúc mặt trời vừa lặn. Cái chết sẽ đến rất tình cờ.
Họ xuống bãi, lên thuyền trong đêm đen thả đời mình vào những
chiếc thuyền đánh cá mong manh. Cứ ra khỏi bờ, cứ trôi thật xa, thật xa, thật
xa. Đừng nghĩ đến bão, đến cướp biển vội. Hãy nghĩ đến những con thú trên bờ,
ngay lúc này. Hãy chạy xa những con thú đội lốt người.
Có tiếng ai nói: Khi nào ngủ, những con hạc sẽ xuống đầm nước
cho an toàn. Ở giữa ruộng, chúng sẽ bớt được nỗi sợ hãi các loại
thú trên cạn như báo, chồn, cáo, mèo rừng tấn công.
Hạc cũng giống cò, không có cái cựa nhỏ ở
chân như chim để có thể móc vào cành khi ở trên cây cao mà
không sợ rơi xuống khi ngủ quên. “Con
cò mày đi ăn đêm/đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.” Nó
ngủ, đứng một chân co lên trong đầm suốt đêm.
Hình như có tiếng súng lên nòng gần lắm, họ co lại vào nhau
nhưng vẫn bước đi. Leo được lên thuyền ra xa bờ sẽ an toàn hơn. Ngay lúc này
càng xa bờ càng tốt. Những con thú trong đêm có thể lấy sinh mạng họ bất cứ lúc
nào. Ra biển, ra biển, ra biển. Ta sẽ chết ngay trên bãi này, hay sẽ chết trên
biển.
Thượng Đế ơi, mang con sang bờ bên kia.
Những con hạc này có tên là Sandhill Cranes (Hạc đồi cát/
tiếng Hán là Sa Khâu Hạc) hàng năm vào cuối thu, chúng từ vùng Bắc Mỹ và Canada
tìm về những vùng ấm miền Nam để trốn đông, đến đầu
xuân chúng lại trở về nguyên quán. Chúng vừa bay vừa nghỉ trên những đầm
nước nào chúng gặp trên đường thiên di để kiếm ăn và nghỉ đôi
cánh mỏi qua đêm.
Cứ như thế chúng rủ nhau bay đi, bay về, trên đôi
cánh mong manh cho tới cuối đời. Một đời sống của Hạc đồi cát dài hai
mươi năm.
Cứ như thế họ rủ nhau đi, hếp
tốp này đến tốp khác, họ kéo nhau đi thật xa nơi họ được sinh ra. Họ không biết
bãi bờ nào họ sẽ táp vào, bàn tay nào kéo họ lên bờ. Có người đi tới nơi, có
người chẳng bao giờ nhìn thấy bờ. Có người phải thả xác người thân mình xuống
cho biển cuốn đi.
Có những con thuyền mất tích không để lại dấu
vết gì. Biển làm sao biết ghi, biển cũng chẳng biết chụp hình.
Không phải “Ngàn Cánh Hạc” bằng giấy của văn sĩ Nhật Yasunari
Kawabata, mà cả mấy trăm ngàn con hạc, các nơi trên vùng Bắc Mỹ và Canada rời tổ
đi trốn mùa đông. Chúng bay hàng trăm dặm tìm chỗ ấm nghỉ chân từng chặng đường
cho tới chỗ có thể dung thân suốt mùa đông. Vì chúng đến đông đảo nên loài người
phải sửa soạn chỗ cho chúng cư ngụ. Nơi nào chúng tới,
phải cho thêm nước đổ vào ruộng khô, để hạc có chỗ về trú đông đã khiến một số
nhà nông bất bình.
Không phải một trăm, một ngàn
người, mà hàng trăm ngàn người cùng bỏ đi. Họ đi nhiều quá, nên những vùng họ tới,
đã mở lòng ra đón họ vào, chia cho họ mảnh đất, ngôi nhà, quần áo, thức ăn.
Đôi khi cũng bị những người bản
xứ cau mày khó chịu như bác nông phu bị hạc chiếm ruộng của mình.
Người di tản tới đây, không
trú một mùa đông mà họ trú nguyên một chiều dài của cuộc đời còn lại. Bao nhiêu
mùa xuân ấm áp về rồi, có mấy ai tìm về nguyên quán sống đời còn lại.
Người tị nạn nhận hẳn vùng đất
này làm nơi dung thân vĩnh viễn. Dù mùa đông có đến hay xuân có về cũng không rời
bỏ đi đâu được nữa, quê nhà có chỗ đấy, nhưng thực sự làm gì còn chỗ cho mình
mà về.
Chim hạc không mất quê, chúng bay khỏi tổ vào mùa
đông, trở về nguyên quán vào mùa xuân. Những con Hạc đồi cát, ngỗng Gia Nã Đại,
ngỗng tuyết, thiên nga và rất nhiều loại chim lạ khác nhau ở đâu tới cư trú nước
Mỹ này, cũng được con người cung cấp cho chúng những căn nhà mùa đông (winter
home).
Người di tản bỏ đi vào mùa
nào cũng không có đường trở lại. Những con người không đồng chủng đó, tới gửi
thân ở những vùng đất hiền hòa khác, họ cũng nhận được những căn nhà đầy tình
người ấm áp. Họ đã ở lại cho đến cuối đời.
Người di tản mỗi năm vào
tháng tư ra đứng ngước mắt nhìn trời, thấy cánh chim bay ngang lòng bỗng ngậm
ngùi.
Sao ta ở mãi chốn này!
Trần Mộng Tú
-Viết từ nơi Hạc di trú: Lodi-California
-Hình – Wikipedia
Tết Bính Thân 2016
.