Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015
Tô Văn Trường - Công cụ hữu hiệu nhất của các nhà kỹ trị trong thế giới văn minh
Theo lý thuyết điều khiển thì việc ghi nhận dữ liệu của mọi hệ thống một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời và phân tích chúng mang ý nghĩa quyết định đối với sự vận động của hệ thống đó. Từ đây, mới thấy thống kê là công cụ không thể thiếu của các nhà kỹ trị trong thế giới văn minh.
Thế nhưng với tâm thế bưng bít sự thật của một thể chế toàn trị
thì thống kê không bao giờ được đặt đúng vị trí cần phải có của nó vốn là môn
khoa học và tất nhiên bị chế biến, bóp méo cho phù hợp với chủ quan của nhà cầm
quyền.
Con số mà ông Tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh đưa ra
ngày 13/12 vừa qua trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”, mới thật
sự làm người dân phải giật mình. Theo đó, trong năm 2015, ngành thanh tra chính
phủ đã thực hiện 40.000 cuộc thanh tra các cấp và đã phát hiện sai phạm 212.000
tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ USD.
Người dân còn kinh ngạc,
chỉ riêng số tiền ngót nghét 100 triệu đô-la ngân sách phải chi tiêu để nuôi
Văn phòng Trung ương đảng năm 2014. Nhiều người dân ngạc nhiên là báo cáo về
tham nhũng của ông Huỳnh Phong Tranh có vẻ rất bi đát, nhưng lại mâu thuẫn với
những thống kê tạo ra một sự lạc quan có thể giả tạo.
Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, phải chịu trách nhiệm về
tình trạng kinh tế xã hội của đất nước hôm nay. Chỉ nhìn vào các con số biết
nói để thấy bức tranh toàn diện về nền kinh tế nước nhà. Tiếc thay, công tác
thống kê lâu nay, rất tù mù, “ru ngủ” là mầm mống đại họa của nguy cơ “vỡ trận”
tài chính! Cải cách trước hết phải bắt đầu từ công tác thống kê!
Một trong những khiếm khuyết lớn nhất của hệ thống quản trị của
nước ta là sự thiếu công khai, minh bạch, trong việc chi tiêu và quản lý tiền
bạc (tiền thuế của dân) và đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình cảnh đất
nước hiện nay. Suy cho cùng là hậu quả của một xã hội thiếu dân chủ và không
minh bạch.
Nếu đi sâu tìm hiểu sẽ thấy tình hình thống kê từ Tổng cục Thống
kê, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ngày càng tệ cho nên không thể vẽ ra một
bức tranh đầy đủ và trung thực về kinh tế của nước nhà.
Cách đây ba năm, tôi đã viết bài “Con số mà biết nói năng” trong
đó nêu rõ con số thống kê ở Việt Nam do bệnh thành tích và “phục vụ yêu cầu
lãnh đạo” nên thường được “chế biến” theo ý kiến chỉ đạo của những người có
trách nhiệm ở cả trung ương và địa phương (GDP các địa phương sai lệch rất
nhiều so GDP cả nước), v.v.
Không có gì phải ngạc nhiên, trên báo Phụ nữ Today có lần đăng bài
phỏng vấn ông Chủ tịch Hội Thống kê Quốc gia Nguyễn Văn Tiến đã huỵch toẹt
thẳng thừng các chỉ số thống kê luôn có hai loại. Loại dùng công bố cho dân hầu
hết là con số láo, khác xa với chỉ số thật. Chủ tịch Hội Thống kê Quốc gia còn
khuyên người dân một cách rất mỉa mai và… ngang ngược rằng “chấp nhận công
bố bao nhiêu biết bấy nhiêu, người dân thấy sao cứ biết vậy đi!”.
Nhìn lại lịch sử từ năm 1954-1975 đất nước Việt Nam chia làm hai
miền thuộc hai chế độ chính trị khác nhau. Ở miền Bắc, ngành thống kê áp dụng
phương pháp luận của “Hệ thống các bảng cân đối vật chất - MPS”. Ở miền Nam,
Viện Thống kê thuộc chính quyền Sài Gòn áp dụng “Hệ thống các tài khoản quốc
gia - SNA”. Thời kỳ 1976-1988 đất nước thống nhất, ngành thống kê áp dụng MPS
cho phạm vi cả nước. Từ 1989 đến nay, ngành thống kê Việt Nam áp dụng SNA trên
phạm vi toàn quốc (ngày 25-12-1992, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 183/TTg
về việc chính thức áp dụng hệ thống SNA trên phạm vi cả nước thay cho hệ thống
MPS trước đây).
Theo tôi hiểu, tất cả mọi số liệu thống kê đều phải đi từ số liệu
nguyên thủy, số liệu gốc từ nơi phát sinh ra. Trình độ phát triền khoa học,
công nghệ cho phép thu thập số liệu này ngày càng đầy đủ hơn, chuẩn xác hơn.
Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội có phức tạp hơn so với những số liệu,
thống kê về các hiện tượng tự nhiên.
Vấn đề được đặt ra không phải chỉ là có được số liệu thống kê mà
còn phải biết phân tích xử lý thống kê. Chẳng hạn như có số liệu thống kê tổng
số nợ, nợ xấu và số liệu đó được hình thành từ việc tổng hợp các khoản nợ do
các con nợ và chủ nợ đứng ra cho vay. Thế nhưng khi báo cáo lại không chịu làm
rõ là ai nợ, vay nợ để kinh doanh trong lĩnh vực nào thì khó có thể có giải
pháp thích hợp để khắc phục tình hình. Các đại biểu Quốc hội cũng không chú ý
đúng mức đến yêu cầu Chính phủ phải báo cáo cụ thể thực trạng đó mà nặng về đòi
hỏi phải có con số chuẩn xác về nợ. Đó là thiếu sót trong việc xử lý phân tích
số liệu thống kê.
Ngay từ thập kỷ 80, chuyên gia quốc tế đã giúp đỡ Việt Nam xây
dựng Thống kê theo chuẩn của Liên Hiệp Quốc. Chính ông Võ Văn Kiệt là người ký
giấy ra lệnh cho Tổng cục Thống kê phải làm. Nhờ có quyết định nhanh chóng của
ông Võ Văn Kiệt và ông Nguyễn Cơ Thạch cho phép điều tra thống kê để nắm rõ
tình hình kinh tế thay vì dựa vào báo cáo vừa láo, vừa không đầy đủ.
Năm 1989, tiền viện trợ làm điều tra tổ chức lại hệ thống thống kê
là 700 ngàn USD. Sau đó, nhiều dự án của ADB, WB và EU liên tục giúp đỡ Việt
nam. Nhưng sau đó, công tác thống kê không được coi trọng, nhiều vấn đề các cơ
quan chức năng ở trong nước không tiếp tục vì ngại mất sức. Nhiều thông tin chỉ
còn được giữ trong ngăn kéo. Chuẩn mực quốc tế, trước kia có thể châm chước,
vẫn không được áp dụng đặc biệt là ngân sách. Tài khoản quốc gia cũng thế. Số
liệu về tiền tệ tín dụng gần như không được công bố.
Nếu bạn đọc quan tâm, chỉ cần đọc báo cáo về doanh nghiệp nhà nước
thì thấy không thể tưởng tượng được Bộ Tài chính lại có thể làm sơ sài đến thế.
Tại sao không công bố số liệu của từng doanh nghiệp trong 871 doanh nghiệp nhà
nước sở hữu 100% theo một bảng báo cáo chuẩn theo đúng qui định và công bố rộng
rãi hàng năm?
GDP: 186 tỷ đô la US. Chi tiêu của Chính phủ có thể nhìn theo hai
cách:
1. Tổng chi phí hàng năm cho dịch vụ nhà nước, đầu tư, và trả nợ:
Tổng là 47,8 tỷ US, bằng 25,6% GDP. Trước đây, tỷ lệ cao gần 30% GDP. Đây là tỷ
lệ rất cao so với các nước khác trong khu vực. Đây là số liệu của ADB nhưng có
thể chỉ phản ánh số dự toán chứ không phải thực chi. Sự thật, sau khi kiểm toán
có thể cao hơn.
2. Hoạt động chi phí trong khu vực dịch vụ nhà nước (chi phí
thường xuyên cho hành chính, giáo dục, y tế, an ninh, v.v.).
Ngay cả đối với những người làm công tác nghiên cứu, nếu mở quyển
niên giám thống kê hàng năm thì không thể tìm được số liệu rõ ràng về lao động
trong từng hoạt động thuộc khu vực nhà nước. Thí dụ, báo cáo điều tra lao động
có việc làm, không cho số liệu lao động trong khu vực nhà nước (nhưng không
phải doanh nghiệp nhà nước).
Tôi đã tra cứu niên giám thống kê cũng thế:
Trong tổng chi phí, thì theo báo cáo, 9,8 tỷ hay 20,6% là đầu tư.
Con số này nhỏ, hơi khó tin vì Việt Nam không kể giá trị đất đai đưa vào đầu
tư. Tuy vậy, còn phải kể đầu tư trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nơi tham
nhũng nhiều nhất là đầu tư của nhà nước + đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Đầu
tư thường là 30% GDP (nhiều năm trước đây lên đến 40%). Như vậy, có thể hình
dung con số tham nhũng, thất thoát khủng đến cỡ nào?
Mới đây, trên báo Vef.vn có bài: “Lạm phát thấp kỷ lục: Kỳ tích
không cần đánh đổi” đưa ra những con số của Tổng cục Thống kê để minh họa cho
nội dung bài viết. Theo tôi hiểu thực ra không có quan hệ tuyến tính giữa tăng
trưởng và lạm phát. Thế giới trong năm qua, giá dầu giảm nhanh, giá nguyên
liệu, sản phảm thế giới đều giảm. Nếu chỉ tính "core inflation" thì
tăng hơn 2% một chút. Đó là vì chưa điều chỉnh dịch vụ, nếu tính đủ cũng tăng CPI
thêm 2% nữa.
Nếu nhìn lại quá khứ, Đảng và Chính phủ đã hai lần (năm 2007 và
2011) đẩy mạnh in tiền, phát hành tín dụng để tăng tốc GDP lên 9-10% đã thất
bại, và chỉ tăng lạm phát và tham nhũng. Vì vậy, mà phải dẹp cái trò
"QUYẾT TÂM"! Nếu có một tý công làm tình hình ổn định (tức là ít lạm
phát) thì phải tìm ra người đã quyết tâm ngăn cản việc lạm phát tín dụng. Riêng
về thất nghiệp và doanh nghiệp nội địa còn nhiều khó khăn là điều dễ hiểu, v.v.
Thay cho lời kết
Cái sai, cái láo của con số thống kê chỉ là một biểu hiện thấy rõ
của cái sai lỗi hệ thống ở nước ta. Dưới chiêu bài giữ vững ổn định chính trị
hoặc đề phòng kẻ địch lợi dụng phá hoại, người ta đã cố tình vẽ ra một bức
tranh không trung thực về tình hình kinh tế xã hội. Suy cho cùng, đó mới chính
là nguy cơ làm cho đất nước mất ổn định dẫn đến “vỡ trận tài chính”!
Thống kê phải độc lập để bảo đảm tính khách quan, ngân sách phải
được Quốc hội qui định trực tiếp. Mọi điều tra và báo cáo thống kê không phải
thông qua bất cứ ai.
Công tác thống kê có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây
dựng và phát triển đất nước. Con số thống kê là động lực phát triển hay là hòn
đá tảng cản trở sự phát triển phụ thuộc vào tư duy, tầm nhìn của người lãnh đạo
và bản lĩnh của những người làm công tác thống kê. Trong thời đại hội nhập, và
thông tin kỹ thuật số những ngôn từ che đậy và các con số “biết nhảy múa” của
thống kê chỉ làm hại cho sự phát triển vững bền của đất nước.
T. V. T.
Tác giả gửi BVN.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét