Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Phạm Lê Vương Các - “Em hãy rút hồ sơ và nghỉ học ở trường này đi”


Các bạn có tin đó là câu nói của một thầy Chủ nhiệm Khoa “khuyên” sinh viên của mình sau khi nhập học được 1 tuần không?

Còn đối với tôi câu nói này đã trở nên rất đỗi quen thuộc vì tôi đã được nghe nó nhiều lần khi học ở Đại học Luật TP.HCM. Và lần này tôi lại được nghe ở Trường Đại học Kinh Doanh & Công Nghệ Hà Nội – nơi tôi đang theo học chuyên ngành Luật kinh tế.

Nhưng khác với lần trước, lần này tôi nghe lại cụm từ “em hãy nghỉ học ở trường này đi” một cách hết sức thô thiển từ một người Thầy, buộc tôi phải viết lại những gì đã xảy ra vào buổi sáng ngày hôm qua.

Vào sáng ngày 1/9, tôi đến trường Đại học Kinh Doanh & Công Nghệ Hà Nội theo lời mời của một thầy mà tối qua bảo là “hướng dẫn tôi bổ túc hồ sơ”.

Khi đến nơi, người thầy này dẫn tôi đến phòng của thầy Chủ nhiệm khoa để làm việc. Khi vào phòng, Thầy đang ký giấy tờ cho một số người, tôi ngồi đợi một chút và quan sát trên bàn thấy một bản “Báo cáo” của Tổng Cục an ninh có đề tên Phạm Lê Vương Các được in đậm ngay trên tiêu đề.

Khi công việc ký tá đã xong, trong phòng chỉ còn lại tôi và hai người Thầy (một Thầy dẫn tôi đến, với một Thầy Chủ nhiệm Khoa), và câu chuyện giữa tôi và Thầy Chủ nhiệm Khoa bắt đầu.

Thầy hỏi: “Em có biết cô Y bên Cục An ninh không”? Tôi trả lời rằng biết vì tôi đã làm việc với cô Y mấy lần.

Rồi Thầy cho biết, bên Tổng Cục an ninh có báo cáo về trường hợp của tôi rồi Thầy nói thẳng thừng: “Em nên nghỉ học ở trường này đi, rút lại hồ sơ và kiếm trường khác mà học”.

Tôi choáng váng mặt mày, tim đập thình thịch, 2 hàm răng bắt đầu run lên và va vào nhau, lỗ tai bắt đầu nóng lên… Tôi im lặng nhìn đăm chiêu ra ngoài cánh cửa, phải mất 2 đến 3 phút sau tôi mới lấy lại bình tĩnh và hỏi: “Thầy cho em biết lý do?”

Thầy nói: “Trường này đào tạo đa ngành, nên đào tạo ngành Luật không tốt bằng mấy trường khác đào tạo chuyên về Luật. Em nên kiếm những trường chuyên về Luật, học ở đó thì sẽ tốt cho em hơn”.

Tôi thở dài... sau một lúc im lặng suy nghĩ tôi đã trả lời rằng: “Em sẽ không rút hồ sơ và sẽ tiếp tục học ở trường này. Vì em đã nhập học được một tuần rồi, nên không thể thay đổi lựa chọn được nữa, vì đã quá muộn.”

Thầy trả lời lại là chưa muộn đâu, bây giờ vẫn còn có thể được, nhưng tôi vẫn giữ nguyên quyết định của mình.

Thầy bắt đầu hơi lớn tiếng và đi thẳng vào vấn đề: “Ai cũng có lý tưởng của riêng mình, em có lý tưởng tự do dân chủ, còn chúng tôi có lý tưởng Cộng sản. Trường này do những người Cộng sản lập ra, và sẽ đào tạo ra những con người thuộc về chế độ chính trị Cộng Sản này.”

Tôi cũng lớn tiếng trả lời: “Khi dự tuyển vào trường này em không thấy chỗ nào giới thiệu trường này là do những người Cộng Sản lập ra, mà trường này là trường Dân lập. Em cũng không quan tâm và không cần biết trường này do Cộng Sản hay Tư Bản lập ra.. Và em cũng nói cho thầy biết, chức năng cao cả của giáo dục không phải là để đào tạo ra những con người thuộc về chế độ chính trị. Mà là đào tạo ra những con người tự do trước chế độ chính trị.”

Thầy: “Nếu không đào tạo ra những con người của chế dộ chính trị thì cũng đào tạo ra những con người để phục vụ cho chế độ chính trị. Giáo dục của Anh, Pháp, Mỹ cũng đào tạo ra những con người để phục vụ cho chế độ chính trị của nó, và giáo dục cũng Việt Nam cũng vậy”.

Tôi: “Giáo dục của họ sinh viên được tự do lựa chọn tư tưởng. Còn các trường đại học ở Việt Nam thì không. Vì các trường đại học của họ được tự trị mà thế lực chính trị không thể can thiệp được, ít nhất về mặt tự do nghiên cứu, học thuật. Còn ở Việt Nam thì không. Thầy xem tất cả trường đại học nào ở Việt Nam mà không có chi bộ Đảng Cộng Sản trong đó không, cho dù đó là trường Dân lập? Và điều đó có cần thiết không?”

Thầy trả lời là cần thiết, và còn cho biết, không chỉ trong các trường đại học có chi bộ Đảng mà còn có cả An ninh để quản lý và theo dõi sinh viên nữa, nên không phù hợp cho tôi theo học trường này.

Một lúc sau Thầy nhẹ giọng: “Tôi biết em đi học Luật để làm gì. Dù An ninh không ép nhà trường phải cho em thôi học vì nhà trường cũng có sự độc lập riêng. Nhưng An ninh đã thông báo về trường, thì nhà trường phải…”.

Tôi hỏi lại: “Giả sử an ninh gây sức ép để trường buộc em thôi học thì nhà trường căn cứ vào đâu để ra quyết định buộc em thôi học?”

Không đợi Thầy trả lời, tôi nói tiếp: “Em nói cho Thầy biết, nhà trường chỉ có thể buộc em thôi học khi em có những hành vi vi phạm phạm luật qua một bản án xét xử của Tòa án. Cơ quan An ninh không có chức năng xét xử mà họ chỉ là cơ quan điều tra. Họ điều tra và báo cáo như thế nào là việc của họ, nhà trường đừng để họ làm thay công việc của Tòa án và xem họ như là Tòa án”.
….
Cảm thấy thuyết phục tôi không được, Thầy có thổ lộ là trước khi làm việc với tôi, cô Y bên Cục an ninh cũng có nói với Thầy là không thể thuyết phục được tôi trong vấn đề này đâu, vì “nó là lý tưởng nên rất khó tác động để thay đổi”.

Không biết đây có phải là lý do để Thầy đánh phủ đầu tôi bằng những câu nói cứng rắn ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên để tìm kiếm hy vọng?

Khi thuyết phục tôi nghỉ học không được, Thầy chuyển sang đề tài trong khâu tuyển sinh, không biết có phải nhằm mục đích để “dọa” tôi hay không, ngẫm lại thật buồn... cười.

Thầy nói như vầy:
“Em học Cao đẳng ngành Quản Trị Nhân sự à. Như vậy là không đúng quy định (học trái ngành) để được học liên thông lên ngành Luật kinh tế ở trường này”

Tôi: “Khi nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường này, em đã đọc kỹ thông báo là sinh viên học Cao đẳng không đúng chuyên ngành luật vẫn được phép thi liên thông học lên đại học ngành Luật Kinh tế. Và em đã nộp hồ sơ, trải qua kỳ thi do trường tổ chức, và khi trúng tuyển em đã làm thủ tục nhập học thì không có vấn đề gì.”


Thầy: “Thông báo đó em đọc ở đâu?”