Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016
Thomas A. Bass - Đại hội Đảng CSVN trong con mắt một nhà báo nước ngoài
Foreign Policy, 21 tháng Một 2016
Dịch giả Trần Ngọc Cư
Bọn côn đồ bặm trợn đang lãnh đạo Việt Nam sẽ không thử nghiệm dân
chủ
Việt Nam là một mô hình trùng chập (a moiré pattern): Nhìn
quốc gia theo hướng này thì bạn sẽ thấy một xã hội có nguyện vọng vươn cánh vào
tương lai. Nhưng nhìn theo một hướng khác thì bạn sẽ thấy nó là một nhà tù lỗi thời
giam giữ bất cứ người nào không chịu đi theo đường lối của Đảng. Những người ngồi
sưởi nắng trên boong tàu chỉ tập trung vào những bãi biển đẹp, thức ăn ngon, sự
thu hút như một điểm đến của du khách. Trong khi đó, những người theo dõi nhân
quyền lại tập trung vào những mô hình đàn áp của chế độ.
Vâng, quốc gia này đang mở cửa với phương Tây và phát triển
nhanh chóng. Tuy nhiên - mặc dù có những duyên dáng sáng sủa - Việt Nam là một
văn hóa suy đồi. Chế độ kiểm duyệt đã bóp nghẹt tiếng nói của những văn nghệ sĩ
ưu tú và đẩy họ vào con đường lưu vong. Những tiểu thuyết gia và thi sĩ xuất
chúng không còn viết lách công khai, ngoại trừ việc lưu hành tác phẩm của họ bằng
những hình thức xuất bản chui. Ngành báo chí là một doanh nghiệp thối nát do
nhà nước kiểm soát. Ngành xuất bản cũng thế. Sử học là một ngành nhạy cảm [nguy
hiểm] không ai dám nghiên cứu. Các tự do tôn giáo, tư tưởng, ngôn luận – trưởng
ban tuyên giáo thẳng tay ngăn chặn tất.
Từ 20 đến 28 tháng Giêng, Đảng Cộng sản Việt
Nam (ĐCSVN) tổ chức tiệc heo quay ngũ niên thứ 12 mệnh danh Đại hội Đảng. Khoảng
1.500 đảng viên sẽ tụ tập ở Hà Nội để thông qua một kế hoạch kinh tế ngũ niên
và chuẩn thuận danh sách đề cử các ứng viên vào Ủy ban Trung ương Đảng, Bộ
Chính trị gồm 16 nhân vật chóp bu, và Tổng bí thư Đảng (cha nội ngồi đầu bàn tiệc).
Tham nhũng từ trên xuống dưới, bị trương lên vì hệ thống ô dù và trung thành với
chủ nghĩa xã hội thân hữu cũng như lợi ích nhóm, ĐCSVN ra sức duy trì sự kềm kẹp
đối với chính phủ, quân đội, báo chí, và 93 triệu dân Việt Nam. “Chế độ Mác-xít
cần đến một nhà độc tài, và một nhà độc tài cần đến cảnh sát mật vụ, và đó là tận
thế,” một người tị nạn đồng thời là một nhà văn Nga, ông Vladimir Nabokov phát
biểu như vậy.
Các nhà quan sát quốc tế nghiên cứu các đại hội ĐCSVN để tìm
những dấu hiệu cho thấy phe phái nào trong đảng sẽ thắng thế. Trong vài tuần tới,
bạn đọc hãy trông chờ những bài báo nói về phe thân Tây phương thắng phe thân
Trung Quốc, hay trái lại. Hội chứng tự mê hoặc về những dị biệt tiểu tiết này
đánh mất điểm chính. Điều mà khoảng 4,5 triệu đảng viên muốn là tiền huê hồng
trong trò cá cược [their vig]. “Nom như thiên hạ đang đấu đá nhau dưới một tấm
thảm,” nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh nói về những buổi họp kín để đưa ra những lãnh
đạo Việt Nam.
Vâng, ĐCSVN đã diễn biến từ khi thống nhất đất nước sau Chiến
tranh Việt Nam vào năm 1975. Đối diện với nạn đói đang diễn ra ở vùng quê, Đại
hội đảng thứ sáu tổ chức năm 1986 đã từ bỏ nền kinh tế chỉ huy kiểu Xô-viết để
chạy theo chủ nghĩa xã hội thị trường [market socialism, đúng hơn nên gọi
“Market Leninism”, ND.] ĐCSVN cho phép thị trường tự do phát triển ở tầng thấp
nhất của xã hội và khuyến khích “tư bản đỏ” xuất hiện ở giới trung lưu, đồng thời
họ nắm giữ trong tay công nghiệp đóng tàu, ngân hàng, khai thác khoáng sản, và
các doanh nghiệp nhà nước ở tầng cao nhất của xã hội.
Cùng với những cải tổ kinh tế này đã xuất hiện một giai đoạn
cải tổ văn hóa ngắn ngủi. Mạng lưới giám sát u ám của nhà nước được tháo gỡ đủ
lâu để bốn tác giả lớn của Việt Nam thời hậu chiến có thể xuất bản những tác phẩm
nổi tiếng nhất của họ: Nhà văn viết truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Tướng hồi
hưu) và các tiểu thuyết gia Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), Dương
Thu Hương (Tiểu thuyết vô đề), và Phạm Thị Hoài (Thiên sứ). Nhưng
mạng lưới u ám đó đã được áp đặt lại vào năm 1991, khi công an văn hóa tư tưởng
(culture police) xông vào nhà Nguyễn Huy Thiệp và tiêu hủy các bản thảo của
ông. Kể từ đó, Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh sống lưu đày trên chính quê hương
mình, xuất bản các tác phẩm được kiểm duyệt và được các bồi bút của đảng biên tập
lại. Sau khi trải qua tám tháng trong tù vào năm 1991, Dương Thu Hương hiện sống
tại Paris, và Phạm Thị Hoài sống lưu vong ở Berlin.
Các sửa sai chính sách khác của ĐCSVN đã diễn ra sau khi tái
lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ năm 1995 và Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương
mại Thế giới 2007. Việc vào WTO đã mở nút cho các đầu tư nước ngoài tuôn vào,
chỉ để bị bốc hơi một năm sau đó trong cuộc Đại Suy thoái kinh tế. Nhắm mắt trước
biến cố đang diễn ra, ĐCSVN tiếp tục bơm tiền vào các doanh nghiệp nhà nước.
Hành động này đưa đến nạn lạm phát có lúc nhảy lên 60 phần trăm của tỉ lệ hàng
năm, một bong bóng địa ốc tan vỡ nhanh chóng, và sự phá sản của nhiều doanh
nghiệp nhà nước, gồm cả công ty đóng tàu quốc gia, Vinashin, chìm dưới núi nợ
4,5 tỉ USD.
Tai tiếng này gần như đủ nghiêm trọng để làm Nguyễn Tấn Dũng
mất chức Thủ tướng Việt Nam. Nhưng Dũng được các thân hữu trong Bộ Chính trị cứu
vớt và ông bắt tay vào việc vận động địa vị cao nhất ĐCSVN là chức tổng bí thư,
nhưng hình như ông đang thất bại trong nỗ lực này. Trên thực tế, Việt Nam trong
giờ phút hiện tại hình như đang kinh qua một loại đảo chính kiểu phim quay chậm,
trong đó Nguyễn Phú Trọng, 71 tuổi hiện đứng đầu ĐCSVN - mặc dù theo luật định
là phải về hưu – đang vận động để tiếp tục giữ quyền lực, chí ít thêm hai năm nữa.
Bên cạnh ĐCSVN, một hằng số khác trong chính trị Việt Nam là
ảnh hưởng của Trung Quốc. Năm 2008, Tập đoàn Nhôm dồi dào vốn của Trung Quốc đã
mua quyền khai thác bô-xít tại cao nguyên trung bộ Việt Nam [Tây Nguyên]. Năm
tiếp theo, Bắc Kinh phục hồi bá quyền trên hầu hết Biển Nam Trung Hoa [Biển
Đông Việt Nam]. Năm 2014, Bắc Kinh đưa giàn khoan vào vùng biển ngoài khơi của
Việt Nam và tiến hành xây các đường băng cho máy bay phản lực trên các đảo nhân
tạo từ các cụm san hô bị băm nát. (Hà Nội lên án Bắc Kinh đưa giàn khoan trở lại
trong lãnh hải Việt Nam vài ngày trước khi khai mạc Đại hội Đảng mới đây). Tinh
thần bài Trung – mà các lực lượng công an không còn chặn đứng được nữa – sôi sục
khắp nơi. Tháng Năm 2014, hàng trăm nhà máy được cho là do Trung Quốc làm chủ
đã bị cướp phá hoặc đốt cháy, khiến 21 người thiệt mạng. Người ta không ngạc
nhiên, phe thân Trung Quốc tại Việt Nam đang che giấu thế lực của mình.
Tuy vậy, tinh thần bài Trung chưa biến thành sức mạnh cụ thể
làm suy giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Việt Nam. Trung Quốc vẫn tiếp tục xây
dựng các đảo, cày xới khai thác quặng mỏ ở Tây Nguyên, và thực hiện bất cứ một
ý đồ nào khác để giữ chặt Thằng Út Việt Nam trong quĩ đạo của Anh Hai Trung Quốc.
Sự liên minh này thắt chặt đến nỗi một đa số đáng ngạc nhiên người dân Việt Nam
- thường trích dẫn Hội nghị Thành Đô – cho rằng đất nước mình đã thật sự lọt
vào tay Trung Quốc. (Ở một cuộc họp kín tại Thành Đô, Trung Quốc, ĐCSVN đã tự
bán mình cho Đảng Cộng sản Trung Quốc: đảng đàn anh đã đổi các món tiền hối lộ
khổng lồ để lấy dầu lửa ngoài khơi, bauxite, và các tài nguyên thiên nhiên
khác, hoặc dư luận rộng rãi đã tin như thế).
Hà Nội đã khéo dùng thủ đoạn để khai thác các quan hệ với
Hoa Kỳ hơn là để khai thác các quan hệ với người láng giềng khổng lồ ở phương bắc.
ĐCSVN có thể sẽ thi hành Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thương ước
của 12 quốc gia được ký kết vào tháng Mười Một vừa qua. Được Washington thiết kế
để tạo ra một tường thành thương mại xanh nhằm chặn đứng làn sóng đỏ của Trung
Quốc, Hiệp định TPP đưa ra trước mắt Việt Nam tiềm năng của một món quà trời
cho. Bản hiệp định có một số điều khoản gây khó chịu cho ĐCSVN liên quan đến
quyền của người lao động, nhưng Hà Nội có thể sẽ làm ngơ những điều khoản này –
cũng như các nghị định thư quốc tế khác mà họ từng ký kết và vô hiệu hóa sau
đó. Việt Nam đứng gần chót trong mọi chỉ số về nhân quyền, nhưng nó vẫn kênh kiệu
như một con công tiến tới chiếc ghế của mình trên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp
Quốc. Mấy ai sẽ quan tâm nếu có thêm một vài người đứng ra tổ chức công đoàn bị
bắt vào tù cùng với 300 tù nhân chính trị khác tại Việt Nam?
Sau khi thi hành Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ nhắm tới việc
Hoa Kỳ và Liên Âu hủy bỏ danh xưng kinh tế “phi thị trường”. (“Các nền kinh tế
thị trường” được che chắn vững vàng hơn trong việc chống lại các vụ kiện bán
phá giá). Điều này rất quan trọng đối với Việt Nam, nước đang hi vọng TPP sẽ mở
cửa thị trường Mỹ cho các sản phẩm Việt Nam, kể cả một món hàng mà hai nước giằng
co qua nhiều năm – cá basa [ngay tại Mỹ loại cá này phải gọi là basa để tránh từ
catfish của Mỹ, ND.] Tháng Bảy 2015, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đưa hiệp định
thương mại này vào chương trình nghị sự, Tổng thống Mỹ Obama mời Tổng Bí thư
[Nguyễn Phú] Trọng đến Nhà Trắng để thể hiện điều mà ông Trọng gọi là “cuộc họp
thực sự mang ý nghĩa lịch sử”. Nhưng tại sao cuộc thăm viếng Nhà Trắng đầu tiên
của nhà lãnh đạo CSVN lại “mang ý nghĩa lịch sử”? Vì “Nhà Trắng đã nhìn nhận cơ
cấu chính trị Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng” – do đó, theo ông Trọng, hợp
thức hóa chế độ cai trị của ĐCSVN.
Nhưng ta hãy nhìn xem chế độ cai trị này là như thế nào: Ban
Tuyên giáo Trung ương có những chiếc vòi bạch tuộc chạy qua Bộ Thông tin và
Truyền thông để vào “phòng an ninh” PA 25 – và từ đó vào trong từng chi bộ
ĐCSVN có trách nhiệm kiểm soát phương tiện truyền thông tại Việt Nam. Trong tư
cách là thống soái kiểm duyệt của Việt Nam, Trọng chịu trách nhiệm điều hành
cái mà tổ chức giám sát báo chí Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without
Borders) gọi là “nhà nước băng đảng” tung ra hàng loạt “các đợt bắt bớ, xét xử,
đánh đập và sách nhiễu”. “Nội trong năm 2012 mà thôi,” theo một báo cáo do tổ
chức này công bố vào tháng Bảy 2015, thuộc hạ của Trọng tại các tòa án đã “truy
tố không dưới 48 blogger và những người bảo vệ nhân quyền, kết án họ tổng cộng
166 năm tù ở và 63 năm quản chế”.
Những người ngồi sưởi nắng trên boong tàu có thể chê những
điều vừa nói là gieo hoang mang sợ hãi. Thật vậy, nó có vẻ không hợp thời, như
một cái gì đó do méo mó thời gian đã trở về từ những thập niên 1950. Nhưng tin
tức từ Việt Nam thật đáng báo động. Nó đáng báo động với Việt Nam, một quốc gia
phải đối phó với sự đổ vỡ văn hóa này, và nó cũng báo động cho phần còn lại của
chúng ta, những người đang đối đầu ngay trong xã hội mình những sức ép của chế
độ kiểm duyệt, sự trỗi dậy của hệ thống giám sát quần chúng, và sự ngự trị của
các lợi ích thương mại bất chấp tất cả các giá trị khác. Từ quan điểm này, Việt
Nam không phải là một sự méo lệch thời gian từ quá khứ, mà là một cửa sổ để
chúng ta nhìn vào tương lai của mình. Liệu chuyện quái đản bên ngoài này một
ngày kia có thể trở thành chuyện bình thường mới của chúng ta không?
Một điều mà chúng ta biết chắc về Đại hội Đảng 12 của Việt
Nam là nó sẽ không chặn đứng sự tàn bạo của công an. Vào đầu tháng Mười Hai,
công an mặc thường phục đã dùng đùi sắt đánh lập Luật sư Nguyễn Văn Đài, một
nhà vận động nhân quyền. Mười ngày sau, Đài bị bắt trên đường đi đến gặp phái
đoàn Liên Âu tới Hà Nội dự cuộc đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam lần thứ năm.
Blogger và ký giả nổi tiếng nhất Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Vinh (còn gọi là Anh
Ba Sàm) hiện đang ở trại giam, với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm
phạm lợi ích nhà nước.” Phiên toà xét xử Vinh, trước đó dự dù mở ra vào hôm 20
tháng Một – cùng ngày khai mạc Đại hội Đảng – đã được hoãn lại vô thời hạn.
Là trung tâm của sự tàn phá văn hóa trong một nhà nước cảnh
sát đã đánh đập các nhà vận động dân chủ bằng đùi sắt, Việt Nam thoát khỏi tai
tiếng của một kẻ có hành động xấu, vì nhiều người nước ngoài muốn đến làm ăn với
các công dân Việt Nam tháo vát hoặc hưởng các lạc thú của xứ này. Việt Nam sẽ
chào đón du khách và mặc cả để thu hút tài chính toàn cầu và chủ nghĩa tư bản
xuyên quốc gia, việc đó không có vấn đề. Nhưng nếu bạn muốn đi dự bữa tiệc heo
quay nói trên, xin quên chuyện này đi. Chỉ dành cho Đảng viên mà thôi.
T.A.B.
Bản gốc: The Ugly
Thugs Running Vietnam Aren’t Experimenting With Democracy
(Nguồn bản dịch:
Bauxite Việt Nam)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét