Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015
Hùng Tâm - Những triển vọng và thách thức của một giấc mơ
Cộng
đồng kinh tế ASEAN
Ngày 31 Tháng Mười Hai, 2015, đánh dấu một biến cố
quan trọng là sự hình thành của Thị Trường Chung ASEAN gồm 625 triệu người dân
của Hiệp Hội 10 Quốc Gia Ðông Nam Á ASEAN. Việc thành lập đã được các nước đàm
phán từ 12 năm nay và sẽ có kết quả trong 10 năm tới. “Hồ Sơ Người Việt” sẽ tìm
hiểu chuyện này trong một số báo cuối năm.
Một
khu vực cùng chung viễn ảnh
Tại thượng đỉnh thứ 9 vào năm 2003,
lãnh đạo các nước ASEAN quyết định thành lập một thị trường chung cho toàn khối
vào năm 2020. Tại thượng đỉnh thứ 12 vào đầu năm 2007, họ đồng ý thúc đẩy lịch
trình đám phán nhanh hơn để hoàn tất việc thành lập vào cuối năm 2015.
Viễn ảnh kinh tế của tổ chức là
ASEAN sẽ có dân số 700 triệu vào năm 2025, tăng 70 triệu với lợi tức nhân đôi
trong 10 năm, tức là trung bình một năm sẽ tăng trưởng 7%. Một trong các ưu thế
dân số của ASEAN là hiện có hơn phân nửa là thành phần trẻ dưới 30 tuổi (khoảng
330 triệu người). Với viễn ảnh đó, ASEAN tin rằng Tổng sản lượng Trung bình một
đầu người sẽ từ hơn 4,000 đô la một năm tăng đến hơn 6,600 đô la trong 10 năm
tới. Một trong những lực đẩy là đầu tư trực tiếp của nước ngoài, nay ở khoảng
140 tỷ đô la.
Kim ngạch về ngoại thương vào năm
ngoái giữa các nước ASEAN với nhau là khoảng 610 tỷ đô la, với Trung Quốc là
350 tỷ, với Hoa Kỳ là 200 tỷ và hơn một ngàn 300 tỷ là với các nước còn lại
trên thế giới. Nhưng ASEAN không chủ trương thống nhất tiền tệ và dùng chung
một đồng tiền như các nước Âu Châu trong khối Euro. Ðấy là về viễn ảnh kinh tế.
Khẩu hiệu của ASEAN là “Một Viễn
Ảnh, Một Bản Sắc, Một Cộng Ðồng,” nhưng nội dung lại có sự khác biệt với một
tiền lệ sáu chục năm trước là Thị Trường Chung Âu Châu. Ðó là các thành viên
cam kết tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, sự bình đẳng và bản sắc riêng của
từng quốc gia, không can thiệp hay xen lấn vào nội bộ của nhau và giải quyết
mâu thuẫn qua đàm phán mà từ bỏ việc sử dụng võ lực.
Tôn chỉ ấy có nghĩa là từng quốc gia
lại có trình độ chính trị khác biệt, họ làm ăn buôn bán với nhau chứ không lý
tới nạn chà đạp nhân quyền hay đàn áp dân chủ. Ðấy là câu lạc bộ kinh tế thuần
túy, với mục tiêu mở rộng quyền tự do trao đổi nhân lực, dịch vụ và tư bản bên
trong một khu vực trải rộng từ Thái Bình Dương đến Ấn Ðộ Dương qua hơn sáu ngàn
200 cây số.
Thị
trường chung ASEAN giữa ba cường quốc
Nội bộ ASEAN là một khối đa tạp có
nhiều khác biệt về trình độ phát triển, với Singapore là đảo quốc nhỏ nhưng
thuộc vào thành phần kinh tế tiên tiến, trong khi ba nước Ðông Dương là Việt,
Miên, Lào và cả Miến Ðiện còn thuộc loại chậm tiến về kinh tế lẫn chính trị.
Nhưng ước mơ của ASEAN là thành lập một khối kinh tế thống nhất để trong 15 năm
nữa sẽ có sản lượng tổng cộng là 2,600 tỷ đô la hầu có thể giữ thế quân bình và
độc lập với hai cường quốc kinh tế Ðông Á là Trung Quốc và Nhật Bản. Từ nhiều
năm qua, nỗ lực thống nhất này được Hoa Kỳ yểm trợ về kỹ thuật, như giúp các
nước hội nhập về chế độ quan thuế và ngoại thương.
Chi tiết đáng chú ý về kinh tế và
chính trị là dù các chính quyền George W. Bush rồi Barack Obama đều khuyến
khích ASEAN hội nhập kinh tế, Hoa Kỳ vẫn song song thúc đầy sự hình thành của
Hiệp Ước Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, bên trong chỉ có bốn thành viên
ASEAN là Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Hiệp Ước TPP đó lại bị tắc
nghẽn tại Hoa Kỳ trong một năm tranh cử và chưa có hy vọng thông qua trước năm
2017. Vì vậy, nước Mỹ chưa đóng góp gì nhiều về mặt thương mại cho thị trường
chung ASEAN.
Trong khi ấy, cả Trung Quốc và Nhật
Bản đều sốt sắng tham gia việc phát triển đầu tư và mậu dịch với nhóm ASEAN.
Mục đích chính trị hàm chứa bên trong là gia tăng ảnh hưởng trong khối Ðông Nam
Á, để chặn đường bành trướng của cường quốc kia. Trong cuộc chạy đua có tính
chất chiến lược ấy, Hoa Kỳ lại không có mặt. Hoặc ít ra là chưa có mặt, cho đến
khi lãnh đạo chính trị của nước Mỹ thống nhất ý chí về vai trò quan trọng của
ngoại thương và về vị trí chiến lược của vùng Ðông Nam Á.
Thật ra, tham vọng thống nhất thị
trường của ASEAN vẫn chỉ là tham vọng. Ðành rằng khối ASEAN không muốn thống
nhất tiền tệ như khối Euro trong Liên Hiệp Âu Châu, nhưng họ cũng chưa có quy
chế tự do lưu thông và di trú hàng hóa lẫn nhân lực như Hiệp Ước Schengen giữa
26 nước Âu Châu. Trong hiện tại thì các nước với nhau còn đang phải san bằng
những rào cản về dịch vụ tài chánh và chuyển vận và phải mất nhiều năm nữa mới
giải quyết xong những hạn ngạch xuất nhập cảng sau khi thống nhất về ngôn từ
của các văn kiện chấp hành.
Và bên trong từng nước, mâu thuẫn về
quyền lợi giữa các thành phần kinh tế cũng là một trở ngại. Thí dụ điển hình là
khu vực canh nông của Philliipines hay Indonesia, hay khu vực quốc doanh của
Việt Nam và Malaysia. Hoặc khu vực ráp chế xe hơi tại Thái Lan, Indonesia và cả
Việt Nam. Ngoài ra, nếu khối ASEAN tiến tới quyền tự do lưu thông nhân lực, thì
Indonesia có thể thấy nhân tài của mình đi tìm việc có lương cao hơn tại
Singapore hay Malaysia.
Các doanh nghiệp của ba khối kinh tế
Mỹ, Tầu và Nhật đều hiểu ra những khác biệt ấy nên sẽ tùy trường hợp mà khai
thác lợi thế riêng lẻ và càng gây thêm khó khăn cho ASEAN. Lãnh đạo ASEAN phải
tìm ra một chiến lược chung cho toàn khối đối với các nước bên ngoài, và chiến
lược riêng thích hợp cho từng quốc gia trong khối. Bài toán không dễ có giải
pháp mau chóng.
Thị
trường chung và khủng bố
Một chi tiết khác mà ta nên nhìn ra
là hiện tượng Hồi Giáo tại Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Indonesia có 88% dân số theo Hồi Giáo, cao nhất thế giới và lên tới 205 triệu
người. Xứ này cũng từng bị khủng bố tấn công hai lần tại Bali. Hiện tượng khủng
bố cũng đã xuất hiện tại Philippines và các tỉnh miền Nam Thái Lan.
Trong mấy năm qua, Hoa Kỳ đã thả nổi
chuyện Á Châu và chưa có một đối sách rõ rệt cho một khu vực có quá nhiều khác
biệt. Một nguyên nhân là vụ khủng hoảng tại Trung Ðông, với phong trào Thánh
Chiến Hồi Giáo của al-Qaeda và ISIS. Ðiều éo le bất ngờ là nhiều tay súng đã có
kinh nghiệm chiến trường tại Iraq và Syria, nay đang... “hồi hương.” Họ trở về
vùng Kashmir của Ấn Ðộ, Tân Cương của Trung Quốc và... các nước Ðông Nam Á.
Ðiều trớ trêu khác là Hoa Kỳ hết cần tới dầu khí Trung Ðông, chứ đa số trong
khối ASEAN vẫn phải mua dầu từ vùng lửa đạn này.
Nhìn cách khác, Trung Ðông đang xuất
cảng dầu thô và đặc công khủng bố cho ASEAN. Thị trường chung ASEAN xử trí thế
nào với bài toán ấy?
Kết
luận ở đây là gì?
Phải
mươi năm nữa, người ta mới thấy hết lợi thế của cộng đồng kinh tế ASEAN, xuất
phát từ ưu thế của tư bản chủ nghĩa hơn là từ chế độ dân chủ. Từ nay đến đó,
ASEAN cũng phải trực diện đối phó với các vấn đề an ninh của mình.
Bài
học Âu Châu ngày nay có thể là một kinh nghiệm về những gì nên tránh. Nhưng câu
lạc bộ kinh tế ASEAN không thể tránh được nhiều thách đố về an ninh.
Nó
không chỉ xuất phát từ Trung Quốc và giải quyết được bằng cách cúi đầu, hoặc
núp sau Nhật Bản.