Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015
Anh Vũ/RFI - Trung Quốc: Tham vọng cho một tương lai siêu cường
![]() |
Trụ sở một ngân hàng thương mại Trung Quốc ở khu phố có Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh. |
Trong khi hầu hết các tờ báo chính ở Pháp ra hôm nay đều
tập trung vào các đề tài xã hội trong nước, thì nhật báo kinh tế Les Echos dành
sự chú ý đặc biệt đến Trung Quốc với sự kiện hôm nay 26/10/2015 khai mạc hội
nghị Ban chấp hành trung ương 5 khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc, một hội
nghị đặt trọng tâm các kế hoạch kinh tế quan trọng không chỉ liên quan đến
tương lai phát triển Trung Quốc mà còn cả với thế giới bên ngoài.
Tờ báo kinh tế chạy tựa lớn trang nhất : « Trung Quốc
đánh cuộc tương lai siêu cường » và nhận xét « Trung Quốc phác họa kế
hoạch 5 năm tới trong hoàn cảnh mạo hiểm ».
Les Echos nhận định : « Đúng vào thời điểm Trung Quốc
đang rơi vào giai đoạn khó khăn nhất của việc chuyển tiếp mô hình tăng trưởng,
mọi cặp mắt quan sát đều đổ dồn về Bắc Kinh trong tuần này, nơi diễn ra hội
nghị Trung ương năm khóa 18 ».
Trong 5 ngày làm việc, cơ quan đầu não của đảng Cộng sản
Trung Quốc, bên cạnh một số việc khác, sẽ phải đưa ra được đường hướng chính
phát triển kinh tế cho 5 năm tới từ năm 2016-2020, còn gọi là kế hoạch 5 năm
lần thứ 13.
Bình luận về sự kiện này, xã luận của Les Echos nhận thấy
mục tiêu của đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra trong hội nghị lần này mang «
hương vị Liên xô » đó là « hướng tới đỉnh cao ». Les Echos nhận định
lộ trình phát triển mới cho đất nước lần này có « tầm quan trọng nhất trong
lịch sử Trung Quốc cộng sản ».
Bài xã luận lý giải : « Quả thực, nếu kế hoạch này đạt
mục tiêu, sau năm 2020 Trung Quốc sẽ là cường quốc kinh tế và quân sự số một
thế giới, một vị thế mà Hoa Kỳ đã trấn giữ suốt từ năm 1890 trong lĩnh vực kinh
tế. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay hoàn toàn ý thức được sự khó khăn trên
con đường này. Thậm chí họ còn nhắc nhau rằng Liên Xô đã bị sụp đổ trước khi
kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ 13 ! Họ sẽ phải làm tất cả để đảng Cộng sản
tránh được số phận như người láng giềng cộng sản Liên Xô ».
Theo Les Echos, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 này,
Trung Quốc hoặc sẽ trở thành cường quốc số 1 thế giới hoặc sẽ có những biến
động lớn. Cả hai khả năng này đều dẫn đến « những hệ quả chiến lược đáng kể
».
Les Echo nhận thấy, thế giới sẽ có lợi khi Trung Quốc
theo đuổi con đường kinh tế không có hỗn loạn. Đất nước này đóng góp 32% tăng
trưởng toàn cầu và chiếm 30% lượng đầu tư trên thế giới. Vì thế số phận kinh tế
Trung Quốc giờ liên quan mật thiết đến kinh tế của toàn cầu. Tờ báo rút kết
luận châu Âu cũng « cần phải có một kế hoạch đối phó với Trung Quốc, đó là
một chiến lược đối mặt với một cường quốc hành xử theo kiểu có qua có lại dựa
trên sức mạnh mà họ có được ».
Giải quyết nhân sự
Les Echos dẫn báo Trung Quốc China Daily cho biết chiến
dịch chống tham nhũng cũng sẽ phủ bóng lớn xuống các cuộc thảo luận tại hội
nghị trung ương 5 lần này.
Theo China Daily, tại hội nghị trung ương, một vấn đề
quan trọng khác cũng được đưa ra, đó là thay thế một loạt cán bộ trung ương vừa
bị kỷ luật trong chiến dịch bài trừ tham nhũng do ông Tập Cận Bình phát động,
trong đó các quan chức cao cấp chủ yếu có dính dáng đến mạng lưới quyền lực cũ
của những nhân vật như Chu Vĩnh Khang hay Hồ Cẩm Đào ....
Vatican cởi mở hơn trong cái nhìn về vấn đề gia đình
Một thời sự khác được các báo Pháp chú ý nhiều đó là hội
nghị Thượng hội đồng Giám mục của Tòa thánh Vatican bàn về vấn đề gia đình vừa
kết thúc hôm 24/10.
Le Figaro đưa tin trên trang nhất « Thượng hội đồng Giám
mục bật đèn xanh cho cải cách của Giáo hội về vấn đề gia đình ». Sau ba tuần
họp bàn, các giám mục tham gia hội nghị đã thông qua một văn kiện trong đó nêu
lên những quan điểm của giáo hội Công giáo cởi mở hơn trên vấn đề gia đình và
hôn nhân, theo đó Giáo hội đã bắt đầu chấp nhận một cách thận trọng việc tái
hôn của các cặp vợ chồng ly dị trong cộng đồng Công giáo.
Với nhật báo La Croix thì hẳn đây phải là sự kiện quan
trọng. Trên bức ảnh lớn Giáo Hoàng Phanxicô tươi cười cầm tập báo cáo trong
ngày bế mạc Thượng hội đồng Giám mục hôm thứ Bảy, tờ báo chạy tựa lớn : «
Giáo hội mở ra cho tất cả các gia đình ». Tờ báo ghi nhận nét chính của báo
cáo mà Thượng hội đồng Giám mục trao cho Giáo Hoàng : Giáo hội Công giáo sẽ
dành sự quan tâm cho mọi hoàn cảnh gia đình, đặc biệt là các trường hợp ly dị
tái hôn, họ vẫn có thể được ban thánh thể. Đây là một chuyển biến quan trọng
của Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên La Croix ghi nhận đó là « Cuộc cách mạng
êm dịu », tựa của bài xã luận.
Tờ báo Công giáo nhận xét : « Báo cáo cuối cùng trao
cho Giáo Hoàng hôm thứ bảy vừa qua hoàn toàn không đặt lại vấn đề luận điểm của
Giáo hội về hôn nhân. Cho dù trong đó có nhắc đến việc hỗ trợ cho các cặp vợ
chồng ly dị tái hôn vẫn được hòa nhập trong sinh hoạt của cộng đồng Công giáo.
Nhưng với những người mong chờ Thượng hội đồng Giám mục làm một cuộc cách mạng
về vấn đề này hay về các vấn đề tránh thai, đồng tính luyến ái thì họ chỉ có
thế thất vọng ».
Theo tờ báo thì chính phát biểu của Giáo Hoàng tại hội
nghị cũng như thời gian gần đây trước công chúng đã một cách gián tiếp đề cập
đến những vấn đề nhạy cảm khi kêu gọi những người Công giáo cùng có một cái
nhìn đồng cảm và khoan dung với những hoàn cảnh khó khăn.
Xã luận La Croix kết luận : Như vậy là không cần thay đổi
luật lệ, chỉ cần đơn giản huy động những giá trị vốn có của Giáo hội thì
cũng có thể coi là cuộc cách mạng êm nhẹ trong Giáo hội. Đó là một trong những
điểm mạnh của Giáo Hoàng Phanxicô.
Khủng hoảng di dân : Châu Âu lại bất lực
Trở lại với le Figaro. Trang quốc tế của tờ báo tiếp tục
với chủ đề nóng của châu Âu là di dân với ghi nhận Liên hiệp châu Âu bất lực
trước người nhập cư ở các nước vùng Balkan.
Cuộc họp thượng đỉnh thu hẹp tại Bruxelles hôm qua bàn về
giải pháp cho khủng hoảng di dân cuối cùng không có được kết qủa cụ thể nào mà
chỉ làm dấy lên những ngờ vực giữa các nước bắc Âu với Hy Lạp cùng một số nước
xung quanh.
Tờ báo đưa con số 643.000 người nhập cư đã tràn vào Liên
hiệp châu Âu một cách bất hợp pháp từ đầu năm đến nay, 502.000 người đã đổ vào
Hy Lạp. Những người chạy tị nạn này, chủ yếu đến từ Syria, đều muốn tìm đường
đến Đức và Thụy Điển, hai nước sẵn sàng đón tiếp họ. Và từ khi cánh cửa biên
giới với Hungary bị khép lại, người nhập cư đổ dồn sang Slovenia. Hơn 60.000
người đã đến Slovenia trong tuần qua đang chờ đợi sang được Áo và Đức. Tóm lại
là tình hình ngày càng trở nên tồi tệ cho người nhập cư cũng như cho những nước
lưu dung tạm thời họ cũng như những nước đón nhận đoàn người khốn khổ chạy nạn.
Le Figaro kết luận : « Ngờ vực, bất đồng, mâu thuẫn
nhau, các nước châu Âu còn lâu mới làm chủ được tình hình ».
Ai Cập : Tập trung khai thác quá khứ cổ đại
Trang văn hóa báo Le Figaro dành dung lượng lớn cho Ai
Cập với những chương trình rộng lớn trong lĩnh vực khảo cổ, nhằm đem lại sức
hấp dẫn mới cho các di tích lịch sử vốn đã nổi tiếng của nước này.
Trong đó đáng chú ý là công trình hai bảo tàng lớn tại
Cairo sắp hoàn thành và chương trình nghiên cứu khu mộ của Nefertiti, nữ Hoàng
Ai cập và khám phá bên trong các kim tự tháp cổ đại.
Le Figaro ghi nhận « Ai Cập đặt tất cả vào di sản của
mình ».
107 kim tự tháp Ai Cập đã được xây cất thế
nào, trong đó có kim tự tháp Kheop nổi tiếng với chiều cao 146,59m? Bí ẩn của
4500 năm này vẫn luôn cuốn hút mọi người cho dù đã có không ít giả thuyết đưa
ra đến nay có vẻ rất khoa học. Chính quyền Ai Cập đang huy động các viện nghiên
cứu cùng với những thiết bị hiện đại nhất để triển khai một nghiên cứu lớn nhằm
làm sáng tỏ câu hỏi trên. Chương trình còn có sự tham gia của các chuyên gia
thuộc đại học của nhiều nước khác. Mục đích là bằng những phương tiện công nghệ
ngày nay cố gắng tìm ra những bí mật còn ẩn chứa bên trong các hầm mộ cổ của
các kim tự tháp, nghiên cứu các cấu trúc xây dựng của các công trình.