Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

MẶC GIAO - NĂM CŨ NĂM MỚI

Dân chúng công khai đương đầu với công an,
cảnh sát tại Sài Gòn ngày 5/11/15 
( Hình Huy Phan)
Năm 2015 mới qua đi, năm 2016 vừa đến. Trong lúc giao thời tống cựu nghinh tân, chúng ta thử nhìn lại năm cũ và phóng tầm mắt về năm mới để xem tình trạng đất nước Việt Nam của chúng ta ra sao và có gì hứa hẹn cho tương lai.

Trong năm vừa qua, điều đáng ghi nhận nhất là chế độ cộng sản chưa đi đến chỗ tan vỡ nhưng bị nhân dân chống đối một cách mãnh liệt. Những tổ chức dân sự như Liên Đoàn Lao động VN Tự Do, Hội Nhà Báo tự do, Mạng lưới Bloggers VN, Dân oan... đã được tổ chức và kết hợp ở cấp toàn quốc, công khai hoạt động dù không được nhà nước cho phép, đang trở thành một sức đối trọng với quyền hành nhà nước. Điều này đã khiến nhà nước rất e ngại. Bằng chứng là họ đã gia tăng đàn áp, bắt bớ. Những nhà đấu tranh trẻ và kiên cường như Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên đã bị bắt, bị đánh đập dằn mặt, trước khi được thả. Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng bị hành hung có thương tích và bị bắt lại sau 4 năm bị tù và 3 năm quản chế vừa hết. Nhà cầm quyền viện điều 88 Luật Hình sự kết tội ông phá hoại an ninh quốc gia.

Hùng Tâm - Những triển vọng và thách thức của một giấc mơ


Cộng đồng kinh tế ASEAN

Ngày 31 Tháng Mười Hai, 2015, đánh dấu một biến cố quan trọng là sự hình thành của Thị Trường Chung ASEAN gồm 625 triệu người dân của Hiệp Hội 10 Quốc Gia Ðông Nam Á ASEAN. Việc thành lập đã được các nước đàm phán từ 12 năm nay và sẽ có kết quả trong 10 năm tới. “Hồ Sơ Người Việt” sẽ tìm hiểu chuyện này trong một số báo cuối năm.

Nguyễn Nhân Trí - ISIS – Vài Dữ Kiện Căn Bản


Vụ khủng bố ở Paris vừa qua cho thấy các chiến dịch biển máu của tổ chức Hồi Giáo cuồng tín thường được gọi là ISIS đang ngày càng tiến áp gần đến chung quanh chúng ta.

Những cuộc thảm sát thường dân vô tội dưới danh nghĩa Allah không còn chỉ là những hình ảnh phóng sự từ một lục địa hay một quốc gia khác nữa. Hầu như ở bất cứ nước Tây Phương nào ngày nay, những vụ sát nhân điên cuồng tương tự cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho chúng ta, cho gia đình và bạn bè chúng ta. Ở một số quốc gia, vấn đề không phải là “nếu” mà là “khi nào” ISIS khủng bố thì người ta sẽ cần phản ứng ra sao.

Cánh Cò - Vang tiếng ruồi xanh

viết từ Việt Nam

Anh Võ Văn Minh tại phiên xử ở TAND tỉnh Tiền Giang ngày 18/12/2015

Dằn mặt người dân?
Câu chuyện của anh nông dân ngây thơ Võ Văn Minh cùng với Tân Hiệp Phát tưởng đâu hai bên đã âm thầm thỏa thuận với nhau để ai về nhà nấy, việc ai nấy làm. Anh Minh tiếp tục cuộc đời bán quán và Tân Hiệp Phát lặng lẽ sửa lại lỗi lầm trong sản xuất và lấy lại cảm tình của người tiêu dùng bằng thái độ nhận trách nhiệm và bỏ qua những sai lầm của anh Minh. Dù sao anh ta cũng là đầu dây mối nhợ của một câu chuyện không mấy hay ho, càng ác độc với anh ta thì tình cảm của người dân lại càng thiên về người cô thế.

Điều giản đơn ấy không được tập đoàn Tân Hiệp Phát nhìn ra vì chung quanh câu chuyện ruồi nhặng này Tân Hiệp Phát đã dựa vào một thế lực rất lớn âm thầm chỉ đạo cho lực lượng công an, tòa án biên kịch, dàn cảnh câu chuyện để kiên quyết đưa đối tượng vào tù nhằm dằn mặt người dân nào còn mơ tưởng đến việc đội đá vá trời, mang thân kiến lại muốn kiện củ khoai. Nhất là tay trắng mà mơ chuyện chiến thắng bọn người gian dối chỉ với một thứ bằng chứng đơn giản muốn thay đổi, bẻ cong thế nào cũng được.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình - Việt Nam 2015 - Vài nét đậm

viết từ Hà Nội

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 14/08/2015.
Năm 2015 là một năm đặc biệt của Việt Nam, so với năm bảy năm trở lại đây. Điều đặc biệt này được cộng hưởng từ nhiều yếu tố, nhưng có hai yếu tố cơ bản chi phối những yếu tố khác và quyết định diện mạo cũng như xu hướng của đất nước trong tương lai gần. Yếu tố thứ nhất, chế độ cộng sản Việt Nam đang bước đi những bước cuối cùng trong chu kỳ tồn tại của nó. Yếu tố thứ hai, sức mạnh của truyền thông lề dân, vừa là quá trình công khai hóa, tự do hóa ngôn luận, vừa là mặt trận phản biện xuất sắc, đang dần dần thay thế vai trò định hướng và dẫn dắt dư luận của truyền thông quốc doanh.

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Ngô Nhân Dụng - Việt Nam có thể theo Myanmar được không?

Sau cuộc bàu cử ở Myanmar ngày 8 tháng 11 năm 2015, nhiều người ở Việt Nam hào hứng nghĩ rằng nước ta có thể noi theo con đường dân chủ hóa của họ. Gần 100 đảng viên cộng sản đã ký bức tư gửi Bộ Chính Trị công khai bác bỏ chủ nghĩa Cộng sản và lên án chế độ cộng sản; mạnh dạn yêu cầu các hành động dân chủ hóa. Trên báo mạng, có người còn đặt câu hỏi, “Ai sẽ là Thein Sein và Aung San Suu Kyi của Việt Nam?”

Đặc biệt là những ý kiến lạc quan này xuất hiện trong số những đảng viên cộng sản hơn là với những nhà đấu tranh dân chủ đang hoạt động trong nước. Nhiều đảng viên cộng sản có thể nhìn thấy trong tấm gương Myanmar một tia sáng hy vọng, cho đảng của họ và cho chính họ. Còn những nhà đấu tranh dân chủ không tin đảng Cộng sản có thể bắt chước các tướng lãnh quân phiệt ở Myanmar.

Thơ Trần Mộng Tú - Âm Thanh Của Hồ Cầm

Karim Wasfi

Karim Wasfi đặt ghế xuống mặt đường
ôm hồ cầm trong lòng
chàng bật lên tiếng nhạc
chàng gửi tiếng đàn
trên đổ nát của thành phố
dấu vết của những mảnh thủy tinh từ cửa kính của khu thương mại
tung tóe
máu và nước mắt
mùi chết của thịt da
chưa dọn kịp
sự hốt hoảng còn bám trên từng khuôn mặt

người phu quét đường buông tay
để những mảnh vỡ nằm nghiêng
những người thân của nạn nhân đang kêu khóc
ngưng ngang vì tiếng bật của âm thanh

Ai nỡ kinh động khoảnh khắc chết chóc này?

Chàng ngồi đó
mái tóc đen hất ngược ra sau
chàng đặt then giây ngang qua Hồ Cầm
tiếng đàn cất lên
Baghdad Mourning Melancholy
cả góc phố dừng lại
từng người
từng người
vây chung quanh chàng
im lặng

nước mắt đầm đìa
họ vượt qua nghi hoặc
vượt qua hốt hoảng
họ nhập làm một với chàng
nụ cười nở khẽ trên môi

Hãy tới đây
tôi khóc với người bằng tiếng hồ cầm

người nhạc công đó
dùng nhạc làm võ khí
để chống lại khủng bố và chết chóc


cứ thế chàng đi
nơi nào vừa nghe tiếng bom tiếng đạn
nơi ấy sẽ có tiếng hồ cầm ngân lên
tiếng nhạc sẽ xóa đi những bầm tím
của vết thương
nhạc nở những bông hoa
nhạc thắp lửa cho nến
nhạc lau khô mắt lệ
nhạc làm người lính bật khóc

tiếng hồ cầm vang lên
vang lên

Âm nhạc cho Hòa Bình
đó là điều mong muốn của chàng


những đứa trẻ lớn lên trong một thành phố đầy bạo lực
chỉ biết xe tăng
chạm tay vào hồ cầm
hỏi âm nhạc là gì
chàng dậy cho chúng
biết làm hòa với chính mình bằng âm nhạc

Chàng nói
âm nhạc nuôi người như cơm
như không khí
như nước uống
âm nhạc dạy dỗ niềm tin
đức hạnh
toán học
khoa học
kỷ luật và tình yêu

chàng nói
chàng có thể tạo ra tiếng bom tiếng súng
bằng tiếng hồ cầm ngân
nhưng không giết một ai
âm nhạc dạy dỗ lòng từ ái

những đứa bé bị nuôi dạy trong bạo lực
nhạc sẽ giúp chúng hòa giải với chính mình
cái đẹp sẽ thay chỗ cho xấu xí
cái thiện sẽ thay cho ác
khi tiếng hồ cầm ngân vang

Chàng tin và chàng tin như thế
nơi nào bom vừa nổ
mặt đường máu còn tươi
chàng đến
cúi xuống
thả tiếng hồ cầm
lau khô

không bạo lực nào
có thể tàn phá hoàn toàn
Iraq đẹp đẽ của chàng
khi tiếng hồ cầm còn vang lên

Hồ cầm! Hồ cầm! Hồ cầm!
tiếng đàn thay tiếng khóc
chàng gửi hồn mình
cho Iraq và niềm hy vọng.

Trần Mộng Tú  
Dec.29/2015


(*) For Iraq and Hope- Iraqi National Symphony conductor Karim Wasfi fights ISIS with music)

Bùi Tín - Hiểm họa đối với dân tộc hiện nằm ở đâu?

Thế là lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN)
đã loại bỏ tất cả các ý kiến tâm huyết của nhiều nhân sỹ, trí thức, tuổi trẻ và nhân dân.
Theo báo cáo của Ban dự thảo văn kiện Đại hội XII tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hàng Trung ương (BCHTƯ) lần thứ 13, sau khi tiếp thu hàng triệu ý kiến do công luận đóng góp, qua đại hội các cấp, bản dự thảo Báo cáo chính trị (BCCT) của BCHTƯ Đảng Khóa XI sẽ trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của đảng CSVN đã có những «thay đổi, bổ sung» nhưng thật ra chỉ là một vài thay đổi về cấu trúc, hình thức. Bản dự thảo mới sẽ có 15 chương thay vì 9 chương. Đại thể là tách chương về Giáo dục ra khỏi chương về Khoa học Công nghệ; tách chương về Vấn đề Văn hóa ra khỏi chương về Tài nguyên môi trưòng; tách chương về Quốc phòng - An ninh ra khỏi chương về Đối ngoại; tách chương về Đoàn kết dân tộc ra khỏi chương về Dân chủ; hai chương về Nhà nước và Đảng cũng tách riêng. Đây là những thay đổi rất nhỏ, chẳng có mấy ý nghĩa.

Đoàn Thanh Liêm - Vượt qua hận thù: trường hợp của nước Pháp và Đức (sau thế chiến thứ hai)

Irène Laure (1898 – 1987)
Giữa hai dân tộc nước Pháp và nước Đức đã từng có một sự hận thù nặng nề ghê gớm kéo dài trong nhiều thế hệ, phát sinh từ ba cuộc chiến tranh liên tục, bắt đầu từ năm 1870 với cuộc chiến tranh Pháp – Phổ (franco-prussian war), rồi đến đệ nhất thế chiến 1914 – 1918, và sau cùng là đệ nhị thế chiến 1939 – 1945. Nhưng kể từ giữa thập niên 1950, hai nước này đã vượt qua được sự thù hận ân oán lâu đời đó, để mà cùng hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm góp phần cực kỳ quan trọng vào việc xây dựng được một khối thị trường chung Âu châu (European Common Market). Và rồi tiến tới thêm một bước kỳ diệu nữa, đó là thiết lập được một thực thể chính trị kinh tế quan trọng bậc nhất trong thế giới hiện đại, tức là tổ chức Liên Hiệp Âu châu (European Union EU), mà hiện gồm có 27 quốc gia thành viên, với dân số tổng cộng là 500 triệu người, với đơn vị tiền tệ chung gọi là đồng euro, và tổng sản lượng quốc gia GDP lên đến 20 ngàn tỷ dollar (20 trillion).

Sự hòa giải và hợp tác giữa hai quốc gia cựu thù này có thể được coi là một sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử của Âu châu nói riêng, cũng như của cả thế giới nói chung, trong thời cận đại kể từ khi thế chiến thứ hai chấm dứt vào năm 1945, cho đến đầu thế kỷ XXI của chúng ta ngày nay. Cái thành tựu vĩ đại và ngoạn mục như thế là do sự đóng góp về cả trí tuệ và về cả tâm hồn của biết bao nhiêu nhân vật xuất chúng từ phía cả hai dân tộc Pháp và Đức. Và bài viết này xin được ghi lại cái quá trình phục hồi và xây dựng hết sức tích cực của một số nhân vật kiệt xuất đó.

Để bạn đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện, người viết xin trình bày sơ lược về bối cảnh lịch sử tại khu vực Tây Âu, trước khi mô tả chi tiết về tiến trình hòa giải và hợp tác của hai nước Pháp và Đức trong nửa sau của thế kỷ XX.

Gary Feuerberg/Phạm Nguyên Trường dịch - Trung Quốc: Thiếu vắng niềm tin và sự tử tế

He Huaihong (bên trái), Giáo sư triết học tại Đại học Bắc Kinh và Cheng Li, Cheng Li, giám đốc Trung tâm Trung Quốc mang tên L. Thornton John ở Brookings đang thảo luận về sự suy đồi và thức tỉnh về mặt đạo ở Trung Quốc, Brookings, ngày 6 tháng 11 (ảnh của Gary Feuerberg).
Trong cuốn sách do Brookings Press mới xuất bản gần đây, một vị giáo sư Trung Quốc, ông He Huaihong đề xuất một nền đạo đức xã hội mới cho cái xã hội mà nhiều nhà quan sát, cả bên trong lẫn bên ngoài Trung Quốc, cho là đang ở trong tình trạng khủng hoảng về mặt đạo đức.

Nhà sử học, đạo đức học, phê bình xã hội, và người bảo vệ không khoan nhượng Nho giáo, giáo sư He đưa ra khuôn khổ trí tuệ nhằm định hướng hành vi của người dân và khôi phục lại nền đạo đức xã hội để Trung Quốc có thể giành được vị trí của mình trong cộng đồng các quốc gia khác mà không phải xấu hổ. Giáo sư He nói tại Viện Brookings vào ngày 06 tháng 11, nhân dịp xuất bản cuốn sách mới của mình: “Đạo đức xã hội ở nước Trung Quốc đang thay đổi: Suy đồi đạo đức hay sự thức tỉnh về đạo đức?”

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Phạm Chí Dũng - Sau vụ bắt luật sư Đài, chùa Liên Trì có bị ‘xúc’ bất ngờ?


Có lẽ Ủy hội Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ, Nghị viện châu Âu và Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo của Liên Hiệp Quốc cần được báo động: sau vụ Bộ Công an Việt Nam thình lình bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài ở Hà Nội vào giữa tháng 12 năm 2015, chùa Liên Trì ở Sài Gòn đang phải đối mặt với nguy cơ bị “xúc” vào bất cứ lúc nào.
Đẩy, đuổi, xúc…” hoàn toàn nằm trong từ vựng trấn áp nhân quyền của chính quyền và công an Việt Nam.

Bùi Văn Phú - Nguyễn Văn Đài vào tù, Đại hội Đảng sẽ vẫn như cũ

Hôm 6/12/2015 luật sư Nguyễn Văn Đài bị côn đồ hành hung gây thương tích trên mặt
Cánh cửa nhà tù ở Việt Nam như một vòng xoay dành cho những người bất đồng chính kiến để chế độ cộng sản Hà Nội đưa họ ra vào thường xuyên như cơm bữa. Đặc biệt là trước thời gian Đại hội Đảng.

Ngày 14/12 vừa qua nhạc sĩ Việt Khang Võ Minh Trí, 37 tuổi, mãn án tù 4 năm vì viết những lời ca nói lên tâm tình về đất nước. Anh bị kết án tù theo điều 88 Luật Hình sự với tội “tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”

Sau khi Việt Khang được thả, vài hôm sau luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, 46 tuổi, bị bắt và một lần nữa bị khởi tố vì vi phạm điều 88 Luật Hình sự mà thực ra anh chỉ tranh đấu cho quyền làm người như ghi trong Hiến pháp Việt Nam. Trước đây, năm 2007 luật sư Đài cũng đã bị kết án 4 năm tù với cùng tội danh.

Tô Văn Trường - Công cụ hữu hiệu nhất của các nhà kỹ trị trong thế giới văn minh


Theo lý thuyết điều khiển thì việc ghi nhận dữ liệu của mọi hệ thống một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời và phân tích chúng mang ý nghĩa quyết định đối với sự vận động của hệ thống đó. Từ đây, mới thấy thống kê là công cụ không thể thiếu của các nhà kỹ trị trong thế giới văn minh.

Thế nhưng với tâm thế bưng bít sự thật của một thể chế toàn trị thì thống kê không bao giờ được đặt đúng vị trí cần phải có của nó vốn là môn khoa học và tất nhiên bị chế biến, bóp méo cho phù hợp với chủ quan của nhà cầm quyền.

Con số mà ông Tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh đưa ra ngày 13/12 vừa qua trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”, mới thật sự làm người dân phải giật mình. Theo đó, trong năm 2015, ngành thanh tra chính phủ đã thực hiện 40.000 cuộc thanh tra các cấp và đã phát hiện sai phạm 212.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ USD.

Nguyễn Văn Tuấn - Sinonization of Vietnam

Chắc các bạn không tìm ra nghĩa của chữ trên đâu, vì tôi mới nghĩ ra ngày hôm qua. Tối qua, nhân dịp đi thăm nhà của một anh bạn, rồi trên đường về khách sạn, thấy những trang trí đèn néon trên con đường dẫn vào Dinh Thống Nhất, tôi thấy hình như có một sự "Tàu hoá" Việt Nam đang diễn ra, và tôi gọi đó là "sinonization".

Thật vậy, nếu có dịp ghé qua Bắc Kinh hay một thành phố lớn của China vào dịp gần cuối năm, các bạn sẽ thấy các con đường chính được trang trí rất màu mè và dùng nhiều đèn. Họ dùng đèn néon để kết thành từng cụm theo hình dạng bông hoa. Đi trên những con đường như thế làm cho người ta có cảm giác nhộn nhịp, rộn ràng, và phố thị. (Nhưng khi ánh đèn tắt thì con đường quay về cái trạng thái bẩn thỉu của nó.) Người dễ tính thì thấy hay hay, vui mắt, và có dịp chụp hình. Người nghiêm khắc thì xem đó là một kiểu phô trương mang tính phường tuồng, một kiểu phí tiền thuế của dân.

RFI - Trung Quốc, điểm đến mới của sinh viên Pháp

Các trường đại học Trung Quốc có dạy tiếng Anh, nhưng chất lượng
của một số giáo trình và trình độ giảng viên vẫn chưa đạt tiêu chuẩnREUTERS /Jason Lee
Trên báo Les Echos, số ra ngày hôm nay, 28/12/2015, có bài viết « Trung Quốc, điểm đến mới của sinh viên Pháp ». Theo một cuộc điều tra gần đây của các trường đại học Trung Quốc, Hoa lục ngày càng thu hút nhiều du học sinh Pháp.
Có đến 2.513 sinh viên Pháp tại Trung Quốc trong năm học 2013-2014, tăng gần 90% trong một năm. Trung Quốc đang vượt qua Anh Quốc trong tốp đầu những điểm đến du học lý tưởng. Tuy nhiên, theo Les Echos, chất lượng của các giáo trình cũng như trình độ của các giảng viên chưa chắc gì đã tương xứng với tầm vóc và uy tín của các trường nổi tiếng của Trung Quốc.

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Nguyễn Hưng Quốc - Sự khác biệt giữa độc tài và dân chủ

Ảnh minh hoạ: Cảnh sát Việt Nam dùng loa kêu gọi dân chúng
và các nhà báo rời khỏi khu vực gần Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 18/5/2014.
Cách đây mấy ngày, tình cờ tôi gặp lại một người quen, trước, sống ở Úc, sau, về Việt Nam làm việc từ cả hơn 20 chục năm nay. Thỉnh thoảng, vài ba năm một lần, anh về lại Úc để thăm gia đình. Tôi hỏi cảm tưởng của anh mỗi lần quay lại Úc.  Ngẫm nghĩ một lát, anh cho biết: Mỗi lần về Úc, anh cảm thấy thoải mái hơn, tự tin hơn, và nhất là, được tôn trọng hơn, do đó, thấy mình… “người” hơn.
Điều anh nói, tôi cũng đã từng nghe nhiều người khác nói, những người vừa sống ở Úc vừa sống ở Việt Nam.  Tất cả đều nói giống nhau: Ở Việt Nam, người ta cảm thấy cái phần “người” của họ bị đè bẹp, chỉ còn rất nhỏ, còm cõi, yếu ớt, thảm hại. Chủ yếu là vì lúc nào cũng sợ sệt người khác. Ở nhà thì sợ người khác cạy cửa ăn trộm, có khi, giết chết. Ra đường thì, một mặt, sợ tai nạn giao thông; mặt khác, sợ cảnh sát giao thông quấy nhiễu, tìm cớ để ăn hối lộ. Vào các công sở thì lúc nào cũng thấy bị uy hiếp. Sợ nhất là gặp công an. Làm ăn lương thiện, không có tội gì cả, nhưng cứ hễ thấy bóng công an là thấy bất an, hồi hộp, lo lắng. Nói chung, ở Việt Nam, lúc nào người ta cũng căng thẳng vì sợ hãi. Ở Úc thì khác. Gặp ai cũng được chào hỏi một cách thân mật. Rất hiếm thấy cảnh sát. Mà có thấy cũng không lo sợ vì biết chắc sẽ không ai làm khó dễ gì mình. Khi cần làm giấy tờ, bước vào cửa các cơ quan công quyền, người ta hoàn toàn tự tin là mình sẽ được phục vụ theo đúng quy định chứ không bị sách nhiễu như ở Việt Nam.

Phạm Chí Dũng - 4 năm: Bộ Công An 'làm luật' biểu tình như thế nào?


Tắc trách công vụ

Những ngày mùa Đông giá rét cuối năm 2015, khi nhóm dân oan ba miền liên tục biểu tình trước trụ sở tiếp công dân ở Hà Nội, Bộ Công An lại thập thò một đề xuất với Quốc Hội về việc cho hoãn luật biểu tình với lý do “dự luật biểu tình đã được xây dựng xong, đã xin ý kiến các bộ ngành liên quan, nhưng một số vấn đề có tính chất nhạy cảm thì các bộ liên quan như Bộ Quốc Phòng, Bộ Tư Pháp chưa cho ý kiến.”

Đây là lần thứ hai liên tiếp trong năm 2015, cơ quan “công an nhân dân” đề xuất hoãn luật biểu tình. Vào lần trước - Tháng Ba, Bộ Công An cũng nại ra lý do: “Trong quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần tiếp tục đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khảo sát thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm “biểu tình,” “quyền tự do biểu tình,” “nơi công cộng,” “tụ tập đông người”...; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật (có bao gồm cả việc tổ chức mít-tinh, biểu tình do Đảng, Nhà Nước, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức; việc khiếu kiện đông người, đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa hay không); vấn đề áp dụng các biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu tình vi phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình...”

Tương Lai - “Càn khôn bĩ rồi lại thái / Nhật nguyệt hối rồi lại minh”

Đó là quy luật vận động của thế giới, thế giới tự nhiên, thế giới con người mà Nguyễn Trãi đã vận dụng nhằm khẳng định bản lĩnh dân tộc trước những thách đố nghiệt ngã với niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của con người Việt Nam.

Càn Khôn là hai quẻ trong Kinh Dịch. cũng vậy, chỉ sự bế tắc, còn Thái là quẻ thứ 11, chỉ sự hanh thông. Từ điển Nho Phật Đạo do NXB Văn học ấn hành năm 2001 thì giải thích thêm: “quốc gia tốt đẹp hanh thông là nhờ vào sự hài hoà của vua tôi trăm họ” (tr.1317) sau khi đưa ra kiến giải “do Càn Khôn đại biểu cho hai lực lượng, tính chất, tác dụng và sự vật đối lập trong vũ trụ, vì vậy ý nghĩa tượng trưng của chúng là rất phong phú, vừa tượng trưng cho trời đất, vừa tượng trưng cho sự vật đối lập và thống nhất… cho nên nó thường được để gọi thay cho “thế giới”” (tr.141).

Lê Phan - Cầu cho thế giới đa nguyên

Hồi năm 1995, tôi tới Brunei, tiểu quốc nhỏ xíu nằm gọn trong đảo Borneo. Mặc dầu là một quốc gia Hồi giáo, Brunei lúc đó không khác gì các quốc gia Đông Nam Á khác, với bầu không khí thoải mãi và thái độ bao dung chấp nhận mọi khác biệt.

Brunei lúc đó không thấy bóng của những khăn hijab. Các thiếu nữ có choàng khăn, nhưng là những khăn khoác qua trên đầu, trông như là một món trang điểm hơn là một đòi hỏi của tôn giáo. Ở những tiệm sang trọng, những nhà thời trang Tây phương trưng bầy những bộ quần áo cho các cô với sarong và khăn choàng cùng màu trông rất lịch sự.

Những nhân viên ngoại giao làm việc ở Brunei nói là tiểu vương tuy rất sùng đạo nhưng có tinh thần cởi mở điển hình của Đông Nam Á nên họ có thể sống bình thường. Brunei lúc đó còn cởi mở hơn các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh nơi mà rượu bị tuyệt đối cấm. Vả lại, đây là một quốc gia mà cứ 1 công dân Brunei thì có đến 2 người ngoại quốc, đa số là người Philippines, phục vụ. Những công nhân nhập cư đó, tuy không được hưởng những quyền lợi hết sức rộng rãi của các công dân Brunei, cũng được đối xử tử tế, chẳng hạn như được quyền sử dụng hệ thống y tế rất rộng rãi của chính phủ.

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Ngô Nhân Dụng - Người phụ nữ ảnh hưởng cả thế giới

Bà Angela Merkel
Nếu hỏi nhân vật phụ nữ nào có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong năm qua, chắc ai cũng nghĩ tới bà Angela Merkel, thủ tướng Đức. Bà quyết định cứu kinh tế Hy Lạp, nếu không thì tương lai cả khối Euro sẽ bấp bênh. Bà tuyên bố phải nhận dân Syria tị nạn, các nước Châu Âu khác cũng làm theo.

Nhưng ảnh hưởng của bà Merkel bị giới hạn trong Liên hiệp Âu Châu. Một phụ nữ khác có ảnh hưởng trên cả thế giới, là bà Janet Yellen, chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang, tức ngân hàng trung ương nước Mỹ (Federal Reserve, viết tắt là Fed). Đầu năm 2015, bà ngỏ ý sẽ tăng lãi suất. Từ đó, cả thế giới chờ đợi, và đồng đô la Mỹ cứ thế lên giá. Vì khi lãi suất ở Mỹ tăng, số tiền đem cho Mỹ vay sẽ tăng, nhiều người sẽ đi mua tiền Mỹ để đầu tư. Tháng Chín vừa qua, mọi người hồi hộp chờ, bà Yellen chưa quyết định. Tháng 12, bà đã cho tăng lãi suất căn bản, từ khoảng “00% tới 0,25%” lên thành từ “0.25 tới 0,50%.”

Thanh Trúc/RFA - Người Việt thích rượu bia hay sách báo?

Những người tham dự lễ hội bia hàng năm của địa phương
tại Hà Nội vào ngày 07 Tháng Mười Hai 2014.
Theo báo cáo tổng kết năm 2015, được báo chí trong nước đăng tải lại, người Việt đã chi ra trên sáu chục ngàn tỷ đồng vào bia rượu nhưng chỉ hai ngàn tỷ đồng để mua sách đọc.

Nên hay không nên dựa vào số liệu này để cho rằng người Việt ngày nay thích ăn nhậu hơn là thích đọc sách ? Thanh Trúc tìm câu trả lời tromg bài sau đây:
Báo cáo tổng kết 2015 và chương trình công tác trọng tâm 2016 của Cục Xuất Bản, In Và Phát Hành thuộc Bộ Thông Tin –Truyền Thông, cho thấy tính đến lúc này toàn ngành đã xuất bản được hơn 24.000 cuốn sách với trên 270 triệu bản, bên cạnh 375 loại văn hóa phẩm với hơn 22 triệu bản.

Và theo đó tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong khi đó theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, tính đến tháng Mười Một 2015 thì sản lượng bia các loại ở trong nước đạt 3 tỷ lít, tăng 6,8% so với cùng thời gian năm ngoái.

Như vậy, theo các chuyên gia, với hơn 3 tỷ lít bia hàng năm trị giá 63.000 tỷ đồng, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng hàng thứ ba Châu Á tức chỉ thua Nhật Bản và Trung Quốc.

Nam Nguyên/RFA - Xem báo chí ‘lề phải’ xử lý thông tin nhạy cảm

Báo chí các ngày 22-23 tháng 12, 2015

Tuần lễ cuối cùng của năm 2015 không giống như những năm trước, khá nhiều thông tin được cho là nhạy cảm đã xảy ra trong thời gian này. Báo chí đã ứng xử với hàng loạt thông tin không có lợi cho nhà nước về chính trị, kinh tế, xã hội như thế nào? có những báo điện tử chọn cách xử lý thông tin như một công cụ bảo vệ chế độ, nhưng cũng có một số đơn vị chọn cách thông tin đa chiều.

Trong những ngày trước lễ Giáng Sinh, tại Hà Nội đã xảy ra sự kiện chưa từng có, vài ngàn học sinh trung tiểu học ở xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm đã bãi khóa từ hôm 21 đến 23/12, để tham gia biểu tình phản đối chủ trương xây dựng Trung tâm thương mại bên cạnh trường trung học cơ sở và chiếm một phần đất công hiện là bãi đậu xe của người dân. Có lẽ ở những xã ngoại thành chòm xóm láng giềng gắn bó với nhau, trong mỗi gia đình có thể có một người chạy chợ hoặc gọi là tiểu thương. Khi toàn thể tiểu thương Ninh Hiệp phản đối xây thêm chợ mới cũng như trung tâm thương mại với quan điểm là chống lãng phí, lạm dụng cũng như bảo vệ sinh kế gia đình, thì họ được người dân ủng hộ và dẫn tới chuyện học sinh trung tiểu học không đến trường mà tham gia bãi khóa hậu thuẫn giới tiểu thương và cha mẹ mình.

Nguyễn Khắc Mai - Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam đối diện với Năm Chữ Chính

Năm chữ Chính đó là:
Một: Chính Danh.
Hai: Chính Thống.
Ba: Chính Nghĩa.
Bốn: Chính Học.
Năm: Chính Mi.

Tôi tin rằng đa số các đại biểu được cử đi dự Đại hội này phải quan tâm tới năm chữ Chính có tầm quan trọng này. Năm chữ Chính này, dẫu họ không nghĩ tới, nó vẫn luôn tồn tại, thường xuyên có mặt, chi phối mọi hành vi của Đảng, của từng đảng viên trong chức phận, trong hành xử… của họ.

Chữ Chính Thứ Nhất: Chính Danh
Nguyễn Công Trứ từng có câu nổi tiếng: “Đã mang tiếng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông”. Câu hỏi này không chỉ cho một cá thể Người, mà nó chung cho cả những cộng đồng Người. Đảng cũng thế, luôn luôn phải đối diện với câu hỏi này và tùy từng thời phải có câu trả lời cho đúng, nghĩa là trả lời cho “thuận thiên thời, thuận địa lợi, thuận nhân hòa”. Và đây là chữ Chính đầu tiên mà Đại hội XII đối diện. Họp Đại hội XII để làm gì, nếu không phải là để trả lời cho đúng những cái “danh” mà Đảng đã và đang đánh mất. Không trả lời rõ vấn đề này, những nội dung của Báo cáo chính trị sẽ không có linh hồn.

N.G.C - Chuyện cũ tích mới

Ảnh minh họa: Internet
Ngọc Hoàng sáng nay phải dậy sớm vì tiếng chí chóe ở sân chầu. Hóa ra đó là Khỉ, con giáp của năm Bính Thân 2016. Ngọc Hoàng tức giận:
– Ngươi chưa nhậm chức đã om sòm phách lối như thế, mai mốt chủ trì năm thì dân nào chịu thấu!

Khỉ dập đầu trần tình:
– Thưa Ngọc Đế, chỉ còn tháng nữa là tới năm của thần, vậy mà Dê Ất Mùi vẫn chưa bàn giao sổ sách, tiền bạc, các dự án… của năm 2015. Chính vì lo… không đúng quy trình mà thần phải lên đây cầu cứu!

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Lê Hữu - Đêm rất thánh, đêm không cùng


Hát là cầu nguyện đến hai lần.
~ St. Augustine

Một anh bạn tôi, có cô vợ theo đạo công giáo, nói rằng anh ta chỉ theo vợ đến nhà thờ hai lần trong một năm, vào ngày lễ Phục Sinh và lễ Giáng Sinh.  “Vậy là anh lấy hết hai ngày lễ lớn nhất của người công giáo rồi còn gì,” tôi nói đùa.  “Riêng lễ Giáng Sinh,” anh ta nói, “không chỉ đi lễ nửa đêm, tôi còn hát theo được bài thánh ca.”  “Bài gì?” tôi hỏi.  Anh trả lời, “Đêm thánh vô cùng.” 
Từ “Silent night”đến “Đêm thánh vô cùng”
Bài thánh ca giáng sinh mà anh bạn tôi yêu thích và hát theo được không phải là bài thánh ca của người Việt mà là bài nhạc ngoại quốc được viết lời Việt.  Ít ai biết được rằng bài hát ấy là bài thơ được phổ nhạc, có điều không phải phổ thành nhạc mà là phổ vào nhạc.  
Chuyện được kể lại như thế này: bài hát được “chào đời” và cất tiếng lần đầu tiên vào ngày 24/12/1818 tại một làng quê hẻo lánh ở Oberndorf, một tỉnh lẻ của nước Áo.  Trong làng ấy có ngôi nhà thờ nhỏ St. Nicholas. Trong nhà thờ ấy có một linh mục trẻ yêu thơ, yêu nhạc tên Joseph Mohr (có tài liệu nói ông là thầy phó tế chứ chưa phải linh mục).  Lời của bài hát vốn là bài thơ bằng tiếng Đức được cha Mohr sáng tác từ hai năm trước, tên là “Stille Nacht, heilige Nacht” (“Đêm thinh lặng, đêm thánh thiện”).  

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Lê Xuân Khoa - Người Việt ở Hoa Kỳ Từ tị nạn đến công dân Mỹ gốc Việt

GS Lê Xuân Khoa (Ảnh: Uyên Nguyên)

Nhà xuất bản Người Việt Books vừa cho ra mắt tập sách 700 trang nhan đề Hành trình Cộng đồng Việt trên đất Mỹ để đánh dấu 40 năm tị nạn và hội nhập của người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Đây là một tập hợp trên 70 bài viết của nhiều tác giả ghi lại những cảm nghĩ và kinh nghiệm cá nhân trong những hoàn cảnh khác nhau, từ ngày ra đi tị nạn cho đến ngày trở thành công dân của một nước tự do, dân chủ hàng đầu trên thế giới. Như nhận xét của Thị trưởng Tạ Đức Trí của thành phố Westminster, California, trong bài Tựa: “Bốn mươi năm về trước, trong những ngày định mệnh tháng Tư 1975, trong cái hỗn loạn của Sài Gòn, giữa những ly tan và mất mát, có lẽ chúng ta khó hình dung được sự phát triển nhanh chóng và lớn mạnh của cộng đồng Việt tại Hoa Kỳ, 40 năm về sau”. Những câu chuyện cá nhân sống động trong cuốn sách được nhà báo Ngô Nhân Dụng gọi là “ký ức tập thể”, dù chưa đầy đủ, đều là những đóng góp cần thiết cho lịch sử cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ để cho các thế hệ sau này có thể hiểu được nguồn gốc chủng tộc của họ và lý do tại sao có sự hiện diện của người Mỹ gốc Việt bên cạnh những người Mỹ gốc ngoại quốc khác trong một xã hội đa chủng, đa văn hóa như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Nguyễn Hưng Quốc - Tại sao sinh viên du học không về nước?


Mấy tuần nay, trên báo chí trong nước cũng như trong các diễn đàn mạng, người ta bàn tán sôi nổi về hiện tượng hầu hết những học sinh xuất sắc nhất của Việt Nam, sau khi du học ở nước ngoài, đều không về nước. Theo thống kê, hiện nay có trên 100,000 du học sinh rải rác ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Tôi không biết chính xác là bao nhiêu người trong họ quyết định ở lại nước ngoài. Chỉ nghe nói là rất nhiều. Ví dụ thường được nêu lên là trong số 13 học sinh thắng giải “Đường lên đỉnh Olympia” và được đi du học, chỉ có một em, một em duy nhất, chịu về nước. Theo kinh nghiệm của tôi, từ các môn tôi dạy vốn có khá đông sinh viên du học ghi danh, số người nghĩ đến việc về nước sau khi tốt nghiệp chỉ là một phần nhỏ, may lắm là một phần ba. Còn lại, tất cả đều hoặc phân vân hoặc quyết định là sẽ tìm cách ở lại Úc.

Cánh Cò (RFA) - Khi Mã Viện làm giám khảo

Trong trăm mối của cuộc sống quăng quật hôm nay, người phụ nữ Việt Nam có lẽ là nạn nhân chung của mọi điều đang xảy ra từ gia đình đến xã hội. Từ một gánh hàng rong cho tới cõng con tới trường bằng phương tiện hiện đại của ngày nay là chiếc xe gắn máy, người đà bà nào cũng gánh trên lưng thứ bổn phận ngàn năm chưa thoát được từ khi Mã Viện trút thâm thù tuyệt hận trên lưng hai anh thư xứ Giao Chỉ: Hai bà Trưng.

Cái truyền kiếp Mã Viện ấy không thể chết theo lịch sử, cũng không thể giải thích bằng cách nào khác ngoài cách hiểu duy nhất: Trung Quốc luôn ghi bài học thua cuộc nhục nhã trước một nhóm dân nhỏ bé phương Nam khi hai bà Trưng cho giặc biết thế nào là Giao Chỉ trước móng vuốt quân thù.

Móng vuốt ấy chưa bao giờ ngưng đe dọa Việt Nam, kể cả khi hai nước tạm thời là đồng chí. Hai chữ đồng chí lạnh lẽo và đầy tráo trở ấy đã dạy cho Việt Nam rất nhiều bài học mà bài học nào cũng phải trả học phí bằng máu của người dân. Từ việc xâm lược bằng súng đạn ở 6 tỉnh miền Bắc cho tới chiếm trọn Hoàng Sa rồi Gạc Ma cùng các đảo khác ở Trường Sa. Máu người lính chiến hai miền Nam Bắc cùng đổ xuống cho quê hương chưa đủ, người Trung Quốc đang đầu độc cả nước Việt qua thức ăn, hóa chất và ngay cả việc phá hoại hoa màu, nông sản của dân Việt.

Cao Huy Huân - Những thanh niên Việt ‘ngủ mơ’


Cả tuần nay mạng xã hội xôn xao về một đoạn clip ghi lại một nhóm thanh niên Việt Nam tham gia câu lạc bộ (lớp học) dạy nhau làm giàu “tuyên bố ước mơ triệu đô” của mình. Nhìn nhóm thanh niên có phần trí thức, bày biện laptop như kiểu đang vạch ra các chiến lược lớn lao cho bản thân, cùng những câu nói máy móc, rập khuôn và giáo điều, thiết nghĩ thanh niên Việt Nam vẫn còn một bộ phận ngủ mơ giữa những ngày hội nhập.

Nhóm thanh niên đến từ các trường đại học lớn tại Sài Gòn, trong đó có cả người xưng là sinh viên khoa học tự nhiên TP HCM (một thành viên trường Đại học Quốc gia TP HCM của Việt Nam). Mỗi người lần lượt đứng lên, hô hào rất lớn những câu khẩu hiểu mà tôi chắc mẫm là theo khuôn mẫu, đại loại là “tôi là…tôi quyết tâm năm 2016 sẽ có một triệu đô la đầu tiên từ ba (hoặc bốn) nguồn thu nhập… Tôi xứng đáng được ủng hộ và tôn vinh vì bất chấp mọi trở ngại…”. Không ai đánh thuế ước mơ, nhưng xin thưa mấy “ông trẻ” rằng, sao mơ gì mà máy móc và giống nhau từng câu từng chữ đến thế. Các bạn được học những câu nói “nổi cả da gà” ấy từ đâu và từ ai: Trường học hay trường đời? Đến nỗi ngay cả những thành viên trong nhóm, có lúc không kiềm chế được cũng bật cười một cách vô thức, khó hiểu về một nhóm thanh niên chẻ tre nhưng… điên dại.

Mặc Lâm/RFA - Washington Post viết về đội bóng No-U FC

Đội bóng No-U FC - Photo: facebook nguyen tuong thuy 

Ngày 20 tháng 12 năm 2015, tờ Washington Post đăng bài phỏng vấn đội bóng No-U FC tại Hà Nội với các câu hỏi về lý do hình thành và mục tiêu của đội bóng đặc biệt này. No-U FC là hình thức của một tổ chức xã hội dân sự tập trung những người cùng chính kiến hoạt động công khai, bất bạo động với mục tiêu rõ ràng là chống lại đường chín đoạn cũng như các hành động lấn chiếm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc. Mặc Lâm tìm hiểu thêm chi tiết qua lời kể của anh Nguyễn Chí Tuyến, người trả lời cuộc phỏng vấn với ký giả Simon Denyer của tờ Washington Post. Trước tiên anh Tuyến cho biết:

Người phóng viên phỏng vấn chúng tôi là Simon Denyer, ông ấy là trưởng văn phòng của báo Washington Post tại Bắc Kinh. Ông ấy trực tiếp gặp chúng tôi và hỏi chuyện, phỏng vấn chúng tôi về đội bóng No-U và những hoạt động của các hội nhóm xã hội dân sự và những quan điểm, ý kiến của người dân Việt Nam đối với mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Ngô Nhân Dụng - Giáng Sinh này bạn tặng quà cho ai?


Hồi mới dọn tới căn nhà tôi đang ở, sáng sớm đầu tiên có người gõ cửa. Mở ra, tôi thấy một người đàn ông đang cười toe, tự giới thiệu: “Tôi là hàng xóm của ông, tôi ở nhà bên trái.” Gặp nhau vài lần, tôi biết ông làm nghề thợ điện. Vài tháng sau, có bữa tôi thấy một chỗ cắm điện trong nhà không có điện. Tôi sang gõ cửa, ông hàng xóm qua, ngó tìm một hồi rồi chỉ cho tôi một cái nút đỏ, bấm vào đó là có điện ngay!

Lễ Giáng Sinh đầu tiên ở nhà mới, bà hàng xóm bên phải mời cả xóm tới dự tiệc Christmas, cùng các con các cháu bà ở xa về. Ai cũng mang một món ăn hay gói quà và thiệp chúc mừng ngày lễ. Từ đó, chúng tôi có thói quen tặng quà hàng xóm trong dịp lễ Giáng Sinh. Và họ cũng tặng quà lại.

Hơn mười năm sau, có lúc tôi cũng tự hỏi: Một gói kẹo, cái bánh, giá dưới 10 đô la như vầy có ích lợi gì cho các người hàng xóm hay không? Họ có vui sướng hơn chút nào không, hay lại chỉ băn khoăn không biết phải đem nó tặng cho một người khác – giống như mình, không ai muốn ăn quá nhiều kẹo, bánh!

Dr. Trần Trọng Kiên - Hành xử kém văn hóa trong quan hệ quốc tế vì chà đạp nhân quyền


Những mối giao tiếp giữa những cá nhân trong xã hội có nhiều mức độ: thân quen hay xa lạ, nhiều phẩm chất: trang trọng hay vô lễ, lịch thiệp hay lùi xùi. Trên phương diện quốc tế, các quốc gia cũng giao tiếp với nhau với nhiều phẩm chất và mức độ khác nhau, được định nghĩa, bày tỏ bằng một số cử chỉ, lễ nghi nhất định có tính biểu trưng. Mối quan hệ có tốt đẹp hay không đều ảnh hưởng tới cuộc tiếp đón; Một cuộc tiếp đón bất xứng cũng gây tác động xấu lên quan hệ đôi bên.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm nước Đức: Một cuộc tiếp đón lịch sự của nước chủ nhà văn minh
Từ ngày 24.11 đến 26.11.2015 chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có một chuyến viếng thăm nước Đức trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao Đức - Việt Nam. Nhà nước Đức dành cho ông một cuộc tiếp đón lịch sự như những quốc khách khác.

Máy bay của ông khi vào không phận nước Đức được hai phi cơ phản lực của không quân Đức bay lên hộ tống. Tiếp đó là 21 phát đạn đại bác bắn chào mừng trong lễ đón. Ông Sang được hội kiến với Tổng thống J. Gauck, nữ Thủ tướng A. Merkel, Bộ trưởng Ngoại giao F. W. Steinmeier...

VOA - Những lo ngại về an ninh thúc đẩy cuộc chạy đua tổng thống Mỹ

Ứng cử viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu trước đám đông
trong một cuộc mít tinh ở Grand Rapids, bang Michigan, ngày 21/12/2015.
Khủng bố và an ninh quốc gia bao trùm cuộc chạy đua năm 2016 vào Tòa Bạch Ốc, ít nhất vào lúc này. Các cuộc thăm dò công luận mới đây cho thấy những quan ngại về an ninh nay đang vượt qua kinh tế trở thành vấn đề hàng đầu đối với cử tri trong cuộc tranh cử sau khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố ở Paris và San Bernardino, California.

An ninh là trọng điểm chính của 2 cuộc tranh luận gần đây nhất giữa các ứng viên ra tranh cử tổng thống và đã buộc nhiều người nhắm vào Tòa Bạch Ốc phải điều chỉnh cuộc vận động để đáp ứng với bối cảnh chính trị chuyển hướng.
Ông Donald Trump vẫn là nhân vật nổi trội trong cuộc chạy đua của đảng Cộng hòa. Cuộc thăm dò mới nhất của trường Đại học Quinnipiac cho thấy ông được tỷ lệ ủng hộ 28 phần trăm trong giới cử tri Cộng hòa, và thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas về ngay sau với tỷ lệ 24 phần trăm. Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio, người đã biến vấn đề an ninh quốc gia thành trung tâm điểm cuộc vận động của ông, về hạng ba với 12 phần trăm, tiếp theo là bác sĩ Ben Carson, với 10 phần trăm. Nhưng cuộc thăm dò cũng cho thấy 50 phần trăm những người được thăm dò, kể cả những người theo đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, sẽ cảm thấy lúng túng nếu ông Trump lên làm tổng thống.

Tuấn Thảo/RFI - Pháp: Bàn tiệc Noel 2015 thịnh soạn hơn năm trước

Cảnh sát Pháp tăng cường an ninh trên đại lộ Haussmann, Paris,
nơi có nhiều cửa hàng lớn
 REUTERS/Eric Gaillard
Đợt khủng bố ngày 13/11 vừa qua đã làm cho dân Pháp tâm lý bất an. Họ không thích lui tới những chốn quá đông người tụ họp, cho dù các biện pháp an ninh đã được tăng cường tối đa. Báo Les Échos (22/12/2015) cho rằng, tâm lý đó đã tác động đến nhịp độ mua sắm, nhất là tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, mùa lễ Giáng Sinh cũng là dịp để cho mọi nhà nghỉ ngơi hưởng thụ, điều mà dân Pháp vẫn thường làm khi có chút thời gian rảnh rỗi. Còn theo Le Figaro, có nhiều dấu hiệu cho thấy dân Pháp năm nay sẽ ăn Noel thịnh soạn hơn năm trước.
Còn vài ngày nữa đã tới Noel, nhưng dân Pháp vẫn chưa mua xong các món quà mà họ sẽ biếu tặng cho con cái, người thân hay gia đình. Theo thăm dò của cơ quan Harris Interactive được báo Les Échos trích dẫn, 45% dân Pháp tức gần một nửa số người được hỏi ý kiến, vẫn chưa mua đầy đủ các món quà trên danh sách biếu tặng. Gia đình càng có đông thành viên, thì tỷ lệ này lại càng cao, lên tới gần 60%.

Hà Tường Cát - Thế giới đang khát nước

Các két bia Beck's từ cơ sở  sản xuất ở Bremen, Đức, của Anheuser-Busch InBev,
sẵn sàng chớ được đưa đi  phân phối đến các thị trường quốc tế.
(Hình: Jasper Juinen/Bloomberg via Getty Images)
Thiếu nước là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại ngày nay và tương lai.

Khát nước, hiểu theo nhiều cách, là vấn đề chung của cả thế giới.


- Hầu hết dân chúng Phi Châu và các quốc gia đang phát triển không có nguồn nước sạch để sử dụng.
- Các quốc gia phát triển thì gặp khó khăn vì hạn hán, như trường hợp tiểu bang California của Hoa Kỳ và Australia.
- Những mạch nước ngầm ở miền Trung Hoa Kỳ và Ấn Độ bị cạn kiệt do sự khai thác quá mức
- Kỹ nghệ nước giải khát trở thành một trong những ngành quan trọng nhất trong thị trường thế giới. Mỗi năm các đại công ty quốc tế bia và nước giải khát thu được 500 tỷ dollars, chưa kể hàng trăm tỷ của hàng ngàn công ty sản xuất nước uống đóng chai đang phát triển rất nhanh ở khắp mọi quốc gia. Bình  quân mỗi người dân trên thế giới một năm phải chi chừng $100 riêng cho nước giải khát.

Tại California, người ta đang mong chờ hiện tượng El Nino mà các chuyên gia thời tiết đã dự đoán là tác động rất mạnh vào mùa Đông sắp tới. Dù rằng nếu sự chờ mong ấy xảy ra, có thể phải chịu nhiều tổn hại lớn khác do bão tố, lũ lụt. Nhưng bù lại, nước mưa và lớp tuyết phủ trên rặng Sierra Nevada hy vọng sẽ làm đầy lại các hồ chứa mà mực nước đã xuống quá thấp sau 4 năm hạn hán liên tiếp.

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Bùi Tín - Một kiểu cầm quyền không giống ai

Chẳng nước nào có cái kiểu cầm quyền kỳ quặc, độc đáo như ở Việt Nam.

Nhiệm vụ đầu tiên của mọi chính quyền chân chính là bảo vệ công dân nước mình đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già, khỏi những bất công, bệnh tật, tai ương, khỏi những hành động phi pháp. Vậy mà hàng ngày, khắp nơi xảy ra bao chuyện bất công nhưng chính quyền CS vẫn vô cảm, còn đứng về phía đàn áp, hiếp đáp dân lành.

Hằng ngày biết bao vụ xử án xảy ra, tại đó Bộ Chính trị và đảng ủy CS các cấp đã quyết định mức án trước, được xã hội gọi là «bản án tiền chế», không có luật sư, hay có luật sư cũng bằng không vì bị cắt lời, các lý lẽ không được cân nhắc, xem xét. Các luật sư bị công an và ác ôn đánh cho đổ máu chỉ vì bênh vực dân theo đúng luật.

Kính Hòa/RFA - Công lý ở Việt Nam và lá thư 127

Sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha
tại Tòa án Long An hôm 16/5/2013.

Pháp luật nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt giữ theo điều luật 88 bộ luật hình sự của Việt Nam, phạt tù những người được cho là tuyên truyền chống phá nhà nước. Vậy là người luật sư vốn nổi tiếng với những vụ án chính trị, bước vào nhà tù lần thứ hai.

Báo chí chính thống của nhà nước đồng loạt đưa tin này.

Luật sư Lê Công Định, người từng là tù nhân chính trị nhận xét:
Trong tất cả bản tin được báo lề phải đưa về vụ bắt giam và khởi tố anh Nguyễn Văn Đài hôm nay, đều có đoạn: "Bản thân Nguyễn Văn Đài đã nhận 60.000 USD của các Tổ chức “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”, “Họp mặt dân chủ”, “Ủy ban cứu trợ thuyền nhân Việt Nam” ở Mỹ."
Mục đích của lối đưa tin như vậy là nhằm định hướng dư luận (ngây thơ) rằng anh Đài đã câu kết và dùng tiền của "nước ngoài" để chống phá nhà nước.
Về phương diện pháp lý, việc nhận tiền như vậy (nếu có) hoàn toàn không vi phạm pháp luật Việt Nam hiện hành. Hành vi nhận tiền duy nhất bất hợp pháp và bị xem là tội phạm hình sự theo luật định, chính là tham nhũng.

Người Buôn Gió - Dê tế thần Nguyễn Viết Dũng, Nguyễn Văn Đài

Cùng một lúc với khai mạc hội nghị trung ương thứ 13, hội nghị quan trọng để sắp xếp nhân sự chủ chốt cho bộ chính trị ĐCSVN khoá 12 của 5 năm tới. Nguyễn Viết Dũng một thanh niên trẻ bị toà án mang ra xét xử.


 Với một tội danh rất thiếu chứng cứ, Nguyễn Viết Dũng bị kết án 15 tháng tù vì tội gây rối trật tự công cộng. Một bản án oan uổng, nếu thực sự là có tội đi chăng nữa, cùng lắm Nguyễn Viết Dũng chỉ bị phạt hành chính nhắc nhở. Rất nhiều người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội đã từng bị giam giữ trong ngày và nhận một biên bản cảnh cáo xử phạt hành chính như vậy.

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Hoa Kỳ nhìn từ bên trong - Vì khủng bố từ bên trong...

“Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài” là một mục định kỳ từ 10 năm nay để “giải ảo” về những điều tưởng như là biết về nước Mỹ. Hoa Kỳ là một xã hội phức tạp hơn những gì chúng ta thường nghĩ, dù tưởng rằng đã có kinh nghiệm về nước Mỹ tại Việt Nam rồi của người Việt tại Mỹ. Vì quá phức tạp nên mình vẫn nên nghĩ rằng mới chỉ nhìn từ... bên ngoài dù đã sống ở bên trong!

Đánh dấu 10 năm viết về nước Mỹ, kỳ này, người viết xin nhìn ngược từ trong ra ngoài. Chỉ vì nạn khủng bố...

Sau hai vụ khủng bố liên tiếp, tại Paris và San Bernardino, người dân Mỹ đã lại có thói quen hốt hoảng. Và theo truyền thống, các chính trị gia khai thác sự hốt hoảng ấy và gây thêm nhiễu âm lẫn ảo giác cho một vấn đề khó có giải pháp toàn hảo.