Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015
Đặng Thơ Thơ - Điếu văn Da Màu: Chúc Anh Phùng Đi Bình An
Phùng Nguyễn - tranh Nguyễn Trọng Khôi
Anh Phùng và tôi làm bạn với
nhau từ Văn Học, sang Hợp Lưu, rồi đến năm 2006 tôi rủ anh cùng làm Da Màu với
tôi và Đỗlê Anhđào. Buổi họp của ba anh em chúng tôi,ba sáng lập viên Da
Màu ở quán café Java trong Five-Point Plaza ở Huntington Beach. Một mùa hè rất
nóng, một buổi chiều rất gió, chúng tôi ngồi ngoài cửa quán, bàn chuyện, đặt
tên Da Màu cho website. Chính buổi họp đầu anh Phùng đưa ra tiêu chí Văn Chương
Không Biên Giới cho Da Màu. Anh đã đề nghị quy chế làm việc dân chủ cho Da Màu,
các biên tập viên luân phiên làm chủ bút, mọi quyết định và hoạt động dựa trên
bàn luận và biểu quyết tập thể. Chúng tôi đồng ý chọn ngày 6 tháng 8, tức chủ
nhật đầu tiên trong tháng, để ra mắt Da Màu. Sau đó từng ngày chúng tôi
bàn về chủ trương, đường lối, mục tiêu của Da Màu, từng ngày chúng tôi làm việc
chuẩn bị cho số ra mắt vào đầu tháng. Với tạp chí Da Màu, anh Phùng
là người tạo dựng chính. Không có anh Phùng thì không có Da Màu như chúng ta
thấy ngày hôm nay. Anh đã thiết kế, cho nó một hiện diện cụ thể, xác thực, cho
nó màu sắc, vóc dáng, hình thể. Anh đã xây một ngôi nhà, để sau đó những thành
viên khác lần lượt tham gia. Để qua nhiều năm tháng tất cả chúng tôi cùng làm
việc, để Da Màu trở thành một gia đình thân thiết. Và luôn luôn anh Phùng
là người anh lớn trong gia đình, là rường cột của ngôi nhà Da Màu. Trong những
quyết định, những dự án, những chuyên đề cho Da Màu, chúng tôi cần tiếng nói
của anh Phùng, cần ý kiến sáng suốt, sự từng trải, quảng bác, tính hào sảng, và
viễn kiến của anh. Mất anh Phùng là một mất mát lớn, lớn lắm, cho chúng tôi.
Đó là một trong những điều anh đã
làm cho công cuộc chung của văn học Hải Ngoại. Với riêng tôi, anh Phùng là một
nhân tố chính đưa tôi vào con đường của ngày hôm nay. Có hai hoạt động có thể
được coi là quan trọng trong sinh hoạt văn học của tôi, thì cả hai hoạt
động ấy đều bắt nguồn từ anh Phùng. Thứ nhất là việc tham gia vào BBT Hợp Lưu
năm 2002 theo lời mời của anh Phùng, và thứ hai là làm chủ biên Da Màu nhiệm kỳ
đầu tiên 2006-2008, cũng là do anh Phùng “bắt” tôi phải làm. Vào buổi họp đầu
tiên ở cafe Java của ba sáng lập viên, khi cả AĐ và anh Phùng đề nghị tôi vào
cương vị chủ biên, tôi đã từ chối, lo lắng vô cùng, tự thấy mình không có cả
kinh nghiệm, lẫn tài năng để đảm nhận công việc này. Lúc đó, tôi là một người
thiếu tự tin, rụt rè, không đủ bản lãnh để làm chủ biên chút nào, thật
tình là vậy.Tôi đã từ chối, khăng khăng, nhưng cuối cùng cũng không thoát
khỏi số phận, vì không làm sao cãi lại nổi với một người Quảng Nam. Điều khiến
tôi nhận lời, chính là vì kỳ vọng của anh Phùng và AD. Trong những năm sau đó,
tôi “lớn” dần lên. Tôi học hỏi được từ chính công việc tôi làm. Cái tôi
của ngày hôm nay là do một quá trình từ một mùa hè năm 2006, khi anh
Phùng tìm hết cách để thuyết phục tôi rằng “Anh tin chắc TT sẽ làm được.” Bây
giờ nhìn lại 9 năm về trước, tôi thấy mình đã đi một chặng đường thật dài, mà
chặng đường ấy đã bắt đầu từ một cú đẩy của anh Phùng, một cú đẩy tôi văng ra
khỏi vùng an toàn của bản thân mình, buộc tôi phải nỗ lực đi tới, vận dụng tất
cả những gì còn tiềm ẩn, để khai phá, để tăng tiến bản thân. Tôi luôn biết ơn
anh Phùng về điều này, về lòng tin anh ấy dành cho tôi, về gặp gỡ và tình bạn,
tình anh em của chúng tôi.
Anh Phùng để lại một dấu ấn không
thể nào phai mờ. Cũng không ai thay thế được. Bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu
kỷ niệm, chồng chất như “Tháp Ký Ức” của anh.
Tối qua tôi đọc lại truyện
ngắn đầu tay đó của anh. Câu hỏi “Phải chăng hy vọng chỉ hướng về tưong
lai?” chưa bao giờ đập mạnh đến như vậy. Bởi vì, như anh Phùng viết, “nếu
phải thì buồn quá”, bởi vì sẽ chẳng còn chút hy vọng nào mở ra cho ký ức, những
ký ức thân yêu dành cho nhau, những ký ức chung với nhau. Không còn anh
Phùng nữa để tôi kiểm tra lại những ký ức thiếu hụt do thời gian chồng chất và
do sự suy tàn của trí nhớ. Không còn dịp để gọi và hỏi anh Phùng ơi, anh Phùng
hỡi, anh Phùng có nhớ điều này điều kia, vv…. Việc trở thành người duy nhất còn
lại để lưu giữ ký ức khiến tôi lo sợ. Vì cho đến khi anh Phùng mất, lần đầu
tiên tôi ý thức được việc mất mát một chỗ dựa tinh thần là kinh khiếp như thế
nào. Sự sợ hãi khiến con người cảm thấy mình thật bé nhỏ bên cạnh những tòa
tháp ký ức khổng lồ.
Khó lòng mà nói đầy đủ về một con
người với tầm vóc của họ mà không nhắc đến cảm giác mất mát của chính
mình, tuy điều này có vẻ ích kỷ, dù là trong nỗi thương tiếc một nhân cách, một
tài năng, một thâm tình. Thì thôi, dẫu vô cùng tiếc nuối, tôi mong anh Phùng đi
bình an, thảnh thơi, như trong bài thơ “If Then Else” của anh khi chúng ta ở
năm thứ nhất của Da Màu, Mong anh đi với hành trang nhẹ nhàng. Những gì
anh đang làm, còn dự định làm, cho cuộc đời này, bạn bè của anh, những anh em
trong gia đình Da Màu của anh sẽ tiếp tục thay anh.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét