Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016
Hùng Tâm - Vì sao thống kê Trung Quốc không đáng tin?
Hôm Thứ Ba
19, Cục Thống Kê Quốc Gia của Bắc Kinh vừa công bố số tăng trưởng kinh tế của
Trung Quốc trong năm 2015 là 6.9%, được truyền thông quốc tế đánh giá là mức
thấp nhất kể từ 25 năm nay. Có hai chi tiết đáng chú ý từ mẩu tin: 1) kết quả
quá phù hợp với chỉ tiêu do lãnh đạo Trung Quốc đưa ra từ năm ngoái, là 7.0%,
2) nhưng... chả đáng tin!
Giới chuyên gia am hiểu về kinh tế
Trung Quốc lập tức nêu ra sự hoài nghi và lượng định khác.
Ước tính của quốc tế
Nhiều người đã từng nêu vấn đề về tính chất bất khả tín của thống kê Trung
Quốc. Mới nhất là những trường hợp sau đây:
Cầm đầu Trung tâm Trung Quốc của
Evercore ISI, doanh nghiệp tư vấn cho các ngân hàng đầu tư, ông Donald
Straszheim cho là thống kê hôm Thứ Ba vừa qua của Bắc Kinh không có thông tin gì
mới. Chẳng những Cục Thống Kê không thèm trả lời các câu hỏi của chúng tôi mà
còn báo rằng chỉ phổ biến số tăng trưởng tổng hợp chứ không phân giải từng
thành phần. Nếu không có từng thành phần của đà tăng trưởng thì làm sao cộng ra
con số tổng hợp? Nếu họ có thì tại sao lại không công bố? Ông Straszheim kết
luận: Chẳng cần là nhà bác học thì cũng có thể thấy đà tăng trưởng của nền kinh
tế “cũ,” chuyên về ráp chế, nằm gần số không chứ chẳng thể là 6.8%. Vì thiếu dữ
kiện từ tư doanh, người ta khó tính ra sản lượng của khu vực dịch vụ.
Học giả Derek Scissors của American
Enterprise Institute, một think tank có uy tín của giới bảo thủ vạch ra mâu
thuẫn của các số liệu kinh tế Trung Quốc: Tân Hoa Xã báo cáo rằng lượng hàng
vận chuyển bằng hỏa xa giảm 15.6% quy ra toàn năm, vậy mà thống kê về sản lượng
công nghiệp lại tăng 6.2%. Chẳng lẽ hãng xưởng sản xuất rồi chất đống dưới đất
mà khỏi chở đi nơi khác? Ông ước tính đà tăng trưởng thực tế còn thấp hơn 4%.
Trong giới đầu tư, Gary Shilling có
vị trí độc đáo, là chủ tịch doanh nghiệp Nghiên Cứu Kinh Tế A. Shilling and Co.
từ nhiều năm trước đã tiên báo sự sa sút kinh tế của Trung Quốc trước sự hoài
nghi của nhiều người. Lần này ông phát biểu rằng không ai biết sự thật là như
thế nào, nhưng khi tìm hiểu sâu xa hơn vào các dữ kiện khó kiếm, chẳng hạn như
lượng hàng vận tải qua thiết lộ (hỏa xa), lượng than và điện tiêu thụ, doanh
nghiệp của ông ước tính đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ ở khoảng 3% chứ
không thể gần với 7%.
Tỷ phú Wilbur Ross là nhà đầu tư
chuyên mua các doanh nghiệp lâm nạn, tái cấu trúc và tổ chức lại để bán ra
tiền. Ông cũng dùng các dữ kiện về vận tải, về nguyên nhiên vật liệu trong sản
xuất như xi măng, thép, than, điện, để ước tính sản lượng kinh tế Trung Quốc
chỉ ở mức 4% mà thôi.
Hồ Sơ Người-Việt cố tiến xa hơn để
tìm hiểu tại sao thông tin kinh tế của Trung Quốc lại có vấn đề.
Những sai lầm của quốc tế
Trước hết, vì sao ngày nay người ta mới ngạc nhiên về sự sa sút kinh tế của
Trung Quốc? Chỉ vì trong một giai đoạn khá lâu đến hai chục năm, quốc tế đã sai
lầm khi đánh giá kinh tế Trung Quốc. Sau đây là bảy nguyên nhân đáng kể nhất.
Thứ nhất, quốc tế thiếu am hiểu địa
dư hình thể Trung Quốc nên không thấy xứ này có ba nền kinh tế khác biệt trên
một lãnh thổ rộng lớn bằng lãnh thổ Hoa Kỳ, chứ không chỉ có vùng duyên hải là
nơi các doanh nghiệp quốc tế đầu tư để kiếm tiền. Họ không nhìn ra thực tế
nghèo nàn lạc hậu của một khu vực bát ngát bên trong.
Thứ hai, quốc tế không hiểu rõ và
đánh giá sai mâu thuẫn rất lớn và thật ra cũng rất cổ điển giữa trung ương và
địa phương nên không thấy rằng vì lý do chính trị cải cách là điều rất khó.
Quốc tế cho rằng chế độ độc đảng toàn trị có ưu điểm là muốn làm gì cũng được.
Thứ ba, nhiều doanh nghiệp đầu tư
che giấu sự thất bại của họ mà cố quảng cáo về triển vọng Trung Quốc với các
thân chủ ủy thác tiền đầu tư vào xứ này. Loại gian ý như vậy không phải là hiếm
nếu chúng ta nhớ lại vụ khủng hoảng tài chánh sau khi thị trường gia cư Hoa Kỳ
bị bể bóng cách nay 10 năm.
Thứ tư, nhiều trung tâm nghiên cứu
hay think tanks không dám nói thẳng về sự thật vì sợ phản ứng của lãnh đạo Bắc
Kinh khiến họ khó ra vào Trung Quốc để trở thành “chuyên gia về Trung Quốc.”
Thứ năm, trong số này, không thiếu
gì người thực tình tin vào lý luận tuyên truyền của Bắc Kinh, vì vậy, số liệu
giả tạo của Trung Quốc cứ được họ loan truyền mà khỏi kiểm chứng. Và truyền
thông nông cạn lại tin vào sự khách quan của họ.
Thứ sáu, khá rắc rối và chuyên môn,
giới học giả Hoa Kỳ và Âu Châu thiếu kiến thức về kinh doanh và về kế toán nên
chẳng thấy nạn sản xuất dư thừa không là tăng sản lượng mà chỉ là chất lên tồn
kho ế ẩm được tài trợ bằng một núi nợ. Họ không tin rằng Trung Quốc mắc nợ
nhiều như vậy trong khi vẫn sản xuất từng núi hàng vô dụng, những trung tâm
thương mại vắng khách, nhiều khu vực gia cư sụt giá từ mấy năm nay.
Sau cùng, rất nhiều trí thức thiên
tả Tây phương luôn luôn tin tưởng vào vai trò của nhà nước. Họ tưởng là vì nhà
nước Bắc Kinh có toàn quyền nên có khả năng quản trị cao hơn nhà nước Tây
phương. Những vụ khủng hoảng tài chánh tại Âu Châu hay tranh luận chính trị tại
Hoa Kỳ càng củng cố lập luận sai lầm này của giới trí thức khuynh tả. Đa số
truyền thông cũng thiên tả nên có sự đánh giá thiên lệch mà không biết!
Bây giờ, ta mới đi vào thực tế Trung
Quốc.
Độc tài nên nói tài mà làm dở
Về kinh tế chính trị học Trung Quốc, chúng ta cần hiểu ra hiện tượng tập
trung/tản quyền, thi đua và tranh giành ảnh hưởng giữa từng địa phương với nhau
và giữa trung ương với các đảng bộ địa phương.
Thời Mao Trạch Đông, trung ương phát
động “Bước nhảy vọt vĩ đại” là bóc lột nông dân để công nghiệp hóa từ dưới lên
hầu nơi nơi đều có nhà máy luyện kim bỏ túi và báo cáo thành tích lên trên.
Thật ra sự hoang tưởng này lại gây khủng hoảng khiến mấy chục triệu người chết
đói ở dưới mà ngay trung ương ở trên không biết. Khi ấy, thế giới bên ngoài
cũng không biết.
Một đặc tính thuộc về tổ chức chính
trị là mọi đảng viên cán bộ đều có hai mũ, mũ đảng viên và mũ cán bộ, và đảng
viên có quyền hơn công chức nhà nước. Cả hai thành phần đều thăng quan tiến
chức là qua sự thẩm định của cấp trên chứ không do sự hài lòng hay không của
người dân ở dưới. Vì thế, khi thu thập thống kê để báo cáo lên trên, họ đều
châm thêm “hệ số tô hồng” hay hệ số tâng công, để cuối cùng bịt mắt trung ương.
Không những vậy, họ dùng thống kê và
đưa ra số liệu sai lầm để còn tác động vào chánh sách hoặc lách qua những quyết
định của trung ương. Vì vậy, 30 năm sau khi Đặng Tiểu Bình cải cách kinh tế,
đầu năm 2009, trung ương cho tổ chức lại việc thu thập thống kê mà đến nay chưa
không giải quyết được. Trung bình thì cứ ba năm người ta lại nghe nói đến việc
cải cách hệ thống thu thập thống kê mà chẳng thấy cải tiến.
Một thí dụ là Cục Thống Kê Quốc Gia
ở trung ương tổng hợp các số liệu của bộ máy thống kê của họ trải sâu xuống
dưới để có tổng sản lượng Kinh Tế Toàn Quốc. Con số ấy luôn luôn thấp hơn tổng
sản lượng của tất cả 31 tỉnh thành trên cả nước, thấp hơn từ 500 tỷ đến 900 tỷ
đô la, nên người dân mới mỉa mai rằng trung ương quên mất nhiều tỉnh! Chỉ vì
các tỉnh đều tự động nống thêm thành quả của mình trong các báo cáo đưa lên
trên.
Sự thật còn trầm trọng hơn vậy vì
hiện tượng “loạn sứ quân” qua thống kê kinh tế và xã hội giữa đảng ủy các tỉnh,
thành và trung ương.
Dưới con số lạc quan không chỉ có sự
sai biệt về thống kê mà còn có nhu cầu tranh đoạt quyền lực và hậu quả là tập
quyền hay tản quyền, là chuyện hợp tan của lịch sử. Các tỉnh duyên hải miền
Đông và miền Nam đều hướng ra ngoài và trình bày hình ảnh tô hồng để cho thấy
chiến lược xuất cảng là có kết quả về kinh tế và xã hội và để tranh thủ phương
tiện cho tỉnh nhà. Các tỉnh nằm sâu bên trong thì chỉ còn một nguồn lợi về thuế
khóa và lợi tức cho đảng viên cán bộ là đất đai. Họ cướp đất của dân và làm
giàu cho mình. Khi dân chúng biểu tình đánh lộn với công an thì trung ương mới
chưng hửng!
Vì vậy, Tập Cận Bình mới tập trung
quyền lực về trung ương để chuyển hướng mà không xong.
Khi đã hiểu ra cách thu thập dữ kiện
kinh tế xã hội tại Trung Quốc, ta nên chú ý đến sự dị biệt của thống kê chính
thức. Khi thấy dị biệt là biết rằng có vấn đề mà không chỉ về kinh tế.
Một thí dụ là cải cách ngành thép
năm 2005-2009. Tháng 10 năm 2009, quốc vụ viện Bắc Kinh vừa đồng ý về số biện
pháp tiết giảm sản lượng thép vì sản xuất thừa thì thống kê công bố ngày 21
tháng 9 năm đó cho thấy sản lượng thép thô (crude steel) vào tháng 8 lại tăng
22% để lên tới hơn 52 triệu tấn (metric tons). Một kỷ lục mới giữa thời suy
trầm, khi sản lượng các nước đều giảm. Đâm ra, Trung Quốc quá mạnh và thế giới
trầm trồ ngợi khen một nhược điểm.
Tìm hiểu rõ hơn thì phải lên tới
Chánh Sách Thép do Ủy Ban Cải Tạo và Phát Triển Quốc Gia ban hành từ năm 2005
nhằm tái phối trí để nâng cao hiệu năng của các doanh nghiệp sản xuất thép, khi
sản lượng thép của Trung Quốc đã đủ cho nhu cầu từ 2006 và từ đấy thừa thép để
xuất cảng. Nhưng khi kinh tế toàn cầu suy trầm, lượng thép tiêu thụ đều giảm
trên thế giới, số thặng dư đó mới là vấn đề.
Vì do hiệu năng kém - tiêu thụ nhiều
cho một suất lượng nhất định - kỹ nghệ thép Trung Quốc gây ô nhiễm và ngốn
nguyên nhiên liệu như rồng cuốn khiến giá các nhập lượng đó tăng vọt và nhà
nước lại nhảy vào điều tiết để giữ giá nội địa cho thấp. Kết quả chẳng những kỹ
nghệ thép của Trung Quốc không tinh tấn nhờ cạnh tranh và đào thải, mà tiếp tục
bị phân tán mỏng trong nội địa với giá lệch lạc. Các nhà máy phì phò thán khí
và tạo ra ấn tượng kỹ nghệ hóa tưng bừng. Và vì Ủy ban Cải tạo đặt ra sản lượng
tối thiểu nếu không thì dẹp lò, các địa phương đều thi đua đầu tư và tuyển dụng
để sản xuất cao hơn định mức ấy: Kết quả đi ngược với mục tiêu của trung ương!
Tổng hợp lại thì sản lượng toàn quốc
vẫn tăng, phẩm chất vẫn thấp và Bắc Kinh vẫn có thể nói phét về sức mạnh sắt
thép của mình. Trong khi thế giới bị điêu đứng vì giá nguyên nhiên vật liệu đều
sụt mạnh. Là chuyện ngày nay.
Kết luận ở đây là gì?
Trung Quốc chưa có một bộ máy hành chánh công quyền độc lập và có khả năng. Xứ
này chỉ có một hệ thống thư lại thuần phục sự cai trị của một đảng độc quyền.
Hệ thống đó báo cáo sai về nhiều chuyện chứ không chỉ sai về thống kê kinh tế.
Cho nên thế giới sẽ còn bị ngạc
nhiên về Trung Quốc!