Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Phạm Xuân Đài - Khi nhà văn qua đời


Nhớ ngày xưa khi còn là học sinh trung học, tôi được nghe một mẩu chuyện của cô tôi nói với cha tôi. Cô tôi nói rằng: “Cậu nề, tôi thấy mấy ông thầy cúng đọc kinh kệ trong các đám ma thường hay có cái lối cố tình lên bổng xuống trầm một cách áo não. Chắc chỉ vì muốn gợi sự thương cảm cho tang gia, để người ta than khóc nhiều hơn. Tôi thấy kiểu đó hơi kỳ.”

Cô tôi là chị ruột của cha tôi, sinh vào cuối thế kỷ 19, không biết chữ, sau khi chồng chết mà không có con cái, về cai quản nhà cửa ruộng vườn cho ông bà nội tôi. Khi nghe cô tôi nói như thế, tôi lấy làm ngạc nhiên về quan niệm khá mới của một bà già xưa. Cô tôi đã nhận ra cái “mánh” của các ông thầy cúng và nói ra một nhận xét rất tinh vi. Từ đó tôi kính phục cô tôi hơn, một người suốt đời lo việc tằm tang và thóc lúa, nhưng lại có cái nhìn văn hóa khá sắc sảo.


Nhưng tôi không ngờ câu nói tôi nghe khi mới mười mấy tuổi đó lại theo tôi suốt đời. Mỗi lần dự đám ma mà có “thầy cúng” thì tôi lại nhớ đến lời cô tôi, dù về sau này không còn lớp thầy cúng đúng nghĩa cổ truyền như quê tôi ngày xưa nữa. Ngày ấy vùng quê tôi tuy cũng có một đôi ngôi chùa cổ nhưng không bao giờ có sư. Chùa thường ngày cũng đóng cửa im ỉm như đình, và dân làng không có sinh hoạt tôn giáo. Trong vùng chỉ có thầy cúng, thường là những người đàn ông trung niên cũng có gia đình và làm nông như bao dân làng khác, nhưng các ông ấy có thể làm thêm việc tụng niệm (kinh Phật) trong các đám ma, hoặc đi di dời mồ mả và tụng kinh trong nghi lễ cải táng v.v... Họ không phải là tu sĩ, mà chỉ làm các việc trên như là một dịch vụ do nhu cầu liên quan đến việc tang ma của dân làng thôi. Gọi họ là thầy cúng là đúng nhất. Tôi nghĩ trong một số trường hợp họ có thể kiêm luôn vai trò thầy phù thủy, cầm nắm nhang đỏ rực nhảy múa quanh giường một người bị bệnh do ma ám, miệng đọc thần chú đệm thêm tiếng “Áy phà!... Áy phà!...” để trục xuất con ma đi phá phách người đời.

Nhưng ngày nay các đám tang theo nghi lễ Phật giáo đôi khi cũng là dịp để tôi nhớ đến lời cô tôi, vì cũng có những vị tu sĩ có giọng tụng kinh kệ rất tốt, và đôi khi cũng không giấu kỹ thuật trình diễn lên bổng xuống trầm một cách áo não làm thổn thức lòng người. Nhiều khi tôi nghĩ đó là một nét truyền thống trong xã hội Việt Nam chăng, đã đám ma thì phải có vẻ bi thương thống thiết. Như tiếng kèn đám ma trong phường bát âm của Việt Nam vậy, có một giọng bi thương bất hủ mà nhiều nhà nhạc học đã phải lưu ý. Hoặc trong xã hội có những người làm nghề khóc mướn, chỉ cốt tạo thêm sự thê lương trong các đám ma mà quan niệm thời xưa thấy là cần phải có. Nhưng tôi không bao giờ quên được câu nói của cô tôi, mà ngay từ thuở thiếu niên tôi đã cảm phục và ghi nhớ.

Mãi đến bây giờ, tuổi tác đã dẫn tôi ngày càng gần với cái chết thì tôi càng có cảm tưởng mình hiểu nó rõ hơn. Dĩ nhiên đó luôn luôn là nỗi đau buồn, nhất là với người thân trong gia đình, rồi đến bạn bè. Nhưng ở thời đại này, nỗi đau buồn mất mát còn lan tới những cái chết xa xôi, của những người đối với mình không quen biết, như cái chết vì khủng bố, chết chìm trong khi đi tìm đất tị nạn... Đối với một thế giới đầy chết chóc thì nỗi buồn vì cái chết càng tỏa rộng, như một tiếng thở dài cảm thương pha cảm giác bất lực. Giá như mọi người đều được chết cái chết tự nhiên, vì tuổi già, vì bệnh nan y, hay thậm chí vì những rủi ro bất khả kháng, thì vẫn là những cái chết êm đềm như dòng đời vẫn trôi chảy từ thủa nào đến giờ. Không bị những đứt gãy đau đớn, oan khốc. Không vì những oán thù chất chồng. Lúc ấy lời mặc niệm cho những cái chết cũng tự nhiên theo trật tự muôn đời, dù có thêm chút tụng niệm áo não cũng không làm cho nỗi đau thương biến dạng ra khỏi dòng chảy êm đềm cố hữu.

*

Sáng Chủ nhật, thời tiết mùa đông bắt đầu lạnh cóng, trong quán cà phê quen thuộc của một nhóm bạn bè bỗng có người lên tiếng: “Sao thời gian gần đây các nhà cầm bút của chúng ta ra đi nhiều quá. Trong vòng một năm, những ngón trên hai bàn tay đã không đủ để đếm.”

Ai nấy đều có vẻ ngậm ngùi, mặc dù tất cả mọi người đã biết điều đó. Họ đều trong giới viết lách, người làm thơ, người viết văn, viết báo, mỗi cuối tuần không hẹn vẫn tự động đến gặp nhau bên tách cà phê. Một văn hữu qua đời, ít nhiều đối với họ là một cái tang chung. Khi các nhà văn theo nhau qua đời trong một thời gian ngắn, họ bị giao động như một tai nạn đang đổ tới thế giới của họ.

Một giọng trầm trầm đầy vẻ triết lý: “Cũng không có gì lạ, chẳng qua gặp lúc được mùa. Giống như một loạt trái đã chín trên cành, gặp lúc gió lớn, theo nhau rụng xuống đất thôi.”

Nhà thơ duy nhất trong bàn cà phê lên tiếng: “Không được nói như vậy, sao lại so sánh mạng người với trái cây trên cành. Mỗi văn hữu đều là anh em trong đại gia đình viết lách của chúng ta, mỗi người ra đi tôi đều cảm thấy mất mát đau buồn. Những người cầm bút, dù thân nhau hay không, cũng đều có sự cảm thông sâu xa hơn người thường.”

Một người thường viết phê bình trên báo văn học lên tiếng: “Đúng vậy, người cầm bút có sinh hoạt nội tâm phong phú, đó là mẫu số chung để người ta thấy gần gũi nhau. Họ nghĩ ra bao nhiêu là ý tưởng, hình ảnh, nhân vật, tất cả luôn luôn hoạt động xôn xao trong tâm trí họ. Nhưng rồi họ chết, tất cả biến mất tức khắc. Giống như một cuốn phim đang chiếu bị đứt, một vở tuồng đang diễn trên sân khấu bỗng bị cúp điện, một thế giới đang sinh động bỗng biến mất. Tối om.”

Nhà thơ: “Đúng, tối om. Và mọi chuyện chấm dứt. Ngưng sống, ngưng sáng tạo. Đèn tắt và màn hạ. Như chưa từng có gì cả. Sách vở họ làm ra bỗng dưng thành vô nghĩa, chúng cũng đột nhiên ‘qua đời’ theo người tạo ra chúng. Người nằm trong áo quan bỏ hết mọi sự đi về cõi khác. Tác phẩm của họ cũng đột nhiên rơi vào hố thẳm. Những nhà văn, nhà thơ, họ đã đánh rơi tất cả những gì họ đã viết, khi bàn chân của họ không còn giẫm trên mặt đất này. Sáng tác là việc tạo thành kỳ lạ, cái chết lại mang tới một tan vỡ kỳ lạ khác. Tôi quá buồn, tôi khóc cho sự tan vỡ kỳ lạ đó.”

Nhà báo suýt soa: “Thật là một bài thi kệ não nùng trước thi hài của nhà văn. Khi sống nhà văn đã rút tim óc mình để cống hiến cho đời nhiều áng văn hay, nay chết đi ông xứng đáng được nghe những lời đưa tiễn như ru để qua thế giới khác.”

Người mở lời đầu tiên bây giờ mới góp ý kiến: “Tự Đức, ông vua thi sĩ của Việt Nam đã khóc quý phi của mình bằng câu Xếp tàn y lại để dành hơi. Một cử chỉ chứa chan tình yêu, xiết bao cảm động. Xiêm y là thứ áo quần đẹp để trang sức cho người đàn bà, ông vua muốn xếp và cất vào một chỗ để giữ chút hơi hám của người phi yêu quý vừa từ giã ông. Vậy đối với một văn hữu qua đời, nên chăng chúng ta cũng xếp tất cả tác phẩm của ông/bà ấy và cất tử tế vào thư viện, coi như một cách ‘để dành hơi’, nghĩa là bao bọc cho giá trị các sáng tác của văn sĩ được nguyên vẹn mãi mãi trên kệ sách...”

Người có giọng trầm trầm ban đầu lại lên tiếng:
“Chúng ta là nhà văn, nhà thơ, chúng ta có khả năng sáng tác nên những điếu văn đa dạng, lay động lòng người. Chữ nghĩa là nghề của chúng ta mà, cũng như kinh kệ là nghề của người thầy cúng. Trong tang lễ giọng tụng niệm trầm bổng đầy áo não có thể khiến nhiều người không cầm được nước mắt, thì đám văn thi sĩ của chúng ta há lại chịu thua sao? Đúng, ai điếu của chúng ta có mãnh lực làm động tâm người nghe, điều đó cũng là dĩ nhiên.

“Nhưng tôi nghĩ ngoài việc tìm câu tìm chữ cho lạ cho hay cho độc đáo để viết bài điếu văn hầu làm rung động lòng người, chúng ta cần phải hiểu chỗ đứng và niềm vinh dự của nhà văn. Vinh dự chỗ nào? Ở chỗ khi nhà văn chết đi thì tác phẩm của ông ta/bà ta tự nó vẫn sẽ có một đời sống khác hiện diện trong tâm trí, tinh thần của người đời. Và nhà văn tiếp tục ‘sống’ với tác phẩm của mình. Chúng ta đọc truyện Kiều luôn luôn với hình ảnh của Nguyễn Du. Nếu tác phẩm của nhà văn có giá trị cao, sự hiện diện của họ sẽ lâu dài. Có phải là loài người hiện nay vẫn còn nâng niu những tác phẩm cách đây vài ba ngàn năm? Với sự tồn tại của tác phẩm, nhà văn cũng sẽ sống mãi mãi. Khi một bạn văn của chúng ta chết, nếu chúng ta biết nhìn vào sự thể này, lạc quan về niềm vinh dự này thì cái buồn mất mát cũng được an ủi nhiều. Tác phẩm chính là những đóa hoa còn bừng nở lâu dài trong tương lai khi được độc giả của đời sau thưởng thức.

“Làm người ai cũng phải chết; nhà văn là người, nhà văn phải chết. Nhưng tác phẩm của nhà văn không phải là người, nó chỉ là sản phẩm của người, vậy tác phẩm không chết. Yên chí đi các bạn ơi, chúc các bạn sáng tác thật hay, và tác phẩm các bạn sẽ sống lâu dài trong tương lai. Nhà văn chết đi, nhưng niềm vinh dự vẫn còn.”

PXĐ
10 tháng Mười Hai, 2015

1 nhận xét: