Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015
Hùng Tâm - Diệt trừ tham nhũng, những ai có thể góp phần?
Trong tháng này, có thể là nhân hội nghị kỳ 5 của Ban Chấp Hành Trung Ương Khóa 18, lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ thông báo hoàn tất đợt ba và là đợt cuối của chiến dịch diệt trừ tham nhũng do Chủ Tịch Giang Trạch Dân phát động từ gần ba năm qua. Nhân dịp này, chúng ta sẽ ngó vào hồ sơ tham nhũng, nhưng từ một giác độ khác.
Tham nhũng là hiện tượng đã có từ
thời cổ đại, nằm trong mạch giao tiếp giữa chính trị và kinh tế, là dùng đặc
quyền chính trị để tìm đặc lợi kinh tế bất chánh cho mình và cho thân tộc. Khi
nhớ đến câu thành ngữ “một người làm quan cả họ được nhờ,” hoặc một trong ba
tội bất hiếu là “bất vi lộc sĩ,” là không ra làm quan thì chẳng có bổng lộc cho
cha mẹ, người ta có thể nghĩ tham nhũng có nguyên nhân văn hóa. Vì nhiều xã hội
không chia sẻ nét văn hóa ấy vẫn bị nạn tham nhũng nên Hồ Sơ Người Việt sẽ nhân
chuyện Trung Quốc (và dĩ nhiên cả Việt Nam ngày nay) mà đào sâu hơn một chút
vào kinh nghiệm của các nước.
Kinh nghiệm Trung Quốc
Trong mấy năm qua, người ta thấy
bùng nổ hàng loạt vụ án tham nhũng tại rất nhiều quốc gia, nổi bật nhất vì kích
thước chính trị là tại Trung Quốc.
Trong mẻ lưới diệt trừ tham nhũng,
chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình đã vật con cọp lớn nhất và dữ
nhất là Chu Vĩnh Khang rồi cho lãnh án tù chung thân. Cho đến đại hội Khóa 18
vào cuối năm 2012, Chu Vĩnh Khang là nguyên ủy viên Thường Vụ Bộ Chính Trị - cơ
chế lãnh đạo cao cấp nhất gồm có chín người - và trưởng Ban Chính Pháp Trung
Ương đảng có nhiệm vụ chỉ đạo hai bộ Công An (nội vụ) và Quốc An (tình báo,
phản gián) và điều khiển mạng lưới tòa án trên toàn quốc. Trước đó, họ Chu cầm
đầu tập đoàn dầu khí CNPC, làm bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Quốc Thổ, bí thư tỉnh Tứ
Xuyên rồi ủy viên Ban Bí Thư Trung Ương đảng. Cùng Chu Vĩnh Khang, nhiều con
cọp tham nhũng trong hệ thống dầu khí cũng sa lưới và nổi bật hơn thế, hai phó
chủ tịch Trung Ương Quân Ủy Hội cũng bị bắt về tội tham nhũng là hai tướng Từ
Tài Hậu và Quách Bá Hùng. Ngoài ra có hơn 20 ngàn đảng viên cán bộ đã bị kỷ
luật và 66 doanh nghiệp nhà nước đang bị điều tra vì tội lũng đoạn thị trường
cổ phiếu vào Tháng Sáu vừa qua. Kể từ thời Mao Trạch Ðông tới nay, chưa khi nào
Trung Quốc có một đợt thanh lọc hàng ngũ đảng viên rộng lớn và lên đến cấp lãnh
đạo cao như vậy.
Nói về nguyên nhân của chiến dịch
thì khởi đi từ một nét văn hóa đặc thù Trung Hoa, là sự nối kết giữa nạn tham ô
với tay chân thân tộc của những kẻ có quyền, tham nhũng thường làm suy yếu
triều đình trung ương, tạo điều kiện phát triển các thế lực cát cứ địa phương
và dẫn tới sự sụp đổ của nhiều triều đại trong lịch sử xứ này. Lãnh đạo Bắc
Kinh ý thức được hiện tượng ấy và cần chấn chỉnh hệ thống cai trị để khôi phục
uy tín cho đảng, nhất là khi kinh tế có dấu hiệu sa sút.
Ðiều đáng chú ý là Trung Quốc có nhu
cầu cải cách để chuyển hướng phát triển và Tập Cận Bình cần tập trung lại quyền
lực như giành lại tay lái để thực hiện việc chuyển hướng ấy. Nỗ lực diệt trừ
tham nhũng có nội dung thanh lọc về đạo lý và thanh trừng về chính trị để góp
phần cải cách cơ chế kinh tế và chính trị. Nhưng chính là ảnh hưởng quá sâu
rộng của chiến dịch này mà bộ máy đảng viên cán bộ có thể bị tê liệt - ai ai
cũng có thể mắc tội nên người người đều sợ - khiến việc cải cách để chuyển
hướng lại bị đình hoãn ở dưới.
Kinh nghiệm cổ kim cho thấy một
nghịch lý - mà lãnh đạo Bắc Kinh đã nói ra - chính là khi chế độ muốn giải trừ
tham nhũng để cải cách bộ máy cai trị thì nó lại dễ sụp đổ. Bắc Kinh có thấy
kinh nghiệm đó tại Pháp: chế độ Quân Chủ của Vua Louis XVI muốn cải tổ mà gây
ra đà gia tốc cho sự phản kháng và tiêu vong. Thí dụ gần gũi hơn cho lãnh đạo
Bắc Kinh là Liên Bang Xô Viết thời Chủ Tịch Mikhail Gorbachev!
Kết luận ở đây là khi tham nhũng lan
rộng và lên tới cấp lãnh đạo thì việc diệt trừ tham nhũng lại càng làm chế độ
dễ sụp đổ. Với Trung Quốc, đây là một kinh nghiệm sinh tử và bài toán đáng sợ.
Kinh nghiệm quốc tế
Ra khỏi trường hợp Trung Quốc, người
ta có thể thấy một làn sóng diệt trừ tham nhũng tại nhiều quốc gia khác. Sau
đây là vài trường hợp tiêu biểu, nhưng không là duy nhất.
Cộng Hòa Brazil đang rung chuyển vì
tổ hợp dầu khí quốc doanh Petrobras bị điều tra về tham nhũng. Ðây là doanh
nghiệp mắc nợ nhiều nhất thế giới, có mạng lưới cấu kết ăn sâu vào doanh trường
và chính trường nên cuộc điều tra lan rộng tới mấy chục doanh gia và chính
khách, kể cả chủ tịch Thượng và Hạ Viện và đương kim Tổng Thống Dilma Roussef.
Với tỷ lệ ủng hộ sụt đến 9%, bà Roussef bị dân chúng biểu tình đòi truất phế vị
tội ăn hối lộ khi còn ngồi trong Hội Ðồng Quản Trị của Petrobras. Chính quyền
cánh tả luôn luôn đề cao ưu thế chủ đạo của hệ thống kinh tế nhà nước nhằm giảm
thiểu những thái quá của thị trường, nhưng kinh nghiệm Brazil cho thấy hệ thống
đó lại thường cấu kết và chia chác quyền lợi với lãnh đạo chính trị. Tham nhũng
là đấy. Và làn sóng diệt trừ tham nhũng có thể triệt tiêu luôn lý tưởng “xã hội
chủ nghĩa” của Dilma Roussef.
Trường hợp khác mà ta nên tìm hiểu
về kinh nghiệm là Ấn Ðộ. Xưa kia đảng Quốc Ðại thiên tả (Indian National
Congress - INC) bị tai tiếng về tội tham nhũng trong các lãnh vực kinh doanh
than đá, viễn thông, hỏa xa, xây cất, hàng không và cả kỹ nghệ quốc phòng. Nhờ
vậy mà đảng Bharatyia Janata (BJP) theo khuynh hướng trung hữu của đương kim
Thủ Tướng Narendra Modi thắng cử vẻ vang năm ngoái. Rồi đảng BJP cũng trôi vào
vùng tai tiếng về tham nhũng. Vụ “Lalitgate” thì liên quan đến Hiệp Hội Ðánh
Bóng Chày cricket, vụ Vyapam liên quan đến việc ăn tiền cho sinh viên vào những
trường tốt nhất, hay đưa người vào chỗ béo bở nhất trong bộ máy công quyền.
Những tai tiếng ấy khiến đảng BJP mới thất cử tại địa hạt Delhi vào tay đảng
giương cờ chống tham nhũng là Aam Aadmi Party. Rồi đảng AAP này cũng đã bị lãng
quên, và nạn tham nhũng hết còn khuynh hướng tả hữu mà thâm nhập vào từng tế
bào chính trị của xứ này. Diệt trừ tham nhũng quả là khó.
Người ta thường tưởng rằng nền văn
hóa Hồi Giáo có nét thanh liêm khắc khổ và một hệ thống chính trị đề cao giáo
lý của đạo Hồi thì có thể ít bị tham nhũng hơn. Kinh nghiệm của Cộng Hòa Thổ
Nhĩ Kỳ (Turkey) là một chứng minh ngược. Ông Recep Tayyip Erdoan là chính trị
gia bảo thủ, theo xu hướng phát huy giá trị của đạo Hồi làm sức mạnh chính trị,
đã đưa đảng Công Lý và Phát Triển (Justice and Development Party - AKP theo
tiếng Thổ) lên nắm chính quyền từ 2002. Sau hơn 10 năm làm thủ tướng, Erdoan đã
đắc cử tổng thống từ năm ngoái. Và đang bị điều tra về tội tham nhũng cùng
người con trai và nhiều chính khách đã từng là tổng trưởng trong Nội các
Erdogan ngày xưa. Không chỉ gặp khó khăn với vụ Liên Bang Nga bành trướng ảnh
hưởng vào Trung Ðông, xứ Turkey còn bị khủng hoảng vì Tổng Thống Erdoan đã có
tật chuyên quyền lại còn mắc tội tham nhũng. Hơn 10 năm sau khi hứa hẹn thanh
lọc nạn tham ô trong bộ máy công quyền, ngày nay Erdoan đang cố thủ trong thành
trì quyền lực và ban phát quyền lợi cho những kẻ trung kiên với mình, không mấy
khác Vladimir Putin tại Liên Bang Nga.
Giới quan sát quốc tế nghiệm thấy
một điều là khi sinh hoạt kinh tế có vẻ khởi sắc thì ít ai quan tâm đến nạn
tham nhũng. Nhưng khi kinh tế trôi vào đất trũng và bị suy trầm thì nhiều chứng
tật xã hội và chính trị của hệ thống cầm quyền dễ bị phơi bày và phản ứng của
người dân mới dẫn tới việc thay đổi chính quyền. Ít ra là thay đổi trong các
nước có nền dân chủ tối thiểu là có bầu cử. Như vậy, tiếp tay diệt trừ tham
nhũng cũng có thể dẫn tới cải thiện chính trị.
Câu hỏi kế tiếp là ai tiếp tay?
Tiếp tay diệt trừ tham nhũng
Cuối năm 2013, chính quyền của Tổng
Thống Viktor Yanukovych tại Ukraine bị dân phản đối vì hai chuyện.
Một là có chủ trương và hành động
quá gắn bó với Liên Bang Nga và gây bất lợi cho Ukraine. Ðiều ấy còn là một giả
định mơ hồ nằm trong hiệp ước hợp tác sẽ chỉ áp dụng sau này. Chuyện trước mắt
mà ai cũng thấy và thuộc về quá khứ đã được chứng thực là nếp sống quá xa hoa
và tật tiêu xài phung phí của Yanukovych. Cũng là một chính khách thuộc cánh tả
với chủ trương xây dựng công bằng xã hội, Yanukovych phơi bày bản chất hoang
phí và gian trá nên mới khiến người dân nổi giận. Họ đã biểu tình mấy tuần liền
trong tuyết giá mùa Ðông tại quảng trường Maidan. Họ kết tội lãnh đạo là tham
ô, rồi mới đến tội bán nước cho Nga.
Năm đó, nhu cầu diệt trừ tham nhũng
có thể còn là cục bộ tại Ukraine, nhưng lan rộng và kéo dài thành một vụ khủng
hoảng chính trị về quan hệ Ðông Tây - theo Nga hay theo Âu Châu - khiến chính
quyền Yanukovych bị lật đổ. Tham nhũng là nguyên nhân hay chỉ là chất xúc tác?
Và các nước Tây phương có tham gia diệt trừ tham nhũng tại Ukraine để ngăn chặn
ảnh hưởng của Putin hay không?
Câu hỏi này dẫn ta về dinh thự hào
nhoáng của các lãnh tụ Cộng Sản ở Hà Nội, hay những bãi đáp bạc tỷ của họ ở hải
ngoại, ngay tại Hoa Kỳ.
Nói về Hoa Kỳ, năm 1977, Mỹ có đạo
luật Chống Tham Nhũng tại Hải Ngoại (Foreign Corrupt Practices Act - FCPA),
theo đó doanh nghiệp Mỹ không được phép hối lộ quan chức xứ khác để giành lấy
hợp đồng kinh doanh. Doanh nghiệp của các nước độc tài thì có thể tự do tung
tiền mua chuộc, như trường hợp Trung Quốc, các công ty Hoa Kỳ thì không. Chính
vì vậy mà cùng với các cơ quan phát huy dân chủ hay bảo vệ nhân quyền, các
doanh nghiệp Mỹ cũng có thể tham gia diệt trừ tham nhũng tại xứ khác. Họ tham
gia vì không muốn bị cạnh tranh bất chính!
Các chính quyền của Úc, Nhật hay
nhiều nước dân chủ khác cũng đã từng tiếp tay vào việc diệt trừ tham nhũng nằm
ngay trong hệ thống viện trợ của họ cho các nước nghèo, như Việt Nam.
Kết luận ở đây là
gì?
Tham nhũng có thể là muôn hình vạn
trạng nhưng phát triển mạnh nhất là trong các nước độc tài. Người ta có thể mơ
ước là dân chủ sẽ giảm trừ được nạn tham nhũng. Nhưng chưa chắc. Thật ra giải
trừ tham nhũng mới là một bước quan trọng trong việc phá vỡ ách độc tài. Và
nhiều quốc gia hay cơ quan quốc tế khác có thể tiếp tay người dân tại các nước
tham ô làm chế độ phải thay đổi.