Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015
Thanh Trúc/RFA - Chương trình Việt Ngữ đầu tiên tại trường trung học vùng đông bắc Hoa Kỳ
![]() |
Giáo viên Yến Weiner, người trực tiếp đảm nhận lớp Việt Ngữ
đầu tiên tại trung học Falls Church. - RFA PHOTO
|
Tiểu bang Virginia miền Đông Bắc Hoa
Kỳ có đông người Việt cư ngụ, có trung tâm thương mại EDEN của người Việt, có
một số trường Việt Ngữ mở ra đều đặn mỗi mùa hè, nhưng lại chưa có một chương
trình giảng dạy tiếng Việt chính thức góp mặt trong các trường học giòng chính
dù như Việt Ngữ là một trong số 11 ngôn ngữ tại khu vực đa văn hóa này.
Kết
quả vận động nhiều năm
Hôm thứ Tư 9 tháng Chín vừa qua, lần
đầu tiên một trường học trong vùng đưa tiếng Việt vào học trình 2015-2016, đó
là trường trung học Falls Church thuộc thành phố Falls Church, quận Fairfax,
tiểu bang Virginia.
Đây là kết quả vận động bao năm nhằm
thúc đẩy các ủy viên giáo dục quận Faifax chuẩn nhận chương trình dạy tiếng
Việt cho học sinh trung học, một sự cố gắng bền bỉ từ các đoàn thể Mỹ gốc Việt
trong đó phải kể đến Hội Tiếng Nói Người Mỹ Gốc Việt Voice Of Vietnamese
Americans từ năm 2010.
Chính vì thế, hôm thứ Ba 6 tháng
Mười 2015, tức gần một tháng sau ngày khai giảng, một buổi lễ chào mừng Chương
Trình Tiếng Việt Đầu Tiên Trong Giáo Trình Quận Fairfax đã diễn ra tại trung
học Falls Church với sự tham dự của các viên chức hành chánh cũng như giáo dục
quận Faifax, bên cạnh Cộng Đồng Việt Nam vùng thủ đô, Nhà Việt Nam vùng Hoa
Thịnh Đốn, Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt Tại Hoa Kỳ, Nhóm Từ Thiện Tình Thương
Virginia, Trường Việt Ngữ Thăng Long, Trường Việt Ngữ Saint Michael, Hội Giáo
Dục Trẻ Em Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn, Hội Các Bà Mẹ Việt Nam, tổ chức văn hóa
Viet Toon, Hội Tiếng Nói Người Mỹ Gốc Việt.
"Cháu rất thích học môn lịch sử và ngoại giao,
cháu sẽ theo học hết môn này khi cháu lên đại học. Cháu muốn qua làm việc ở
Việt Nam để có thể giúp đỡ các bạn trẻ Việt Nam. Họ sẽ thay đổi nước Việt Nam
tốt đẹp hơn.”
Đó là lời phát biểu của một nam sinh
trong lớp tiếng Việt đầu tiên tại trung học Falls Church.
Đối với bà Sandy Evans, ủy viên giáo
dục quận Faifax, đây là một sự kiện quan trọng và được chờ đợi, phù hợp với
đường hướng giáo dục của khu vực đa văn hóa Fairfax:
“Nói được hai hoặc 3 ngôn ngữ là
điều rất cần thiết đối với học sinh, nhất là bây giờ thêm tiếng Việt, một trong
số 11 ngôn ngữ đang có ở Faifax, lại càng khiến cho chương trình học phong phú
hơn. Học viết học đọc tiếng Việt không chỉ cần thiết đối với học sinh người
Việt mà tiếng Việt là ngôn ngữ chính trong gia đình, nó còn là một lợi ích đối
với những học sinh không phải người Việt nhưng muốn học vì muốn mở rộng kiến
thức đối với một ngôn ngữ mà các em nghe biết được từ những người bạn Việt Nam
của mình.
Đây là chương trình Việt Ngữ đầu
tiên với một lớp tiếng Việt đầu tiên ở trung học Falls Church niên học này.
Trong năm học tới có thể hai hay ba lớp nữa với nhiều giờ học hơn không biết
chừng. Lớp Việt Ngữ ở trung học Falls Church chỉ là bước khởi đầu, chúng tôi
muốn bảo đảm phải có nhiều học sinh theo học, bảo đảm kết quả tốt đẹp của nó
trước khi tính tới việc mở rộng qua các trường khác.”
Tại buổi lễ, Bà Bulova, quận trưởng
quận Faifax, nói rằng bà hân hoan chào mừng chương trình Việt Ngữ tại trung học
đa văn hóa Falls Church vì đó là một sự kiện rất ý nghĩa:
“Tổ tiên của tôi là người Đức và
người Ái Nhĩ Lan nhưng tôi không nói thạo hai ngôn ngữ đó, cha mẹ của tôi cũng
thế. Đáng buồn cho những di dân đến nước Mỹ, một môi trường tụ cư và đa chủng,
trong quá trình hội nhập vào giòng chính thì nhiều phần người ta đã quên đi gốc
gác và nguồn cội của mình, trong đó tiếng mẹ đẻ là điều vô cùng quan trọng. Tôi
vô cùng hân hoan và trân trọng chào mừng chương trình tiếng Việt sau cùng đã đi
vào giáo trình của học khu.”
Sự
cần thiết dạy tiếng Việt trong học khu Fairfax
Học sinh trường trung học Falls
Church thuộc thành phố Falls Church, quận Fairfax, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.
Photo courtesy of FCPS.
Diễn giả chính của buổi lễ, tiến sĩ
Nguyễn Lâm Kim Oanh, cựu ủy viên giáo dục thành phố Garden Grove Nam
California, hiện là giám đốc điều hành Chương Trình Ngôn Ngữ trong Bộ Giáo Dục
Hoa Kỳ, đã khiến mọi người lắng nghe bài nói chuyện xúc tích về việc cần thiết
phải có sự hiện diện của tiếng Việt trong giáo trình của học khu Fairfax, được
đánh giá là môi trường sắc tộc đa dạng, phong phú, có trình độ học vấn cao và
có truyền thống văn hóa lịch sử không ngừng phát triển.
Bạn trẻ Công Xuân Tùng, một trong
hai MCs của buổi tiếp tân, giải thích với Thanh Trúc nhờ đâu mà anh nói thạo
tiếng Việt, một lợi thế của anh trong công việc:
“Em làm về IT Professional, chuyên
viên về tư vấn cho IT và là giáo viên Việt Ngữ của Trường Việt Ngữ Thăng Long ở
Virginia. Rất hãnh diện và rất hạnh phúc vì cuối cùng hệ thống giáo dục giòng
chính công nhận cộng đồng người Việt chúng ta là một cộng đồng có tiếng nói,
chính vì vậy họ đã đưa tiếng Việt vô trong chương trình giảng dạy chính thức
như một World Language Program . Như đã thấy có 11 ngôn ngữ trong Fairfax
Public School, hệ thống trường công lập học khu Fairfax, mà bây giờ tiếng Việt
là ngôn ngữ ngang hàng với những ngôn ngữ họ đã dạy trong chương trình đó.
Khi mà các em lớn lên trong hoàn
cảnh thế giới hiện nay thì cần phải có những ngôn ngữ, những kiến thức về văn
hóa. Con em chúng ta lớn lên ai cũng nói tiếng Anh tiếng Mỹ rất giỏi, mình cũng
khuyến khích nó học thêm tiếng Pháp tiếng Spanish, như vậy tiếng Việt cũng là
cái có lợi cho các em trong vấn đề nghề nghiệp trong tương lai.”
Đó cũng là suy nghĩ của giáo viên
Yến Weiner, người trực tiếp đảm nhận lớp Việt Ngữ đầu tiên tại trung học Falls
Church:
“Đây là lần đầu tiên tôi dạy tiếng
Việt cho đối tượng là học sinh trung học. Tôi cũng đã từng dạy tiếng Việt cho
người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam như là giám đốc tiếp thị của công ty
Procter &Gamble hoặc những nhân viên của tổ chức Ngân Hàng Thế Giới World
Bank.”
Tốt nghiệp đại học Marymount,
Virginia, làm việc tại đại học Georgetowmn ở DC, đặc biệt cô Yến Weiner từng
dạy tiếng Việt ở trung tâm Global Laguage Network Mạng Lưới Ngôn Ngữ Toàn Cầu
đại học George Washington. Với kinh nghiệm dạy tiếng Việt nhiều năm:
“Mình dạy các em được một tháng rồi,
có hai lớp, mỗi lớp có 15 học sinh, tổng cộng 30 em học sinh. Ngoài học sinh
người Việt ra mình cũng có học sinh người Đại Hàn và người Philippines.”
Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài,
kể cả học sinh gốc Việt, không phải chuyện dễ dàng, dạy sao cho có kết quả lại
càng khó hơn vì ở trường Mỹ thì tiếng Việt chỉ là sinh ngữ phụ. Thử thách đến
từ nhiều phía, cô Yến Weiner giải thích tiếp:
“Những học sinh người Đại Hàn hay
Philippines không hề biết hoặc chưa hề nghe qua từ tiếng Việt nào hết. Họ chỉ
đơn thuần thích ăn phở của người Việt, thích ăn chả giò hay là thấy áo dài đẹp
quá. Cho nên các em này tò mò muốn biết và các em cũng có rất nhiều bạn là
người Việt Nam.
Ngoài ra, những em người Việt sống ở
đây từ nhỏ nhưng vì hoàn cảnh bố mẹ ly dị hoặc là không có người chăm sóc mà
nói bằng tiếng Việt cho nên các em hầu như hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ cội
nguồn của mình.”
Nhưng trên tất cả là niềm vui, sự cố
gắng và kết quả học tập sau một tháng mà cô có thể chia sẻ:
“Ngoài các em đấy ra thì cũng có
những học sinh từ nhỏ đã được bố mẹ cho học ở các trường tiếng Việt vào mùa hè.
Các em biết chào hỏi, chỉ có điều không biết đọc đúng dấu, cho nên mình cố gắng
giảng dạy làm sao mà những em mới bắt đầu học và những em đã học qua một tí rồi
đều có sự thích thú để tiếp tục học.
Có nhiều em hồi nhỏ đã được ông bà
kể cho nghe những câu chuyện vể Hai Bà Trưng, An Dương Vương, Vua Hùng hoặc là
Âu Cơ và Lạc Long Quân. Có nhiều em nói với tôi ngày từ đầu tới lớp là “cô ơi
con muốn học tiếng Việt, con muốn viết thật là lưu loát để mai này con về Việt
Nam con có thể làm nhà ngoại giao hay mở một cái business nào đó để giúp cho
quê hương mình.” Tôi rất vui và cảm động, nhưng bên cạnh đó thì cũng có một số
em ngày đầu tiên đi học nói với cô là “con không thích lớp này đâu, bố mẹ con
ép con học tiếng Việt nên con mới vô đây thôi, con đang suy nghĩ có nên chuyển
lớp hay không.”
Cần biết nếu muốn chuyển lớp thì qui
định là phải chuyển trước thời hạn một tháng. Vậy thì các em không thích học
tiếng Việt đó có xin chuyển đi không? Cô Yến Weiner:
“Sau một tháng giảng dạy, nói chuyện
với các em, làm cho các em hiểu mình người Việt thì phải biết tự hào về nguồn
gốc của mình thì người nước ngoài người ta kính trọng mình. Mình cũng cố dạy
bằng cách lồng vào những trò chơi, cho nghe nhạc, đọc truyện từ dần dà các em
thích thú hơn.
Một buổi dạy như vậy các em phải
ngồi trong lớp 1 tiếng 30 phút, mà theo các nghiên cứu khoa học thì trí não con
người chỉ có thể tiếp nhận được thông tin trong vòng 45 phút thôi, sau đó những
thông tin đến với mình đều bị đào thải hết, cho nên mình cũng cố gắng cho các
em chơi trò chơi, đứng lên, nói chuyện, đàm thoại... nên các em không cảm thấy
nhàm chán.”
Không thể mong con em mình nói được
tiếng Việt trong một sớm một chiều, chỉ có thể mong các em chịu học rồi từ đó
tỏ ra chú ý hơn đến những gì mà thầy cô, ông bà, cha mẹ đang bày tỏ với các em
bằng tiếng Việt.
Đó là một trong những ý chính được
tiến sĩ giáo dục Nguyễn Lâm Kim Oanh trình bày trong bài nói chuyện ở trung học
Falls Church hôm thứ Ba tuần trước. Đề cập đến sự phát triển của tiếng Việt
trong hệ thống giảng dạy ở Hoa Kỳ nói chung, tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh cho
biết đó là những học khu tiên phong ở Bắc và Nam California:
“Nói về tiếng Việt được đưa vào
trong hệ thống giáo dục giòng chính của Hoa Kỳ thì chúng ta nói ở cấp bậc
K-Twelve là từ tiểu học cho tới trung học. Đa số bắt đầu ở trung học dễ hơn,
thay vì môn học tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Spanish thì bây giờ có những nơi
có tiếng Việt, tiếng Mandarin và tiếng Korean.
Học khu đầu tiên có tiếng Việt là
Eastside Union High School District ở San Jose. Sau học khu Eastside Union
District thì tới học khu Westminster, trường trung học Westminster nằm trong
học khu Huntington Beach. Tiếp theo đó, cũng ở miền Nam California, là học khu
Garden Grove, các trường trung học có chương trình tiếng Việt.
Ngoài California, một số các trường
trên tiểu bang Washington cũng có không những ở cấp trung học mà có ở cấp tiểu
học nữa. Tiểu bang Texas cũng có một vài học khu có chương trình ở cấp tiểu
học.”
Sự phát triển của tiếng Việt ở cấp
đại học Mỹ ra sao, vẫn lời lời giám đốc Chương Trình Ngôn Ngữ Chiến Lược Bộ
Giáo Dục Hoa Kỳ, bà Nguyễn Lân Kim Oanh:
“Đại học thì có rất nhiều, tại vì
trong những trường đại học lớn họ phải có sự nghiên cứu và họ phải có những
chương trình toàn cầu, thì South East Asia Đông Nam Á hoặc Asia Study Nghiên
Cứu Châu Á thì thường một số trường có tiếng Việt.”
Câu chuyện Đời Sống Người Việt Khắp
Nơi, lớp Việt Ngữ đầu tiên tại một trường trung học vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, bên
cạnh những bước phát triển của tiếng Việt trong các đại học Mỹ. Thanh Trúc kính
chào và xin hẹn lại quí vị tối thứ Năm tuần tới.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét