Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015
Lê Phan - Đừng sợ
Hôm Thứ Năm vừa qua, Hạ Viện Hoa Kỳ, trong một cuộc
bỏ phiếu với đa số áp đảo đã áp đặt một tiêu chuẩn khắt khe, và có lẽ rất khó
thực thi, cho những thủ tục thanh lọc mới cho dân tỵ nạn đến từ Syria muốn xin
định cư ở Hoa Kỳ, lợi dụng sự lo sợ đã phát sinh từ cuộc tấn công vào Paris hôm
Thứ Sáu, 13 tháng 11.
Dự luật được Hạ Viện thông qua với
289 chống 137, với 50 dân biểu Dân Chủ ủng hộ, đòi hỏi là giám đốc của Cơ Quan
Điều Tra Liên Bang FBI, bộ trưởng Bộ Nội An và giám đốc Cơ Quan Tình Báo Quốc
Gia xác nhận là một ứng viên từ Syria và Iraq không là một đe dọa cho Hoa Kỳ.
Không những biện pháp này vô lý và không thực hiện được, nó đi ngược lại thực
tế, mà tất cả đều phát xuất từ một sự sợ hãi mà các chính trị gia muốn lợi dụng
cho mục tiêu của bản thân mình.
Từ bên kia bờ Đại Tây Dương, Tổng
Thống Barack Obama tức giận chỉ trích việc đóng cửa đối với các di dân Syria,
nói hành động đó sẽ là phản bội các giá trị của Hoa Kỳ. Người tỵ nạn, ông nói,
không phải là khủng bố. Tuyên bố ở Hội Nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ vài ngày sau cuộc
tấn công vào Paris vốn đã sát hại 129 người vô tội và làm bị thương thêm 350
người, ông thêm “Những người bỏ trốn khỏi Syria là những người đã bị thiệt hại
bởi khủng bố, họ là những kẻ thiệt thòi nhất vì hậu quả của nội chiến.” Và ông
năn nỉ chúng ta “đừng đóng cửa trái tim cho những nạn nhân của bạo động như
vậy.” Mỉa mai với những chính trị gia trong nước đã muốn chỉ chọn những người
tỵ nạn theo Ki-tô giáo, ông bảo: “Điều đó không phải là Hoa kỳ. Đó không phải là
chúng ta. Chúng ta không đặt tiêu chuẩn tôn giáo cho lòng nhân đạo của chúng
ta.”
Nhưng so với các vị dân cử hay các
vị thống đốc đã quyết định đóng cửa tiểu bang mình không nhận di dân, các vị
ứng cử viên Cộng Hòa còn trắng trợn hơn trong việc lợi dụng cuộc tấn công khủng
bố ở Paris cho mục đích chính trị của mình. Ông Donald Trump đề nghị các cơ
quan chống khủng bố liên bang tính chuyện đóng cửa một số đền thờ Hồi Giáo nếu
có bằng cớ “thù hận tuyệt đối” Tây phương được tìm thấy. Ông Ben Carson yêu cầu
ra luật cắt tài trợ cho việc tái định cư cho dân tỵ nạn từ Syria. Ông Rand Paul
đưa ra luật ở thượng viện để chặn việc cấp visa cho nhưng dân tỵ nạn bỏ chạy sự
đe dọa của Islamic State. Ông Marco Rubio nói Hoa Kỳ không thể chấp nhận bất cứ
một người tỵ nạn Syria nào bởi vì không có cách nào “thanh lọc” hay “kiểm soát
lý lịch” của những kẻ có tiềm năng là khủng bố. Hai ông Jeb Bush và Ted Cruz đề
nghị chỉ chọn các người Syria theo Ki-tô giáo, bởi như ông Cruz giải thích,
không có “nguy cơ là người Ki-tô giáo có những hành động khủng bố.” Tạp chí The
Economist, tường thuật điều này, đã mỉa mai hỏi không hiểu nạn nhân của vụ bắn
người ở một nhà thờ ở Charleston, South Carolina nghĩ sao về lời tuyên bố này
của ông Cruz!
Mà tất cả chỉ vì tin tức báo chí cho
biết là bên cạnh một trong những tay khủng bố, cảnh sát Pháp tìm thấy được một
passport Syria. Các cơ quan tình báo và cảnh sát Pháp sau đó đã khám phá ra
passport đó là của một quân nhân của quân đội chính phủ Syria đã thiệt mạng
trong cuộc chiến chống lại ít nhất lần đó là lực lượng của Islamic State và đã
được đám khủng bố lượm lấy để làm giả giấy tờ.
Trong khi đó nếu ta xét đến những kẻ
đã thực hiện cuộc tấn công vào Paris hôm Thứ Sáu, 13 tháng 11 thì điều rõ ràng
là họ không cần phải làm thông hành giả cũng không phải xin tỵ nạn bởi họ đã là
công dân của Liên Hiệp Âu Châu. Abdel Hamid Abaa Oud, được coi là kẻ chủ mưu,
đã chết trong cuộc chạm súng với các lực lượng an ninh ở St. Denis, là một công
dân Bỉ. Abaa Oud có quyền sống ở Âu châu. Salah Abdeslam, 26 tuổi, hiện đang bị
cảnh sát Pháp truy nã, là công dân Pháp. Brahim Abdeslam, anh của Salah, 31
tuổi, đã nổ bom tự sát ở gần một quán cà phê ở Boulevard Voltaire là công dân
Pháp. Omar Ismail Mostefai, 29 tuổi, công dân Pháp, chết trong cuộc tấn công
vào Nhà hát Bataclan. Chào đời ở khu ngoại ô Courcouronnes của Paris, Mostefai
sau đó đã về sống ở Chartres, một thành phố cổ kính ở không xa Paris, và chết
bên ngoài Stade de France. Samir Amimour, 28 tuổi, công dân Pháp, sống ở khu
ngoại ô Drancy ở đông bắc Paris. Bilal Hadfi, 20 tuổi, công dân Pháp.
Trong số những người mà cảnh sát đã
nhận diện được cho đến nay chỉ có mỗi Ahmad al-Mohammad, người đã nổ bom tự sát
ở Sân vận động Stade de France là có thể đến từ Syria vì đã có một passport
Syria mang cái tên này, cho thấy đó là một người đàn ông 25 tuổi đến từ thành
phố Idlib của Syria. Nhưng nhà chức trách cho đây là thông hành giả. Tại sao ư?
Họ đã tìm thấy một người di dân khác mang cùng một passport với tên tuổi như
vậy nhưng hình ảnh khác, cho thấy là cả hai đều mua thông hành giả này từ một
nguồn. Vả lại, một nhân viên an ninh ẩn danh ở Âu Châu đã đặt câu hỏi “Có tên
khủng bố nào lại đi tấn công mang áo bom trong người mà còn nhớ mang theo
passport để cho cảnh sát dễ nhận diện, đỡ mất công như vậy?”
Cũng vậy, hai anh em Kouachi vốn đã
tổ chức cuộc tấn công khủng bố vào tạp chí trào phúng Charlie Hebdo, đều là
công dân Pháp, đã lớn lên ở Gennevilliers, một khu ngoại ô nữa của Paris.
Trước đó, những kẻ tổ chức cuộc tấn
công 7 tháng 7 ở Luân Đôn tất cả đều là dân Anh. Mohammad Sidique Khan, 30
tuổi, phụ giáo ở một trường tiểu học, công dân Anh. Shehzad Tanweer, 22 tuổi,
sống bằng nghề bán fish&chip, sinh ra ở Anh. Germaine Lindsay, 19 tuổi,
chào đời ở Anh, cải đạo theo Hồi Giáo. Hasib Hussain, trẻ nhất, sinh ra ở thành
phố Leeds. Ba trong số những kẻ bỏ bom này đều sinh ra ở Anh con cái của những
di dân Pakistan còn Lindsay sinh ra ở Jamaica và nếu theo tiêu chuẩn của các vị
dân cử Hạ Viện thì sẽ được nhập cư vì theo Ki-tô giáo.
Vả lại theo các chuyên gia, nếu những
người của ISIS muốn tổ chức tấn công khủng bố Hoa Kỳ thì họ không đời nào đi
theo “diện” xin tỵ nạn chính trị bởi thủ tục từ một đến hai năm mới qua thanh
lọc thì còn làm sao thực hiện được kịp thời công tác khủng bố. Tốt hơn hết họ
chọn con đường của những kẻ khủng bố 9/11, vào Hoa Kỳ với chiếu khán du khách
dễ hơn nhiều mà lại có thể chọn thời điểm nữa.
Phản ứng của các vị thống đốc, các
vị dân biểu và các ứng cử viên tổng thống có tính cơ hội nhưng thực ra hết sức
vô lý. Họ coi tấn thảm kịch ở Paris là một cơ hội để chứng tỏ họ là những người
thận trọng và bảo vệ các công dân của mình trong khi bất kể sự thật là kể từ
thập niên 1980's không một người tỵ nạn nào, đã đi qua chương trình tái định cư
dân tỵ nạn, đã có một hành động khủng bố nào ở Hoa Kỳ. Hai anh em đã bỏ bom ở
Boston không phải là ngoại lệ vì họ không nằm trong chương trình tái định cư
dân tỵ nạn, họ đến Hoa Kỳ với tư cách xin tỵ nạn chính trị. Thực ra họ đã “bảo
vệ” các công dân Hoa Kỳ cho một cái đe dọa hầu như không có. Như đã nói ở trên,
có thiếu gì cách vào Hoa Kỳ dễ dàng hơn như visa du lịch hay du học sinh, như
những kẻ tấn công ngày 9/11 đã làm. Đồng thời họ đang gửi những tín hiệu thù
nghịch đến tất cả những người Hồi Giáo ở Trung Đông vào lúc mà Hoa Kỳ và thế
giới cần cảm tình của những người Hồi Giáo không theo ISIS hơn bao giờ hết để
chống lại ISIS.
Có lẽ đã đến lúc các chính trị gia,
các vị thống đốc, các vị dân cử và tất cả những ai đã đòi cấm cửa người tỵ nạn
Syria vào Hoa Kỳ, đòi đóng cửa các đền thờ Hồi Giáo, đòi chỉ nhận người Ki-tô
giáo hãy đọc bức thư sau đây của ông Antoine Leiris, một người Pháp mới mất vợ
trong cuộc tấn công khủng bố vào Paris. Ông viết trên Facebook bức thư mà chúng
tôi xin tạm dịch như sau: “Tối hôm Thứ Sáu, các anh đã lấy đi một cuộc sống phi
thường, tình yêu của đời tôi, mẹ của con tôi- nhưng các anh sẽ không có được sự
thù hận của tôi. Tôi không biết các anh là ai và tôi không muốn biết các anh,
các anh là những linh hồn chết. Nếu Thượng Đế này, mà các anh nhân danh để giết
một cách điên cuồng, đã dựng chúng tôi theo hình ảnh của người, mỗi viên đạn
trong thi thể vợ tôi sẽ là một viên đạn nữa gây thương tổn cho trái tim của
Người. Thành ra, không, tôi không ban cho các anh cái món quà của sự thù hận
của tôi. Các anh muốn đòi nó, nhưng trả lời cho hận thù với tức giận là nạn
nhân của cùng một sự ngu dốt đã khiến các anh là các anh. Các anh muốn tôi sợ,
muốn tôi nhìn các đồng bào của tôi với sự thiếu tin cậy, hy sinh tự do của tôi
cho an ninh của tôi. Các anh đã thua. Tôi thấy nàng sáng hôm nay. Sau cùng, sau
những đêm ngày chờ đợi. Nàng vẫn đẹp như khi nàng ra đi vào tối hôm Thứ Sáu,
đẹp như khi tôi đã yêu nàng say mê cách đây 12 năm. Dĩ nhiên tôi đang đau đớn
vô cùng, tôi cho các anh chiến thắng nhỏ nhoi đó, nhưng cái đau đớn sẽ ngắn
hạn. Tôi biết là nàng sẽ ở với chúng tôi mỗi ngày và rằng chúng tôi rồi sẽ lại
tìm thấy nhau trong thiên đường của tình yêu tự do mà các anh sẽ không bao giờ
đến được. Chúng tôi chỉ có hai người, con tôi và tôi, nhưng chúng tôi mạnh hơn
tất cả các quân đội trên thế giới này. Tôi không còn thời giờ cho các anh nữa,
tôi phải ra với Melvil vừa mới thức giấc. Nó mới chưa đầy 17 tháng. Nó sẽ ăn
cơm như thường lệ và rồi chúng tôi sẽ chơi như thường lệ, và trong suốt đời của
nó, thằng bé này sẽ đe dọa các anh chỉ vì nó hạnh phúc và tự do. Bởi vì không,
các ông cũng không có được sự hận thù của nó nữa.”
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét