Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Đỗ Quý Toàn - Tôn Thất Thiện, một Nhà Nho

Cố giáo sư Tôn Thất Thiện
Giáo sư Tôn Thất Thiện có phong thái của một Nhà Nho. Tôi nói “phong thái Nhà Nho” theo một hình ảnh mang sẵn trong đầu từ lúc lên ba, lên năm tuổi, khi được sống gần những nhà Nho. mà người đầu tiên là thầy tôi, tức thân phụ tôi. Các học trò của thầy, họ cũng đến nhà thầy để tập sống với phong thái nhà Nho. Nghĩ đến họ là tôi hình dung những người có cử chỉ, ngôn ngữ, dáng dấp, cho tới tánh tình, hành động theo một khuôn mẫu đã thành hình trong trí não tôi từ thuở nhỏ.

Khi gặp Giáo sư Tôn Thất Thiện trong một chuyến đi xa, tôi nhận ra ông rất giống một nhà Nho theo mẫu người mà tôi vẫn giữ trong đầu. Chuyến đi từ Montreal, Canada, xuống Washington D.C., thủ đô nước Mỹ, do một bạn trẻ là Nguyễn Văn Sơn đưa đi; là lần đầu tiên tôi gặp mặt Giáo sư Tôn Thất Thiện và cựu Dân biểu Nguyễn Hữu Chung, hai người nổi tiếng trong chính trường mà tôi chưa bao giờ gặp mặt. Lần đầu gặp gỡ, lại được đi chung xe gần 12 tiếng đồng hồ, tôi mới biết rõ về hai nhà chính trị mà mình vẫn đọc tên rất nhiều lần trên báo chí ở miền Nam trước năm 1975. Dân biểu Nguyễn Hữu Chung trạc cùng tuổi tôi, còn Giáo sư Tôn Thất Thiện nhiều tuổi hơn. Trong một thời kỳ lịch sử Việt Nam đầy biến động, sinh trước sau nhau 15, 16 năm là kể như thuộc vào một thế hệ khác; bởi vì Chung và tôi đều không được sống trong những biến cố như Chiến tranh Thứ Hai, Nhật đảo chánh Pháp, Cách mạng Tháng Tám, vân vân mà anh Tôn Thất Thiện đã trải qua. Mặt khác, chúng tôi cũng chia sẻ những kinh nghiệm sống ở miền Nam qua các biến cố chiến tranh, đảo chính, Tết Mậu Thân, hai chế độ Cộng Hòa ra đời rồi bị lật đổ, cho nên vẫn có thể coi là cùng chung một thế hệ. Cho nên Chung và tôi có thể gọi anh Tôn Thất Thiện là anh, trong khi Nguyễn Văn Sơn gọi anh là bác.

Anh Tôn Thất Thiện lại vốn là Hướng Đạo sinh từ thời 1940, cho nên tôi giữ thói quen trong Hướng Đạo, gọi các huynh trưởng hơn tuổi mình là anh, xưng em; sau đó gặp bà Tôn Thất Thiện, chị Lệ Vân, tôi cũng gọi là chị, xưng em. Nhưng cách xưng hô của anh thì khác. Có khi anh gọi Nguyễn Hữu Chung với tôi là “các cậu,” xưng “tôi.” Có lúc nói chuyện với Chung, khi nhắc lại những chuyện chính trị trước năm 1975, anh gọi Chung là “ông,” xưng tôi. Nói chuyện riêng với tôi, nhiều lần anh gọi tôi là “anh.” Có những bậc đàn anh tôi rất thân cũng xưng hô như vậy. Thí dụ anh Chu Tử, có thời chúng tôi gặp nhau gần như hàng ngày ở tuần báo Đời; tôi luôn xưng hô “anh, em” với anh, nhưng chính anh thì không bao giờ gọi tôi là em mà luôn luôn gọi tôi là “anh,” giống như gọi một người bạn của con  mình. Chỉ khi nói chung với nhiều người cộng tác trẻ tuổi, Chu Tử mới dùng chữ “các cậu.” Anh Tôn Thất Thiện cùng một thế hệ với anh Chu Tử, cả hai cùng được giáo dục theo truyền thống nhà Nho. Khổng Tử có nói, “Quân tử tố kỳ vị nhi hành.” Người quân tử theo vị trí của mình mà hành xử. Xưng hô là một thứ hành xử, thay đổi tùy theo vị trí, theo hoàn cảnh.

Cách xưng hô của các vị đàn anh Tôn Thất Thiện và Chu Tử khiến tôi nhớ đến thầy tôi, theo những lời mẹ tôi kể lại. Khi thầy còn sống, mẹ kể, thầy luôn luôn gọi các con đã lớn tuổi (ngày xưa, tức là từ 18, 20 tuổi trở lên) là “các anh, các chị.” Thầy không bao giờ gọi con cái là “mày,” không bao giờ xưng “tao” với các con hay với các học trò. Khi nói chuyện với các anh chị tôi, thầy cũng dùng những tiếng “dạ,” “vâng” giống như nói với người cùng tuổi, ngang hàng; nói chuyện với các môn sinh thầy cũng xưng hô như vậy.

Tôi còn thấy hình ảnh một Nhà Nho qua cách anh Tôn Thất Thiện cư xử với những người quen biết. Anh thường giữ một thái độ đầm ấm nhưng rất nhẹ nhàng, không quá suồng sã cũng không quá lạnh lùng. Tôi không biết anh có những người bạn “chí thân” nào, và anh đối đãi với họ ra sao. Nhưng qua những lần gặp anh cùng nhiều người khác, tôi thấy anh luôn giữ một phong cách theo lối nhà Nho, là “Quân tử chi giao đạm nhược thủy.” Cách giao du với bạn bè của người quân tử cũng đơn sơ, đạm bạc giống như nước lã, không nồng nàn như cà phê hay rượu, cũng không quá nóng như nước sôi! Người quân tử giữ đức trung dung, không thái quá, không bất cập.

Nguyễn Hữu Chung thân với anh Thiện hơn tôi, hai người thường đi câu cá với nhau, và có rất nhiều chuyện để nói với nhau, về các biến cố, các nhân vật chính trị trước năm 1975. Khi nghe các câu chuyện, các cuộc tranh biện giữa hai người, tôi thấy ngay sự khác  biệt giữa một trẻ một già, hơn nữa, giữa một người lớn tuổi đã sống trong nếp giáo dục Nho phong, và một người hoàn toàn theo lối “Tây học.” Nguyễn Hữu Chung rất sắc sảo, rất khôn ngoan. Trong cách suy nghĩ, cách nói, cách phê phán người và việc, Chung lúc nào cũng hăng hái, nồng nàn, quả quyết. Tôn Thất Thiện cũng thường hay bảo vệ những ý kiến của mình rất chắc chắn, không dễ dàng nhượng bộ, nhưng cách bầy tỏ của anh, từ giọng nói cho tới nét mặt, lúc nào cũng ôn hòa, vừa phải. Anh thường nói nhỏ nhẹ, không lớn tiếng, dùng lý luận, kinh nghiệm thực tế, hoặc các hiểu biết mình đã tích lũy để thuyết phục người đối thoại, chứ không bao giờ dùng đến những cử chỉ, giọng nói có vẻ áp đảo người khác. Đây là một điểm đặc biệt trong phong cách sống của nhà Nho, nhất là một người sống với nghề dậy học, công việc mà hầu hết các nhà Nho đều làm qua, những khi không ra “làm quan.”

Tôn Thất Thiện cũng là một nhà Nho theo nghĩa đó: “Tiến vi quan, đạt vi sư.” Tổ tiên tôi đã theo con đường đó nhiều đời: Cố học cho giỏi, học lấy “đạo lý thánh hiền” mà chủ yếu là để học “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Không đi học vì danh vọng hay lợi lộc. Nhưng vẫn phải cố đi thi cho đậu, thi đậu rồi chờ được “triều đình” (bây giờ gọi là nhà nước) bổ làm quan. Không thích làm quan thì ở nhà làm ruộng, nếu có ruộng, nhưng lúc nào cũng có một công việc sẵn sàng để làm, là dậy học. Tôn Thất Thiện đã đi học, ở Việt Nam rồi ra ngoại quốc; tính học nghề thầy thuốc, rồi chuyển sang kinh tế học. Việc chọn một ngành học hoàn toàn theo tiêu chuẩn xem mình học cái gì có thể giúp ích cho nhiều người nhất theo khả năng của mình. Thi đậu tú tài rồi vào đại học, anh đã sớm có dịp “làm quan” với vai trò thư ký riêng của Bộ trưởng Thanh niên Phan Anh trong chính phủ Trần Trọng Kim. Đời xưa, như vậy cũng có thể gọi là “ra làm quan” rồi, làm quan khi còn quá trẻ. Sau khi chiến tranh thứ hai chấm dứt, cuộc đổi đời cách mạng tháng Tám 1945, Tôn Thất Thiện lại được Tạ Quang Bửu, ông thày dậy Anh văn cũ và huynh trưởng trong Hướng đạo kéo vào làm việc với chính phủ Hồ Chí Minh. Chỉ khi nhìn thấy việc làm quan trong chính quyền cộng sản không thích hợp với lý tưởng của mình, Tôn Thất Thiện đành phải từ bỏ. Nhưng không thích hợp với lý tưởng nghĩa là gì? Nghĩa là Tôn Thất Thiện đã thấy cách sống, cách làm việc, mục tiêu chính trị của đảng cộng sản không thích hợp với lý tưởng của các nhà Nho. Họ không quan tâm đến “Nhân, Nghĩa,” là những giá trị căn bản của các nhà Nho. Họ bất chấp chữ Tín, họ có thể dùng bất cứ thủ đoạn gian trá nào, miễn đạt tới mục tiêu chính trị của họ.

Con người Nhà Nho của Tôn Thất Thiện có lẽ khiến anh làm việc dễ dàng với ông Ngô Đình Diệm hơn, vì chính ông Diệm cũng được giáo dục theo lối Nho giáo. Một điều đáng chú ý trong cuộc đời Tôn Thất Thiện là anh có mặt bên cạnh ông Diệm cho đến những phút cuối cùng, nhưng sau đó những người lãnh tụ cuộc đảo chính và các phe phái chống ông Diệm không ai “lên án” hay “buộc tội” anh. Ngược lại, chính các vị lãnh đạo của giáo hội Phật giáo Thống nhất đã mời anh đứng đầu một phân khoa mới của trường đại học Phật giáo đầu tiên.

Nhiều người có thể nói anh hợp tác được với cả cụ Ngô Đình Diệm và thầy Thích Minh Châu, vì cả ba đều xuất phát từ cùng một địa phương. Nhưng sau đó, có lúc Tôn Thất Thiện lại hợp tác với cả cụ Trần Văn Hương, một người lãnh đạo khối những người trí thức miền Nam không chấp nhận cộng sản. Với vai trò bộ trưởng thông tin, Tôn Thất Thiện đã bạo dạn xóa bỏ hệ thống kiểm duyệt, một cuộc thí nghiệm táo bạo trong một quốc gia đang lâm chiến và bên địch thì rất thành thạo trong công tác tuyên truyền xuyên tạc. Tôi còn nhớ thời đó anh Chu Tử đã viết những bài chỉ trích và chế nhạo các người cầm quyền, và anh thường sử dụng ngòi bút một cách “tàn bạo” khi chế riễu các nhà chính trị trong thời đó. Nhưng khi viết về Tôn Thất Thiện thì anh Chu Tử chỉ để lại một câu: “Tôn Thất Thiện kỵ tin thất thiệt,” một câu đùa cợt những không có ý xúc phạm. Khi không còn “làm quan” bộ trưởng thông tin nữa, Tôn Thất Thiện lại trở về với nghề dậy học, và một công việc không khác với nghề dậy học bao nhiêu, là làm báo. Từ thời Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà, các nhà báo nước ta đều nghĩ họ đang tham gia phong trào “khai dân trí,” một khẩu hiệu được Phan Châu Trinh đề xướng từ đầu thế kỷ 20.

Tôn Thất Thiện đã sống trong môi trường chính trị miền Nam Việt Nam từ 1956 đến 1975, trong một xã hội không những chứa chất mối xung đột “quốc – cộng” đổ máu mà ngay trong nội bộ phe “quốc gia” còn chia rẽ, xâu xé nhau vì lý do tôn giáo, địa phương, quân sự, dân sự, vân vân. Anh có thể sống giữa các mâu thuẫn đó, vượt qua được những tranh chấp, tị hiềm, sống bình thản theo châm ngôn “tiến vi quan, đạt vi sư,” bởi vì anh luôn luôn giữ được phong cách của một nhà Nho.

Ở nước ta đời xưa Nhà Nho là lớp người chuyên môn chỉ làm hai công việc, hoặc quản trị việc xã hội (quan) , hoặc lo giáo dục người dân chung quanh mình (sư). Tôn Thất Thiện không bị dính vào một nhãn hiệu chính trị nào, không thuộc phe phái nào, mà được mọi người thuộc các phe phái khác nhau kính nể. Có lẽ bởi vì ngay trong tư cách cá nhân của anh, trong cách xử lý công việc hàng ngày, trong ngôn ngữ, hành động, trong cả nếp sống của anh, anh đã biểu lộ được tư cách của một nhà Nho chỉ nghĩ đến trách nhiệm của mình, không mưu cầu tiền bạc, địa vị hay danh vọng. 

Tôn Thất Thiện là Nhà Nho cuối cùng mà tôi được gần gũi trong mấy chục năm ở thành phố Montreal, Canada. Đó là Nhà Nho cuối cùng tôi được nhìn thấy, ở một nửa vòng trái đất cách xa nước Việt Nam là nơi tôi đã được nhìn thấy những nhà Nho đầu tiên trong đời mình. Nếu xếp vào một chủng loại thì các nhà Nho cũng có thể là một chủng loại đang dần dần biến mất ở nước ta. Thật đáng tiếc. Vì ở các nước Á Đông khác, như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, người ta vẫn cố gắng đào tạo các Nhà Nho cho thời đại mới.

Đỗ Quý Toàn

Viết nhân ngày giỗ đầu, 2015