Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015
Nguyễn Hữu Vinh - Chủ nghĩa lý lịch và hậu quả quái đản
viết từ Hà Tĩnh
![]() |
Một kỳ thi tuyển sinh đại học quốc
gia tại trường Đại học Bách Khoa học và Công nghệ Hà Nội ngày 01 tháng 7 năm
2015. AFP photo
|
Sau những vụ cả thí sinh và phụ
huynh nháo nhác chạy rút ra đút vào hồ sơ của mình để kiếm tìm khả năng vào
trường đại học gây bức xúc dư luận nhân dân, thì lại nổi lên việc nhiều
học sinh vào trường Công an không được tuyển, chỉ vì "lý lịch gia
đình".
Những vấn đề đó phản ánh một tình
trạng đặc thù của Việt Nam thời Cộng sản. Thời mà đến mấy thế hệ được giáo dục
bởi "Nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam" (Hồ Chí Minh - Thư gửi Học sinh
nhân ngày khai trường 1945).
*Từ chuyện một thí sinh thi đỗ nhưng
không được vào trường
Chuyện một thí sinh rồi hai, ba thí
sinh thi đỗ vào một trường của ngành công an, nhưng đã bị từ chối vào trường
chỉ vì lý lịch của ông bố có tiền án. Mà cái tiền án đó đã có xóa án tích từ
thời đứa trẻ chưa được sinh ra.
Sẽ chẳng có gì nói như bao trường
hợp xưa nay vẫn thế, chuyện được đi học hay không, vào ngành công an hay quân
đội lại là một vấn đề thuộc "bí mật quốc gia" nên người dân chẳng ai
dám ý kiến. Có điều, thời nay là thời của mạng Internet, nên cái kim trong bọc
đã thò mũi ra để cho thấy một chính sách và cách làm của nhà nước, ngang nhiên
chà đạp mọi nguyên tắc pháp luật tối thiểu.
Lẽ thường, đối với một công dân khi
đã đủ 18 tuổi, họ tự chịu trách nhiệm cá nhân về bản thân họ trước pháp luật.
Lý là như vậy, luật là như thế. Nhưng ở Việt Nam, điều đó chỉ có trên giấy tờ.
Bởi các công dân Việt Nam đã và đang luôn chịu sự chi phối ngang nhiên của cái
lý lịch mà trong đó, nhiều điều rất ngớ ngẩn, chính bản thân họ cũng không hiểu
là gì.
Chẳng hạn, bất cứ tờ lý lịch nào của
học sinh sinh sau cái gọi là Cải Cách ruộng đất từ những năm 50 của thế kỷ
trước, vẫn phải ghi vào đó: Thành phần gia đình? Thành phần bản thân? - Những
quy định quái gở nhằm phân chia giai tầng xã hội trong phong trào tội ác thực
hiện chủ trương Cải Cách ruộng đất. Cái thời mà cho đến nay, kể cả những quan
chức cộng sản cao tuổi nhất đang cầm quyền, thì khi nó xảy ra, họ cũng chỉ là
những cậu bé cởi truồng chưa biết mặc quần áo.
Thế nhưng nó vẫn dai dẳng bám trụ
đến ngày nay và tác oai tác quái trên số phận những người dân bị trị.
*Chủ nghĩa Lý lịch - chiếc dây thòng
lọng phân biệt đối xử
Dù rằng trong Hiến Pháp và các văn
bản luật lệ của nhà nước, đặc biệt là các phát ngôn của những người cầm quyền,
những nhà ngoại giao... luôn luôn rằng thì là "mọi công dân đều bình đẳng
trước pháp luật" rằng thì là bỏ qua quá khứ để hướng tới tương lai, hòa
giải, hòa hợp dân tộc...
Thế nhưng, khi đụng đến những công
việc cụ thể trong đời sống xã hội thì sự phân biệt rõ ràng và rất... thực tế.
Khi đó những hành động của hệ thống cầm quyền không lưu tâm và thậm chí không
cần biết luật pháp là gì, quyền bình đẳng là thế nào.
Hãy nhìn vào bất cứ một tờ Sổ Hộ
khẩu hoặc Giấy Chứng minh Nhân dân của người dân Việt Nam, người ta sẽ thấy rất
rõ những thông tin mà nhà nước quan tâm như Tôn giáo, Dân tộc... Điều đó không
có nghĩa là nhà nước chỉ cần để biết mà trên thực tế, đó là sự phân biệt hẳn
hoi. Bởi bất cứ đi đến đâu, từ anh dân phòng đến chị phòng thuế, đều có thể
biết rõ tông tích tôn giáo của từng cá nhân. Mà với chế độ cộng sản Việt Nam
trước đây, thì con người mang tôn giáo được coi như một thứ "trọng
tội".
Thế nhưng, không chỉ các thông tin
trên tờ CMND hay hộ khẩu mới thể hiện sự phân biệt đối xử theo Chủ nghĩa lý
lịch, mà cả hệ thống cầm quyền đã nghiễm nhiên coi sự phân biệt đối xử là
chuyện hiển nhiên.
Đất nước trải qua nhiều giai đoạn
lịch sử và đã trải qua nhiều chế độ khác nhau. Ở mỗi chế độ, đều có những tầng
lớp đảm nhiệm những chức vụ, những công việc của nó. Thế nên khi sang chế độ
cộng sản, việc phân biệt đối xử đối với các thành phần, tầng lớp không được
cộng sản ưu tiên thì đó là tai họa đối với phần lớn những người "không
may" rơi vào những tầng lớp người, những tôn giáo mà nhà cầm quyền Cộng
sản không ưu ái.
Điều thấy rõ nhất ở chủ nghĩa lý
lịch, ngoài phân biệt đối xử với các thành phần, tầng lớp gọi là giai cấp, thì
việc phân biệt đối xử với tôn giáo càng hết sức trầm trọng và có hệ thống.
Trừ những nhóm tôn giáo bị nhà nước
lũng đoạn, khuynh loát, còn lại, hệ thống tôn giáo chân truyền và độc lập, là
những đối tượng bị phân biệt nặng nề, nhất là Công giáo.
Có thể nói, trong hệ thống cầm quyền
hiện nay với 11.118 xã, phường cho đến cấp Huyện, Tỉnh, Thành phố và Trung Ương
với đội ngũ công chức lên đến hàng triệu người, thì trong đó không hề có bóng
dáng một người công giáo chân chính nào. Ngoài ra, lực lượng công an đông nhung
nhúc hiện nay, ở đó không có chỗ cho người công giáo. Còn trong quân đội, người
công giáo muôn đời chỉ là anh lính trơn. Trong khi đó số giáo dân chiếm
1/10 dân số Việt Nam.
Bởi điều kiện đơn giản nhất, tối
thiểu nhất để được làm một chức vụ nào đó, dù rất nhỏ, họ đều phải trở thành
Đảng viên cộng sản, một tổ chức theo chủ nghĩa Mác vô thần - Điều này, đồng
nghĩa với việc những người đó buộc phải từ bỏ tôn giáo họ đang theo.
Một thời gian rất dài, những học
sinh, con em công giáo đến trường bị phân biệt đối xử thậm tệ. Sự phân biệt đó
không chỉ ở những ánh mắt, lời nói, sự xúc phạm ngang nhiên của thầy giáo, bạn
bè về tôn giáo các em đang theo, không được thực hiện các nghi lễ tôn giáo,
nghỉ ngơi những ngày lễ buộc... mà ngay trong chương trình đào tạo, những sự
chống đối, nhục mạ niềm tin người có tôn giáo nghiễm nhiên được đem ra sử dụng.
Thậm chí, những năm trước đây, khi làm hồ sơ thi Đại học, học sinh công giáo và
các tôn giáo khác đều được hướng dẫn ghi vào phần Tôn giáo: Không. Ban đầu, học
sinh chỉ hiểu rằng ghi như vậy nhằm mục đích là để được dễ dàng hơn trong việc
học tập trong môi trường đại học và chuyên nghiệp vốn kỳ thị tôn giáo nặng nề.
Thế nhưng, mãi cho đến sau này, người ta vẫn khó hiểu vì sao lại có chuyện đó.
Có thể có một nguyên nhân khác, là trên con số thống kê chính thức, số
lượng người mang tôn giáo giảm đi đáng kể theo những người vào cơ quan
nhà nước?
Chính vì thế mà đã xảy ra chuyện hài
hước là một linh mục công giáo ở Giáo phận Vinh được ghi trong hồ sơ của Hội
đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ở mục tôn giáo: Không.
Ở đất nước Việt Nam, cái được xác
định với cái tên nửa dơi, nửa chuột là "Nhà nước pháp quyền XHCN" dưới
"sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng" và qua đó, sự phân biệt đối xử bằng
chủ nghĩa lý lịch trầm trọng trong đời sống xã hội.
*Từ chuyện ưu tiên tội phạm đến ưu
tiên kiến thức
Chủ nghĩa lý lịch không những chỉ
tác động đến những việc phân biệt đối xử, bố trí công việc, cất nhắc trong xã
hội, mà chủ nghĩa lý lịch còn tác động đến những vấn đề trầm trọng hơn như tội
phạm và thi cử.
Trong rất nhiều phiên tòa dưới sự
lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản, các gia đình có công với cách mạng, gia
đình cán bộ, quan chức, các tội ác đều được giảm nhẹ mức hình phạt một cách
đáng ngạc nhiên.
Người ta dần dần không thấy lạ, khi
ba nông dân trộm một hai con vịt thì bị phạt tù 13 năm. Trong khi quan chức
cộng sản tham nhũng, hối lộ, phá hoại hàng ngàn tỷ, thậm chí là cả chục ngàn tỷ
đồng của nhân dân thì chỉ "chịu trách nhiệm chính trị" rồi thôi. Hình
như, cái việc "chịu trách nhiệm chính trị" nó quan trọng và nguy hiểm
hơn cả việc tù đày, chết người của người dân?
Như vậy, điều đó có nghĩa là cùng
một hành động tội ác, thì những người có công, có lý lịch tốt được ưu
tiên mức án nhẹ hơn. Có nghĩa là tội ác được ưu tiên hơn, dung túng hơn cho
những người "Có công với cách mạng" có công với đảng và nhà nước?
Đó là sự tác oai, tác quái của cái
gọi là chủ nghĩa lý lịch trong hệ thống pháp quyền hiện nay.
Không chỉ có những lĩnh vực về
đời sống xã hội, kinh tế, tội phạm được ưu tiên sử dụng chủ nghĩa lý lịch, mà
việc thi cử bổ nhiệm gần đây cũng đã dần dần lột trần sự vô lý đến buồn cười
của sự tác động này. Đó là việc ưu tiên điểm thi tuyển vào trường Đại học (!)
Điều ai cũng biết, kiến thức là điều
chỉ có được trong quá trình học tập và tích lũy cho mỗi cá nhân. Để phục vụ xã
hội trong những lĩnh vực nhất định từ khoa học kỹ thuật đến khoa học xã hội,
điều cơ bản cần thiết là các cá nhân phải có một trình độ nhất định. Mà trình
độ đó chỉ phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận, sáng tạo của mỗi người chứ hoàn
toàn không phụ thuộc vào cá nhân đó là ai, lý lịch như thế nào.
Thế nên, một nguyên tắc rất rõ ràng
là kiến thức phải được sử dụng đúng với những yêu cầu khách quan của xã hội.
Một cây cầu, tòa nhà được thiết kế,
xây dựng lên cần những yếu tố như sự bền vững, an toàn và tiết kiệm cần thiết.
Điều này chỉ có thể được thực hiện bởi những người có trình độ nhất định, mà
trình độ đó không phụ thuộc vào tiêu chí vì anh ta là "con của người có
công" của quan chức hoặc thành phần ưu tú của đảng hay thuộc thành phần
đảng không ưa. Bởi dù được thiết kế, thi công bởi những hạt giống đỏ đi nữa, mà
trình độ kém, thì cầu vẫn sập và nhà vẫn đổ như thường.
Bởi lẽ chẳng có cái lý lịch nào thay
được kiến thức con người.
Vì thế chẳng xã hội tiến bộ nào có
thể chấp nhận nghịch lý là những sản phẩm đưa ra xã hội không đủ tiêu chuẩn vẫn
cứ ngang nhiên tồn tại "bình đẳng" chỉ vì nó từ thành phần được ưu
đãi.
Thế nhưng, những điều vô lý đó vẫn
nghiễm nhiên tồn tại như một quy luật của riêng chế độ Cộng sản với chủ nghĩa
lý lịch.
Những cuộc thi cử chọn người hiền
tài, những phần tử con ông cháu cha, người có công, con thương binh, liệt sĩ,
con quan chức... được ưu tiên thêm điểm và các điều kiện khác để vào các trường
đại học.
Và điều gì sẽ xảy ra khi các sản
phẩm con người được chọn từ những người kém về kiến thức nhưng được ưu tiên đó?
Hẳn nhiên sẽ có một lớp người với
tấm bằng trong tay một cách tượng trưng để đưa ra xã hội, cộng với lý lịch
"đẹp đẽ" rồi được đưa vào các cơ quan nhà nước, để rồi với kiến thức
và trình độ ngu muội gia truyền, họ sẵn sàng phá nát đất nước không thương
tiếc.
*Con vua thì lại làm vua?
Khi mới cướp được chính quyền, trong
các sách giáo khoa, luôn có những câu ca dao rằng thì là "con vua thì lại
làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa" nhằm tố cáo chế độ phong kiến thối
nát và lạc hậu. Rằng chế độ đó không có chỗ cho người dân dù tài giỏi và uyên
bác đến mấy có chỗ để dung thân.
Thế nhưng, càng ngày, người ta càng
thấy trong chế độ "XHCN ưu việt", hiện tượng con vua lại làm vua ngày
càng trắng trợn bất chấp dư luận.
Người ta không lạ gì một Nông Quốc
Tuấn, được đưa lên giữ những chức vụ quan trọng chỉ vì đó là con Nông Đức Mạnh,
dù anh ta học hành chẳng có gì nổi bật hoặc có thể nói là dốt, không đỗ đại học
đi lao động ở Đức về đưa cấu tạo vào đoàn thể, dựa thế bố mà leo lên.
Người ta cũng không ai không biết
nếu không phải là con của Nguyễn Tấn Dũng thì cậu bé Nguyễn Minh Triết vào BCH
Đảng bộ Tỉnh Bình Định khi mới 24 tuổi là chuyện mặt trăng rơi xuống đất.
Người ta cũng chẳng ngạc nhiên khi
Nguyễn Bá Cảnh vào Thành ủy Đà Nẵng khi 31 tuổi chỉ vì là con Nguyễn Bá Thanh -
một người luôn ra rả về tệ nạn lạm nhũng chức quyền và kéo bè kéo cánh trong cơ
quan nhà nước.
Thế rồi, như cha ông nói:
"Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Càng ngày càng nở rộ chuyện con ông
cháu cha vào chiếm chỗ trong các cơ quan quyền lực nhà nước cách bất thường.
Mới đây, con trai Bí thư Thành ủy Sài Gòn Lê Thanh Hải là Lê Trương Hải Hiếu
trở thành chủ tịch quận trẻ nhất Sài Gòn khi mới 34 tuổi. Tiếp bước là con trai
cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam làm giám đốc sở ở tuổi 30...
Như vậy, những thực tế của nhà nước
cộng sản ngày nay, đã vả vào miệng những nhà tuyên giáo đã từng mạnh mẽ lên án
chế độ thực dân phong kiến thối nát đã dung túng hiện tượng "Con vua thì
lại làm vua".
Có lẽ ngày nay, dưới "chế độ ưu
việt" điều khác biệt hơn chế độ phong kiến ngày xưa là ở chỗ: Ngày xưa, cả
nước chỉ có một vua, còn ngày nay, có một tập thể các ông vua mang cái thẻ đảng
viên đỏ chót.
Và chủ nghĩa lý lịch đã thành công
trong việc tạo nên hiện tượng xã hội quái đản này.
Phải chăng, đó cũng là đặc thù của
"chế độ mới, chế độ ưu việt" luôn rêu rao: "Mọi người đều bình
đẳng"?
Hà Tĩnh, Ngày 24/9/2015